Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Tâm thư của “thiên thần” vừa cắt dây rốn, đã bị bỏ rơi!


Tâm thư của “thiên thần” vừa cắt dây rốn, đã bị bỏ rơi!

Mẹ kính yêu,

Sáng ngày 24 tháng 6 mẹ đã bỏ con gần chùa Bửu Thành (phường Tân Phú, quận 9, Thủ Đức). Con đã khóc rất nhiều vì không được vòng tay yêu thương của mẹ chăm sóc bế bồng; con đau rất nhiều vì cha mẹ nỡ ruồng bỏ con. Con không có tội, chẳng có bệnh hoạn tật nguyện, thế tại sao sinh con ra lại chẳng cho con hạnh phúc với mẹ cha. Thừa hưởng “gen” của cha mẹ, hình hài con tựa thiên thần, ai cũng muốn ngắm nhìn bồng ẵm. Dễ thương là vậy, đáng yêu là thế, vậy sao cha mẹ nỡ lòng nào bỏ đứa con mình dứt ruột sinh ra? Chắc mai này lớn lên con sẽ hiểu, chứ bây giờ con chẳng thể có câu giải đáp vì sao con lại trong thân phận của một “thiên thần” mồ côi.

Mẹ ơi, may mà ông Trời cho cô Duyên (Nguyễn Thị Duyên, 21 tuổi; quê tỉnh Đắk Lắk; công nhân khu Công nghệ cao quận 9, TP HCM) nghe được tiếng khóc oe oe…của con. Chị tìm đến và nhìn thấy con: một bé trai sơ sinh được bọc lại bằng tấm vải trắng, ở phần cuống rốn chảy nhiều máu. Cảm nhận được nỗi đau đớn của con, chị mau chóng đưa con vào bệnh viện Quận 9 để cấp cứu. Lúc ấy con sợ lắm, mẹ à! Lúc này sức khỏe con đã khá hơn nhiều rồi. Mở mắt ra con không thấy mẹ đâu, chỉ thấy nhiều cô chú lạ lắm. Con biết họ là người tốt vì ai cũng đặt lên má con một nụ hôn trìu mến. Con chỉ buồn vì chẳng thấy mẹ đâu!

Giờ con nhớ mẹ nhiều lắm! Con nhìn cô Duyên, nhìn chú công an với hy vọng tìm ra manh mối của mẹ mình, nhưng con hoàn toàn vô vọng. Chắc mẹ có lý do đặc biệt lắm mới bỏ con như thế! Mẹ ơi, lý do ấy chính đáng đến nỗi vứt bỏ hài nhi của mình sao!? Nhưng dẫu sao con cũng cảm ơn mẹ đã cho con mở mắt chào đời. Giả như suốt đời không biết cha mẹ ruột con là ai, thì con cũng thầm cầu mong cho cha mẹ được bình an hạnh phúc. Con thiết tha mong những người làm cha mẹ xin đừng phá thai, đừng ruồng bỏ những thiên thần bé bỏng của mình. Với con, mẹ mãi là người mẹ của con. Bây giờ con đang được “mẹ” Nguyệt (Trần Thị Nguyệt, 38 tuổi; ngụ phường Long Trường, quận 9) làm thủ tục để nhận con. Mẹ Nguyệt sẽ thay mẹ chăm sóc và yêu thương con. Nếu có giây phút nào đó mẹ chạnh lòng sám hối ăn năn, hoặc lương tâm mẹ dày vò cắn xé, xin mẹ nhớ rằng con luôn tha thứ cho mẹ.

Mẹ ơi, nếu không có cô Duyên và mẹ Nguyệt chắc con khó lòng sống xót. Mẹ Nguyệt kể rằng: “Khi nghe tin cháu bé bị bỏ rơi, tôi đã vội vào bệnh viện làm thủ tục để xin được nhận nuôi. Cháu bé thật kháu khỉnh, nhìn chẳng khác gì thiên thần.” Trên đời còn nhiều người tốt lắm mẹ ạ! Từ đây cuộc đời con dẫu không có cha mẹ ruột nhưng với con, mẹ Nguyệt luôn là người mẹ thứ hai thật tuyệt vời. Cuộc sống của một công nhân như cô Duyên và mẹ Nguyệt tuy vất vả, nhưng vì tình thương và lòng nhân ái, họ đã mở rộng vòng tay đón lấy một người con đáng yêu này. Rồi con sẽ lớn lên, thiên thần của mẹ sẽ cố gắng trở thành một người thật tốt. Mẹ yên tâm, con sẽ sống hết mình để trả công ơn trời biển mà cha mẹ đã sinh ra con, và mẹ Nguyệt đã yêu thương nuôi nấng con.

Là “thiên thần” bị bỏ rơi, con đau đớn vô cùng, con bị quăng ném vào vùng nguy hiểm, mẹ ơi! Con khát mong mỗi cha mẹ xin đừng đối xử tệ hại với đứa con còn non nớt của mình. Chúng con cần lắm một gia đình, cần lắm bàn tay yêu thương của cha mẹ, cần lắm được làm người và được lớn lên.

Chào người mẹ kính yêu ở phương trời xa,

Con của mẹ, “thiên thần”bị bỏ rơi!

Thủ Đức, 26-06-2015

(Phạm Đình Ngọc, xin được thay lời để nói lên tâm sự của một em bé bị bỏ rơi)

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Hãy Trở Nên Những Mục Tử Như Lòng Chúa Mong Muốn


Hãy Trở Nên Những Mục Tử Như Lòng Chúa Mong Muốn

(TÂM TÌNH GỬI CÁC TÂN LINH MỤC THÂN QUEN)
          Nhân dịp tham dự Thánh Lễ trao sứ vụ linh mục cũng như tạ ơn của các tân linh mục tại Vương Cung Thánh Đường Sài gòn, tại Dòng Kín, tại Dòng Tên... Cảm xúc trào dâng về cuộc đời tận hiến của các tân linh mục thật thánh thiện, đáng quý, đáng mến... để rồi tôi xin gửi chút tâm tình đến quý cha mới.
Trọng kính quý cha!
          Đã hơn một lần, nhiều người nghe bài hát rất quen thuộc của linh mục nhạc sĩ Kim Long vào các dịp phong chức hay tạ ơn tân linh mục: Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khanh tướng... Một số người hay đùa sửa lại thành: "Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khinh tướng!"
          Tuy họ đùa nhưng không phải là không có lý do. Có đó và còn đó những linh mục sau khi lãnh sứ vụ linh mục sống trong cung cách khinh tướng để rồi để lại những nỗi đau trong lòng tín hữu.
          Thật vậy, một số linh mục đã quên đi và đánh mất đi cái ơn trọng đại trong đời mà Thiên Chúa trao ban. Và khi đánh mất ơn đó sẽ sống sai lệch con đường của các vị đã đi.
          Chắc có lẽ, ơn linh mục là ơn lớn nhất mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Qua cuộc đời tận hiến, qua đôi tay dâng lễ vật dâng lên Thiên Chúa thay dân của Ngài, qua bàn tay mục tử của quý cha, quý cha tuôn đổ hồng ân của Thiên Chúa xuống cho cuộc đời, xuống cho nhân loại. Thật trân quý biết bao với ơn gọi cao quý mà các cha đã được nhận lãnh từ Thiên Chúa.
          Các cha đã từ bỏ gia đình, bạn bè thân thuộc, họ hàng... để tận hiến cho Thiên Chúa. Đó là một sự hy sinh không hề nhỏ cũng như không phải ai cũng có thể làm được.
          Và, trong hành trình hình thành nên cuộc đời linh mục mà các cha tận hưởng như ngày hôm nay chắc chắn có nhiều tấm lòng, nhiều bàn tay đóng góp của quý ông bà cố, quý họ hàng và quý ân nhân. Tất cả những người đó sẵn sàng hy sinh để chia sẻ cuộc đời tận hiến của các cha, họ chỉ mong các cha trở thành một Đức Kitô khác, trở thành mục tử như lòng Chúa mong muốn.
          Các cha biết rằng quý ông bà cố, thân nhân và những ân nhân đặt kỳ vọng nơi các cha là dường nào.
          Có những doanh nghiệp, doanh nhân hay những cá nhân vẫn rất âm thầm mà theo con được biết họ hoàn toàn ẩn danh như doanh nghiệp Trần Quang, Nga Kem (Nga Matta), Suối Nhạc, Bia Bến Thành, Đông Phương Group... cũng như nhiều thành phần khác trong Giáo Hội có cả những người buôn gánh bán bưng chắt chiu để chia sẻ đời tận hiến của các cha họ cũng chỉ mong các cha sống tròn vẹn cuộc đời tận hiến. Bản thân nhỏ bé của con cũng như những người đó. Họ là thân nhân, họ là ân nhân xa gần nhưng tất cả đều ước mong cuộc đời tận hiến của các cha trở nên đẹp và trở nên có ý nghĩa.
          Chính vì thế, hòa cùng niềm vui của quý cha mới, con gửi đến quý cha chút tâm tình nhỏ bé của một người giáo dân rất bình thường, của một người trân quý ơn gọi nơi quý cha.
          Nhìn vào lịch sử Giáo Hội, còn đó những tấm gương đời mục tử tận hiến như Đức Cố Hồng Y Phaxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đức Cha Jean Casaigne, Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài... và gần nhất mà mọi người đều thấy là Linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung.
          Cha  Augustinô nguyên là một bác sĩ Phật giáo, chuyên môn về Da Liễu. Khi lên 18 tuổi, nhân đọc một bài báo nói về cái chết của Đức Cha Jean Cassaigne tại trại phong Di-Linh, cậu Chung cảm thấy cuộc sống đó quá tốt đẹp và vô tình Đức Cha Jean Cassaigne đã trở thành thần tượng của cậu. Khi nhắc lại đoạn đời đó, cha Chung cho biết là ngài được rao giảng Tin Mừng bằng đời sống, chứ không phải bằng lời nói. Từ đó cậu Chung có ý nguyện học làm bác sĩ để phục vụ bệnh nhân phong như Đức Cha Jean Cassaigne.  
          Tất cả các vị đó đã sống, đã minh chứng cuộc đời tận hiến của các vị một cách rõ nét trên cuộc đời của các vị bằng sự hy sinh, từ bỏ.
          Hay là, vị cha chung của Giáo Hội đang là  tấm gương sống động, tấm gương sáng cho Giáo Hội về đời sống của một vĩ lãnh đạo bậc nhất của Giáo Hội đó là về cung cách sống nghèo.
          Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ kêu gọi mà còn thực hành cuộc sống đơn sơ nghèo khó của mình mỗi ngày. Ngài không nói nhưng Ngài đã làm, đã nêu gương, đã sống.
          Cung cách sống của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng không phải là cung cách được nhiều người ủng hộ trong đó có cả hàng giáo sĩ. Những người không ủng hộ Đức Thánh Cha có lẽ là những người thích hưởng thụ, những người mong muốn người khác phục vụ mình chứ không còn đứng trong tư cách là người đến để phục vụ nữa.
          Vì thế, trong tâm tình vui mừng cùng với gia đình các tân chức, với ông bà cố, với quý cha nghĩa phụ, quý cha linh hướng, cha giáo và mọi người thân thuộc, chắc có lẽ cũng có sự âu lo, sự bận tâm về đời sống linh mục của các tân chức.
          Xin các cha luôn nhớ mình trong cung cách của người phục vụ Tin Mừng. Khi đó, trên con đường phục vụ, trên con đường về nhận xứ, các cha sẽ bỏ qua những mộng ước của những người thành công về mặt kinh tế, xã hội, xây dựng ... Hãy bỏ bớt đi những âu lo về quyền lực, về chức vụ trong tương lai nhưng hãy đặt mình trong cung cách của người phục vụ.
          Có như thế, con tin rằng quý cha mới sẽ là tấm gương sáng của một mục tử như lòng Chúa mong muốn. Và nếu sống được như thế, các cha sẽ được lòng trân quý từ ông bà cố, từ các cha giáo, từ bạn bè thân thuộc họ hàng nội ngoại bởi lẽ tất cả đều mong muốn rằng các cha chính là những mục tử đến để phục vụ chứ không phải để được người ta phục vụ.
          Nguyện chúc cho quý cha tràn đầy sức khỏe, đặc biệt ơn Thánh của Chúa luôn ở trên các cha để các cha sống, các cha bước đi theo vị mục tử tối cao là vị mục tử mang tên Giêsu một cách rõ nét hơn, một cách triệt để hơn trong đời sống mục vụ của mình.
Micae Thanh Châu

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Làm Dấu Thánh Giá

Có bao giờ bạn nghì rằng : tại sao mình lại làm dấu? Làm dấu trước mọi công việc. Làm dấu trước và sau khi ăn. Làm dấu khi sợ hãi, khi gặp gian nan. Nghĩa là làm dấu không đơn thuần là biểu lộ niềm tin Công Giáo mà còn là xin thêm sức mạnh từ Thiên Chúa. Làm dấu còn biểu lộ niềm tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa có thể che chở hồn xác chúng ta.

Đó là điều mà nhạc sĩ Lê Đức Hùng đã diễn tã qua lời bài hát “Làm Dấu” mà ca sĩ Phan Đình Tùng từng hát.

 Bài hát được khởi đầu bằng lời xác quyết:  “Con đặt lên trán tôn vinh Chúa Cha toàn năng. Con đưa tay xuống ngực chúc tụng Chúa con từng yêu. Đưa tay sang trái- phải vinh danh Chúa Thánh Thần nguồn ơn Thánh thiêng hồng phúc đời con....

Và rồi bài hát mời gọi chúng ta hãy làm dấu để xin ơn Chúa. Vì phải có ơn Chúa chúng ta mới làm mọi việc êm trôi. “Giữa hiểm nguy khốn khó, con làm dấu xin ơn bình an. Trong an vui ngập tràn con làm dấu hân hoan tạ ơn. Khi cô đơn thất vọng, khi mệt mỏi chán chường. Chúa ơi ở bên con nhé!”

Như vậy làm dấu là để thêm ơn Chúa. Làm dấu để xin ơn trợ lực, giúp sức từ Thiên Chúa. Làm dấu như dây sạc nối đời ta với Thiên Chúa. Điện thoại ta dùng hằng ngày cần phải kết nối với nguồn điện để duy trì hoạt động. Cuộc đời con người cũng cần kết nối với nguồn năng lượng ân sủng của Chúa để được sống hạnh phúc và sung mãn hơn.

Chúa Giê-su khi chỉ thị cho các môn đệ ra đi làm phép rửa nhân danh Chúa thì Ngài cũng hứa sẽ ở cùng các ông để tăng thêm sức mạnh cho các ông. "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần... Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28:19-20)

Khi các môn đệ nhân danh Chúa Ba Ngôi thì các ông còn làm được những chuyện phi thường hơn nữa : "Nhân danh Thầy họ sẽ trừ được quỉ, nói được các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe"(Mc 16: 17-18).

Như vậy khi làm dấu thánh giá nhân danh Chúa Ba Ngôi thì con người nhận lãnh nguồn sung mãn của Người. Con người như được tiếp sức từ sức mạnh của Thiên Chúa để có thể làm được nhiều điều phi thường. Thực vậy, có những điều tưởng chừng như bế tắc cùng đường, nhưng khi làm dấu thánh giá kêu cầu Chúa Ba Ngôi thì bế tắc đó lại được khai thông. Có những khi tôi sợ hãi, tôi làm dấu và thưa với Chúa : Chúa ơi, con sợ qúa, xin giúp con. Và quả thực tôi lại tìm được bình an. Có những khi gặp khó khăn trong công việc, tôi làm dấu và thưa với Chúa : Chúa ơi, con bất lực, xin giúp con, và dường như mỗi lần như thế tôi lại tìm được sức mạnh của Chúa để vượt qua.

Cuộc sống luôn đong đầy những khó khăn của cơm áo gạo tiền, của tuổi già bệnh tật, của tai ương hoạn nạn bất ngờ đưa đến. Cuộc sống vốn dĩ đầy những nổi trôi như muốn dìm chúng ta trong bể khổ trần gian. Có đôi lúc chúng ta cảm thấy bất lực vì những gì đang diễn ra trong cuộc đời. Có đôi lúc chúng ta cảm thấy chán nản vì những chuyện ngoài ý muốn vẫn đến với chúng ta. Đó là lúc mà Chúa bảo với chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa, vì « Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế »

Ước gì chúng ta có đủ niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa để có thể phó thác cho Chúa. Ước gì khi làm dấu nhân danh Chúa Ba Ngôi chúng ta cũng nhận lãnh được sức mạnh, ân sủng và tình thương của Chúa để vượt qua những khó nguy trong cuộc đời. Xin Chúa giúp chúng ta luôn nhớ đến Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời để tạ ơn và cầu xin sức mạnh của Chúa bảo vệ cuộc đời chúng ta. Amen

Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

7 ơn Chúa Thánh Thần và ý nghĩa của mỗi ơn

Những người lớn tuổi trong  chúng ta, chắc hãy còn nhớ nằm lòng một câu giáo lý xưa kia về 7 ơn cả của Chúa Thánh Thần : một là ơn khôn ngoan, hai là ơn hiểu biết, ba là ơn thông minh, bốn là ơn khéo liệu, năm là ơn mạnh bạo, sáu là ơn đạo đức, bảy là ơn kính sợ Đức Chúa Trời. Còn những ai nhiều lần tham dự hoặc chủ sự ba bí tích Khai Tâm cho người lớn trong đó có ban Bí tích Thêm sức ; hay những lần ĐGM làm phép xức trán cho các em tuổi mười trở lên, thì khi chủ sự giơ hai tay trên các người lãnh nhận cũng đọc lời nguyện liệt kê 7 ơn đó:

“Xin ban cho họ thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu va sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức – xin ban cho những người này đầy ơn kính sợ Chúa.”

Xin thú thật mãi cho tới những năm gần đây vẫn không sao phân biệt nổi những ơn này khác nhau làm sao. Nhất là mấy ơn đầu: 1) Khôn ngoan, 2) Hiểu biết  3) Thông minh. Ba ơn này chẳng là một hay sao, tuy mức độ có chênh nhau hơn kém…Như khi người ta khen con cái mình rằng là nó nhỏ nhưng nó khôn lắm, nó thông minh lắm, nó hiểu nhanh lắm,  ta thấy ba cái khen đó, nó “xêm xêm”: chẳng khác gì đầu đề một quyển sách châm biếm của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nêxin: Con chúng ta giỏi thật !

Sách “Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo” năm 1992 có nhắc tới 7 ơn này hai lần, một trong phần Nghi thức bí tích Thêm sức (số 1299) và một trong phần Hiệu quả bí tích (số 1303), nhưng chỉ liệt kê chứ không có một dòng giải thích.

Vậy muốn hiểu rõ 7 ơn CTT, ta phải coi lại bản gốc của nó : Isaia 11,2. Các nhà chuyên môn đã làm giúp ta, ta chỉ việc thu lấy kết quả của họ. Vì quả thật nếu dịch các ơn đó từ tiếng Hipri rồi Hy lạp qua Latinh, rồi mới từ Latinh chuyển qua tiếng Việt chúng ta đọc, thì thật khó lòng hiểu nổi các ơn đó muốn nói gì. Cần phải dịch lại mới sáng tỏ nội dung. Chúng ta sẽ không khởi đầu từ ơn khôn ngoan mà đi từ ơn thứ bảy, ơn dễ hiểu nhất để ngược lên tới ơn trên cùng là ơn khôn ngoan.

7- Ơn thứ bảy là ơn kính sợ ĐCT.
Đây là ơn mà đọc lên chúng ta hiểu ngay muốn nói gì. Kính sợ  là úy kính, một tâm tình mà ở trần thế này con người cần có thì mới mong tránh loạn tặc. Khi một người nào đó ngang tàng, coi trời bằng vung, không biết sợ trời là gì, thì người ấy có thể làm mọi sự và thường là những điều tệ hại nhất.

6- Nhưng một ơn khác của CTT làm cho ơn kính sợ này trở nên tình yêu, đó là ơn đạo đức. 
Sáu là ơn đạo đức : nghe “đạo đức”, ta nghĩ ngay đạo đức là năng đi nhà thờ, năng đọc kinh lần hạt. Nhưng đó mới là những diễn tả. Đạo đức chính là Đạo làm con. Một người con năng đến với cha là người con có hiếu. Và nếu cần dịch lại thì sẽ là ơn sùng hiếu (pietas). Ơn thứ 7 cho ta kính sợ Chúa, nhưng không phải kính sợ Chúa như một ông vua đầy uy quyền sát khí, một lời nói là đầu rơi, một chau mày là người chết. Nhưng ơn kính sợ Chúa cộng với ơn sùng hiếu này khiến ta kính sợ Chúa như người Cha của chúng ta. Đây phải là một ơn riêng của CTT khiến ta mới có thể dám xem Chúa là Cha của mình (x. Ga 4,6 ; Rm 8,15).

5-  Năm là ơn mạnh bạo hoặc ơn mạnh sức.
Đây không phải là sức khoẻ phần xác thôi, nhưng là sự dũng cảm của một người con Chúa can trường và vui vẻ thực hiện ý của Cha mình. Do đó có thể dịch ơn mạnh bạo là ơn dũng cảm.

Thực vậy để thực hiện chứ không phải chỉ biết thôi –ý của Chúa- nhiều khi chẳng dễ nuốt ngon ăn. Phải dũng cảm lắm mới được. Chúa Giêsu đã nói : Từ ngày Gioan Tẩy Giả đến giờ, Nước Trời ở dưới sức cường bạo, và chỉ những ai mạnh bạo mới được vào Nước Trời (Mt 11,12). Một chỗ khác, Chúa Giêsu nói : Không phải cứ kêu ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ mà được vào Nước Trời, nhưng là thi hành ý của Cha Ta (Mt 7, 21). Móc nối 2 câu này ta thấy phải dũng cảm lắm mới thực thi được ý Chúa để có thể chiếm Nước Trời.

4-  Bốn là ơn lo liệu.
Ơn thứ năm mạnh bạo cho ta sự dũng cảm để làm theo ý Chúa, nhưng chính ơn lo liệu này, dịch rõ hơn phải là ơn chỉ giáo cho ta biết đâu là ý Chúa trong từng trường hợp cụ thể. Trong Tam Quốc Chí, Khổng Minh Gia Cát Lượng trao cho Triệu Tử Long trên đường sang Đông Ngô 3 túi gấm trong đó có sẵn những chỉ dẫn. Khi cần thì cứ mở cẩm nang (túi gấm) để biết phải làm gì làm gì làm gì. Tới bờ sông, mở túi gấm 1, gặp quả núi mở túi gấm 2…

Vì thế  ơn lo liệu tức là ơn cẩm nang, ơn túi gấm, ơn chỉ giáo: (conseil) là ơn hiểu biết ý Chúa trong từng trường hợp cụ thể để ơn dũng cảm cho ta sức mạnh thi hành.

Ba ơn còn lại liên hệ đến chữ BIẾT. Nhưng mỗi ơn cho ta biết Chúa mỗi cách.

3- Ba là ơn thông minh.
Dịch như trong lời nguyện của Bí tích Thêm sức sẽ dễ hiểu hơn: ơn suy biết. Là ơn mình suy từ thiên nhiên vạn vật mà biết có Chúa là Đấng Tạo Hoá. Cách biết Chúa bằng lối này Chúa Thánh Thần ban cho rất nhiều người. Nhìn chiếc đồng hồ có các bánh xe ăn khớp nhau, ta suy biết có người làm ra đồng hồ. Thì nhìn trời đất muôn vật với trật tự lạ lùng, ta suy ra có ông Trời là Tạo Hoá. Đây là cách biết Chúa sơ đẳng nhất: biết Chúa qua thiên nhiên, biết Tạo Hoá qua mọi thọ tạo. Trước đây dịch là ơn thông minh. Dịch là ơn suy biết thì có lẽ thông minh hơn !

2- Ơn suy biết là biết Chúa qua thọ tạo (Science).
Cách biết Chúa cao hơn là biết Chúa qua mạc khải. Đây chính là ơn thứ hai: hai là ơn hiểu biết, hay dịch đúng hơn: ơn thấu hiểu, ơn thông hiểu. Không phải là hiểu biết thường qua thọ tạo, nhưng là hiểu biết thấu đến chính Tạo Hoá đó đã tỏ mình ra với con người. Tiếng chuyên môn gọi là mặc khải. Nói rõ hơn, ơn này đòi hỏi ta phải tin nữa. Tin Thiên Chúa là Lời – Lời nói với con người – cụ thể là tin Kinh Thánh là Lời ngỏ của Chúa cho nhân loại. Ơn này cũng còn có nghĩa là hiểu lời ngỏ của Chúa nữa: nói nôm na là hiểu và giải thích Kinh Thánh. Các nhà chú giải Thánh Kinh có lẽ nhận được ơn này nhiều. Tất cả thuộc phạm vi của ơn thấu hiểu.

1- Và cuối cùng là ơn khôn ngoan :
một là ơn khôn ngoan. Chữ “khôn ngoan” chưa nói được gì cả về ơn thứ nhất trong 7 ơn CTT này. Phải móc nối với một câu trong sách Khôn Ngoan ta mới khôn ra được, mới sáng trí hơn : Xin rộng ban cho tôi, Đức Khôn Ngoan hằng ở bên toà Chúa (Kn 9,4). Hoặc trong sách Huấn ca : Khôn ngoan đều xuất phát bởi Chúa, và khôn ngoan ở với Người muôn đời (Hc 1, 1). Vậy ơn khôn ngoan dịch cách khôn ngoan hơn phải là ơn thượng trí, tức là ơn “biết” Chúa thật sự, biết theo nghĩa Kinh Thánh—có thể nói như thế: Adong biết Eva, sinh ra Cain. Ơn thượng trí cho ta biết Chúa thật sự bằng cách bay vút lên trời (thượng trí mà !) để sống thân mật, sống kết hợp, sống kề cận ở ngay bên Chúa, nếm được Chúa, cảm được Ngài: Đức khôn ngoan hằng ở bên toà Chúa.

Chúa Thánh Thần cũng ban ơn thượng trí này cho một số vị tuy còn trong  thân xác trần gian, nhưng ngất trí, được đưa thấu tận trời xanh để cảm, để nếm Chúa, để  -nói theo lối nói của kẻ đã được đưa lên tầng trời thứ ba : có trong thân xác hay ngoài thân xác, người ấy không biết- đưa lên để nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại. “Về một người như thế, tôi sẽ tự hào.” Phaolo thuật như vậy trong 2Cr 12, 1-6.

Nhiều vị thánh khác, nhất là thánh nữ, được ơn thượng trí kết hợp với Chúa trong khi cầu nguyện. Toma Celano thì nói về Phanxicô Assisi như sau, “khi cầu nguyện, không phải là thánh nhân cầu nguyện mà Phanxicô là hiện thân của sự cầu nguyện” -một kiểu nói khác của sự kết hợp chiêm niệm, của ơn thượng trí. (Nếu các thánh khó khăn lắm mới được ơn này, thì hình như ta dễ dàng được ơn thượng trí, ngất trí này hơn, nhất là trong tuần phòng gặp những bài giảng khô và lâu, tức gặp những chuyên viên gây mê giỏi !). Thôi ta hãy khoan vội xin ơn thượng trí này, mà ta hãy cứ thấy Chúa bằng ơn suy biết khi đi dạo vườn hoa cây cối nơi TGM này. Xin CTT cho ta biết hô lên Eureka như Archimede ngày xưa khi ta khám phá được ý nghĩa hay ho của Lời Chúa qua ơn thấu hiểu.  Ta hãy xin cho ta biết ý Người muốn ta làm gì hôm nay, chốn này, qua ơn chỉ giáo. Lại xin ơn dũng cảm để ta thực thi điều Chúa chỉ dẫn. Và như thế ta là người con thật của Chúa là Cha qua ơn sùng hiếu và ơn kính sợ.

Còn nếu ta xin thẳng ơn thượng trí để “biết” Chúa, kết hợp với Chúa ngay từ đầu tuần phòng, thì chẳng cần mấy bài giảng của đức cha, chẳng cần lân la đến nhà thờ lễ lạy, vì ta đã đắm chìm trong Ngài rồi, thì quả là “khôn ngoan,” mà dịch là ơn khôn ngoan cũng chẳng sai vậy !

Ghi chú : ta thấy các ơn đi từng cặp :
– ơn sùng hiếu làm cho ta kính sợ Chúa như con kính sợ Cha
– ơn dũng cảm làm cho ta dám thực hiện ý Chúa trong giây phút hiện tại mà ơn chỉ giáo cho ta biết đâu là ý của Ngài lúc này.
– ơn suy biết cho ta biết Chúa qua thọ tạo thiên nhiên để rồi nhờ ơn thấu hiểu giúp ta biết Ngài ngỏ lời với con người
– cuối cùng,  khi biết Chúa  thì yêu Ngài (vô tri bất mộ) : lúc đó biết theo nghĩa thông thường trở thành “biết” theo nghĩa Kinh thánh, tức là yêu, là kết hợp với Chúa qua ơn thượng trí.

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Cầu Nguyện Cho Các Tu Sĩ

Để cứu độ con người, Thiên Chúa đã phải hạ giới làm người, sống như con người, là một con người trọn vẹn. Cuộc đời tại thế của Người kết thúc bằng cái chết nhục nhã trên thập giá. Dù đã phục sinh, nhưng Ngôi Lời Nhập Thể biết rằng Ngài không thể suốt đời suốt kiếp sống kề bên con người một cách nhãn tiền và hữu hình được. Sẽ đến lúc Ngài phải ra đi và đồng hành bên con người theo một cách thức khác. Thế nên, trong quãng thời gian còn ở dương thế, Ngài đã mời gọi một số người đến với mình, ở với mình, nghe những lời giáo huấn của mình, để sau này Ngài có thể sai họ đi, tiếp nối bước chân và sứ mạng cứu thế của Ngài.
Ai cũng được mời gọi bước theo Đức Giêsu, làm môn đệ của Ngài, nhưng có một số người được Giêsu mời gọi theo cách thức khác để ở với Ngài riêng tư hơn. Họ chưa hẳn là những con người xuất chúng hay lỗi lạc. Cũng chưa hẳn họ là người thánh thiện hơn, hiền hòa hơn, dễ thương hơn những người khác. Có khi họ cũng bồng bột như Phêrô, nóng nảy như Giacôbê, cuồng nhiệt như Phaolô. Nhưng tiếng gọi đến với họ thật bất ngờ, khiến nhiều khi bản thân họ cũng không thể nghĩ tới. Tiếng gọi ấy nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ, êm dịu nhưng cuốn hút tâm hồn, khiến họ cứ luôn nghĩ về nó mãi không thôi. Họ cũng là những con người bình thường như bao người khác, vẫn là những người nam người nữ muốn được ăn sung mặc sướng, muốn có một tổ ấm cho riêng mình, muốn được ấp ôm chiều chuộng, muốn được sở hữu ai đó làm của riêng, muốn sống một đời tự do tự tại, thỏa mãn những sở thích của mình. Nhưng bỗng dưng, một lời mời gọi lạ kỳ nào đó xuất hiện trong lòng, vào một phút bất chợt nào đấy, lôi kéo họ đến việc từ bỏ tất cả, chỉ để đi tìm sự thân mật riêng tư với một mình Giêsu và phục vụ tất cả những con người khác.
Đi tu là chọn lựa tự do của một cá nhân, nhưng đó không phải là một chọn lựa do sở thích con người thúc đẩy. Tiên vàn, nó xuất phát do một lời mời tự cõi trời vọng xuống trong tâm hồn người được chọn. Giỏi giang, thánh thiện, tài năng… không phải là tiêu chí tối cần của một đời sống tu. Ngay cả bản thân người đi tu cũng không hiểu tại sao mình được chọn, mà không phải là ai khác nổi trội hơn mình. Ơn gọi dâng hiến, đích thực là một ơn ban, một qua tặng nhưng không của Chúa, không phải là cái mà con người có thể sở đắc bằng khả năng của mình.
Có những tu sĩ một đời khuôn mình trong dòng kín, làm bạn với những câu kinh, những bài thánh ca ngợi khen Chúa. Họ lấy những công việc chân tay tầm thường nhỏ bé làm niềm vui. Có người xông pha trên những biên cương xa lắc, đối mặt với những sóng gió dặm trường, gặp gỡ những con người ở phía chân trời xa xôi, ngôn ngữ khác, văn hóa khác, có khi tính mạng cũng chẳng được đảm bảo ngày mai. Có người sáng tối trò chuyện, nâng đỡ những bệnh nhân đang sắp sửa bước vào cõi chết. Sự hiện diện, sự săn sóc, những lời hỏi han, dù có thể không làm người ta lành bệnh, nhưng cũng đủ để các bệnh nhân ấy nở một nụ cười tươi trước khi lìa thế. Hành trình xuôi ngược vượt non cao, băng rừng sâu, qua biển lớn, để mang Tin Mừng đến cho người khác là điều mà các tu sĩ dần trở thành thân quen. Nơi đâu vắng niềm vui, họ thắp lên hy vọng. Nơi đâu đang tăm tối, họ nhóm lửa yêu thương. Họ đi khắp tứ phương thiên hạ, mang trong tim hình bóng của Giêsu, để sưởi ấm lòng người. Họ cứ mãi bước đi, và chỉ dừng lại khi đôi chân không còn đi được nữa.
Dù được chọn lựa cách đặc biệt, nhưng các tu sĩ vẫn là những con người bình thường với biết bao những yếu đuối, mong manh như bao người khác. Có những mỏi mệt đâu ai biết. Có những phút cô đơn đến vô chừng. Có những chán chường không ai thấu. Có những lắng lo như gào xé con tim. Người tu sĩ phải sống giữa căng thẳng: chân thì đạp đất mà đầu thì hướng về trời cao, cũng muốn được yêu thương nhưng không được phép nắm giữ, cũng muốn được sở hữu nhưng lại không thể thỏa mãn cho bản thân. Họ sống trong thế gian nhưng lại không được để thế gian thống trị mình. Biết bao hiểm nguy và cám dỗ đang rình rập các tu sĩ, lôi kéo họ đến chỗ phản bội lời thề hứa đã có với Chúa, xúi giục hãy bỏ thập giá Đức Kitô xuống giữa đường.
Chúng ta hãy dành ít phút cầu nguyện cho các tu sĩ. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh của Thánh Thần để họ luôn ý thức về ơn gọi cao quý mà họ đã và đang lãnh nhận. Xin cho họ biết tìm đến với Giêsu để nương ẩn những khi thấy trong lòng bất an. Xin cho họ đừng bao giờ tìm bù trừ trong đời dâng hiến, nhưng hãy biết thánh hóa tất cả những hy sinh và thiệt thòi của mình. Xin cho họ biết dành phần hơn cho người khác, biết mỗi ngày nhỏ lại, chịu tiêu hao đi để ngọn lửa tình yêu của Đức Kitô được bừng cháy trên trần thế này.
 Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
video: dongten.net

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Biết điểm dừng

Tuổi trẻ là khoảng thời gian mà người ta cảm thấy có nhiều năng lượng nhất. Ở lứa tuổi này, ta có cảm tưởng như mình có thể làm được mọi chuyện, có thể vượt qua được tất cả mọi chông gai thử thách. Với nguồn năng lượng dồi dào ấy, người trẻ chẳng quản ngại điều gì, chẳng lo sợ điều chi, vì chẳng bao giờ họ thấy mình kiệt sức. Họ muốn chinh phục những đỉnh cao, muốn đối đầu với mọi thử thách, muốn lao mình vào những chỗ cam go. Đây cũng là lứa tuổi mà ta chẳng sợ gì cả. Không sợ trời, không sợ đất, ta tự thấy mình làm chủ chính mình chứ chẳng cần ai sửa dạy hay chỉ bảo. Ta tự cho mình có tự do vô hạn nên muốn làm gì thì làm, mà chẳng cần kiêng nể ai, chẳng cần nghĩ đến tương lai, không lo bận tâm đến hậu quả, vì ta nghĩ là mình có đủ khả năng để giải quyết tất cả.

 Có được một nguồn năng lượng dồi dào như vậy là một điều rất tốt nhưng cũng có thể là một điều xấu. Nó sẽ trở thành tốt khi ta biết sử dụng nó vào những mục đích sinh lợi nhằm tạo lập nền tảng vững chắc cho tương lai của mình. Nó sẽ trở nên xấu khi ta phóng đại nó lên, ảo tưởng về mình và đặt nó vào những hành vi tai hại. Đặc biệt, khi đang hứng thú chuyện gì đó, khi đang bị cảm xúc đưa dẫn, ta thường khó làm chủ mình, nhưng cứ để chúng kéo mình đi quá đà đến mất kiểm soát. Để rồi, khi nhìn lại, ta thấy mình đã lạc đường, mất hướng, thậm chí còn đánh mất những điều quý giá mà ta từng sở hữu trước đây. Cuộc sống là một cuộc hành trình tiến về phía trước. Nhưng ta không bước đi với một đôi mắt mù lòa hay bị đưa đẩy một cách vô thức. Phải có những lúc ta biết đâu là điểm dừng của mình. Biết điểm dừng không phải là hèn nhát nhưng là biểu hiện của sự khôn ngoan.

 Vui chơi với bạn bè là điều tốt. Để cuộc vui được trọn vẹn, ta phải chơi hết mình. Nhưng hết mình không phải là đánh mất chính mình. Cứ mỗi khi hứng chí, hay khi có men say thấm vào người, ta thường không kiểm soát được những gì mình nói, những gì mình làm. Những hành vi của ta khi ấy dường như không nằm dưới sự kiểm soát của ta nữa, nên rất nhiều khi gây ra những điều nguy hại. Có óc hài hước và biết nói đùa là điều tốt. Nhưng có khi những lời nói đùa của ta không mang đến tiếng cười, mà vô tình làm tổn thương người ta. Có một tương quan là tốt, vì tương quan giúp ta thăng tiến chính mình và làm cho cuộc sống của mình thêm triển nở. Nhưng không phải tương quan nào cũng như tương quan nào. Mỗi tương quan đòi hỏi nơi ta một ý thức và một trách nhiệm riêng. Có những tương quan ta phải dấn thân trọn vẹn để vun đắp; nhưng cũng có những tương quan mà ta không được phép vượt qua ranh giới ngăn cản… Và còn có rất nhiều ví dụ tương tự như thế!

 Sở dĩ ta phải biết điểm dừng là vì ta không phải là người toàn năng, ta không thể làm được mọi thứ và không thể đảo ngược thời gian để thay đổi những gì ta đã gây ra. Tạo Hóa đã ban cho con người chúng ta có tự do để làm gì mình muốn, nhưng Ngài cũng ban cho chúng ta có lý trí nhận định và cân nhắc để không sử dụng tự do của mình đi quá giới hạn. Ta thường dễ để mình hùa theo những thúc đẩy, hơn là mạnh dạn dừng lại trước khi đi quá xa. Người biết điểm dừng là người làm chủ được chính mình, người đó có ý thức cao về mình, có lập trường vững chắc và không bị những trào lưu hay cảm xúc dẫn dắt. Họ biết giới hạn của mình và họ không làm gì để vượt qua giới hạn đó. Họ biết dừng vì họ ý thức về sự hữu hạn của mình. Họ không ảo tưởng, không hống hách, không ngang tàng, không bướng bỉnh, không cố chứng tỏ bản thân, không cần những danh dự hão, không bị những thách thức và khiêu khích của người khác khuấy động tâm can. Vậy nên, để có thể dừng lại, người ta phải có một sức mạnh rất lớn trong mình.

Biết điểm dừng và dừng lại khi cần thiết không phải là thất bại, không là nhút nhát, nhưng là khiêm nhường, khôn ngoan và ý thức về giới hạn của mình. Ngược lại, những ai bất chấp và điên cuồng, không biết dừng lại chính là những người ảo tưởng, kiêu ngạo và ngu dốt. Dừng lại cũng không có nghĩa là ta không có quyền làm điều gì đó, nhưng là ta biết rằng mình không nên làm. Quả vậy, người nào biết dừng lại kịp thời là người còn làm chủ mình, còn sống dựa vào lý trí của mình, chứ không “mất tay lái” và bị những xúi dục thúc đẩy lôi kéo.

Rất nhiều khi, ta bị rơi vào cạm bẫy bởi những khiêu khích của người khác. Những khiêu khích ấy đụng chạm đến lòng tự ái của ta. Ta không muốn thua ai, ta không muốn bị ai coi thường. Cái tôi muốn chứng tỏ trong ta bừng dậy, thúc đẩy ta cứ thế mà “chơi tới bến”, chẳng ngán chẳng sợ gì, bất chấp cả hậu quả. Cũng có khi ta bị những thúc đẩy của đam mê và cảm xúc lôi kéo. Yêu người này, thích người nọ, muốn làm điều kia… dù biết rõ là sai, là không được phép, là đi ngược lại với chân lý, là không có tương lai ta vẫn cứ nhắm mắt đưa chân vào. Bỏ ngoài tai những luân thường đạo lý, những lời khuyên hữu ích, ta cứ vô tư “vượt rào” để chiều theo những cảm xúc ấy. Càng đi vào sâu, ta càng cảm thấy mình không thể bứt ra được, và cứ thế, ta trở nên nô lệ cho chúng, ta đánh mất chính mình, đánh mất tương lai của mình, đánh mất cả những gì tốt đẹp mà ta đang thụ hưởng.

Cái ngông nghênh của tuổi trẻ còn nằm ở tính kiêu ngạo và ảo tưởng nữa. Vừa mới vào đời, kinh nghiệm còn non nớt, kiến thức chưa tới đâu, nhưng lúc nào ta cũng cho là mình đã trải qua phong sương, đã biết hết tất cả. Chính từ thái độ tự phụ ấy, ta chẳng coi ai ra gì, chẳng thèm nghe theo lời khuyên bảo của người khác. Có đôi khi ta còn muốn chứng tỏ bản lĩnh của mình, muốn cho người khác thấy ta tài hoa ra sao, để người khác phải thần phục và khen mình bằng những lời tán thưởng. Bởi thế, ta không thể chấp nhận được thì có ai đó chê ta, không coi ta ra gì. Cái thói chứng tỏ mình nhiều khi làm cho ta trở nên điên cuồng và bất chấp tất cả, chẳng biết đâu là điểm dừng để ngừng lại và trau dồi bản thân hơn.

 Các bạn trẻ thân mến, hãy dừng đúng lúc đúng nơi. Điều đó chẳng gây thiệt hại gì cho các bạn cả. Nhưng nó sẽ nói cho người khác biết, bạn đích thực là một con người vững mạnh vô cùng. Có một định nghĩa cho rằng người trưởng thành là người biết nói “không” khi cần thiết.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Cáo Phó Chúa Giêsu

Trong niềm tin vào tình thương của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, chúng tôi thành kính báo tin cùng các anh em môn đệ, thân bằng quyến thuộc, bạn hữu xa gần và toàn thể nhân loại:
Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, Thầy, Người Yêu và Bạn của chúng tôi là: GIÊSU KITÔ
Đã được CHA gọi về vào giờ thứ chín ngày Lễ Vượt Qua, khoảng năm 26 sau Công Nguyên (AD), tại Giêrusalem, hưởng dương 33 tuổi.
Nghi thức hạ xác, tẩm liệm sẽ được tổ chức trên đồi Golgotha, sau đó linh cửu sẽ được mai táng trong mồ đá gần đó.
Ngày giờ có thể đi viếng mộ: sau ngày Sa-bát, ngày thứ nhất trong tuần (nếu bạn sống ở thế kỷ 21 hãy đến thăm viếng vào Tam Nhật Thánh tại các nhà thờ Tin Lành hoặc Công giáo, Anh Giáo).
Kính xin mọi người dâng lời cảm tạ Thiên Chúa Cha đã ban Con Một của Ngài xuống thế để cứu chuộc nhân loại.

TIỂU SỬ CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ
Họ và tên: J.hoschua (tiếng Do Thái) hoặc Jesua hay Jesu (tiếng Aramê), Giêsu (tiếng Việt).
Danh hiệu: “Messiah” có nghĩa là “Đấng được xức dầu”.
Quốc tịch: Do thái, thuộc hoàng tộc David.
Năm sinh: năm 7 trước Công Nguyên (trước khi vua Hêrôđê băng hà ít lâu: 4 năm trước CN).
Nơi sinh: chuồng chiên, tại Belem.
Nơi thường trú: Nazareth.
Ngôn ngữ: tiếng Aramê của miền Galilêa.
Cha mẹ trần thế: Giôsép (Giuse) và Maria.
Cha thiên quốc: Chúa Cha
Ngày chịu phép cắt bì: 8 ngày sau khi sanh.
– Ngày tiến dâng cho Thiên Chúa
: năm 12 tuổi.

Nghề nghiệp: thợ mộc (teknos), nghề của cha Giôsép (Giuse).
Gia tài: Không có gì, ngoài chiếc giường duy nhất là cây thánh giá.
Học vấn: tại gia, trường Giuse-Maria.
Tình trạng: độc thân.
Hoạt động công khai: năm 30 tuổi.
Địa bàn hoạt động: giảng dạy khắp nơi, nhưng phần lớn chung quanh hồ Galilêa, mà trọng tâm là thành phố ngư phủ Capharnaum. Thời gian hoạt động chừng 2 năm rưỡi.
Đề tài rao giảng: Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến.
Bài giảng đầu tiên: Bài giảng trên núi về Tám Mối Phúc Thật.
Các môn đệ: dù không phải là Rabbi, nhưng Ngài đã chọn ra 12 Tông đồ là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Chúa Giêsu cho các thượng tế.
Các phép lạ: nước hóa thành rượu, năm chiếc bánh và hai con cá nuôi năm ngàn người ăn, chữa lành các bệnh tật, trừ quỷ, cho người chết sống lại…
Bữa tiệc sau cùng: Bữa Tiệc Ly.
Tội phạm: Giới thẩm quyền Do thái đã tố cáo Ngài phạm thượng.
Bản án: Chính quyền Roma, đại diện là Pontio Philatô, đã lên án Ngài và cho đóng đinh vào thập giá.
Hành quyết: bị đóng đinh sau trưa ngày lễ Vượt Qua, tại một nơi nằm ngoài vòng đai thủ đô Giêrusalem.
Mai táng: trong mồ đá, tại một chỗ không xa nơi hành quyết.
Nơi chết: Trên đồi Golgôtha.
Các biến cố lịch sử trong đời: Giáng sinh tại Bêlem, chịu phép rửa trên sông Giođan, biến hình trên núi Tabor, chịu chết trên đồi Gôlgotha, sống lại từ cõi chết, và lên trời.
Bảy lời sau cùng: “Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng” (Lc. 23:32-34), “Ngày hôm nay con sẽ được ở với Ta trên Nước Thiên Ðàng” (Lc. 23:35-43), “Này Bà, đây là con Bà!” (Ga. 19:16-27), “Lạy Chúa tôi, Lạy Chúa tôi, nhân sao Chúa bỏ tôi” (Mt. 27:45-47 Mc. 15:33-36), “Ta khát” (Ga. 19: 28-29), “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga. 19:30-37), “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc. 23:44-56).
Tấm gương kỳ cục nhất: Rửa chân cho các môn đệ.
Lời sau cùng trước khi về trời: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Báp-têm (phép rửa) cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
Dấu tích đặc biệt: Năm dấu thánh.
Tác phẩm để đời: Lời, Mình và Máu Thánh mang lại sự sống đời đời cho nhân loại.
Biến cố vĩ đại sắp làm: Lại đến lần thứ hai trong vinh quang để thẩm xét tất cả những người đang sống hay đã chết!
Tang gia đồng khấp báo. Cáo phó này thay thế thiệp tang.

Xin miễn phúng điếu và tặng vòng hoa, nhưng dùng tiền để giúp người nghèo.

Đại diện:
Tông đồ Phêrô

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Sứ điệp từ cây Thánh Giá

Nếu như cây Thánh Giá không còn. Cây cho gỗ năm xưa vẫn là cây cám dỗ và sa ngã muôn thưở. Cây không ngừng phát triển, tội lỗi gia tăng không thể kiểm soát. Nếu cây Thánh giá không còn. Hình phạt án tử bất công gia tăng tràn ngập. Đau khổ vẫn đày đọa con người không lối thoát. Cây thánh giá không chỉ là cây biểu tượng tôn sùng hay đạo đức. Cây Thánh giá mang nhiều ý nghĩa khác hơn.

Cây sự sống.

Từ ban đầu cây mang trái cấm đã là một cây mang dấu vết của sa ngã. Con người tiếp tục sa ngã trên vết trượt cuộc đời, đã bao lần giống như tổ tiên xưa, tự bảo, “đừng lại gần cây ấy”, thế nhưng càng có lời khuyên lại có càng nhiều người lao vào trái cấm. Cây Thánh giá vì thế cần thiết thay cho cây trái cấm ấy. Con Thiên Chúa đã dùng cây Thánh giá để trở thành cây hiến tế, quyền lực sự dữ bị tiêu diệt bởi Tình yêu Thiên Chúa tự hiến làm giá chuộc.

Cây huyền nhiệm.

Cây Thánh giá là một cây huyền nhiệm, một cây biến đổi. từ cây mang màu sự chết trở thành cây ban sự sống. Từ cây thập hình xử tử trở thành cây cứu rỗi. Cây đau khổ trở thành cây mang niềm hy vọng. Nhìn lên Thánh giá Chúa, con người lâm bệnh trong nguy tử nhận thấy niềm an ủi lớn lao. Hôn lên cây Thánh giá nhỏ làm tiêu tan những đau khổ lớn phần xác. Những con người nghèo, thất thế, bị bỏ rơi, những con người chịu áp bức, cay đắng, nhìn lên Thánh giá với lòng cậy trông, tin tưởng vào ngày Chúa cứu thoát.

Xã hội cũng cần Thánh giá.

Con người cần đến Thánh giá, không thể loại bỏ Thánh giá ra khỏi đời sống, những nơi công cộng. Không những cá nhân cần đến Thánh giá mà cả xã hội cũng cần đến Thánh giá. Thánh giá để nhắc nhở cho xã hội biết rằng, đã xảy ra những tòa án bất công, con người vô tội trở thành tội nhân. Xã hội cũng có những bất công, con người lương thiện luôn chịu thiệt thòi, hy sinh bởi nhiều kẻ gian tham. Xã hội cần đến Thánh giá vì xã hội đầy bạo lực đã dẫn đến bao tội ác phi nhân. Con người hành xử với nhau một cách tồi tệ, đầy thú tính. Thánh giá nói về tình yêu chiến thắng cường bạo, nói về tha thứ chiến thắng hận thù, nói về công bằng thay cho bất công, nói về người yếu thế cần được tôn trọng. Thánh giá nói cho nhân loại cách xây dựng hòa bình bằng chiều ngang hai tay giang rộng, bằng trái tim rộng mở khoan dung, bằng chính thân thể hy sinh mạng sống cho người mình yêu.

Cây tha tội.

Tội lỗi là sự dữ khó thoát nhất của con người, Ai có thể cứu chúng ta ra khỏi tội? Đó là băn khoăn lớn nhất của con người. Bởi vì, con người ai cũng mang tội, những thứ tội phải chết. Thế nên, cây Thánh giá là quà tặng lớn nhất mà chính Thiên Chúa ban cho nhân loại. Trên cây Thánh giá đó, một con người vô tội, vô tỳ tích, một con người thánh thiện tuyệt đối, mang lấy tội của nhân loại, chết thay cho nhân loại, biến đổi sự chết thành sự sống nguyên tuyền. Một nhân loại mới được khai sinh, nhờ cây Thánh giá, con người đủ khả năng vượt thắng tội lỗi, con người có thể xây dựng hòa bình, trật tự, nếu con người lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.

Sứ điệp Thánh giá được trao cho chúng ta, những con người được rửa tội trong Chúa Kitô. Chúng ta là những sứ giả niềm hy vọng cho nhân loại, chúng ta là những con người góp phần vào xã hội để xây dựng một xã hội yêu thương. Chúng ta là những con người loan báo hồng ân cứu độ cho tất cả mọi người chung quanh chúng ta gặp gỡ và chia sẻ. Chính vinh quang của Chúa chiếu giải qua Thánh giá để ý nghĩa cuộc đời mỗi con người được nên trọn vẹn.

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...