Có một câu đố nơi các linh mục mà tôi nghe được ở mọi châu lục tôi từng đến (tất cả trừ Nam Cực) đó là: “Ba việc mà Chúa không biết là gì?” Câu trả lời thứ ba là: “Dòng Tên sẽ làm gì tiếp theo?”
Tất nhiên phần lớn thế giới đang hiếu kỳ muốn biết một tu sĩ dòng Tên đặc biệt sẽ làm gì tiếp theo trong vai trò giám mục Rôma – Đức Thánh cha Phanxicô.
Hơn một năm sau khi ngài lên ngôi giáo hoàng, niềm phấn khích do phong cách của ngài khác với những gì người ta mong đợi nơi một vị giáo hoàng đang bắt đầu nhường chỗ cho sự nôn nóng. Cách đây vài ngày, một bài xã luận trên tờ New York Times kêu gọi ngài xử phạt một tổng giám mục ở Mỹ bị buộc tội che đậy nạn lạm dụng tình dục trẻ em. Sự nôn nóng như thế không chỉ thể hiện trên tờ báo đó, cũng không chỉ ở nước đó. Hiện nay người ta đang tự hỏi khi nào phong cách sẽ mang đến thông điệp.
Theo như câu đố ngụ ý, cố đoán một tu sĩ dòng Tên dự định làm gì tiếp theo có thể là một việc làm vô ích, nhưng tôi vẫn thử đánh liều.
Trong đặc sủng của dòng Tên, được đặt trên nền tảng Linh Thao của vị sáng lập dòng Thánh I-nhã Loyola, có phần gọi là “nhận thức rõ”. Nói đơn giản (theo quan điểm của người ngoài), nó liên quan đến việc cầu nguyện và phản tỉnh tìm ra và xem xét toàn bộ vấn đề liên quan đến một quyết định. Sau đó khi tất cả đã được khám phá hoàn toàn theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, người ta bắt đầu hành động.
Gần đây, chúng ta chứng kiến bằng chứng cho thấy đây là cách Đức Phanxicô thực hiện trong năm đầu tiên làm giáo hoàng. Và bây giờ ngài bắt đầu đưa ra các động thái. Việc sa thải ban quản trị ngân hàng Vatican và bổ nhiệm một hồng y giám sát các hoạt động tài chính của Vatican là hai trong số các động thái như thế.
Đức Thánh cha đã thành lập các ủy ban xử lý nạn khủng hoảng lạm dụng tình dục và tháo gỡ tình trạng nổi tiếng bát nháo trong bộ phận truyền thông Vatican . Ngài cách chức một hồng y nổi tiếng thích cappa magna (áo choàng có đuôi dài đến độ cần một nhóm người hầu theo khiêng) khỏi văn phòng Vatican đặc trách việc bổ nhiệm giám mục để thay thế bằng một người quan tâm hơn đến việc tìm kiếm các giám mục mới hợp với hình ảnh mục tử của Đức Phanxicô luôn chăm lo cho đàn chiên.
Do đó chúng ta có thể bắt đầu chứng kiến thành quả của sự nhận thức rõ nơi vị tu sĩ dòng Tên đặc biệt này.
Tuy nhiên, người ta cũng đang mong chờ Đức Thánh cha thể hiện khả năng lãnh đạo trong các lĩnh vực khác nữa. Một trong số đó là vấn đề nới lỏng quy định sống đời độc thân đối với linh mục theo Nghi lễ Latinh. Phản đối các bản dịch phụng vụ mang tính áp đặt cũng là một vấn đề nữa. Tuy nhiên, tôi nghi rằng trong cả hai vấn đề này chúng ta đều không có thể mong Đức Thánh cha có hành động dứt khoát được. Ngay cả khi nhận ra câu đố đó đang cảnh báo về việc mạo muội tìm hiểu một tu sĩ dòng Tên, tôi vẫn thừa nhận lý do cho việc này là Đức Phanxicô có một mục nghị trình lớn hơn và các động thái như thế về vấn đề sống độc thân và các vấn đề khác có thể sẽ phá hỏng nó.
Tôi nghĩ Đức Thánh cha muốn bãi bỏ quyền giáo hoàng theo chế độ quân chủ tập trung quyền có từ thế kỷ 19. Ngài đã nêu rõ cam kết dùng phương pháp lãnh đạo mang tính thượng hội đồng hơn và trở lại các truyền thống xưa về vai trò của giáo hoàng và giáo triều.
Chẳng hạn, ngài có thể thay đổi quy định đời sống độc thân bằng cách ban hành sắc lệnh, nhưng điều đó chỉ củng cố thêm địa vị giáo hoàng theo kiểu hệ thống cai trị chuyên chế do một người nắm quyền. Rõ ràng ngài cảm thấy hay nhận thức rõ vào thời điểm này trong lịch sử một điều mà Giáo hội không cần đó là áp dụng quyền lực như thế.
Sau khi hội kiến Đức Phanxicô hồi tháng Tư, Đức Giám mục Erwin Kräutler của Xingu ở Brazil nói: “Đức Thánh cha giải thích một mình ngài không thể kiểm soát mọi thứ từ Rôma. Giám mục địa phương chúng ta, là người hiểu rõ nhu cầu của tín hữu, hãy corajudos, có nghĩa là “can đảm” theo tiếng Tây Ban Nha, và đưa ra những đề xuất cụ thể”.
Nói cách khác, dường như Đức Thánh cha đang chờ các giám mục và đặc biệt là các hội đồng giám mục dũng cảm gánh trách nhiệm đề xuất đường hướng. Sau đó ngài sẽ hưởng ứng các đề xuất đó.
Tình trạng sống đời độc thân của giáo sĩ không phải là vấn đề duy nhất cần được các giám mục đương đầu với cảnh thiếu linh mục xử lý. La tinh hóa các bản dịch phụng vụ do Rôma áp đặt cũng là một vấn đề. Nhưng vấn đề này chắc hẳn không chỉ có bản dịch. Việc triển khai các nghi thức phụng vụ thích hợp cho các nền văn hóa khác nhau trên thế giới để chúng ta không còn cần nghi thức thờ tự như người châu Âu phương Tây ở thế kỷ thứ sáu thì sao?
Đây sẽ là một nghi thức không chỉ đối với người Công giáo tại châu Á, mà còn trên cả thế giới và còn đối với Đức Phanxicô nữa nếu các hội đồng giám mục châu Á theo từng hội đồng hay thông qua Liên Hội đồng Giám mục Á châu phải xem xét một số vấn đề cần giải quyết mà không chờ chỉ dụ hay sự cho phép của thượng cấp. Điều này có thể mang lại cho Đức Phanxicô kết quả mà ngài thực sự đang hy vọng được nhìn thấy.
[Và hai câu trả lời còn lại cho câu đố này là: “Dòng Phanxicô có bao nhiêu của cải?” và “Có bao nhiêu cộng đoàn nữ tu trong Giáo hội?” Một linh mục người Ấn Độ tôi gặp đã hỏi thêm: “Còn bổng lễ thì sao?”]
(Linh mục William Grimm, UCAN 31.07.2014)
Linh mục William Grimm thuộc dòng Maryknoll chịu trách nhiệm xuất bản của ucanews sống ở Tokyo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét