Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Tuổi niên thiếu

Ở tuổi thiếu niên, nếu chỉ dừng lại ở nỗi khổ là làm sao để có một thân thể đẹp đẽ và dễ thương thì không có gì đáng lo. Vấn đề nằm ở chỗ ‘bên trong’ cái thân thể ấy, có thể nhìn thấy một ‘núi lửa’ đang hoạt động. Một cách tổng quát đó là nhu cầu về tha nhân, được biểu lộ như một nhu cầu giới tính, thúc đẩy người thiếu niên hướng về người khác phái.
Tôi hiểu về điều này rất rõ ngang qua kinh nghiệm tiếp xúc với thanh thiếu niên nam cũng như nữ. Mấy năm trước, mấy anh chàng còn đơn sơ ngổ ngáo, thế mà năm nay bỗng dưng “oách” hẳn ra, tỏ ra sành điệu, ga lăng với  các bạn nữ, nhất là với cô bé nào đó. Các trẻ nữ cũng thế, tuy vẫn khoác bộ đồ học sinh cấp II, nhưng thế nào trên môi cũng cũng kín đáo tô chút son gió, rồi mắt lúng liếng, thích dựa dẫm, tỏ ra yểu điệu dễ thương với các bạn khác phái.
Bởi tuổi thiếu niên bước vào “khung trời của tình cảm” với những bước chập chững nên nhà giáo dục cần tìm hiểu về tâm lý, tình cảm của tuổi thiếu niên. Trong giai đoạn này, tuổi thiếu niên cần được lắng nghe, được đánh giá, được ca ngợi, được hiểu, được khích lệ, được đón nhận với nụ cười, với cái khoác vai, cảm nhận có ai đó âm thầm gần bên.
Điểm nổi bật của tuổi thiếu niên so với lứa tuổi trước đó, là ước muốn trao ban. Nhưng nhiều lúc ta thắc mắc tại sao có lúc tráitim người thiếu niên đập mạnh là thế, hớn hở đến thế, để rồi thoắt một cái, lại rơi vào cơn thất vọng, buồn chán, phản bội ? Dễ hiểu thôi, bởi điều này giống như lối ừng xử của một người nghèo nào đó vừa mới “phất lên” một chút. Mọi sự đối với anh ta còn lộn xộn, chưa rõ ràng nên còn choáng ngập  không biết phản ứng thế nào.
Trong tuổi thiếu niên, các em sống bằng những xúc cảm, họ giống như đi trên một chiếc bập bênh. Lúc này, họ thấy mình bay bổng trên các ngọn sóng, rất hăng hái, mong muốn làm điều thiện, yêu đời, tử tế với hết mọi người, tôn trọng cha mẹ, thầy cô, cố gắng đi tìm những tình bạn thật, sẵn sàng đến với người nghèo, người bệnh, người khuyết tật … Nhưng không lâu sau đó, các em lại cảm thấy người khác chẳng có ý nghĩa gì. Chúng không còn tin vào tình bạn, chẳng tin vào tình yêu, bỏ rơi lý tưởng và sáng kiến, xa rời nhóm, hay  nhập băng nhóm khác. Các em trở thành hoài nghi, rất khó chịu.
Làm thế nào để cho mình đáng yêu ?
Chính vì đặc nét tâm lý này mà đối với các cô cậu thiếu niên, việc làm cho mình đẹp, dễ thương và đáng yêu không được dừng lại chỉ ở việc chăm sóc thân xác, mà cần thiết phải vun trồng những tình cảm tốt nữa. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng vì ngày nay người ta chú trọng làm đẹp thân xác hơn hơn là làm đẹp tâm hồn. Thêm vào đó chủ  nghĩa tiêu thụ với tôn chỉ “dùng và vất đi” đã ảnh hưởng mạnh đến lối suy nghĩ và hành sử của các bạn trẻ. Hệ quả là lối nhìn về tình bạn chỉ là thứ thuốc khử mùi, sự thiện cảm đồng hoá với chiếc quần Jean được ưa thích, còn tình yêu được đồng nghĩa với tình dục.
Thứ văn hoá tầm thường này đã gây ảnh hưởng mạnh đến các thanh thiếu niên, một lứa tuổi mà tình cảm đang độ nở hoa. Những tục tĩu trong phim ảnh, bài hát, thời trang nguy hiểm như thứ lạnh lẽo băng giá đối với những bông hoa đang rực nở. Tuổi thiếu niên nếu “ tầm thường và trống rỗng” thì chẳng khác nào một cây bị nguy cơ khô héo trước khi kịp nở hoa.
Trước những dễ vỡ của tuổi thiếu niên như thế, nhà giáo dục cần lưu tâm ngay đến việc vun trồng nơi các em những tình cảm đúng đắn, tốt đẹp. Có một nguyên tắc vàng giúp hướng dẫn các thiếu niên trong chuyện này, đó là :“Hãy làm cho người khác điều mà bạn muốn họ làm cho mình”. Bạn muốn được lắng nghe, đánh giá, khích lệ ? Bạn muốn ai đó đang giận bạn, nở một nụ cười tươi với bạn ? Bạn ước ao có ai đó ở bên khi bạn cần, có một ai đó tha thứ cho bạn, đối xử tế nhị với bạn, hiểu bạn ? Tốt lắm. Các bạn trẻ cũng hãy làm cho người khác như thế, bắt đầu với chính các phụ huynh các bạn.
Phụ huynh và gia đình có vai trò gì ?
Gia đình là nơi để biết em thiếu niên đó ở trong tình trạng “đứa trẻ ngủ mê’ hay không ? Đánh thức một thiếu niên để em thay đổi thái độ sống từ một đứa trẻ đến người có trách nhiệm thật không dễ dàng, bởi từ trước đến nay nó chỉ chuyên nhận lãnh chứ có trách nhiệm gì.
Trong thực tế, gia đình là nơi các thiếu niên dễ có thái độ hỗn hào, cáu gắt, vô giáo dục, đó là do các bậc cha mẹ đã luôn châm chước.Cho nên, bổn phận quan trọng của cha mẹ  là chuẩn bị cho con bằng việc vun đáp cho con cái những tình cảm tốt đẹp ngay từ khi còn nhỏ, chứ không đợi đến lúc lớn mới dạy dỗ.
Phẩm chất tình cảm
Một số hướng dẫn để nhà giáo dục giúp các thiếu niên trở nên dễ thương nhờ các tình cảm đẹp.
- Hãy yêu người khác như chính họ là, chứ không yêu người khác vì họ có ích lợi cho ta.
- Đừng bao giờ thương đại một ai đó vì tất cả các bạn khác đều có một người để thương mến. Trong trường hợp này, người được thương chỉ là bông hoa điểm xuyến cho ta đẹp mặt thôi.
- Tình cảm chỉ là chính đáng khi nó hoàn toàn vô vị lợi. Nếu bạn cố nở nụ cười tế nhị với thầy cô để được điểm cao, hay bạn giả ngoan chỉ nhằm được cha mẹ cho đi chơi … thì mọi cố gắng này không giúp vun trồng những tình cảm đẹp.
- Tình cảm không là sự thất thường, nhưng phải trung thành và trách nhiệm. Thay đổi bạn bè hằng ngày, hàng tháng thì không là thái độ của người trưởng thành, mà là thói tuỳ hứng của con nít vì bạn bè không là đồ chơi và tình cảm thì lâu bền.
- Tình cảm chính đáng cần có bầu khí cởi mở. Sẽ không tốt nếu tình cảm chỉ luôn đóng kín với hai hay ba người bạn. Tình cảm này làm xơ cứng con tim.
Những tình cảm nhàm chán
Ngày nay, ngay giữa các học sinh cấp II thôi đã xuất hiện nhiều pha tình cảm không phù hợp và đang được bình thường hoá hoặc trở thành phong trào, gây ra sự nghiêm trọng đến sự phát triển nhân cách và đặc biệt việc học của các em.
Khi thiếu niên đến tuổi dậy thì ta khó mà ngăn cản được tâm tình yêu thương nơi các em, vì căn bản nó thuộc tâm lý và bản năng. Nhưng ta có thể can thiệp đuợc. Việc tương tác giới tính có nhiều cấp độ và hết sức lôi cuốn, nên các em cần phải được chuẩn bị với sự kiên nhẫn và khôn ngoan.
Tôi dùng hình ảnh rượu để trình bầy về vấn đề này. Một người ngay từ đầu tập uống rượu 40 độ thì chắc rằng sẽ chẳng có khả năng thưởng thức những thứ rượu nhẹ cùng hương vị tinh tế của nó. Họ luôn tìm thứ rượu mạnh hơn và dễ rơi vào nhàm chán. Cho nên, nếu em thiếu niên mới khi vừa lớn đã rơi vào thứ tình cảm của người lớn thì quả là đáng lo ngại, vì em sẽ đóng mắt lại trước tất cả và chỉ nghĩ đến bản thân, đến khoái lạc… Vì thế, phụ huynh đừng bao giờ lo sợ rồi cấm cản, nhưng hãy đồng hành hướng dẫn con cái để chúng không bị rơi vào cạm bẫy này.
Nhóm bạn cũng giống như một phòng tập luyện cho sự trưởng thành tình cảm.
Giống như việc tập luyện thân thể trong phòng tập thể hình, nhóm bạn chính là môi trường tốt nhất để rèn luyện tình cảm cho các thanh thiếu niên. Trong nhóm, mọi tình cảm đều tìm thấy chỗ để nẩy mầm và tăng trưởng, chẳng hạn khả năng hướng đến người khác, hướng về chính mình, sự thông cảm, lắng nghe, tha thứ, cộng tác, quân bình, biết cho đi và nhận lãnh, lịch thiệp, tính cẩn trọng.
Nhóm bạn cũng là thửa đất tốt để vun trồng niềm vui sống. Đây là một thái độ đang bị hụt đi trong xã hội vì những tiêu cực đang tràn lan. Nhà giáo dục nên tận dụng lợi thế này.
Kết luận
Vì tình cảm là một vần đề nhạy cảm và tế nhị trong giai đoạn tuổi thiếu niên, là độ tuổi chưa trưởng thành trong mọi mặt, dễ vỡ và cần sự hướng dẫn. Nên thay vì cấm cản hay bỏ lơ, các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục cần tìm những cơ hội và tạo mối tương quan tốt đẹp để hướng dẫn các em vượt qua chặng đường khó khăn của lứa tuổi này. Trong khi đồng hành, hãy từng bước hướng dẫn các em những cách thức để vun trồng những tình cảm cao thượng. Đồng thời, để đáp ứng cho nhu cầu cần được quan tâm của các em, nhà giáo dục hãy giúp các em gia nhập vào những nhóm thiện nguyện, nhóm có lý tưởng tốt để nhu cầu ấy không chỉ dừng ở nhận lãnh, mà được trưởng thành trong những chọn lựa trao ban và sống cho người khác. 
Nhật Tâm 

Nghệ thuật giáo dục trí tuệ

Theo quan niệm thông thường từ trước tới nay, người ta cho rằng trí thông minh là như gia tài tự nhiên mỗi người được lãnh nhận khi mới chào đời. Có người thì bẩm sinh vốn đã là thần đồng, người được trí thông minh xuất sắc, kẻ khác vừa vừa, và cũng không thiếu những người có trí khôn tối tăm mê muội. Tuy nhiên, ngày nay các nhà  tâm lý học và chuyên nghề giáo dục lại cho rằng, trí thông minh là tài năng có thể được huấn luyện và trau dồi. Hơn nữa, các cuộc thử nghiệm đều minh chứng và xác nhận những trực giác của các phụ huynh và của các thầy giáo, cô giáo đều đúng thật. Trong khi đó người ta cũng nhận thấy những hậu quả tai hại của các thành kiến về trí thông minh và những thiên kiến về thành công hoặc thất bại của học đường đều không khỏi sai lầm.
Cha mẹ chính là người đầu tiên có nhiệm vụ và có thể huấn luyện trí thông minh của con cái ngay từ thuở niên thiếu. Họ có thể tận dụng sự quan tâm, chú ý và tình thương để giúp phát triển trí thông minh sẵn có nơi con cái. Trí thông minh không khác gì một hạt giống hàm chứa những yếu tố cần thiết có thể phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên nó cũng đòi hỏi một mảnh đất tốt và mưa nắng hợp thời tiết để có tươi tốt và nở hoa kết trái. Cũng vậy, mỗi đứa trẻ đều có mầm mống thông minh cần được phát triển đầy đủ và hợp thời. Thế nhưng, rất tiếc là trong thập niên đầu tiên của tuổi niên thiếu có những biến cố xảy ra làm cản trở, hoặc chi phối sự phát triển bình thường và điều hoà của các em.
Trên thực tế, chúng ta có thể gặp những em xem ra rất thông minh hiểu biết nhiều điều trước khi bắt đầu cắp sách đến trường, nhưng chỉ ít lâu sau đó em đã trở thành một học sinh biếng nhác, không chút hứng thú với việc học hành nữa.
Có những em khác nuôi sẵn ác cảm với những môn học, chẳng hạn như môn toán, cả khi chưa biết làm bốn bài toán căn bản: cộng, trừ, nhân, chia là gì. Không thiếu chi những em thành công cách dễ dàng trong mọi môn học. Vậy, đâu là nguyên do những sự khác biệt hơn kém đó ?
Các nhà giáo dục cho rằng, một phần lớn lệ thuộc vào sự quyết định của cha mẹ muốn hoặc không muốn làm để huấn luyện trí thông minh của con cái.
Sau đây là một vài bí quyết căn bản và thông dụng hơn cả :
1. Trí thông minh là kết quả của việc suy tư. Người ta thường cho rằng tư tưởng nảy sinh từ trí thông minh. Nhưng nói đúng hơn thì trí thông minh càng trở nên sắc bén hơn, nếu càng được dùng đến, càng được mài dũa, khác nào con dao nếu không được dùng tới nó sẽ bị rỉ sét ăn mòn. Tầm mức phát triển của trí thông minh cũng tùy thuộc tương đương với những điều kiện thuận tiện được cống hiến cho các em.
Các em ở thành phố sau những giờ học ở trường khi trở về nhà bị đóng kín trong bốn bức tường, trải qua hàng giờ trước màn ảnh vô tuyến truyền hình, trí khôn và sự phát triển nhân bản của các em bị lệ thuộc rất nhiều bởi những gì các chương trình truyền hình cống hiến. Các em thường ở trong trạng thái thụ động lãnh nhận hơn là chủ động. Trái lại, các trẻ em ở miền quê trong bầu khí mở rộng tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, không có sẵn nhiều tiện nghi thường lại biết tháo vát và dễ phát triển óc sáng tạo hơn.
Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, huấn luyện trí thông minh của các em tức là tập cho các em biết suy nghĩ, biết đối thoại, biết phán đoán điều hay điều tốt, lẽ phải, điều trái về những chương trình, các nhân vật trên màn ảnh vô tuyến truyền hình, các sự việc, hoặc các sách báo các em đọc.
2. Trí thông minh là khả năng biết nhận định và giải quyết vấn đề. Có những cha mẹ chủ trương rằng, trong đời tôi, tôi đã phải chịu đau khổ nhiều rồi, vì thế, tôi không muốn con cái tôi phải khổ nữa. Họ tưởng rằng, làm như thế là thương yêu con cái, nhưng thực sự họ chỉ nuông chiều con cái cách thiếu khôn ngoan và không chuẩn bị hành trang vào đời cho con cái. Bởi vì trên đời này, không ai có thể tránh khỏi mọi đau khổ, nếu không là thể xác thì là đau khổ tinh thần, hoặc tâm lý, đau khổ lớn, đau khổ nhỏ, đau khổ bên trong, đau khổ bên ngoài. Nếu con cái không biết chấp nhận và thắng vượt những đau khổ nho nhỏ hôm nay, làm sao có thể sẳn sàng vượt qua những đau khổ, thử thách lớn hơn trong cuộc sống mai ngày ?
Vì thế cần giúp các em học biết cách nhìn những khó khăn trong cuộc sống thực tế, đừng sợ gọi các vấn đề bằng đích danh của nó và hướng dẫn các em tìm ra những giải quyết thích hợp hữu hiệu hơn. Để các em một mình, các em đành phải mò mẫm trong đêm tối và cũng có khi tìm người giải quyết cho các vấn đề một cách tình cờ, ngạc nhiên và may mắn.
3. Trí thông minh của các em tùy thuộc vào những thái độ của cha mẹ trước những gì có liên quan đến đời sống con cái, chẳng hạn như, học hành, giải trí và những ưu tư, cũng như quan niệm tích cực hay tiêu cực mà cha mẹ thường có về mỗi người con của mình.
Thật vậy, nếu cha mẹ nghĩ rằng con chúng tôi là đứa thông minh, họ sẽ cư xử và hành động để con cái họ trở nên như vậy. Từ cái nhìn và quan niệm tích cực về chính mình, tự nhiên sẽ dễ nảy sinh động lực và sức linh động mà đứa trẻ có thể cho vào trong các sinh hoạt của chúng, nhất là được bền chí trước những khó khăn thử thách như gió ngược chiều lái.
Căn nguyên những thất bại ở học đường phần lớn là vì thiếu động lực tinh thần.
4. Cần có quan niệm tốt và cái nhìn tích cực về các môn học cũng như những sự việc. Thật vậy, khi yêu thích điều gì thì những khó khăn đến mấy cũng có thể trở nên dễ dàng hơn. Khi các em thương mến thầy dạy thì cũng dễ dàng chấp nhận và tiếp thu nhiều hơn những điều thầy dạy cho. Trái lại, lòng ác cảm với người dạy cũng sẽ giết luôn cả sự hứng khởi và niềm vui thích học hỏi.
5. Cổ võ và nuôi dưỡng óc sáng tạo của các em. Trí tưởng tượng là cha mẹ phát sinh ra óc sáng tạo và là yếu tố người ưa thích nhất là trong xã hội đầy những phát minh mới lạ ngày nay. Óc sáng tạo có thể người cổ võ bằng nhiều cách, không những chỉ qua sách vở, hình ảnh mà thôi, nhưng còn qua những sinh hoạt khác nữa, như âm nhạc, kể chuyện, tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên v.v…
Nhà tâm lý David Lewis đề nghị 5 điểm sau đây để nhận định khả năng trí tuệ của các em :
a. Mỗi người có một cách phản ứng riêng trước những hoàn cảnh của cuộc sống. Không có phản ứng nào người coi là tuyệt đối thông minh, hoặc khờ dại cả. Cần biết thông cảm nhất là trước  những phản ứng lập dị làm chúng ta cảm thấy khó chịu.
b. Đừng quên rằng các nhận định đều có  tính cách chủ quan. Khi chúng ta nghĩ rằng đứa trẻ này thông minh, thì tự nhiên cũng dễ coi các việc em làm là thông minh tốt đẹp. Và ngược lại đối với một em đã bị coi là ngu dốt thì cũng khó mà nhận ra giá trị tốt đẹp việc em có thể làm người.
c. Đừng để cho mình quá ảnh hưởng bởi những ý kiến và phán đoán của thầy giáo, ngay cả của những nhà chuyên môn, cho dù có khách quan đến mấy đi nữa cũng không tránh khỏi những thiên kiến của nghề nghiệp.
d. Cũng đừng quá tin tưởng vào  kết quả các bài thi trắc nghiệm về trí thông minh, bởi vì con người không phải là cái máy có thể đo lường hết được, nhưng được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, có tự do, có thể thay đổi và có thể người ơn Thánh Chúa đổi mới và hoạt động của Ngài không ai có thể kiểm soát được.
e. Đừng áp đặt tư tưởng hoặc thái độ của mình như mực thước đo lường tầm trí thông minh con cái phải tuân theo, cũng đừng lập tức chê bai những gì khác lạ, xem như lập dị là ngu xuẩn. Hãy kiên nhẫn đi sâu vào động lực và lý do thầm kín và rồi chúng ta sẽ  được dịp khám phá ra hạt giống khôn ngoan đang nảy mầm cần được vun trồng và phát triển.
Ambrogio Carlo, giáo dục theo gương Don Bosco, P. 7-13
Nguồn: chuyên đề Don Bosco số 23

Trong họa có phúc


Được và mất là hai điều luôn song hành với nhau. Đây là chân lý của cuộc sống con người. Trong cái được luôn tiềm tàng cái mất; và trong cái mất luôn mở ra cơ hội để được. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ học cách chấp nhận để bình an hơn khi mất và học cách trân trọng những cái mình đang được.
Trong đời sống đức tin giữa đón nhận và từ bỏ luôn song hành. Đón nhận theo ý Chúa thì phải từ bỏ danh lợi thú trần gian. Giữa đón nhận và từ bỏ không phải lúc nào cũng dễ dàng chọn lựa. Vì nhận cái này phải bỏ cái kia luôn làm cho con người tiếc nuối. Thế nên, cần phải biết học cách khi nào đón nhận, khi nào từ bỏ để được bình an. Đón nhận hay từ bỏ chỉ bình an khi làm theo thánh ý Chúa mà thôi.
Có lẽ chúng ta đều từng đọc câu chuyện “tái ông thất mã”. Câu chuyện như sau:
Xưa có một ông già sống ở vùng biên giới phía bắc. Ông rất giỏi việc nuôi ngựa. Một hôm ông phát hiện ra rằng con ngựa của ông đã chạy mất sang nước Hồ láng giềng. Hàng xóm cảm thấy tiếc cho ông nhưng ông già nói, “biết đâu nó lại là mang đến một điều phúc?”
Vài tháng sau, con ngựa đã mất tích của ông đột nhiên quay trở về cùng với một con ngựa quý nữa. Hàng xóm đến chúc mừng ông vì điều may đó. Nhưng ông nói “biết đâu nó lại mang đến tai họa?”
Con trai ông thích cưỡi con ngựa quý, và rồi một hôm anh ta bị ngã ngựa gãy chân và bị què. Hàng xóm đến an ủi ông nhưng ông lại trả lời “biết đâu nó lại mang đến điều phúc?”
Một năm sau, nước Hồ láng giềng đưa quân sang xâm lược, và tất cả thanh niên trai tráng đều phải tòng quân ra trận – kết quả là cứ 10 người đi thì 9 người tử trận. Con trai ông bị què nên được ở nhà và thoát chết.
Nhận có thể trở thành họa, và rồi mất đó lại có thể chuyển thành phúc. Sự chuyển hóa này là vô tận và sự bí ẩn của nó mãi mãi là điều huyền bí đối với nhân loại. Tuy nhiên trong đức tin thì mọi sự cần phải phó thác nơi Chúa. Thiên Chúa có thể rút ra một điều tốt từ cái xấu. Anh em nhà Gia-cóp đã bán em sang Ai-cập là điều xấu. Thế mà, Thiên Chúa lại dùng điều ấy để cứu dòng tộc israel khi cho Giuse làm quan lớn trong triều đình Ai cập.
Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy bước đi theo Chúa. Theo Chúa là bước đi trên con đường hẹp buộc phải từ bỏ con đường rộng thênh thang. Theo Chúa là đón nhận thánh giá bổn phận mà không chọn việc nhẹ nhàng. Theo Chúa là để lại sau lưng những danh lợi thú trần gian. Vì “được lời lãi cả thế gian, chết mất linh hồn nào ích gì?”
Chúa giê-su đã đi con đường như thế. Khi Ngài từ bỏ cõi trời mà mặc lấy kiếp phàm nhân. Ngài từ bỏ thân phận mình để trở nên mọi sự cho con người. Ngài tiếp tục đi vào con đường hẹp để tuân theo thánh ý Chúa Cha. Vì lương thực của Ngài chính là thánh ý Thiên Chúa. Ngài đã chọn vâng phục Chúa Cha và bằng lòng chết trên thập giá để cứu độ trần gian. Ngài đã không chọn vinh hoa phú quý trần gian mà chọn cho thánh ý Chúa Cha hiển trị. Thế nên, Chúa Cha đã tôn vinh Người và ban cho Người mọi danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.
Đôi khi chúng ta vẫn tự hỏi: tôi từ bỏ ý riêng để theo thánh ý Chúa thì tôi được gì? Tôi bước đi theo con đường của Chúa tôi sẽ được gì?
Thực ra, từ bỏ ý riêng để theo thánh ý Chúa không đương nhiên là nghèo khó mà chắc chắn là được Chúa chúc phúc đời này và cả đời sau. Vì ý Chúa luôn mời gọi con người hoàn thiện mình và sống có ích cho tha nhân. Vì ý của Chúa luôn mang lại niềm vui của tâm hồn an bình, thanh thản. Ý Chúa sẽ giúp chúng ta sống hạnh phúc hơn trong cuộc đời của mình. Chính sự bình an, hạnh phúc mới là giá trị đích thực mà con người phải tìm kiếm. Nó có giá trị cao hơn hẳn những danh lợi thú mà lại không có bình an.
Xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm từ bỏ con đường dễ dãi của bản thân để đi theo tiếng nói của Chúa dạy bảo qua lời Chúa và qua tiếng lương tâm. Xin đừng vì những danh lợi thú mà đánh mất hạnh phúc đời này và đời sau. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Buông và Vác


Trong một thế giới con người đang gia tăng muốn chiếm hữu càng ngày càng nhiều hơn cho mình. Chúa Giêsu lại dạy: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Trong câu mời gọi có hai động từ “buông” và “vác”, điều này cho chúng ta hai chỉ dẫn.
Buông:
Trong khi cuộc sống luôn luôn đầy ắp những cái đau khổ quay quắt, con người phần lớn vẫn tự ôm vào mình những thứ làm cuộc đời thêm đau khổ. Cả những điều con người không muốn, vẫn cố gắng phải ngậm ngùi cay đắng nuốt vào những đau khổ. Làm sao có thể ra khỏi vòng đau khổ của kiếp nhân sinh.
Buông “cái tôi” ích kỷ của mình đi. Nói có vẻ dễ, thế nhưng nó lại là bài học khó nhất trong đời. Khi Chúa mời gọi “Hãy từ bỏ mình” nghĩa là bỏ “cái tôi”, một cách triệt để ra khỏi những ty tiện hằng ngày theo chỉ dẫn của Thánh Phaolô: “không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác” (1 Cor 13,4 – 5). Đó là những thứ phát sinh từ ích kỷ của “cái tôi”.
Buông “cái tôi” chiếm hữu. Trong cuộc sống thường ngày, cái tôi chiếm hữu là cái tôi dễ sinh ra lòng oán ghét và đố kỵ nhất. Thường người ta hay dựa vào cái tôi chiếm hữu để khoe khoang, tự đắc: cái nhà, cái xe, cái áo, cái quần, tiện nghi… hàng siêu đắt, siêu sang, siêu độc của tôi. Đó là những thứ ngoài thân để che cái mục rỗng bên trong. Khi khoe khoang cái tài, cái sắc, địa vị, danh vọng… người ta lại đang che đi nhân cách tồi tàn của chính mình. Bởi cái tôi chiếm hữu không mang lại hạnh phúc cho người khác mà chỉ là khoe khoang việc thành công “chiếm lấy hạnh phúc của người khác mặc vào cho chính mình”.
Buông “cái tôi” dục vọng. Dục vọng ở đây nói tới nhằm nghĩa xấu xa, ước muốn tham lam về cho chính mình. Thánh Phaolô liệt kê: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gal 5,19-21). Dục vọng khống chế sự thiện ngay trong tâm hồn mỗi người. Để cái tôi dục vọng phát triển con người suy yếu về nhân cách khi sống với người khác.
Vác:
Mang vác thập giá của mình là một cách nói cụ thể về trách nhiệm chính yếu khi Thiên Chúa tạo dựng nên con người: Cho người khác, vì nhau và cùng nhau.
“Cái tôi” thực sự đáng qúy nó phục vụ cho người khác ở trong bổn phận mỗi người. Từ ngữ Việt Nam rất tế nhị khi gọi những người chung quanh mình một từ chung có nhiều ý nghĩa “người ta”. Diễn dịch câu nói chung ấy có thể hiểu, trong người có ta và trong ta có người. Hiểu rộng hơn có thể nói “Không ai là một ốc đảo”, sống là sống cho, sống với và sống vì người khác. Con người được tạo dựng có trách nhiệm mang lại hạnh phúc cho nhau.
Quy luật chung là thế, sống cho, là sống “chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Kinh Hòa Bình). Những nền luân lý, đạo đức học đều dạy, ý nghĩa của con người sống là ở nơi người khác mà mình hết lòng phục vụ. Trong mọi chức nghiệp, mọi thứ bậc, nếu đem hết lòng sống cho người khác sẽ thấy những điều tốt đẹp trong sự hiện diện của mình. Một cách khác dễ dàng hơn: sống hòa hợp với người khác là sống hạnh phúc nơi chính mình.
“Cái tôi” được tôn trọng. Đó là cái tôi trong sạch, không tội lỗi, không xấu xa, không đê tiện. Để có được những điều tốt đẹp, con người cần rèn luyện, thực hành mỗi ngày những nhân đức đáng có: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”. (Gl 5, 22 – 23).
“Cái tôi” hiến dâng. Chúa Giêsu dạy: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15, 13). Không có tình yêu thật sự thì chẳng có thể hy sinh thật sự. Điều này có thể thấy trong gia đình từ tình yêu hy sinh của người cha, người mẹ. Trong xã hội, những con người đang dấn thân ở những vùng nguy hiểm của bệnh dịch Ebola để cứu các bệnh nhân, của những con người đang âm thầm hy sinh vì hạnh phúc của con người  cách này cách khác. Tình yêu và hy sinh, đó là một chiều kích hạnh phúc đạt được trong đời dâng hiến “sống vì yêu”.
Lời mời gọi buông “cái tôi” xấu xa để mang lấy “cái tôi” tốt đẹp. Sống cuộc đời có ý nghĩa là sống cho, sống với và sống vì người khác. Hãy chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Giêsu để sống tích cực trong đời mình. Đó là con đường tốt đẹp nhất, chính Chúa đang mời gọi.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Người Kitô hữu và đời sống cầu nguyện

caunguyen2
Nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến một hình thức cầu nguyện nào đó, vì cầu nguyện là hành vi sơ đẳng nhất của sinh hoạt tôn giáo. Nói cách khác, không biết cầu nguyện, không còn tha thiết với việc cầu nguyện cũng đồng nghĩa với việc không thuộc một tôn giáo nào, vì “Mọi tôn giáo và các nền văn hóa đều có kinh nghiệm về cầu nguyện”[1].
Đối với người Công giáo, cầu nguyện là hành vi tối quan trọng làm nên sự sống còn của căn tính kitô hữu. Con người không thể sống nếu không có hơi thở, đời sống người Kitô hữu cũng sẽ mai một và hao mòn dần nếu không cầu nguyện. Chừng nào bạn ngưng cầu nguyện, chừng đó bạn đang âm thầm chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa, bạn sẽ sống xa Thiên Chúa, và mỗi khi không còn kết hợp với Người, cuộc sống của bạn sẽ chỉ còn phần xác nặng nề kéo lê theo dòng thời gian mà thôi.
Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về Bản chất của việc cầu nguyện, trong đó sẽ tìm hiểu khái lược về ý niệm cầu nguyện và các cách thức cầu nguyện căn cứ trên nội dung và hình thức, về Sự cần thiết của việc cầu nguyện trong đời sống Kitô hữu và những Điều kiện để cầu nguyện nên.
I. Bản chất của việc cầu nguyện
Cầu nguyện là hành vi diễn tả kinh nghiệm sống niềm tin tôn giáo của con người, vì thế nó thường mang tính riêng tư, thiên về tính chất của cảm biết bằng trái tim hơn là sự mạch lạc logique của lý trí. Vì thế, cầu nguyện thuộc về một ý niệm – cái không thể truyền thông cho người khác thấu biết một cách rốt ráo nội dung của nó -, hơn là một khái niệm – có nội hàm và ngoại diên của nó và có thể truyền thông cho người khác hiểu được thấu đáo vấn đề. Ai đã từng có kinh nghiệm về đời sống tôn giáo, đã từng quỳ xuống cầu nguyện với những lời khẩn khoản van nài Đấng Tối Cao thì mới có thể có những gặp gỡ giao thoa với ý tưởng của lời cầu. Cũng như ai đã từng yêu và cảm được nỗi đau của sự xa cách mới có thể hiểu và cảm thông với những cuộc đoạn tình, chia ly trong tình yêu. Một bức thư tình đối với người đang yêu, thật tuyệt vời, nhưng cũng rất vô duyên đối với kẻ ngoài cuộc. Cũng vậy, hành vi cầu nguyện, những lời cầu dâng lên Thiên Chúa là một việc làm đáng trân trọng biết bao đối với người đồng đạo, nhưng sẽ dễ trở nên sự lố bịch đối với kẻ ngoại đạo. Dưới cái nhìn của nhãn quan tư tưởng chối bỏ quyền năng Thiên Chúa, người ta cho rằng cầu nguyện là hành vi van xin các thế lực siêu nhiên thần thánh của những người thiếu trưởng thành, đang cần được bảo hộ. Vì thế, tiến bộ xã hội đòi hỏi phải “khai sáng” cho lớp người đang bị màn sương vô minh che lấp, hèn hạ, ti tiện và yếu nhược này… Cần phải dẫn họ đi dưới ánh sáng của khoa học, của tiến bộ, văn minh. Đã qua lâu rồi cái thời loài người mò mẫm bước đi dưới sự soi sáng của ánh sáng đức tin, thứ ánh sáng“có thể đủ cho các xã hội cũ, nhưng không còn ích lợi gì cho thời đại mới, bởi vì con người đã trưởng thành, tự hào về lý trí của mình, và muốn khám phá tương lai bằng những cách mới lạ”[2]Nhưng đó là thái độ tự mãn, kiêu ngạo của những đứa con đi hoang trong quãng đời quá vãng, lầm lỗi. Ngày nay người ta đang gọi Thiên Chúa trở về ngự trị giữa lòng thế giới hiện đại, bởi bao nhiêu công cuộc kiến tạo như xây nhà trên cát, đã theo nhau sụp đổ. Nền tảng đạo đức bị xói mòn đến vô phương cứu vãn. Tất cả là hậu quả của một đời sống đã đuổi Thiên Chúa ra khỏi lòng mình, gia đình, nhà trường và xã hội, và ngạo nghễ bước đi trong tâm thế tự mãn, khép kín lòng mình trước những mời gọi của lẽ nhiệm mầu bàng bạc trong không-thời gian, nơi thế giới tự nhiên phong phú và đa dạng. Đức thánh cha Bênêđíctô 16 đã cảnh báo về một lối sống dửng dưng như thế: “Nếu không cầu nguyện và mở toang đời mình đón nhận mầu nhiệm Thiên Chúa, cuộc sống con người sẽ không còn ý nghĩa và mất phương hướng”[3].
1. Cầu nguyện là gì?
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên minh định phần nào ý niệm cầu nguyện. Đối với thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu: “Cầu nguyện là sự hướng lòng lên, là cái nhìn đơn sơ hướng về Trời, là tiếng kêu tri ân và yêu mến cả trong cơn thử thách lẫn trong cơn vui mừng”[4]. Với thánh Josemaria Escriva thì: “Cầu nguyện là trò chuyện cùng Thiên Chúa… Hãy nói về chính Chúa và về bản thân bạn: chuyện vui buồn, chuyện thành bại, những ước muốn cao quý, những lo toan hàng ngày, kể cả những yếu đuối!”[5].
Nhìn chung, người ta phân ra hai định nghĩa mang tính cổ điển về cầu nguyện. Thứ nhất: Cầu nguyện là nói với Chúa.Định nghĩa này nêu lên một sự thật: Thiên Chúa đích thân quan tâm đến con người, người ta có thể tiếp xúc được với Thiên Chúa qua cầu nguyện, Thiên Chúa nghe thấy tiếng con người và chú tâm lắng nghe con người. Thứ hai: Cầu nguyện là “nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa”, đây là cách diễn tả của thánh Gioan Đamascênô, nhấn mạnh tới sự thánh thiện và vẹn toàn của Thiên Chúa. Nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa nghĩa là đặt toàn bộ con người trong chuyển động hướng về Người qua việc thờ lạy, ngợi khen, mến yêu và trông cậy. Nếu không có sự chuyển động toàn tâm, toàn ý như thế thì mới chỉ dừng lại ở việc suy nghĩ về Thiên Chúa như công việc tìm hiểu, học hỏi về Ngài mà thôi[6].
Các thần học gia gần đây cũng đưa ra một định nghĩa khác: Cầu nguyện là chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa,nghĩa là hoàn toàn phó thác cho Chúa và đáp lại tình yêu của Người, như Ðức Trinh Nữ Maria đã cầu nguyện và đã thưa: “vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Và trong vườn cây dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện, và Ngài cũng đã nói: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho chén này rời khỏi con, nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39). Tuy nhiên, đối với con người chúng ta, nếu chỉ là sự phó thác không thôi và xem đó như là yếu tính của việc cầu nguyện thì “đã bỏ quên tính đối thoại của cầu nguyện”, mặt khác, khía cạnh này cũng dễ dẫn đến việc xem con người như một cỗ máy vô hồn, hoàn toàn thụ động trước một Thiên Chúa toàn quyền. Đừng quên “Thiên Chúa đã nhập thể và chịu đóng đinh, Thiên Chúa đã ‘thay đổi’ vì ích lợi của con người”[7].Từ chốn cao xanh vòi vọi, Thiên Chúa đã “hạ cố” và mặc lấy phận người để con người có thể nói chuyện được với Ngài. Vì vậy, có thể nói, bản chất của cầu nguyện là cuộc đàm thoại giữa Thiên Chúa và con người.
2. Các loại cầu nguyện
Dựa theo nội dung, cầu nguyện được chia thành cầu nguyện bằng cách thờ lạy hay ca ngợi, tạ ơn và cầu nguyện bằng cách xin ơn hay đền tội. Thờ lạy hay ca ngợi, tạ ơn là cách thức cầu nguyện tập trung chủ yếu vào việc tôn vinh Thiên Chúa. Đó là biểu hiện lòng sùng kính yêu thương của con người đối với Thiên Chúa. Tự bản chất đây là cách cầu nguyện hoàn hảo hơn, đẹp lòng Chúa hơn. Còn xin ơn hay đền tội là hình thức cầu nguyện chỉ nhắm vào nhu cầu của con người. Nó qui hướng mọi chú ý của con người vào chỗ lệ thuộc Thiên Chúa hoàn toàn. Và đây là cách cầu nguyện chỉ mong đáp ứng những nhu cầu riêng tư, khỏa lấp ước muốn cá nhân. Chúng ta không có quyền kết luận kiểu cầu nguyện này không làm đẹp lòng Chúa. Đó là cách vận dụng những phạm trù thông thường của tư duy con người để mặc cho Chúa, rằng: cũng như sự nài nỉ của đứa con thiếu “trưởng thành”, không khéo lo liệu trong công việc làm ăn nên cứ chạy đến với cha mẹ để nương nhờ và ỷ lại cho cha mẹ. Nhưng Chúa Giêsu lại thích chúng ta nói chuyện với Ngài, xin với Ngài những gì mình muốn, bởi chính Ngài đã nói: “Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16, 24).
Dựa theo hình thức, cầu nguyện có thể là tâm nguyện hay khẩu nguyệncá nhân hay tập thểngoài phụng vụ haytrong phụng vụ. Tâm nguyện hay còn gọi là cầu nguyện trong lòng, không nói thành lời mà chỉ âm thầm trao gửi những tâm tư ước nguyện thầm kín của chúng ta với Chúa. Tuy không nói thành lời nhưng trong thẳm sâu tâm trí ta vẫn có những bóng hình, sự liên tưởng một cuộc gặp gỡ với những tâm sự thân tình ta thưa cùng Chúa. Khẩu nguyện là cách thức cầu nguyện diễn tả thành lời lẽ, dĩ nhiên, để có tâm tình sốt sắng thì cái cốt lõi vẫn là những gì ẩn sâu trong lòng mình. Nếu không, việc đọc một cách thao thao bất tuyệt như thế sẽ biến chúng ta thành những cái loa không hơn không kém. Ngày nay, một số giáo dân Việt Nam vẫn coi trọng hình thức khẩu nguyện. Có thể đó là một thói quen, cũng có thể là do thiếu chiều sâu trong việc cầu nguyện. Người ta chỉ làm theo công thức trong một số kinh đã soạn sẵn. Qua loa, đại khái, thiếu tâm tình… là những biểu hiện mà chúng ta thường gặp nơi hình thức cầu nguyện đọc nhiều hơn suy gẫm này. Khẩu tụng tâm suy (miệng đọc, lòng suy), cần phải kết hợp được hai hình thức cầu nguyện – trong lòng và bên ngoài – vì con người là một thể thống nhất hồn-xác nên những ước nguyện thầm kín bên trong sẽ tìm cách phô bày ra ngoài bằng lời, bằng những cử điệu và nghi lễ. Hơn nữa, tính xã hội, tính cộng đồng với những tương tác qua lại nơi con người, một cách biểu hiện là làm tăng thêm sự gắn kết.
Cầu nguyện cá nhân, Đức Giêsu kêu gọi:“Khi cầu nguyện, anh em hãy vào phòng, đóng kín cửa và cầu nguyện với Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,6). Đây là cách biểu tỏ tình yêu và đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa cách thành thật. Hãy đóng cửa lại với thế gian, hãy khép mình trước mọi tư tưởng và bận rộn của thế gian, và ở riêng với Chúa, thầm thỉ với Ngài tại nơi kín nhiệm. Đóng kín cửa phòng là khi ta được cách ly khỏi những ồn áo bên ngoài, được trở về với thế giới riêng tư, được đối diện với chính mình. Đóng kín cửa phòng và ở một mình là lúc ta xây dựng tương quan với Thiên Chúa – một tương quan cá nhân, gần gũi và thân mật. Không như những tương quan ồn ào, hào nhoáng mà hời hợt, không như những tương quan khuôn phép mà sáo rỗng, càng không như những tương quan theo kiểu chợ đời, nơi mà ta phải đeo mang nhiều chiếc mặt nạ để che đậy ngụy trang cho mình. Một mình là khi ta gỡ khỏi cái lớp võ kênh kiệu ngang tàng, tháo dỡ khỏi mình những chống đỡ mà ta thường phải thủ sẵn khi sống giữa đời. Một mình là khi ta nhận ra con người thật của mình với bao nhiêu bận rộn giữa dòng đời bon chen, ồn ào huyên náo, giữa bao tiếng gọi với những hứa hẹn ngọt ngào ma mị, giữa những gam màu đa sắc của cuộc sống đời thường… lắm khi đã làm đôi tai chúng ta trở nên điếc lác, không còn khả năng nghe được lời mời gọi yêu thương ngọt ngào của Chúa, đôi mắt chúng ta trở nên mù lòa không ngắm nhìn được dung mạo khả ái của Chúa.
Cầu nguyện tập thể là thực thi lời mời gọi của Đức Giêsu: “Chỗ nào có hai hay ba người họp lại vì danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ” (Mt 18,20). Tính hiệp thông và hiệp nhất trong Giáo hội thể hiện rõ nét và cụ thể trong cung cách cầu nguyện này:xin cho chúng con biết đồng tâm nhất trí với nhau trong kinh nguyện, để Cha chúc phúc và nâng đỡ chúng con hôm nay và mãi mãi (Hosanna). Giữa hai hình thức cầu nguyện này luôn có mối quan hệ tác động qua lại để dưỡng nuôi và làm phong phú đời sống Giáo hội.
Cầu nguyện trong phụng vụ là cách cầu nguyện theo kinh nguyện soạn sẵn, một cách thờ phượng chung như trường hợp đọc kinh thần vụ của linh mục và hàng giáo sĩ. Cầu nguyện ngoài phụng vụ, người cầu nguyện chọn một hình thức cầu nguyện với lối diễn tả tự nhiên phù hợp với những thúc đẩy bên trong. Đây là cách cầu nguyện đặt nền, mở lối dẫn vào việc cầu nguyện nói chung.
II. Tại sao ta phải/nên cầu nguyện?
Cầu nguyện là một hành vi gắn liền với cuộc sống con người có tôn giáo. Ở đâu có con người, ở đó có cầu nguyện, vì “tự bản tính và do ơn gọi, con người là một hữu thể có tôn giáo”[8]. Và chỉ cầu nguyện mới làm nên ý nghĩa của cuộc sống. “Sẽ không cường điệu khi nói rằng, chỉ cầu nguyện mới mang tính hiện thực, kỳ dư đều hư ảo” (Mahatma Gandhi, vị lãnh tụ tinh thần Ấn độ). Lm. Nhân Tài, csjb đã chia sẻ rất hay, rằng: “Đối với các bạn trẻ chúng ta, cầu nguyện chính là nguồn an ủi khi cô đơn, là sức mạnh khi yếu đuối, là hy vọng khi thất vọng ê chề, là niềm vui trong cuộc sống đầy những lo âu và chán chường.Cầu nguyện là chúng ta ‘mời’ Chúa đi với mình, ở với mình và làm việc với mình, tức là chia sẻ những vui buồn, khốn khó, hạnh phúc của mình”[9]. Đức chân phước Gioan Phaolô II đã nói lên tính cần thiết của việc cầu nguyện: “Cầu nguyện đem lại cho chúng ta sức mạnh vươn lên những lý tưởng cao cả, giữ gìn đức Tin, đức Cậy, đức Mến, sự thanh sạch và lòng quảng đại của chúng ta. Cầu nguyện đem lại cho chúng ta sức mạnh để trỗi dậy từ sự thờ ơ và tội lỗi, nếu chẳng may đã rơi vào cám dỗ và yếu đuối. Cầu nguyện soi sáng cho chúng ta biết đặt mình vào lòng nhân từ của Chúa và sự sống đời đời mà nhìn ra và suy xét mọi sự”[10].
Như vậy, lý do nội tại bắt ta phải cầu nguyện, trước hết là vì nghĩa vụ của con người phải mến yêu Thiên Chúa. Ngôn ngữ cầu nguyện là ngôn ngữ của tình yêu. Chỉ trong tình yêu người ta mới bộc lộ hết những ưu khuyết của mình cho nhau và cũng chỉ nhờ tình yêu mới có cái nhìn cảm thông, tha thứ. Chúng ta cầu nguyện với Chúa cũng phát xuất từ niềm tin và tình yêu. Tình yêu nâng cánh cho tâm hồn bay bổng để gặp gỡ tâm giao với Chúa. Chúng ta phải cầu nguyện vì đó là bổn phận thờ phượng Thiên Chúa. Biểu hiện đầu tiên của lòng sùng kính và tôn thờ Thiên Chúa là cầu nguyện. Cầu nguyện còn là một yêu cầu phải làm vì con người cần có các nhân đức đối thần Tin, Cậy. Cầu nguyện là phương thế để nuôi dưỡng và bảo vệ các nhân đức ấy. Người ta vẫn thường nói mất niềm tin là mất tất cả. Sống không hy vọng là một nỗi thảm sầu liên lỉ trong chuỗi ngày dài của cuộc đời. Như vậy, từ tin yêu chúng ta quỳ xuống để nguyện cầu, rồi nhờ nguyện cầu nuôi dưỡng lòng tin, cậy trong ta.
Thần học luân lý còn nhấn mạnh đến bổn phận phải giữ ngày Chúa Nhật, các ngày lễ buộc đối với người Công giáo như một đòi hỏi tối thiểu của đời sống cầu nguyện. Các bậc giáo sĩ còn phải buộc đọc kinh Thần vụ mỗi ngày. Các tu sĩ còn có thêm giờ kinh nguyện tùy theo hiến pháp và nội quy của Hội dòng.
Thói quen của giáo dân Công giáo thường đọc kinh vào mỗi sáng, tối hàng ngày, riêng hay chung trong gia đình, theo từng nhóm. Vừa thức dậy, chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa đã cho ta qua một đêm bình an và dâng ngày mới cho Ngài để được Ngài chúc phúc cho mọi dự định, mọi ước nguyện và ban bình an một ngày sống. Tối đến, sau giờ kinh tối, trước khi đi ngủ, chúng ta cũng cần tập thói quen tạ ơn Chúa đã ban cho ta qua một ngày sống bình an và dâng cho Ngài một đêm trong sự chở che gìn giữ của Ngài.
Giáo Hội đang kêu gọi mọi thành phần dân Chúa nỗ lực dấn thân trong công cuộc Tân Phúc Âm Hóa, trước hết là nơi gia đình mình, vì gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, cộng đoàn yêu thương. Là cộng đoàn cầu nguyện, gia đình cần phải mời Chúa Giêsu đến thăm viếng để Ngài hiện diện cùng cha mẹ, vợ chồng, con cái khi quây quần bên nhau trong giờ kinh chung, vì “khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên, đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình Công Giáo. Vì thế, cùng với việc siêng năng tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này”[11].
III. Điều kiện để cầu nguyện
Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa. Nhưng nói như thế nào? Thái độ và cách nói ra sao? Người Việt Nam có câu:học ăn, học nói, học gói, học mở. Như vậy, để nói được cũng phải học tập. Chúng ta muốn nói thành thạo một ngoại ngữ chẳng hạn. Cầu nguyện là nói bằng ngôn ngữ tình yêu nên càng phải học cách nói “cho vừa lòng nhau”. Ngôn ngữ giao tiếp không chỉ bằng lời mà còn bằng cử điệu, ánh mắt, nụ cười và cả con người chúng ta cũng truyền thông một nội dung muốn nói. Tất cả đều phải có những qui định. Lẽ dĩ nhiên, với Chúa, Ngài không câu nệ hay cố chấp trước thái độ của con người. Nhưng ngôn ngữ, cử điệu cũng nói lên lòng mến yêu của chúng ta dành cho Chúa.
1. Chú ý
Chú ý là sự tập trung tư tưởng, ý thức vào một hay vài sự vật, hiện tượng nào đó (có thực hay tưởng tượng) làm cho chúng được phản ánhh tốt hơn. Có thể diễn ra một cách có chủ định hay không chủ định… Chú ý là điều kiện của mọi hoạt động có ý thức[12]. Tức là thái độ giành hết tâm trí cho một điểm nào đó, một sự việc nào đó cần sự tập trung cao độ. Đối với việc cầu nguyện, cần có một không gian yên tĩnh để tránh những quấy rầy làm cho chúng ta dễ bị lo ra, chia trí, không chú tâm vào việc cầu nguyện. Còn tâm trí ta luôn đặt vào ý cầu nguyện, vào bản văn nêu lên chủ điểm của việc cầu nguyện, hướng tất cả lòng trí vào Chúa, vào một chân lý mà chúng ta đang suy ngẫm. Không ai cấm cầu nguyện khi hút thuốc, nhưng cấm hút thuốc khi đang cầu nguyện. Thô thiển một chút, có một kiểu ân ái thánh thiện, nhưng lại có một kiểu cầu nguyện rất tội lỗi. Khi chúng ta cầu nguyện chỉ với cái xác không thôi, còn tâm trí chúng ta lại mặc sức liên tưởng đến những chuyện khác, thậm chí rất ư là tội lỗi, thì hành vi quỳ gối, đọc nhiều lại biến thành một việc làm tội lỗi.
2. Kính cẩn
Thờ phượng là sự bày tỏ lòng kính yêu đối với Thiên Chúa, nhìn nhận Ngài là Đấng Chí Thánh và là Tạo hóa toàn năng, là thái độ suy phục tuyệt đối của thụ tạo đối với Đấng sáng tạo, vì thế đòi hỏi phải có thái độ kính cẩn, tôn nghiêm. Thái độ kính cẩn thể hiện bằng cung cách bên ngoài một cách phù hợp, nhưng trên hết vẫn là sự kính cẩn trong lòng trước sự thánh thiện của Thiên Chúa.
3. Tin tưởng
Cầu nguyên, nhất là khi cầu xin, tin tưởng sự tốt lành của Thiên Chúa là điều tối cần thiết. Không có tin tưởng, hy vọng vào Thiên Chúa thì những lời cầu của chúng ta ra vô ích.
4. Điều cầu xin phải thích đáng
Điều này chỉ áp dụng cho việc cầu nguyện dưới hình thức cầu xin. Đối tượng để ta cầu xin với Chúa phải là điều tốt về mặt luân lý và phải có sự liên hệ với sự cứu rỗi con người một cách nào đó. Điều cầu xin không bao giờ được là một điều có bản chất tội lỗi, như giúp ăn trộm. Hoặc lấy một mục đích tốt để cầu xin cho đạt được một điều lỗi luật luân lý, như xin cho trúng xổ số để lấy tiền giúp xây dựng nhà thờ…[13].
Kết luận
Cầu nguyện là hơi thở của cuộc sống của người Công giáo. Cầu nguyện là phương thế giúp ta nhận được các giải pháp của Chúa, nhận ra ý Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Cũng đừng có suy nghĩ là cứ xin thì sẽ được Chúa ban cho như lòng sở nguyện. Chúa thấu biết cái gì tốt cho ta, cái gì không tốt cho ta. Người cầu nguyện đích thực là để tùy ý Chúa quyết định đáp lại như thế nào, vì tin rằng Chúa luôn chăm sóc, gìn giữ mình. Xin mượn lời của một triết gia hữu thần, S. Kierkegaard (Đan Mạch) để nói về hiệu quả của việc cầu nguyện: “Cầu nguyện không phải là làm cho Thiên Chúa thay đổi, mà chính là người cầu nguyện được biến đổi”[14]. “Cầu nguyện không phải là nghe mình nói, mà ngồi trong thinh lặng, đợi nghe được tiếng Chúa nói”[15].
Cuối cùng, để kết thúc buổi chia sẻ về chủ đề cầu nguyện hôm nay, từ kinh nghiệm của bản thân, tôi mong các bạn hãy luôn cầu nguyện, một cách đơn thành và chân thật. Như người con tâm sự với cha mẹ mình thế nào thì cầu nguyện cũng như vậy. Không phải gồng mình lên để tìm những lời hay ý đẹp, những câu chữ chải chuốt bóng bẩy mới có thể cầu nguyện được. Nhiều khi một cách cầu nguyện như thế lại không làm đẹp lòng Chúa vì đó là ngôn ngữ của thứ tình yêu nơi đầu môi chót lưỡi. Bằng cả trái tim và lòng chân thành, các bạn hãy trải lòng mình ra với Chúa, các bạn sẽ tìm được đáp số cho bài toán hóc búa của cuộc đời. Các bạn phải cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc và cho mọi người. Cầu xin Chúa thương khi gặp bế tắc, đau khổ… nhưng cũng phải biết tạ ơn, ngợi khen, chúc tụng Ngài khi bình an, hạnh phúc… Cầu cho bản thân nhưng cũng phải cầu cho tha nhân, thậm chí còn phải cầu cho cả những người xúc phạm đến chúng ta, như Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44). Tắt một lời, hãy cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha – lời kinh tuyệt hảo mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha.
ĐT 
Tài liệu tham khảo
1. HĐGM VN, UB Giáo lý Đức tin, Sách GLHTCG,NXB. Tôn giáo 2010
2. Bênêđíctô XVI, Cầu nguyện trên nền tảng Thánh Kinh, Tập I: Cựu Ước, Vương Nghi-Khổng Thành Ngọc chuyển ngữ và biên soạn, NXB Tôn giáo 2012.
3. Karl H.Peschke, SVD, Thần học luân lý chuyên biệt, tập I.
4. Nhóm các giờ kinh phụng vụ, Lời Chúa cho mọi người, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2006.
***
[1] Bênêđíctô XVI, Cầu nguyện trên nền tảng Thánh Kinh, Tập I: Cựu Ước, Vương Nghi-Khổng Thành Ngọc chuyển ngữ và biên soạn, NXB Tôn giáo 2012, tr. 30.
[2] Đức thánh cha Phanxicô, Thông điệp ánh sáng đức tin, số 2.
[3] Bênêđíctô XVI, Cầu nguyện trên nền tảng Thánh Kinh, Tập I: Cựu Ước, Vương Nghi-Khổng Thành Ngọc chuyển ngữ và biên soạn, NXB Tôn giáo 2012, tr. 24.
[4] Sách GLHTCG, số 2558.
[5] Bênêđíctô XVI, Cầu nguyện trên nền tảng Thánh Kinh, Tập I: Cựu Ước, Vương Nghi-Khổng Thành Ngọc chuyển ngữ và biên soạn, NXB Tôn giáo 2012, tr. 35.
[6] Karl H.Peschke, SVD, Thần học luân lý chuyên biệt, tập 1, tr. 175.
[7] Karl H.Peschke, SVD, Thần học luân lý chuyên biệt, tập 1, tr. 175.
[8] Sách GLHTCG, số 44.
[9] Lm. Giuse Maria Nguyễn Nhân Tài, Mỗi ngày một câu chuyện(http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/nhantai/tai1h.htm)
[10] Bênêđíctô XVI, Cầu nguyện trên nền tảng Thánh Kinh, Tập I: Cựu Ước, Vương Nghi-Khổng Thành Ngọc chuyển ngữ và biên soạn, NXB Tôn giáo 2012.
[11] Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài nói chuyện trong buổi gặp gỡ 150.000 tín hữu tham gia cuộc hành hương của các gia đình tại Roma nhân dịp Năm Đức Tin, 26/10/2103 (vietvatican.net).
[12] Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập I (A – Đ), NXB. Từ điển Bách khoa, 2007
[13] Karl H.Peschke, SVD, Thần học luân lý chuyên biệt, tập 1, tr. 186.
[14] Bênêđíctô XVI, Cầu nguyện trên nền tảng Thánh Kinh, Tập I: Cựu Ước, Vương Nghi-Khổng Thành Ngọc chuyển ngữ và biên soạn, NXB Tôn giáo 2012, tr. 43.
[15] Nt, tr. 62.

Cầu nguyện – vấn đề sống còn của đời tận hiến

caunguyen1
Cầu nguyện là hành động thường thấy trong đời sống Đức Tin của người tín hữu các tôn giáo. Đối với người tín hữu Công Giáo, cầu nguyện càng đóng một vai trò quan trọng bậc nhất. Cầu nguyện được ví như hơi thở, như cơm ăn, như nước uống. Bởi vì, cầu nguyện là việc đi đến và tâm sự với Chúa, là việc trò chuyện cách diện đối diện với Chúa. Theo cách nói của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu thì: “Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa như người con nói chuyện với cha mẹ mình”. Những người bước theo Chúa trong ơn gọi tu trì thì việc “nói chuyện” với Chúa lại càng là ưu tiên bậc nhất và việc đó mang ý nghĩa sống còn đối với đời tu.
Có thể không cần giải thích nhiều người cũng hiểu được điều đó. Tuy nhiên, khi bước vào cuộc sống tu trì thì nhiều người vẫn chưa nhận ra được giá trị và vai trò của lời cầu nguyện đối với con đường mình đã chọn. Bởi lẽ, nhiều người, nhiều tu sĩ chỉ làm việc cầu nguyện như bổn phận bắt buộc, như một thói quen, hay như là cách để thể hiện mình… Họ quên mất điều quan trọng nhất của việc cầu nguyện là gặp gỡ Chúa và tâm sự với Ngài để từ đó thêm lòng yêu mến, thêm khát khao kết hiệp mật thiết với Chúa. Tất nhiên, đời sống cầu nguyện trong bậc tu trì cũng còn là một ân ban. Không phải ai cũng dễ dàng có được một sự kết hợp mật thiết đến mức biết được Thiên Chúa đang nói chuyện và chia sẻ tất cả mọi điều với mình. Hoặc cũng chẳng mấy ai khi đã sống trong tình trạng của việc cảm nhận và “chạm” đến Chúa trong đời sống cầu nguyện mà có thể giữ nó thật lâu bền, không “lên thác xuống ghềnh”. Bởi lẽ, Thiên Chúa là Đấng vô hình, Ngài ẩn mình để ta hằng khao khát Ngài, hay ít nhất là ta có cảm giác như thế. Đối với con người là thụ tạo thấp hèn thì việc chạm đến Chúa và giữ lấy sự đụng chạm đó quả là điều khó khăn. Thánh Gioan Thánh Giá, một linh mục, một ẩn sĩ, một nhà thần bí, người được biết đến với sự “đụng chạm” đến Chúa cũng nhiều khi phải trăn trở, kêu gào: “Ngài ở đâu sao để con mãi tìm? Sao để con say đắm rồi Ngài vẫn biền biệt? Để con sống trong u tối ngập tràn. Để con hoá điên dại trong thung lũng hải hùng. Con lang thang suốt ngày suốt tháng. Phải chăng con song đuổi một bóng hình ảo ảnh? Phải chăng con quá xa người con say đắm? …”. Nhưng có thể khẳng định một điều: Việc liên lỉ cầu nguyện là cách duy nhất để tìm lại những sự “đụng chạm” đến Chúa mà nhiều khi trong cuộc đời, nhờ ơn Chúa ta đã có được. Điều này cũng cho chúng ta một khẳng định về việc không bao giờ được ngưng cầu nguyện dù cho có những khi ta như bị Chúa bỏ rơi, như không còn hoàn toàn tin tưởng…
Đối với tôi, việc cầu nguyện là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc tìm gặp Chúa cũng là việc khó khăn nhất, là trăn trở lớn nhất. Nhiều khi trong cuộc đời ta đã vô tình cho đó là gánh nặng. Nhiều khi ta đã không kiên trì đến cùng và đã sai lầm trong những phán đoán của chúng ta. Tuy nhiên, việc trung thành cầu nguyện sẽ dẫn ta đến những cảm nhận thú vị và tuyệt vời của tình yêu. Cầu nguyện đem lại cho ta sự tươi mới trong tâm hồn, khơi dậy trong chúng ta niềm tín thác mãnh liệt và đánh động ta bởi những cảm nhận ngọt ngào. Thánh Têrêsa Hài Đồng đã thật sâu sắc khi phát biểu: Đối với con, cầu nguyện là sự dấy lên của trái tim; nó là một cái nhìn đơn sơ về Thiên Đàng, nó là tiếng kêu của nhận diện và tình yêu, ôm ấp cả khổ cực lẫn niềm vui. Nói một cách khác, nó là một cái gì đó cao quý, siêu nhiên, mở rộng tâm hồn con ra và kết hợp nên một với Chúa… Con đã không có dũng cảm để tìm trong sách các lời kinh đẹp đẽ… Con giống như một đứa con nít chưa biết đọc, chỉ nói với Chúa tất cả những gì con muốn và Ngài sẽ hiểu thấu”.
Qủa không còn niềm vui nào lớn lao hơn khi ta đã từng, hoặc đang “đụng chạm” đến Chúa, hay có những cảm giác của hạnh phúc, sự ngọt ngào của tình yêu. Nhờ cầu nguyện liên lỉ, với những lời đơn sơ của con tim, không cần chi những lời kinh đẹp, không cần lắm những từ hoa mỹ, nhưng chỉ cần một con tim bé nhỏ luôn đặt mình dưới cánh tay của Chúa thì chúng ta đã có thể cảm nếm được những điều đó. Để rồi, được kết hợp với Chúa cách sâu xa nhất, rất bình dị và giản đơn đến nỗi nhiều khi chúng ta chẳng thể diễn tả được bằng ngôn từ.
Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta trong mọi bước đường của cuộc đời, đặc biệt là đời dâng hiến. Cầu nguyện sẽ giúp giữ lòng trung thành, bởi lẽ, có tình yêu thì ta chẳng còn tha thiết gì với những thứ khác. Ngoài Chúa ra ta sẽ chẳng cần tìm kiếm thứ gì có thể thay thế Ngài. Và nhờ sự cầu nguyện từng giây phút trong cuộc sống, ta luôn tự nhắc nhở bản thân mình về điều mình đã chọn, cũng đồng thời mang lại cho ta xác quyets bằng những nghi vấn cho chính bản thân như thánh Gioan Thánh Giá xưa từng nhắc nhở chính bản thân ngài: “Ngươi còn muốn tìm điều gì hơn nữa? Ngươi còn muốn rong ruổi đoạn đường nào? Chẳng nhẽ ngươi không hài lòng với Vua ngươi! Với Đấng ban bình an. Đấng là nguồn mạch mọi hạnh phúc. Nước Thiên Chúa đang ở trong lòng ngươi”.
Peter Thái Hùng

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...