Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Huyền nhiệm tình bạn

Nếu giữa sa mạc hoang vắng và cằn cỗi, một cụm cỏ hay đóa hoa dại là cả một bầu trời hy vọng cho người lữ khách; và nếu giữa sa mạc nóng cháy, một tiếng suối róc rách là cả nguồn hy vọng tràn trề cho người lữ thứ, thì tình bạn đích thực là một hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta trong hành trình cuộc đời. Một hành trình rất dài và rất xa mà ta không thể đi một mình! Thế nên, “bạn hữu” vừa là một ý niệm có một vị thế trong trái tim vừa là một huyền nhiệm trong đời sống. Chắc hẳn nó vượt lên trên những nét điểm xuyết cho bức tranh cuộc đời ta, làm cho cuộc đời ta đầy màu sắc, phong phú và có giá trị. Do đó, có được người bạn tốt được ví như có cả một kho tàng (Cn 6,14).

Tình bạn có thể bắt đầu ở những hoàn cảnh khác nhau, và người ta kết bạn cũng có nhiều lý do khác nhau. Triết gia vĩ đại Aristotle nói, đời người thường có ba loại tình bạn [1]. Trước hết, đó là tình bạn vì lợi ích bản thân, ví như tình bạn của những người làm ăn buôn bán hay những tương quan xã giao. Có thể nói đây là mức độ thấp nhất của tình bạn, theo tôi, cấp độ này chưa được gọi là tình bạn bởi đó chỉ là những tương quan xã hội nhằm mưu cầu ích lợi. Thứ hai là tình bạn của những người cùng chia sẻ những mối quan tâm hay cùng sở thích. Loại tình bạn này có vẻ “khá hơn” vì nó không nhằm đến việc thu tích lợi ích cho bản thân, song là cùng chia sẻ niềm vui qua việc cùng tham gia vào những hoạt động nào đó mà họ thích, như: thể thao, âm nhạc, hội họa, và nhiều mối bận tâm chung khác. Sau cùng là loại tình bạn giữa những người chân thành, họ kết bạn vượt lên trên lợi ích bản thân và sở thích mà vì thiện ích cho người bạn của mình. Nói cách khác, họ kết bạn vì nhắm đến sự thiện hảo của bạn mình và mong muốn những điều thiện hảo cho người bạn của mình.

Trên thực tế, nhiều lúc tình bạn bắt đầu từ những tương giao xã hội hay cùng sở thích, nhưng nó dần được “nâng cấp” và lớn lên do nó tìm được sự đồng điệu và ước ao cho nhau điều thiện hảo; tuy nhiên, cũng có những “tình bạn” chỉ dừng lại ở mức độ như lúc ban đầu mà thôi. Thật ra, người ta có thể có nhiều bạn, như bạn làm ăn, bạn đồng môn, đồng nghiệp, nhưng bạn thân thì chỉ có hạn bởi vì tình bạn chân thành luôn đặt trên nền tảng của tình yêu vô vị lợi và thiêng liêng. Tình yêu ấy ước mong sự thiện hảo cho người bạn của mình. Tình yêu ấy dẫn đến thái độ can đảm sửa lỗi cho nhau (x. Cn 27,5) để giúp nhau cùng thăng tiến, ngõ hầu làm cho cuộc đời của ta trở nên sung mãn và tự do hơn, hạnh phúc hơn. Bên cạnh yêu thương, yếu tố tôn trọng hẳn là quan yếu trong mối tương quan bạn hữu. Tôn trọng là tôi không bắt buộc bạn tôi phải giống tôi. Tôi không bắt buộc bạn tôi phải “tốt như tôi.” Tôi hiểu và chấp nhận bạn như bạn là. Và bạn cũng đón nhận tôi với con người thực của chính tôi, với tất cả những yếu đuối và năng lực của tôi. Chúng ta là bạn của nhau khi chúng ta hiểu và đón nhận sự độc đáo của nhau. Tôn trọng lẫn nhau là chấp nhận và vượt qua những khác biệt để bổ túc cho nhau, nhờ đó tạo ra sự phong phú.

Viết tới đây, tôi cảm thấy mình được đánh động sâu xa khi nghĩ về tới tình bạn trong Chúa của Những Bạn Đường Đầu Tiên của Dòng Tên, cách đặc biệt là tình bạn của Thánh I-nhã, Thánh Phêrô Farve và Thánh Phanxicô Xaviê. Trong thời gian các ngài ở đại học Paris, các ngài đã giúp đỡ nhau tiến lên trên con đường học tập và đi sâu vào mối tương quan thiết thân với Thiên Chúa. Các ngài đã luôn mưu cầu ích lợi thiêng liêng cho nhau và chia sẻ những kinh nghiệm thiêng liêng cho nhau. Sau này, tình bạn sâu xa ấy được Thánh Phanxicô diễn tả ra bên ngoài bằng cách cắt tên và chữ ký của các bạn, bỏ vào một túi nhỏ và luôn đeo trước ngực- để luôn nhớ tới những người bạn của mình- khi ngài được sai đi sứ vụ ở miền Viễn Đông xa xôi.

Nhưng nếu có những tình bạn chân thành, đáng ngưỡng mộ thì cũng không thiếu những kẻ lợi dụng bạn bè để mưu cầu ích lợi cá nhân. Gặp phải những người bạn như thế quả là bất hạnh và đau khổ. Thánh vịnh gia cũng phải thốt lên trong hoàn cảnh bi đát ấy: “Cả người bạn thân con hằng tin tưởng, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con” (Tv 40,10). Những kinh nghiệm đau thương này cho chúng ta biết phải sáng suốt lựa chọn bạn bè, đôi khi cũng phải thật dè dặt. Đây cũng là một khía cạnh của huyền nhiệm tình bạn. Hóa ra, tình bạn cần phải được “thử nghiệm” trong những gian truân và thời gian hẳn là “phép thử” khả dụng nhất. Chính thời gian và thử thách làm cho tình bạn càng ngày càng trở nên “chất” hơn, nghĩa là kho tàng ấy ngày càng lớn mạnh và vững chắc hơn. Quả thế, với thời gian, tình bạn chân thành được lớn lên trong khi thấy những lỗi lầm, yếu đuối và qua việc chia sẻ những ước mơ. Tình bạn được củng cố khi những điều tận thâm tâm được thốt lên và những đau đớn mất mát đau thương được đồng cảm. Tình bạn sẽ sống mãi dù có những hiểu lầm và nó được lớn mạnh nhờ vượt qua những nỗi sợ hãi. Tình bạn đích thực vượt lên trên những quà tặng vật chất; và đôi lúc nó thực sự lớn lên nhờ những nỗ lực, hy sinh và cả sự thương tổn. Điển hình như tình bạn của Chúa Giêsu và Thánh Phêrô. Vì thế, một tình bạn thực sự vững bền nhờ những thử thách và gian khổ, bởi trong gian nan thử thách ta mới biết đâu là người bạn đích thực, như sách Huấn Ca nói: “Có người là bạn khi đồng hành với con, nhưng ngày con gặp nạn, nó chẳng còn là bạn nữa. Khi con gặp may, thì nó chẳng khác nào chính con, nhưng lúc con sa cơ, nó liền chống lại và lánh mặt con” (Hc 6,10-12).

Tình bạn đích thực không thể mua bán hay có được nhờ những mưu mô thấp hèn. Tình bạn chỉ có thể là quà tặng của Thiên Chúa ban, để nâng đỡ con người trong hành trình cuộc đời, để cuộc đời họ sung mãn và hạnh phúc hơn. Nhiều khi chính ta cũng không hiểu vì sao ta là bạn với người đó, cũng không nhớ lúc nào tình bạn nảy sinh. Tình bạn chân thành vẫn là một huyền nhiệm nhưng ta có thể hiểu rằng, đó là ân sủng- quà tặng của Thiên Chúa.

Xin mượn lời của Anselm Grün trong “Một chút suy gẫm về huyền nhiệm của tình bạn” để kết thúc. Đó cũng là điều tôi mong ước gởi đến bạn:

Tôi mong bạn có một bạn trai,

với anh, bạn có thể chia sẻ những suy nghĩ,

các tình cảm và các kinh nghiệm của mình.

Tôi mong bạn có một người bạn gái,

gần bên cô, bạn có cảm tưởng như bạn đang ở nhà mình,

gần bên cô, bạn cảm thấy được con người đích thực của bạn,

gần bên cô, lòng bạn dâng lên lòng biết ơn đã có được cho đời mình,

và… cho tình bằng hữu của mình.

Trình Phan Sinh, SJ




[1] X. Aristotle, Nicomachean Ethics, (Indianapolis/Cambridge: Hackett Publishing Company, Inc., 2014), 136-174.

Nếu bạn nhận ra

Một ngày nọ, khi dừng chân bên giếng Giacóp vào lúc mặt trời đứng bóng, Chúa Giêsu đã gặp một người phụ nữ mang vò ra giếng kín nước. Đó là một phụ nữ Samari. Người Do Thái không bao giờ liên hệ hoặc kết thân với người Samari, vì mối hận thù truyền kiếp giữa hai dân tộc. Vậy mà Chúa Giêsu đã chủ động ngỏ lời xin chị cho nước uống. Trong cuộc trao đổi với người phụ nữ này, Chúa đã muốn chuyển tải cho chị giáo lý về Cha trên trời, giúp chị nhận ra đâu là sự thờ phượng đích thực. Người đã nói với chị: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban…” (x. Ga 5,7-42). Hôm nay, Chúa cũng đang nói với chúng ta những lời gợi mở ấy: “Nếu bạn nhận ra…”. Trong cuộc sống bon chen tính toán này, có biết bao điều tốt đẹp hữu ích thiết thực trong cuộc sống, nhưng chúng ta vô tình hay hữu ý không nhận ra. Có thể vì thế mà chúng ta vẫn nhìn đời với cái nhìn bi quan, tiêu cực. Có thể vì vậy mà chúng ta còn ngại dấn thân để đem niềm vui của Chúa đến cho cuộc đời.

Nếu bạn nhận ra những ân huệ Chúa ban! Người tín hữu xác tín rằng, tất cả những điều tốt lành đều bởi Chúa. Bởi lẽ Ngài là nguồn mạch của sự thánh thiện và là Đấng ban phát mọi ơn lành. Con người sống ở đời được bao bọc và ngập tràn trong ân sủng của Chúa. Ơn của Ngài như hơi thở, như sức sống. Thiếu vắng ơn Chúa, chúng ta sẽ lầm lạc, thậm chí trở về trống rỗng hư vô. Ơn lớn nhất Chúa ban cho chúng ta đó là làm người và hiện hữu trên trần gian. Cha mẹ sinh ra ta, nhưng Chúa dựng nên ta. Cha mẹ dưỡng nuôi ta, nhưng Chúa làm cho chúng ta khôn lớn trưởng thành. Chúa cũng ban cho chúng ta có gia đình, bạn hữu, nghề nghiệp và môi trường sống. Người có đức tin nhận ra mọi loài thụ tạo xung quanh được Chúa dựng nên để phục vụ con người, và giúp con người thăng tiến. Nhận ra ơn Chúa, chúng ta hãy cám ơn Ngài và sử dụng những ơn ấy một cách hữu hiệu, mang lại ích lợi cho bản thân và cho gia đình, xã hội.

Nếu bạn biết nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên vũ trụ là một tác phẩm tuyệt diệu của Thiên Chúa! “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia” (Tv 19,2-3). Như một họa sĩ tài ba để lại chữ ký của mình trên tác phẩm, Thiên Chúa cũng để lại dấu ấn của Ngài nơi vũ trụ. Khi chiêm ngắm vẻ huy hoàng của thiên nhiên, chúng ta nhận ra Đấng Sáng tạo đã khôn ngoan tài tình dựng nên những điều kỳ vĩ. Nhận ra vẻ đẹp của một bức tranh, chúng ta khen ngợi người họa sĩ đã vẽ nên bức tranh tuyệt tác đó. Cảm nhận sự tuần hoàn của thời tiết bốn mùa thay nhau đắp đổi, chúng ta thấy rõ bàn tay của Đấng toàn năng đã khôn ngoan sắp đặt. Như tác giả Thánh vịnh, chúng ta thốt lên: “Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu! Uy phong Ngài vượt quá trời cao” (Tv 8,2).

Nếu bạn nhận ra Chúa Cha là Cha chung của mọi người! “Không có sự khác biệt giữa người Do Thái và người Hy Lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người” (Rm 10,12). Chúa Giêsu đến trần gian để quy tụ mọi dân tộc, làm thành một gia đình. Gia đình này có Thiên Chúa là Cha. Người luôn quan tâm, bao bọc yêu thương con người. Người là Đấng sáng tạo vũ trụ trời đất và con người. Người luôn quan phòng gìn giữ công trình tạo dựng và làm cho công trình ấy phát triển tới tầm mức viên mãn. Dù con người phạm tội làm cho các loài thụ tạo bị ảnh hưởng nhơ uế, Thiên Chúa vẫn yêu thương và không bỏ rơi công trình sáng tạo của Ngài. Ngài sai Con Một xuống thế gian, cứu chữa những gì đã hư mất, khôi phục vẻ đẹp nguyên sinh thời ban đầu. Chúa Giêsu là Đấng Cứu chuộc con người. Máu của Người đổ ra trên thập giá, đã thanh tẩy loài người và cả công trình sáng tạo khỏi những vết nhơ của tội lỗi. Nhờ Đức Giêsu, trong Đức Giêsu và với Đức Giêsu, con người có thể thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”

Nếu bạn nhận ra mọi người là anh chị em! Con người sống trên đời không phải một thứ hàng hóa được đúc khuôn hàng loạt, nhưng mỗi người đều có sự khác biệt. Chính sự khác biệt này làm nên cuộc sống phong phú, sinh động. Thiên Chúa biết rõ những khác biệt ấy. Ngài biết rõ từng sợi tóc trên đầu mỗi người. Ngài thấu tỏ từng con chim hoang dại và chăm sóc mỗi bông hoa mong manh trước gió. Nếu mọi người mang những nét khác biệt, thì đó không phải là để gây mâu thuẫn, nhưng là để bổ túc tương trợ lẫn nhau. Người tin Chúa sẽ coi mọi người là anh chị em. Nhận ra mọi người đều cùng chung sứ mạng nên thánh, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông và nâng đỡ nhau trong cuộc đời. Những va chạm sẽ được giải quyết trong yêu thương. Những lỗi lầm sẽ được cảm thông tha thứ. Những niềm vui sẽ được chia sẻ. Những gánh nặng sẽ được đỡ nâng. Tình làng nghĩa xóm vốn được coi trọng trong truyền thống văn hóa Việt Nam “tắt lửa tối đèn có nhau”, nay được thấm nhuần tinh thần bác ái Phúc âm “yêu người như mình ta vậy”, càng trở nên thắm thiết đậm đà.

Nếu bạn nhận ra những niềm vui và hạnh phúc bình dị xung quanh mình! Cuộc sống ích kỷ nhiều khi làm ta quên mất những điều tốt đẹp nơi anh chị em mình. Quả thật, dù trong hoàn cảnh nào, tận thâm tâm con người vẫn còn những điểm sáng của lòng nhân ái. Cũng có thể do ta chưa nhìn thấy; cũng có khi do điểm sáng ấy chưa có cơ hội thể hiện. Mỗi người cần nhận ra những điều tốt đẹp nơi người bạn đời, nơi những người hàng xóm, nơi những đồng nghiệp. Chúng ta thường có khuynh hướng khai thác những khuyết điểm của người khác mà ít khi đề cập tới những điểm tốt nơi họ. Đó cũng là trào lưu và cách thức thông tin thời nay. Người ta thích đọc những tin giật gân, những nội dung phản ánh những điều tiêu cực trong cuộc sống. Ít khi người ta quan tâm đến những nét đẹp bình dị trong cuộc sống, như bác xích lô thực thà nhân hậu, anh xe ôm nghèo sẵn sàng trả lại tiền cho người đánh rơi; người mẹ nghèo kiên trì nhẫn nại chăm sóc chồng con bệnh tật. Những bạn trẻ tình nguyện tham gia những phong trào an toàn giao thông hoặc vì một thành phố xanh sạch đẹp. Đó là những điểm sáng trong cuộc đời, nhằm kết nối yêu thương và nhằm đem lại niềm vui hạnh phúc cho đồng loại.

Những suy tư trên đây đều khởi đầu bằng chữ “nếu”. Điều đó có nghĩa chúng còn là những ước mơ. Tuy vậy, đó không phải là những mơ mộng hão huyền, nhưng là những điều có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta thành tâm thiện chí. Hơn nữa, chúng ta còn có Chúa luôn đồng hành và phù giúp chúng ta. Người phụ nữ Samari đã nhận ra nơi Đức Giêsu là một vị ngôn sứ và là Đấng Thiên sai. Chị đã vượt qua thành kiến mặc cảm, để đón nhận giáo huấn của Chúa. Cuộc đời của chị đã rẽ sang một hướng mới. Chị không chỉ là một tín hữu, mà còn là một môn đệ nhiệt thành truyền giáo. Chị đã bỏ vò nước, chạy vào thành và nói với mọi người: hãy đến đây mà xem…(x. Ga 4,29).

Nếu bạn nhận ra Thiên Chúa là Cha yêu thương bạn, bạn cũng giống như người phụ nữ Samari, vừa cảm nhận sự ngọt ngào của đức tin, vừa được thôi thúc để làm chứng nhân đức tin trước mặt mọi người. Cuộc sống sẽ ngập tràn niềm vui. Thánh Phaolô quả quyết với chúng ta: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10,9).

Tháng 7-2017

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Đi Tìm Lẽ Sống

Bài hát một cõi đi về của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có câu “bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Câu hát vốn rất đỗi quen thuộc, nhưng khi dừng lại để nghiền ngẫm một chút về ý nghĩa của nó, tôi thấy thấp thoáng bóng dáng mình đang đi tìm ý nghĩa của cuộc đời. Bao lâu chưa thể chọn cho mình một “điểm dừng chân” thì bấy lâu tôi sẽ còn mãi “ra đi.”

Đâu là hạnh phúc của con người? Đâu là ý nghĩa của cuộc đời? Những câu hỏi ấy vẫn đeo đuổi tôi trên hành trình đi tìm ý nghĩa của đời mình. Tôi tìm nơi dòng tu, tìm nơi tình yêu đôi lứa, tìm ở những chốn phồn hoa, tìm ở cuộc sống đời thường…đời đã lấm biết bao bụi đường, trải qua các môi trường sống, đã giãi dầu bao gió sương nhưng vẫn không thể tìm thấy cho mình một “điểm dừng chân” nào. Cứ mãi đi tìm rồi tới một ngày mới chợt nhận ra, tôi đã đánh mất quá nhiều thì giờ và sức lực nhưng vẫn thấy cuộc đời chán chường và nhạt nhẽo.

Cuộc sống là thế, nếu không dứt khoát chọn lấy cho mình một đích đến thì cho dù đi tới đâu hay làm bất cứ điều gì đi nữa, thì không bao giờ tôi tìm thấy cho mình sự bình an. Vậy nên Jeff Bezos đã không ngần ngại khi nói rằng: “Cuối cùng, cuộc đời chính là sự lựa chọn của chúng ta”. Thế nhưng, cuộc sống lại có quá nhiều điều buộc tôi phải lựa chọn, mỗi lần chọn là mỗi lần tôi quyết định lấy “vận mệnh” cho chính mình. Nhưng điều quan trọng hơn là khi đã chọn lấy rồi, tôi phải dứt khoát sống với chọn lựa ấy thì may ra mới có được hạnh phúc.

Tôi chọn cho mình điều này, rồi tôi lại nuối tiếc về điều kia. Tôi phấn đấu để trở nên mẫu người như thế này và tôi lại thích mẫu người kia hơn. Tại sao tôi phải mệt nhoài để đi tìm lẽ sống, mà không dứt khoát chọn lấy cho mình một “trạm dừng chân”? Cứ toan tính mãi làm cho tôi cảm thấy mệt nhoài, vì tôi nào biết được những gì sẽ xảy đến trong tương lai. Tại sao tôi không sống cho giây phút hiện tại! Tại sao tôi phải toan tính với những gì đang diễn ra! Tại sao tôi lại tham lam ích kỷ sống cho mình mà quên đi những cảm nhận của người khác! Một mai kia, những toan tính của tôi liệu còn tồn tại, như những áng mây trên bầu trời rồi cũng tan đi. Cứ trượt dài trên những khoảnh khắc của những mông lung về đời người, về số phận thì đâu là nơi cho tôi cảm giác bình yên!

Thế đấy, hạnh phúc không ở đâu xa nhưng ở ngay bên cạnh tôi, ngay trong những điều tôi chọn lựa, ngay chính trong con người tôi đang là. Dù là tu sĩ, dù là giáo dân, dù là sang giàu hay là nghèo khó thì nơi tôi đang sống vẫn có những áng mây bay không bao giờ biết mỏi mệt, những chú chim vẫn cất tiếng hót líu lo, tất cả đều làm những nhiệm vụ của mình là ca ngợi Đấng đã ban cho sự sống. Hãy chọn lấy một “trạm dừng chân” và sống hết mình với chọn lựa ấy, vì chúng ta chỉ đang làm phần trách nhiệm của mình mà thôi.

Anthony

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Đời Dâng Hiến

Vì yêu Chúa đã gọi mời,

Gọi con vào sống cuộc đời hiến dâng,

Dù con bất xứng muôn phần,

Dù con là một tội nhân trước Ngài.

Nhưng Chúa đâu phải quan sai,

Chúa nào có phải độc tài trần gian,

Dù là vua cả cao sang,

Vì con tội lỗi Chúa mang phận người.

Chúa ơi! Con đã hiểu rồi,

Tình yêu của Chúa cao vời biết bao.

Dẫu con tội lỗi thế nào,

Tình yêu Chúa vẫn dạt dào vô biên…

Quyết tâm con nay đứng lên,

Dốc lòng dứt bỏ ưu phiền bấy nay.

Quyết theo chân Chúa tháng ngày,

Lời Chúa con nguyện hăng say rao truyền.

Đời tu con quyết trung kiên,

Nguyện ước đem nhiều con chiên trở về.

Những ai đang sống bên lề,

Con nguyện phục vụ chẳng nề gian nan.

Những anh chị em khô khan,

Con nguyện gắng sức bảo ban nguyện cầu.

Ai đang sống trong khổ đau,

Con nguyện bắc một nhịp cầu tình yêu.

Những ai luôn sống tự kiêu,

Con nguyện khôn khéo dạy điều khiêm nhu.

Ai sống trong cảnh ‘lao tù’,

Con nguyện thăm hỏi mong bù tình thân.

Con nguyện đến với tha nhân,

Hết thảy mọi người đang cần tình yêu.

Dẫu con còn khiếm khuyết nhiều.

Vẫn tin ơn Chúa ban nhiều trên con,

Giúp con sống nên vuông tròn,

Để phụng sự Chúa sắt son trọn đời.

Để phục vụ hết mọi người,

Hầu cho danh Chúa rạng ngời khắp nơi…

Nguyện cho con đến cuối đời,

Một lòng mến Chúa chẳng ngơi bao giờ.

Rừng Xanh

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Có Chúa trong đời

Cách nay vài thập kỷ, khi đề cập đến chính trị và tôn giáo, người ta thường tranh luận với nhau về hữu thần và vô thần. Những người vô thần thì cho rằng tôn giáo chỉ là nhất thời, tồn tại theo nhu cầu của một “bộ phận quần chúng”. Theo họ, tôn giáo sẽ biến mất khi khoa học kỹ thuật phát triển và đời sống kinh tế được cải thiện. Những người chủ trương hữu thần thì tìm mọi dẫn chứng để quả quyết Thượng Đế hiện hữu trong thiên nhiên vũ trụ và trong chính cuộc đời con người. Cuộc tranh luận giữa hữu thần và vô thần, dù uyên bác đến đâu, cũng không thể đi đến tận cùng, vì lý trí con người hữu hạn, không thể thấu đạt những lãnh vực siêu nhiên. Con người có thể “chạm tới” Thượng Đế, nhưng cũng phải khoanh tay bất lực khi muốn tìm hiểu về Ngài. Dù con người có tin hay không, Ngài vẫn hiện hữu trong đời.

Thiên Chúa có hiện hữu không? Con người sau khi chết sẽ đi về đâu? Để trả lời cho những vấn nạn này, ông Blaise Pascal (1623 – 1662), một triết gia, nhà thần học và toán học người Pháp đã diễn tả đức tin như một “cuộc cá cược”. Người tham gia cá cược chấp nhận đem cả cuộc đời của mình cho sự may rủi. Khái niệm “cá cược” do chính tác giả đã sử dụng. Theo ông, tin và không tin có Chúa là hai lập trường song hành. Có thể Thiên Chúa hiện hữu và cũng có thể Ngài không hiện hữu. Nhưng nếu như Ngài hiện hữu thì sao? Vậy, giữa hai lập trường này, ông chấp nhận Thiên Chúa hiện hữu. Con người sinh ra rồi có lúc phải chết, vì cuộc đời này hữu hạn. Vào lúc cuối của cuộc đời, nếu Thiên Chúa hiện hữu, những ai tin vào Ngài sẽ có một chỗ trên thiên đàng. Nếu giả sử Thiên Chúa không hiện hữu, thì những ai tin vào Ngài cũng chẳng thiệt thòi mất mát gì. Hơn nữa, tin vào Thiên Chúa sẽ làm cho cuộc sống luân lý tốt lành hơn.

Trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã mời gọi các tông đồ đi theo Người, không phải như một cuộc cá cược, nhưng một dấn thân với niềm xác tín tuyệt đối. Khi Phêrô hỏi: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!”. Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,28-30). Môn đệ chân chính là người “liều lĩnh” đem cuộc đời mình để đánh một ván cờ mà kết quả không chỉ là 50/50, nhưng là ăn chắc 100%. Khi còn đang vá lưới tại bờ biển hồ Galilêa, Phêrô và những môn đệ đầu tiên đã dứt khoát bỏ mọi sự mà đi theo Đức Giêsu. Tiếng gọi “Hãy theo Ta” rất đơn sơ nhưng cũng rất huyền nhiệm. Tiếng gọi ấy có sức thu hút mạnh mẽ đối với các ông. Họ chấp nhận đánh đổi tất cả những người thân cùng với mọi tài sản mình có, để đi theo Đức Giêsu. Sau này, tuy có những lúc dao động và yếu đuối, các ông vẫn một niềm thành tín với Thày và làm chứng về Thày cho đến hơi thở cuối cùng.

Nếu cuộc cá cược của Blaise Pascal chỉ nhắm tới đáp số ở phút cuối cuộc đời, thì thực ra những ai theo Chúa sẽ được thưởng công ở đời này như Chúa Giêsu đã hứa trên đây. Quả vậy, đức tin khẳng định với chúng ta: những ai dấn thân theo Chúa được Ngài thưởng công. Có những phần thưởng chúng ta đón nhận hằng ngày mà chúng ta không nhận ra. Mỗi người trong chúng ta đã hơn một lần cảm nghiệm sự tốt lành Chúa ban cho mình khi mình thực thi giáo huấn của Chúa để chia sẻ giúp đỡ người bất hạnh, khi tha thứ cho người xúc phạm đến mình, và nhất là khi dấn thân cộng tác loan báo Tin mừng. Vào thời sơ khai của Giáo Hội, các tông đồ đã cảm nhận rõ có Chúa ở với các ông (x. Mc 16,20). Nhờ sự hiện diện kỳ diệu của Đấng Phục sinh mà các ông có thể làm được phép lạ. Do Chúa hiện diện và hoạt động cùng với các ông mà lời giảng dạy của các ông được đón nhận và sinh hoa kết trái. Nhiều người trong chúng ta vô tình, không nhận ra sự hiện diện của Chúa, và vì thế, đức tin và hành động nơi họ bị tách rời. Họ vẫn tuyên xưng đức tin, nhưng không sống theo đức tin. Vì không tin có Chúa hiện diện mọi nơi mọi lúc, nên nhiều người vẫn phạm tội và sống như thể không có Thiên Chúa. Thiếu niềm xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa, con người dễ sa ngã và lạc đường.

Tin có Chúa hiện diện sẽ làm cho cuộc đời này có ý nghĩa. Tại một số quốc gia giàu có như Nhật Bản và Hàn Quốc, tỷ lệ người tự tử được cho là cao nhất thế giới. Một nguồn khảo sát của cơ quan y tế cho rằng mỗi năm Việt Nam có 36.000 đến 40.000 người tự tử, tức cao hơn 3-4 lần so với con số 10.000 đến 13.000 người tử vong vì tai nạn giao thông. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới cho biết mỗi năm có 1.000.000 người trên thế giới chết vì tự tử, trung bình cứ một phút lại có hai người chết. Dự báo đến năm 2020, số người tự tìm đến cái chết sẽ cao hàng đầu trong các loại tử vong (nguồn: Báo điện tử Tuổi trẻ, ngày 11-6-2016). Tại sao người ta tìm đến cái chết? Thưa, vì họ cảm thấy cuộc đời này trống rỗng vô nghĩa. Trong số những người tự tử, có những ngôi sao điện ảnh, người mẫu hoặc người giàu có thành đạt. Tuy vậy, sự nổi tiếng và thành đạt không làm họ hạnh phúc. Họ không tin vào tương lai. Họ cũng không còn hy vọng nơi những người thân và gia đình. Họ đã tìm đến cái chết như tự giải thoát khỏi nỗi khốn cùng bế tắc. Người tin vào Chúa, kể cả trong những lúc bi đát của cuộc đời, vẫn tin rằng có Chúa là nguồn nâng đỡ. Họ cũng tin rằng những khó khăn bế tắc chỉ là nhất thời, sẽ chóng qua. Đặc biệt, họ tin vào sự bất tử của linh hồn, vào hạnh phúc thiên đàng và hình phạt hỏa ngục. Những ai tin vào Chúa sẽ yêu mến cuộc đời này và nhìn nó với cái nhìn lạc quan hy vọng hơn. Bởi lẽ, chỉ có Chúa là Đấng có thể lấp đầy những khát vọng vô biên của con người.

Tin vào Chúa hiện diện, chúng ta sẽ thấy tâm hồn ấm áp, hết cô đơn. Bởi lẽ, chúng ta tin rằng, trong cuộc sống, dù không còn ai lắng nghe lời tâm sự của chúng ta, dù không còn nơi nào cho chúng ta tìm nơi nương ẩn vững chắc, thì vẫn còn có Chúa. Trong tâm tình tín thác, tác giả Thánh vịnh đã quả quyết: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa,
thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27,10). Chính Thiên Chúa cũng cam đoan với chúng ta: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Dù cuộc đời còn nhiều sóng gió, nhưng những ai tin vào Chúa sẽ có sức mạnh để vượt lên những thử thách gian nan. Thiên Chúa là nơi náu ẩn cho những ai trông cậy Ngài, mặc dù đó là những tội nhân, vì lòng thương xót của Ngài thật bao la. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã đến trần gian này để chung chia phận người với chúng ta. Người không khước từ hoặc hủy bỏ thập giá, nhưng Người đã mang thập giá trên vai và đã chấp nhận chết treo trên thập giá. Thiên Chúa không hủy bỏ những thử thách cám dỗ trong cuộc đời con người, nhưng đã sai Con của Ngài đến trần gian để cùng vác thập giá với họ, để rồi những ai kiên nhẫn vác thập giá trên đường đời với tâm tình yêu mến và phó thác của Đức Giêsu, sẽ được Người nâng đỡ.

Sau cùng, tin vào Chúa sẽ giúp đời sống luân lý của chúng ta tốt hơn, vì chúng ta xác tín rằng Chúa biết hết mọi sự, kể cả tư tưởng thầm kín của con người. Một khi xác tín điều đó, chúng ta sẽ không còn dám làm điều khuất tất. Những hành động, lời nói cũng như tư tưởng của chúng ta sẽ thận trọng hơn, vì người ta có thể dối trá với con người, chứ không thể dối trá với Thiên Chúa. Trong xã hội của chúng ta hôm nay, sự dối trá ngày càng nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thiếu trung thực là người ta không tin vào Thượng Đế và các vị thần linh. Nhiều người chủ trương rằng cuộc sống con người chỉ thuần túy là vật chất. Họ quả quyết rằng chết là hết; các lễ nghi tín ngưỡng và cả tôn giáo cũng chỉ là những sinh hoạt văn hóa mà thôi. Không tin vào Thượng đế và thiếu lòng tín thác nơi Ngài, con người không thể tự hoàn thiện đời sống của mình trong tương quan đối xử với anh chị em.

Như người lữ khách đang miệt mài bước trên đường mà tin chắc có người thân đang đợi mình ở điểm đến, người Kitô hữu cũng tin chắc có Chúa đang đợi chúng ta ở cuối cuộc đời. Không chỉ chờ đợi chúng ta ở đoạn cuối đường đời, Chúa đang đi cùng với chúng ta trong mỗi bước đường, để rồi, nhờ có Chúa cùng đi, chúng ta sẽ ngập tràn hạnh phúc và nhận ra: có Chúa trong đời.

Tháng 7-2017

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

Khi mệt mỏi chán chường thì làm gì?

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin lúc 12 giờ trưa Chúa nhật 09.07.2017 tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha giúp mọi người nhận thấy cách thế cần hành xử khi mệt mỏi chán chường trong cuộc sống. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến!

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Hãy đến với Ta, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồ dưỡng” (Mt 11:28). Chúa không chỉ nói những lời này dành cho những người bạn của Chúa, không, Chúa nói những lời ấy là dành cho tất cả mọi người, dành cho tất cả những ai đang mệt mỏi với gánh nặng cuộc sống. Và ai có thể cảm thấy mình bị loại ra khỏi lời mời gọi của Chúa? Chúa thấu biết cuộc sống này nặng tới mức độ nào. Chúa thấu biết bao điều mệt mỏi trong tâm hồn: đó là những thất vọng, những vết thương trong quá khứ, những gánh nặng phải mang lấy, những lầm lỗi trong hiện tại, những bất định và lo âu về tương lai.

Hãy đến!

Đối diện với tất cả những điều ấy, Chúa Giêsu đã cất lên lời mời gọi, mời gọi chúng ta biết phản ứng và di chuyển. Chúa nói: “Hãy đến!” Khi gây ra những sai lỗi, chúng ta dễ bị lỳ lại tại đó. Hiển nhiên là rất khó để chúng ta có thể biết cách phản ứng và biết mở ra. Khi ấy, để mở ra thì thật không dễ chút nào. Trong những thời khắc đen tối, phản ứng tự nhiên của chúng ta là dừng lại nơi bản thân mình và nghĩ về những điều bất công của cuộc sống, nghĩ về những điều vô ơn, những điều tệ hại của cuộc đời này, và còn nhiều điều khác nữa. Chúng ta biết tất cả những điều ấy.

Có những lần chúng ta từng trải qua kinh nghiệm tồi tệ ấy. Thế nhưng, khi chỉ khép lại nơi bản thân mình, thì chúng ta thấy mọi sự là đêm đen. Sau đó, thậm chí chúng ta đem nỗi buồn ấy về nhà và để cho nỗi buồn ấy thôi thúc chúng ta. Buồn như thế thì thật là tệ. Thay vào đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ra khỏi cái hố cát lún ấy, và Chúa nói với từng người chúng ta: “Hãy đến!” – nhưng mà ai đến? – “là bạn, chính bạn…” Lối thoát của cuộc sống chính là ở trong mối tương quan này, ở trong việc đưa tay ra và ngước mắt lên, nhìn về Đấng thực sự yêu thương chúng ta.

Hãy đến với Ta!

Thực tế, nếu chỉ biết ở lại nơi bản thân mình thì không đủ, bạn phải biết được điểm đến là nơi đâu. Có nhiều điểm đến chỉ là ảo tưởng. Chúng giống như pháo hoa. Chúng hứa hẹn nhiều điều và làm bạn lạc hướng. Chúng đảm bảo cho bạn sự bình an, đem đến cho bạn chút vui vẻ, nhưng sau đó sẽ để mặc bạn trong nỗi cô đơn. Vì thế, Chúa Giêsu nói cho bạn biết, bạn cần đi đến đâu. Chúa nói: “Hãy đến với Ta!” Nhiều lần, khi phải đối diện với gánh nặng cuộc sống, hoặc khi có chuyện buồn, chúng ta cố gắng nói chuyện với ai đó biết lắng nghe chúng ta, chúng ta nói với một người bạn, nói với một chuyên gia… Làm điều ấy thì thật là tốt, nhưng đừng quên Chúa Giêsu! Đừng quên mở cuộc sống của bạn cho Chúa Giêsu, đừng quên nói với Chúa về cuộc sống của bạn, đừng quên phó dâng chính bạn và phó thác cuộc đời của bạn cho Chúa.

Có lẽ vẫn còn những ngõ ngách cuộc đời mà chúng ta chưa bao giờ mở cửa cho Chúa bước vào, những nơi ấy vẫn còn tăm tối, những nơi ấy vẫn chưa có ánh sáng của Chúa. Từng người đều có câu chuyện của riêng mình. Và nếu ai đó có những khoảng trống tăm tối, thì hãy đến với Chúa Giêsu, hãy đi đến với lòng thương xót, đến với vị linh mục, hãy đến… Hãy đến với Chúa Giêsu, hãy kể cho Chúa nghe câu chuyện của bạn. Hôm nay Chúa nói với từng người chúng ta rằng: “Can đảm lên, đứng trước sức nặng của cuộc sống, đừng bỏ cuộc, đừng khép kín nơi bản thân với những sợ hãi và tội lỗi, nhưng hãy đến với Ta”.

Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng

Chúa đang đợi chờ chúng ta, Chúa luôn mong đợi chúng ta. Chúa không giải quyết các vấn đề của chúng ta một cách thần kỳ, nhưng Chúa giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ để có sức đương đầu với các vấn đề ấy. Chúa Giêsu không gạt đi gánh nặng cuộc đời, nhưng trái tim Người mang lấy nỗi đau; Chúa không lấy thập giá khỏi chúng ta, nhưng Người vác thập giá cùng chúng ta. Và cùng với Chúa, gánh nặng ấy trở nên nhẹ nhàng, bởi vì chính Chúa là chốn nghỉ ngơi mà chúng ta kiếm tìm. Khi Chúa Giêsu bước vào cuộc đời, thì bình an đến với cuộc đời ấy, ngay cả giữa những thử thách và khổ đau. Hãy đến với Chúa và dâng cho Chúa thời gian của chúng ta, trong cầu nguyện hằng ngày, trong sự tin tưởng, trong cuộc đối thoại thân tình. Chúng ta hãy thân quen với Lời Chúa, để tái khám phá ra ơn tha thứ của Chúa mà không còn sợ hãi, để chúng ta được thanh tẩy bởi Bánh Sự Sống. Khi ấy chúng ta sẽ cảm thấy mình được yêu mến, chúng ta sẽ cảm thấy điều ấy và được chính Chúa ủi an.

Chính Chúa đã nhiều lần hỏi điều ấy, khẳng định điều ấy. Chúa lặp đi lặp lại nhiều lần trong phần cuối bài Tin Mừng hôm nay: “Hãy học cùng Ta… và anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Như thế, chúng ta học với Chúa, đi cùng Chúa. Trong những tháng hè này, chúng ta nghỉ ngơi một chút, nhưng đừng quên đi tìm sự nghỉ ngơi đích thật nơi Chúa. Lạy Mẹ Maria, Mẹ của chúng con, xin nâng đỡ chúng con, vì Mẹ luôn chăm sóc chúng con khi chúng con mệt mỏi mang gánh nặng nề. Xin Mẹ dẫn chúng con về với Chúa Giêsu.

Tứ Quyết SJ
(Radio Vaticana 09.07.2017)

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...