Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

Chúa Hài Đồng ở đâu trong mùa giáng sinh này?


Mùa Giáng Sinh về len lỏi trong các con phố, len lỏi trong từng ngõ ngách, từng hơi thở của cuộc sống. Trải dài khắp Việt Nam và trên toàn thế giới, tháng 12 đâu đâu cũng rộn ràng bởi những khúc ca vui nhộn và ngập tràn màu sắc của ông già Noel, của tuyết phủ trắng xóa, của những nhánh cây thông xanh rực rỡ… Ngừng lại với vòng quay hối hả của những ngày cuối cùng của năm cũ, vậy có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi: Chúa ở đâu trong mùa Giáng Sinh này hay ý nghĩa của Giáng Sinh là gì không? Nhưng thay vào đó, đôi khi chúng ta chỉ mừng lễ Giáng Sinh như là niềm vui hời hợt bên ngoài.

Tại sao tôi lại đặt câu hỏi ấy, bởi chính tôi cũng đã từng đón những mùa Giáng Sinh như thế, chỉ biết trang trí điện, hang đá thật rực rỡ… Tôi cũng giống như bao người giăng đèn khắp các phố phường. Thiên hạ đổ xô đi mua sắm.  Truyền thanh truyền hình quảng cáo khuyến mãi đủ mọi mặt hàng, đủ thứ quà tặng và thiệp mừng Giáng Sinh đủ các loại bày bán… đâu đâu cũng có. Khắp nơi mọi chốn trên toàn thế giới, ở nước giàu cũng như tại nước nghèo, từ thành thị cho đến thôn quê, ai ai cũng bảo nhau trang hoàng nhà cửa đường phố… Mỗi lần Giáng Sinh về, gia đình, bạn bè hẹn gặp nhau. Họ vui chơi trò này đến trò khác, ăn uống món này đến món khác… nhưng ý nghĩa của ngày lễ thì hầu như không ai biết.

 

Tôi nhớ rất rõ, cách đây vài năm, tại một giáo xứ nọ, chính quyền vào chúc mừng cha chính xứ nhân dịp lễ Giáng Sinh, trên lẵng hoa và gói quà đều in dòng chữ: Chúc mừng Giáng Sinh… Sau khi trao hoa và tặng quà xong, cha xứ không ngần ngại góp ý: “Cảm ơn quý vị rất nhiều về tình cảm của quý vị, nhưng lần sau…nếu các ông có chúc mừng Noel xin các ông thêm vào chữ “Chúa” vào dòng Chúc Mừng Giáng Sinh chứ đừng viết chúc mừng giáng sinh không không vậy. Phải chúc mừng giáng sinh của ai chứ…phải là: (CHÚC MỪNG CHÚA GIÁNG SINH hoặc MỪNG CHÚA GIÁNG SINH) mới đúng chứ!

 

Quả thật đôi khi chúng ta đón Giáng Sinh nhưng là của ai đó chứ đâu phải mừng sinh nhật của Ngôi Hai Thiên Chúa. Khi chỉ biết chụp hình vui chơi, xem đường phố… mà vô tình hay hữu ý quên mất đón Chúa trong tâm hồn. Xem hoan ca tưng bừng xong lặng lẽ quay lưng đi uống cà phê thay vì đi tham dự Thánh Lễ đêm, đi phượt phố thay thì đi kiệu Chúa Hài Đồng. Và này, người ta trang hoàng phòng tiệc, các cửa hàng thật lộng lẫy, nào cây giáng sinh, nào những quả bóng xinh xắn lủng lẳng trên đó; nào hoa, nào những dây đèn rực rỡ… và ở đó, cũng có rất nhiều hộp quà được gói thật đẹp… Nhưng chúng ta biết không, chẳng có mấy cửa hàng có hình Chúa ở đó, chỉ là cây thông, ông già noel, tuần lộc…có lẽ, họ không thích sự có mặt của Chúa ở đó. Nên mỗi năm, sự việc càng trở nên tồi tệ hơn. Ai ai cũng chỉ nhớ đến những món quà, những bánh trái, đồ ăn thức uống và không ai còn nhớ đến Chúa ở đâu trong mùa Giáng sinh này. Nói cách khác là; Chúa đang ở đâu trong cuộc sống này? Và họ quên mất rằng: chính Chúa Giêsu mới là nguồn gốc và lí do để có ngày mừng lễ này.

 

Thật ra, Chúa luôn muốn chúng ta cho phép Chúa được vào với mọi người, vào nhà chúng ta, đi vào cuộc đời mỗi chúng ta. Chúa muốn mỗi người trong chúng ta ý thức rằng, đã hơn 2.000 năm, Chúa đã đến trần gian này để trao tặng cho mỗi người một quà tặng là chính mạng sống của tôi trên Thánh Giá hầu cứu chuộc chúng ta. Lễ Giáng Sinh, chúng ta kỷ niệm cuộc hiện diện đầy tình yêu của một vị Thiên Chúa cúi sâu xuống trên thận phận con người. Một tình yêu lớn đến nỗi, làm cho Ngài chấp nhận cách thế hiện diện như chúng ta là người, để chia sẻ đến cùng cái giới hạn của kiếp người bất tất của ta.

 

Vậy chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, nhìn vào hang đá, ta có cả một bài học xin vâng thế giá như thế, lẽ nào ta còn nghi nan, còn nề hà mà không để Chúa dẫn dắt mình? Và để Chúa ở lại trong cuộc đời ta.
 Riêng, đối với những Kitô hữu, những gia đình tin nhận Đức Kitô là Đấng Emmanuel, trong những ngày, cần thể hiện niềm tin đó để mừng đại lễ Giáng Sinh cách cụ thể khi: Người vợ sẽ nhìn thấy Đấng Emmanuel trong những vất vả, khổ cực của chồng để sắt son chung thủy. Và chồng thấy Đấng Emmanuel trong bao nhiêu hy sinh, tần tảo sớm hôm của vợ để yêu thương chăm sóc, đỡ nâng. Con cái nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cha mẹ để hiếu thảo kính yêu, vâng lời lễ độ. Bạn bè nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cuộc đời của nhau để mà sống tử tế, phục vụ và chia sẻ… Mọi người nhìn thấy Đấng Emmanuel trong mỗi giờ kinh nguyện, trong Thánh lễ mỗi ngày, trong nhà tạm với chiếc đèn hiu hắt, trong tòa giải tội để đợi chờ thứ tha, trong cộng đoàn để hiệp thông…Và như thế, lễ Giáng Sinh của chúng ta, của những người Kitô hữu, sẽ không trở thành một lễ hội ăn chơi đua đòi mà là một gặp gỡ đổi đời nên thánh.


Đó là những suy nghĩ của riêng bản thân tôi, còn bạn…bạn có suy nghĩ gì về Chúa Hài Đồng ở đâu trong mùa Giáng Sinh này và trong cả cuộc đời của bạn…?


Nguyễn Nguyễn Hà An


Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

Mẹ Tuyệt Mỹ


Ngắm nhìn dung mạo của Mẹ Maria trong bức tranh ở trên, xin mạo muội đặt ra một tiêu đề đơn sơ: “Mẹ Tuyệt Mỹ”.

 

Bức tranh này là một phần của kiệt tác “Isenheimer Altars” được họa sĩ Grünewald thực hiện vào năm 1515-1516. Isenheimer Altars là một tổng thể các bức tranh được đặt phía trên của bàn thờ thuộc nhà nguyện tu viện Antoniter tại làng Isenheim, hiện thuộc vùng Elsass, Pháp Quốc, vì thế người ta gọi kiệt tác nghệ thuật này là“Bàn thờ Isenheimer” .

Hiện nay “Bàn thờ Isenheimer” đang được gìn giữ và trưng bày trong Viện Bảo Tàng nghệ thuật Unter Linden ở thành phố Colmar, Pháp Quốc.

 

Trong những ngày mùa Vọng đón chờ Chúa Cứu Thế đến, mời bạn cùng chiêm ngắm dung mạo tuyệt mỹ của Mẹ Maria đang bồng ẵm Hài Nhi Giêsu trên tay, để qua đó hy vọng ta cảm nghiệm sâu hơn “Vẻ đẹp cứu độ” của Thiên Chúa đã và đang tiếp tục tô vẽ trên từng trang giấy cuộc đời của chúng ta.

  

Càng ngắm bức tranh con càng cảm nhận được nét đẹp sống động của Mẹ Tuyệt Mỹ. Mẹ đẹp tuyệt vời vì Mẹ có Chúa Giêsu ở cùng. Hai tay Mẹ ôm lấy Chúa Hài Đồng nâng lên, đầu mẹ cúi xuống thật gần để nhìn ngắm Chúa. Ánh mắt dịu hiền của Mẹ dành trọn cho Chúa, ánh mắt âu yếm, tràn đầy tình yêu mẫu tử. Đối với Mẹ thế giới chung quanh không quan trọng, trước mặt Mẹ giờ đây chỉ có Chúa. Chúa là tất cả, Chúa đem đến bình an và hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt mẹ. Tất cả tâm tư, tình cảm, lo lắng, yêu thương của Mẹ đều dành cho Chúa và vì Chúa.  Mẹ dạy con phải biết hướng trọn cuộc đời mình về Chúa. Có như thế con mới tìm được hạnh phúc và bình an đích thực.

 

Mẹ ôm Chúa trong chiếc khăn tã rách tả tơi. Nhìn chiếc khăn rách con liên tưởng tới thân phận rách nát, tội lỗi và bất xứng của con người. Mẹ đã thay mặt toàn thể nhân loại đón Chúa và ôm ấp Chúa để chúng con được cứu rỗi, được đến gần và được chạm đến tình yêu Thiên Chúa.


Tình yêu của Mẹ dành cho Chúa Giêsu là tình yêu yên lặng và hy sinh mà thánh Gioan Thánh Giá nhắc đến trong bài suy niệm của ngày hôm nay “Sự khôn ngoan thấm nhập nhờ tình yêu, sự yên lặng và sự hy sinh”. Mẹ trở nên một với Chúa trong tình yêu và nơi con người của mẹ toát nên vẻ đẹp của sự khôn ngoan Thiên Chúa. Một tình yêu nồng nàn như mầu đỏ thẩm của chiếc áo Mẹ đang mặc. Một sự khôn ngoan thâm thuý trong tâm hồn như chiếc hào quang ánh lên trên đầu Mẹ và Chúa Hài Đồng vậy. Một sự hài hoà giữa Mẹ và Chúa hiền lành và thánh thiện. Một không gian linh thánh và con nghe văng vẳng tiềng Mẹ hát qua ru Chúa trong bài hát “ Hội Nhạc Thiên Quốc” mà con rất yêu.


Mẹ lặng chiêm ngắm con ngủ bên lòng, 

Mắt chẳng còn ngó Mẹ khi con mỉm cườị

Dầu vậy hơi thở con như lửa nồng,

Yêu đương nung đốt Mẹ thôị

Dịu ngọt khôn ví chứa chan tâm hồn,

Lúc ẵm bồng Chúa Mẹ tha thiết áp lòng.

Kìa Mẹ yêu Chúa ai hiểu cho cùng ?

Trên con Thiên chúa Mẹ hôn


Chiêm ngắm hình ảnh của Chúa Hài Đồng, một Thiên Chúa làm Người. Chúa đã cởi bỏ tất cả để trở nên nhỏ bé, sinh ra và ở giữa chúng ta những thụ tạo của Ngài. Hình ảnh này khiến con liên tưởng đến hình ảnh Chúa Giêsu trần truồng trên Thánh Giá. Chúa đã yêu loài người chúng ta nhiều đến thế, một tình yêu không giữ lại gì cho chính mình. Ngài sinh ra khó nghèo, Ngài chết đi cũng thế! Một tình yêu hoàn toàn tận hiến. Chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Hài đồng đang nghiêng đầu ngước lên nhìn Đức Mẹ. Hai anh mắt chạm vào nhau, nhìn nhau và quấn quýt bên nhau. Tay Chúa đang mân mê chuỗi hạt mân côi nói lên vai trò của Đức Mẹ trong chương trình Cứu Độ. Chuỗi hạt tượng trưng cho lời chào của Thiên Thần dành cho Mẹ Maria” Kính mừng Maria đẩy ơn phúc. Đức Chúa Trời ở cùng bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”.


Đằng sau Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng, phía trên là màu xanh da trời tượng trưng cho Trời và phía dưới là màu xanh lá cây tượng trưng cho Đất. Trong giây phút Chúa Giáng Sinh là giây phút Trời và Đất chạm nhau không còn khoảng cách. Thiên Chúa đã nâng thân phận thụ tạo của con lên và cho con chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong thế giới của Ngài. Trong đầu con giai điệu của bài hát đêm thánh vô cùng vang lên.

 

Ðêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng

Ðất với trời se chữ Ðồng

Ðêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ

Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa

Ơn châu báu không bờ bến

Biết tìm kiếm của chi đền

Ôi Chúa thiên đàng, cam nếm cơ hàn

Nhấp chén phiền vương phong trần

Than ôi Chúa thương người đến quên mình

Bơ vơ chốn quên nhà lúc sinh thành

Ai đang sống trong lạc thú

Nhớ rằng Chúa đang đền bù

Tinh tú trên trời, sông núi trên đời

Với thánh thần mau kết lời

Cao sao hóa công đã khéo an bài

Sai con hiến thân để cứu nhân loại

Hang chiên máng rêu tạm trú

Bốn bề tuyết sương mịt mù

 

Bergen, 08.12.2022

Magarita Nguyễn Công Thuỳ Minh

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2022

Xin ơn sống Mùa Vọng


Chúng ta đã bắt đầu bước vào một năm phụng vụ mới, với Chúa Nhật thứ nhất mùa vọng hôm nay. Tiết trời có lẽ cũng đã có chút gì đổi khác, nhắc ta ý thức hơn về một sự thay đổi khác trong đời sống phụng vụ và đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta. Ai trong chúng ta cũng biết là Giáo Hội dành cho chúng ta một khoảng thời gian ngắn để có thể có những chuẩn bị cần thiết đón nhận ơn lành từ trời mà Con Thiên Chúa mang đến. Nhưng dường như chúng ta chú ý hơn đến những gì bên ngoài hơn là bên trong. Ta vội nghĩ đến những cánh thiệp Noel, những hang đá, cây thông, đèn lấp lánh hay những bữa tiệc linh đình hơn là việc dọn lòng sao cho xứng hợp để đón Chúa. Mỗi mùa Phụng vụ mà Giáo Hội dành cho chúng ta đều có những tâm tình và sắc thái riêng. Chúng ta được mời gọi để sống cuộc sống của mình cho phù hợp hơn với tâm tình ấy. Nếu không, ta chỉ sống cho qua ngày, chứ không để ý gì đến những hương vị mà các mùa phụng vụ mang đến. Thiết nghĩ trong ít phút ngắn ngủi hôm nay, chúng ta hãy dành chút thời gian để suy nghĩ và xin ơn Chúa soi sáng cho ta biết sống mùa vọng năm nay với một cách thức khác với mọi năm, khác với những mùa khác, để đời sống thiêng liêng của ta được đổi mới hơn và triển nở hơn.


Mùa vọng là mùa chúng ta dành để chuẩn bị đón Chúa đến. Chúa đến, không phải đến với người ta, đến chỗ khác, nhưng trước hết là đến với chính tôi, trong lòng tôi, trong cuộc sống của tôi, để mang đến niềm vui và bình an từ trời xuống cho tôi. Nếu bấy lâu nay, ta mệt mỏi với công ăn việc làm, với những lo toan bộn bề cho kiếp mưu sinh, ta cần Chúa đến với ta, mang đến cho ta nguồn bình an sâu thẳm, thì đây chính là lúc ta được mời gọi để đón nhận nguồn bình an ấy. Chúng ta có ý thức điều này không?


Trong mùa vọng, chúng ta cũng được mời gọi để “san cho bằng những đồi núi cao, sửa cho ngay những lối đi khúc khuỷu”. Có bao giờ chúng ta tự hỏi, lời mời gọi này có ý nghĩa gì với chúng ta không? Đâu là những núi cao mà mình cần làm cho phẳng, đâu là những lối đi khúc khuỷu mà mình cần phải sửa cho ngay? Ta không thể để Chúa đến trong lòng ta với biết bao những quanh co lọc lừa, những ngạo mạn kiêu căng được. Nếu chúng ta mong bình an của Chúa có thể đến và ngự trị trong tâm hồn mình, chúng ta phải cùng cộng tác với Chúa. Nếu lòng ta đầy những hận thù, sao ta có thể có bình an? Nếu lòng ta chất chứa những mưu toan thâm hiểm, sao ta có thể được một giấc ngủ yên ấm? Nếu lòng ta chỉ có những cao ngạo về mình, sao ta có thể có suy nghĩ là mình cần đến Chúa? Nếu cuộc sống của chúng ta trở nên bừa bộn với những đam mê, tật xấu, ngoan cố… ta làm sao có chỗ cho Chúa đến và ở lại với ta? Hãy cố gắng sắp xếp dành cho Chúa một khoảng riêng, một vị trí trong tâm hồn ta, thì Ngài mới có thể khiến cho cuộc sống của ta được bình an và hạnh phúc.


Mùa vọng gợi nhắc ta đến hình ảnh của thánh Gioan Tẩy Giả và những lời khuyên bảo của ông. Khi người dân tuôn đến với ông để hỏi: “Tôi phải làm gì?” Ông đã trả lời rằng: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, cũng hãy làm như vậy”. Một trong những cách thức sám hối thực lòng và ý nghĩa nhất là biết san sẻ cho những người kém may mắn hơn chúng ta. Sự chia sẻ giúp cho lòng ta được mở ra, biết thương cảm hơn, biết hiệp thông hơn. Đưa tay nắm lấy người cần ta giúp là nối lại sợi dây thân ái giữa con người với nhau. Cho đi cũng là một hình thức ta dần khoét rỗng con người mình để chính Thiên Chúa đến và ở lại với chúng ta. Chúng ta hãy tự vấn mình xem, liệu trong mùa vọng này, tôi có thấy lời mời gọi đó vang trọng trong chúng ta không? Chúng ta có thắc mắc như người dân năm xưa rằng “tôi phải làm gì?” không? Hay chúng ta vẫn cứ bình chân như vại, sống một cuộc sống cho qua ngày đoạn tháng, chẳng có chút thay đổi để trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn?


Chúng ta hãy dành ít phút lặng đọng để nghe tiếng Chúa nói với mình:


Lạy Chúa,

Không khí mùa Noel đang lan tỏa khắp nơi, mùa hồng phúc sắp đến trên trái đất này. Lòng chúng con đang háo hức chờ Chúa từng phút giây.


Chúng con mong Chúa đến bên đời của chúng con, khỏa lấp cõi lòng băng giá của chúng con bằng ngọn lửa tình yêu của Ngài, xoa dịu con tim chúng con bằng bàn tay êm ái của Ngài.


Xin Chúa ban ơn cho chúng con, giúp chúng con biết sống mùa vọng này sao cho xứng đáng, như một bước chuẩn bị để Chúa đến và ở lại với chúng con. Xin Chúa dạy cho chúng con biết chúng con phải làm gì, để có thể luôn thức tỉnh và chờ Chúa đến với chúng con, để mùa vọng này của chúng con trôi qua sinh được nhiều hoa trái thiêng liêng bổ ích.


Amen

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ


Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Lễ dâng cuộc đời cho Thiên Chúa


Các bạn trẻ thân mến,


Cứ sự thường ai cũng thích được nhận quà. Món quà thể hiện tình thương ta trao gửi cho nhau. Những món quà gợi nhắc đến mối tương quan mặn nồng và ấm áp ta dành cho người khác. Một món quà càng xuất phát từ trái tim thì càng quý giá. Món quà nào đòi buộc người tặng quà phải hy sinh nhiều thì càng có giá trị và càng làm vui lòng người nhận hơn. Đặc biệt, nếu món quà ấy lại đến từ người mà ta yêu thương, hẳn không còn niềm vui nào lớn hơn thế.


Lễ vật nào dâng lên Chúa cũng được Ngài vui lòng đón nhận, nếu xuất phát từ tấm chân tình. Một chút hy sinh, một chút hoa quả từ lao công, đối với Chúa đều là những tặng phẩm quý giá. Tuy nhiên, đối với một số người, dâng một cái gì đó bên ngoài cho Ngài không làm Ngài thỏa mãn. Có một số người mà Ngài chọn riêng, Ngài muốn họ không chỉ dâng hoa màu ruộng đất, nhưng là dâng trót cả cuộc đời. Một cuộc đời sống riêng cho Chúa, một cuộc đời ở trong nhà Ngài, ca ngợi Ngài bằng những câu kinh thánh thiêng. Hiến dâng cho Ngài trọn vẹn trái tim không chia cắt, dù trái tim ấy có thể đã rách nát vì tội lỗi bao năm tháng qua.


Cuộc đời của một người sống đời dâng hiến không khác mấy cuộc đời của những con người kia. Họ cũng có những nhu cầu tương tự. Cần được ăn uống, cần được vui chơi, cần được yêu mến. Vào những lúc cô đơn, họ cũng muốn có một người yêu thương bên cạnh. Họ cũng có những cảm xúc nồng cháy. Họ cũng cần một bờ vai, một bàn tay, một chỗ dựa. Họ cũng có những giọt nước mắt khi buồn, những tiếng cười khi vui. Họ cũng ước ao được làm mẹ, làm bố, được cuối tuần tay trong tay thong dong dạo mát bên bờ hồ. Họ cũng có những phút mơ mộng, thả hồn theo cánh diều lơ lửng giữa không trung. Họ cũng có những phút giây lầm lỗi, những lúc yếu mềm, những khi phạm tội. Cuộc đời họ không phải lúc nào cũng trinh trắng như thiên thần, cũng hồn nhiên như con trẻ. Họ có khi không phải là những con người lỗi lạc, thông minh xuất chúng. Có khi, họ chỉ là những con người bình thường, xuất thân trong một gia đình nghèo hèn, nơi một thôn quê hẻo lánh. Nhưng không hiểu cớ sao Chúa lại muốn họ phải dâng chính cuộc sống của mình, trọn vẹn con người mình, để phụng sự một mình Thiên Chúa, để thực thi thánh ý của Ngài.


Có những tu sĩ đáp lại lời mời gọi của Chúa, hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình. Mười năm, hai mươi năm, hay bảy tám chục năm, cả một cuộc đời chỉ loay hoay trong những công việc tầm thường nhỏ bé. Có khi chỉ là canh cổng, nhặt rau, nấu nướng trong xó bếp. Chẳng một chút danh dự, chẳng mấy người biết đến, vậy mà khuôn mặt vẫn toát lên nét thánh thiện vui tươi. Có những người suốt bao nhiêu năm dài sống bên người cùi, người AIDS, các bệnh nhân tâm thần, nhưng không một lời oán than, kêu ca. Họ sinh ra và chết đi như cánh hoa dại nở ngoài đồng. Chẳng ai biết, chẳng ai hay, nhưng bất cứ khi nào còn sống, họ còn cố sức vươn dậy, nở thật tươi, tỏa cho đời những hương thơm tuyệt mỹ.


Những khi buồn phiền ập tới, họ âm thầm ngồi lặng lẽ nơi góc cuối nguyện đường, dưới chân cây thập giá. Có những nỗi khổ tâm trong lòng, chẳng biết phải tỏ bày cùng ai, họ mang đến trước mặt Chúa, cùng với những giọt nước mắt chứa chan. Nơi góc phòng, có thể họ đã khóc thật nhiều khi nỗi cô đơn của kiếp người chợt đến. Những lúc trái gió trở trời, họ cần một người nâng khăn sửa túi, cần một đôi tay để ôm họ vào lòng để họ được sưởi ấm. Nhưng câu trả lời dành cho họ chỉ là sự thinh lặng của vòng gai và giọt máu mà họ đang chiêm ngắm trên thập giá kia. Có thể lòng họ rất buồn nhưng khi đối diện với anh chị em, họ vẫn phải cố gắng nở những nụ cười thật tươi, trao ban những ánh nhìn trìu mến. Có khi thập giá nặng quá, họ đã ngã gục biết bao lần, nhưng vì tình yêu dành cho Chúa và cho các linh hồn, họ gượng dậy, đứng lên, vác đi tiếp.


Thật khó có thể dùng lời nào để diễn tả cho trọn vẹn của lễ mà họ dâng lên Chúa. Họ hy sinh mái ấm của mình, họ đánh đổi cả sự an toàn của mình. Họ sẵn sàng cất bước đến những miền đất xa để nói về Chúa cho người khác. Họ ra đi mà chẳng biết là có được về nhà nữa hay không. Họ hoàn toàn giao phó cuộc đời mình cho Chúa, làm bạn với khó nghèo, sống trinh khiết toàn vẹn. Kể từ giây phút hiến dâng, họ đã không còn làm chủ mình nữa, nhưng là chính Đức Kitô, Đấng đã mở lời kêu gọi họ. Suốt cuộc đời dâng hiến, họ chẳng mong điều gì khác ngoài việc mỗi ngày trở nên giống Đức Kitô hơn.


Các bạn trẻ thân mến,


Lý tưởng của đời tu là thế. Nhưng không phải ai cũng sống được lý tưởng này. Hơn ai hết, người tu sĩ cần những lời cầu nguyện của người khác để đời tu của họ thật sự là một của lễ tinh tuyền và thanh khiết. Xin hãy tha thứ cho những sai phạm vì yếu đuối của người tu sĩ, và giúp họ sống đời tu của mình cho đúng nghĩa hơn. Người sống đời dâng hiến cũng là con người với bao nhiêu lỗi tội. Họ chỉ biết lấy lời kinh cuộc đời kết hợp với cuộc khổ nạn Chúa làm tặng phẩm cho trần gian. Thay vì trách cứ họ, xin dành cho họ một lời nguyện, để trái tim họ được rộng mở hơn và tình yêu giữa họ và Đức Kitô được nên trọn vẹn và đơm hoa kết trái.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

Những lời kinh dệt nên đời tôi


Thuở nhỏ, mỗi lần tôi theo bố sang thăm ông bà nội, mới đến cổng đã nghe thấy những lời kinh Kính Mừng vọng ra từ ngôi nhà 4 gian thân thuộc mà từ ngoài nhìn vào chỉ thấy ánh đèn mờ mờ trên bàn thờ chiếu xuống. Ông chưa đọc hết phần đầu “Kính mừng Maria đầy ơn phúc…”, bà đã đáp tiếp phần sau “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…” Cứ thế, hai ông bà đối đáp lời kinh sớm ngày, tưởng như không bao giờ lặng, cầu cho các cháu ngoan ngoãn học giỏi, con cái làm ăn khấm khá, và cũng cầu cho làng xã, xóm đạo và tuổi già yên vui, an bình… Càng già, chân tay càng yếu nên không thể đi nhà thờ dự lễ được nữa, ông bà lại càng sốt sắng lần chuỗi vì đó là sợi dây nối kết ông bà với trời cao.

 

Những ngày nhà thờ không có Thánh lễ, mẹ cũng giục tôi đi nhà thờ đọc kinh Mân Côi. Lời kinh đơn sơ giản dị, được cất lên bởi việc đối đáp hai bên đều đặn, vang vọng giữa vòm trần cao vút. Rồi những ngày mưa bão mịt mùng hay gió rét căm căm, cả nhà lại quây quần đọc chục kinh Mân Côi. Cứ thế, tuổi thơ của tôi được dệt nên bởi lời kinh thầm lặng của ông bà, lời giục giã đi nhà thờ của mẹ cha, và ít phút “đi khấn” viếng Chúa mỗi ban trưa cùng chúng bạn.

 

Lớn lên, tôi cùng anh em có nhiều dịp được đến và sống giữa bà con dân tộc thiểu số, Tây Nguyên có, Tây Bắc cũng có. Những tháng ngày được đến và sống giữa bà con, từ sáng tới tối đều là những khoảng khắc tuyệt vời. Sáng vào nông trường cạo mủ caosu, ra rẫy hái cà phê, đi rừng hái rau nhíp, đọt mây; chiều vui đùa với bọn trẻ bên suối nước; tối đến quây quần trong ngôi nhà nguyện đơn sơ tham dự Thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa, hoặc đi đọc kinh Mân Côi liên gia.

 

Mỗi Thánh lễ nơi ngôi nhà nguyện nhỏ bên vách núi, mỗi giờ kinh Mân Côi chung trong những ngôi nhà vách gỗ đơn sơ, dù được cử hành hoàn toàn bằng tiếng Việt hay xen lẫn tiếng của bà con, đều rất đông đảo, từ già đến trẻ, trong sự giản dị và thâm trầm của núi của sông. Ở nhiều nơi, bà con nhiều dân tộc thiểu số phải “mượn” kinh bổn và bộ lễ đã được dịch từ tiếng Kinh sang một tiếng gần với tiếng của dân tộc mình. Như người S’tiêng trước đây sử dụng các kinh bổn tiếng K’hor, giờ họ đọc kinh và hát bộ lễ M’Nông; người Sơđăng dùng kinh và bộ lễ Bana. Tuy những ngôn ngữ ấy cùng ngữ hệ, dễ đọc, đọc lâu quen dần nhưng có lẽ bà con chẳng hiểu là bao vì không phải “tiếng mẹ đẻ” của mình; dẫu vậy lời kinh vẫn giòn giã và tha thiết, tôi nghe như rung động núi rừng và vang tới cả triều đình Thiên quốc. Những lời kinh đơn sơ như chính con người và cuộc sống của bà con nhưng được đọc lên bằng cả con tim và dù không đọc hiểu những giáo lý sâu xa nhưng tâm tình thì rất sốt sắng. Thiên Chúa hiểu thấu lòng người và Chúa Thánh Thần quả là tài tình, đã biến những lời kinh đơn sơ thuộc lòng thành bài ca vạn tâm tình dâng lên Ba Ngôi và nối kết những người con thiểu số với Mẹ Giáo Hội hoàn vũ. Thiên Chúa dù được gọi là “Yang”, hay “Brab”,… nhưng đúng thật là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ôm trọn từng con người trong lời kinh của họ.

 

Kết thúc giờ kinh Mân Côi ấy, anh em chúng tôi ngồi lại, trò chuyện và chia sẻ với gia đình và bà con những câu chuyện về đời sống thường nhật:  hôm nay hái cà được mấy bao, mủ được mấy ký, con cái ốm đau thế nào,… Nhiều khi lắng nghe cả những câu chuyện buồn, những giọt nước mắt đau,… Ngồi lại, lắng nghe và thinh lặng cùng chia vơi nỗi buồn với nhau. Thinh lặng để nhận ra đằng sau những giọt nước mắt ấy còn có những nụ cười hạnh phúc, đằng sau những chuyện buồn của họ còn là một sức sống mãnh liệt, là những khát khao về ngày mai. Với những vui buồn trong phận người, họ vẫn bước tiếp và tôi cũng bước tiếp. Bước tiếp đến với những nụ cười, những khuôn mặt và những giọt nước mắt. Và tôi nhận ra rằng, niềm vui lớn không phải là mình làm được gì cho bà con, mình mang đến món quà gì cho mảnh đất còn nghèo đói này nhưng niềm vui đích thực là được gặp gỡ con người, được lắng nghe, chia sẻ và cầu nguyện với bà con, từ đó con tim được mở ra, đôi mắt trở nên nhạt nhòa nước mắt và tâm hồn rung động.

 

Nhìn lại những năm tháng thơ ấu ở với gia đình, những tháng ngày ở núi rừng, giữa bà con, trong tay Chúa, thật không khỏi xúc động và trân quý! Nhìn lại để cám ơn đời! Nhìn lại để nhận ra sự hiện hữu của Chúa Thánh Thần vô hình trong đời sống của mọi người, Người luôn ở cùng chúng ta. Thần Khí là sự sống của chúng ta; chúng ta càng từ bỏ chính mình, Thần Khí càng làm cho chúng ta hoạt động. Xin tạ ơn Người!

 

Gió Biển

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

Tình Mẹ mãi thương con


 “Ầu ơ ví dầu. Cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi. Chứ khó đi mẹ dắt con đi. Con đi trường học. Ầu ơ, con đi trường học. Mẹ đi trường đời”.
 
Chắc hẳn, lời bài hát trên sẽ gợi nhớ cho chúng ta nhiều ký ức về tuổi thơ. Ký ức được mẹ bồng ẵm trên tay, được mẹ hát ru khi ngủ. Một hình ảnh rất đời thường như thế mà ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua và đã từng bắt gặp đâu đó trong cuộc sống. Khi nhắc đến hình ảnh người mẹ, con người thường liên tưởng đến những hình ảnh “như nước trong nguồn”, sự hy sinh, vất vả, tần tảo vì con cái. Vì thế, tình cảm của người mẹ dành cho con không tài nào diễn tả hết được. Tình yêu đó luôn chất chứa bao tâm tư, ước nguyện và mong muốn cho con mình được sống vui, sống khỏe và hạnh phúc.

Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng có một người Mẹ như thế. Một người Mẹ vẫn ngày đêm dõi theo từng bước đi của chúng ta. Một người Mẹ vẫn luôn trìu mến lắng nghe những tâm tư cõi lòng của chúng ta. Một người Mẹ luôn che chở và chuyển cầu cho chúng ta mỗi khi chúng ta lầm đường lạc lối, mỗi khi chúng ta gặp gian truân, khốn khó. Vâng, đó chính là Mẹ Maria. Nhưng liệu rằng chúng ta có cảm nhận được tình yêu của Mẹ dành cho chúng ta hay không? Thử hỏi cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao nếu thiếu vắng hình ảnh và tình thương của Mẹ?
 
Chúng ta đừng bao giờ quên rằng: đối với Mẹ Maria, dù con cái có như thế nào, dù nó có dại dột đi nữa thì đứa con ấy vẫn là con. Điều quan trọng trong trái tim của Mẹ Maria là Mẹ luôn hiện diện nâng đỡ và đồng hành với con của Mẹ trong từng biến cố đau thương của cuộc đời. Như xưa Mẹ đã đứng kề bên Thánh Giá với con của Mẹ là Chúa Giêsu như thế nào, thì ngày nay Mẹ cũng đứng kề bên con cái của Mẹ như thế ấy.
 
“Nếu ngày mai trên đường đời vấp ngã
Con hãy gọi hai tiếng Mẹ ơi!
Có Mẹ đây, nên con đừng sợ hãi
Mẹ dắt dìu con vững bước an vui”.
 
Chính vì thế mà không phải ngẫu nhiên mà Thiên Chúa là Cha yêu thương đã ban cho chúng ta một người mẹ. Vì theo lẽ tự nhiên, nếu một đứa trẻ nào không có mẹ là bất hạnh vì “Mất mẹ là mất cả bầu trời”, thì chúng ta cũng bất hạnh không kém nếu chúng ta không có Mẹ Maria đồng hành trong cuộc đời. Thế nhưng, biết bao lần chúng ta đã sống như một đứa trẻ mồ côi Mẹ. Vì rất nhiều lần chúng ta đã không cầu nguyện cùng Mẹ, đã không chạy đến bên Mẹ. Có lẽ nhiều người quên rằng Mẹ là Đấng đầy ân sủng, là Đấng an ủi kẻ âu lo. Đến với Mẹ, Mẹ sẽ gìn giữ chúng ta khỏi mọi hiểm nguy trong cuộc sống.
 
Trong tháng Mân Côi, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy siêng năng lần hạt Mân Côi. Đây không chỉ là cách thức mà chúng ta bày tỏ lòng yêu mến Mẹ, mà còn là dịp để chúng ta gần Mẹ hơn nữa để Mẹ ban ơn trợ giúp cho chúng ta. Nguyện xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho tất cả chúng ta luôn được sống trong tình con thảo, tràn đầy ơn thánh để phụng sự Chúa trong từng bổn phận hằng ngày. Ước mong lời bài hát dưới đây sẽ là nhịp cầu để giúp chúng ta đến cùng Mẹ Maria. Amen.
 
“Tình Mẹ yêu con, tình yêu cao ngất mây trời
Tình mẹ yêu con, hồng ân chan chứa ngày đêm
Con đây hằng luôn quyết noi gương Mẹ
Sống đời Xin Vâng, hằng luôn mến Chúa yêu người.
Con dâng lên Mẹ đời con bao nỗi bể dâu
Xin Mẹ nghe thấu lời con van tiếng kêu cầu
Con đây đoan nguyện trọn đời yêu mẹ không ngơi
Ước mong sao con hằng vững bước
Luôn trung thành trọn đời sống tình mến yêu.”
                                                     
(Ca dao tình Mẹ – HTD)

Huỳnh Tấn Dũng
 

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

Món quà sinh nhật tặng Mẹ Maria


Ngày sinh nhật là ngày quan trọng đặc biệt trong cuộc đời, nó cho ta hiện hữu trên đời. Kể từ đó ta được cất tiếng khóc chào đời, được ngắm nhìn ánh mặt trời..., cũng như được hòa mình vào nhịp sống của nhân loại. Trong ngày vô cùng tuyệt vời này, ta nhận được những lời cầu chúc tốt đẹp, những món quà ý nghĩa và cả những tình cảm chân thành từ những người khác. 


Ngày 8/9 thật đặc biệt, ngày Giáo Hội hân hoan mừng lễ sinh nhật Đức Maria. Mẹ Maria là một tuyệt tác của Thiên Chúa, vẻ đẹp của Mẹ thật lạ lùng, khó có vẻ đẹp nào sánh bằng. Nhờ lời xin vâng của Mẹ trong biến cố truyền tin, một khúc quanh mới của lịch sử cứu độ được mở ra. Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng của Mẹ chính là Đấng Cứu Độ mà muôn dân hằng mong đợi. Mẹ Maria đã sống lời xin vâng trong suốt cả cuộc đời khi dâng trọn vẹn cuộc đời cho Thiên Chúa và phó thác mọi sự cho thánh ý của Ngài. 


Hôm nay muôn Thiên Thần và các Thánh trên trời ca ngợi Mẹ, đoàn con dưới thế cũng ca mừng ngày sinh nhật của Mẹ. Chúng con dâng lên Mẹ không phải những món quà vật chất, nhưng là những đoá hoa lòng biểu hiện tâm tình con thảo, đó là hoa tình yêu, hoa vâng phục khiêm nhường, và hoa thanh khiết. 


Tình yêu dành cho Thiên Chúa


“Yêu ít thì cho ít, yêu nhiều thì cho nhiều, yêu tận cùng thì cho đi tất cả”. Mẹ Maria đã yêu Chúa bằng trọn con tim và khối óc, bằng cả thân xác và tâm hồn nên Mẹ đã sẵn sàng dâng cả cuộc đời cho Chúa. Tình yêu Mẹ dành cho Chúa đẹp tựa như vẻ đẹp nhẹ nhàng thanh thoát lúc bình minh, rực rỡ chói chang lúc chính ngọ, huy hoàng lúc chiều chiều tà. Tình yêu của Mẹ là tình yêu hiến dâng không cầu lợi, không mù quáng mà hết sức ý nghĩa. Mẹ yêu nhiều đến vậy bởi Mẹ có một đức tin vô cùng mạnh mẽ, mạnh đến độ dù phải gánh chịu bao khó khăn, thử thách, bao đắng cay tủi hờn, Mẹ vẫn cậy trông và kí thác cuộc đời cho Chúa. Mẹ không bao giờ ngã lòng mà luôn vững bước trên đời dâng hiến vì Mẹ tin tưởng Thiên Chúa luôn đồng hành, bước đi với Mẹ. Vì thế, chẳng lạ gì khi Thiên Chúa tặng ban cho Mẹ những đặc ân cao trọng để muôn ngàn đời khen Mẹ diễm phúc.


Sự vâng phục và lòng khiêm nhường


Vâng phục và khiêm nhường có lẽ là hai đức tính trổi vượt của Mẹ. Mẹ nói lời “xin vâng” khi Thiên Chúa muốn Mẹ dự phần vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Mẹ hoàn toàn ngỡ ngàng trước lời chào của Sứ Thần “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc1,28), nhưng với đức tin tuyệt đối và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ sẵn sàng đón nhận mọi thử thách. Lời thưa “xin vâng” của Mẹ  đã khiến cả trời đất vui mừng, cả nhân loại reo hò vì ơn cứu độ được trao ban nhờ Ngôi Hai xuống thế làm người. Mẹ thật diễm phúc vì được tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Đấng Cứu Thế, nhưng Mẹ khiêm nhường nhìn nhận mình là “nữ tỳ” của Chúa. Lòng khiêm nhường và tình yêu đã làm cho Mẹ nhận ra nỗi thống khổ của con cái Mẹ để rồi Mẹ đã liên lỷ chuyển cầu và ra tay cứu giúp.


Sự thanh khiết 


Đức Maria thụ thai là hoàn toàn do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Mẹ không hề ham muốn nhục thể hay chung đụng xác thịt dù sống đời hôn nhân với Thánh Giuse vì Mẹ xác tín rằng Mẹ đã thuộc trọn về Chúa. Mọi cám dỗ của thế gian không thể làm Mẹ trở thành tội nhân trước mặt Chúa. Mẹ không hề mưu cầu hạnh phúc và mong muốn lợi ích cá nhân được đánh đổi bằng sự hy sinh và phụng sự của Mẹ. Cả cuộc đời tần tảo sớm hôm, đắng cay vất vả nhưng không làm Mẹ mất đi nụ cười hạnh phúc trước thánh ý của Thiên Chúa.


Lạy Mẹ Maria, hôm nay là ngày sinh nhật của Mẹ, chúng con xin dâng lên Mẹ những món quà đơn sơ chân thành phát xuất từ tận đáy lòng chúng con. Chúng con ý thức rằng những món quà nhỏ mọn đó chẳng thêm gì cho Mẹ, nhưng nhờ vậy chúng con được hưởng nhờ ơn ích thiêng liêng và sống thánh thiện hơn trong cuộc đời này. Xin Mẹ tiếp tục đồng hành với chúng con trên đường dương thế, để chúng con nhờ Mẹ mà an tâm vượt qua phong ba bão táp của cuộc đời, hầu sau cuộc đời này chúng con được về bên Mẹ, cùng Mẹ ca vang chúc tụng và ngợi khen danh Chúa đến muôn đời. Amen

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

TRẺ KHÔNG CÓ LÒNG BIẾT ƠN, SAU NÀY SẼ THÀNH NGƯỜI RẤT ĐÁNG SỢ .

Văn hóa truyền thống rất coi trọng việc giáo dục trong gia đình và nề nếp gia phong. Trong lịch sử, nhiều danh môn vọng tộc sở dĩ có thể bồi dưỡng ra vô số những nhân vật lẫy lừng, không thể không nhắc đến giáo dục gia đình mà nền tảng chính là lòng biết ơn.


Tuy nhiên, trẻ em ngày nay thường chiếm vị trí “đ.ộ.c tôn” trong gia đình. Cả nhà xoay quanh một đứa trẻ, chúng đóng vai diễn được yêu thương, chiều chuộng, muốn gì được nấy. Lâu dần về sau, rất nhiều trẻ sẽ cho rằng những thứ chúng có được từ gia đình là hiển nhiên, từ đó chỉ biết yêu cầu, nhận lấy mà không biết hồi báo, càng không biết quan tâm và cảm kích người khác.


Là cha mẹ, ai cũng mong muốn những gì tốt nhất cho con mình. Tuy nhiên, cái tốt nhất đó không nên thiên về hướng vật chất, tức là đáp ứng tất cả những gì chúng muốn, mà nên cho trẻ được hưởng thụ một nền giáo dục chất lượng cao và bồi dưỡng chúng thành những người có phẩm chất ưu tú. Trong đó, giáo dục trẻ lòng biết ơn là nền tảng rất quan trọng.


Nếu cha mẹ chỉ biết nuông chiều mà không dạy trẻ biết hồi báo, thì cho dù có bước ra ngoài xã hội, trẻ cũng sẽ gặp nhiều trắc trở, thậm chí coi Trời bằng vung. Đối tượng mà trẻ cần biết ơn không chỉ có cha mẹ, mà còn là những ai từng giúp đỡ chúng.


Câu chuyện vài năm trước của cậu sinh viên (xin giấu tên) là một ví dụ điển hình về hậu quả của việc không giáo dục trẻ lòng biết ơn.


Cậu ta được mẹ cho đi du học ở Nhật bản 5 năm, trước giờ chưa từng đi làm, học phí và phí sinh hoạt mỗi tháng đều do một tay người mẹ vất vả chu cấp. Đến khi mẹ cậu không thể kiếm được tiền gửi nữa và cậu phải về nước, ngay khi vừa ra khỏi sân bay, cảnh tượng cậu bạo lực với mẹ khiến ai cũng rùng mình.


Thanh niên 25 tuổi vốn dĩ cần tự lập, dựa vào tiền làm thêm để trang trải cuộc sống. Nhưng cậu sinh viên này lại thản nhiên hưởng thụ số tiền mà người mẹ vất vả chu cấp hàng tháng. Khi người mẹ kia không thể kiếm được tiền gửi nữa thì cậu ta không màng đến tình mẫu tử, trong tâm tràn đầy o.á.n h.ậ.n mà ra tay t.à.n á.c với chính người sinh ra mình.


Câu chuyện trên đã thức tỉnh rất nhiều bậc cha mẹ: Những đứa trẻ không biết cảm ơn sau này sẽ còn đáng s.ợ hơn cả sói dữ. Vì vậy, giáo dục trẻ sống có trách nhiệm và biết cảm ơn thực sự rất quan trọng.


Khi trẻ còn nhỏ cha mẹ đã luôn thuận theo ý của chúng, dẫn đến chúng xem cha mẹ như nô lệ của mình.


Những đứa trẻ này đưa ra những đòi hỏi vô tận trước những nỗ lực của cha mẹ chúng. Có những sinh viên chỉ trong mấy năm đại học đã tiêu tốn của gia đình không biết bao nhiêu tiền, trong khi cha mẹ tiết kiệm ăn không dám ăn, dùng không dám dùng, thậm chí chẳng ngần ngại đi vay nợ để nuôi con.


Chúng thoải mái mua sắm những món đồ trang sức, quần áo, giày dép hàng hiệu, điện thoại, máy tính đắt tiền để khoe mẽ, ăn nhà hàng, tiêu tiền một cách không thương xót và xem đó là điều đương nhiên. Thậm chí có những đứa đã đi làm rồi nhưng vẫn có tâm lý dựa dẫm vào cha mẹ để sống.


Kỳ thực, nếu không cho trẻ thử nhịn đói, chúng sẽ không biết giá trị của đồ ăn. Không để trẻ thử chịu lạnh, chúng sẽ không biết ấm áp đáng quý nhường nào. Không để trẻ nếm trải thất bại, chúng sẽ không thể hiểu được gian nan của thành công.


Một đứa trẻ biết ơn, chúng sẽ cảm kích khi người khác giúp chúng và sẽ trân quý tất cả những gì mình có được.


Nếu bạn không muốn trẻ bị đào tạo thành một con “sói kiêu ngạo”, thì tuyệt đối không nên thay trẻ làm quá nhiều thứ, không nên để trẻ nhận quá nhiều mà không biết cảm ơn.


Lòng biết ơn chính là chất dinh dưỡng của sự trưởng thành về tâm hồn. Khi trẻ cảm nhận được những hành động tử tế từ người khác, chúng sẽ biết rằng ngày sau mình cũng nên yêu thương và giúp đỡ người khác.


Sưu tầm

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

HẠNH PHÚC LÀ GÌ?



Người nghèo nói: Có tiền là hạnh phúc

Người tàn tật nói: Đi được là hạnh phúc.

Người mù nói: Nhìn được là hạnh phúc.

Người điếc nói: Nghe được là hạnh phúc.

Người bệnh nói: Mạnh khỏe là hạnh phúc.

Người chưa chồng nói có chồng sẽ hạnh phúc

Người chưa vợ nói có vợ sẽ hạnh phúc

Người đi không đi tu nói tu là hạnh phúc

Người chưa có con nói có con sẽ hạnh phúc.

Người lo lắng sợ hãi nói bình an là hạnh phúc

Người xấu nghĩ mình xinh sẽ hạnh phúc

Người lùn nghĩ mình cao sẽ hạnh phúc

Dân đen nói làm quan sẽ hạnh phúc

Người đang rất đói nói được bữa cơm là hạnh phúc. 

Người đang buồn ngủ nói nếu được ngủ một giấc sẽ hạnh phúc. 

Người không có quần áo nói nếu có bộ quần áo đẹp sẽ hạnh phúc.


Sưu tầm 


Con người họ thấy thiếu cái gì thì họ nghĩ rằng có nó sẽ hạnh phúc. Nhưng khi có rồi họ lại muốn cái khác và nhiều hơn nữa thành ra mãi mãi không bao giờ họ thấy hạnh phúc vì ham muốn là Vô cùng thì bạn làm sao đủ sức để thỏa mãn ham muốn đây. 

Thật ra, hạnh phúc không phải là trông chờ cái mình chưa có mà là biết bằng lòng với những gì mình có, “Điều quan trọng là Biết đủ. Nếu bạn biết đủ thì cả khi đối diện với cái chết bạn cũng không sợ hãi vì bạn biết là sống thế là ĐỦ RỒI. 


CHÚC CẢ NHÀ LUÔN BIẾT ĐỦ VÀ VUI VỚI HIỆN TẠI VÀ PHẤN ĐẤU TƯƠNG LAI



Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

Chiêm ngắm Thánh Tâm Đức Giêsu


Không biết tự bao giờ và vì lý do gì mà người ta thường thấy hình ảnh trái tim để làm biểu tượng cho tình yêu. Những đôi lứa yêu nhau thường vẽ hình trái tim rồi ghi tên mình cận kề trái tim ấy. Còn những ai đang đau khổ trong tình yêu thì diễn tả tâm tư đau buồn của mình dưới dạng một trái tim có mũi tên đâm qua với những giọt huyết từ từ chảy xuống. Để diễn tả tình yêu của mình dành cho thế nhân, Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, cũng dùng hình ảnh trái tim để bộc lộ. Tin Mừng đã diễn tả cho chúng ta thấy trái tim ấy ngọt ngào và đầy ắp yêu thương biết bao, nhưng rốt cuộc, cái kết cho trái tim bao dung và tràn trề tình yêu mến ấy lại là một cảnh cô đơn trên đồi vắng, một mũi giáo đâm qua vớinhững giọt máu cuối cùng nhẹ nhàng rơi xuống đất.


Trái tim của Giêsu là trái tim luôn hướng về Cha với một lòng cảm mến và vâng phục tuyệt đối. Chẳng bao giờ Ngài đặt Cha ra khỏi cuộc đời mình. Lúc đầu ngày khi vừa tỉnh giấc, đến khi mọi công việc đã hoàn thành xong, Ngài đều tìm đến một nơi thanh vắng để ở lại với Cha, dâng lời tạ ơn và trao phó mọi sự cho Người. Đối với Giêsu, việc gì Cha làm cũng tuyệt vời vô song. Chính Cha đã nuôi sống con chim sẻ trên không, đã mặc đẹp cho cánh hoa huệ ngoài đồng, đã mặc khải những điều cao cả cho những người nhỏ bé. Trước khi tuyển chọn các môn đệ thân tín, Đức Giêsu cũng tìm đến Cha trong nhiều ngày để xin ơn soi sáng. Khi chuẩn bị bước vào cuộc Khổ Giá, Ngài tha thiết tâm sự với Cha. Biết rằng chén đắng Cha trao thật khó khăn và đau đớn, nhưng tình yêu và lòng tín thác vào quyền năng của Cha đã giúp Giêsu chẳng ngại ngùng chi, chẳng còn lo lắng gì. Trên thập giá, lòng buồn phiền quá đỗi vì chẳng thấy Cha đâu, nhưng Ngài vẫn trao dâng hết mọi sự, kể cả linh hồn Ngài vào tay Cha, Đấng mà Ngài yêu mến khôn cùng, yêu trên hết mọi sự.


Trái tim của Giêsu là một trái tim hướng về mọi người, đặc biệt là những người nghèo hèn, nhỏ bé, yếu thế và bị bỏ rơi. Khi sinh ra, Ngài đã chọn cho mình một nơi rốt cùng nhất để những mục đồng có thể đến viếng thăm. Ngài cũng đã tự xếp mình vào hàng tội lỗi bên bờ sông Giordan, để các tội nhân không còn thấy mặc cảm. Suốt hành trình công khai giảng dạy, Ngài chẳng ngại chi khi nắm lấy tay bệnh nhân, đụng chạm đến người cùi, ăn uống với phường thu thuế, để cho người phụ nữ tội lỗi đụng chạm đến mình. Khi thấy một đoàn lũ người đông đảo cất bước theo, Ngài đã không thể kiềm chế được cảm xúc. Ngài chạnh lòng thương khi nghĩ đến cảnh đàn chiên bơ vơ không người chăm nom. Nhìn đến thành Giêrusalem, Ngài đã nghẹn ngào đến rơi lệ vì nghĩ đến cảnh tan tác và cứng tin của họ. Trong bữa tiệc ly, con tim của Giêsu đã xao xuyến vô cùng vì nghĩ đến cảnh sẽ chia lìa những người mình yêu mến, là các môn đệ đang ngồi đồng bàn với họ đây. Cả đến khi chết, Ngài cũng chọn cái chết ngang hàng với những tên tội phạm nguy hiểm nhất. Một tên trộm ăn năn vào phút chót cũng đủ khiến cho con tim nhạy cảm của Ngài rung động, thứ tha và hứa ban phần thưởng Nước Trời.


Trái tim của Giêsu là con tim đầy lòng thương xót, bị bội phản nhưng lúc nào cũng thứ tha. Người ta chạy đến với Ngài những khi cần đến quyền năng của Ngài. Biết bao nhiêu việc lành phúc đức Ngài thực thi khi thi hành sứ vụ đã cứu thoát bao nhiêu con người khỏi bệnh tật, tội lỗi và mặc cảm của mình. Các môn đệ, từ thân phận đánh cá thấp hèn, đã được Ngài đưa lên vị trí cao, được cộng tác với Ngài trong công cuộc cứu độ nhân thế. Nhưng rốt cuộc, tất cả đều quay lưng với Ngài, đều bỏ mặc Ngài vào lúc Ngài cần họ đỡ nâng nhất. Bao nhiêu lời dạy dỗ quý báu, họ như bỏ ngoài tai, chẳng mảy may để ý. Nỗi cô đơn và bóng đêm trong Vườn Dầu như muốn xé nát con tim Ngài, vậy mà những kẻ thân tín nhất của Ngài vẫn say chìm mê man trong giấc ngủ. Ngoài kia, những người đã được thụ ơn Ngài, những người đã từng lớn tiếng tung hô Ngài, nay cũng cất cao lời tuyên bố muốn tử hình Ngài. Một thời, họ cho rằng Giêsu là một ngôn sứ vĩ đại; giờ đây, chỉ vì Giêsu không thể đáp ứng nguyện vọng của họ, họ sẵn sàng xem Giêsu như một người phản nghịch và đáng chết. Ấy vậy mà khi bị xử tử, Giêsu vẫn không một lời oán trách, chỉ một mực cầu xin Cha tha thứ cho sự yếu đuối và vô tri của họ.


Tình yêu có những lý lẽ riêng của nó. Nó có thể để ý đến từng chi tiết nhỏ vụn vặt những điều tốt mà người mình yêu đã làm, nhưng lại chẳng để ý chi đến những lỗi lầm to tát của họ. Tình yêu có sức xua tan tất cả những nỗi đau mà người mình yêu mang đến. Và cho dù có phải chết đi cho người mình yêu, đó vẫn là một niềm hạnh phúc khôn nguôi, chứ không bao giờ là một điều mất mát.

Trái tim của Giêsu là một trái tim đầy ắp tình yêu như thế. Ta hãy cùng chiêm ngắm trái tim ấy để mong sao cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho ta, và để ta cũng có thể yêu Ngài và yêu tha nhân như vậy.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

Cha - Con


Lâu nay,  hình ảnh tốt lành của người cha đã trở thành nguồn cảm hứng cho mỗi cuộc đời, mỗi con người. Những tảo tần, vất vả của cuộc sống mưu sinh đều in hằn trên khuôn mặt dấu yêu của cha. Những nếp nhăn, mái tóc bạc, bàn tay thô ráp và đôi vai gầy guộc là những chứng tích thành lời của một cuộc đời hy sinh. Dẫu quy luật “tre già măng mọc có gì lạ đâu!”, nhưng không có tre già che chở thì làm sao măng có thể thành hình? Chắc hẳn cuộc đời mỗi người con nếu không có đôi tay người cha thì làm sao khôn lớn thành người. Cha đã chuyển trao cuộc sống, sức trẻ và cả những mơ ước cho con. “Ngày của cha” cho ta cơ hội để ngẫm nghĩ về cha, để tình yêu và nỗi nhớ luôn chất chứa trong lòng mỗi người con.


Tiếng nói bệp bẹ đầu tiên của trẻ nhỏ là “ba ba, ma ma…” Tiếng gọi ấy khởi phát từ niềm tin và tình yêu của trẻ nhỏ vào người cha, người mẹ. Qua đó ta thấy được vai trò khơi mào nhân cách của cha mẹ nơi con cái. Tâm hồn con trẻ như trang giấy trắng để cha là người họa sĩ vẽ lên những đường nét đầu tiên trong bức tranh cuộc đời của người con. Khi mới bập bẽ biết nói, cha dạy con hai tiếng cám ơn. Khi chập chững những bước đầu đời, cha dạy con nghị lực đứng dậy. Rồi cha dạy con bài học yêu thương, chia sẻ khi cùng con trên đường đến lớp. Cha chỉ cho con chữ tín trong đời trước khi con bước vào cuộc sống xa quê. Rồi khi con lầm lỗi, cha sửa dạy nhưng không loại trừ, cha trừng phạt nhưng không ghét bỏ, cha đồng cảm chứ không thoả hiệp với lỗi lầm của con. Để rồi từng ngày, tình thương của cha đã cho con nghiệm được tình yêu con người là gì.


Cha đã vun trồng cuộc đời cho chúng con. Những mầm cây non cần được chăm sóc kỹ lưỡng. Chúng cần những mảnh đất tơi sốp, cần đến ánh nắng mặt trời. Chúng cũng cần được che chắn khỏi những cơn giông tố, khỏi cái nóng gay gắt. Chúng cần một chế độ tưới bón kỹ càng. Chúng cần được cắt tỉa, phong ngừa những dịch bệnh. Để rồi, hy vọng rằng, chúng sẽ trở thành những tán cây vững trải giữa sóng gió cuộc đời. Cha ơi, cuộc đời chúng con như một tán cây có thể đứng vững là nhờ được chăm sóc khi còn thơ dại. Gia đình là mảnh đất tơi xốp để cây non nớt bám vào hút nhựa mà sống. Như ánh mặt trời, cuộc sống cho chúng con những mục tiêu để vươn lên. Thế nhưng, không có đôi tay chăm ẵm, không có sự lao nhọc xới bón của cha thì cuộc đời non yếu của chúng con sẽ bị dập nát dưới sự tàn phá của những cơn giông tố. Cha là người tuyệt vời vì đã ươm trồng cuộc đời chúng con trong mảnh đất yêu thương của tình cha.


Không cho con sự giàu sang phú quý, nhưng cái quý nhất cha cho con là tình yêu. Thánh Giáo hoàng Gio-an XXIII kể lại rằng: khi còn nhỏ, cha là người hay dẫn ngài đi tham dự các nghi lễ tại nhà thờ. Một ngày kia, hai cha con phải lặn lội một ngày trời để có thể tham dự lễ hội tại nhà thờ chính tòa. Đến nơi, ngài đã thất vọng vì đoàn người tham dự rất đông, mà ngài lại thấp bé. Ngài chẳng trông thấy gì cả! Không ngần ngại, người cha đã cõng ngài trên vai, và ngài đã nhìn thấy toàn bộ khung cảnh của buổi lễ. Ngài vui mừng khôn xiết! Sau này, trong cuộc đời giáo hoàng, khi vất vả hay khó khăn, ngài nhớ lại hình ảnh đôi vai ngày nào của người cha. Qua đó ngài có thể cảm nhận tình yêu sống động của Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng đang nâng ngài lên như cha ngài ngày xưa. Bằng chính cuộc đời và tình thương thầm lặng, cha đã chỉ cho con Thượng Đế là ai và tình yêu của Ngài cao cả biết chừng nào! Cha không giảng thuyết hùng hồn, không suy tư sắc sảo, nhưng cha đã định hướng cuộc sống tâm linh của con bằng giờ kinh gia đình, bằng niềm tin, sự phó thác và tình yêu nơi Thiên Chúa. Là thầy dạy Đức Tin, cha đã cho con điều quý giá nhất mà cha xác tín.


Những khó khăn, vất vả của cuộc sống gia đình đổ dồn lên đôi vai cha. Nuôi nấng con cái thành người đã bào mòn sức lực của cha. Cha bươn trải với đời để cho con miếng cơm manh áo. Cha đánh đổi sức lực của mình để dành lấy cho con một tương lai rạng ngời. Cha đã quên những đam mê thời trai trẻ, đã xa rời thời kà kê ở chốn ăn chơi. Nhờ đó, sự khôn lớn từng ngày của chúng con được cha hết mực quan tâm. Gác lại những dự tính cho riêng mình, cha đã hy sinh cuộc đời cho chúng con!


Lời tri ân dành cho cha nói sao cho xứng. Cuộc đời con có thể vươn xa trên con đường hạnh phúc là vì con đang tựa vào bờ vai vững chãi của cha. Cám ơn cha đã cho con sự sống; tri ân cha đã cho con cuộc đời; biết ơn cha đã dẫn con đến với Thiên Chúa và chúc tụng Chúa đã cho con có cha!


Chúc cha luôn bình an và hạnh phúc trong cuộc đời! Đặc biệt ngày hôm nay, Chúa nhật thứ 2 của tháng 6, cha của con và con của cha luôn nhớ nhau trong lời cầu nguyện!


Mừng ngày của cha,


Giuse Bùi Thế Dũng, S.J.


Thứ Hai, 2 tháng 5, 2022

Thánh Giuse lao động để chăm sóc gia đình

Để có được một cuộc sống ấm no và hạnh phúc, con người phải trải qua rất nhiều vất vả lầm than trong công việc lao động. Lao động thường làm chúng ta mệt mỏi, phải đổ nhiều mồ hôi nước mắt, nhưng nhờ chính việc lao động lại giúp chúng ta kiến tạo cuộc sống tươi đẹp hơn và chúng ta cũng được cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Hôm nay, Giáo Hội mừng kính một vị thánh là mẫu gương lao tác tuyệt vời mà mỗi người chúng ta được mời gọi để noi theo và nên thánh trong bổn phận của chính mình.

Thánh Giuse được chọn làm bổn mạng của Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội Việt Nam. Nơi thánh nhân, chúng ta dễ dàng nhận ra vai trò trụ cột trong gia đình, đã cần lao làm việc để lo sao cho thánh gia được bình an và hạnh phúc. Chính nhờ những hy sinh của thánh Giuse mà Con Thiên Chúa làm người – Đức Giêsu – được lớn lên về thể lý, vững mạnh về tinh thần và có thể trở nên một con người trọn vẹn.

Sách Tin Mừng nghi nhận là sau một khoảng thời gian lánh nạn bên Ai Cập, thánh Giuse đưa Đức Mẹ và Hài nhi Giêsu trở về Nagiarét. Nơi đây, hẳn là thánh Giuse đã ưu tư lo lắng rất nhiều để làm thế nào có thể chu toàn bổn phận chăm lo và gìn giữ gia đình trong hoàn cảnh hết sức túng nghèo này. Quả vậy, phải miệt mài lao động, vất vả làm ăn, và phải gặp biết bao khó khăn, thánh Giuse mới có thể giúp gia đình ổn định kinh tế và vợ con được cơm no áo ấm. Mặc dầu việc chi tiêu của thánh gia rất đơn giản, nhưng là một trụ cột trong gia đình, chắc là thánh Giuse đã phải trăn chở ngày đêm để cùng với Đức Mẹ chăm sóc chu đáo cho Giêsu. Với tình yêu và trách nhiệm của người cha, người chồng, thánh nhân chẳng ngại khó khăn, không nản lòng trước biết bao khó nhọc của nghề thợ mộc. Ngài đã miệt mài cần mẫn lao động vất vả để kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Là người bảo vệ thánh gia, ngài yêu thích công việc lao động. Với ngài, lao động phải đặt tin tưởng và cậy trong vào Thiên Chúa; để từ đó mới có tình yêu, lòng phấn khởi cùng lao tác với Thiên Chúa. Nơi cuộc sống âm thầm ở vùng thôn quê hẻo lánh xứ Nagiarét, chúng ta bắt gặp một người hăng say làm việc với lòng mến yêu và tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã ban ơn trợ lực cho ngài, giúp ngài làm tròn trách nhiệm một người chồng, người cha nuôi của Giêsu. Nhờ đó, thánh gia mới có được một cuộc sống thật êm đềm hạnh phúc nơi xóm nghèo thôn quê.

Là một công nhân, thánh Giuse thấu hiểu được nỗi vất vả cơ cực của lao động. Dưới cái nắng cháy da hay dưới áp lực của công việc, ai cũng có nhu cầu được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Nơi gia thất xưa, thánh Giuse cũng tìm thấy nhiều niềm vui và hạnh phúc khi được chung chia cuộc sống với Đức Mẹ và với Chúa Giêsu. Như thế, một mặt ngài nỗ lực lao tác để chăm sóc cho gia đình; mặt khác ngài cũng nhận được nguồn hạnh phúc từ Thánh Tử Giêsu. Nhờ đó, sức nặng của công việc cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Thay vào đó là những niềm vui thiêng liêng khôn tả. Có Chúa Giêsu, thánh nhân được nghỉ ngơi bồi dưỡng, được có thêm sức sống để tiếp tục lao động hăng say. Chính Giêsu là nguồn sức lực để thánh nhân làm việc, và lướt thắng mọi bôn ba của kiếp người.

Hôm nay, thánh Giuse cũng muốn chia sẻ mọi khó nhọc với chúng ta. Ai ai cũng muốn cuộc đời ấm êm, sẵn sàng lao động để xây dựng một cuộc sống bình an sung túc. Trong khốn khó của phận người, chúng ta hãy đến cùng Giuse để ngài chia vơi nỗi khốn cùng của chúng ta, để ngài nài xin Thiên Chúa cho ta lấy lại sức để bước tiếp trên đường đời. Nhờ vị thế uy quyền của thánh Giuse trước nhan thánh Chúa, lời khẩn nguyện của chúng ta sẽ được Thiên Chúa nhận lời và ban cho ta muôn vàn ân phúc.

Ước chi trong mọi công việc lao động làm ăn, chúng ta luôn bắt chước thánh Giuse ân cần làm việc trong tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng. Để sau khi lao động hết mình, với lòng tin yêu lớn lao, chúng ta cũng được Thiên Chúa trao ban phần thưởng lớn lao là hạnh phúc Nước Trời. Bởi lẽ một người thợ biết phó thác mọi công việc mình làm thì xứng đáng đón nhận niềm vui ấy; một tôi tớ trung thành thực thi thánh ý Chúa thì mọi lao nhọc đều trổ sinh hoa trái của bình an vui sướng. Dẫu cuộc sống chúng ta còn nhiều long đong cơ cực, nhưng noi gương thánh Giuse là vị thánh miệt mài lao động với tất cả tình yêu, chúng ta sẽ nhận được sức mạnh để lướt thắng mọi gánh nặng của cuộc đời.

Lạy thánh cả Giuse là cha nuôi chăm sóc Chúa Giêsu và Ðức Trinh nữ Maria, xin giúp chúng con biết chạy đến với ngài. Xin thánh Giuse giúp chúng con biết rằng bất cứ ai chạy đến với ngài đều được ngài ân cần dẫn đến với Giêsu để được yêu thương, nghỉ ngời và bồi dưỡng. Cùng với ngài, chúng con dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng con có khả năng lao động để vinh dự góp phần vào công trình sáng tạo. Nhờ đó, cuộc sống của chúng con là chuỗi ngày của niềm vui và hạnh phúc. Xin Ngài chuyển cầu cùng Chúa giúp chúng con. Amen.

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2022

Ý nghĩa Chúa Nhật Lễ Lá

Chúa Nhật Lễ Lá khởi đầu Tuần Thánh. Ngày này không cử hành riêng lẻ mà cử hành hai sự kiện rất quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu. Đây là 9 điểm chúng ta cần biết:


1. Chúa Nhật Lễ Lá là gì?


Chúa Nhật Lễ Lá còn gọi là Chúa Nhật Khổ Nạn. Gọi là Chúa Nhật Lễ Lá phát xuất từ việc tưởng nhớ Chúa Giêsu hiển hách vào Thành Giêrusalem, được dân chúng vừa cầm lá vừa tung hô (Ga 12:13). Gọi là Chúa Nhật Khổ Nạn vì Bài Thương Khó được đọc vào ngày này.


Theo tài liệu chính thức Paschales Solemnitatis nói về việc cử hành các ngày lễ liên quan Lễ Phục Sinh: Tuần Thánh bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá, liên kết việc tiên báo cuộc rước hiển hách với việc công bố cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Việc liên kết giữa hai sự kiện này của Mầu nhiệm Vượt qua được tỏ hiện, được giải thích việc cử hành ngày này và giáo lý về ngày này.


2. Một điểm quan trọng của ngày này là cuộc rước lá trước Thánh Lễ. Tại sao chúng ta làm vậy?


Tài liệu Paschales Solemnitatis cho biết: Theo truyền thống, việc tưởng nhớ Chúa Giêsu vào Thành Giêrusalem được cử hành bằng cuộc rước trọng thể, mọi người hát noi gương các trẻ em Do Thái đồng thanh tung hô Đức Giêsu: “Thánh, thánh, thánh! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”.


Cuộc rước lá được thực hiện trước Thánh Lễ, có thể vào chiều tối Thứ Bảy hoặc Chúa Nhật. Lá được làm phép và mọi người cầm lá trong cuộc rước, tưởng nhớ lúc Chúa Giêsu hiển hách vào Thành Giêrusalem.


3. Phải dùng lá cọ, lá dừa?


Không nhất thiết phải dùng lá cọ, lá dừa. Có thể dùng các loại cành lá khác. Cuộc rước lá kỷ niệm việc Chúa Giêsu vào Thánh Giêrusalem là cuộc vui mừng, mọi người cầm lá đã được làm phép, sau đó đưa lá về nhà.


4. Có cần hướng dẫn giáo dân?


Rất cần. Giáo dân nên được hướng dẫn về ý nghĩa của cuộc rước để họ hiểu tầm quan trọng của cuộc rước. Đây là dịp họ được nhắc nhở rằng họ cần tham dự cuộc rước để tôn vinh Con Thiên Chúa.


 Lá được làm phép và được giữ lại, nhưng đừng coi lá đó như “bùa hộ mệnh” (amulet), hoặc coi lá đó có thể chữa bệnh, trừ tà, hoặc ngăn ngừa tai họa, vì như vậy là mê tín dị đoan. Lá đó được giữ tại nhà để biểu hiện niềm tin vào Đức Kitô là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Độ, Ngôi Hai Thiên Chúa.


5. Chúa Giêsu làm gì trong khi vào Thành Thánh?


Chúa Giêsu là Vua các vua nhưng rất khiêm nhường. Ngài cưỡi lừa con vào Thành Thánh chứng tỏ Ngài là Vua. Từ nay chúng ta hãy chý ý: Chúa Giêsu thực sự xưng vương. Ngài muốn con đường Ngài đi và hành động của Ngài được hiểu rằng các lời hứa Cựu ước được hoàn tất nơi Ngài... Kinh Thánh cho biết rõ: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9:9). Ngài là Vua nhưng Ngài không có ý thu nạp quân đội hoặc âm mưu lật đổ chính quyền La Mã. Quyền hành của Ngài ở trong sự nghèo khó của Thiên Chúa, sự bình an của Thiên Chúa, sức mạnh đó có ơn cứu độ.


6. Phản ứng của đám đông biểu hiện điều gì?


Đám đông tung hô Chúa Giêsu chứng tỏ họ nhận biết Ngài là Đấng Thiên Sai. Họ trải áo cho Ngài đi qua là làm truyền thống Ít-ra-en, như khi dân chúng tôn vinh ông Giê-hu: “Họ vội vàng lấy áo choàng trải lên đầu thềm cấp, dưới chân ông. Họ thổi tù và, rồi hô lên: Giê-hu làm vua!” (2 V 9:13). Hành động của các môn đệ là động thái tôn phong theo truyền thống Vua Đa-vít, chứng tỏ niềm hy vọng vào Đấng Thiên Sai.


 Đoàn người đến Giêrusalem với Chúa Giêsu được bắt gặp trong sự nhiệt thành của các môn đệ. Họ trải áo trên đường khi Chúa Giêsu đi qua, họ bẻ những cành lá vừa vẫy chào vừa tung hô chúc tụng: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!” (Mc 11:9-10; x. Tv 118:26).


7. Chữ “Hosanna” nghĩa là gì?


ĐGH Benedict XVI giải thích: Nguồn gốc từ này là lời khẩn cầu, chẳng hạn như: “Xin đến cứu giúp chúng tôi!”. Các tư tế lặp lại lời cầu này vào ngày thứ bảy của kỳ Lễ Lều Tạm, trong khi đi vòng quanh bàn thờ bảy lần, như lời khẩn khoản cầu mưa. Lễ Lều Tạm dần dần thay đổi từ lễ cầu xin trở thành lễ ca tụng, là tiếng kêu vui mừng.


 Vào thờ Chúa Giêsu, từ này cũng ngụ ý Đấng Thiên Sai. Khi tung hô “thánh, thánh, thánh”, chúng ta thấy có cảm xúc phức tạp của đám đông theo Chúa Giêsu và các môn đệ vào Thành Thánh: Vui mừng chúc tụng, hy vọng Đấng Thiên Sai đến, mong chờ Vương Triều Đa-vít, đặc biệt là Vương Quốc Thiên Chúa đến để quốc gia Ít-ra-en được tái lập.


8. Chỉ vài ngày sau, chính đám đông đón rước Chúa lại đòi đóng đinh Chúa Giêsu?


Cả bốn Phúc Âm đều nói rõ rằng lòng kính trọng Chúa Giêsu khi Ngài vào Thành Giêrusalem được thể hiện nhưng không phải tất cả đều là cư dân Giêrusalem. Thánh Mát-thêu cho biết: “Khi Đức Giêsu vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: ‘Ông này là ai vậy?’. Dân chúng trả lời: ‘Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy” (Mt 21:10-11).


 Người ta nghe nói có một ngôn sứ xuất thân từ Na-da-rét, nhưng Chúa Giêsu không mấy quan trọng đối với Giêrusalem, thế nên người ta không biết Ngài là ai. Đám đông tỏ lòng kính trọng Chúa Giêsu tại cửa ngõ vào Thánh Giêrusalem không là đám đông đòi đóng đinh Ngài.


9. Trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu thế nào?


Tài liệu Paschales Solemnitatis cho biết: Trình thuật cuộc khổ nạn chiếm vị trí đặc biệt. Trình thuật này – tức là Bài Thương Khó – nên được hát hoặc đọc theo truyền thống, nghĩa là có ba người thể hiện Bài Thương Khó: Một người đóng vai Chúa Giêsu, một người kể chuyện, và một người đóng các vai khác.


 Khi đọc Bài Thương Khó, không có đèn nến hoặc xông hương, cũng không làm dấu Thánh Giá. Vì lợi ích tâm linh, Bài Thương Khó nên được công bố đầy đủ.


--------------

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ NCRegister .com)

Nguồn: Conggiao. info

.

.

.ad Leo <3

#TNTT #VDTNTTVN #Lễ_Lá

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2022

ĐÔI NÉT VỀ CHÚA NHẬT LỄ LÁ

WHĐ (08.4.2022) - Theo Phụng vụ, Chúa nhật Lễ Lá khởi đầu cho một tuần lễ được gọi là Tuần Thánh được cử hành để tưởng nhớ một biến cố tràn đầy niềm vui nhưng lại hàm chứa sự nghịch lý liên quan đến cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu Kitô.


Tràn đầy niềm vui, vì Đức Kitô long trọng tiến vào thành Giêrusalem trong tư thế của một Vị quân vương được các ngôn sứ trong Cựu ước tiên báo mà dân Do Thái luôn mong đợi. Điều này thể hiện qua việc không chỉ các môn đệ, mà đám đông dân chúng cùng reo hò đón mừng Đức Kitô: “Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!” (Lc 19, 38). Nghịch lý, vì cũng đám đông ấy chỉ ít ngày nữa, lại hò hét từ chối, nhục mạ và kết án Người: "Ðem đi! Ðem hắn đi! Ðóng đinh hắn vào thập giá!" (Ga 19, 15), và nhất là, ngay cả các môn đệ, vốn là những người thân tín đi bên cạnh Chúa Giêsu khi vào thành Giêrusalem, cũng lần lượt bỏ rơi Người trong cuộc khổ nạn.


Đám đông quá khích


Như được diễn tả trong các sách Phúc âm, Chúa Giêsu đến Giêrusalem để cùng với người Do Thái cử hành lễ Vượt qua như đã được quy định trong các sách Xuất hành và Đệ nhị Luật. Theo thông lệ, những nhóm người hành hương đã đến thành Giêrusalem trước thì thường đi ra để chào đón những nhóm người hành hương mới đến sau; chắc chắn có nhiều người trong đám đông chưa bao giờ nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng có lẽ cũng đã nghe nói về những phép lạ do Người thực hiện, nên cũng bị cuốn vào sự phấn khích trong việc chào đón Người.


Như Phúc âm Gioan thuật lại, Chúa Giêsu và các môn đệ đã tới Bethania, cách Giêrusalem chừng vài cây số, và khi Người tới cổng thành Giêrusalem vào Chủ nhật hôm đó, dân chúng tuốn ra và chào đón Người rất đông: “Khi dân chúng nghe tin Ðức Giêsu tới Giêrusalem, họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò: Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng vua Israel” (Ga 12, 12-13).


Còn với Phúc âm Luca, những người Pharisêu cũng có mặt ở đó, họ đã không thể chấp nhận được những lời ca tụng dành cho Chúa Giêsu như thế. Do đó, họ đã phản ứng bằng cách đưa ra lời đề nghị với chính Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy quở trách môn đệ Thầy đi chứ!" Nhưng Chúa Giêsu chấp nhận sự tung hô mà dân chúng dành cho Người, nên trả lời ngay: "Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” (x. Lc 19, 39-40). Thực sự, đây là điều rất khó hiểu, vì trước đây, Chúa Giêsu đã lươn cố tình tránh sự chào đón của dân chúng, thậm chí bỏ trốn, nhưng lần này, Người đã chấp nhận. Vì thế, những người Pharisêu đã báo cáo lại sự kiện này cho Công nghị, vốn là hội đồng tối cao của người Do Thái, vì họ coi việc dân chúng đi theo Chúa Giêsu ngày càng đông là mối đe dọa đối với mối quan hệ của họ với người Roma. Nhưng trên thực tế, họ đã lên kế hoạch để giết Chúa Giêsu.


Tuy nhiên, rất rõ ràng là việc Chúa Giêsu chấp nhận sự chào đón, tung hô của đám đông dân chúng hoàn toàn khác với những gì mọi người mong đợi. Chúa Giêsu không thể hiện mình là đối thủ của Caesar; Người không phải là Đấng Messia theo nghĩa chính trị, và cũng không phải là Vị quân vương đến giải thoát người Do Thái khỏi ách nô lệ của đế quốc Roma như nhiều người tưởng nghĩ. Vì thực, thay vì tiến vào Giêrusalem trên một chiến mã hay chiến xa, Chúa Giêsu cưỡi trên một con lừa, một dấu chỉ của sự hiền hòa; và không phải là bất kỳ con lừa nào, nhưng là con lừa chưa từng có ai cưỡi, ám chỉ đặc quyền của một vị vua. Hình ảnh này gợi lại những lời mà ngôn sứ Zacharia đã tiên báo từ 500 năm trước:


“Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Ðức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Ðấng Chính Trực, Ðấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ. Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Épraim và chiến mã khỏi Giêrusalem” (Za 9, 9-10).


Đức Bênêđictô XVI giải thích những lời Cựu Ước này liên quan đến Chúa Giêsu: “Người là một vị vua phá hủy vũ khí chiến tranh, một vị vua của hòa bình và một vị vua của sự giản dị, một vị vua của người nghèo… Chúa Giêsu không xây dựng trên bạo lực; Người không xúi giục một cuộc nổi dậy quân sự chống lại Roma” (x. Đức Giêsu thành Nazareth: Tuần Thánh, Ignatius Press, 2011, trang 81-82).


Cưỡi trên lưng con lừa đi mượn, Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem cách khiêm tốn trong khi đám đông phấn khích lấy áo mình trải xuống đường và vẫy những cành lá để chào đón Người. Khung cảnh náo nhiệt này không chỉ mâu thuẫn với những hành vi phản bội, nỗi buồn và sự thống khổ sẽ sớm xảy ra sau đó, mà còn mâu thuẫn với việc vị anh hùng chiến thắng này sẽ bị kết án đóng đinh như một tên tội phạm.


Thánh Bernard Clairvaux (1090-1153) đã có một bài giảng về việc Chúa Kitô vào thành Giêrusalem: “Thật khác biệt biết bao những lời tung hô chúc tụng: ‘Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời!’ và chỉ vài ngày nữa, là tiếng la hét: ‘Ðóng đinh! Ðóng đinh nó vào thập giá!’ và ‘Chúng tôi không có vua nào ngoài Caesar!’ Thật là tương phản giữa những cành lá tươi xanh với cây thập giá, giữa những nhành hoa với mão gai! Hôm nay, người ta trải áo trên lối để Chúa Giêsu đi qua, thì ngay sau đó, họ lại sẽ lột áo của Người và đem bốc thăm”.


Hàm ý của Cành Thiên Tuế


Cây thiên tuế là biểu tượng của sự sống giữa các bộ lạc du mục, những người băng qua sa mạc sẽ rất mừng rỡ khi nhìn thấy cây thiên tuế vì nó là dấu cho thấy họ sắp gặp được ốc đảo có nguồn nước và sự sống. Cây thiên tuế từ lâu đã là một biểu tượng của sự chiến thắng, thành công và vinh quang. Những đội quân chiến thắng hoặc những nhà lãnh đạo trở về từ chiến trường hoặc một chiến dịch quân sự dài ngày thường được dân chúng chào đón tưng bừng với những cành thiên tuế. Trong trường hợp của Chúa Giêsu, người Do Thái cũng vẫy những cành thiên tuế rồi trải quần áo xuống đường và trên lưng lừa để chào đón Người. Đây là cách thể hiện của việc dân chúng đang tôn vinh Chúa Giêsu như là một vị anh hùng, và do đó, thách thức luôn cả những kẻ đô hộ Roma.


Vào Chúa nhật Lễ Lá, chúng ta cũng qui tụ bên ngoài nhà thờ để đón gặp Chúa Giêsu, mang theo những cành lá được làm phép, vui mừng cất lời ca vang và đi theo Người khải hoàn vào thành Giêrusalem qua việc chúng ta tiến vào bên trong nhà thờ. Nhưng ngay sau đó, niềm vui của chúng ta chuyển sang sự u buồn khi cũng với cành lá trên tay, chúng ta nghe bài Phúc âm tường thuật về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô. Một lần nữa, chúng ta biết được tiến trình của Tuần Thánh sẽ kết thúc như thế nào khi niềm vui chuyển thành nỗi buồn rồi lại trở lại niềm vui. Chúng ta cảm nhận được nỗi kinh hoàng và đau khổ của Đức Giêsu, nhưng đồng thời chúng ta cũng nhận thức được rằng điều thiện sẽ chiến thắng điều ác, sự sống sẽ chiến thắng sự chết; và sự vinh thắng đích thực của Người chỉ có thể đạt được qua thập giá.


Sau đó, những cành lá mà chúng ta mang về nhà sẽ đặt ở một vị trí đặc biệt nhằm nhắc nhở chúng ta rằng Chúa nhật Lễ Lá không bị mất đi tính hiện sinh, trái lại, nhờ chiến thắng của Chúa Kitô, chúng ta cũng có thể đạt được sự sống đời đời. “Đối với chúng ta cũng vậy, cành thiên tuế phải là biểu tượng của chiến thắng, biểu thị cho chiến thắng giành được trong cuộc chiến chống lại cái ác trong chính chúng ta và đang rình rập chúng ta. Khi nhận cành thiên tuế đã được làm phép, chúng ta hãy làm mới lại lời cam kết để chiến thắng với Chúa Giêsu, nhưng chúng ta đừng quên rằng chính trên thập giá mà Người đã khải hoàn” (x. “Divine Intimacy”, Father Gabriel of St. Mary Magdalen, O.C.D., Tan Books, 1997, trang 392-393).


Việc tái hiện Chúa nhật Lễ Lá


Không lâu sau biến cố Phục sinh, nhiều Kitô hữu muốn đến thăm các địa điểm đã diễn ra cuộc khổ nạn của Đức Kitô, thậm chí họ muốn tái hiện những sự việc đã xảy ra, chẳng hạn như việc Người vào thành Giêrusalem. Nhưng những hoạt động như vậy không thể thực hiện được mãi cho đến thế kỷ thứ IV, khi Constantine trở thành hoàng đế của Đế quốc Roma và chấm dứt mọi cuộc bách hại tôn giáo. Cuối thế kỷ này, một khách hành hương người Tây Ban Nha tên là Eigera đã đến viếng Giêrusalem. Trong nhật ký của mình, bà đã ghi lại cách các Kitô hữu tái hiện các sự kiện của Tuần Thánh. Bà viết rằng, dân chúng tụ họp bên ngoài thành phố vào Chúa nhật trước Lễ Phục sinh và lắng nghe một trong các sách Phúc âm kể về việc Đức Kitô khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Sau đó, họ cùng nhau diễu hành qua các cổng thành và trên tay mang theo cành ô liu hoặc cành thiên tuế. Việc đi rước vào Chúa nhật Lễ Lá ngày nay giống với những gì bà Eigera đã chứng kiến ​​cách đây 17 thế kỷ.


Đến thế kỷ thứ IX, đoàn rước với những cành thiên tuế được làm phép đã lan rộng ra ngoài Giêrusalem, và trong suốt thời Trung cổ, đã phổ biến khắp châu Âu. Vào thế kỷ XVII, các Kitô hữu không chỉ mang theo cành thiên tuế khi rước vào nhà thờ mà khi đọc Bài Thương Khó trong Thánh lễ, họ cũng cầm cành thiên tuế trên tay.


Qua nhiều thế kỷ, Chúa nhật Lễ Lá và đoàn rước với cành thiên tuế được cử hành theo nhiều cách khác nhau. Ở một số nơi, Thánh Thể là một phần của cuộc rước, tại nhiều nơi khác, cộng đoàn bắt đầu tại nghĩa trang giáo xứ và sau đó đi rước vào trong nhà thờ. Có khi cành thiên tuế được làm phép tại một nhà thờ, rồi mọi người cầm cành thiên tuế đi rước đến một nhà thờ khác để tham dự Thánh lễ. Điển hình nhất là việc chúc lành cho cộng đoàn và cành thiên tuế ở bên ngoài nhà thờ, sau đó mọi người cùng đi rước tiến vào bên trong nhà thờ. Trong một số thời điểm, ngay cả đến giữa thế kỷ XX, linh mục mặc lễ phục màu đỏ khi làm phép và rước lá, sau đó ngài thay lễ phục màu tím để dâng Thánh lễ.


Vào năm 1955, Giáo hội đã tiêu chuẩn hóa và đơn giản hóa các lối vào khác nhau được sử dụng cho ngày Chúa nhật Lễ Lá: hoặc là một cuộc rước có tổ chức bắt đầu ở bên ngoài nhà thờ, một cuộc rước trang trọng bắt đầu bên trong nhà thờ, hoặc không có cuộc rước nào cả. Cuộc rước đi vào bên trong khởi đi từ một địa điểm ở ngoài nhà thờ chỉ được thực hiện một lần trong các Thánh lễ cuối tuần; không được lặp lại việc đi rước trong mọi thánh lễ. Giáo Hội gọi ngày này là Chúa nhật Lễ Lá, ngày Thương Khó của Chúa Kitô.


Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: simplycatholic.com

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

Xin Vâng


Lễ Truyền Tin là lễ của Ngôi Lời Nhập Thể làm "con Đức Trinh Nữ" và là lễ Đức Trinh Nữ làm Mẹ Thiên Chúa. Cả Đông phương và Tây phương đều mừng lễ này cách long trọng như lễ tưởng niệm tiếng "Xin Vâng" của Mẹ và tưởng niệm bước đầu công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Lễ truyền tin cũng được coi như lễ của Evà mới, Người hoàn toàn vâng phục và trung tín với Thiên Chúa. Nhờ lòng tín thác và quyền phép Chúa Thánh Thần, trinh nữ Maria đã trở nên Mẹ Thiên Chúa và Mẹ loài người. Mẹ tín thác hoàn toàn, không sợ chi dù sống chết hay gian lao khổ cực cũng không làm Mẹ nao núng. Mẹ không sống cho riêng mình, nhưng luôn tìm biết ý Chúa và theo kế hoạch của Chúa. Mẹ được Thiên Chúa dùng làm khí cụ ban ơn phúc mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại. Mẹ chính là người nữ mà Isaia đã tiên báo: này đây, người thiếu nữ mang thai, hạ sinh một con trai, và đặt tên là Emmanuel ( Is 7, 14). Chính người con ấy sẽ mở rộng quyền bính và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của Đavít. (Is 9,6).

Đối với Thiên Chúa, không có điều gì là không thể không làm được. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi sự cộng tác của con người. Có khi Thiên Chúa dùng miệng của tôi, có khi dùng việc làm của anh để làm phúc cho tha nhân. Đối với Đức Maria, Chúa dùng cả con người để làm phúc cho cả nhân loại, không phải chỉ lúc mang thai Chúa Giêsu nhưng là luôn luôn mọi lúc. Mẹ đã thể hiện lòng tin đến tuyệt đỉnh khi nhận lời làm Mẹ Đấng Cứu Thế .Mẹ là mẫu gương cho chúng con học đòi bắt chước về lòng tín thác: Mẹ để cho Chúa lo liệu tất cả, dẫn Mẹ đi qua những gian nan thử thách mà Chúa muốn.

Mẹ đã sẵn sàng đón Chúa ngự xuống cứu độ trần gian. Nếu Mẹ từ chối thì Chúa không xuống được. Thiên sứ chờ đợi câu trả lời của mẹ, thế giới cũng đang chờ đợi Mẹ. Mẹ ưng thuận thì chúng con mới thoát khỏi bản án tội lỗi và được tự do. Mẹ đã giúp cho chúng con vốn bị giam cầm trong tội Ađam được giải thoát, Mẹ xứng đáng được vinh dự lớn lao là Nữ Vương Thiên quốc.

Nơi Maria, chương trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa được thực hiện đến thành toàn. Mẹ đem ánh sáng chân lý vào thế trần để Thiên Chúa biến đổi thế giới này, nâng thế giới này lên mức độ vượt bực có thể tham dự phần nào vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi ngay từ trần thế này.

Hàng ngày chúng con cũng được sứ thần truyền dạy: làm lành, lánh dữ, thi hành bổn phận đối với Chúa với anh em và bản thân… nhưng nhiều khi chúng con không ưng thuận, không theo ý Chúa, không đáp lại tiếng Chúa mời gọi, không biết nói câu của Mẹ : "tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền". Mẹ luôn đáp lại tiếng Chúa mời gọi, không chỉ lúc thiên thần truyền tin mà còn tiếp tục vâng phục Thiên Chúa trong mọi công việc hàng ngày. Cho dù vất vả mệt nhọc, đi đường xa xôi, phải sinh con trong hang đá, sống trong cảnh nghèo, nghe người ta nói xấu Con, chứng kiến cảnh người ta kết án tử Con mình oan ức, thấy Con mình vác thánh giá lên núi sọ, và ẵm xác Con tím bầm chết lạnh trên tay…Mẹ đã đón nhận tất cả với lòng trong tinh thần yêu mến và vâng phục Chúa Cha.

Lạy Mẹ Maria, chúng con hết lòng biết ơn Mẹ đã cứu giúp chúng con khỏi cảnh nô lệ tội lỗi và sự chết. Mẹ thật là Mẹ của chúng con, của Hội Thánh Chúa. Mẹ thánh thiện, khiêm nhu, đáng kính dường bao. Chúng con cung kính tôn vinh Mẹ và cầu xin Mẹ thương giúp cho chúng có tinh thần vâng phục trong tin yêu như Mẹ để ngày sau được hưởng phước cùng Mẹ trên thiên quốc.

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

MÙA CHAY: SUY NGẪM TỪ NỖI BUỒN CHÁN


Trong cuộc đời, mỗi người chúng ta đều khó tránh khỏi những lúc cảm thấy cô đơn buồn chán: tâm hồn rơi vào khoảng không vô định, không muốn làm gì, không thiết tha gì, chỉ muốn buông theo dòng đời trôi nổi. Tại sao vậy? Cũng là bản thân mình thôi, sao có lúc rất hăng hái vui tươi, không ngại vất vả, sẵn sàng hy sinh, không ngại khó, nhưng cũng có khi lại cảm thấy rất yếu đuối, buồn chán, không đủ sức làm bất cứ điều gì?


Khi gặp phải tâm trạng buồn chán, tâm trí ở trong khoảng không trống rỗng vô định như thế, tôi phải làm gì? Lẩn trốn hay đối diện?


Có người trốn chạy cảm giác đó bằng cách làm việc này việc kia. Nếu đó là việc làm tích cực mang lại những điều ích lợi cho bản thân và mọi người thì đó là điều đáng hoan nghênh. Ngược lại có những người tìm cách lấp đầy cảm giác trống rỗng buồn chán bằng cách chạy theo những đam mê tội lỗi, để mặc bản thân buông thả trong những giải trí không lành mạnh, cuối cùng khiến bản thân rơi vào tình trạng u mê hơn. Và cứ như vậy, cái vòng luẩn quẩn lập đi lập lại, mãi hoài không thoát ra được.


Để thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn này, tôi thấy mình cần ý thức sâu xa hơn về bản chất con người. Con người mang trong mình khát vọng hạnh phúc tuyệt đối, vạn vật trần gian hữu hạn không thoả mãn được khát vọng ấy, nên con người vẫn luôn mãi khắc khoải, khao khát kiếm tìm. Thánh Augustino, trước khi được ơn trở lại với Chúa, đã đi tìm hạnh phúc ở nơi các tạo vật. Vẻ đẹp của chúng đã làm ngài say mê. Nhưng sau khi được thoả mãn với những vẻ đẹp và thú vui nhục dục, ngài vẫn cảm thấy nội tâm trống rỗng và buồn chán. Sau khi được ơn sám hối, ngài đã diễn tả tâm trạng này: “Chúa đã tạo dựng con cho Chúa, và lòng con những khắc khoải cho tới khi được an nghỉ trong Chúa”.


Như vậy, cuộc sống trần gian chỉ là một hành trình đi tìm hạnh phúc. Và hạnh phúc viên mãn thực sự chỉ có ở nơi Thiên Chúa, bởi chỉ có Ngài mới hoàn hảo. Mọi sự nơi trần gian này đều hữu hạn không thể lấp đầy những khát vọng vô biên của con người, khiến con người không thoát khỏi sự buồn chán sâu xa nếu chưa gặp được Thiên Chúa.


Hiểu như thế, khi gặp buồn chán, đau khổ, tôi cố gắng mang tất cả vào cầu nguyện, vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Trong thinh lặng, tôi nhìn thẳng vào nỗi buồn chán vu vơ trống rỗng của tôi. Tôi nói với Chúa về chính sự buồn chán ấy. Tôi gặp được Chúa – Đấng là nguồn hạnh phúc, tôi gặp được chính mình, và còn gặp Đức Giêsu là mẫu gương giúp tôi biến đau khổ và buồn chán thành của lễ hy sinh.  Niềm tin vào Đức Giêsu, cùng với mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài, giúp tôi biết mình từ đâu đến, sống để làm gì và đi về đâu.


Tôi nhìn lên Chúa Giêsu, người Anh Cả đã đi bước trước trong cuộc lữ hành đức tin. Ngài sống những năm tháng ở trần gian trong thân phận người phàm với những thăng trầm của kiếp người, những lầm than vất vả, những khổ đau, nhất là trong 3 năm cuối đời. Đặc biệt nhất trong biến cố Vượt Qua, Ngài rơi vào cảnh buồn sầu ở vườn Cây Dầu. Các môn đệ đã để mặc Ngài chìm trong sự cô đơn sợ hãi trước những cực hình Ngài sắp chịu.


Điểm son trong mọi biến cố của cuộc đời Ngài là Ngài luôn hướng về Chúa Cha, luôn cầu nguyện với Chúa Cha. Khi đối mặt với những khó khăn thử thách, Ngài cũng sợ hãi và cầu xin cùng Chúa Cha: “Lạy Cha nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này…” (Mt 26, 39).


Khi tôi buồn chán, mệt mỏi chẳng muốn làm gì, tôi liên tưởng hình ảnh Đức Giêsu bị té ngã khi Ngài vác thánh giá. Sức nặng của cây thập giá và những roi đòn đã khiến ngài quá mệt mỏi. Lúc đó chắc hẳn ngài cũng muốn nghỉ ngơi, buông xuôi. Nhưng Ngài luôn gượng dậy ôm lấy cây thánh giá, đi trọn hành trình cứu độ, chấp nhận cái chết đau thương để rồi phục sinh vinh hiển. Hình ảnh đó thôi thúc tôi đón nhận thánh giá là những đau khổ buồn chán không thể tránh khỏi của thân phận làm người, can đảm đi theo Ngài trong cuộc hành trình thập giá với hy vọng chắc chắn sẽ được phục sinh viên mãn trong hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài.


Như vậy, thay vì trốn chạy những buồn chán, đau khổ, tôi đối diện trực tiếp với nó, đón nhận nó trong cầu nguyện. Khi chấp nhận thân phận mỏng manh của kiếp người, nỗ lực chu toàn bổn phận trách nhiệm trong hiện tại, tôi thấy nhẹ nhàng hơn, bình an hơn.


Trong cầu nguyện, nỗi buồn chán đau khổ của tôi được thánh hoá cùng với những đau khổ của Chúa Giêsu trong thân phận con người, vẫn đang tái diễn nơi những anh chị em đang gặp đau khổ qua những hình thức khác nhau. Cầu nguyện giúp tôi kín múc được sức mạnh tinh thần, giúp tôi không bị lạc lõng giữa dòng đời nổi trôi, giúp cho đau khổ và sự buồn chán của tôi trở thành phương tiện của ơn cứu rỗi.

THÁNH GIUSE: MẪU GƯƠNG TUYỆT VỜI VỀ THIÊN CHỨC LÀM CHA


 WHĐ (18.3.2022) – Ngày 19.3 hằng năm, lịch phụng vụ Giáo hội dành mừng kính Thánh Giuse, với tước hiệu Bạn trăm năm Đức Trinh nữ Maria. Đây cũng là dịp để mời gọi chúng ta cùng chiêm ngắm thiên chức làm cha của vị thánh Cả, tuy rất thầm lặng nhưng rất quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.


Được chọn để thi hành sứ mạng kép, vừa là Hôn phu của Đức Maria, vừa là người cha trần thế của Chúa Giêsu, Thánh Giuse chắc chắn đã được Thiên Chúa ban tặng vô vàn ân sủng để chu toàn sứ mạng cao cả này.


Thánh Giuse với tư cách là Cha


Một trong những công trình đáng kinh ngạc và vượt tầm hiểu biết của chúng ta đó là Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Ngài là Chúa Giêsu đến trần gian trong thân phận xác phàm. Ngôi Hai Thiên Chúa giờ đây trở thành một Hài nhi Giêsu yếu đuối, dễ bị tổn thương, và hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ và người cha nuôi nhân loại – Đức Maria và Thánh Giuse. Thật vậy, trong ý muốn của Thiên Chúa, Thánh Giuse đã và luôn là người cha trần thế của Chúa Giêsu! Và dĩ nhiên, Thánh Giuse là người cha tuyệt vời nhất trong tất cả những người cha trần thế.


Sau đây là 5 đức tính cụ thể mà Thánh Giuse đã thể hiện thiên chức làm cha với Đức Giêsu và trở thành kiểu mẫu cho mọi người cha trong sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa đã giao phó.


Thánh Giuse là một người con trung thành của Thiên Chúa Cha Hằng Hữu.

Điều này có nghĩa là: để trở thành một người cha tốt, trước hết người ta phải là một người con ưu tú, biết yêu mến và vâng phục Cha trên trời. Để được như thế, mỗi người cha phải thành tâm cầu nguyện bằng lời cầu nguyện của chính Chúa Giêsu: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng …”. Một người cha đích thực phải có Thiên Chúa là Đấng hướng dẫn, là sự sống, là nguồn mạch, và là nguồn cảm hứng của mình. Xin cho những người cha biết noi gương Thánh Giuse, vun đắp mối tương quan sâu sắc với Cha trên trời, và học được ý nghĩa thực sự Kinh Lạy Cha mà Đức Giêsu đã dạy chúng ta.


Thánh Giuse là một người bạn đời chung thủy và yêu thương

Phụng vụ nêu bật cách Thánh Giuse yêu thương vợ của mình, Đức Trinh Nữ Maria. Từ yêu thương có nghĩa là ngài thực sự yêu Đức Maria. Đúng là cả Thánh Giuse và Đức Maria đều quyết định và sống chung thủy cuộc hôn nhân trinh nguyên, dưới sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nhưng, trên bình diện con người, đã tồn tại một tình yêu sâu sắc và năng động nhất gắn kết các ngài với nhau, một tình yêu thấm nhuần sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.


Vì vậy, để trở thành những người cha đích thực và chân chính, người chồng phải yêu Chúa, nhưng sau đó phải thực sự yêu người bạn đời của mình. Vì khi yêu vợ, tình yêu của người chồng cũng tràn ngập và tuôn đổ trên con cái, như mưa rơi làm ướt mặt đất khô cằn. Do đó, người cha đừng quên rằng: Một cử chỉ ân cần và yêu thương dành cho vợ, cũng là một cử chỉ ân cần và yêu thương dành cho chính con cái của mình!


Thánh Giuse là một người thầy

Về phương diện con người, Thánh Giuse đã dạy Đức Giêsu nhiều thực hành quan trọng. Ngài đã dạy Đức Giêsu cách nói và diễn đạt từ Abba – Cha ơi! Ngài đã dạy Đức Giêsu cách bước đi; Ngài đã dạy Đức Giêsu nghệ thuật làm thợ thủ công như một người thợ mộc. Và trên hết, Thánh Giuse đã dạy Đức Giêsu cách cầu nguyện! Chắc hẳn, ngài đã cầu nguyện và dạy Trẻ Giêsu với những lời trong Thánh Vịnh, chẳng hạn như “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì…” (Tv 23, 1). Thật siêu phàm biết bao! Thánh Giuse đã dạy Logos, Ngôi Lời Vĩnh Cửu của Thiên Chúa Cha, cách cầu nguyện bằng lời nói của con người!


Các văn kiện của Công đồng Vatican II và Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nhấn mạnh đến thực tế rằng cha mẹ – cả người cha và người mẹ – là những người thầy đầu tiên của con cái họ, nhất là về mặt đức tin. Xin Thánh Cả Giuse đạo hạnh là gương mẫu để các bậc cha mẹ thực sự là những người thầy đầu tiên và tốt nhất của con cái mình trong mọi lãnh vực: kiến thức, xã hội, nhân bản, tình cảm, nhưng nhất là về đạo đức, tâm linh, và những gì liên quan đến hạnh phúc của linh hồn và phần rỗi đời đời của con cái.


Thánh Giuse đã hiện diện với gia đình mình

Có một thực tế phổ biến và đáng buồn hiện nay là có nhiều người cha, mà chúng ta có thể gọi là những “Người cha ngoài cuộc”! Điều này muốn ám chỉ đến những người cha mang lại sự tổn hại cho sức khỏe của con cái và gia đình nói chung. Có thể kể đến những người: ly hôn, ngoại tình, hoặc những người mắc vào các tệ nạn như: rượu chè, khiêu dâm, ma túy, cờ bạc, cá độ… và cả những người cha tuy hiện diện về mặt thể lý nhưng cảm xúc thì lạnh nhạt và không có kết nối, gắn bó với gia đình.


Trong khi đó, Thánh Giuse luôn luôn hiện diện và sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của gia đình: ngài cầu nguyện với gia đình, làm việc với gia đình, dùng bữa với gia đình, đi đến Hội đường và Đền thờ với gia đình, vui vẻ với gia đình, giải trí với gia đình, và cuối cùng, chết trong vòng tay những người thân yêu nhất – Đức Giêsu và Mẹ Maria!


Thánh Giuse sẵn sàng hy sinh vì gia đình

Thánh Giuse sẵn sàng hy sinh bản thân và chịu đau khổ vì Đức Giêsu và Mẹ Maria. Điều này không xảy ra trong một trường hợp mà là bất cứ khi nào cần tới!


Trước hết, chắc chắn Thánh Giuse đã đau khổ vì sự thụ thai đồng trinh của Đức Maria! Và, khi được thiên thần giải tỏa nghi ngờ, ngài đã mau mắn đón lấy Đức Maria về làm vợ. Thứ đến, Thánh Giuse đã cùng với người vợ đang mang thai thực hiện chuyến đi dài và mệt nhọc từ Nazareth đến Bethlehem, bằng đường bộ, để khi đến nơi, ngài không nhận được gì ngoài lời từ chối: “Không có chỗ cho họ trong quán trọ!” Tiếp đến, chỉ với những lời cảnh báo trong giấc mơ, Thánh Giuse dù giữa đêm khuya đã đưa gia đình trốn sang Ai Cập, nhờ đó Hài nhi Giêsu thoát khỏi cuộc tàn sát của vua Hêrôđê… Cứ thế, là một người chồng, người cha trung tín, can đảm và vâng phục, Thánh Giuse đã trải qua tất cả những khó khăn để bảo vệ gia đình một cách cụ thể nhất.


Tình yêu của Thánh Giuse


Thánh Giuse đã hy sinh và chịu đựng tất cả những gì xảy đến với ngài một cách mãnh liệt vì một lẽ: Tình yêu. Ngài yêu Thiên Chúa; Ngài yêu người bạn đời Trinh khiết của mình; và Ngài yêu người con Chí thánh của mình bằng một tình yêu sâu sắc, trọn vẹn, tín trung.


Xin cho những người cha hiện đại của chúng ta, biết ngước nhìn lên Thánh Giuse và nài xin sự chuyển cầu từ trời cao của thánh nhân, nhất là trong những thời khắc thử thách, đau thương đòi hỏi sự quảng đại, hy sinh và quên mình. Chắc chắn, Thánh Giuse nhân lành sẽ hiện diện, đầy quyền năng để trợ giúp chúng ta trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa!


Như trong Kinh Cầu Thánh Giuse, chúng ta ca ngợi “Thánh Giuse là mẫu mực sáng láng về cách ăn nết ở trong nhà”, nên nếu Thánh Giuse được trao trọng trách trong gia đình, thì với sự trợ giúp của ngài, các gia đình thực sự sẽ trở nên tốt đẹp hơn, cao quý hơn, yêu thương hơn, và nhất là thánh thiện hơn!


Vì vậy, chúng ta hãy mời Thánh Giuse làm thành viên sống động của gia đình. Để được như thế, hằng ngày, hoặc ít là hằng tuần, gia đình hãy cùng nhau đọc kinh cầu nguyện với Thánh Cả Giuse; và nếu có thể, hãy có một bức tượng Thánh Gia, hoặc tượng Thánh Giuse đặt tại nơi trang trọng trong nhà, để nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của gia đình Thánh, Giêsu – Maria – Giuse, ngay giữa cuộc sống gia đình vốn đầy khó khăn, thách đố và mong manh của chúng ta.


Lm. Ed Broom, OMV


Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Theo: Catholic Exchange, 15. 3. 2022

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...