Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Nghệ thuật giáo dục trí tuệ

Theo quan niệm thông thường từ trước tới nay, người ta cho rằng trí thông minh là như gia tài tự nhiên mỗi người được lãnh nhận khi mới chào đời. Có người thì bẩm sinh vốn đã là thần đồng, người được trí thông minh xuất sắc, kẻ khác vừa vừa, và cũng không thiếu những người có trí khôn tối tăm mê muội. Tuy nhiên, ngày nay các nhà  tâm lý học và chuyên nghề giáo dục lại cho rằng, trí thông minh là tài năng có thể được huấn luyện và trau dồi. Hơn nữa, các cuộc thử nghiệm đều minh chứng và xác nhận những trực giác của các phụ huynh và của các thầy giáo, cô giáo đều đúng thật. Trong khi đó người ta cũng nhận thấy những hậu quả tai hại của các thành kiến về trí thông minh và những thiên kiến về thành công hoặc thất bại của học đường đều không khỏi sai lầm.
Cha mẹ chính là người đầu tiên có nhiệm vụ và có thể huấn luyện trí thông minh của con cái ngay từ thuở niên thiếu. Họ có thể tận dụng sự quan tâm, chú ý và tình thương để giúp phát triển trí thông minh sẵn có nơi con cái. Trí thông minh không khác gì một hạt giống hàm chứa những yếu tố cần thiết có thể phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên nó cũng đòi hỏi một mảnh đất tốt và mưa nắng hợp thời tiết để có tươi tốt và nở hoa kết trái. Cũng vậy, mỗi đứa trẻ đều có mầm mống thông minh cần được phát triển đầy đủ và hợp thời. Thế nhưng, rất tiếc là trong thập niên đầu tiên của tuổi niên thiếu có những biến cố xảy ra làm cản trở, hoặc chi phối sự phát triển bình thường và điều hoà của các em.
Trên thực tế, chúng ta có thể gặp những em xem ra rất thông minh hiểu biết nhiều điều trước khi bắt đầu cắp sách đến trường, nhưng chỉ ít lâu sau đó em đã trở thành một học sinh biếng nhác, không chút hứng thú với việc học hành nữa.
Có những em khác nuôi sẵn ác cảm với những môn học, chẳng hạn như môn toán, cả khi chưa biết làm bốn bài toán căn bản: cộng, trừ, nhân, chia là gì. Không thiếu chi những em thành công cách dễ dàng trong mọi môn học. Vậy, đâu là nguyên do những sự khác biệt hơn kém đó ?
Các nhà giáo dục cho rằng, một phần lớn lệ thuộc vào sự quyết định của cha mẹ muốn hoặc không muốn làm để huấn luyện trí thông minh của con cái.
Sau đây là một vài bí quyết căn bản và thông dụng hơn cả :
1. Trí thông minh là kết quả của việc suy tư. Người ta thường cho rằng tư tưởng nảy sinh từ trí thông minh. Nhưng nói đúng hơn thì trí thông minh càng trở nên sắc bén hơn, nếu càng được dùng đến, càng được mài dũa, khác nào con dao nếu không được dùng tới nó sẽ bị rỉ sét ăn mòn. Tầm mức phát triển của trí thông minh cũng tùy thuộc tương đương với những điều kiện thuận tiện được cống hiến cho các em.
Các em ở thành phố sau những giờ học ở trường khi trở về nhà bị đóng kín trong bốn bức tường, trải qua hàng giờ trước màn ảnh vô tuyến truyền hình, trí khôn và sự phát triển nhân bản của các em bị lệ thuộc rất nhiều bởi những gì các chương trình truyền hình cống hiến. Các em thường ở trong trạng thái thụ động lãnh nhận hơn là chủ động. Trái lại, các trẻ em ở miền quê trong bầu khí mở rộng tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, không có sẵn nhiều tiện nghi thường lại biết tháo vát và dễ phát triển óc sáng tạo hơn.
Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, huấn luyện trí thông minh của các em tức là tập cho các em biết suy nghĩ, biết đối thoại, biết phán đoán điều hay điều tốt, lẽ phải, điều trái về những chương trình, các nhân vật trên màn ảnh vô tuyến truyền hình, các sự việc, hoặc các sách báo các em đọc.
2. Trí thông minh là khả năng biết nhận định và giải quyết vấn đề. Có những cha mẹ chủ trương rằng, trong đời tôi, tôi đã phải chịu đau khổ nhiều rồi, vì thế, tôi không muốn con cái tôi phải khổ nữa. Họ tưởng rằng, làm như thế là thương yêu con cái, nhưng thực sự họ chỉ nuông chiều con cái cách thiếu khôn ngoan và không chuẩn bị hành trang vào đời cho con cái. Bởi vì trên đời này, không ai có thể tránh khỏi mọi đau khổ, nếu không là thể xác thì là đau khổ tinh thần, hoặc tâm lý, đau khổ lớn, đau khổ nhỏ, đau khổ bên trong, đau khổ bên ngoài. Nếu con cái không biết chấp nhận và thắng vượt những đau khổ nho nhỏ hôm nay, làm sao có thể sẳn sàng vượt qua những đau khổ, thử thách lớn hơn trong cuộc sống mai ngày ?
Vì thế cần giúp các em học biết cách nhìn những khó khăn trong cuộc sống thực tế, đừng sợ gọi các vấn đề bằng đích danh của nó và hướng dẫn các em tìm ra những giải quyết thích hợp hữu hiệu hơn. Để các em một mình, các em đành phải mò mẫm trong đêm tối và cũng có khi tìm người giải quyết cho các vấn đề một cách tình cờ, ngạc nhiên và may mắn.
3. Trí thông minh của các em tùy thuộc vào những thái độ của cha mẹ trước những gì có liên quan đến đời sống con cái, chẳng hạn như, học hành, giải trí và những ưu tư, cũng như quan niệm tích cực hay tiêu cực mà cha mẹ thường có về mỗi người con của mình.
Thật vậy, nếu cha mẹ nghĩ rằng con chúng tôi là đứa thông minh, họ sẽ cư xử và hành động để con cái họ trở nên như vậy. Từ cái nhìn và quan niệm tích cực về chính mình, tự nhiên sẽ dễ nảy sinh động lực và sức linh động mà đứa trẻ có thể cho vào trong các sinh hoạt của chúng, nhất là được bền chí trước những khó khăn thử thách như gió ngược chiều lái.
Căn nguyên những thất bại ở học đường phần lớn là vì thiếu động lực tinh thần.
4. Cần có quan niệm tốt và cái nhìn tích cực về các môn học cũng như những sự việc. Thật vậy, khi yêu thích điều gì thì những khó khăn đến mấy cũng có thể trở nên dễ dàng hơn. Khi các em thương mến thầy dạy thì cũng dễ dàng chấp nhận và tiếp thu nhiều hơn những điều thầy dạy cho. Trái lại, lòng ác cảm với người dạy cũng sẽ giết luôn cả sự hứng khởi và niềm vui thích học hỏi.
5. Cổ võ và nuôi dưỡng óc sáng tạo của các em. Trí tưởng tượng là cha mẹ phát sinh ra óc sáng tạo và là yếu tố người ưa thích nhất là trong xã hội đầy những phát minh mới lạ ngày nay. Óc sáng tạo có thể người cổ võ bằng nhiều cách, không những chỉ qua sách vở, hình ảnh mà thôi, nhưng còn qua những sinh hoạt khác nữa, như âm nhạc, kể chuyện, tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên v.v…
Nhà tâm lý David Lewis đề nghị 5 điểm sau đây để nhận định khả năng trí tuệ của các em :
a. Mỗi người có một cách phản ứng riêng trước những hoàn cảnh của cuộc sống. Không có phản ứng nào người coi là tuyệt đối thông minh, hoặc khờ dại cả. Cần biết thông cảm nhất là trước  những phản ứng lập dị làm chúng ta cảm thấy khó chịu.
b. Đừng quên rằng các nhận định đều có  tính cách chủ quan. Khi chúng ta nghĩ rằng đứa trẻ này thông minh, thì tự nhiên cũng dễ coi các việc em làm là thông minh tốt đẹp. Và ngược lại đối với một em đã bị coi là ngu dốt thì cũng khó mà nhận ra giá trị tốt đẹp việc em có thể làm người.
c. Đừng để cho mình quá ảnh hưởng bởi những ý kiến và phán đoán của thầy giáo, ngay cả của những nhà chuyên môn, cho dù có khách quan đến mấy đi nữa cũng không tránh khỏi những thiên kiến của nghề nghiệp.
d. Cũng đừng quá tin tưởng vào  kết quả các bài thi trắc nghiệm về trí thông minh, bởi vì con người không phải là cái máy có thể đo lường hết được, nhưng được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, có tự do, có thể thay đổi và có thể người ơn Thánh Chúa đổi mới và hoạt động của Ngài không ai có thể kiểm soát được.
e. Đừng áp đặt tư tưởng hoặc thái độ của mình như mực thước đo lường tầm trí thông minh con cái phải tuân theo, cũng đừng lập tức chê bai những gì khác lạ, xem như lập dị là ngu xuẩn. Hãy kiên nhẫn đi sâu vào động lực và lý do thầm kín và rồi chúng ta sẽ  được dịp khám phá ra hạt giống khôn ngoan đang nảy mầm cần được vun trồng và phát triển.
Ambrogio Carlo, giáo dục theo gương Don Bosco, P. 7-13
Nguồn: chuyên đề Don Bosco số 23

Không có nhận xét nào:

10 BÍ QUYẾT GIÚP BẠN THĂNG TIẾN HÔN NHÂN

Nhiều xu hướng hiện đại đang đe dọa đến sự bền vững của gia đình, kể các các gia đình Công giáo. Dưới đây là 10 gợi ý để các gia đình có thể...