Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Tuổi trăng chưa tròn


Chẳng thú vị gì khi chúng ta ngắm một vầng trăng khuyết, khi nếm vị trái cây còn xanh. Cách nào đó, có thể ví tuổi thanh thiếu niên như vầng trăng chưa tròn, như thứ trái chưa chín. Vì vào độ tuổi này, các em tuy không còn là trẻ con, nhưng lại chưa thành người lớn, chưa hòa nhập được với xã hội của người lớn.
Khó khăn ở tuổi thanh thiếu niên
Trong đời người, có nhiều giai đoạn về độ tuổi, sự chuyển tiếp từ giai đoạn này đến giai đoạn kế tiếp được đánh dấu bằng những xung đột, khủng hoảng.  Trong đó, giai đoạn thanh thiếu niên quan trọng nhất, nhưng dễ bị khủng hoảng nhất vì các em phải chịu nhiều biến đổi phức tạp về tâm lý, sinh lý lẫn xã hội. Toàn thân các em như một lò năng lượng, các kích thích tố tăng trưởng làm cho các em nhảy vọt chiều cao, thân hình nảy nở. Kích thích tố sinh dục nam, nữ hoạt động mạnh mẽ để tạo nên sự thay đổi chuyên biệt hầu trở thành người nam và người nữ. Nhiều em bối rối, lo lắng, mỏi mệt, nhức đầu, chán ăn hoặc ăn quá nhiều. Có em phản ứng, cáu kỉnh, hung bạo, ngang ngược, hay gây sự, hay cãi, cư xử lệch lạc, sai lầm. Nhưng có em lại lặng lẽ, lầm lỳ, ít nói, ít cười, trầm ngâm, hay nghĩ quẩn, bi quan chán đời, thích ở một mình.  Có em sống trong tình trạng bị xa lánh, bị cô lập, nghĩ rằng chẳng được ai hiểu, ai thương, chẳng ai đón nhận.
Tương quan giữa các em với cha mẹ, với gia đình giảm đi, không muốn lệ thuộc, nhưng muốn tự lập, muốn tách khỏi sự quản lý, kiểm soát của gia đình. Các em thích nhóm bạn, quan tâm đến tình bạn, tình yêu nam nữ, thích có phong cách riêng qua trang phục, kiểu nói, kiểu tóc.
Tình trạng bất ổn của thanh thiếu niên, không luôn là bệnh hoạn, nhưng thuộc về tính phát triển. Bất ổn của sự phát triển là một điều kiện mà mọi thanh thiếu niên phải trải qua. Nếu không vượt qua, người trẻ rơi vào bất ổn, bệnh hoạn và có thể không có lối thoát. Trong lãnh vực giáo dục điều quan trọng là thấu hiểu, là nhận ra những nhu cầu của tuổi trẻ. Rất tiếc, đa số cách đối phó của người lớn đã khiển trách, ngăm đe, cấm đoán.
Don Bosco và thanh thiếu niên.
Nhiều năm sống giữa người trẻ, Don Bosco thấu hiểu thực sự người trẻ. Ngài chọn thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi là đối tượng ưu tiên và dành trọn cuộc đời để yêu thương và giáo dục chúng. Với kinh nghiệm sống gần người trẻ, Ngài hiểu với độ tuổi đang lớn, chúng dễ bồng bột, hay thay đổi, dễ hứng, dễ nản, không thích học hành, khó giữ kỷ luật; dửng dưng với việc giáo dục, ngại, chán cầu nguyện; thích tự do, thích chuyển động, mê chơi, ham vui, thích nhóm bạn…
Hiểu rằng, vì các em thiếu kinh nghiệm, thiếu suy nghĩ nên dễ bị lôi cuốn và bị cám dỗ làm điều xấu, Don Bosco xác quyết rằng nơi mọi thiếu niên, ngay cả những em tồi tệ nhất vẫn có những điểm tốt, nhiệm vụ của nhà giáo dục là tìm ra điểm tốt ấy. Kim chỉ nam của ngài là luôn hiện diện để nâng đỡ, dùng sức mạnh của lý trí và tình yêu để chinh phục. Cần chiếm được cõi lòng các em để chinh phục, giáo dục chúng. Từng bước giúp các em biết suy nghĩ, đánh giá, phê phán đúng, đưa ra lý lẽ, lý do chính đáng chứ không áp đặt.
Tuổi trẻ thường ngại và chán cầu nguyện, dửng dưng với việc đạo đức, nhưng các em lại nhạy cảm đối với sự thiện, Don Bosco không bắt buộc, nhưng soi sáng, hướng dẫn, tạo điều kiện tham dự “các con hãy vào nhà thờ nhiều lần trong ngày” nhưng nhớ đến tính hiếu động của tuổi trẻ, ngài thêm: “chỉ vài phút thôi cũng được”. Ngài thuyết phục các em làm điều thiện bằng cách nói lên điều tốt, điều tích cực, vẻ đẹp, vẻ cao cả của chân lý.
Thích chuyển động, yêu cuộc sống, thích vui, thích chơi là đặc điểm của tuổi trẻ, khi còn là thanh thiếu niên, Gioan Don Bosco cũng thích có bạn, có nhóm, và còn lập một “Hội Vui” gồm các bạn có bổn phận sống vui tươi, làm điều tốt, chu toàn các bổn phận ở nhà và tôn giáo. Sân chơi lành mạnh là một trong những yếu tố giáo dục lớn, ngài nói: “hãy để các em tự do chạy nhảy, kêu la mặc sức. Thể thao, âm nhạc, kịch nghệ, đi dạo, là những phương pháp rất hiệu lực để giữ kỷ luật, có lợi cho đạo đức và sức khỏe. Chỉ sao lưu ý cho những tiết mục liên hoan, những người tham gia và những lời nói không có gì đáng trách”.
Giai đoạn thanh thiếu niên là giai đoạn quan trọng, nhưng phức tạp, bất ổn và dễ bị khủng hoảng nhất. Ngày nay, các em gặp nhiều khó khăn và cám dỗ hơn nhiều so với thế hệ cha anh. Hơn bao giờ hết, tuổi “trăng chưa tròn, trái chưa chín” rất cần đến những người trưởng thành thấu hiểu các em, có khả năng hướng dẫn, trợ giúp đồng hành với các em trên hành trình tiến đến lứa tuổi trưởng thành cách tốt đẹp nhất .
Ngọc Tâm FMA

Không có nhận xét nào:

10 BÍ QUYẾT GIÚP BẠN THĂNG TIẾN HÔN NHÂN

Nhiều xu hướng hiện đại đang đe dọa đến sự bền vững của gia đình, kể các các gia đình Công giáo. Dưới đây là 10 gợi ý để các gia đình có thể...