Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Phút trầm ngâm những ngày cuối năm

Một năm trôi qua thật nhanh, mới thế mà nay đã là những ngày cuối cùng của năm 2021. Ngoảnh đi ngoảnh lại, ấy vậy một cái chớp mắt đã qua ngày, qua tháng, hết năm… 365 ngày với đủ đầy những dư vị và sắc màu của cuộc sống. Thêm một năm qua đi, thêm một chút luyến tiếc, thêm một chút nhớ thương. Chợt nghĩ thế giới năm qua thay đổi đến mức tất cả mọi người đều phải trầm ngâm. Cùng với những phút trầm ngâm của nhân loại, mỗi người cũng phải trầm ngâm, nếu không thì rất khó để trở nên chín chắn, thậm chí khó trở thành người đứng đắn. Vì tất cả những sự ồn ào và hấp tấp diễn ra ngoài phố hoặc trong truyền thông, đấy là biểu hiện đặc trưng của cái mà triết gia người Đức Immanuel Kant gọi là “trạng thái vị thành niên” của con người. Đấy là sự hấp tấp, vội vàng, hớn hở không thỏa đáng đối với tính chất rắc rối của đời sống hay thao thức suy tư về ý nghĩa cuộc đời.

Những ngày cuối năm nhìn lại và bước đi. Thêm một năm mà những niềm vui chưa kịp ghé ngang lâu hơn mà nỗi buồn liên miên lại kéo tới dâng đầy cõi lòng với đầy ắp suy tư; lại thêm những ồn ào của cõi lòng, đôi khi dịu dàng sóng êm mà cũng có lúc nổi lên dữ dội, gầm vang trong đêm. Thêm một năm đầy khó khăn và sóng gió liên tục, bủa vây bởi dịch Covid, “ngăn sông cấm chợ,” hết cách ly xã hội rồi đi vào cái “bình thường mới.” Giờ đây, người ta đã quen với việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, làm việc và hội họp qua Zoom, tham dự Thánh lễ trực tuyến, học hành thi cử online… Những ngày cuối năm, lặng nhìn về những mất mát trong gia đình, trong khu xóm và trong lòng ta. Nhiều người đã mất đi người thân trong cơn đại dịch, nhiều đứa trẻ qua một đêm trở thành trẻ mồ côi, nhiều người vội vàng chia tay người thân đi cách ly rồi khi trở về chỉ còn là hũ tro cốt lạnh lẽo… Giọt nước mắt chảy ngược không khỏi khiến lòng ta thêm buồn tủi và trống vắng.

Những ngày cuối năm, nhiều người tự cho mình những giây phút ‘chậm lại’ với tách trà, ly café nơi góc nhỏ, hay dạo quanh phố đi bộ, lắng nghe tiếng bước chân rộn rã ngoài kia, đếm thời gian lặng lẽ trôi đi, ôn lại chuyện cũ, tổng kết một năm. Trong những hối hả lo toan của cuộc sống đời thường, nhất là trong những ngày cuối năm này, tự dưng lại nhớ gia đình nhiều hơn những nỗi nhớ không tên. Là nỗi lòng của những người con xa quê lâu ngày, nỗi khát khao Tết tới gần để có thể trở về bên gia đình thân thương, về “gia đình vẫn là trên hết.” Là nghe đâu đây hương vị của Tết, của bồi hồi, của nhớ nhung. Là bài hát vui sum họp khiến ta nặng lòng, xuyến sang. Là ước muốn quay trở về thời thơ bé vô lo, thu mình trong vòng tay chở che của cha mẹ, không cần biết ngoài kia cuộc sống toan tính, vất vả biết nhường nào.

Những ngày cuối năm, người người vẫn vội vã, đường phố vẫn tấp nập. Là khoảng thời gian bận rộn nhất, là những buổi tăng ca vì những đơn hàng cuối năm và chỉ hơn tháng nữa là Tết Nguyên Đán. Là bận rộn loay hoay với những việc không tên lấp đầy đi mọi khoảng trống mông mênh để mà suy nghĩ cái này, tính toán cái kia và tranh đua những điều vụn vặt. Cuộc sống bộn bề còn lắm những chông chênh, những bước đi còn vụng dại, chao đảo. Rồi đôi lần vấp ngã, đôi lần cảm giác ta lạc lỏng giữa đời đến rơi nước mắt. Những cái đôi lần làm ta nghẹn cay ở sống mũi, những cái đôi lần làm ta vỡ òa trong tiếc nuối.

Người ta hình dung ra sự có mặt của mình ở trên đời do soi gương. Với nhiều người, những giây phút chìm trong thinh lặng cuối ngày là những tấm gương mà con người soi vào đấy sẽ thấy bản thân mình. Một khoảng lặng để ngắm nhìn bản thân, ngắm nhìn mỗi người mình thương yêu để biết cho đi nhiều hơn.

Một năm kết thúc với cái “bình thường mới”, chuyển hướng từ mục tiêu “Zero Covid” thành “sống chung, thích ứng với dịch bệnh.” Những ngày cuối cùng của năm, những ngày của vòng tay ôm, của cái nắm tay thật chặt và những ngày để nhắc nhớ lại những gì đã qua… Thử thách và đau thương trong năm qua chẳng phải một sự kết thúc, mà đơn giản chỉ là một nốt trầm trong những nhịp ngân và thăng. Đời người như một dòng sông, thấy là thẳng nhưng không phải thẳng; thấy là uốn khúc nhưng không phải cong; thấy là ngược dòng nhưng luôn xuôi chảy. Cuối năm rồi, qua vài ngày nữa là năm mới. Năm mới, người ta hay vạch ra những kế hoạch mới, mục tiêu mới, hành trình mới… Nhưng thật ra đó cũng chỉ là những kế hoạch cũ, mục tiêu cũ, hành trình lỡ còn dở dang đấy thôi! Nên năm mới cần xin ơn phó thác, xin sự bắt đầu để mỗi khoảnh khắc trong ngày sống ta luôn biết bắt đầu và lại bắt đầu.

Gió Biển

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

Bình An Cho Người Thiện Tâm


Chúa mang bình an cho những ai thiện tâm
Một mùa Noel nữa lại đến. Người Công Giáo gọi là Mùa Noel. Người ngoại đạo gọi là mùa Giáng Sinh. Và có nhạc sĩ lại gọi là “Mùa sao sáng”. Dù cách gọi khác nhau nhưng đều hướng về một niềm vui là mừng kỷ niệm ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm  người. 

Con Thiên Chúa làm người mang bình an đến cho nhân loại. Bình an này sẽ ban tặng cho những ai thành tâm thiện chí khao khát điều thiện và sống ngay lành. Vâng, bình an hay hòa bình luôn là nỗi khao khát của mọi người và mọi thời. Hòa bình được diễn tả như là một khung cảnh thanh bình không chỉ là không có chiến tranh mà còn là một khung cảnh hài hòa của con người và vạn vật. Khi Chúa đến trần gian thì muôn dân nước sẽ sống trong cảnh hòa bình: sói nằm chung với chiên con, trẻ con thò tay vào hang rắn mà không sợ rắn độc cắn… Trong Nước Thiên Chúa, người nghèo khó, kẻ thấp bé, người cùng khốn bị đẩy ra bên lề xã hội sẽ được Chúa xét xử công minh, người thấp cổ bé họng có tiếng nói như mọi người và mọi người sẽ được lãnh nhận ơn cứu độ vì Chúa là Đấng công minh, chính trực và hết mực trung thành.

Nỗi khao khát hòa bình cũng được cô gái trẻ 23 tuổi đã nói một cách đầy cảm hứng trong ngày cô đăng quang Hoa Hậu Thế Giới. Hoa Hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã nói như sau:

“Hòa bình giống như không khí ở xung quanh chúng ta. Chúng ta sống và nghĩ về nó hàng ngày, nhưng không hiểu sao chúng ta cho rằng bảo vệ hòa bình không phải là nhiệm vụ của chúng ta. 

Chiến tranh không chỉ xảy ra ở quá khứ mà chiến tranh còn là cuộc chiến giữa thiên thần và ác quỷ trong mỗi người chúng ta. Vì thế chúng ta là những người có thể kiểm soát và kiềm chế nó. 

Ngày hôm nay tôi đứng ở đây để sát cánh cùng với những người bị bỏ rơi và cả những ai muốn làm tổn thương người khác. 

Chúng ta đều là anh hùng của chính mình. Chúng ta hãy cùng nhau tạo lập một thế giới hòa bình và tươi đẹp!”

Vâng, ước mơ hòa bình, ước mơ được đối xử bình đẳng vẫn là ước mơ của con người qua mọi thời đại. Ước mơ ấy cần được thực hiện ngày từ tâm hồn mỗi người biết chiến thắng cái ác, và quảng đại làm việc thiện với ý hướng ngay lành là chúng ta đang làm cho thế giới hòa bình và thịnh vượng.

Hôm nay chúng ta tưng bừng mừng kỷ niệm việc Con Thiên Chúa xuống trần. Thiên Chúa làm người để ở cùng chúng ta. Đây là niềm vui, là hạnh phúc vì Thiên Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ và ban bình an cho những ai biết mở rộng lòng đón tiếp Người. Cuộc sống hạnh phúc biết bao khi có Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chính Ngài sẽ ban tặng bình an cho con người. Chính Ngài sẽ dẵn dắt con người đi trong chân lý vẹn tuyền. 

Nhưng tiếc thay, con người vẫn cứ nuôi dưỡng hoài bão tự tạo bình an theo ý mình. Ai cũng đòi theo ý mình nên thế gian thường nổi loạn, chống đối và loại trừ nhau. Con người lấy mình làm trung tâm nên chẳng ai nghe ai, chẳng ai chịu ai dẫn đến một thế giới hỗn độn, cá lớn nuốt cá bé, người người tranh chấp tị hiềm nhau. Hòa bình chỉ có khi tự bản thân chúng ta bỏ đi những tham sân si để sống bác ái yêu thương ngay với người thân của mình. Hòa bình sẽ ngự trị khi chính tâm hồn sống ngay lành trong tư tưởng, lời nói và hành động.

Xin cho mùa Noel này là mùa của hòa giải, mùa của yêu thương để xóa đi những nỗi đau của hận thù chia rẽ, ngõ hầu cùng nhau xây dựng một trời mới đất mới ngập tràn yêu thương. Xin cho nền hòa bình sẽ ngự trị và công lý sẽ nở hoa trong cuộc sống hôm nay. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền


Màu Nhiệm Tự Hạ


 “Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng ta”

Phật giáo quan niệm rằng cuộc đời này là bể khổ. Chỉ khi nào con người thoát ra khỏi biển đời trần gian này thì con người mới hết khổ. Con người đạt đến cõi niết bàn, nơi đó họ không bị tham, sân, si của dòng đời này chi phối,… Như thế, những nhà tu hành thường chọn về những nơi thanh vắng để tu luyện, để tách biệt khỏi cuộc sống bon chen này.

Thiên Chúa lại có những đường hướng khác mà trí khôn con người không thể hiểu được. Thiên Chúa cứu chuộc con người bằng cách sai Con Một đi vào dòng đời và đồng hành với con người. Người nhập thể giữa cái giá lạnh của mùa đông để đem hơi ấm của Thiên Chúa cho nhân loại, giữa bóng đêm bao phủ thì Người lại đem ánh sáng, trong sự từ chối thì Người lại trao ban tình thương, giữa tranh giành quyền lực thì Người trở nên Hài Nhi bé bỏng, cần đến sự chăm sóc của người khác. Như thế, Thiên Chúa không phải là vị thần nghiêm khắc, luôn kiểm soát và trừng phạt con người, nhưng là một người cha yêu thương, sống giữa con người. Một người ở phía trên để ban phát thì dễ, nhưng để đồng hành, cùng chia sẻ và trở nên thân phận thấp kém hơn mình thì thật khó. Thiên Chúa đã trở nên như chúng ta, cùng chịu kiếp người: nghèo khổ, đói khát, bị bỏ rơi, bị phản bội,…Từ trong thân phận con người, Người trở nên con đường cho ta bước theo, là sự thật đích thực và là sự sống vĩnh cửu. Như thế, ai tin và bước theo Người đến cùng sẽ được hưởng hạnh phúc muôn đời.

Thế giới hôm nay, đang trải qua nhiều biến động, có lúc chúng ta cũng tưởng chừng như đang sống trong sự cô đơn và tuyệt vọng. Nhưng trong sự sợ hãi và hoang mang, chúng ta vẫn còn niềm hy vọng, chính là Ngôi Lời Nhập thể đã đến và ở cùng chúng ta. Ngài là nguồn Ánh sáng, sẽ giúp chúng ta xua tan đi bóng đêm của sự sợ hãi. Ngài sẽ mang bình an, đến từng ngõ ngách của tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa đã nhập thể đi vào thân phận con người, đồng thời Người mời gọi mỗi người chúng ta  ra khỏi sự an toàn của bản thân và bước vào cuộc phiêu lưu trong cõi đời này, để mang ánh sáng hy vọng của Người đến những con người đau khổ, để băng bó vết thương cho tha nhân, để an ủi những mảnh đời bất hạnh, trở thành nơi nương tựa cho những ai thất vọng.

Lạy Chúa, khi suy niệm về mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm tự hạ mà Thánh  Phaolô đã nói: “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7). Chúng con cảm nhận tình thương lớn lao mà Chúa đã dành cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con chấp nhận những khó khăn, luôn bình an trước những thử thách của cuộc sống vì biết Chúa luôn đồng hành cùng chúng con. Nhờ đó, đời sống chúng con luôn tràn đầy niềm vui, hy vọng để chúng con mở lòng đến và chia sẻ với những anh chị em bất hạnh khác. Amen.

Đồng Tiền Hồng

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Ý nghĩa “vòng hoa mùa vọng”

Mùa Vọng bắt đầu vào Chủ Nhật ngày 28 tháng 11 này. Đó là thời khắc tuyệt đẹp để bắt đầu chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh. Trong những ngày chuẩn bị đón chờ Chúa đến, hình ảnh “Vòng Hoa Mùa Vọng” dường như quen thuộc với nhiều người.

 

Vòng Hoa Mùa Vọng có bốn ngọn nến. Mỗi ngọn nến sẽ được thắp sáng vào mỗi Chủ Nhật như một dấu hiệu của sự chờ đợi, canh thức và cầu nguyện. Sau đây là năm ý nghĩa đặc biệt của “Vòng Hoa Mùa Vọng”.

 

Trước hết, “Vòng Hoa Mùa Vọng” có nguồn gốc ngoại giáo. Người ta thường thắp nến trong suốt mùa đông để cầu xin thần mặt trời mau quay trở lại mang lại ánh sáng và sự ấm áp. Các nhà truyền giáo đã tận dụng truyền thống này để hướng dẫn mọi người dùng “Vòng Hoa Mùa Vọng” như một cách thức để chờ đợi Chúa Giêsu hài đồng, kỷ niệm ngày Chúa giáng sinh và cầu xin Ngài truyền ánh sáng và sự ấm áp cho tâm hồn .

 

Điều thứ hai là hình dạng vòng tròn của Vòng Hoa. Hình tròn là dấu hiệu của tình yêu tròn đầy của Thiên Chúa. Vòng tròn không có điểm đầu và điểm cuối, nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa không có bắt đầu và cũng không có kết thúc. Vì thế, Vòng Hoa phản ánh sự hiệp nhất và vĩnh cửu của Ngài.

 

Điều thứ ba liên quan đến màu xanh lá cây. Những cành cây màu xanh lá tượng trưng cho Đức Giêsu hằng sống. Màu xanh lá cây tượng trưng cho hy vọng và sự sống. Trong Vòng Hoa Mùa Vọng, màu xanh lá cây nhắc nhớ Chúa Kitô đang sống giữa chúng ta. Ước muốn quan trọng nhất phải là kết hợp chặt chẽ hơn với Thiên Chúa, Cha của chúng ta, như sự kết hợp giữa cây và cành.

 

Đặc điểm thứ tư của vòng hoa là bốn ngọn nến tượng trưng cho mỗi Chúa nhật của Mùa Vọng. Bốn ngọn nến của “Vòng Hoa Mùa Vọng” được thắp sáng hàng tuần vào bốn Chúa Nhật của Mùa Vọng với lời nguyện thật đặc biệt. Những ngọn nến gợi cho chúng ta suy ngẫm về bóng tối do tội lỗi gây ra đã che khuất con người và khiến con người xa cách Thiên Chúa.

 

Cuối cùng, “Vòng Hoa Mùa” Vọng có bốn ngọn nến, gồm ba cây nến tím và một cây nến hồng. Cây nến hồng sẽ được thắp sáng vào Chúa Nhật thứ ba của Mùa Vọng. Màu tím đại diện cho tinh thần tỉnh thức, sám hối và hy sinh để tâm hồn thật xứng đáng với sự xuất hiện của Hài Nhi Giêsu. Màu hồng tượng trưng cho niềm vui khi cần kề ngày sinh của Chúa hài đồng.

 

Với năm đặc điểm nổi bật của vòng hoa mùa vọng, hy vọng rằng sẽ gợi lên trong mỗi người tâm tình riêng phù hợp chờ đón Chúa Giáng Sinh.


Đức Thiện, S.J

Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

THẮC MẮC VÀ GIẢI ĐÁP...

Có nhiều người đã hỏi tôi rằng: "Chúng mày theo đạo Thiên Chúa là thờ mỗi Chúa thôi à, thế là khi Bố, Mẹ, Ông, Bà, người thân chết đi là khỏi phải thờ nữa à.?”


Tôi cười và đáp: Dạ, thưa các bạn.


Trong 10 điều răn Chúa dạy chúng tôi, có 1 điều đó là "Thảo Kính Cha Mẹ".


Còn với Đức Giêsu, Ngài nhắc lại và kèm theo cảnh báo: “Ngươi hãy thờ kính Cha Mẹ, kẻ nào nguyền rủa Cha Mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).


Và hằng ngày trong các Thánh Lễ chúng tôi vẫn cầu cho các linh hồn đó chứ.


Người Công Giáo chúng tôi còn có hẳn tháng 11 để kính nhớ đến ông bà tổ tiên cùng những người đã khuất, và chúng tôi vẫn ăn Tết nguyên đán như bình thường nhé..!


Trong những ngày vui của Năm Mới chúng tôi cũng không quên dành ngày mùng 2 Tết âm lịch để cầu nguyện cho Tổ tiên và nhớ về cội nguồn của mình.


Chúng tôi cũng có ngày Lễ giỗ. Gia đình sẽ mời anh em, bạn bè, hàng xóm đến không phải ngồi quanh mâm cỗ cúng, mà quây quần gần bên bàn thờ được thắp nến trưng hoa để đọc Kinh dâng lời cầu nguyện, mong cho linh hồn đã chết sẽ được đến nơi Vĩnh hằng (tức là Nước Trời).


Thay vì mâm cao cỗ đầy, mời người đã khuất về cùng với gia đình theo quan niệm bên các bạn.


Chúng tôi cũng không quên ngồi lại bên nhau sau giờ đọc kinh trò chuyện, hỏi thăm nhau, mời nhau chén trà, điếu thuốc, dùng cái kẹo, trái cây..v..v


Quan niệm của chúng tôi là đối xử tốt với những người thân bên cạnh khi họ còn sống, còn khi đã khuất mâm cao cỗ đầy cúng cũng chẳng để làm gì.


Điều các bạn tin và mong muốn là sống tốt, khi chết sẽ được siêu thoát và kiếp sau sẽ được luân hồi tiếp tục trở thành con người. Khác với các bạn, niềm tin của chúng tôi đó là Nước Trời, là Thiên Đàng nơi mà con người sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc viên mãn mãi mãi.


Các bạn có tin điều các bạn mong muốn không..?

Còn chúng tôi, là những người theo đạo Thiên Chúa, là những người Công Giáo chúng tôi tin những gì chúng tôi đang làm.

Mà tin điều gì thì điều ấy sẽ có, miễn sao là có niềm tin.


"Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho".

Xin Chúa ban bình an cho tất cả các bạn. Amen.


(Nguồn: Bài viết của 1 bạn trẻ Công giáo)

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

Đoạn đường nào in dấu chân tôi ?


“Bước trong cuộc đời những dấu chân trên triền cát vắng Ngài vẫn ở bên con, song song với những dấu chân. Tiếng reo vui trong lòng vỡ tan nên lời cảm mến. Dòng đời dẫu nổi trôi nhưng với Chúa con không lo gì.”


(Trích lời bài hát “Ngài vẫn ở bên con” – Trầm Hương FMSR)


Từng bước ta đi sẽ để lại những dấu chân. Dấu chân lớn, dấu chân nhỏ, dấu chân thẳng tắp, dấu chân ngoằn ngoèo,… Cho dù những dấu chân có thế nào thì nó cũng là dấu vết của ta để lại trên những con đường ta đã đi qua. Dấu chân ấy cũng chính là dấu lòng của mỗi người chúng ta.


Khi đến tuổi bước chân vào đời, ta sẽ thấy thật nhiều con đường để ta lựa chọn. Vậy làm sao để ta chọn đúng con đường cho bản thân, làm sao để dấu chân ta không lạc hướng?  Lựa chọn in dấu trên đường đời, lập gia đình hay chọn in dấu trong đời dâng hiến, phục vụ Chúa và tha nhân? Dường như mỗi bước chân ta đi không chỉ là đi trong giây phút hiện tại nhưng còn là kéo dài đến mai sau, một tương lai mịt mờ phía trước. Nhưng ở thời điểm hiện tại, để có thể tiến lên, bắt buộc ta phải chọn một con đường. Chính con đường đó sẽ in hằn dấu chân ta, những dấu chân chắc chắn, thẳng tắp và cả những dấu chân ngập ngừng, quanh co. Bởi không có con đường nào chỉ trải đầy hoa hồng và êm ái cả. Đường đi có khó khăn, có chông gai mới thấy được khả năng của ta, mới thấy được lòng tin của ta có mạnh mẽ không. Cũng có khi trước những ngã rẽ cuộc đời, ta bối rối, hoang mang và chọn sai đường khiến những bước chân lạc lối. Cũng có những khi ta mệt mỏi trước những phong ba bão táp, những áp lực của cuộc sống, ta cũng hãy can đảm bước tới. Đừng sợ! Đừng bỏ cuộc nhưng hãy quay trở lại và bắt đầu hành trình mới vì luôn có một Đấng đồng hành cùng ta. Như thánh Phaolo đã từng nói: “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10). Chính vì vậy, ta đừng bao giờ để mất dấu chân của mình nhưng cứ tin tưởng vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Ngài luôn ở bên sẵn sàng đỡ nâng những lúc ta thất bại, gục ngã. Lúc ta đau khổ nhất, hãy nhìn xuống xem dấu chân trên đường có phải của mình không? Là ta tự đi hay có ai đang đi thế ta?


Nhìn vào hai con đường: đường rộng và đường hẹp, ta thấy sao có nhiều dấu chân trên đường rộng quá. Vì rộng nên nhiều dấu chân hay vì mắt người chưa thấy được những gì nơi đang chờ đợi nơi phía cuối con đường? Còn đường hẹp chỉ có lác đác vài dấu chân, những dấu chân hằn sâu vì đường gồ ghề nhiều sỏi đá, trơn trượt. Có ít người chọn con đường hẹp nhưng phía sau con đường ấy lại có một cánh cửa thật lớn mở ra một vùng trời rộng thênh thang, tràn ngập ánh sáng. Đứng ở phía cổng nhỏ của con đường hẹp, lúc ấy ta có nuối tiếc “Giá như…”? Khoảng cách của hai con đường nhìn gần nhưng dường như xa vô tận đến nỗi bên này muốn qua bên kia cũng khó vô cùng. Chính vì vậy, ta cần cân nhắc cho thật chắc chắn về con đường mà mình chọn.


Trên mỗi dặm đường, ta đừng ngần ngại nhưng hãy dừng lại nghỉ ngơi để có thể lắng nghe được tiếng nói của Thiên Chúa bên trong tâm hồn. Chính tiếng nói ấy sẽ chỉ đường, định hướng cho bước chân của ta. Lựa chọn đi con đường nào là một lựa chọn mang tính quyết định cho cuộc đời, vậy nên ta hãy dành giờ thinh lặng, cầu nguyện và lắng nghe tiếng của Thần Khí luôn nói trong từng giây phút cuộc đời ta.


_Ngọc Sáng_ 

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021

7 ƠN ÍCH TUYỆT DIỆU KHI ĐỌC KINH MÂN CÔI HẰNG NGÀY

1. Bạn trở nên bớt ích kỷ hơn

Cầu nguyện với kinh Mân Côi giúp chúng ta tái quy hướng về Chúa Kitô, Đấng giải thoát chúng ta thoát khỏi tình trạng tội lỗi và lòng yêu mình, và là người thầy kiên nhẫn dạy chúng ta biết cách kiềm chế những đòi hỏi ích kỷ của bản thân.

2. Bạn trở nên kỷ luật hơn

Càng cầu nguyện với kinh Mân Côi, bạn càng muốn cầu nguyện nhiều hơn nữa. Ơn ban này có được hệ ở những lần bạn vật lộn để cho tâm trí mình hoàn toàn thinh lặng và tập trung, tuy cảm thấy mệt mỏi nhưng bạn vẫn cố gắng duy trì việc cầu nguyện, hoặc tắt điện thoại để lần hạt trước khi đi ngủ.

Kinh Mân Côi giúp bạn thực hiện những bước đi bé nhỏ đó để hướng đến việc chọn Chúa là ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời của bạn.

3. Đức Mẹ sẽ vén mở những điều sâu niệm

Chắc rằng lúc còn nhỏ người ta thường nói sơ sài về kinh Mân Côi, hay đôi lúc người trên ép buộc bạn phải cầu nguyện theo cách mà họ cảm thấy đó hẳn là cách thức thánh thiện nhất. Nhưng thực ra, khi cầu nguyện với kinh Mân Côi thường xuyên và chân thành, những chiều sâu tiềm ẩn vốn có ấy sẽ được vén mở.

Đôi khi bạn cảm thấy mình đang hiện diện với Chúa Giêsu trong một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời của Ngài. Đó cũng có thể là kinh nghiệm diễn ra thâm sâu trong lời cầu nguyện mà bạn cảm thấy mình thực sự ở đó trong khoảnh khắc của chính Mầu nhiệm.

4. Bạn có nhiều can đảm hơn

Khi bạn bắt đầu đặt trọn niềm tin tưởng, cuộc sống, thậm chí là cả con tim của mình vào tay Đức Mẹ qua chuỗi kinh Mân Côi, bạn sẽ bắt đầu hiểu Đức Mẹ là người thực tế, đơn giản và tuyệt vời như thế nào.

Những tâm hồn biết chạy đến với Mẹ để kêu xin Mẹ cứu giúp và tin tưởng rằng Mẹ sẽ nhận lời thì trong lòng họ sẽ cháy bùng ngọn lửa của lòng can đảm.

5. Một ngày sống của bạn sẽ bình an hơn

Có người nói rằng: “Kinh Mân Côi làm cho cả ngày của tôi bình an hơn, giống như Đức Maria luôn sẵn sàng trợ giúp tôi khi phải đối diện với những điều tồi tệ. Mọi sự sẽ trở nên dễ dàng hơn”. Cầu nguyện với kinh Mân Côi không làm đau khổ biến mất, nhưng nó cung cấp cho bạn một vũ khí mạnh mẽ hơn để chiến đấu.

6. Bạn có thêm nhận thức trước khoảnh khắc bị cám dỗ

Một trong 20 mầu nhiệm của kinh Mân Côi là: “tiêu diệt sự ác, giảm thiểu tội lỗi và đánh bại gian tà”. Khi thường xuyên lần chuỗi mân côi, bạn sẽ nhận thức rõ hơn về sự cám dỗ trước khi hành động, và có nhiều thời gian hơn để bạn cân nhắc xem liệu có muốn thực sự làm điều đó hay không. Và khi lần hạt Mân Côi, bạn dần dần nhìn cuộc đời mình qua lăng kính được hiệp thông với Chúa, và sẽ bắt đầu thấy những gì Ngài muốn cho bạn là tốt và bạn cũng muốn điều đó.

7. Bạn bắt đầu đi vào mầu nhiệm Nhập Thể

Sức mạnh của chuỗi hạt nằm ở sự đơn giản. Nó đơn giản đến mức có vẻ ngớ ngẩn đối với những con người thông thái. Thiên Chúa đến thế gian như một trẻ thơ bé nhỏ, yếu ớt và bơ vơ được sinh ra trong cảnh nghèo khó. Kinh Mân Côi, đơn giản đến mức có thể được cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, là vũ khí cầu nguyện mạnh mẽ nhất mà chúng ta có.

#CatholicDesign

Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2021

Suy Tư Về Mẹ


“Mẹ”, một tiếng gọi đơn giản, ngắn gọn và không cầu kì, nhưng trong tiếng gọi đó lại chất chứa giá trị của tình yêu, tình thương mà người mẹ cho con. Quả vậy, Nhắc đến mẹ, ắt hẳn trong tâm khảm của mỗi người đều gợi lên những hình ảnh thân thương, những kí ức khó phai mờ hay những bài học đắt giá nhất nhất trong tương quan giữa mẹ và con.


Mẹ là người đã cưu mang con trong cung lòng, đã mang nặng đẻ đau, đã nuôi nấng dạy dỗ và đã cho con tất cả những gì mẹ có để con được nên người. Quả vậy, tục ngữ Đức đã nói: “Tình thương của người mẹ không bị già nua khi năm tháng trôi qua.” Đó là một tình yêu vượt qua ranh giới của thời gian và không gian, vượt lên trên những thứ tình cảm chóng qua, một tình yêu vĩnh cửu. Bởi vậy, tình yêu của mẹ luôn đi bước trước để làm hành trang cho mỗi đứa con của mình vào đời, và sự hạnh phúc lớn nhất của người mẹ đó là được nhìn con khôn lớn và hạnh phúc.


Cũng vậy, trong nguồn kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam, hình ảnh người mẹ dường như in hằn trong tâm thức của mỗi người, bởi vậy mà người ta thường nói: “Con có mẹ như bẹ ấp măng” hay “Mẹ giàu con có, mẹ khó con không”. Với những câu nói đó, hình ảnh người mẹ như người dũng sĩ ngoài chiến trường, luôn vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm để giữ được ngọn lửa của tình yêu và sự hiệp nhất. Người mẹ, luôn cho chúng ta tất cả, dù cho cả thanh xuân, tiền bạc và thậm chí là sức khỏe để con được khôn lớn và bình an. Cũng vậy, người mẹ là người giữ lửa để luôn tạo sự yên ấm, hòa thuận và hạnh phúc trong một gia đình.


Tuy nhiên, ngày hôm nay, hình ảnh người mẹ đã và đang phơi dần trong tâm thức của mỗi người trẻ. Phải chăng, với sự phát triển choáng ngợp của xã hội, con người đang dần đánh mất đi tương quan với nhau trong cuộc sống. Lối sống thực dụng kéo theo chủ nghĩa cá nhân đang cuốn con người vào vòng xoáy của sự vô tâm, vô cảm. Cho nên, nhiều đứa con quên mất đi công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, thay vào đó, là sự vô ơn, trách mắng, khinh chê và loại bỏ cha mẹ ra bên lề của cuộc sống. Bởi thế mà người ta thường nói: : “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. Thật là điều đáng buồn và đau lòng khi đó là thực trạng của không ít người trẻ, khi lớn khôn, trưởng thành và thành công trong cuộc sống, họ lại quên đi nguồn gốc, công ơn mà cha mẹ dành cho mình. Điều này, làm cho không ít bà mẹ luôn sống trong nỗi đau, khốn khổ và thậm chí bị bỏ rơi.


Quả vậy, từ xưa ông cha ta đã có một câu ca dao mà hẳn ai cũng biết: “Ơn cha nặng lắm ai ơi - Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”. Với câu nói này, đã lột tả hết được sự khó nhọc của cha mẹ dành cho con cái, một tình yêu bao la vô bờ bến của cha mẹ. Cho nên, là con cái chúng ta phải đề cao, tỏ lòng tôn kính với những người đã có công sinh thành ra mình, ơn cha không ai cân được, không ai đo được, cũng chẳng ai đong đếm được, mẹ là người đã mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày ròng rã để sinh ra ta, cưu mang ta ngần ấy ngày tháng. Như bầu trời, chúng ta không biết đâu là điểm bắt đầu và đâu là nơi kết thúc, tình yêu của người mẹ cũng vậy luôn cao cả và vượt gia mọi thứ tình cảm đời thường nơi trần gian.


Vậy là một người con, đã bao giờ bạn suy tư về nỗi niềm của người mẹ, những đớn đau, khổ cực và lầm than của mẹ trong cuộc sống chưa?


Thật vậy, trên thế giới có khoảng 204 quốc gia và có gần 7099 ngôn ngữ, nhưng từ “mẹ” luôn là từ thông dụng mà ai ai cũng phải thốt lên một lần trong đời. Bởi, có lẽ ai cũng được sinh ra từ cung lòng của người mẹ và lớn lên bằng tình yêu và tình thương mà mẹ dành cho con. Theo khảo sát của một số quốc gia trên thế giới, từ mẹ trong tiếng anh là “Mother”, và người ta cho rằng đó là từ đẹp đẽ nhất, cao cả nhất và được nhiều người thích nhất, bởi người ta cảm nhận được tình cảm thiêng liêng được gói trọn trong đó. Với từ “Mother” người ta phân tích ý nghĩa của từng chữ như sau: M-O-T-H-E-R


Thứ nhất: M... Million là hàng triệu điều mẹ trao cho con. Nếu có ai đó hỏi tôi về người hào phóng và quảng đại nhất mà tôi từng gặp? Câu trả lời đầu tiên hiện lên trong tâm thức tôi đó là: Người mẹ. Quả thế, mẹ luôn trao tặng cho chúng ta những điều tốt đẹp, từ những giọt nữa nồng đến những cái ăn, cái mặc hay trong lời nói và việc làm, tất cả được diễn tả bằng tình yêu, tình thương mà mẹ gửi gắm trong đó. Mẹ không bao giờ, ích kỷ, hẹp hòi và tính toán đối với chúng ta, nhưng mẹ luôn quảng đại cho chúng ta tất cả những gì mẹ  có mà chẳng bao giờ thở than. Chưa bao giờ mẹ nói mẹ làm cho con cái này, cái kia, nhưng mẹ luôn hành động trong sự âm thầm và chịu đựng để cho con những thứ làm cho con được hạnh phúc.


Thứ hai: O... Old nghĩa là vì thế mẹ sẽ vì thế mà ngày càng già đi. Đã bao giờ, bạn chú ý đến mái tóc của mẹ, gò má hay những nếp nhăn nơi khuôn mặt, bàn tay và đôi chân mẹ chưa? Mẹ là vậy, mặc cho nắng cháy da, mưa ướt áo nhưng vẫn không quản ngại nắng mưa, sương gió để kiếm miếng cơm manh áo cho con ăn học. Cũng thế, mẹ cũng không gấm lụa cao sang hay son hồng má đỏ, nhưng mẹ mặc lên trên gò má, khuôn mặt của mẹ những khó khăn, cực nhọc và vất vả. Mẹ đã gánh những vai nặng thay cho con, mẹ đã chịu nỗi buồn, khổ cực và khó khăn cho con mà chẳng bao giờ than khóc, mẹ là anh hùng trong đời con. Cho nên, mái tóc mẹ đang đổi màu theo dòng thời gian, gò má của mẹ đang hao gầy theo năm tháng và đôi tay, đôi chân của mẹ đang yếu dần theo con lớn khôn.


Thứ ba: T... Tear là những giọt nước mắt mẹ đã đổ vì con. Người ta thường gọi mẹ là anh hùng, bởi, anh hùng không bao giờ khóc. Chưa bao giờ, con thấy nước mắt mẹ rơi trước mặt con, thay vào đó sự sự kiên cường, vui vẻ và tin yêu vào cuộc đời. Thế nhưng, mẹ cũng đã bao lần khóc trong nỗi cơ đơn thầm lặng, khi ít ai thấu hiểu được sự khó nhọc và nặng gánh của mẹ. Mẹ luôn che đi những giọt nước mắt, gạt đi những giọt mồ hôi để cho chúng con được lớn khôn từng ngày. Khi con vấp ngã mẹ đau, mẹ buồn và mẹ khóc, khi con bị người đời khinh chê mẹ cũng khóc và khi con không được bằng chúng bạn mẹ cũng khóc. Mẹ khóc, vì mẹ cảm thấy có lỗi với con khi không cho con được những thứ tốt đẹp nhất, nước mắt của mẹ luôn chứa đầy tình yêu và sự an ủi. Nhưng nước mắt đó không bao giờ rơi trước mặt con, bởi mẹ muốn con mạnh mẽ chứ không được yếu đuối.


Thứ bốn: H... Hear là trái tim vàng của mẹ. Người ta hay nói: “Vàng thì thử lửa”, với điều này con biết rằng chính mẹ cũng đã phải qua bao nhiêu khó khăn và vất vả để luôn giữ được ngọn lửa bình an và hạnh phúc trong gia đình. Dù ngoại hình của mẹ có thể không đẹp, không xinh nhưng nơi trái tim của mẹ luôn chất chứa một thứ tình cảm thiêng liêng và bất diệt. Cho nên, dù có phải thử lửa như thế nào tình cảm đó vẫn không phai mờ theo dòng thời gian, nhưng trái tim đó lại chứa đựng một sự bao dung, nhân ái và quảng đại.


Thứ năm: E...Eyes là đôi mắt mẹ luôn dõi theo con. Trong bài thơ "Con cò" Chế Lan Viên đã viết: "Con dù lớn vẫn là con của mẹ, Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con". Như vậy, mẹ là người luôn dõi theo ta từng bước trong cuộc đời, dù đi đâu ở đâu ánh mắt của mẹ luôn hướng về chúng ta và chờ đợi chúng ta quay trở về. Trong ánh mắt của mẹ chúng ta luôn cảm nghiệm được tình yêu, sự quan tâm và hy vọng mà mẹ dành cho con, dù cho con thành công hay thất bại, đôi mắt đó vẫn không bao giờ nhắm lại.


Cuối cùng: R... Right là những gì đúng đắn mẹ hay khuyên bảo. Gia đình là trường học đầu tiên và cha mẹ là người thầy, người cô dạy ta học chữ. Quả thế, cha mẹ là người thầy đầu tiên trong cuộc đời mỗi chúng ta, từ khi lọt lòng mẹ chúng ta được sự chăm sóc, dạy dỗ và khuyên bảo của cha mẹ. Cho nên, người mẹ luôn chỉ bảo cho con cái những thứ tốt đẹp nhất, như là hành trang để con bước vào đời với bao nhiêu khó khăn và thử thách. Cũng vậy, không ai hiểu con bằng mẹ, nên những lời của mẹ khuyên bảo luôn phát xuất trong cõi lòng sâu thẳm và tự con tim chân thành, yêu thương.


“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”. Một câu nói tuy nhẹ nhàng nhưng lại chứa một thông điệp hết sức thâm thúy đối với phận làm con. Làm ơn, hãy trân trọng giây phút được sống và ở bên mẹ, hãy dành thời gian để ở bên chăm sóc và phụ dưỡng cha mẹ lúc về già. Đừng để mặt trời lặn mà chúng ta vẫn chưa trở về bên cha mẹ, hãy luôn yêu thương và quý trọng họ. Bởi, để nuôi ta khôn lớn đến ngày hôm nay là cả một quá trình, cả niềm vui và nỗi buồn của cha mẹ. Khi ta bước chân ra đời, cha luôn dạy ta cách đứng vững, mẹ luôn ôm ta vào lòng sau những vấp ngã, cha mẹ luôn dang rộng vòng tay với ta dù ta đang ở vị trí nào trong xã hội.


Ước mong rằng, ngày hôm nay mỗi người chúng ta trong vị thế làm con hãy luôn biết cội nguồn của chính mình, nhờ đó mà ý thức được trách nhiệm trong việc chăm sóc, quan tâm và yêu thương cha mẹ mình hơn!

Mọn Hèn

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Một ngày nọ bạn nhận ra mình đã lớn. Và rồi một ngày kia, bạn bất chợt cảm thấy mình “ngán” phải là người lớn biết bao. Giữa vô vàn thị phi của cuộc sống và đầy dẫy biến loạn của phận người, trong một khoảnh khắc nào đó bạn ước mình bé lại, chân rong chơi, trí vô tư, hồn thảnh thơi. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cây bút nổi danh với những tác phẩm dành cho thiếu nhi, đã thay lời muốn nói cho biết bao người lớn khi hình tượng hóa lòng muốn ấy bằng hình ảnh Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ.


Bạn có ngạc nhiên không khi Chúa Giêsu cũng thôi thúc các môn đệ của Ngài hãy có ước ao trở về tuổi thơ như vậy? Chính Ngài đã dạy rằng: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Dĩ nhiên, lời dạy bảo của Chúa như việc xin “một vé đi tuổi thơ” không dừng lại ở việc hoài niệm tuổi thơ hay phục hồi tâm hồn trong sáng và thái độ hồn nhiên của thời trẻ con. Lời mời gọi “trở lại mà nên như trẻ em” của Ngài chắc hẳn còn đi xa hơn thế. “Trẻ em” phải được hiểu theo ý nghĩa Chúa Giêsu nhắm đến. Đó phải là “loại” trẻ em theo tiêu chuẩn của Chúa.


Cứ sự thường, trẻ em thường chưa hình thành “cái tôi” giống người lớn. Chúng không phải vất vả để tô vẽ và vun đắp cho cái tôi của chúng với danh tiếng, chức phận, tiền tài. Đối với trẻ em, ba mẹ mới là đối tượng mà chúng hướng về. Bằng phép loại suy, có thể nói “trẻ em” mà Chúa Giêsu chỉ đến là những người biết lấy Thiên Chúa làm cùng đích để hướng về. Như người con thơ bé bỏng, những người lớn “trẻ em” vô lo vô nghĩ vì tin tưởng Cha tuyệt đối, không u sầu sợ hãi vì yêu thương Cha hết lòng, không thất vọng chán chường vì cậy trông Cha rất mực. Và như thế, chính Chúa Giêsu là một “đứa trẻ” hoàn hảo nhất của Cha. Cả cuộc đời Ngài há chẳng phải đã liên lỉ diễn tả một tình yêu, lòng tin tưởng và niềm cậy trông tuyệt đối vào Thiên Chúa Cha đó sao?


Trở lại với “chiếc vé đi tuổi thơ,” nhiều người lớn sẽ được nhắc nhớ để “xin” một chiếc vé như thế khi Tết Trung Thu ghé về. Nhìn lên mặt trăng đêm rằm tròn như chiếc bánh, thấy ánh trăng trắng ngà sáng rực như nụ cười trẻ thơ, không ít người lớn bỗng thấy lòng mình nôn nao đến lạ.


Hòa trong bầu không khí Trung Thu, các thầy học viên Dòng Tên cũng muốn trở về tuổi thơ diễn tả ước muốn ấy qua ca khúc Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ của Nguyễn Mạnh Hoàng, vừa để nhắc nhở bản thân về bổn phận nên trẻ thơ mỗi ngày, vừa để gửi đến những ai đang nung nấu cùng một ước ao giống như thế.


 Minh Vương

https://dongten.net/2021/09/21/cho-toi-xin-mot-ve-di-tuoi-tho/

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2021

Ơn phúc cho những ai suy ngắm và truyền bá lòng Tôn kính Đức Mẹ Sầu Bi

Đức Mẹ đã hứa với thánh nữ Brigita là sẽ ban 7 ơn cho những ai tôn kính và truyền bá lòng tôn sùng Đức Mẹ Sầu bi.


(Mỗi ngày đọc 7 kinh Kính mừng và suy ngắm những hạt nước mắt và đau thương của Mẹ).


1. Mẹ sẽ ban bình an cho gia đình chúng.


2. Mẹ sẽ soi sáng cho chúng hiểu những mầu nhiệm thánh.


3.. Mẹ sẽ an ủi chúng trong cơn đau khổ và đồng hành với chúng trong công việc chúng làm.


4. Mẹ sẽ ban những ơn như chúng xin, nếu những ơn ấy không trái thánh ý Chúa, hoặc ban ơn thánh hóa tâm hồn chúng.


5.. Mẹ sẽ bảo vệ chúng trong trận chiến thiêng liêng với kẻ thù hỏa ngục. Mẹ sẽ gìn giữ chúng mọi lúc trong đời chúng.


6. Mẹ sẽ trợ giúp chúng cách hữu hình trong giờ "lâm tử". Chúng sẽ được thấy nhan thánh Mẹ.


7. Mẹ đã xin Con thánh Mẹ ơn này, là những ai truyền bá lòng tôn sùng những giọt lệ và đau thương của Mẹ, chúng sẽ được đưa thẳng từ đời này lên hưởng phúc muôn đời, vì tội lỗi chúng sẽ được tha thứ hết. Mẹ và Chúa Con sẽ là niềm vui và an ủi của chúng muôn đời.


Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Món quà sinh nhật tặng Mẹ Maria

Ngày sinh nhật là ngày quan trọng đặc biệt trong cuộc đời, nó cho ta hiện hữu trên đời. Kể từ đó ta được cất tiếng khóc chào đời, được ngắm nhìn ánh mặt trời..., cũng như được hòa mình vào nhịp sống của nhân loại. Trong ngày vô cùng tuyệt vời này, ta nhận được những lời cầu chúc tốt đẹp, những món quà ý nghĩa và cả những tình cảm chân thành từ những người khác. 


Ngày 8/9 thật đặc biệt, ngày Giáo Hội hân hoan mừng lễ sinh nhật Đức Maria. Mẹ Maria là một tuyệt tác của Thiên Chúa, vẻ đẹp của Mẹ thật lạ lùng, khó có vẻ đẹp nào sánh bằng. Nhờ lời xin vâng của Mẹ trong biến cố truyền tin, một khúc quanh mới của lịch sử cứu độ được mở ra. Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng của Mẹ chính là Đấng Cứu Độ mà muôn dân hằng mong đợi. Mẹ Maria đã sống lời xin vâng trong suốt cả cuộc đời khi dâng trọn vẹn cuộc đời cho Thiên Chúa và phó thác mọi sự cho thánh ý của Ngài. 


Hôm nay muôn Thiên Thần và các Thánh trên trời ca ngợi Mẹ, đoàn con dưới thế cũng ca mừng ngày sinh nhật của Mẹ. Chúng con dâng lên Mẹ không phải những món quà vật chất, nhưng là những đoá hoa lòng biểu hiện tâm tình con thảo, đó là hoa tình yêu, hoa vâng phục khiêm nhường, và hoa thanh khiết. 


Tình yêu dành cho Thiên Chúa


“Yêu ít thì cho ít, yêu nhiều thì cho nhiều, yêu tận cùng thì cho đi tất cả”. Mẹ Maria đã yêu Chúa bằng trọn con tim và khối óc, bằng cả thân xác và tâm hồn nên Mẹ đã sẵn sàng dâng cả cuộc đời cho Chúa. Tình yêu Mẹ dành cho Chúa đẹp tựa như vẻ đẹp nhẹ nhàng thanh thoát lúc bình minh, rực rỡ chói chang lúc chính ngọ, huy hoàng lúc chiều chiều tà. Tình yêu của Mẹ là tình yêu hiến dâng không cầu lợi, không mù quáng mà hết sức ý nghĩa. Mẹ yêu nhiều đến vậy bởi Mẹ có một đức tin vô cùng mạnh mẽ, mạnh đến độ dù phải gánh chịu bao khó khăn, thử thách, bao đắng cay tủi hờn, Mẹ vẫn cậy trông và kí thác cuộc đời cho Chúa. Mẹ không bao giờ ngã lòng mà luôn vững bước trên đời dâng hiến vì Mẹ tin tưởng Thiên Chúa luôn đồng hành, bước đi với Mẹ. Vì thế, chẳng lạ gì khi Thiên Chúa tặng ban cho Mẹ những đặc ân cao trọng để muôn ngàn đời khen Mẹ diễm phúc.


Sự vâng phục và lòng khiêm nhường


Vâng phục và khiêm nhường có lẽ là hai đức tính trổi vượt của Mẹ. Mẹ nói lời “xin vâng” khi Thiên Chúa muốn Mẹ dự phần vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Mẹ hoàn toàn ngỡ ngàng trước lời chào của Sứ Thần “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc1,28), nhưng với đức tin tuyệt đối và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ sẵn sàng đón nhận mọi thử thách. Lời thưa “xin vâng” của Mẹ  đã khiến cả trời đất vui mừng, cả nhân loại reo hò vì ơn cứu độ được trao ban nhờ Ngôi Hai xuống thế làm người. Mẹ thật diễm phúc vì được tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Đấng Cứu Thế, nhưng Mẹ khiêm nhường nhìn nhận mình là “nữ tỳ” của Chúa. Lòng khiêm nhường và tình yêu đã làm cho Mẹ nhận ra nỗi thống khổ của con cái Mẹ để rồi Mẹ đã liên lỷ chuyển cầu và ra tay cứu giúp.


Sự thanh khiết 


Đức Maria thụ thai là hoàn toàn do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Mẹ không hề ham muốn nhục thể hay chung đụng xác thịt dù sống đời hôn nhân với Thánh Giuse vì Mẹ xác tín rằng Mẹ đã thuộc trọn về Chúa. Mọi cám dỗ của thế gian không thể làm Mẹ trở thành tội nhân trước mặt Chúa. Mẹ không hề mưu cầu hạnh phúc và mong muốn lợi ích cá nhân được đánh đổi bằng sự hy sinh và phụng sự của Mẹ. Cả cuộc đời tần tảo sớm hôm, đắng cay vất vả nhưng không làm Mẹ mất đi nụ cười hạnh phúc trước thánh ý của Thiên Chúa.


Lạy Mẹ Maria, hôm nay là ngày sinh nhật của Mẹ, chúng con xin dâng lên Mẹ những món quà đơn sơ chân thành phát xuất từ tận đáy lòng chúng con. Chúng con ý thức rằng những món quà nhỏ mọn đó chẳng thêm gì cho Mẹ, nhưng nhờ vậy chúng con được hưởng nhờ ơn ích thiêng liêng và sống thánh thiện hơn trong cuộc đời này. Xin Mẹ tiếp tục đồng hành với chúng con trên đường dương thế, để chúng con nhờ Mẹ mà an tâm vượt qua phong ba bão táp của cuộc đời, hầu sau cuộc đời này chúng con được về bên Mẹ, cùng Mẹ ca vang chúc tụng và ngợi khen danh Chúa đến muôn đời. Amen


Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

TÌNH CHA VÔ BỜ



Khi tôi chỉ mới chập chững biết đi, gia đình tôi đã gặp phải sóng gió, ba mẹ quyết định chia tay bởi tình cảm cả hai dành cho nhau đã hết. Tôi sống cùng mẹ và mỗi năm chỉ được gặp cha hai lần. Đó là những khoảng thời gian hạnh phúc nhất của tôi. Cha đã dạy tôi biết bơi, biết chèo thuyền đi khắp các đảo và lênh đênh trên mặt biển yên bình…Cha cố thực hiện tất cả những gì tôi muốn, dường như đó là cách ông bù đắp tình cảm cho đứa con bé bỏng.

Từ khi lên 12 tuổi, tôi không được đi chơi với cha lần nào nữa. Đến năm tôi 14, mẹ tôi tái giá và sau đó là những chuỗi ngày đau khổ, bất hạnh của hai mẹ con. Mẹ thường xuyên bị cha dượng đánh, có lần phải đi bệnh viện cấp cứu.

Vào một ngày nọ, tôi nghe có tiếng loảng xoảng của bát đĩa, cửa kính vỡ, rồi tiếng dượng mắng chửi và đánh mẹ tôi…Tôi chạy xuống cầu thang và thấy ông đang say rượu, ngồi ngả nghiêng trên ghế, còn mẹ tôi nằm sụp trên ghế dài. Dượng nhìn thấy tôi, và tôi biết mình là người tiếp theo phải chịu trận đòn kinh khủng ấy. Thế nên tôi cố chạy thật nhanh ra cửa để thoát khỏi căn nhà u ám đó.

Tôi đến buồng điện thoại công cộng và gọi cho cha tôi:

– Cha ơi, hãy giúp con và mẹ với, con không biết phải làm gì vào lúc này cả!

Tôi khẩn thiết cầu cứu trong điện thoại, và mong chờ câu nói của cha rằng: “Con gái ơi, hãy đợi cha. Cha sẽ đến ngay”

Nhưng tôi hoàn toàn thất vọng, cha xin lỗi vì không thể đến được. Lòng tôi nặng trĩu và rất giận cha. Dù không có tiền, không có người thân và cũng không biết nhờ ai giúp đỡ, nhưng tôi quyết không bao giờ quay về căn nhà đó nữa. Trong cơn tuyệt vọng, tôi chợt nhớ đến người bạn của mẹ và chạy đến nhờ cô ấy tìm giúp một công việc nuôi sống bản thân. Cuộc đời tự lập của tôi bắt đầu từ đấy.

Ba tháng sau, tôi vẫn không liên lạc với cha, mỗi lần nghĩ đến ông là tim tôi nhức nhối. Hình ảnh ông bỏ rơi mẹ con tôi trong lúc tôi sợ hãi nhất vẫn còn ám ảnh.

Cho đến một ngày tôi nhận được tin cha đang hấp hối và ông muốn gặp tôi. Tôi đến thăm và gặp cha đang nằm trên giường bệnh, thân hình gầy gò, ốm yếu. Nhìn cha như thế, tôi không cầm được nước mắt. Thì ra, cha tôi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo và nó đang bào mòn sức sống của ông từng giờ. Do đó, ông không thể đến với tôi trong lúc tôi cần sự giúp đỡ. Tôi thật sự hối hận vì đã không quan tâm đến cha mình trong suốt thời gian qua. Tôi chỉ cần cha lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của tôi, mà không biết rằng người cũng rất cần tôi săn sóc, an ủi. Cha áp tay tôi vào má và nói:

– “Cha biết con đã đau khổ rất nhiều nhưng cha…cha không thể giúp con được. Lúc đó, cha chỉ muốn nói rằng: Con gái ơi, hãy đợi cha. Cha sẽ đến ngay… nhưng cha không nói được…”. Hai hàng nước mắt lên dài trên má ông.

Tôi oà khóc nức nở. Cha lùa đôi tay gầy guộc vào tóc tôi và an ủi tôi. Trong khoảnh khắc đó, tôi cảm nhận được tình thương của cha với tôi vẫn vẹn nguyên như ngày tôi còn thơ bé.

Thế đấy các bạn, tình thương của đấng sinh thành với con cái luôn vô bờ và trường tồn mãi mãi. Thế nhưng, không phải lúc nào ta cũng hiểu hết được. Sẽ có lúc ta hờn giận, trách móc vì mẹ cha chẳng thể đáp ứng được điều ta mong muốn, nhưng đằng sau đó có thể là những câu chuyện cảm động như chúng ta vừa nghe. Hãy luôn yêu thương và quan tâm đến cha mẹ, bởi dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa, tình yêu thương họ dành cho bạn vẫn là bất biến.


@ Suy ngẫm

+ Cha là bóng cả cây cao

Chở cha con những lao đao cuộc đời.

+ Chỉ có cha mẹ mới yêu con vô điều kiện,

Cả thế giới này phải có điều kiện mới yêu con.

+ Một người cha nghiêm khắc 

luôn nặng lời khi khiển trách con cái,

nhưng vẫn là người cha tốt trong mọi hành động.


@ Cầu nguyện

Lạy Mẹ Maria!

Tình cha thương mến các con

Diễn tả tình Chúa yêu thương con người

Chúa yêu chăm sóc đoàn chiên

Tình cha mục tử chăm con từng ngày.

Mẹ ơi chúc phúc người cha

Còn sống trần thế hay đã qua đời

Luôn ơn nghĩa Chúa dạt dào 

Hưởng ấm tình Chúa gia đình ấm vui. Amen.

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

“SỰ MỤC NÁT CỦA HẠT LÚA MÌ”

(Vài cảm nhận về Sr Maria Trần Ngọc Thảo Linh, Dòng MTG Tân Việt)


Khi nghe tin Sr Maria vừa được Chúa gọi về, sau một thời gian chiến đấu với dịch bệnh, tâm tình đầu tiên của con: đó là hiệp ý với Sr trong lời tạ ơn Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho Sr được làm người và làm con Chúa trong lòng Hội Thánh. Cách riêng, Chúa đã chọn và gọi Sr đi theo Chúa, trong đời sống thánh hiến, theo linh đạo của Hội Dòng MTG.


Sự ra đi của Sr khi tuổi đời còn rất trẻ, với 32 tuổi đời và 7 năm khấn dòng, khi ngày khấn trọn đời đã được lên chương trình, cùng với bao dự định chưa được thực hiện... chắc chắn đã để lại bao nỗi tiếc thương cho Hội Dòng và mọi người; nhất là ông bà cố và gia đình. Chúng ta nguyện xin Chúa, sẻ chia và xoa dịu nỗi đau của ông bà cố hiện đang gánh chịu.


Tuy nhiên, sự ra đi về với Chúa của Sr Maria Trần Ngọc Thảo Linh không chỉ để lại cho chúng ta những nỗi đau buồn mà thôi, nhưng còn để lại cho chúng ta những bài học hết sức ý nghĩa.


Được biết, lẽ ra Sr Thảo Linh đã khấn trọn đời vào Tháng 6 vừa qua. Nhưng vì dịch bệnh, nên phải hoãn lại ngày khấn. 


Như vậy, trong thời gian qua, sơ Thảo Linh đã chuẩn bị tâm hồn và dọn mình để lãnh nhận hồng ân qua nghi thức khấn dòng. Sr muốn hoàn toàn được thuộc về Chúa, muốn chết đi cho con người cũ của mình để chỉ sống cho Chúa qua qua lời cảm kết của mình. Và Sr đang chờ đợi giây phút trọng đại đó. 


Thế nhưng, giờ đây Sr Maria không phải dùng lời nói hay chữ viết, để nói lên sự thuộc trọn về Chúa, mà Sr đã dùng chính cái chết của mình để nói thay cho tất cả những điều đó. Giống như cuộc hiến tế của Chúa Giêsu trên cây thập giá năm xưa. 


Và nay thì Sr Maria đã hoàn toàn thuộc trọn về Chúa, và chỉ sống cho một mình Ngài mà thôi.


Nếu như: sau khi khấn trọn đời, Sr Thảo Linh chính thức thi hành sứ mạng Chúa trao phó ngang qua Hội Dòng, là nói về mầu nhiệm thập giá của Chúa Giêsu cho mọi người, thì giờ đây qua cái chết của Sr giữa đại dịch và vì đại dịch, Sr đã làm chứng cho Chúa cách cụ thể và thiết thực nhất. Rằng, người nữ tu Dòng Mến Thánh Giá cũng chung chia phận người, cũng đau khổ, cũng mang lấy bệnh tật và cũng chết đi như bao nhiêu người khác; giống như Chúa của chúng ta vậy. 


Cũng giống như cái chết của Chúa Giêsu, cái chết của Sr Maria nói riêng và của người Kitô hữu nói chung không phải là một sự chấm hết, nhưng là để mở ra một sự sống mới, sự sống vĩnh cửu và sự sống trong Chúa. 


Ta gọi đó là quy luật của hạt lúa mỳ, phải chấp nhận mục nát đi mới có thể trổ sinh những bông hạt khác.


Được biết, khi biết mình không thể qua khỏi, ước nguyện cuối cùng của Sr Thảo Linh là được mặt bộ tu phục khi qua đời và được mọi người đứng chung quanh cầu nguyện cho mình. Và Chúa nghe thấy ước nguyện của Sr. Sr đã được mặc tu phục khi mất và được quý cha quý tu sĩ tình nguyện viên đứng chung quanh cầu nguyện cho Sr trong giờ phút cuối cùng. Đây là điều rất đặc biệt và hiếm có trong thời gian dịch bệnh này. 


Có lẽ, đó chính là phần thưởng mà Chúa đã dành cho những ai luôn đặt niềm hy vọng vào Chúa và suốt cuộc đời trung thành bền đỗ trong ơn nghĩa Chúa.


Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho Sr Maria, cầu nguyện cho các bệnh nhân COVID và cầu nguyện cho cơn đại dịch mau chấm dứt.


Giuse Nguyễn Khánh Sơn, DCCT.

Mẹ ơi! Con đã về…


 Mẹ kính yêu của con

 Dù rằng con đã về bên mẹ, nhưng con vẫn muốn viết và gửi đến mẹ những dòng tâm tình này. Chẳng phải con muốn rườm rà, nhưng con biết khi đọc mẹ sẽ cảm được nhiều hơn.


Cứ mỗi lần chiếc điện thoại trong túi áo của con reo lên vào tầm chín hay mười giờ tối, thì con biết ngay đó là mẹ. Con lưu trên màn hình điện thoại của mình tên là “Mama” kèm với tấm hình hồi tết vừa rồi con chụp với mẹ. Mẹ con ta cười tươi hớn hở, áp sát mặt nhau cùng chụp một tấm thật đẹp. Con cứ ngó màn hình điện thoại mãi mà chẳng muốn nghe máy, không phải vì con không muốn nghe điện thoại, nhưng vì con muốn nhìn tấm hình mẹ con ta được ánh đèn điện thoại chiếu sáng, rung rinh, sinh động và dễ thương.


“Alô! Mama ơi! Con nè!”. Chắc chắc câu đầu tiên mẹ sẽ hỏi con là: “Sao rồi con? Khỏe không?”. Cả ngày con thấy mình mệt mỏi, lúc mẹ gọi cũng là lúc con đã chợp mắt gần cả tiếng đồng hồ để chuẩn bị ca làm sớm. Nhưng nghe giọng nói ấm áp của mẹ, mắt con sáng rỡ và vui biết chừng nào. Cuốc điện thoại gần nhất mẹ hỏi: “Chừng nào con về?”, con ấp a ấp úng không trả lời ngay được. Dù mẹ thừa biết con chẳng trả lời được, nhưng lần nào mẹ cũng nhắn: “Về sớm nha con! Mẹ đợi! Nấu canh chua, kho cá rô đồng cho con ăn!”. Nghe tới đó, con rớt nước mắt.


Ngày mẹ nghe con tham gia chiến dịch chống dịch Covid tuyến đầu, mẹ chẳng hiểu tuyến đầu tuyến cuối là gì, chỉ thương mẹ quanh năm làm việc và lo lắng cho gia đình. Thông tin dịch Covid thì mẹ nghe đài nhắc nên cũng biết đôi chút. Nhưng cái chuyện tham gia chống dịch tuyến đầu là gì “con nói cho mẹ tỏ?”. Con lặng xíu tìm cách nói cho mẹ dễ nghe và dễ chấp nhận, vì nếu mẹ biết con vào làm việc trong môi trường bệnh tật và nguy hiểm, hẳn mẹ lo lắm, vì con biết tính mẹ của con mà. Sau một hồi nói chuyện, mẹ đã hiểu. “Mama nè! Con học ngành bác sĩ mà. Bác sĩ là để cứu người. Mà giờ nhiều người cần cứu, nên con đến cứu họ.” Mẹ bên kia “ờ! ờ!…” nhưng không quên dặn: “Giữ sức khỏe nha con! Rãnh về với mẹ!”.


Bước vào môi trường chiến đấu khốc liệt với đại dịch Covid, mặc trên người bộ đồ bảo hộ cả ngày trừ lúc đi ngủ được tháo ra xíu để thở. Chạy từ khu này sang khu khác liên tục mỗi người có điện thoại cần đến bác sĩ hỗ trợ. Chứng kiến bao nhiêu cái chết trước mắt mình, thậm chí trên tay mình, nhiều lúc con thấy mình bất an… Dù rằng một bác sĩ như con đã không ít lần tiếp xúc với những chuyện như thế, nhưng trái tim con người vẫn xao xuyến và lúc ấy, con… nhớ mẹ. Con mong gì nghe tiếng mẹ “khỏe nha con!” là con sẽ khỏe ngay lập tức, như thể vừa uống thứ thần dược có tên là “tình mẹ” vậy.


Mỗi khi con nhìn đồng bào mình ra đi vì đại dịch, chứng kiến những giọt nước mắt muộn màng, nghe những tiếng than đau đớn của bệnh nhân, con hiểu… họ cũng cần tình thương như con cần tình mẹ vậy. Nhờ đó, con gửi trao cho mọi người tình yêu và sức mạnh mà mẹ đã trao cho con. Con cố gắng chữa trị cho bệnh nhân vì… bệnh nhân, vì mẹ, và… vì đạo đức nghề nghiệp của mình nữa.


Hôm nay con về với mẹ! Trong khi đồng nghiệp của con vẫn làm việc. Con không nghĩ tới chuyện mình được về ngay lúc này, vì con vẫn muốn tiếp tục mẹ à! Cuộc chiến vẫn còn dai dẳng và con muốn chiến đấu tới cùng. Choáng váng! Chỉ một cơn choáng váng, ngã quỵ và con hay tin mình cũng không thoát khỏi tình cảnh như anh chị em bệnh nhân nơi bệnh viện dã chiến này. Phút chốc, con thấy mình yếu dần, yếu dần… nhưng trong tâm thức con vẫn có mẹ, có anh chị em đồng nghiệp, có anh chị em bệnh nhân thân yêu.


Mẹ phải giữ gìn sức khỏe nhé! Như những gì mẹ dạy con về đạo làm người, con đã sống hết mình vì điều ấy. Sống cùng, sống với và sống vì người khác. Con vẫn yêu mẹ, yêu anh chị em đồng nghiệp và anh chị em bệnh nhân. Hôm nay, con không còn cơ hội phục vụ nữa… con về với mẹ… ăn canh chua, cá kho tộ với mẹ… mẹ ơi!


Silicat

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

Sẽ còn nhớ mãi…

Ta đã tin cả khi mình chẳng thể thấy… Bên cửa nhà ngày cứ chậm trôi, ta quặn lòng trong con tim dày xéo. Còn tia nắng nào khi màn trời dần hạ xuống? Giờ đây, còn gì đâu để nhén nhúm, hy vọng giờ còn gõ cửa làm chi! Ta bắt đầu gào xé trong màn âm tắt lịm, cố hỏi rằng bao lâu nữa, Chúa ơi? Còn bao lâu nữa vậy, lạy Chúa? Còn tia sáng nào khi ánh quang buông màn? Có điều này sẽ bừng lóe nữa không?

Ta mơ hồ trong đống chuyện thực hư cõi trần ai, nhưng đó là những gì chân thực nhất. Những cuộc đời, những số phận. Nó quý giá thế nào, nó cao cả nhường bao trên mặt đất này. Như những ánh bình minh, kiếp nhân sinh cũng hòa điệu ngắn ngủi. Chỉ thoáng chốc vào đời rồi thoảng qua để cuộc đời khép lại.


Lúc này, ta không thể trò chuyện cùng họ, không thể nghe họ nói, thấy họ cười. Họ yên nghĩ, lặng im bất lạnh lẽo. Nhưng những đôi mắt ấy cho ta hiểu họ đã sống và cống hiến cho đời. Những cuộc đời trọn nước mắt đầy niềm vui, những cuộc đời đủ chuyện lớn nhỏ, những cuộc đời đầy những thăng trầm nổi trôi. Dù không kịp gởi lại đời cả đến một khóe mắt, một nụ cười, tiếng thở than, nhưng họ đã trút bỏ mọi muộn phiền nhân thế để bước vào “vạn cảnh giai không.” Đó là thứ ngôn ngữ ta chẳng thể thấu trong nỗi lòng nhân sinh. Ở nơi đó, họ đã tấu lên những bản trường ca cuộc đời và ta đang lắng nghe…


Giờ đây, ta cũng chẳng kịp nhấc máy nghe lời giã từ. Nhưng tình yêu của họ vẫn còn sống mãi trong ta. Họ đã từng là mẹ là cha, đã từng là anh là chị, đã từng là bạn bè, là thân hữu trên cõi đời này. Họ đã dạy cho ta biết làm thế nào để trở thành một người biết cho đi. Có lẽ chẳng thể nói lên tình cảm ta dành cho họ, những hình bóng đã ra đi. Nhờ họ, ta thêm yêu mến, thêm tin tưởng trong bão giông dồn dập. Qua họ, ta thấy được tia nắng, ta biết cách hứng mưa.


Lúc này, ta không thể nghe những cái tên. Lúc này, ta chẳng thể nghe những câu chuyện buồn vui, những cuộc đời từng trải. Mỗi người là một trái tim đang đập giữa những kẻ đã ra đi. Ta gọi tên họ.


Hàng triệu con tim Việt Nam nhắc tên họ. Những người từ Bắc chí Nam về sum họp, người thành thị người thôn quê đã nằm xuống. Cả nước hướng về và cầu nguyện cho họ.


Họ tựa lời một thi sĩ đã cất lên, “nếu thời gian có hồi ảnh và nếu không gian có vọng thanh, thì hình bóng của họ tất đã ghi sâu vào ký ức của vũ trụ.” (Đốt lò hương cũ, Đinh Hùng)


Ta thầm cảm ơn những con người đã ra đi vì tất cả. Những hơi thở đầu tiên và những khoảnh khắc nấc nghẹn sau cùng. Những lời tạm biệt xa xôi. Những đôi mắt thấp thoáng, những nỗi niềm trĩu nặng sau chiếc khẩu trang. Những người lạ nhưng chẳng phải người dưng. Những nỗi đau chẳng thể nguôi ngoai. Những giọt lệ đâu dễ xóa nhòa. Những lời cầu ngẹn ứ trong tim, chẳng thốt nên lời, chẳng thể ngân vang. Thành phố bỗng thành chốn yên nghỉ ngàn thu. Những con phố lung linh sắc màu bỗng hóa lối về chốn xa xôi. Hy vọng nay còn đâu?


Ta đang dần cảm nhận những tin nắng, những ánh bình minh sau màn đêm lạ lùng, kinh khiếp.


Họ vẫn có chỗ trong trái tim của Đấng đầy tình yêu và lòng thương xót. Họ vẫn còn chốn nương chốn nhờ sau cõi nhân sinh. Họ vẫn còn một TÌNH YÊU, họ vẫn còn một quê trời. Có lẽ sẽ chẳng có gì khi ánh sáng buông màn. Nhưng không có gì, chẳng sự chi, không một ai, chẳng tia sáng nào thực sự mất đi. Họ sẽ còn mãi. Linh hồn họ sẽ bình thản hơn, thanh tuyền hơn, và hình như gần ta hơn.


Tôi nói làm chi?

Anh nhớ làm gì?

Lòng tôi đây và lòng anh đó

Nghe câu chuyện sầu dài sao chẳng điên mê?

Mỗi buổi anh về,

Trúc gầy liễu rủ.

Ôi câu chuyện huyền vi

Trong lòng nấm mộ,

Tôi muốn nghe,

Và anh muốn nghe!

Ôi những bước u hồn về ảo phố!

Anh đã đi,

Và tôi sẽ đi!


– Hoài niệm, Đinh Hùng –

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì?

Đã quá nửa đêm, chị em chúng tôi đang lau dọn sàn nhà, một chị điều dưỡng chạy tới giọng hối hả: “Các Sơ ơi, có người mới qua đời. Các Sơ vào cầu nguyện cho ông đi!”


Hai chị em bỏ dở công việc, chạy vội vào góc phòng. Các điều dưỡng đang gỡ máy móc, dây ống ra khỏi cơ thể đã bất động. Tôi nhìn gương mặt ông tím tái rồi nhạt dần. Vị bác sĩ trẻ vẫn chưa rời khỏi, cô lộ rõ nét buồn vì không giữ được sự sống cho ông sau một hồi cấp cứu. Cô đưa tay vuốt mắt cho ông rồi lặng lẽ quay đi. Các điều dưỡng nhanh chóng bọc ông cụ vào bao đựng tử thi rồi điện thoại cho nhân viên nhà xác mang xác đi. Tất cả diễn ra trong tích tắc khi chị em chúng tôi còn chưa đọc xong những lời kinh phó linh hồn.


Từ lúc vào giúp ở khoa ICU này, ngày nào cũng thế. Cảnh tượng ấy dần rồi quen thuộc. Lúc đầu, tôi vô cùng ngạc nhiên, thậm chí là hơi sốc. Ở gia đình, trong nhà dòng, tôi đã quen với việc nhìn thấy phút lâm chung của một người có biết bao người thân vây quanh. Người mất được tắm xác, mặc quần áo chỉnh tề, được tẩn liệm với bao nhiêu nghi thức, bao nhiêu hương hoa, nhang nến, khăn tang, tiếng khóc thương đưa tiễn… 


Còn đây là những cơn hấp hối và cái chết hoàn toàn trong cô đơn, lặng lẽ, chẳng có gì… Thật sự là không còn gì! 


Chẳng qua, chỉ vì trong trận đại dịch, trong hoàn cảnh lây nhiễm nên nhiều người phải từ giã cõi đời trong cái đau thương ấy! Nếu như tôi không ở đây, không tận mắt chứng kiến những cảnh tượng này, chắc tôi sẽ không có được cảm nghiệm sâu sắc về sự mong manh của phận người. 


Những ngày qua, tôi cứ suy nghĩ mãi: “Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì?”


Những bệnh nhân trong khoa ICU này phần lớn đã hôn mê. Ngày nào tôi cũng đi từng phòng thăm và cầu nguyện cho họ. Họ là những người dân của Thành phố này. Nam có, nữ có, già có, trẻ có, mập có, ốm có… có đủ tất cả. Con virus này chẳng chừa ai. Chúng tấn công đủ mọi thành phần trong xã hội: có những người da dẻ trắng trẻo, mịn màng, trên người còn đeo nhiều trang sức và cũng có những người da nhăn nheo, khắc khổ; có những người giàu có, địa vị, tài giỏi, cũng có những người dân nghèo, bình dị, kém cỏi… 


Thế mà giờ đây, trong phòng Hồi sức Cấp cứu này, tất cả đều bình đẳng, tất cả những sự phân biệt đều quay về con số 0… 


Mọi người dù là ai đi nữa, chỉ còn là một sự trần trụi trên giường bệnh với nhưng hơi thở khó khăn, thoi thóp. Và cái chết tinh thần đôi khi còn đến trước cái chết thể lý. Đó chính là sự cô đơn, sợ hãi khi không có lấy một người thân bên cạnh. Đi hết cuộc đời, làm bao nhiêu việc, tìm kiếm bao điều, bao mối tương quan… giờ chỉ còn một mình đối diện với cái chết cận kề. Cảm giác ấy thật không dễ dàng gì đón nhận!


Có lẽ nhiều người trong số các bệnh nhân đã cảm nhận được thân phận bụi tro của mình nên ra đi trong bình an. Nhưng tôi cũng thấy có người vẫn vùng vẫy trong hơi thở cuối cùng như còn điều gì chưa thỏa. 


Như hôm, tôi chứng kiến cơn hấp hối của một cô độ 60 tuổi: Khi các bác sĩ vẫn đang nỗ lực cấp cứu, cô mở mắt ra lần cuối, đưa mắt nhìn quanh như tìm kiếm một người thân nào đó vì mới hôm trước, tôi nghe cô tâm sự: cả nhà đều bị nhiễm, mỗi người cách ly một nơi, cô rất lo vì mất liên lạc với mọi người. Thế nhưng xung quanh cô, giờ đây chỉ là những bức tường trắng xóa, những gương mặt xa lạ trong bộ đồ bảo hộ. Tôi thấy rõ ánh mắt đầy thất vọng và đượm buồn của cô. Máy thở đã không còn tín hiệu, cô ra đi mà mắt vẫn mở đầy thao thức. Thật không thể diễn tả được bao nỗi xót xa đau đớn. Mong manh quá, một kiếp người!


Nơi đây, tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ như một cái nháy mắt. Có người hôm nay còn thấy ngày mai đã không còn nữa. Tất cả đều ra đi với đôi tay trắng như khi vào đời. Một cuộc đời còn lại gì? Không kèn trống, hương hoa, không một người thân đưa tiễn. Tất cả những bon chen giành giật, tìm kiếm danh vọng, địa vị, tiền bạc, sắc đẹp… không một điều gì có thể theo chúng ta vào cõi vĩnh hằng.


Lời Chúa vang lên soi sáng cho tôi: “Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời…” (Mt 6,20). Quả thật, khi cánh cửa thời gian khép lại, nguồn hy vọng duy nhất đời tôi chỉ còn là Lòng Thương Xót Chúa. Mọi sự thế gian đều phải bỏ lại thế gian. Chỉ có những công việc bác ái mà hàng ngày tôi tích góp mới trở nên kho tàng đích thực cho tôi, là người bạn duy nhất theo tôi đến trước tòa Chúa. 


“Đi hết cuộc đời còn lại gì?”. Bài học này thật quý giá cho tôi, để ngay lúc này, khi tôi còn hơi thở, tôi kịp thời chọn cho mình  kho tàng không bao giờ hư mất.


Nguồn: tgpsaigon.net | Đồng Hồ Cát SPC

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Cột Trụ Của Giáo Hội


      Hôm nay, Giáo Hội cũng mừng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai cột trụ của Giáo Hội Chúa. Thánh Phêrô là Vị thủ lãnh trong việc tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người bảo vệ lừng danh trong việc tìm hiểu đức tin. Với việc tuyên tín của thánh Phêrô về Chúa Giêsu, là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa hằng sống. Chúa Giêsu tỏ mình cho các Tông đồ và tuyên bố thiết lập Nước Thiên Chúa cụ thể trên thế giới, trên trần gian dựa trên nền tảng đá là các Tông đồ, đặc biệt là thánh Phêrô và sau này, khi trắc nghiệm tình yêu của thánh Phêrô, Chúa Giêsu đã đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội của Chúa. Chúa Giêsu đã nói với Phêrô:” Hãy chăn dắt chiên con, chiên mẹ của Ta “.


          Giáo Hội vẫn có thói quen liên kết hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô trong một triều thiên vinh quang. Kinh Tiền Tụng hôm nay đã diễn tả như sau: Thánh Phêrô là vị thủ lãnh trong việc tuyên xưng Đức Kitô. Thánh Phaolô là người bảo vệ lừng danh trong việc tìm hiểu Đức Kitô. Thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho những người Israel còn lại. Thánh Phaolô là thầy và là đấng dạy dỗ muôn dân được kêu gọi. Và kinh Tiền Tụng đã kết luận: Các ngài đã dùng những đường lối khác nhau mà quy tụ một gia đình cho Chúa. Với lời ca tụng trên đây, Giáo Hội không những đề cao sự hợp nhất giữa hai đường lối khác nhau mà còn ngợi khen sự hợp nhất giữa hai con người có nhiều khác biệt.


          Hai con người này tuy được sự giáo dục khác nhau, và hấp thụ những văn hoá khác nhau, nhưng họ lại đi chung một đường, và cùng chung một lý tưởng. Cuộc đời các ngài đều phải lội ngược dòng để làm lại cuộc đời, để thay đổi cách sống sao cho phù hợp với niềm tin của mình.


          Thực vậy, nhìn vào đời sống của hai trụ cột của Hội thánh, chúng ta thấy: một Phêrô đã từng sa ngã. Ông đã từng can ngăn không muốn cho Chúa nộp mình chịu chết. Ông đã đi đến tận tùng của sa ngã là hành vi chối Chúa đến ba lần trong cùng một đêm. Một Phaolô đã hăng say lùng bắt các môn đệ của Chúa. Chính ông đã đồng loã với bọn quá khích ném đá vị tử đạo đầu tiên là Stephano. Thế nhưng, ý Chúa nhiệm mầu. Tình yêu của Chúa đã thắng vượt những yếu đuối của Phêrô và Phaolô. Chúa đã dùng muôn nghìn cách để đổi đời các ngài. Chúa đã tạo cho các ngài cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. Chúa đã nói cùng Phêrô: “một khi con trở lại hãy củng cố đức tin của anh em con”.


Cả hai đều được Chúa Giêsu gọi, Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Chúa Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Đamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (Cv 9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Người. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.


          Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.


          Chúa Giêsu đã chọn một số môn đệ mà Người gọi là Tông Đồ. Trong số các ngài, hầu như bất cứ nơi đâu, chỉ một mình ông Phêrô là xứng đáng đại diện cho toàn thể Hội Thánh. Chính vì là đại diện duy nhất của toàn thể Hội Thánh, nên ông xứng đáng được nghe Chúa nói: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời” (Mt 16,19). Không phải một cá nhân, nhưng cả Hội Thánh duy nhất đã lãnh nhận chìa khoá này.


          “Người ta bảo Thầy là ai?” Phêrô đã trả lời rất đúng “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” Trả lời như thế nhưng ông chưa hiểu rõ Con Người của Chúa Giêsu cũng như sứ mạng của Ngài bao nhiêu. Do đó, ông đã nhát đảm và chối Chúa khi gặp gian nan khốn khó. Nhưng sau này, khi hiểu được Đức Giêsu Kitô cùng tận nhờ Chúa Thánh Thần, ông đã hết hết tình vì Danh Đức Giêsu Kitô.


          Phaolô sau khi trở lại cũng có một niềm xác tín thâm sâu vào Đức Giêsu. Phaolô đã trả lời câu hỏi “Đức Giêsu là ai” như sau: ” Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự” (Rm9,5). Với niềm xác tín ấy, Phaolô đã sống hết mình vì Đức Giêsu Kitô, bất chấp mọi gian nguy khốn khó trong cuộc đời này nhằm cản bước tiến của ông trong việc làm chứng cho Đức Giêsu Kitô. Còn chúng ta thì sao? Đức Giêsu là ai trong cuộc đời của tôi và của bạn? Ngài có ảnh hưởng gì trên cuộc đời của chúng ta không? Câu hỏi ấy dành riêng cho mỗi người chúng ta. Khi nào chúng ta trả lời được Ngài là ai cách xác tín và mạnh mẽ, chúng ta mới có thể sống trọn vẹn cho Ngài mà thôi.


          Cả hai vị sau khi nhận biết Chúa Giêsu là ai đã thay đổi hẳn cuộc đời 180 độ. Phêrô từ một người dân chày dốt nát, không được giới luật sĩ trọng vọng, đã trở nên thông sáng, biết lãnh đạo, có khả năng làm người đứng đầu Giáo hội và lãnh đạo dân riêng Chúa. Phaolô từ một người bắt đạo trở nên tông đồ nhiệt thành thiếp lập được bao nhiêu giáo đoàn mới, đem về cho Chúa biết bao tín hữu. Hai vị tông đồ đúng là cột trụ của Giáo hội, là những người đại diện cho Chúa ở trần gian. Ngày nay, Giáo hội có Đức Giáo hoàng là người tiếp nối thánh Phêrô trong cương vị lãnh đạo và có những người tiếp nối thánh Phaolô, nhiệt thành lo cho nước Chúa được lan rộng và đi sâu trong các tâm hồn.


          Cả hai vị thánh đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.


          Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo và dám yêu dám sống và dám chết cho Đức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.


          Vì yêu mến Thầy hơn các môn đệ khác Phêrô chấp nhận cảnh phận “phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn Ngài đến nơi Ngài chẳng muốn” (Ga 21, 18).  Cho dù bị thua thiệt nhưng tình yêu sẽ phủ lấp muôn vàn tội lỗi (x. 1 P 4, 8 )


          Vì yêu mến Đức Kitô, Phaolô chấp nhận mọi thua thiệt.  Phaolô sẵn sàng chịu mọi gian truân khốn khó vì yêu mến đồng loại và mong cứu thoát được một số người.  Thánh nhân cảm nghiệm tình yêu là cao trọng hơn cả vì yêu thương là chu toàn mọi lề luật (x.Rm 14, 8 )


          Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô được Hội Thánh nhìn nhận là hai trụ cột chính của Tòa Nhà Hội Thánh.  Hội Thánh là đoàn dân của Thiên Chúa.  Có thể nói đó là tập thể những con người sống đạo yêu thương.  Tình yêu thì loại trừ mọi nỗi sợ hãi.  Đã yêu thì không còn e ngại sự gì.  Đã yêu thì không ngại các thiệt thua.  Vì yêu thương nên không sợ sai khi phải nói điều phải nói.  Vì yêu thương nên không sợ thất bại khi quyết làm điều chính đáng và phải đạo.


Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

Nhật Ký Của Cha


 Con trai yêu dấu!


Chúng ta hãy nói chuyện nghiêm túc với nhau. Rong chơi đủ rồi, cũng đã đến lúc con phải học cách: "yêu thương trưởng thành như một người đàn ông thực thụ". Cậu bé mới lớn hôm qua, hãy tạm biệt nó đi.


Con có thể chậm yêu, nhưng đừng phá chậu cướp hoa của người khác. Chinh phục là cần, nhưng tình yêu không phải chuyện giành giựt qua lại. Con có thể sốt ruột vì chưa thấy người mình yêu, nhưng tuyệt đối không đi với người này lại ôm người nọ.


Con gái xinh thì không thiếu, nhưng con gái thông minh rất khó tìm. Nếu muốn làm người thành đạt, hãy kiếm một cô gái thật sự hiểu chuyện ,biết điều. Áp lực ngoài đường đã đủ rồi, con thực sự cần một người chia sẻ.


Hạnh phúc của một cô gái đôi khi tầm thường vì quá giản đơn, tuy rất dễ làm họ vui nhưng những nỗi buồn con gây ra cô ấy sẽ không bao giờ quên lãng. "Nếu yêu thương thành thật, mong con đừng vô tâm."


Tuổi xuân của con gái thật ngắn ngủi chẳng đầy gang tay, vì thế con đừng quay lưng chỉ vì một ngày cô ấy không còn tươi trẻ.


Nếu cô ấy có làm kiêu, khó dễ, hãy hiểu, vì đó là quãng thời gian rực rỡ nhất của đời con gái. Con có thể mất nhiều thời gian để trở thành  một người đàn ông, nhưng họ chỉ vài năm nữa thôi đã đến tuổi buộc làm phụ nữ.

 

Chín chắn lên, con trai!


Có những chuyện nữ nhi luôn nhận về phần thiệt. Một người đàn ông tinh tế, sẽ biết cách giúp đỡ và cảm thông.

 

Vào bếp hay rửa bát là việc cỏn con, nhưng nó chẳng liên quan gì đến tự tôn của con cả. Nếu có thể, hãy san sẻ với cô ấy ít nhiều. Con có thể kiếm được rất nhiều tiền, nhưng đừng bao giờ nghĩ mình đang nuôi cô ấy. Vì có những chuyện nếu không có bàn tay phụ nữ, con sẽ chẳng được như bây giờ.


Nếu giữa hai người có xảy ra cãi vã, dù là lỗi của ai. Con cũng hãy học cách "cúi mình và thứ tha."


Ba bảo rồi, đừng so đo với cô gái cuộc đời con. Làm đàn ông, đến bao dung còn không làm được, thì tư cách gì để vùng vẫy giữa những biến cố trong cuộc sống.


Ba hiểu, tự trọng và bản lĩnh là điều thiết yếu không thể bỏ qua, nhưng con phải biết nhu, cương đúng lúc.


Hãy sống "bao dung" và hãy để cô ấy phục về "tài đức" của con nhé, chứ đừng bao giờ lấy quyền hay sức mạnh làm cô ấy khóc.


Đó là tâm huyết Ba để lại cho con, mong con cố gắng giữ lấy để gia đình con mãi luôn có tiếng cười và “HẠNH PHÚC”. 🥰

Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Thánh Gioan Tẩy Giả - Khiêm nhường nhưng cương quyết và can đảm

🙏 Hôm nay Giáo Hội mừng kính trọng thể ngày sinh của một con người đã từng nép bóng dưới cây Thập giá của Chúa Giêsu. Con người ấy chính là Goan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế, nhưng đồng thời cũng là người luôn nép bóng trong Chúa Giêsu.


🙏 Thánh Gioan đã tóm tắt tất cả cuộc sống của Ngài trong câu nói: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại". Dưới cái nhìn của con người, như Chúa Giêsu cũng đã có lần khen tặng, Gioan là con người cao cả nhất được sinh ra từ người nữ. Ngày sinh của Ngài được đánh dấu bằng những biến cố khác thường. Sự chào đời của Ngài đã mang lại niềm vui và hy vọng cho mọi người xung quanh. Vị tiên tri được xem là là cao cả nhất trong lịch sử Israen ấy đã lôi kéo được một đám đông mà chưa từng có vị tiên tri nào đã quy tụ được... Thế nhưng, cuối cùng, để hoàn tất sứ mệnh của mình, vị ngôn sứ ấy đã nhỏ lại và mất hẳn trong kiếp tù đày và đã bị rơi đầu vì ích kỷ, thù hận của một người vợ loạn luân của vua Hêrôđê. Thánh Gioan đã tan biến trong cái chết phi nghĩa, tàn bạo của một ông vua tồi tàn.


🙏 Gioan nhỏ lại trong cái chết ấy, nhưng Chúa Giêsu lớn lên trong Mầu Nhiệm của Ngài, bởi vì cái chết của Gioan là một loan báo về chính cái chết của Chúa Giêsu... Nhưng cũng chỉ trong cái chết của Chúa Giêsu, cái chết của Gioan mới có ý nghĩa... Trong bóng thập giá của Chúa Giêsu, Gioan đã tìm lại được chính mình.


🙏 Chúng ta cầu xin điều gì trong ngày sinh của thánh Gioan Tẩy Giả nếu không phải là bước đi trong từng bước nhỏ lại của Ngài. Trong từng bước ấy, chúng ta hãy đặt mình dưới bóng vĩ đại của Thập giá Chúa Giêsu. Chỉ trong chiếc bóng vĩ đại ấy của Thập giá Chúa Giêsu, những nghịch cảnh, những đau thương, những nghi ngờ và ngay cả những cái chết từng ngày sẽ mang lấy ý nghĩa. Và ý nghĩa ấy là gì nếu không phải là sự lớn lên của Đức Kitô trong chúng ta.


🙏 Chúng ta có nhỏ lại trong cái nhìn hẹp hòi ích kỷ của chúng ta, chúng ta có nhỏ lại trong những ham muốn ganh tỵ bất chính của chúng ta, chúng ta có nhỏ lại trong hận thù nhỏ nhen của chúng ta, thì lúc đó Đức Kitô mới thực sự lớn lên trong chúng ta. 

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

Hãy khép lại cánh cửa quá khứ

Thời gian sẽ chữa lành tất cả - ngay cả một trái tim tan vỡ.


Nỗi đau và sự tức giận bạn đang trải qua lúc này, sẽ mờ dần theo thời gian, nhưng nó sẽ dễ dàng hơn và nhanh hơn rất nhiều nếu bạn cầu xin sự trợ giúp của Chúa.


Có thể vẫn sẽ mất thời gian dài hơn bạn trông đợi, nhưng sự chữa lành chậm rãi, thường là sự chữa lành tốt nhất.


Cùng với sự giúp đỡ của Chúa, bạn phải làm phần của bạn. Đừng cố bám lấy quá khứ. Đừng khước từ sự chữa lành. Hãy bỏ đi những tức giận và cay đắng. Hãy bỏ tất cả.


Rất khó, nhưng bạn phải chấp nhận những gì đã xảy ra và tha thứ. Chỉ khi đó, bạn mới có thể khép lại cánh cửa quá khứ, tìm thấy sự thanh thản khỏi những ký ức đau thương, và tiếp tục cuộc sống.


Có những lúc khi cuộc sống của bạn như sụp đổ hoàn toàn, khi những gì vô cùng quý giá đối với bạn bị lấy đi, bạn sẽ tự hỏi liệu Chúa có đang yêu bạn và chăm sóc cho bạn không?


Câu trả lời thật rất đơn giản - Ngài vẫn! Hơn bất cứ lúc nào hết, Ngài yêu bạn rất nhiều! Lúc này đây, cuộc sống của bạn trống rỗng, nhưng Ngài muốn và mong chờ đong đầy nó bằng tình yêu của Ngài. Hãy tiến lên - bước qua và khép lại cánh cửa quá khứ. Không có cách nào để kết thúc tất cả những đau khổ ngoài cách bước qua nó.


Sẽ có những lúc bạn cảm thấy thật tối tăm, sợ hãi, cảm thấy như mình không thể bước đi tiếp được - hãy nhớ rằng bạn không đơn độc - người đang viết những dòng này hiểu rõ và cũng trải qua như thế - chúng ta sẽ nắm chặt tay Chúa, cho dù sức chúng ta không còn để nắm lấy tay Ngài, Ngài vẫn siết chặt tay ta - và cùng nhau, chúng ta và Chúa sẽ bước qua và cùng khép lại cánh cửa quá khứ.


Bạn thân mến! Đừng cảm thấy quá sợ hãi và cưỡng lại những bất an ùa đến bạn, đó là điều tự nhiên khi bước qua con đường đau khổ; trái lại, hãy hít thở thật sâu, bình tĩnh, đối mặt và phân tích sợ hãi của mình, và cầu nguyện để bình an vượt lên trên hết và đẩy lùi mọi bóng tối bất an đang chiếm lấy tâm hồn bạn.


Sau khi đã cầu nguyện xin bình an của Chúa, bạn có thể “chơi trò đếm ơn lành” - bắt đầu từ điều gì đó đơn giản ngay xung quanh bạn, và tự nhiên bạn sẽ tìm thấy những điều khác để tạ ơn và ngợi khen Chúa. Tạ ơn và ngợi khen Chúa sẽ giúp bạn hướng những suy nghĩ của mình ra khỏi những vấn đề của bản thân để nhìn lên Chúa, và rồi tình yêu Ngài sẽ đến với bạn.


Có thể bạn và tôi sẽ phải lặp đi lặp lại việc làm này rất nhiều lần. Nhưng ở bên kia cánh cửa, Chúa Giêsu đang có rất nhiều tình yêu và những điều tốt đẹp khác dành cho bạn.


Nỗi đau mất mát sẽ vẫn còn, nhưng bạn và tôi sẽ nhìn nó với cái nhìn bình an hơn, và nhìn thấy nhiều hơn những điều tốt đẹp, và mạnh dạn tận hưởng những điều tốt đẹp dù nỗi đau vẫn ở bên.


Chúng ta sẽ nhìn thấy… Chúa giúp chúng ta vượt qua bằng những cách vô cùng kinh ngạc.


Chúng ta sẽ nhìn thấy… cách Ngài làm cho mọi việc trở nên tốt đẹp.


Chúng ta sẽ nhìn thấy… lòng nhân từ của Ngài hiện diện ở những nơi hạnh phúc và cả những nơi đau khổ.


Ngài biết rõ tất cả hoàn cảnh của chúng ta, mỗi một sợi tóc trên đầu chúng ta, và mọi lo lắng nơi tâm hồn chúng ta.


Ngài đã nhìn thấy… đang nhìn thấy, và sẽ luôn nhìn thấy.


Và chỉ như thế thôi, cũng đủ để tôi nhắm mắt lại và mỉm cười trong giây lát.


“Ta biết các kế hoạch Ta làm cho các ngươi - kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng” (Gr 29,11).


Thiên Ân

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Tri Ân Tình Yêu Chúa


Cơn mưa chiều đã và đang làm dịu khí trời nóng bức của những ngày đầu hè, thế nhưng dường như những lo âu, sợ hãi của đại dịch Covid chưa có gì là dịu xuống bởi mỗi ngày con số các ca nhiễm tăng lên ngày càng nhiều, khu chợ từ trước đến nay vốn sầm uất cả ngày lẫn đêm nay đang được trả lại một sự tĩnh lặng bởi sự giãn cách xã hội. Dịch bệnh không những làm đảo lộn cả thế giới hay của một xã hội nhưng cũng đang làm xáo trộn cả những gì bên trong tâm hồn mỗi người. Màn đêm đang buông xuống, cơn gió mát khẽ lùa qua khung cửa sổ, nơi căn nhà nguyện bé nhỏ chỉ duy ánh sáng của ngọn đèn chầu le lói. Hạ muốn tìm cho mình một sự cô tịch, một cái gì đó riêng tư trong ngày mình được tuyên khấn lần đầu, ngày Quốc Tế Thiếu Nhi.


Vì tình hình dịch bệnh mà Nhà Dòng của Hạ và bao Nhà Dòng khác phải dời lại những ngày lễ khấn, một biến cố trong một hoàn cảnh chẳng ai muốn và cũng không ai có thể trách được. Hạ nhớ lại ngày tiên khấn cũng có một biến cố lớn, phải dời lại ngày khấn thế nhưng biến cố ấy lại là niềm vui của toàn Giáo phận.


Nhìn lại hành trình đã qua, 4 năm không phải là thời gian dài nhưng cũng đủ để Hạ cảm nghiệm được đời tu là gì. Ngày tiên khấn, Hạ đã ước mong được mãi là một trẻ thơ trong vòng tay của Giêsu, để Ngài dẫn dắt Hạ đi trên đường mà đã chọn, để Ngài ẵm lấy mỗi khi ngã quỵ trên đường đời đầy chông gai. Những ngày tháng đầu của ơn gọi Hạ cảm thấy hạnh phúc biết mấy, mặc dù những va chạm, những hiểu lầm là điều không thể tránh được, đôi khi là cả một sự sợ hãi trong công việc mà Hạ được trao.


Không thể phủ nhận Hạ không trải qua một cơn khủng hoảng nào trong ơn gọi. Trong năm vừa qua một năm sống ơn gọi, đối với Hạ là cả một sự cố gắng, khi Hạ phải đổi sang sống một môi trường mới, phải thích nghi với cộng đoàn mới, phải đối diện với những vấn đề chưa từng gặp bao giờ. Có những lúc Hạ cảm thấy căng thẳng và ngộp ngạt đến khó thở; lắm khi Hạ muốn dừng lại chẳng muốn bước tiếp nữa. Trong những giờ kinh, giờ nguyện gẫm, Hạ chỉ xin cho mình được trung thành với ơn gọi cho đến cùng. Những lúc ấy, Giêsu đã gởi đến cho Hạ những người bạn thiêng liêng, cùng chia sẻ và mở ra cho Hạ những hướng suy nghĩ tích cực hơn, vui hơn và bình an hơn. Để rồi hôm nay khi nhìn lại Hạ nhận thấy rằng chính những lúc gặp khủng hoảng trong đời sống ơn gọi ấy, Thầy Giêsu đã đến, đã nắm lấy bàn tay, dắt Hạ bước qua những thử thách và chông gai.


Trong bài giảng Thánh lễ chiều nay, chẳng biết là do trùng hợp hay do một sự xếp đặt, một lần nữa Hạ được nhắc nhắc nhớ, phải là thiếu nhi của Chúa, là “su su” của Ngài mà thôi, mà đã là thiếu nhi hay là “su su” thì Hạ phải tin tưởng và phó thác hoàn toàn trong tay Ngài, để Ngài dẫn đi cho dù hoàn cảnh có ra sao chăng nữa.


Cơn mưa chiều kèm theo những cơn gió mạnh, qua khung cửa sổ Hạ nhìn thấy những cánh phượng còn sót lại bên sân trường tiểu học bay theo cơn gió, Hạ chợt nhận thấy đôi khi mình đang để cho đời dâng hiến cuốn theo chiều gió của dòng đời, những lần sống bất cần, những lúc sống vô tâm, hay những khi đi tìm cho mình những gì là không cần thiết của đời tu.


Hôm nay, Hạ nhận được những tin nhắn, những lời chúc mừng  từ nhiều người, từ gia đình và từ một người bạn thiêng liêng. Những lời chúc mừng  ấy khiến cho Hạ nhận ra rằng, đời Dâng hiến của Hạ được đan dệt bởi chuỗi hồng ân, hồng ân ấy được Thiên Chúa ban cho Hạ qua những biến cố, qua gia đình, qua những người chị em mà Hạ được chung sống và cả những người bạn thiêng liêng mà Hạ gặp gỡ.


Ngoài trời gió lao xao, Hạ lặng nghe nơi tâm hồn mình tiếng vọng của một tình yêu. Hạ đã chọn và bước đi trên con đường chẳng mấy ai đi. Ấy thế nhưng, con đường ấy dường như được chuẩn bị sẵn chỉ cần Hạ sẵn sàng bước tới mà thôi. Trong cái tĩnh lặng của màn đêm buông xuống bỗng vang lên trong Hạ lời bài hát của một tu sĩ trẻ đạo lại từ một bản nhạc:


“Giêsu yêu hỡi, ôi Giêsu yêu hỡi

Chúa bên con thâm sâu của cõi lòng, phút lắng tâm

Con chỉ là giọt mưa thôi, trước ân tình Ngài biển lớn

Lòng con không khi nào yên đến khi con bên Chúa con”.


Nhat Ha MTGĐL


(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Cầu Nguyện Cho Các Linh Mục


 Lạy Chúa Giêsu,

xin ban cho chúng con những linh mục

có trái tim thuộc trọn về Chúa,

nên cũng thuộc trọn về con người.

Xin cho chúng con những linh mục

có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng,

một trái tim đủ lớn

để chứa được mọi người và từng người,

nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.


Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,

có tình bạn thân thiết với Chúa

để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.


Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,

có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho,

tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.


Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục

có trái tim của Chúa,

say mê Thiên Chúa và say mê con người,

hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên

và dẫn đưa chúng con

đến với Chúa là Nguồn Sống thật.

___________________

Lời nguyện trích từ: RABBOUNI

(120 Lời nguyện của Bạn Trẻ Việt Nam

Lm. An-tôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

"HÃY LÀM MỘT CÁI GÌ TỐT ĐẸP CHO CHÚA"

🌺 "HÃY LÀM MỘT CÁI GÌ TỐT ĐẸP CHO CHÚA"

đó phải là CÂU TÂM NIỆM mà người Kitô thốt lên khi vừa thức giấc đón chào một ngày mới.


🌻"HÃY LÀM MỘT CÁI GÌ TỐT ĐẸP CHO CHÚA"

bằng cách dâng lên Ngài HY SINH trong những công việc NHỎ BÉ hằng ngày.


🌾"HÃY LÀM MỘT CÁI GÌ TỐT ĐẸP CHO CHÚA"

bằng những cử chỉ QUẢNG ĐẠI, hy sinh phục vụ đối với những NGƯỜI CÙNG KHỔ nhất trong xã hội.


💐"HÃY LÀM MỘT CÁI GÌ TỐT ĐẸP CHO CHÚA"

bằng cách SỐNG TỬ TẾ và không ngừng THA THỨ cho những người xúc phạm đến mình.


🍀"HÃY LÀM MỘT CÁI GÌ TỐT ĐẸP CHO CHÚA

bằng chứng tích của một cuộc sống đầy LẠC QUAN và VUI TƯƠI ngay cả khi chỉ gặp toàn đau khổ, thử thách...

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...