Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

Bài Giảng Chúa Nhật XXI Thường Niên A


“Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16).


   Chuyện kể rằng: Ngày kia, hoàng đế của một vương quốc lớn đã mời gọi các nghệ sĩ từ nhiều nước đến dự cuộc thi “mô tả chân dung hoàng đế”. Các nghệ sĩ Ấn Độ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa kim cương quí nhất. Các nghệ sĩ Ai Cập thì mang đến đủ thứ đồ nghề và một khối cẩm thạch hảo hạng. Sau cùng người ta rất nhạc nhiên khi thấy phái đoàn Hy Lạp chỉ mang vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng.
Mỗi phái đoàn dự thi trong một căn phòng đặc biệt của cung điện. Khi thời gian đã hết, Đức vua cho trưng bày các tác phẩm tranh giải. Ông hết sức khen các bức chân dung của chính mình do các nghệ sĩ Ấn Độ và Ai Cập tạc nên. Sau cùng đến phòng trưng bày của người Hy Lạp, hoàng đế chỉ thấy duy nhất một bức tường đã được đánh bóng đến độ khi hoàng đế nhìn vào ông thấy khuôn mặt của mình hiện ra từng nét. Hiểu ra thiện ý của những nghệ nhân Hy Lạp, Đức vua đã chấm cho phái đoàn Hy Lạp giải nhất trong cuộc thi đó.
***
Bài Tin Mừng theo thánh Mat-thêu mà chúng ta vừa nghe còn được gọi là “Cuộc tuyên tín tại Cêsarê Philipphê”. Sau khi đã rao giảng Tin Mừng và làm các phép lạ, uy tín của Chúa Giêsu ngày càng được nâng cao, do đó, đã có nhiều ý kiến khác nhau về bản thân Người. Kẻ thì bảo Ngài là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại bảo là Êlia tái thế, còn kẻ khác nữa lại bảo là Giêrêmia hay một ngôn sứ nào đó (x.Mt 16,14). Đây cũng là dịp thuận lợi để Chúa Giêsu trắc nghiệm thái độ các môn đệ về mình. “Còn các con, các con bảo Thầy là ai? (Mt 16, 15). Với tư cách là Tông Đồ trưởng, ông Phêrô đã mau mắn trả lời: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Một câu trả lời được coi là hoàn hảo, không thể chê vào đâu được, thế nên, ông đã được Chúa Giêsu khen là người có phúc. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại còn thêm: “Không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều đấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 17).
Sau khi yêu cầu các Tông Đồ không được tiết lộ danh tánh của Ngài, Đức Giêsu lần đầu tiên loan báo về cuộc khổ nạn. Ngay lập tức, ông Phêrô đứng ra ngăn cản Đức Giêsu. Ông kéo Người ra riêng một chỗ và nói: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16, 22). Nhưng lần này, lời của ông đã không được Đức Giêsu đồng tình. Không những thế, Ngài còn nghiêm khắc chấn chỉnh ông: “Satan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản Thầy”(Mt 16, 23).
Có thể nhiều người sẽ thắc mắc, tại sao Chúa Giêsu lại nặng lời với ông Phêrô như vậy? Câu trả lời là: đối với Đức Giêsu, tất cả những hành động đi ngược lại thánh ý của Thiên Chúa đều được coi là của Satan. Hai câu nói của cùng một con người Phêrô, nhưng câu nói trước thì được Đức Giêsu khen ngợi, còn câu nói sau thì lại bị nghiêm khắc khiển trách, bởi vì câu nói trước là câu được Thiên Chúa mặc khải cho, còn câu nói sau hoàn toàn là của con người. Cho hay, lời tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa phải đi đôi với việc chấp nhận và đi theo Ngài trên con đường khổ hình thập giá mới kể là lời tuyên xưng đích thực.
Ngay sau khi ông Phêrô tuyên xưng niềm tin của mình, Đức Giêsu đặt Phêrô làm tảng đá và trao cho ông chìa khóa Nước Trời cùng với quyền tháo cởi: “Điều gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc, điều gì con tháo cởi dưới đất, trên trời cũng tháo cởi” (Mt 16,19). Như vậy, chứng tỏ rằng, việc được đặt làm thủ lãnh Giáo Hội của Phêrô không phải do tài sức riêng của ông, mà là bởi tình thương của Thiên Chúa.
***
Thái độ của vị Tông Đồ Phêrô hôm nay cũng là bài học cho mỗi người chúng ta. Hằng ngày, chúng ta vẫn tuyên xưng một Đức Kitô Cứu Thế, vẫn coi Ngài là lẽ sống của đời chúng ta, nhưng đời sống của chúng ta, đôi khi lại không phù hợp với lời tuyên xưng đó. Đây đó, trong cộng đoàn giáo xứ vẫn có những tranh giành, vẫn có những cặp vợ chồng chưa sống thủy chung, vẫn có những gian lận trong làm ăn và vẫn có những bất hòa trong xóm làng.
Đôi khi chúng ta vẫn ảo tưởng rằng, vì là người Công giáo nên mình biết rõ về Thiên Chúa, nhưng kỳ thực, không ít người lại chỉ biết một cách lờ mờ hay có khi lại còn biết sai về Ngài nữa. Chính Phêrô đã kinh nghiệm về điều này, nên trong bức thư thứ I của mình, ông đã nói: Anh em phải sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm tin của anh em. Ngay bây giờ, chúng ta có sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai hỏi về niềm tin của chúng ta hay không?
Ông Phêrô được Chúa đặt làm đá tảng, trên tảng đá đó, Chúa sẽ xây Giáo Hội của Ngài, nhưng cũng chính tảng đá Phêrô ngay sau đó đã trở thành vật cản trở kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Phần chúng ta, khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đức Kitô – Con Thiên Chúa, liệu chúng ta có dám chấp nhận một Đức Kitô chịu đóng đinh và can đảm bước theo Ngài trên con đường thập giá hay không, hay nói như người xưa: “Khi vui thì vỗ thay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai” ?
Chớ gì Lời Chúa hôm nay sẽ là lời nhắc nhở mỗi người trong chúng ta:  hãy biết luôn ý thức sứ mệnh căn bản của mỗi kitô hữu là hoạ lại dung nhan của Đức Kitô nơi cuộc sống và tâm hồn của mình. Để đạt được điều đó, cũng như câu chuyện ở trên, chúng ta phải đục đẽo, phải loại bỏ tất cả những gì là gồ ghề, thô nháp, là những thói hư tật xấu, để khi nhìn thấy chúng ta, mọi người nhận thấy gương mặt của Chúa Kitô.
Lạy Chúa, chúng con thành tâm xin lỗi Chúa, vì xưa nay, chúng con cứ ngỡ mình hiểu biết về Chúa và có thể trả lời một cách rành rọt về thân thế và sự nghiệp của Ngài. Nhưng chúng con đâu biết rằng, đối với Chúa, một câu trả lời hoàn hảo phải là câu trả lời xuất phát từ con tim, từ thái độ chấp nhận và theo Ngài trên con đường thập giá. Xin Chúa giúp chúng con biết nhận ra con người thật của mình với những bất toàn và hữu hạn, để chúng con có thể nói như thánh Phaolô – vị Tông Đồ dân ngoại – “Phần chúng tôi chỉ rao giảng một Đức Kitô, mà là Đức Kitô chịu đóng đinh vào thập giá”. Amen.
Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

Không có nhận xét nào:

10 BÍ QUYẾT GIÚP BẠN THĂNG TIẾN HÔN NHÂN

Nhiều xu hướng hiện đại đang đe dọa đến sự bền vững của gia đình, kể các các gia đình Công giáo. Dưới đây là 10 gợi ý để các gia đình có thể...