Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam


Kính lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam


Chúng con thật hãnh diện vì đức tin sáng ngời của các ngài trước biết bao cuộc bách hại bạo tàn. Gông cùm, đòn roi và án tử đã trở nên con đường để các ngài cùng Chúa Giêsu tiến lên đồi Canvê. Dòng máu tình yêu của các ngài đã tưới gội cho hạt mầm đức tin của lớp lớp con cháu được lớn mạnh trên quê hương Việt Nam con rồng cháu tiên. Chúng con lắng nghe bài ca tán dương Thiên Chúa mà các ngài đã cất lên bằng chính sự sống của mình; để rồi các ngài được phúc hiển vinh trong hàng ngũ các thánh. Chúng con xin viết lên đôi chút tâm tình để tỏ bày lòng ngưỡng mộ của hậu bối kính dâng lên các ngài.


Những trang sử hào hùng của các vị tử đạo được viết nên bằng giá máu đã giúp chúng con chiêm ngắm đức tin kiên vững và tình yêu mãnh liệt mà các ngài dành cho Thiên Chúa. Nhắc lại năm tháng bách đạo trên quê hương không phải để oán hờn hay gieo hận cho hậu thế, nhưng là cơ hội để chúng con nhìn đến ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa rực cháy trên pháp trường năm xưa. Thuở ấy, người ta bài xích đạo Đức Chúa Trời vì cho đó là con đường sai lạc, đạo của người nước ngoài, của kẻ phản quốc.


Từ đó bao thế lực tra tay bách bớ, tiêu diệt các tín hữu một lòng tín trung với chính Đạo. Lời Chúa Giêsu đã khắc sâu trong trái tim các ngài: “vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em”. Vâng, Thầy Giêsu đã chọn các ngài. Vì các ngài đã đáp lại tiếng gọi của Thầy Chí Thánh nên thế gian đã oán ghét rồi loại trừ các ngài. Bản án cuối cùng dành cho những con người yêu mến Thiên Chúa là đầu rơi máu chảy. Nhưng phần thưởng sau cùng dành cho những ai trung kiên chọn Chúa là phần phúc hiển vinh.


Quả vậy, những giọt máu các ngài năm xưa thấm đẫm mảnh đất hình chữ S từ nam chí bắc. Chắc hẳn người ta không ngờ rằng: càng truy lùng, tra tấn và hành quyết các ngài, tình yêu và lòng nhiệt thành làm chứng cho Thiên Chúa lại càng bùng cháy nơi lớp lớp anh hùng tử đạo. Chính ngọn lửa ấy đã thắp sáng, đang sưởi ấm cho mọi thế hệ con cháu chúng con. Hôm nay đây, nhờ ánh sáng huy hoàng của lửa mến các ngài phản chiếu, Thiên Chúa đang cho cánh đồng lúa trên quê hương chúng con trổ bông dâng tràn sức sống.


Lật lại những trang sử một thời vang bóng của các ngài, chúng con kính phục và tri ân tất cả những bậc cha ông đã một lòng với Thiên Chúa và hết mực với quê hương. Chúng con lắng nghe lời vang vọng của các ngài bày tỏ: “Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ, và kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được.”


Thiên Chúa không dạy ghét bỏ tha nhân, không xúi phản lại Đất Nước. Phải chăng định mệnh của thời cuộc đã đẩy đưa tới những cuộc bách hại khốc liệt để loại trừ những tín hữu vốn hiền hoà dễ mến. Nơi đó, người con Chúa lại lấy đức tin, lời cầu nguyện và đức bác ái để bày tỏ tình yêu của mình với Thiên Chúa và Quê Hương. Chúng con còn nhớ thánh Trần Văn Trung khẳng khái tuyên bố: “Là công dân Việt Nam, tôi sẵn sàng đi đánh giặc bảo vệ tổ quốc. Nhưng tôi không bao giờ đạp lên Thánh giá bỏ đạo chối Chúa, vì tôi là con dân của Chúa”.


Là công dân, chúng con quyết một lòng yêu thương giống nòi và gìn giữ non sông gấm vóc; là môn đệ Chúa, chúng con nhiệt thành tin yêu và phụng sự Chúa trót cuộc đời. Đó là hai mặt của tình yêu mà chúng con luôn bắt chước các ngài trong lúc gian nguy bách hại, bổn phận làm chứng cho Chúa phải được dặt lên hàng đầu. Xin các ngài chuyển cầu giúp chúng con tiếp tục thể hiện tấm lòng trung tín keo sơn với Thiên Chúa và tổ quốc thân yêu của mình.


Tin yêu Thiên Chúa trong lòng dân tộc, các ngài xả thân theo tiếng gọi của Thầy Giêsu: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Nhìn lại ba thế kỷ năm xưa, chúng con xúc động vì dòng máu các Ngài gieo vào lòng đất; để từ đó, Lời đơm hoa kết trái trên quê hương Đất Việt. Đó là nguồn sức mạnh giúp các ngài phản chiếu một lòng hân hoan bước theo con đường hẹp của Thầy Chí Thánh. Con đường hẹp với tình yêu lớn đã giúp các ngài chịu được sức nặng của gông cùm, tra tấn và đã tử đạo trên pháp trường năm xưa. Ước gì chúng con cũng can đảm từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy Giêsu.


Là thế hệ con cháu của các bậc tiền nhân son sắt một lòng với Thiên Chúa, chúng con cũng nguyện một lòng cùng với Chúa Giêsu gieo mình vào Đất Việt. Chính tình yêu Thiên Chúa đã làm cho trái tim chúng con không bao giờ mục nát, cánh hoa cuộc đời chúng con chưa một lần úa tàn, những ánh sao không bao giờ lịm tắt, những người con Chúa sống mãi không thôi. Đó là những lời nhắn nhủ của Á Thánh tiên khởi Anrê Phú Yên dành cho hậu thế chúng con. Chắc hẳn các Ngài cũng muốn chúng con dệt tiếp trang sử mến Chúa yêu người, dấn bước dựng xây quê hương trong tinh thần hăng say của người Loan báo tin mừng cho con dân Đất Việt!


Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin giúp chúng con một lòng tin yêu Thiên Chúa, hết mực xây dựng Quê Hương – một Việt Nam công bình, tự do và nhân bản.  


Mừng lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam


Giuse Phạm Đình Ngọc SJ


Thứ Năm, 2 tháng 11, 2023

Sự Sống Đời Sau


Hai chữ “đời sau” là có ý muốn nói đến “sau cái chết”. Người ta tin rằng sau khi chết đi, mình vẫn còn sống theo một cách thức nào đó, chỉ có điều, sự sống ấy như thế nào, giống và khác với sự sống mà ta đang thụ hưởng ra sao, thì chẳng ai biết được cả. Dù không biết chính xác, nhưng trong tận thâm tâm, người ta tin là nó sẽ tuyệt vời hơn bây giờ rất nhiều, rằng “người đã chết” ấy hiện diện trong một trạng thái thuần linh, “người đó” có thể nhìn thấy chúng ta, nghe biết và chứng kiến mọi chuyện đang diễn ra trong thế giới này. Thậm chí, người ta còn tin rằng, “người đã chết”, vì không còn bị kìm kẹp bởi vật chất nữa, nên “thần thông quảng đại” hơn, có thể làm được nhiều điều mà chúng ta không thể làm được. Đó là lý do vì sao chúng ta thường dành một sự cung kính cho người quá cố, chúng ta thắp cho họ nén hương, khấn vái, cầu khẩn… Nhiều người còn dâng cúng đồ ăn thức uống, trò chuyện với người đã khuất.


Ở đây, ta tạm thời không bàn đến những tranh luận và suy tư triết học cũng như thần học, nhưng hãy cùng tìm hiểu xem “ý niệm về sự sống đời sau” muốn nói với chúng ta điều gì.


Nhiều người chắp nối “đời sau” với “đời này” như một kiểu nhân quả. Đời này sống tốt thì đời sau sẽ được hưởng phúc; đời này làm nhiều điều gian ác thì đời sau sẽ chịu khổ gấp trăm ngàn lần. Ở “đời sau”, người ta sẽ hưởng hoặc gánh chịu cái mà người ta làm ở “đời này”. Lối suy nghĩ này cổ võ người ta cố gắng “làm lành lánh dữ”, tích nhiều phúc đức qua các việc bác ái, để có thể được “báo đáp” ở đời sau. Có thể có một kiểu hưởng phúc hay hình phạt nào đó mà ta không thể biết và tưởng tượng được. Những hình ảnh như linh hồn bơ vơ vất vưởng hay những ngục tù đầy rắn rết, tối tăm, lạnh lẽo, những ngọn lửa bạo tàn, hay một chốn bồng lai tiên cảnh, nơi người ta hưởng trạng thái tiêu diêu… có lẽ là những phóng chiếu của ta từ kinh nghiệm của cuộc sống này, dựa trên lối quan niệm nhân-quả ấy. Nhưng dẫu sao, khi nghĩ đến “đời sau”, ta cảm thấy được mời gọi không quá bám víu vào những vật chất ở đời này, thấy được mời gọi để mở lòng mình ra hơn, để trao ban bình thương, đón nhận tình mến. Ý thức về đời sau làm cho ta thấy sự ích kỷ, ghen ghét, mưu toan… thật nhỏ bé và tầm thường quá đỗi. Đời sau đích thực là một đời sống ở tầm cao, ở cái hướng thượng, cái siêu việt, với những giá trị trỗi vượt.


Cũng có người nhìn về “đời sau” trong sự đối lập với “đời này”. Họ cho rằng đời này đầy những khổ đau, còn đời sau là bến bờ hạnh phúc. Họ ráng gắng gượng sống cho qua kiếp này, mong chờ cái chết đến thật nhanh để kết thúc những mệt mỏi và để được hưởng sự an nhiên vô lo. Có lẽ do bị quá nhiều tai ương ập đến, những người ấy coi đời này như địa ngục, hay như một chốn đoạ đày. Không thấy được giá trị của sự sống nên họ cứ vật vờ như cọng cỏ chờ gió cuốn đi. Họ chỉ tồn tại đó thôi, chứ chẳng có gì gọi là sống cả. Có những người bi quan hơn, vội vàng tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Niềm tin Kitô giáo cảm thông với những ai đang rơi vào tình cảnh khó khăn tuyệt vọng, nhưng không bao giờ đồng tình với lối suy nghĩ này. Đã đành, sống trong kiếp người thì phải đối diện với những nhiều không mong muốn, nhưng đời này vẫn luôn có một giá trị của nó. Sẽ chẳng thể nào nếm được hạnh phúc đời sau, khi người ta không bắt đầu từ cuộc sống này. Có thể nói, đời này và đời sau không tách biệt nhau, nhưng hoà quyện và nối kết với nhau rất bền chặt. Mọi phần thưởng và hình phạt đã manh nha cách nào đó ngay trong đời sống này rồi. Ta không biết gì về đời sau, nhưng ta hoàn toàn chắc chắn rằng có một cuộc sống ở đời này và nếu không sống nó một cách đầy nhiệt huyết và năng lượng, ta đã hoang phí ơn trời và tự huỷ diệt sự sống mà ta đang thụ hưởng.


“Sự sống đời sau” gợi lên trong chúng ta cảm thức một sự linh thiêng nào đó hiện diện nơi đời sống của con người. Có một thực tại nào đó bao trùm tất cả mọi hiện hữu, mà cái thế giới hữu hình của chúng ta chỉ là một chấm nhỏ. Con người luôn thấy trước mặt mình những mầu nhiệm cao cả vô cùng, nơi đó, họ ý thức được rằng dù họ có giàu sang, quyền lực thế nào, họ cũng chỉ như hạt cát nơi sa mạc. Con người được huyền nhiệm ấy bao trùm lấy mình, để rồi, họ nhận thấy mình cũng là cái gì đó rất linh thiêng và cao cả, vượt trên những giới hạn của bản thân. Ý thức về cái chết giúp cho con người biết rằng ai trong chúng ta cũng đều phải mang một chữ “phận”, phải vâng lời tiếng gọi của Siêu nhiên. Và dù có kinh hãi trước cái chết, con người vẫn có thể khảng khái đối diện với nó vì tin rằng đằng sau nó, vẫn còn cái gì đó khác chào đón mình. Cái chết là bức tường ngăn cản giữa hữu hình và vô hình. Nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolo, mọi sự xuất hiện trước mắt ta ở đời này chỉ mờ mờ ảo ảo như nhìn thấy cái gì đó trong tấm gương. Bước qua cái chết, người ta sẽ được chiêm ngưỡng mọi sự như thực tế nó là, với tất cả mọi nét hoàn mỹ và tuyệt đẹp. “Sự sống đời sau” mang đến cho chúng ta một sức mạnh và một niềm hy vọng về sự bất tử của chính mình, trọn vẹn con người mình, chứ không phải chỉ là một phần nào đó của mình.


Khi trực giác về một sự sống bất tử ở đời sau, ta đồng thời cũng được mặc khải cho biết về phẩm giá tuyệt hảo của chính mình. Ta được mời gọi để sống thanh cao, sống những giá trị vượt trên những tầm thường nhỏ nhen. Thật ra, ta đã có thể bắt đầu sự sống đời sau với nhiều hạnh phúc qua từng cái chết nho nhỏ nơi cuộc sống này: chết đi cho cái tôi ích kỷ, chết đi cho những kiêu ngạo, chết đi qua những hy sinh… Thật lạ kỳ: giá trị của cuộc sống hệ tại ở những cái chết như thế; càng chết đi, ta lại càng cảm thấy mình sống cách sung mãn hơn, và sự sống đời sau bắt đầu hình thành từ giây phút ấy.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Ý nghĩa của ngày mừng lễ các thánh


 Chỉ có Thiên Chúa là Đấng Thánh. Chỉ một mình Thiên Chúa xứng đáng với danh hiệu “Thánh-Thánh-Chí Thánh”. Sự thánh thiện xuất phát từ Thiên Chúa, nguồn mạch của mọi sự tốt lành và thiện hảo. Nhưng vì lòng thương xót bao la, Ngài đã rộng rãi thông ban sự thánh thiện của mình cho con người, để những ai, sau khi đã trải qua một thời gian dài thanh luyện với đủ những thử thách cũng có thể thông phần vào sự thánh thiện đó và được gọi là “thánh”.

 

Trong hành trình cuộc sống, chúng ta gặp không ít các hạng người khác nhau. Có những người mang đến cho chúng ta biết bao rắc rối khiến chúng ta mệt mỏi; có những người xuất hiện trong cuộc hiện hữu của chúng ta mà chẳng để lại một chút ký ức gì; nhưng cũng có những người thật sự đã in đậm trong trái tim của chúng ta một ấn tượng không phai bởi cung cách sống tốt đẹp và lối hành xử phi thường. Nơi họ toát lên một nét siêu thoát đến lạ lùng. Họ an nhiên, tự tại, thảnh thơi. Vẫn mang trên mình thân xác đầy yếu đuối và mỏng dòn, nhưng họ làm ta có cảm giác như thể họ đang sống giữa Thiên Đàng đầy hạnh phúc. Không một khó khăn nào làm họ nản chí. Không một đau khổ nào có thể lấy đi khỏi họ sự thanh tao, lạc quan và yêu đời. Những người như thế, chúng ta gọi là “thánh”. Họ đích thực đã sống sự sống của Thiên Chúa, họ được Ngài cho thông dự vào sự thánh thiện của Ngài.

 

Trong suốt năm phụng vụ, hầu như ngày nào chúng ta cũng mừng một vị thánh nào đó. Có những vị thánh rất nổi tiếng. Cũng có những vị thánh xa lạ hơn với chúng ta. Ấy vậy mà cũng không thể mừng hết số lượng đông đảo các ngài. Đó là chưa kể đến những vị mà nhân đức anh hùng của họ chưa được Giáo Hội biết đến và tôn vinh. Vì thế, Giáo Hội đã dành ngày 1.11 hàng năm để kính nhớ toàn thể các thánh trên trời, chúc mừng họ, vì họ đã khải hoàn chiến thắng một cách oanh liệt trong cuộc chiến với ma quỷ, đã chà đạp chúng bằng niềm tin vào Đức Kitô. Trong số đó, biết đâu có cả ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè, người thân của chúng ta mà chúng ta không hề biết.

 

Sách Khải Huyền cho chúng ta biết rằng, họ là “đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế” (Kh 7,9). Quả vậy, không sao có thể kể hết sự phong phú trong cộng đoàn các thánh. Sự phong phú này về giới tính, trình độ học vấn, quốc gia, nghề nghiệp, vai trò trong xã hội, bậc sống… cho chúng ta một ấn tượng rằng lời mời gọi nên thánh là dành cho tất cả mọi người (như công đồng Vaticano II khẳng định). Thiên Chúa thông ban sự thánh thiện của mình cho tất cả mọi người và bất cứ ai cũng có thể được tham dự vào sự thánh thiện đó bằng những nỗ lực và dấn thân của mình.

 

Chúng ta biết đến các thánh được gọi là tiến sĩ Hội Thánh, họ có những tư tưởng thần học xuất sắc, giúp bảo vệ, khai sáng và truyền bá đức tin tinh tuyền. Cũng có những vị thánh được gọi là tử đạo, những người đã dùng mạng sống của mình để chứng minh tình yêu của mình dành cho Chúa Kitô. Có các thánh là những giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, những người đã hiến thân cuộc đời mình như của lễ tinh tuyền dâng lên Chúa, được diễn tả qua việc sống đời chiêm niệm hoặc dấn thân phục vụ cộng đoàn dân Chúa như dấu chỉ của Nước Trời. Có các thánh đã cao niên và cũng có các thánh vẫn còn rất trẻ. Có những vị thánh xuất thân thấp hèn, thuộc giới nô lệ hay lao động chân tay, cũng có những vị vốn là dòng dõi vua chúa, có trong tay mọi của cải và quyền lực nhưng sẵn sàng coi chúng như là “rác so với mối lợi tuyệt vời là biết Đức Kitô” (x.Pl 3,8). Có những vị thánh suốt ngày bôn ba trên khắp các nẻo đường gian khổ để rao giảng Tin Mừng, và cũng có những người là bố, là mẹ trong gia đình với mối bận tâm là giáo dục con cái và biến gia đình nhỏ bé của mình thành một tổ ấm yêu thương…

 

Dù đông đảo và phong phú như thế, nhưng tất cả các thánh đều có một điểm chung: họ đã sống các mối phúc mà Chúa Giêsu đã dạy một cách phi thường. Một tài liệu cổ xưa gọi họ là những người “sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian; chân còn chạm đất, nhưng lòng luôn hướng về trời”. Họ là những người “sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng (Tv 14), “những cô trinh nữ khôn ngoan” (Mt 25,1-13), là những người đã luôn làm lời những nén bạc Chúa trao (x.Mt 25,14-30), những người đứng bên phải Nhà Vua trong ngày phán xét vì đã thực thi lòng bác ái với những người đói rách, bệnh tật, bị bỏ rơi (x.Mt 25,31-46)… Họ là những người luôn tín thác vào Chúa, dành cho Chúa chỗ nhất trong trái tim, đi theo Chúa trên chặng đường thập giá đến phút cuối cùng. Trong số các vị thánh, có rất nhiều vị đã từng chối Chúa, theo lạc giáo, phạm nhiều tội nặng, nhưng nhờ tin vào lòng thương xót của Chúa, họ quay lại, đứng lên và làm lại cuộc đời. Những vị này thật đáng cho chúng ta kính ngưỡng.

 

Nhiều người cho rằng một vị thánh nhân thường có lối sống lạ đời, rằng họ chẳng có trải nghiệm gì về những điều trần thế, họ phải bỏ đi hết mọi thú vui và cuộc sống của họ thật nhàm chán; cung cách sống của họ, do khác với người khác, nên biến họ trở thành những người lạc lõng giữa thế gian. Nghĩ đến một sự buông bỏ triệt để, người ta sợ và không muốn làm thánh; họ hài lòng với một cuộc sống “lưng chừng”, không làm hại ai để mang tiếng xấu, nhưng cũng không cần phải quá tốt để làm thiệt hại cho bản thân. Đối với họ, cuộc sống cứ trôi qua nhẹ nhàng, không tai ương, không bệnh tật… vậy là đủ rồi. Cái danh hiệu “thánh nhân”, họ không dám mơ tới và cũng không phải là mục tiêu của cuộc đời họ.

 

Có lẽ, ở một phương diện nào đó, các thánh cũng có một sự “lẻ loi” trong cuộc sống khi họ không sống và hành xử theo thói đời. Họ thậm chí có thể bị người khác dè bĩu vì sự “quá tốt bụng” của mình. Tại sao phải “dành phần hơn cho người khác” (Pl 2,3)? Tại sao phải tha thứ, chứ không phải trả thù? Tại sao không dùng “miếng trả miếng” cho hả cơn giận và trút bỏ những ấm ức, mà lại chọn nhẫn nhịn và bỏ qua? Tại sao không tranh giành để thủ đắc thật nhiều của cải cho bản thân mà lại sẵn sàng cho đi? Tại sao phải lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình? Tại sao phải cảm thấy nhói lòng và thấy mình phải làm cái gì đó khi người khác không có cái ăn, cái mặc, chịu những giá lạnh trời đông?…

 

Các thánh khác chúng ta vì họ nhìn thực tại sâu hơn và xa hơn, với lòng trắc ẩn và bác ái chứ không phải vì thước đo lợi ích. Họ đụng chạm được đến chiều kích thần thánh nằm ngay tận cốt lõi của ơn gọi làm người, đó là lòng thương xót, tình yêu thương. Họ nghiệm được giá trị cao quý của nó và họ hiện thực hoá nó trong cuộc sống của mình. Họ không chê bỏ những niềm vui chính đáng của đời này, nhưng họ chọn và tìm kiếm niềm vui mang tính vĩnh hằng hơn. Hành trình tiến đến sự vĩnh hằng đó, là hành trình đi vào trong sự thánh thiện của Chúa và hệ quả tất yếu của nó chính là sự lạc quan, niềm hạnh phúc, sự bình an sâu thẳm. Chúng thấm vào trong các vị thánh và toả ra bên ngoài như cành hoa thơm. Một vị thánh chính là một con người đúng nghĩa, loài được dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa” (St 1,26).

 

Các vị thánh đã thật sự gạt bỏ được mọi dính bén hồng trần, nên chẳng quan tâm đến chuyện mình được tôn vinh hay không. Chẳng một vị thánh đích thực nào lại đi tìm kiếm sự thừa nhận từ người khác. Việc Giáo hội tôn vinh một vị thánh hay mời gọi chúng ta kính nhớ các ngài trong suốt năm phụng vụ, hay trong thánh lễ ngày 1.11, một mặt, để chúng ta cùng với các ngài tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho phép và tạo điều kiện để con người chúng ta được thông dự vào sự thánh thiện của ngài; mặt khác, để chúng ta biết rằng việc nên thánh là điều có thể (mà các thánh là những chứng nhân rõ ràng nhất), đồng thời, để nhắc nhớ chúng ta rằng giữa trăm ngàn thử thách của cuộc sống và những cạm bẫy mà kẻ thù gây ra, chúng ta có hằng hà sa số các thánh thường xuyên và sẵn sàng chuyển cầu cho chúng ta. Chúng ta như thể được bao bọc bởi ân sủng của Chúa nhờ các ngài. Mỗi một người chúng ta, tuỳ theo bối cảnh gia đình, xã hội, tính cách… đều có thể tìm thấy cho mình một mẫu gương để noi theo nơi một hay một vài vị thánh nào đó mà Chúa ban cho Giáo hội.

 

Như một truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội, mỗi chúng ta đều có một vị thánh bổn mạng, người mà chúng ta nhận là đấng bảo trợ trong suốt hành trình dương gian của mình. Vị thánh ấy hằng theo bước chúng ta, nâng đỡ chúng ta, chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta và đang chờ đợi chúng ta cùng gia nhập cộng đoàn của những người chiến thắng trên Thiên Đàng. Hãy nhớ đến vị thánh ấy, cầu nguyện với ngài và cố gắng noi gương nhân đức của ngài. Như thế, việc mừng lễ các thánh hôm nay, như lời thánh Bernardo nói, không phải vì các ngài mà là vì chúng ta, vì khi nhớ đến các ngài, chúng ta như được thêm sức mạnh và hy vọng để tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hầu mai sau cũng sẽ được dự phần Thiên Quốc như các ngài.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...