Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

Áo Dòng Đẫm Máu


 Những ngày cuối năm, qua các phương truyền thông, chúng ta được biết đến sự ra đi đột ngột và đầy nước mắt của linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh OP.

Ngoài các kênh truyền thông Công giáo, đến thời điểm hiện tại, chỉ có một vài trang mạng hải ngoại loan tin về cái chết oan khiên của cha Thanh.

Phải chăng, vụ án mạng dù kinh hoàng như vậy, cũng chẳng có gì đáng nói để người ta bận tâm ư? Phải chăng các cây viết đang bận bịu với việc mô tả không khí đón Tết mà quên đi mất một vụ án gây bức xúc dư luận? Hay có lẽ, người ta muốn tảng lờ, coi như không có gì xảy ra? Hoặc giả như người ta có biết, phải chăng họ phải đợi một ai đó cho phép, họ mới dám đưa tin?

Nếu như chuyện xảy ra ở một xứ khác, có lẽ nó sẽ trở thành một tiêu điểm chú ý của công luận trong Đạo cũng như ngoài đời. Nó sẽ là một sự kiện gây chấn động bởi làm sao người ta lại có thể chấp nhận được việc một con người, chưa nói đến chuyện người đó là một linh mục, lại bị sát hại một cách man rợ như thế được!

Đọc những dòng thông tin về vụ án mạng này, tôi liên tưởng đến cái chết đầy tức tưởi khác, cũng của một vị linh mục Dòng Đa Minh cách đây gần 200 năm: linh mục Đa-minh Vũ Đình Tước.

Cả hai vị, cha Thánh Tước và cha Thanh đều trút hơi thở cuối cùng khi đang làm việc mục vụ, cử hành các bí tích.

Sử sách kể lại, khi Cha Thánh Tước đang chuẩn bị dâng thánh lễ thì một nhóm người chừng 40 người do tên Bát Phẩm Phan xông vào bắt cha. Rồi trên đường áp giải, tên đội trưởng ra lệnh cho một người tên Ngọc đánh đập cha tàn nhẫn, bổ trên đầu cha một nhát búa, khiến cha ngã gục ngay trong vũng máu.

Về phần cha Thanh, người ta cho biết: Ngài đang ngồi giải tội cho giáo dân trong dịp cuối năm thì bị một kẻ không rõ danh tính ra tay sát hại. Ngài bị chém 2 phát rất nặng vào đầu và được cấp cứu ngay sau đó nhưng đã không qua khỏi.

Dẫu biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng sự ra đi của hai vị linh mục Dòng Đa Minh cứ khiến tôi không khỏi bàng hoàng rùng mình.

Một vị hoàn tất Thánh lễ bằng chính hi tế cuộc đời của mình. Vị kia hoàn tất nghi thức giao hòa Thiên Chúa với tha nhân bằng chính máu đào.

Tấm áo Dòng mà các ngài mang trên mình thấm đấm dòng máu đỏ tươi, như thể tái hiện lại hi lễ của Chúa Giê-su trên đồi Gol-go-tha năm xưa.

Hình ảnh áo Dòng trắng tinh nay thấm đẫm máu hồng đỏ tươi khiến tôi nhớ lại câu Kinh Thánh trong sách Khải Huyền: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7:14).

Trong thân phận làm người, mọi sự ra đi đều để lại những nỗi buồn thương. Với sự ra đi đầy oan ức của cha Thanh, nỗi buồn đau lại nhân lên gấp bội. Những tưởng, đã qua rồi cái thời người ta truy bắt, sát hại các linh mục. Vậy mà, chuyện ấy vẫn xảy ra.

Tuy nhiên, trong Đức Tin, tôi tin rằng sự ra đi của Cha Thanh đích thực là một cuộc tử đạo bởi quá hiển nhiên, ngài bị sát hại khi đang thi hành sứ vụ của người linh mục.

Cuối cùng, xin được thắp một nén hương lòng, nguyện cầu cho Linh hồn Cha Giuse được an nghỉ muôn đời trong Chúa Kitô. Amen

Duc Trung Vu, CSsR


Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

Sử dụng tốt thời gian Chúa ban

Trong Tin Mừng Chúa Giêsu thường đề cập đến thời giờ thật cấp bách, có tính quyết định nên: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, hãy sẵn sàng vì không biết khi nào chủ nhà sẽ đến”. Thời giờ thật ngắn ngủi nhưng không phải vì thế mà ta bi quan, hoảng sợ, hoặc ngồi yên không làm gì cả. Thời giờ ngắn ngủi cho ta ý thức sâu xa về sự quý giá của nó và sự khẩn trương của Lời Chúa mời gọi chúng ta phải dấn thân phục vụ cho đời sống hằng ngày. Vì thời giờ trôi qua không bao giờ ta có thể lấy lại được.


Thời giờ là ân ban của Thiên Chúa, là cái mà ta không thể nắm giữ được cho dù là một khoảng khắc ngắn ngủi, nó đến và qua đi mà không hỏi đến ý kiến của ta. Có khi ta cảm thấy bất lực để cho thời gian qua đi và có khi thời gian qua đi ta lại nhận được điều gì đó. Thời gian là một thứ quý báu, mỗi khi ta muốn làm một điều gì thì cũng cần có thời gian, và một khi quyết định làm điều gì đó cho ai là ta đang sẵn sàng hy sinh cho họ điều quý giá nhất.

Chính vì thời gian mang tính cấp bách, là ân huệ, là điều quý báu nên khi ta bắt đầu làm một điều gì ở hiện tại, hãy cân nhắc thật kỹ, để khi nó trôi qua ta cảm thấy không day dứt, không ân hận, không tiếc nuối. Ta luôn cố gắng hết mình để khi nhìn lại, đó là một kỷ niệm thật đẹp, thật ý nghĩa, trở nên nền tảng, là bệ phóng cho tương lai vì tương lại được dệt nên bằng chính những giây phút hiện tại. Hãy làm những điều người khác không làm, để tương lai có được điều người khác không có.


Lạy Chúa, một năm cũ dần khép lại và mở ra một năm mới, như một vòng xoay nối tiếp quá khứ – hiện tại – tương lai, hôm qua – hôm nay –  ngày mai. Thời gian cứ trôi qua, muốn níu kéo cũng không giữ lại được. Giây phút cuối năm, xin cho con biết nhìn lại hành trình đã qua để lượng giá lại chính mình đã thực sự sử dụng tốt thời gian Chúa ban cho chưa? Nhờ vậy, con rút kinh nghiệm cho năm mới, biết khôn ngoan để sắp xếp, lên kế hoạch, sử dụng thời gian để tích lũy điều gì đó cho chính mình. Ai cũng có 24 giờ trong một ngày như nhau, nhưng hiệu quả ở mỗi người lại khác nhau. Tương lai sẽ trả lời về cách thức con sử dụng thời gian thế nào. Bước sang năm mới con dâng lên Chúa tất cả quá khứ – hiện tại – tương lai của con, xin Chúa chúc lành cho năm mới của con. Amen.


Đồng Tiền Hồng


(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Con Hổ trong đời sống người Việt

Mỗi khi Tết đến xuân về, người Việt Nam lại nghênh đón con vật biểu trưng cho năm mới. Đón Xuân Nhâm Dần, lòng người thảnh thản, cảnh vật xanh tươi, trời đất giao hòa. Chúng ta cùng lần chuyện hổ để xem trong văn hóa dân gian và Kinh Thánh, con vật thứ ba trong 12 con giáp như thế nào?


Hổ có tên khoa học là Panthera tigris, là động vật lớn nhất thuộc họ Mèo (Felidae), có răng nanh nhọn sắc, chân to, vuốt nhọn, bước đi không gây tiếng động, thường ăn thịt thú rừng khác. Do sức mạnh và sự nhanh nhẹn, nên hổ được phong là “chúa sơn lâm”, trở thành linh vật biểu trưng cho nhiều tín ngưỡng và tôn giáo. 


Trong văn hóa Á Châu

Hổ là con vật hung hãn nhất tượng trưng cho sức mạnh của nền văn hóa cổ phương Đông. Về khôn ngoan, hổ không thể sánh với khỉ và chuột, không kiên trì như trâu, nhanh không bằng ngựa, uy vũ không bằng rồng, luồn lách và hiểm độc không bằng rắn, nhưng hổ hội đủ các đặc chất như dũng mãnh, can trường, hiên ngang, dám tấn công cả những con thú to khỏe hơn trong 12 con giáp. Nhờ những đặc chất ấy mà hổ được con người thần thánh hóa trong đời sống xã hội, văn hóa, và nghệ thuật, chẳng một con vật nào dám qua mặt.

Đối với người Việt Nam

Hổ tượng trưng cho quyền uy, dũng mãnh, đại diện và biểu trưng cho các vị tướng lĩnh, quân đội, lực lượng quân sự.


Truyền thuyết kể rằng, vị tướng họ Hùng có công đánh đuổi giặc Ân do bà mẹ hổ sinh ra (ngày nay đền Trình ở thắng cảnh Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội còn thờ thần hổ, hương khói khắp bốn mùa). Hoàng Hoa Thám được mệnh danh là Hùm thiêng Yên Thế. Các võ tướng ngày xưa có phù hiệu, ấn tín khắc hình đầu hổ, gọi là hổ phù. Các đình chùa, miếu mạo thường chạm khắc hình hổ, thể hiện sự linh thiêng, bất khả xâm phạm.


Trong văn học, văn hóa dân gian


Hổ được so sánh với những gì được cho là tốt như: hổ dữ không ăn thịt con (chỉ về đạo lý làm người, tình cảm mẫu tử), cọp chết để da, người ta chết để tiếng (nói về danh dự), nam thực như hổ (chỉ về ăn khỏe), mình hổ, tay vượn, bụng beo, lưng sói (chỉ về sự hoàn thiện của một cơ thể đầy sức mạnh), hổ phụ sinh hổ tử (chỉ sự tự hào khi có thế hệ tiếp nối), “Mèo tha miếng thịt xôn xao – Hùm tha con lợn thì nào thấy chi”, “làm bạn với vua như đùa với hổ” v.v…


Truyện dân gian có “Ông Nghè hóa cọp” chế giễu những người “chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng”. Trong truyện cổ tích “Trí khôn ta đây”, con hổ hiền lành, dại dột, bị người lừa. Giai thoại “Con hổ có nghĩa” đã được đưa vào sách giáo khoa cho thấy hổ cũng là con vật có tình nghĩa, biết đền ơn xứng đáng người đã giúp đỡ mình.


Trong tín ngưỡng 

Ở nước ta, hổ được gắn với tục thờ Mẫu, thờ Thần Hổ như một biểu tượng của con vật dũng mãnh, uy linh tượng trưng cho sức mạnh có khả năng trấn giữ cửa ải ngũ phương.


Truyền thuyết kể rằng, lúc Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn truy lùng; gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, hết cả lương thực, may nhờ có thịt thú rừng do hổ tha tới tiếp tế mỗi ngày mà sống. Sau khi lên ngôi vua, ông đã lập miếu thờ hổ tại vùng Mô Xoài, tỉnh Bà Rịa để tạ ơn. Dân gian thường gọi là miếu Ông Hổ. Chữ “ông” được dùng với những danh từ kể trên để tỏ lòng tôn kính. Nguyễn Ánh truyền rằng, kẻ nào lỡ tay giết chết hổ thì bị phạt 30 trượng. Còn nếu bắt sống thì được thưởng 30 quan tiền. Cũng vì lệ này mà hổ còn được gọi là Ông Ba Mươi.


Dù là con vật hoang, rất ít khi được thuần phục nhưng hổ đã có sự gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân Việt, điển hình là câu chuyện Bố cái đại vương Phùng Hưng là người phục hổ bằng tay không.


Trong điêu khắc


Khó lòng thống kê hết số lượng và kiểu dáng tượng, phù điêu, tranh tường, tranh lụa, tranh giấy, tranh thờ…có hình hổ. Tuy vẽ hổ vẽ được hình dáng, khó vẽ được cốt cách, thần thái), nhưng bức “Ngũ Hổ” của tranh dân gian Việt Nam là một kiệt tác nghệ thuật.


Trống đồng Đông Sơn có cách đây khoảng 2500 đến 3000 năm tuổi, nhưng trên mặt trống đã xuất hiện hình con hổ. Điều này cho thấy ý nghĩa hổ trong hóa Việt Nam đã gắn bó hàng nghìn đời nay với sự trân trọng.


Trong y học

Cao hổ cốt có phải là “thần dược” hay không, đến nay khoa học chưa kiểm chứng, song điều đó đã đẩy hổ vào tình trạng hết sức nguy hiểm. Một lạng cao hổ cốt chính hiệu giá lên đến mấy chục triệu đồng. Hổ thật không đủ, người ta làm hổ giả. Có người làm giả xương hổ bằng…bê tông, để lừa những người mê thần dược hổ cốt nhưng thiếu hiểu biết. Vì vậy, bây giờ các “đại gia” chỉ mua hổ nguyên con ướp lạnh và thuê người về nấu tại nhà.


Trong chiêm tinh, nhân tướng


Người tuổi Dần mạnh mẽ, không bao giờ ngần ngại, lùi bước trước khó khăn, quan điểm của người này là khó khăn, nguy hiểm bao nhiêu thì chiến công càng vang dội, hãnh diện bấy nhiêu. Họ làm việc nhiệt tình, khẳng khái, quyết đoán, dũng cảm, dám làm việc nghĩa giúp đỡ người khác với lòng bác ái. Có ý thức độc lập mạnh mẽ, không muốn người khác lãnh đạo mình. Có đức tính lạc quan, dám nghĩ, dám làm, ham thích sự đổi mới. Một đức tính đặt biệt mang tính cách riêng của họ là: Đơn giản, tự nhiên.


Người tuổi Dần có trí nhớ tốt và tinh thần ham học hỏi, có con mắt nhìn xa trông rộng, phân tích vấn đề một cách logic, khoa học, ít khi thấy họ mắc sai lầm. Mục tiêu phấn đấu của họ trong suốt cuộc đời là tiền bạc, địa vị và quyền lực.


Những việc người khác không làm được thì người tuổi Dần lại giải quyết rất nhanh chóng, lý do bởi họ không bao giờ sợ hãi, khuất phục trước công việc khó khăn nào. Họ coi trọng danh dự và chữ tín của mình, có trách nhiệm với công việc và với mọi người xung quanh. Vì vậy, tuổi Dần thường hay ra tay bảo vệ những con người yếu đuối, khổ cực.


Trong Kinh Thánh

Lời trăng trối của ông Giacóp cho các con trong cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh, đã nhắc đến con hổ: “Giuđa ví tựa hùm tơ… nó phục xuống như chúa sơn lâm: nào ai bắt nó dậy được? (St 49, 8-10). Hôsê dùng hình ảnh hổ để cảnh cáo dân chúng về sự “đánh ghen”: Quả thế đối với Epraim, Ta sẽ như sư tử, Ta sẽ như hùm tơ cho nhà Giuđa” (Hs 5,14).


Ngôn sứ Isaia đã ví sức hùng mạnh của quân thiện chiến Átsua: “Chúng gầm thét như cọp non”(Is 5,29). Trong ý hướng đó ngôn sứ Khabacúc đã loan báo Thiên Chúa dùng dân Canđê để đánh phạt dân phản nghịch: “Ngựa nó nhanh hơn hổ báo, lanh lợi hơn sói chiều hôm”(Kb 2, 8).


Trước khi phanh thây con mồi, thú dữ thường gầm rống lên gọi đàn đến xẻ thịt. Có lẽ vì thế mà ngôn sứ Amôt đặt câu hỏi: “Phải chăng sư tử gầm lên trong lùm rậm mà nó lại không mồi? Phải chăng trong hang ổ, hùm tơ rống lên mà lại không chụp được gì?” (Am 3, 4).


Sưu tầm và góp nhặt


Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

10 sự thật thú vị về Thánh Tôma Aquinô, Tiến Sĩ Hội Thánh

Ngày lễ nhớ Thánh Tôma Aquinô trong lịch Giáo Hội hoàn vũ là 28/01 hàng năm. Ngài là một vị Thánh lớn, tiến sĩ của Hội Thánh, quan thầy của giới học sinh trong các trường Công Giáo. Thánh Tôma là nhà triết học và thần học xuất sắc và chói lọi nhất trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Có lẽ vì trí thông minh vĩ đại mà Thánh Tôma có phần trở nên xa vời với chúng ta. Nhưng kỳ thực, chúng ta có thể có điểm tương đồng với vị Thánh thời trung cổ đã dành cả đời cho sách vở và giáo thuyết này.

 

Thánh Tôma là một vị Thánh rất bình dân, là mẫu gương vĩ đại cho chúng ta về một số mặt nào đó. Về thể lý, ngài là một người mập phì, một người có dáng vấp khổng lồ nhưng cực kỳ hiền lành, khiêm tốn và tử tế. Sau đây là một số sự thật thú vị về Thánh Tiến Sĩ Thiên Thần này:

 

1. Ngài được sinh ra và lớn lên trong một lâu đài

 

Thánh Tôma sinh ra trong một gia đình giàu có ở Roccasecca, nước Ý. Ngài có 3 anh em trai và 5 chị em gái.

 

2. Cả cuộc đời ngài rất sợ hãi giông tố

 

Khi Tôma còn ở tuổi thiếu niên, người em gái của ngài bị sét đánh chết khi hai người đang ngủ chung trong một căn phòng. Kể từ đó đến suốt cuộc đời, Thánh Tôma luôn mang theo một thánh tích của Thánh Anê để cầu xin cho được an toàn mỗi khi trời nổi sấm.

 

3. Khi còn nhỏ, ngài được gửi đến học ở một đan viện nổi tiếng

 

Tôma đã ở tu viện Monte Cassino nhiều năm và có thể đã trở thành đan viện phụ. Trong thời gian học ở đan viện này, ngài đọc được các tác phẩm thiêng liêng của Thánh Gioan Cassianô, những điều mà ngài cực kỳ trân quý suốt đời mình.

 

4. Ngài đã trốn gia đình để theo ơn gọi dòng Đaminh

 

Gia đình mong muốn Tôma ở lại tu viện Monte Cassino và làm đan viện phụ. Nhưng họ lại không ngờ ngài chuyển hướng, ước ao trở thành một tu sĩ dòng Đaminh. Đối với gia đình vọng tộc này, theo dòng Đaminh chẳng khác nào là một bước lùi trên đường danh vọng, bởi lẽ thời ấy dòng Đaminh là một dòng tu di động và các tu sĩ phải rày đây mai đó mãi. Vì thế gia đình cố gắng thuyết phục Tôma từ bỏ ý định, dù xem ra rất khó.

 

5. Ngài là một con người ngoan cố

 

Khi gia đình phát hiện Tôma đã lén nhập dòng Đaminh, họ cho một toán lính dẫn đầu bởi anh cả Rinaldo đến bắt ngài về. Tôma bị giam giữ 3 năm trong một căn phòng của nhà mình. Gia đình ngày đêm thuyết phục ngài bỏ dòng Đaminh, nhưng cuối cùng thất bại.

 

6. Ngài từng bị gọi là "con bò câm"

 

Họ gọi Tôma Aquinô là "con bò câm", không phải vì cho rằng ngài ngu ngốc, mà là vì ngài cao to và quá ít nói.

 

7. Ngài viết chữ cực kỳ xấu

 

Chữ viết của Tôma đáng bị gọi là "littera inintelligibilis" trong tiếng Latinh, nghĩa là chữ viết không thể nào hiểu nổi. Nếu bạn viết chữ quá xấu và ai cũng chê trách, hãy cứ vui vẻ đi, vì bạn đang được giống Thánh Tôma Aquinô đó!

 

8. Ngài có thể đọc cho 2 đến 3 thư ký cùng viết một lúc

 

Chuyện Thánh Tôma viết chữ quá xấu không trở thành vấn đề lớn, bởi vì ngài thường nhờ các thư ký viết thay mình. Một cách kỳ diệu, Tôma có thể đọc cho mấy người viết về những chuyện khác nhau cùng một lượt. Tốc độ ngài suy nghĩ nhanh gấp nhiều lần tốc độ viết.

 

9. Ngài không bao giờ chỉ trích người khác

 

Ngài chưa bao giờ chỉ trích ai, mà chỉ than phiền về ý tưởng của người khác. Lần ngài chỉ trích nặng nhất là khi ngài dùng tác phẩm của ngài để bác bỏ ý tưởng của một người tên là David Dinant, rằng "ô, thật là một ý tưởng ngớ ngẩn." Cả lần này, ngài cũng chỉ chỉ trích ý tưởng của ông David chứ không phải chỉ trích chính ông ta.

 

10. Ngài cực kỳ khiêm nhường và luôn đặt mọi tác phẩm của mình dưới quyền phán quyết của Giáo Hội

 

Khi sắp qua đời, Thánh Tôma nói: "Tôi đã dạy dỗ và viết lách rất nhiều... chỉ dựa trên đức tin của tôi vào Chúa Giêsu Kitô và vào Hội Thánh Công Giáo Rôma, là Hội Thánh mà tôi đặt mọi giảng dạy của tôi xuống dưới phán quyết của Hội Thánh ấy."

 

Amen. Lạy Thánh Tôma Aquinô, xin cầu cho chúng con.

 

Theo Aleteia

Gioakim Nguyễn dịch

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Tết mang gì về cho Mẹ


 Người ta có rất nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một chốn để về. Cuộc sống mưu sinh vì miếng cơm manh áo mà rất nhiều người con phải xa quê hương, xa Ông Bà Cha Mẹ người thân để kiếm kế sinh nhai ở một thành phố hay đất nước nào đó. Rồi khi tết đến xuân về người ta lại chuẩn bị đồ đạc, gói ghém quà này quà kia mang về biếu Cha Mẹ người thân sau những tháng ngày xa quê. Trở về nhà bên Mẹ Cha là ước mong của những người con xa quê, bởi người ta thường nói: “ Có gia đình và có nhà đó là hạnh phúc”. Hạnh phúc phải chăng đơn giản là như thế nhưng chính những cái giản đơn ấy mà có rất nhiều người mơ ước cũng không có được.


Trở về nhà trong một lần đi chợ hoa đêm ở đất Hà thành, cái giá lạnh trong những ngày này thật khắc nghiệt, lạnh đến tận xương tủy tôi vẫn phải lên đường đến chợ hoa đêm. Khi trở về đã gần 23h, đường phố vắng người hơn so với những ngày thời tiết ấm. Đất Hà Nội – mảnh đất được mệnh danh là thủ đô hoa lệ. Mà đúng là như thế, Hà nội về đêm lung linh, rực rỡ với sắc màu đèn điện. Dừng lại trước đèn đỏ, bỗng xuất hiện ngay bên cạnh tôi là một cụ già chắc tầm khoảng 80, người Cụ gầy, da nhăn nheo đang ngồi co cụm trên vỉa hè cùng với chiếc bao ni long đựng chút áo quần, chân không mang tất chỉ có một đôi dép tổ ong cũ kĩ, tấm áo mong manh khoác trên mình cho đỡ giá, Bà Cụ đăm chiêu nhìn những đoàn người lướt qua trên đường với ánh mắt đượm buồn. Trước hình ảnh đó, tôi không khỏi xót xa, xót xa cho một thủ đô mệnh danh là hoa lệ. Vâng! Có lẽ hoa dành cho người giàu, còn lệ dành cho người nghèo chăng? Tôi thầm hỏi những đứa con của cụ giờ này ở đâu? Họ đang yên ấm trong ngội nhà có điều hòa, có đèn sưởi, có chăn ấm đệm êm hay đang say trong giấc ngủ mặn nồng bên vợ con. Tại sao Bà Cụ lại xuất hiện nơi đây trong cái tiết trời giá lạnh về đêm này? Rồi đêm nay bà sẽ ngủ ở đâu? Và những ngày sau đó thì sao? Những câu hỏi ấy cứ xuất hiện trong tâm trí khiến tôi không rời mắt khỏi Bà cụ . Trước kia Cha Mẹ có thể nuôi nấng được 3,4 người con nhưng giờ đây 3, 4 người con cũng không nuôi nổi một Mẹ. Tại sao vậy? Thế rồi hình ảnh Bà Cụ và những suy nghĩ ấy cứ miên man theo tôi trở về nhà. Tôi thầm cầu xin cho Bà tìm được một nơi trọ qua đêm, nguyện xin cho những người thân tìm đón Bà về nhà. Điều ước ấy liệu có là viển vông xa vời quá không?


Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương đất Việt, lòng người nô nức chuẩn bị cho cái tết sum vầy, những người con xa quê cũng thu xếp công việc học tập, làm ăn để trở về bên gia đình. Ai ai cũng lo lắng tìm mua chút quà để gọi là có chút gì đó mang về. Có lẽ không ai không biết đến ca khúc: Mang tiền về cho Mẹ, bài hát đang hot trên mạng dịp tết của ca sĩ Đen Vâu. Nó như một lời mời gọi cũng như cảnh tỉnh tâm thức của những phận làm con trong gia đình. “Tết – mang tiền về cho Mẹ, đừng mang ưu phiền về cho Mẹ”. Mang tiền về cho Mẹ, tôi nghĩ đó là cách chơi chữ nhưng đó chính là trao yêu thương, đem niềm vui , cho những bậc sinh thành, dưỡng dục ta khôn lớn nên người. Với suy nghĩ thiển cận của mình, tôi thiết nghĩ phải chăng Cha Mẹ chỉ muốn con cái mang tiền về cho mình sắm tết, trang trải chi tiêu trong dịp đặc biết này? Có lẽ không chỉ thế, đến thăm những gia đình có con cái đi làm ăn xa hay có những người con dâng mình cho Chúa trong các Tu hội, Dòng tu, tôi được nghe những lời tâm sự của họ mới biết rằng: Họ cần con hơn cần bất cứ điều gì. Có lẽ, trong bối cảnh dịch Covid làm đảo lộn tình hình kinh tế như hiện nay thì việc trờ về quê là một nỗi ám ảnh của rất nhiều người con xa quê. Bởi nhiều người vì không có tiền về quê, dù tiền vé tàu xe, tiền đi máy bay có thể không thành vấn đề nhưng tiền quà cáp, tiền biếu cha mẹ, tiền biếu người thân, tiền lì xì cho trẻ nhỏ… chỉ nghĩ đến đã đủ để làm nản lòng người xa quê. Vì thế mà đã có bao người con phải đón tết xa quê trong ngậm ngùi và nước mắt. Nhưng rất ít người đặt câu hỏi, cha mẹ cần gì ở con cái khi tết đến xuân về. Câu trả lời đơn giản là cha mẹ chỉ cần sự gặp gỡ và sum họp, chỉ cần thấy hình hài và khuôn mặt thân yêu của con trong ngày tết. Cha mẹ dù nghèo khổ vẫn không  cần tiền con mang về. Như thế,  ước mong của cha mẹ chỉ là những người con luôn biết quan tâm, chăm sóc, và trở về bên cha mẹ khi còn có thể, đừng để cha mẹ phải cô đơn, lang thang vất vưởng như bà Cụ mà tôi đã gặp trên nẻo đường đêm kia. Thật vậy, Cha mẹ chỉ cần con về là đủ. Có con là có tất cả. Có con là có tết. Con về là tết về.


Vâng! Món quà Tết dành cho Cha Mẹ không chỉ là những món quà vật chất mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần và tấm lòng hiếu kính của người con dành tặng cha mẹ. Nhưng món quà quý giá nhất mà Cha Mẹ cần, chính là sự hiện diện đầy đủ của con cái như thế cái tết đoàn viên sẽ là cái tết ý nghĩa trọn vẹn nhất. Chắc chắn rằng cuộc sống sẽ còn đem đến nhiều khó khăn, thử thách cho mỗi người. Nhưng ở nơi xa kia, có nhà, có cha mẹ, có gia đình là nơi ấm êm để về, nhất là trong những ngày Tết. Như bản nhạc Đi về nhà của mùa Tết năm cũ từng nói lên nỗi lòng của người con xa xứ: “ hạnh phúc đi về nhà, thành công đi về nhà, thất bại đi về nhà, chông chênh đi về nhà, cô đơn đi về nhà, mệt quá đi về nhà…” Và năm nay, dù cuộc sống có khó khăn, vất vả cũng hãy cố gắng đứng lên và “mang tiếng cười về cho ba mẹ, mang sum vầy về cho ba mẹ, mang chính mình về cho Mẹ”! Như thế có con về là tết về.


Sương đêm

                                                                                         


Thứ Hai, 24 tháng 1, 2022

Xuân này con không về


Mẹ ơi, xuân này con không về, mẹ ạ

Chút quà con gửi chẳng biết đã về chưa

Con gửi cho cha gói cà phê miền núi

Gửi mẹ xấp vải, ít hạt điều, hạt dưa

 Ngày xuân ở đây, lạnh hơn nhà mình mẹ ạ

Có cành đào khoe sắc chứ chẳng có mai vàng

Có trẻ đồng bào với những khúc đồng dao con nghe chẳng hiểu

Có nắng nhè nhẹ và mưa xuân lất phất bay

Ngày xuân ở đây, lạ lùng lắm mẹ ạ

Ngày ra đồng, đêm về học giáo lý

Con thỏa sức nói về Ngài đêm này qua đêm khác

Như mưa sau nắng dài, họ vui và con cũng vui

 Con vẫn nhớ nhà mình Tết sum vầy hạnh ngộ

Nhưng con cũng yêu sao sứ mệnh Tết tông đồ

Yêu mùa xuân lạ trên những miền truyền giáo

Yêu những nụ cười vừa mới gặp hôm qua

 Con chẳng dám hứa Xuân sau sẽ về, mẹ ạ

Biết đâu Chúa lại đưa con đến những chân trời mới

Nơi mùa Xuân còn bị đông lạnh giá cầm tù

Và đầy rẫy những đôi tai khát khao được lắng nghe

Con sẽ gặp mẹ trong một mùa xuân mới

Sẽ gửi lời chào cha khi nắng ấm tràn về

Nơi Thiên Chúa là mùa xuân vĩnh cữu

Còn xuân này, con không về, mẹ ơi!

_người thợ gặt_

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

Hãy yêu thương nhau

Bạn thân mến, chỉ có tình thương mới đủ sức đóng góp xây dựng được điều tốt đẹp cho đời người trên trần gian và trong cõi đời đời.

Không một người cha nào muốn cho con cái trong gia đình ghét nhau và không thương nhau.

Quí vị và các bạn thân mến,

Thiên Chúa là Cha của chúng ta, là Cha của tất cả mọi người. Nếu chúng ta yêu thương kẻ khác vì những đức tính tốt của họ thì ít ra chúng ta cần cố gắng yêu thương họ vì họ cũng là con cái của một Cha trên trời.

Toàn thể nhân loại được liên kết chặt chẽ với nhau trong một đại gia đình duy nhất của Thiên Chúa. Ðể giúp cho chúng ta được yêu mến anh chị em xung quanh dễ dàng hơn, Thiên Chúa Cha đã chọn đứng về phía anh chị em hay bị ghét bỏ, bị loại ra bên lề xã hội. Ngài che khuất những tật xấu, những bất toàn của họ và ra lệnh cho mỗi người chúng ta hãy nhìn thấy dung mạo Ngài nơi dung mạo của anh chị em xung quanh. Thiên Chúa Cha có thể nói với mỗi người chúng ta: Vì con yêu mến Cha, con cũng hãy yêu mến anh chị em, hãy tha thứ và trợ giúp họ; nếu con có tâm tình muốn trả thù thì con hãy để việc đó lại cho Cha, hãy tin tưởng vào Cha. Cha sẽ xét xử công bằng đối với tất cả mọi người. Phần con, hãy tha thứ cho họ và làm như thế con sẽ được phần thưởng trọng đại trên trời.

Phải, chúng ta kết thành một gia đình có một Thiên Chúa là Cha tất cả, vì thế chúng ta cần yêu thương nhau. Tình thương là dấu chỉ đặc biệt giúp đỡ kẻ khác nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu - cứ dấu này người ta sẽ nhận ra chúng con là môn đệ của Thầy, là chúng con yêu thương nhau. (Ga. 13,35). Trong bữa tiệc cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu đã nói như sau: "Thầy ban cho chúng con một giới răn mới là chúng con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương chúng con thế nào thì chúng con cũng hãy yêu thương nhau như vậy".

Ðây là một mệnh lệnh chứ không phải là một lời khuyên, một nguyện ước. Ðây là một mệnh lệnh mỗi người chúng ta hãy vâng theo. Chúa Giêsu đã tóm gọn giáo huấn của Ngài về một giới răn duy nhất là tình yêu thương. Nếu chúng ta sống yêu thương nhau thực sự thì tất cả mọi hành động đều có một ý nghĩa và cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, trở nên đáng sống, nếu chúng ta biết yêu thương nhau thì chúng ta sẽ gặp được niềm vui sống dù cho lúc đó chúng ta có phải nghèo khổ, bị bách hại đau yếu hay thất nghiệp. Nếu bạn không có niềm vui sống thì đây có thể là dấu chỉ có một sự trục trặc nào đó trong tình thương của bạn với anh chị em xung quanh. Chúng ta có thể không biết sống yêu thương anh chị em hoặc sống yêu thương họ không đúng cách. Một tác giả vô danh đã định nghĩa tình thương đối với anh chị em như sau:

* Tình thương là thinh lặng khi biết rằng những lời nói mình làm tổn thương.


* Tình thương là kiên nhẫn khi người bên cạnh có thái độ cộc cằn.


* Tình thương là câm điếc khi có gương xấu được đồn đãi.


* Tình thương là chú ý chăm sóc khi kẻ khác hoạn nạn, bất hạnh.


* Tình thương là sẵn sàng dấn thân khi bổn phận kêu gọi.


* Tình thương là can đảm khi gặp thử thách.


Thánh Phaolô cách đây gần hai ngàn năm đã mô tả tình thương bác ái cho các tín hữu cộng đoàn Côrintô như sau: người có đức ái thì nhẫn nại, nhân từ, không ganh tị, không khoe khoang, không kiêu kỳ, không gian ác, không vui khi thấy sự bất công. Người có đức bác ái thì tha thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, chịu đựng mọi sự. (Cr. 13,4-7)

Bạn thân mến, chỉ có tình thương mới đủ sức đóng góp xây dựng được điều tốt đẹp cho đời người trên trần gian và trong cõi đời đời.

* * *

Lạy Chúa, xin đổ tràn Tình Yêu Chúa xuống trên tâm hồn chúng con, giúp chúng con sống bác ái với mọi anh chị em xung quanh.

Xin dạy con lắng nghe tiếng Chúa mời gọi và nhìn thấy Chúa nơi dung mạo anh chị em để con đủ can đảm yêu thương họ và tha thứ như Chúa. Amen.

Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

https://vntaiwan.catholic.org.tw/phutcau2/2phut072.htm

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Thư gửi Mẹ Thiên Chúa


 Kính chào Mẹ Thiên Chúa, 

Mùa đông năm ấy, nơi chuồng súc vật hôi tanh, giữa tiết trời lạnh lẽo, Con Thiên Chúa được Mẹ sinh vào kiếp người. Mẹ ẵm Hài Nhi trên tay mà lòng chứa chan hạnh phúc, hạnh phúc của một tỳ nữ được diện kiến dung nhan của Chúa mình, hạnh phúc của một thụ tạo được giáp mặt Tạo Hóa của mình và hạnh phúc của một người mẹ bên cạnh đứa con mình vừa mới sinh ra. Cái cảm giác được làm mẹ thật không sao tả nổi! Cái cảm giác được là mẹ của Chúa thật nhiệm mầu và thâm thúy xiết bao.

Thế nhưng, vui chưa được bao lâu thì sóng gió cuộc đời ập đến. Vì sự ganh ghét của con người, cả gia đình Mẹ cũng không được hưởng một giấc ngủ ngon. Ngay giữa đêm khuya giá lạnh, Mẹ và thánh Giuse phải bồng Con trốn sang Aicập, sống tha hương như những người đi tị nạn. Lời mời gọi mà Chúa dành cho Mẹ dạo trước, tuy có nói đến sự vinh quang nhưng chắc Mẹ cũng cảm nghiệm được đó là loại vinh quang gì rồi: một vinh quang của thập giá. Từ khi Con của Mẹ thi hành sứ vụ công khai, ra đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cho đến khi chết trên thánh giá, Mẹ đã đón nhận biết bao những nỗi buồn khó diễn tả. Nhưng trong mọi nghịch cảnh, Mẹ luôn một lòng trung thành và yêu mến Thiên Chúa. Qua những tôi luyện ấy, Mẹ đã kết hiệp trọn vẹn với Con của mình, Mẹ trở thành mẫu gương đức tin cho chúng con và Mẹ cũng trở thành mẹ của mọi tín hữu. Giáo Hội không ngừng ca mừng Thiên Chúa vì đã ban cho thế trần người Mẹ tuyệt vời.

Chúng con hạnh phúc khi nghe Mẹ thưa tiếng “xin vâng”. Năm xưa, sứ thần nói với Mẹ rằng: “Này đây Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai…” Mẹ ngỡ ngàng với sứ điệp này, Mẹ không hiểu vì sao chuyện ấy có thể xảy ra được. Làm mẹ Thiên Chúa quả là vượt sức đối với mọi loài thọ tạo như Mẹ. Lúc ấy, hẳn là Mẹ có thể từ chối! Nhưng với lòng tin yêu, Mẹ đã xin vâng để chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã khởi sự từ xưa được đi đến thành toàn. Mẹ xin vâng vì Mẹ hiểu rằng Thiên Chúa sẽ làm nơi Mẹ những điều kỳ diệu.

Tình Mẫu Tử giữa Mẹ và Giêsu là nhịp cầu nối kết đất trời, nối con người với Thiên Chúa. Vì tình mẫu tử ấy là một mối tình keo sơn không thể cắt đứt của một thụ tạo với một Thiên Chúa, của một vật hèn với một Thần Linh, giữa loài hữu hạn với Đấng Vô Hạn siêu vượt muôn trùng. Càng nghĩ về huyện nhiệm này, con càng cảm thấy vai trò của Mẹ thật to lớn, thấy vinh phúc mà Chúa ban cho Mẹ thật cao cả khôn lường.

Mẹ ơi, phía sau bất cứ người con nào cũng luôn có hình bóng của người mẹ. Đức Giêsu đã được Mẹ dưỡng nuôi ân cần cho tới ngày Người trao Mẹ cho thánh Gioan trên đỉnh đồi Canvê. Cả cuộc đời, Mẹ là bóng mát dịu hiền cho Giêsu chạy đến hàn huyên tâm sự. Hơn nữa, theo lời hứa cứu độ, Con Thiên Chúa xuống thế làm người để chung chia cuộc sống con người và đưa nhân loại thoát cảnh trầm luân muôn kiếp. Vì lẽ đó, Thiên Chúa cần một cung lòng xứng hợp cho Con Ngài ngự vào. Người ta nhận ra bàn tay chăm sóc của Mẹ khi thấy “Đức Giêsu càng lớn càng thêm khôn ngoan và nhân đức, đẹp lòng Thiên Chúa và mọi người.” Hôm nay, Mẹ vẫn là “bóng mát che đầu” để đoàn con về nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Bởi qua Mẹ, con thấy mình dễ tỏ bày tâm tình với Thiên Chúa hơn. Cùng  với Mẹ, con có thể tán dương Thiên Chúa và đón nhận sức mạnh thần linh để bước theo Giêsu từng ngày.

Chiêm ngắm hành trình Mẹ bước theo Giêsu, con như được thêm sức, được trợ giúp để yêu mến thập giá đời mình. Mẹ đã không rời Giêsu, Mẹ chỉ muốn chia sẻ nỗi đau mà Giêsu chịu đựng vì tội lỗi con người. Có mẫu gương của Mẹ và có sự nâng đỡ của Mẹ, con bớt kêu trách sức nặng thập giá cuộc đời mình hơn. Khi bắt chước Mẹ tập yêu thập giá, con được Thiên Chúa cho nghỉ ngơi bồi dưỡng, để được hưởng phúc đời đời, vì Ngài đã hứa: “Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

Xin Mẹ giúp con từ bỏ tội lỗi, xa tránh thói hư tật xấu và giữ một lòng chung thủy với Đấng Tối Cao. Xin Mẹ vực dậy những tâm hồn xa cách Chúa, những con người đoạn tuyệt với anh em. Xin dâng lên Mẹ Thiên Chúa ước nguyện: chúng con được thuộc trọn và hết lòng yêu mến Chúa, ân cần với tha nhân và dám đón nhận thánh giá đời mình. Xin Mẹ tiếp tục cầu bầu với Con Chí Ái của Mẹ cho chúng con đang còn lữ hành dưới thế, biết nhờ Mẹ mà chạy đến gần Chúa Giêsu.

Chúng con chung vui với ngày lễ của Mẹ: Maria, Mẹ Thiên Chúa,

Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...