Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho ngày cầu cho ơn Thiên Triệu lần 54

Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy thi hành sứ mạng truyền giáo”

SỨ ĐIỆP
NGÀY THẾ GIỚI CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU LẦN THỨ 54
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Chúa Nhật 07 Tháng 05 Năm 2017
***
Anh chị em thân mến,

Trong suốt những năm qua, chúng ta đã có cơ hội suy tư về hai khía cạnh liên quan đến ơn gọi Kitô hữu: lời mời gọi “ra khỏi chính mình” để lắng nghe tiếng Chúa và tầm quan trọng của cộng đoàn Giáo Hội xét như là nơi ưu việt để tiếng gọi của Thiên Chúa được nảy sinh, được nuôi dưỡng và được biểu lộ.

Giờ đây, nhân dịp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi lần thứ 54, tôi muốn dừng lại ở chiều kích truyền giáo của ơn gọi Kitô hữu. Ai đã từng để cho tiếng Chúa lôi cuốn và bước theo Chúa Giêsu đều nhanh chóng khám phá nơi bản thân mình ước muốn mãnh liệt mang Tin Mừng đến cho anh chị em của mình, xuyên qua việc Phúc Âm hóa và việc phục vụ bác ái. Mọi Kitô hữu đều là những nhà truyền bá Tin Mừng! Quả thế, người môn đệ không lãnh nhận ân huệ tình yêu của Thiên Chúa để được an ủi riêng tư; người ấy không được kêu gọi để ôm ấp chính mình hay bảo vệ những lợi ích của một doanh nghiệp; đơn giản người môn đệ được chạm lấy và biến đổi bởi niềm vui cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương và không thể giữ lại cho riêng mình kinh nghiệm này: “Niềm vui của Tin Mừng vốn đổ đầy cuộc sống của cộng đoàn các môn đệ là một niềm vui truyền giáo”.[1]

Do đó, sự dấn thân truyền giáo không phải là điều gì đó mà người ta sẽ thêm vào đời sống Kitô hữu, như thể đó là một thứ trang sức, nhưng trái lại, nó nằm ở trung tâm của chính đức tin: mối tương quan với Chúa bao hàm sự kiện được sai đi khắp thế giới như là vị ngôn sứ cho lời của Ngài và như là chứng nhân cho tình thương của Ngài.

Cho dầu chúng ta cảm nghiệm nơi bản thân chúng ta nhiều yếu đuối mỏng giòn và đôi khi chúng ta có thể cảm thấy nản lòng, nhưng chúng phải hướng lòng lên Thiên Chúa, không để cho mình bị đè bẹp bởi cảm giác bất xứng hay nhượng bộ cho sự bi quan, vốn biến chúng ta thành những khách bàng quan thụ động của một lối sống mòn mỏi. Không có chỗ cho sự sợ hãi: chính Thiên Chúa đến thanh tẩy “miệng lưỡi ô uế” của chúng ta, bằng cách làm  cho chúng ta đủ tư cách loan báo Tin Mừng: “Ngươi đã được tha lỗi và xá tội. Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa phán: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ là sứ giả của chúng ta?”. Và tôi thưa: “Dạ, con đây, xin hãy sai con đi!”” (Is 6,6-8).

Mỗi môn đệ truyền giáo cảm nhận nơi tâm hồn mình tiếng gọi thần linh này, vốn kêu mời “đi qua” giữa dân chúng, như Chúa Giêsu, “chữa lành và thi ân giáng phúc” cho hết thảy mọi người (x. Cv 10,38). Quả thế, tôi đã có cơ hội nhắc nhở rằng qua phép Rửa, mỗi Kitô hữu là một “Christophe”, tức là “một người mang Chúa Kitô” cho anh chị em của mình.[2] Điều đó đặc biệt có giá trị cho những ai được mời  gọi sống đời thánh hiến và cũng cho các linh mục nữa, vốn đã quảng đại thưa lên: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con!”. Với lòng nhiệt huyết truyền giáo mới mẻ, họ được mời gọi ra khỏi khuôn viên thánh thiêng của đền thờ, để làm cho ngập tràn tình yêu thương dịu dàng của Thiên Chúa đối với con người.[3] Giáo Hội cần những linh mục như thế: tin tưởng và bình tâm vì đã khám phá ra kho tàng đích thực, nóng lòng hân hoan ra đi làm cho mọi người nhận biết kho tàng đó (x. Mt 13,44)!

Chắc chắn, có nhiều câu hỏi nổi lên khi chúng ta nói về sứ mạng Kitô hữu: Người loan báo Tin Mừng có nghĩa là gì? Ai ban cho chúng ta sức mạnh và sự can đảm loan báo? Đâu là  sự logic Tin Mừng mà việc truyền giáo dựa vào? Chúng ta có thể trả lời cho những câu hỏi này bằng cách chiêm ngắm ba khung cảnh của Tin Mừng: khởi đầu của sứ mạng của Chúa Giêsu tại Hội đường Nazareth (x. Lc 4,16-30); con đường mà Chúa Phục Sinh đã đồng hành với các môn đệ về Emmaus (x. Lc 24,13-35); sau cùng, dụ ngôn về hạt giống (x. Mc 4,26-27).
Chúa Giêsu được xức dầu Thánh Thần và được sai đi. Là người môn đệ truyền giáo có nghĩa là tham dự cách chủ động vào sứ mạng của Chúa Kitô, mà chính Chúa Giêsu đã mô tả tại Hội đường Nazareth: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi. Ngài đã sai tôi mang Tin Mừng cho người nghèo khó, loan báo cho cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Đó cũng là sứ mạng của chúng ta: được xức dầu Thánh Thần và đi đến với anh chị em chúng ta để loan truyền Lời Chúa, bằng việc trở thành một dụng cụ cứu rỗi cho họ.

Chúa Giêsu cùng đi trên con đường của chúng ta. Đối diện với những vấn đề nảy sinh từ lòng người và với những thách đố nổi lên từ thực tại, chúng ta có thể nghiệm thấy một cảm giác lạc lối và cảm nhận thiếu năng lực và hy vọng. Có nguy cơ là sứ mạng Kitô hữu xem ra như một thứ không tưởng thuần túy bất khả thực thi hay, dù sao chăng nữa, như một thực tại vượt quá sức lực của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu phục sinh, Đấng đa đồng hành với các môn đệ về Emmaus (x. Lc 24,13-15), thì niềm tin tưởng của chúng ta có thể được khơi dậy; trong khung cảnh Tin Mừng này, chúng ta có một “nền phụng vụ ngoài đường phố” đích thực, vốn đi trước phụng vụ Lời Chúa và Bẻ Bánh và làm cho chúng ta biết rằng, ở mỗi bước chân của chúng ta, Chúa Giêsu đang đồng hành ngay bên! Hai môn đệ, bị tổn thương bởi  nỗi hổ thẹn Thập giá, đang trở về nhà ngang qua con đường thất bại: họ mang nơi tâm hồn mình một niềm hy vọng bị đổ vỡ và một giấc mơ không được thực hiện. Giữa họ, sự buồn chán thay thế cho niềm vui của Tin Mừng. Chúa Giêsu làm gì? Ngài không xét đoán họ, Ngài đồng hành với họ và, thay vì dựng lên một bức tường, ngài mở ra một cánh cửa mới. Dần dần, Ngài biến đổi sự chán nản của họ, Ngài làm cho lòng họ bừng nóng lên và mở mắt họ, khi Ngài loan báo Lời Chúa và bẻ Bánh. Cũng thế, người Kitô hữu không chỉ mang sự dấn thân truyền giáo, nhưng trong những mệt mỏi và những sự thiếu thấu hiểu, họ cũng phải cảm nghiệm rằng “Chúa Giêsu cùng đồng hành, nói chuyện, hít thở, làm việc với mình. Họ cảm nhận Chúa Giêsu đang sống với mình giữa hoạt động truyền giáo”.[4]

Chúa Giêsu làm cho hạt giống nảy mầm. Sau cùng, điều quan trọng là học biết từ Tin Mừng phong cách loan báo. Quả thế, thông thường, ngay cả với những ý hướng tốt nhất, thì vẫn có thể có việc nhượng bộ cho sự đam mê quyền lực nào đó, cho việc chiêu dụ tín đồ hay cho sự cuồng tín bất bao dung. Trái lại, Tin Mừng mời gọi chúng ta loại bỏ việc tôn thờ ngẫu tượng thành công và quyền lực, mối bận tâm thái quá đối với các cơ cấu, và một nỗi lo âu nào đó đáp ứng cho một não trạng chinh phục hơn là tinh thần phục vụ. Hạt giống của Nước Trời, cho dù nhỏ bé, khó thấy và đôi khi không đáng kể, nhưng lớn lên âm thầm nhờ công trình không ngừng của Thiên Chúa: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất: đêm hay ngày, dù người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết” (Mc 4,26-27). Đây là niềm tin đầu tiên của chúng ta: Thiên Chúa vượt quá những mong đợi của chúng ta và Ngài làm cho ta ngạc nhiên vì sự quảng đại của Ngài, khi làm cho nảy sinh những hoa trái của công việc của chúng ta vượt quá những tính toán hiệu quả của con người.

Qua sự tin tưởng Tin Mừng này, chúng ta mở ra cho hoạt động âm thầm của Chúa Thánh Thần, Đấng là nền tảng của sứ mạng. Không bao giờ có thể có một nền mục vụ ơn gọi hay sứ mạng Kitô giáo mà không có việc cầu nguyện chuyên cần và chiêm niệm. Theo nghĩa này, cần phải nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu bằng  việc lắng nghe Lời Chúa và, nhất là, vun trồng mối tương quan cá nhân với Chúa trong việc chầu Thánh Thể, “nơi” ưu việt cho việc gặp gỡ với Thiên Chúa.

Chính tình bạn thân mật này với Chúa mà tôi ao ước khuyến khích, nhất là để cầu xin Chúa ban cho những ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến mới. Dân Thiên Chúa cần được dẫn dắt bởi các mục tử hiến dâng đời mình cho việc phục vụ Tin Mừng. Vì thế, tôi xin các cộng đoàn xứ đạo, các hội đoàn và nhiều nhóm cầu nguyện hiện nay trong Giáo Hội: hãy chống lại cám dỗ nản lòng, tiếp tục cầu xin Chúa sai những thợ gặt trên cánh đồng của Ngài và ban cho chúng ta những linh mục yêu mến Tin Mừng, có khả năng gần gũi anh chị em mình và như thế trở thành một dấu chỉ sống động của tình yêu thương xót của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, cả ngày nay nữa, chúng ta có thể tìm lại được nhiệt huyết rao giảng và đề nghị, nhất là cho giới trẻ, việc bước theo Chúa Kitô. Đối diện với cảm giác lan rộng về một đức tin mệt mỏi hay bị giảm thiểu thành “những bổn phận phải thực thi” thuần túy, các bạn  trẻ của chúng ta ao ước khám phá sự lôi cuốn luôn luôn thời sự của con người Chúa Giêsu, để cho mình bị chất vấn và thách đố bởi lời nói và việc làm của Ngài và, sau cùng, nhờ Ngài, mặc lấy một cuộc sống đầy nhân bản, niềm vui hiến mình cho tình yêu.

Mẹ Maria rất thánh, Mẹ của Đấng Cứu Độ chúng ta, đã can đảm ôm lấy giấc mơ này của Thiên Chúa, khi phó dâng tuổi trẻ và lòng nhiệt huyết trong tay Ngài. Xin nhờ lời cầu bầu của Mẹ cho chúng ta cũng được mở rộng tâm hồn, sự mau mắn thưa lên lời “xin vâng” của chúng ta trước tiếng gọi của Chúa và niềm vui lên đường (Lc 1,39) như Mẹ, để loan báo Chúa cho toàn thế giới.

Ban hành tại Vatican, ngày 27 tháng 11 năm 2016,
Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng
+ FRANCISCUS
Giáo Hoàng


[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng), Ngày 24-11-2013, số 21.
[2] Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài giáo lý trong buổi triều yết thứ Tư hàng tuần, Ngày 30-01-2016.
[3] Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài giảng Thánh Lễ làm phép Dầu, Ngày 24-03-2016.
[4] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng), Ngày 24-11-2013, số 266.

Maria, Mẹ ơi!



Lần nọ, có một vị linh mục người Tây Ban Nha rất thông thạo tiếng Việt trong cả lời ăn tiếng nói lẫn việc viết lách. Cha nói với chúng tôi rằng: Chúng ta rất vinh hạnh vì được làm bạn thân với 2 người nổi tiếng nhất thế giới từ xưa tới nay. Chúng tôi tròn mắt ngây ngô chưa hiểu là thế nào. Cha nhìn mà hỏi lại: Ủa, tụi con không biết hả? Dạ không, thưa cha. Cha bình thản nói: Hai người đó là Chúa Giêsu và Mẹ Maria. À thì ra thế!

Mà đúng thật. Hai Đấng ấy hầu như ai cũng biết đến tên, cho dù họ là ai chăng nữa. Các tín hữu thì biết để tin thờ, những người đơn sơ khiêm tốn thì biết đó là hai Đấng rất thánh, những người dửng dưng thì cũng biết đó là hai nhân vật rất quan trọng đối với nhiều người, những người vô thần cực đoan thì cũng ra sức tìm hiểu để chống phá, những người vô thần trung dung thì cũng biết đó là hai nhân vật vô cùng quan trọng của tôn giáo… và còn bao nhiêu thái độ, bao nhiêu tâm tình, bao nhiêu biến cố sự kiện, bao nhiêu sách vở tiếp tục hằng ngày nói về hai Đấng ấy.

Thật nghịch lý. Mẹ nổi tiếng vì Mẹ âm thầm. Mẹ vĩ đại vì Mẹ đơn sơ khiêm nhường. Mẹ Maria chỉ là một cô thiếu nữ bình dân nơi một ngôi làng bình thường. Ngôi làng Nazaret bình thường đến độ tầm thường, như lời nhận xét của ông Nathanaen nói: ở Nazaret thì có gì hay đâu. Cuộc đời của gia đình Nazaret bình dị đến độ hầu như không có gì đáng để nói. Bởi lẽ, Chúa Giêsu sống suốt cuộc đời 30 năm mà mọi người làng xóm chẳng thấy có gì lạ thường. Cuộc sống cứ thế trôi như lẽ thường vẫn thế. Mẹ Maria là con người bình dị đến nỗi, khi Chúa Giêsu đi rao giảng và trở nên nổi tiếng, người ta mới đặt lại câu hỏi: Bởi đâu ông ta được như thế, Mẹ của ông ta chẳng phải là bà Maria sao? Tất cả sự âm thầm giản dị ấy, như chiếc bình sành đơn sơ chứa đựng ngọc quý là con đường của Thiên Chúa. Mẹ mang lấy con đường của Thiên Chúa vào cuộc đời mình.

Nếu như Thiên Chúa yêu mến loài người đến độ trở thành một con người để sống với con người, thì Mẹ cũng yêu mến Thiên Chúa đến độ dành trọn cuộc đời mình để đón lấy lời gọi mời của Thiên Chúa, để làm Mẹ của một trẻ thơ, làm Mẹ của Con Một Thiên Chúa. Nghe ra có vẻ vĩ đại và nhiều người thích thú, nhưng đó thực sự là con đường khó khăn vất vả, khiêm nhường và khổ đau. Truyền thống có ghi nhớ về 7 sự đau đớn của Đức Mẹ. Nhưng không chỉ có khổ đau với 5 sự thương, còn có những cung bậc khác nữa với mùa vui mùa sáng mùa mừng. Thế nhưng, cho dù là vui thương sáng hay mừng, thì tất cả đều là những mầu nhiệm, mầu nhiệm Thiên Chúa viếng thăm con người và ở cùng con người, mầu nhiệm của bàn tay dịu hiền tuyệt vời của Mẹ Maria.

Mẹ giơ tay lên đón lấy ý Chúa và chắp tay vâng lời Thiên Chúa như sứ thần truyền. Mẹ đưa tay ra để nâng đỡ bà chị họ Elisabet. Mẹ vòng tay ôm lấy Hài Nhi Giêsu trong hang đá. Mẹ ẵm trẻ Giêsu lên Đền Thờ. Mẹ mừng vui nắm lấy tay người con khi tìm thấy Chúa trong Đền Thờ… Từng cử chỉ ấy, hầu như ai cũng có thể làm, nhưng hình như ít người muốn làm.

Chẳng phải ngày xưa Mẹ Maria mới sống âm thầm giản dị như thế. Ngày nay Mẹ vẫn làm như vậy. Trong cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Lộ Đức với thánh nữ Bernadette năm 1858, Mẹ đã chọn một ngôi làng hẻo lánh. Mẹ đã chọn một bé gái thôn quê hiền lành là Bernadette mới 14 tuổi. Sứ điệp của một Bà Đẹp từ Trời muốn gửi cho nhân loại, lại được gửi qua một sứ giả đơn sơ đến độ tầm thường trước mặt thế gian. Ngay cả tên của Bà Đẹp, em Bernadette cũng phải cố gắng lắm mới có thể nhớ được. Và đương nhiên, lúc đầu em chẳng thể hiểu được tên ấy có nghĩa là gì. Đấng Vô Nhiễm nguyên tội nghĩa là gì, em không biết. Em chỉ biết rằng, Bà ấy đẹp lắm, tốt lắm, hiền lắm, và tuyệt vời lắm. Và dù em phải chịu bao nhiêu khó khăn thử thách và chống đối do người ta ở chính quyền và ngay cả trong Giáo hội gây ra, nhưng Bernadette không sờn lòng nản chí. Em vui tươi và trung thành gìn giữ và thực hiện những gì Bà Đẹp nói với em.

Trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ nhất với những biến động khôn lường, Mẹ lại chọn một ngôi làng hẻo lánh dường như nằm bên rìa của thế giới, đó là làng Fatima năm 1917. Mẹ chọn 3 trẻ em mục đồng là Lucia, Phanxico và Jacinta. Sứ điệp Mẹ gửi đến thật là đơn sơ và khẩn thiết: Hãy siêng năng cầu nguyện với Kinh Mân Côi, hãy sám hối, và cải thiện đời sống.

Nếu muốn, bạn có xem bộ phim về Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và bộ phim về Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được sự đơn sơ giản dị mà vĩ đại của Mẹ và của những tâm hồn bé nhỏ luôn khao khát đường lành và yêu mến Chúa.

Có lần cha linh hướng hỏi tôi về kinh nghiệm của bản thân khi cầu nguyện với Mẹ Maria. Tôi thấy chẳng có nhiều điều để nói. Chỉ biết rằng, cầu nguyện với Mẹ thì lòng mình thật bình an thanh thản và nhận được ủi an nâng đỡ. Chỉ biết rằng, mình vừa lần chuỗi vừa ngủ gật, vừa ngại ngùng với Mẹ nhưng không chút sợ gì, vì biết chắc rằng Mẹ sẽ không giận. Chỉ biết rằng, hình như mình không biết sẽ nói gì với Mẹ, chỉ là biết kể lể về cuộc sống, rồi lâu lâu có một vài điều gì đó rất dễ thương, hình như Mẹ gợi ý cho mình. Chỉ biết rằng, hình như Mẹ ít nói nhưng nói rất duyên. Chỉ biết rằng, khi người ta không tỏ ra yêu mến Đức Mẹ, con cảm thấy rất buồn. Chỉ biết rằng, Mẹ phải chịu đau khổ rất nhiều, nhưng Mẹ không bao giờ mất nét vui tươi của niềm hy vọng. Con yêu Mẹ, Mẹ ơi!

Tứ Quyết SJ
http://dongten.net/noidung/68804






Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

THIÊN CHÚA YÊU THẾ GIAN


Khi nghĩ về Thiên Chúa, người ta hình dung ra Ngài với nhiều khuôn mặt.

Có khi Thiên Chúa giống một ông cảnh sát, luôn để ý theo dõi để trừng phạt, hay như một quan tòa cứ theo pháp luật mà kết án nghiêm minh.

Có khi Thiên Chúa giống một nhà buôn, tính toán sòng phẳng, chỉ ban ơn khi nhận được một lợi lộc nào đó, có qua có lại.

Có khi Thiên Chúa giống một nhà độc tài, áp đặt quyền lực trên con người, không cho con người được tự do, bắt con người phải theo một định mệnh có sẵn.

Có khi Thiên Chúa như một thứ ô dù để người ấu trĩ dựa dẫm trong lúc khó khăn, hay như một sản phẩm của người bị áp bức tự ru ngủ mình.

Có bao nhiêu hình ảnh méo mó về Thiên Chúa như vậy.

CON TIM THIÊN CHÚA LÀ NƠI TRÚ ẨN CỦA TỘI NHÂN

May mắn đó không phải là khuôn mặt Thiên Chúa của các Kitô hữu.

Ngài chẳng phải là cảnh sát hay quan tòa, là nhà buôn hay nhà độc tài.

Ngài cũng chẳng phải là người cha độc đoán không muốn cho con mình khôn lớn.

Đơn giản Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4, 8).

Và Tình Yêu vô lượng ấy được thể hiện bằng hành động:

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (c. 16).

Tình yêu của Thiên Chúa Cha ôm lấy thế gian, dù nó nghiêng chiều về sự dữ. Như Abraham yêu quý đứa con một là Isaac, và đã chịu sát tế con cho Chúa, Thiên Chúa Cha cũng yêu quý người Con Một của Ngài là Đức Giêsu, và đã trao ban người Con ấy cho thế gian.

Cha trao ban Con khi sai Con vào đời mang thân phận xác phàm (Ga 1, 14).

Cha còn trao ban Con cho thế gian qua cái chết của Con trên thập giá.

Nơi máng cỏ Bêlem hay nơi đồi Sọ, ta thấy Cha đưa hai tay ra để trao món quà tình yêu quý giá nhất cho loài người.

Và Cha chờ con người đáp lại bằng cách đưa hai tay đón nhận.

Con người vẫn có tự do để đón nhận hay từ chối món quà ấy qua việc tin hay không tin Đức Giêsu.

Đứng trước Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, là đứng trước một chọn lựa nghiêm chỉnh có liên quan đến vận mệnh con người.

Ai tin vào Ngài thì có ánh sáng, ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu (cc. 16.17.19).

Tiếc thay có kẻ ghét ánh sáng và thích bóng tối hơn ánh sáng.

Hãy từ bỏ những việc làm tối tăm, dối trá, xấu xa, bạn sẽ dễ dàng đến cùng ánh sáng Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt, còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.

Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối
nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,
con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.

Con an tâm ở lại trong bóng mờ, vì thấy đó chưa phải là một tội. Nhưng con cũng áy náy vì biết rằng bóng mờ là nơi ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.

Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng, vì con vẫn muốn giữ lại một điều gì đó rất quý đối với con.

Xin giải thoát con khỏi những tình cảm lệch lạc để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.

Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con để con được thuộc trọn về Chúa.

Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng, nước đôi, để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.

Ước gì con có đủ can đảm để dám nhìn thẳng vào những bóng mờ trong đời con.

Và ước gì con được trở nên trong suốt
nhờ để ánh sáng Chúa tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Vẻ đẹp của Lòng thương xót

Giữa một xã hội mà dường như sự dửng dưng đang lên ngôi và thái độ vô cảm đang chiếm ưu thế, chúng ta vẫn gặp thấy đó đây những bông hoa của lòng thương xót. Dù đây chỉ là những bông hoa nhỏ, nhưng hương thơm nhẹ nhàng của chúng có thể góp phần đẩy lui mùi uế tạp của lòng vị kỷ và thanh tẩy bầu khí bị ô nhiễm nặng bởi chủ nghĩa cá nhân và khuynh hướng hưởng thụ.
Chỉ cần muốn tìm, các Bạn sẽ gặp thấy những diện mạo của lòng thương xót. Vẻ đẹp của lòng xót thương thật đa dạng và phong phú, nhưng cũng thật gần gũi.
Biết sống chậm lại: biểu hiện của lòng thương xót
Những người trẻ tự nguyện khom lưng xuống đi nhặt rác và chai lọ sau một buổi sinh hoạt, đang khi đám đông lũ lượt ra về.
Giữa dòng xe cộ đang vội vã chạy về nhà sau một ngày làm việc tất bật, một chiếc xe bỗng dừng lại để nhường bước cho hai mẹ con đang đợi băng qua đường.
Nối đuôi nhau xếp hàng tại một tiệm thuốc Tây, chợt thấy một phụ nữ nhường cho bà lão gày còm đứng sau mình đến quầy hàng mua trước.
Nghĩ đến tha nhân: nét đặc trưng của lòng thương xót
Một người đi xe đạp tính vứt chiếc khăn giấy xuống gốc cây ven đường, nhưng chợt thấy chị công nhân vệ sinh đang quét rác, nên dừng tay và chạy đến bỏ giấy vào chiếc xe rác nằm gần đó.
Đáng cảm phục thay khi thấy một bạn khuyết tật âm thầm xuống bếp rửa chén dĩa sau bữa ăn mà các anh chị em thiện nguyện viên nấu nướng và phục vụ cho nhóm khuyết tật của mình.
Tôi thật xúc động khi chứng kiến một người chồng nghèo ngày ngày đút cơm, tắm rửa và chăm sóc người vợ đau ốm liệt giường trong nhiều năm liền.
Lòng thương xót vượt qua mọi rào cản, dư luận, chênh lệch xã hội
Chúng ta đã từng tham dự buổi tiệc cưới đầy ắp niềm vui giữa một thiếu nữ năng động, khỏe mạnh, tương lai rộng mở kết hôn với chàng thanh niên câm. Bầu khi thân thiện và thân thương của đám cưới này đã tôn tạo vẻ đẹp của tình yêu và lòng thương xót.
Còn nhiều câu chuyện của lòng thương xót mà các Bạn đã biết và có thể kể cho nhau để cùng ca ngợi tình Chúa, tình người. 
Chắc hẳn Thiên Chúa sẽ vui mừng khi thấy lòng thương xót của Ngài được khắc họa trong nhiều cuộc đời của những con người thật bình dị, nhất là nơi người nghèo.
Hội Thánh sẽ mừng vui biết bao khi có nhiều người con thể hiện dung nhan Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, qua những nghĩa cử nhân ái liên đới với người nghèo, bằng lời nói và lối ứng xử thấm nhuần lòng bao dung theo gương Thầy Giêsu.
Các Bạn hãy cùng tôi viết thêm cho đời nhiều mẫu truyện ngắn về lòng thương xót, mà trong đó mình là nhân vật chính!
Hãy cùng nhau vẽ nên dung nhan lòng thương xót của Chúa bằng tâm nguyện, lời nói và hành động để xoa dịu nỗi đau của tha nhân!
Bấy giờ mỗi người chúng ta sẽ cảm nếm và chia sẻ niềm vui cùng vẻ đẹp của Thiên Chúa giàu lòng xót thương, ngay giữa đời thường hôm nay.
Magnificat (WGPSG)

Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

Cảm tạ Đấng Phục Sinh

Lạy Chúa! Nếu Ngài không sống lại, cuộc đời con sẽ ra sao?

Con sẽ chẳng bao giờ nhận ra mình từng là một kẻ mù lòa ngồi bên vệ đường, nơi có lắm người qua kẻ lại và đầy những tiếng ồn! Con mù nên hạnh phúc của con chỉ vỏn vẹn nơi những đồng bạc mà con kiếm được, không thể hiểu được hạnh phúc lớn lao hơn khi được sáng mắt. Con mù nên cảm thấy cuộc sống của con mỗi ngày trôi qua như thế là quá tốt, không biết được những cái tốt hơn khi được sáng mắt. Con mù nên mọi cái trong con đều tối tăm, không thấy được ánh sáng quan trọng như thế nào. Chúa đã phục sinh! Nhờ đó, con mới nhận ra rằng hạnh phúc của con không phải là được giàu có vật chất hay quyền cao chức trọng, cũng không phải là được phú quý vinh hoa hay nể nang chào đón; hạnh phúc lớn nhất của con là được Chúa ở với con và con ở trong Ngài. Ngài đã sống lại để con được sống với Ngài!

Con cũng sẽ không biết rằng mình từng là kẻ bán Chúa! Con hài lòng vì sự khôn ngoan lọc lừa của mình, để thu về những lợi nhuận bất chính; con thích thú khi thấy sự gian dối của mình luôn thắng thế, con hả hê trước những thành quả đạt được bằng những toan tính mưu mô… Ngài đã thật sự chết vì tất cả những gian ác của thế gian, nhưng Ngài đã sống lại để mang lại cho con một câu trả lời về sự tồn tại của cái thiện và cái ác. Ngài đã phục sinh! Nhờ đó, con ý thức rằng mình cần phải để cho những khôn ngoan lọc lừa, những gian dối bất chính và những toan tính mưu mô được chết đi; để con được thật sự sống trong đời sống mới!

Con sẽ không hiểu được vì sao con phải chấp nhận những đau khổ ở đời này! Con căm ghét một cuộc sống nghèo hèn, bị khinh chê; vì nó là thước đo cho con người trong xã hội hiện nay. Con chán nản khi phải thu mình trong căn phòng của bệnh tật, vì nó chẳng buông tha cho bất cứ ai. Con sầu tủi khi thấy mình vô dụng, chẳng nên công trạng gì; vì nó đã biến con trở nên gánh nặng cho người khác… Chúa đã sống lại vinh quang sau hành trình thập giá! Nhờ đó, con mới biết rằng: Một chút cảm nếm đau khổ của con sẽ trở nên một cuộc gội rửa trong máu của Ngài, để con được thanh luyện chính mình mà xứng đáng được ở với Ngài!

Nếu Ngài không sống lại, cuộc sống của con sẽ hoàn toàn bế tắc!

Lạy Chúa, con cảm tạ Ngài vì Ngài đã mở ra và chiếu sáng trên những tăm tối của con, Ngài đã kéo con ra khỏi hố sâu của tội lỗi, và đã cho con được thông chia phần phúc của Ngài! Thế mà, con tưởng niệm việc Chúa chịu chết và phục sinh như một câu chuyện xảy ra đã lâu; và hằng ngày, mọi sự vẫn diễn ra chẳng khác gì hay thậm chí còn khủng khiếp hơn việc đóng đinh Ngài vào thập giá. Chẳng lẽ sự sống lại của Ngài không còn ý nghĩa gì với con, hay vì con không đủ can đảm để đón nhận một ân huệ lớn lao chính là sự đổi mới của Ngài dành cho con? Lạy Chúa, con không muốn mình là kẻ mù lòa hay là kẻ bán Chúa, con cũng chẳng dám đón nhận đau khổ; nhưng mọi hành động của con chẳng sáng hơn hay cũng chẳng trung tín hơn, nhiều khi đầy những căm phẫn tức tối. Có phải vì con chẳng đón nhận được điều gì nơi Đấng Phục Sinh, hay vì con đã không để cho con người cũ của mình được chết đi, và để Ngài trao tặng trái tim mới vào tâm hồn con?

Chúa đã phục sinh! Ngài mời gọi con hãy làm một cuộc xuất hành trong từng ngày sống. Xuất hành bằng tất cả lòng tin và tín thác, bằng những đóng góp nổ lực của bản thân con, bằng sự chấp nhận những thiệt thòi hy sinh, và bằng cả con tim của con nữa. Ân sủng của Đấng Phục Sinh sẽ luôn luôn đủ và dư tràn trên con để con cùng đi với Ngài. Lạy Chúa, con cảm tạ Ngài vì Ngài luôn mời gọi con! Xin cho con đừng bao giờ từ chối lời mời gọi yêu thương ấy và sẵn sàng bước theo Ngài.

Therese Trần Thị Kim Thoa  

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

13 lời khuyên của Đức Phanxicô cho hôn nhân

Trong Tông huấn Niềm Vui Yêu thương, Đức Phanxicô cảm nghiệm từ “Bài ca đức mến” của Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô để đưa ra một vài lời khuyên nhằm củng cố hôn nhân với năm tháng được xây dựng trên một tình yêu chân thật.

“Tình yêu thì kiên nhẫn; tình yêu phục vụ; tình yêu không ghen tương, tình yêu không tự đắc; tình yêu không vênh vang, tình yêu không làm điều bất chính; không tìm tư lợi; không nóng giận; không nuôi hận thù; không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật; tình yêu chịu đựng tất cả, tha thứ tất cả; hy vọng tất cả; tin tưởng tất cả”. (1 Co 13: 4-7)

Đức Phanxicô viết: “Thật hữu ích khi làm rõ ý nghĩa của bản văn này để áp dụng cụ thể cho mỗi gia đình.”

  1. Tình yêu là kiên nhẫn
Theo Đức Phanxicô: “Có kiên nhẫn không phải là để cho mình luôn bị đối xử xấu, cũng không chấp nhận để bị ức hiếp thể xác, cũng không để người kia xem mình như đồ vật. Tình yêu luôn mang một ý nghĩa trắc ẩn sâu đậm, chấp nhận người kia như một phần của thế giới này, dù khi họ phản ứng một cách ngoài ý muốn của mình. Vấn đề xảy ra khi chúng ta đòi hỏi các quan hệ phải lý tưởng, hoặc người kia phải hoàn hảo, hoặc chúng ta đặt mình là trung tâm vũ trụ, muốn ý của mình phải được tuân theo. Khi đó chúng ta không còn kiên nhẫn, chúng ta hung hăng phản ứng lại.”

  1. Tình yêu là phục vụ
Đức Phanxicô nhấn mạnh, qua thư của mình, Thánh Phaolô: “Muốn nói đến tình yêu không phải chỉ là cảm nhận tình cảm, nhưng phải hiểu động từ ‘yêu’ theo nghĩa của tiếng hêbrơ là ‘làm điều tốt’”.
“Giống như Thánh I-Nhã đã nói ‘tình yêu phải ở trong hành động nhiều hơn là trong lời nói’. Như thế tình yêu cho thấy tất cả sự phong phú của nó và cho chúng ta trải nghiệm được hạnh phúc là khi cho. Cao thượng là cho nhưng không, trọn vẹn, không cân đo, để có được niềm vui tinh tuyền khi cho và khi phục vụ.”

Kết quả hình ảnh cho hôn nhân
  1. Tình yêu không ghen tương
Đức Phanxicô nói với chúng ta: “Trong tình yêu, không thể nào nghĩ mình khổ khi thấy người khác được tốt (x. Cv 7: 9; 17: 5). Ham muốn là nỗi buồn vì người khác được tốt, chứng tỏ mình không quan tâm đến hạnh phúc của người khác, vì mình chỉ nghĩ đến lợi ích của mình.”
“Tình yêu đích thực là mừng với thành công của người khác, không cảm thấy như mình bị đe dọa, tình yêu giải thoát khỏi sự cay đắng vì ham muốn. Tình yêu chấp nhận mỗi người có ơn khác nhau và con đường khác nhau trong cuộc sống.”

  1. Tình yêu không vênh vang, không kiêu ngạo
Đức Phanxicô lưu ý: “Ai yêu thì không những họ tránh nói về mình, nhưng họ tập trung nói về người khác, họ biết đặt mình đúng chỗ không tự cho mình là trọng tâm. Có một số người cho mình cao trọng hơn người khác vì họ nghĩ mình có học hơn, họ đòi hỏi và kiểm soát người kia; nhưng thật ra, cái làm chúng ta cao trọng, đó là thông cảm, che chở, bảo bọc người yếu và chính đó mới là những điều làm chúng ta cao trọng.”

  1. Tình yêu không làm điều bất chính
Đức Phanxicô giải thích: “Yêu nhưng cũng là người đáng yêu, có nghĩa là tình yêu không thô bạo, không phản ứng một cách bất lịch sự, không gay gắt trong các quan hệ. Lời nói, cử chỉ, phong cách phải dễ chịu chứ không thô tháp cứng ngắt. Tình yêu là không muốn làm người khác khổ.”

  1. Tình yêu không tìm tư lợi
Đức Phanxicô nhắc lại: “Ngược với lối suy nghĩ bình thường, yêu người khác thì trước hết phải yêu chính mình. Bài ca đức mến của Thánh Phaolô khẳng định tình yêu là không tìm tư lợi, không ích kỷ. Không đặt ưu tiên là yêu chính mình, nhưng cao thượng hơn là hiến mình cho người khác.”

  1. Tình yêu không giận dữ
Trong Tông huấn Niềm Vui Yêu thương, Đức Phanxicô cảnh báo chống sự: “Bực mình được che đậy, làm cho mình khi nào cũng ở trong thế phòng vệ trước người khác, xem họ là kẻ thù khó chịu cần phải tránh.” Ngài nói: “Phúc Âm nhắc chúng ta nhìn cái đà trong mắt mình (Mt 7: 5). Nếu chúng ta cần phải chiến đấu chống sự dữ thì chúng ta cứ chiến đấu, nhưng phải luôn nói “không” với bạo lực trong lòng mình.”

Hình ảnh có liên quan
  1. Tình yêu không hận thù
Đức Phanxicô khuyên: “Đừng để những tình cảm xấu thâm nhập vào trong lòng, nhưng phải trau dồi đức tính tha thứ, tha thứ xây dựng một thái độ tích cực, tìm cách hiểu sự yếu đuối của người khác, tìm lý do để biện minh cho người khác. Chỉ có một tinh thần hy sinh cao cả mới cứu và hoàn thiện được sự giao tiếp trong gia đình. Nó đòi hỏi một tấm lòng rộng lượng và nhanh chóng thấu hiểu, bao dung, tha thứ, giải hòa.”

  1. Tình yêu là vui với cái vui của người khác
Đức Phanxicô nói: “Khi một người yêu, họ có thể làm điều tốt cho người khác, họ vui với cái vui của người khác, đó là cách họ làm vinh danh Chúa, vì ‘ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Co 9: 7).
“Gia đình phải là nơi mà khi có người làm một chuyện gì tốt trong đời, họ biết gia đình sẽ mừng với họ.”

  1. Tình yêu chịu đựng tất cả
Đức Phanxicô giải thích: “Tình yêu là chận lại phê phán, là kềm lại không nói lời lên án gay gắt, khắt khe: ‘Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án’ (Lc 6: 37)”.
Các cặp vợ chồng thương nhau, họ nói tốt cho nhau, họ nói đến khía cạnh tốt của người kia hơn là các yếu đuối và lỗi lầm. Dù sao họ giữ thinh lặng để không làm xấu đi hình ảnh của người kia. Tuy nhiên, đây không phải chỉ là các hành động bên ngoài nhưng nó phải đến từ một thái độ bên trong.

  1. Tình yêu tin tưởng tất cả
Đức Phanxicô giải thích: “Đây không phải chỉ là không nghi ngờ người kia nói dối hay lừa mình. Không cần thiết phải kiểm soát người kia, phải theo sát người kia từng bước kẻo họ lọt khỏi mắt mình. Tình yêu là tin tưởng, là giữ tự do, là không kiểm soát, không chiếm giữ, không thống trị.”

  1. Tình yêu là hy vọng tất cả
Đức Phanxicô viết: “Đó là hy vọng của người biết người kia có thể thay đổi. Điều này không có nghĩa là tất cả sẽ thay đổi trong đời sống này. Đó là chấp nhận có một vài chuyện không như mình mong muốn, nhưng có thể Chúa viết thẳng với các đường cong và biết rút tỉa một vài điều tốt trong cái xấu mà mình không thể nào khắc phục được trên quả đất này.”

  1. Tình yêu chịu đựng tất cả
Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Sự chịu đựng này không phải là chỉ khoan dung một số việc trái ý, nhưng là một cái gì cao rộng hơn: một chịu đựng năng động và thường xuyên, cố gắng vượt lên thử thách.”
“Tình yêu không để hận thù, khinh ghét, muốn làm điều xấu, muốn trả thù chế ngự. Lý tưởng trong tinh thần kitô và đặc biệt trong gia đình, tình yêu bất chấp tất cả.”

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

Làm sao để tôi có thể đi tu tiếp?

Trong cuộc sống, tình yêu là một khát vọng mà ai ai cũng đã từng đụng chạm đến nó và mong ước đạt tới một tình yêu vĩnh cửu. Hương vị của tình yêu luôn làm say đắm lòng con người. Trải qua tuổi ấu thơ, tôi bước vào tuổi thành niên với một sự chớm nở của tình yêu đầu đời. Tôi lao mình về phía tình yêu với một khát vọng đạt tới một tình yêu tuyệt đối, một tình yêu bất diệt.

Tôi đã từng bị say đắm giữa tình yêu con người - Thiên Chúa, nhưng tôi chưa đạt được tình yêu mà tôi đang đi tìm kiếm. Người ta thường nói: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Đúng vậy, cái “dang dở” làm cho người ta cứ lưu luyến mãi. Tôi trải qua cái dang dở của tình yêu đầu với con người và cả cái dang dở với tình yêu Thiên Chúa qua 2 dòng tu mà tôi đã từng sống. Sự “dang dở” ấy làm cõi lòng tôi thêm khắc khoải đi tìm kiếm tình yêu đích thực của cuộc đời mình.

Tất cả những hình ảnh đó đã in đậm trong tâm trí của tôi. Tuy đã được giải thoát về mặt tâm lý sau những đổ vỡ đã xảy ra, nhưng những ngày sống tiếp theo của tôi, những hình ảnh cũ vẫn cứ dội về và điều khiển tôi trong vô thức mà tôi khó có thể kiểm soát được. Nếu cứ tiếp tục như vậy, chắc chắn điều đó sẽ tạo ra những khó khăn cho tôi trong một dòng tu mới.

Sau đây tôi xin chia sẻ cảm nghiệm của tôi về những gì tôi đã trải qua trong hai dòng tu làm ảnh hường sâu sắc đến tôi và tôi sẽ phải đối mặt với nó trong những chặng đường tiếp theo.

Mối tình đầu của tôi là một mối tình khá sâu đậm. Qua mối tình này tôi cảm nếm được một chút gọi là “tình yêu”. Một mối tình có nhiều trắc trở, để lại một vết thương trong lòng tôi khá sâu. Đây là sự đổ vỡ đầu tiên của tôi khi bước vào đời tu. Tôi nhận thức được rằng tình yêu con người rất dễ thay đổi, chỉ có tình yêu đích thực nơi Thiên Chúa là không thay đổi, và tôi quyết định bỏ lại tất cả để đi tìm kiếm tình yêu ấy.

Tôi bước vào dòng Phaolo với một sự bỡ ngỡ do chưa hiểu biết nhiều về đời tu. Ở đây tôi được các Sơ đào tạo và uốn nắn theo tinh thần của hội dòng. Tôi rất thích nề nếp sống nơi đây. Một dòng tu hoạt động có bề dày về lịch sử, có một phương pháp đào tạo rất khoa học đã tạo trong tôi một ấn tượng sâu về nhà dòng. Thời gian đào tạo, huyến luyện ở dòng Phaolo rất kỹ càng và trưởng thành. Các Sơ trong ban huấn luyện là những người có kinh nghiệm, có học vấn cao. Chương trình đào tạo rất bài bản, dành nhiều thời gian cho ứng sinh học hỏi. Có nhiều cha giáo đến dạy học nên được học những kiến thức rất tốt. Các sinh hoạt, công việc đều đòi hỏi một sự trưởng thành, ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ. Nhân bản luôn là điều đặt lên trên hết, từ việc đi đứng, nói năng, ăn uống,.. đều được uốn nắn rất kỹ. Tất cả những hình ảnh, nếp sống đó đã đi sâu vào trong tâm trí của tôi. Tuy tôi chỉ sống trong nhà dòng hai năm nhưng tất cả những cái đó đã ảnh hưởng khá lớn đến tôi. Phải rời bỏ nhà dòng tôi rất buồn và rất nhớ nơi đó.

Khi chuyển sang sống trong một dòng khác là Đan Viện Thánh Clara, dẫu rằng tôi xác tín được Chúa không muốn tôi ở dòng Thánh Phaolo, nhưng thỉnh thoảng hình ảnh trong dòng Phaolo vẫn hiện lên trong đầu tôi một chút. Tôi cố gắng để hòa nhịp với đời sống chiêm niệm ở Đan Viện Thánh Clara. Và theo thời gian, môi trường trong Đan viện đã cuốn hút tôi bởi sự thanh vắng nhẹ nhàng của nơi này.

Đan viện Clara là một Đan viện có từ rất lâu, đời sống tâm linh của các Sơ rất sâu sắc. Môi trường nơi Đan viện mát mẻ, nhẹ nhàng và hài hòa làm cho con người dễ cầu nguyện. Đời sống luôn hướng về tinh thần của Thánh Clara là khiêm nhường, đơn sơ, nghèo khó và âm thầm hy sinh cầu nguyện. Cách thức đào tạo ở nơi đây đi sâu vào đời sống nội tâm, tình chị em trong cộng đoàn gắn bó mật thiết với nhau trong tình gia đình của Đan viện. Giờ giấc sinh hoạt, làm việc, cầu nguyện rất nề nếp và ổn định, không bị xáo trộn, ồn ào bởi những tác động ở ngoài đời. Ở nơi đây có nhiều giờ để cầu nguyện và được học nhiều về Thiên Chúa, đồng thời cũng có các cha Dòng Phanxico luôn sát kề và đồng hành với Đan viện. Tất cả nhịp sống nơi đây làm cho tôi trở nên yêu mến đời sống chiêm niệm và muốn sống trọn vẹn ở nơi này. Tinh thần sống của Thánh Clara đã ăn sâu vào trong lòng tôi nên khi phải rời xa Đan viện tôi rất nhớ cộng đoàn, rất nhớ các chị trong Đan viện và đời sống nơi đó. Chỉ cần có ai đó nói chuyện về tin tức trong Đan viện Clara là những ký ức về nơi này lại hiện lên trong tôi và tôi lại háo hức, lắng nghe và nói thao thao bất tuyệt về những kỉ niệm ngày xưa.

Tất cả những gì tôi đã từng trải qua nơi hai dòng tu đã để lại một dấu ấn sâu nặng khó có thể quên được. Nhưng để nó không trở thành vật cản đeo bám tôi trong những chặng đường tiếp theo, tôi phải ý thức rõ sự mặc cảm về một quá khứ thất bại, cùng với điểm yếu của bản thân tôi và sự nuối tiếc về dòng tu cũ sẽ là một khó khăn lớn đối với tôi. Tuy không cố ý gợi nhớ đến dòng cũ để so sánh với nơi tôi đang sống hiện tại, nhưng vì nếp sống cũ nó đã thấm nhập trong tôi nên nó sẽ dễ trở thành những trung tâm điều khiển tôi, tạo cho tôi khó khăn từ phía bản thân và cả phía cộng đoàn đem lại. Sự so sánh giữa dòng tu cũ và dòng tu mới sẽ làm cho người khác bị khó chịu và mất đi những thiện cảm về nhau trong đời sống cộng đoàn.

Một khó khăn nữa có thể xảy ra với tôi đó là từ phía người hướng dẫn. Tôi đã được cha linh hướng giúp và dạy học trong một thời gian khá dài. Vì vậy khi bước vào một dòng tu mới, tôi sẽ dể nảy sinh sự so sánh giữa cha hướng dẫn và người hướng dẫn trong nhà dòng. Hơn nữa, khi biết rõ tôi đã được đào luyện khá kỹ như vậy thì cộng đoàn sẽ có những thử thách lớn cho riêng tôi. Những gì tôi đã được học nơi cha linh hướng sẽ dễ tạo cho tôi một sự kiêu ngạo với các chị em và dễ chán nản khi người hướng dẫn trong cộng đoàn không có nhiều kinh nghiệm sâu sắc để giúp tôi. Đây là điều đã xảy ra khi tôi sống trong Đan viện Clara và tạo ra khó khăn cho tôi trong cộng đoàn. Khi bị gãy đổ trong đời tu tôi mới nhận ra được điều này cũng đã điều khiển tôi và tạo thêm cho tôi một khó khăn nữa trong đời sống chung.

Nhìn lại chặng đường tôi đã đi qua, nó để lại nhiều ấn tượng đẹp và cũng để lại một vết thương trong lòng tôi. Tôi đang bước đi còn dang dở thì phải khép lại con đường đó. Hai dòng tu đó vẫn còn để lại trong tôi một sự lưu luyến, vấn vương bởi tôi yêu mến nơi đó. Vậy, tôi phải làm gì để có thể bước vào một dòng mới?

  • Trước hết, những gì tôi đã đi qua không phải là cái đích điểm cuối cùng Chúa muốn nơi tôi. Đấy chỉ là những chặng đường Chúa đang dẫn tôi đi. Tôi nhận ra được rằng Chúa không muốn tôi ở đó. Đây là điều tôi phải xác tín rõ ràng, dứt khoát. Vì nếu Chúa muốn thì những nơi đó đã là bến đậu của tôi. Do vậy, tôi phải đoạt tuyệt với những quyến luyến của quá khứ mà hướng tới nơi Chúa muốn tôi sẽ đến.

  • Thứ đến, tôi luôn phải ý thức và canh chừng những ký ức hoài niềm cũ cách cẩn thận. Mỗi khi những ký ức đó trỗi dậy, thì tôi sẽ cố gắng kiểm soát được những lời nói, những cử chỉ của mình, để không bị ký ức điều khiển, làm tôi bị phân tán trong dòng tu mới. Quả là một thách đố không dễ vượt qua, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Vì chúng đã trở thành một phần trong con người tôi và dĩ nhiên đang điều khiển tôi, nhất là những khi tôi bị căng thẳng hay gặp khó khăn.

  • Sau cùng, hằng ngày tôi sẽ phải tập luyện kiên trì với những bài tập cụ thể, để vượt thắng những mặc cảm do những thất bại cũ gây nên và thường hay ám ảnh. Tôi sẽ cố gắng tập luyện để hướng trọn về nơi mình đang sống. Luôn tập trung để hoàn thành tốt công việc hằng ngày, và miệng đọc lời vắn tắt: “Đây là nơi Chúa muốn con ở, xin cho con hướng về nơi này”. Đồng thời, tôi phải coi người hướng dẫn trong cộng đoàn là người Chúa gửi đến để uốn nắn và rèn luyện tôi. Vì vậy, tôi phải ý thức điều này để luôn vâng phục người hướng dẫn trong cộng đoàn một cách vui vẻ trong mọi hoàn cảnh.

Lạy Chúa, Ngài đã đặt vào trong tâm hồn con lòng khao khát đi kiếm tìm Chúa, và lòng con cứ khắc khoải đi tìm kiếm. Trải qua nhiều đổ vỡ trong cuộc đời nhưng lòng con vẫn đang hướng về Chúa. Nhờ ơn Chúa giúp, con đã tìm ra được những bài học sau những đổ vỡ đó. Phía trước con là cả một chặng đường đầy chông gai mà con phải đối mặt. Con rất cần ơn Chúa để giúp con vượt qua được những chặng đường đầy khó khăn thử thách đó, để con có thể đi đến được cái đích mà con đang khao khát đạt tới. Xin Chúa đốt nóng lên ngọn lửa yêu mến trong lòng con, và đồng hành với con để con được bền đỗ đến cùng trong ơn gọi tận hiến. Amen

Tuần Thánh, Hà Nội 2017,
Therese Thái Bình

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Thánh Giá nguồn trợ lực đời con

Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá hằng ngày mà theo”(Lc 9,23). Hành trình tiến về nước trời luôn phải trải qua con đường thập giá. Nói cách khác, đường về với Chúa không thiếu vắng thập giá.

Đối với người Kitô hữu, Thánh Giá là biểu tượng thiêng liêng gắn liền với đời sống đức tin. Người Kitô hữu không chỉ “tin có Thiên Chúa” mà thôi, nhưng còn xác tín vào lời chứng của Chúa Giêsu về Thiên Chúa và kế hoạch yêu thương của Người. “Để ai tin vào Người thì được cứu độ” (Ga 3,15). Thập giá là niềm tự hào, là vinh dự của những người tin theo Chúa. Thánh giá, nơi treo Đấng Cứu độ trần gian, đã trở thành nguồn mạch tuôn trào ơn cứu độ cho muôn người.

* Thập giá cuộc đời

Đức Giêsu nói : hãy “vác thập giá mình mà theo Ta”, thập giá ấy có khi là những quan điểm bất đồng giữa bề trên và bề dưới, giữa cha mẹ và con cái hay mâu thuẫn giữa hai vợ chồng, giữa chị em, bạn bè; thập giá ấy cũng là những khó khăn trong công việc…, thập giá hằng ngày vì cuộc sống mưu sinh. Đó là những cái gánh, những cái ách mà chúng ta phải mang mỗi ngày.

Chúng ta rất sợ phải vác thập giá, vậy đừng bao giờ trao thập giá cho người khác, đặc biệt là những người thân yêu của ta: ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè…Nếu tôi không vác đỡ thập giá của người thân yêu tôi, thì cũng đừng tăng thêm thập giá nào cho họ, vì họ sẽ quá sức chịu đựng.

Đức Giêsu đã hứa mang đỡ gánh nặng cho chúng ta, Ngài sẽ không thất hứa đâu, nếu chúng ta tin tưởng vào Ngài. Để Ngài làm được việc đó, chúng ta phải tin tưởng và cộng tác với Ngài. “Hãy đến với Ta, hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng, vì ách ta êm ái và gánh Ta nhẹ nhàng”(Mt 11,29).

Trên hành trình tiến về nước trời, trên quảng đường chúng ta đi có những sỏi đá chông gai, vì chúng ta đang đi với gánh nặng trên vai. Đó là gánh nặng trách nhiệm gia đình, đó là những người chồng, người vợ và các đứa con yêu quý, những gánh nặng trách nhiệm mà chúng ta đang đảm nhận… Chúng ta có muốn để họ lại trên đường, để một mình thanh thản bước đi nhẹ nhàng hơn không? Khi chúng ta có ý nghĩ đó, hãy nhớ lại Chúa Giêsu trên đường lên núi sọ, Ngài đã bị đánh đập tả tơi, máu rơi không ngừng, thế mà Ngài vẫn lê từng bước với gánh nặng trên vai. Chúng ta muốn dừng lại không tiến bước vì sức nặng của công việc và trách nhiệm của gia đình đang đè nặng làm ta không lê nổi bước chân. Hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên đường lên núi sọ, Ngài không ngã xuống một lần nhưng là ba lần ngã xoài xuống đất. Vì ai? vì bạn, vì tôi, vì cả nhân loại này mà Ngài đã cố gắng đứng dậy và bước đi. Tình yêu của Chúa là thế, Ngài không thể bỏ lại thập giá bên đường, nhưng Ngài vác nó trên vai với tình yêu để tiến về núi sọ.

Hãy yên tâm, hành trình tiến về nước trời sẽ nhẹ nhàng thanh thang, nếu chúng ta cùng bước đi với Ngài và chung sức kề vai với những người mà bạn yêu quý đó là chồng, vợ, con cái, là anh chị em… Chúng ta đừng bước đi một mình, cũng đừng để những người thân yêu của mình bước đi lẻ loi. Hãy cùng Chúa Giêsu và hãy cùng nhau bước đi trong tin yêu.

* Thập giá niềm tự hào

Thập giá, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận được và dân ngoại cho là điên rồ, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó là sức mạnh của Thiên Chúa. (1Cr 1,18-24). Thánh giá là nơi Chúa đã đổ hết giọt máu và nước cuối cùng để cứu chuộc chúng ta. Thánh giá là nơi biểu lộ tình yêu cao vời nhất của Thiên Chúa.

Ước gì ta có thể thốt lên như thánh Phaolo: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Trong cuộc sống có nhiều khi chúng ta gặp đau khổ, thử thách, chúng ta hãy ngắm nhìn thánh giá và hãy nói to lên rằng “ Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi chẳng sợ gì ” (Dt 13,6) đau khổ hay người đời chẳng làm chi tôi được.

Khi chúng ta yếu đuối, lỗi lầm…đừng buông rời thánh giá vì “Đức Kitô đã đến trần gian để cứu những người tội lỗi mà kẻ đầu tiên là bạn ” (1Tm 1,15)

Thánh Giá là “chìa khóa vạn năng”, dẫn bạn và tôi bước vào sự sống. Trong niềm xác tín ấy, chúng ta hãy mạnh dạn chia sẻ thánh giá cuộc đời cho Chúa, Ngài sẽ nâng đỡ phù trì. Vì “Ơn Chúa đủ cho con, vì sức mạnh của Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con (2Cr 12,9).

Và vì vâng lời Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu đã mang lại cho nhân loai phúc trường sinh từ cây Thập Giá mà tại đó Ngài dâng chính bản thân mình làm hy tế để cứu chuộc loài người.

Lạy Chúa Giêsu, điều kiện để đi theo Chúa là “vác thập giá mình”, nhưng nhiều lúc chúng con muốn buông bỏ thập giá ra khỏi chính mình, muốn được trao đổi thánh giá nhẹ nhàng hơn. Chúng con ai cũng muốn tránh né đau khổ, thử thách, ngại dấn thân hy sinh. Nhưng hành trình tiến về nước trời sẽ không bao giờ thiếu vắng thánh giá, vì thế, xin Chúa ban cho chúng con lòng khát khao yêu mến thánh giá. Xin Chúa trợ giúp chúng con, để chúng con hiên ngang vác thập giá đời mình vui bước theo Chúa.

Mây Trắng

Tháo Đanh Chúa Giêsu

Ôi, Thầy Chí Thánh của con, làm sao để con đi hết các đau khổ trong cuộc thương khó của Chúa đây? Con cảm thấy ngại ngùng và coi đó như một cực hình. Con biết rằng nơi đó xuất hiện những cảnh tượng anh hùng nhất, cử chỉ yêu thương đặc biệt nhất, gương sáng chói ngời nhất của Chúa. Trong đó làm con ngất ngây vì ngưỡng mộ, sốt mến vì yêu thương nhưng không hiểu sao con vẫn có thái độ ngại ngùng đến thế. Con vừa băn khoăn vừa say mê khi nhìn Chúa đang tìm kiếm và sáng chế ra mọi phương thế để xâm nhập vào con người con. Giờ đây, con phải yêu mến Chúa với một tình yêu chân thành nhất. Con muốn có mặt để cùng mọi tâm hồn đạo đức khóc thương cuộc tử nạn của Chúa như Mẹ Maria, người chị họ của Mẹ và ông Gioan khóc thương Ngài. Nhưng tâm tình con thật khác xa họ quá. Bao lần cố gắng mà luôn luôn chỉ đưa tới tâm trạng đáng buồn là vẫn lạnh giá trước các nỗi đau của Chúa và Mẹ. Ôi Chúa Cứu Thế đáng tôn thờ, xin hãy chiếm ngự lấy toàn thân con, cùng mọi tâm tình và ý chí của con. Ôi Thánh Thần Thiên Chúa, xin trở nên linh hồn sống động của mọi tâm tình nguội lạnh không sức sống trong con. Xin ban cho trạng thái bất toàn này một sức mạnh đầy quyền năng để vượt qua chặng 13 này. Vì con thực sự muốn trở nên người bạn tâm phúc với Chúa Giesu chịu đóng đinh của con, muốn được hiểu biết nỗi khổ của Ngài, muốn an ủi và xoa dịu phần nào những cơn đau dữ dằn Ngài chịu.

Xem thấy hai ông thánh tháo đanh Chúa Giêsu mà đem xác xuống cách thảm thiết, sao con có thể cầm nước mắt được đây? Chúa đã chết, chết cho thân phận phàm nhân của con đầy bất trắc và cạm bẫy. Chính tay con cầm mũi đòng mà đâm phịch vào trái tim Ngài, máu và nước chảy ra mà không chút thương tình. Chúa nằm đó, bất động, mắt nhắm nghiền trong lòng Mẹ. Như ông con đã từng nằm yên, không nhúc nhích, trong quan tài, trước mắt con. Trong lúc hấp hối, khi ông hỏi mọi người cái Trinh đâu thì con vẫn đang cười nói trên lớp học, vẫn cười ha hả trong các cuộc trò chuyện. Ông mong gặp con lần cuối, mong con về với ông như Chúa lúc nào cũng mong mỏi, vậy mà con… Con hoảng hốt và ngạc nhiên khi thấy người ông bé xíu giữa chiếc giường lớn, chân tay bọc xương, đôi mắt không bao giờ mở ra nữa, giữa tiếng khóc rên rỉ, ầm ĩ của cả nhà. Con ân hận, đau đớn, tim con vò xé trước quan tài của ông mà nhìn Mẹ ôm Chúa đầy thương tích trong lòng, con vô cảm. Mẹ ơi, cũng là con người, những kinh nghiệm chịu khổ nơi bản thân con có thể hiểu được phần nào nỗi khổ cực của Mẹ. Mạo gại Chúa đâm xuyên qua lớp áo mỏng vào trái tim Mẹ làm Mẹ đau càng thêm đau. Con hiểu cảm giác xa rời người thân như thế nào, không biết diễn tả làm sao ngoài từ rất rất đau khổ. Ôi Mẹ của con, Mẹ thật mạnh mẽ, không có một thụ tạo nào đau khổ như Mẹ được, khi ôm trong tay thân xác vô hồn của người Con, Mẹ đã đáp một lần nữa hai tiếng Xin Vâng. Còn con, con chẳng thể làm được, tâm tình Chúa bộc lộ cho con rất chân thành, nhưng đáng tiếc về ph con chỉ là một sự nhạt nhẽo. Dưới chân thập tự, con đứng đó, nửa muốn bước chân lại ôm chàm lấy Chúa và Mẹ, nửa muốn lui lại phía sau. Ôi, Đấng Cứu Thế, ngay chính lúc Ngài nói cho con những khổ nạn phải chịu, thì tâm trí con lại chìm sâu trong những lo lắng về công việc tầm thường đâu đâu. Và còn tệ hơn nữa, khi Chúa cởi mở tâm tư với những lời nói đầy thương mến thì con lại sốt ruột chờ mong cho chóng hết giờ cầu nguyện. Tình trạng tâm hồn con như thế đó, xin Chúa cho con biết Chúa khó chịu vì con lắm phải không? Chúa bảo con phải dẹp bỏ mọi bi quan đó đi sao? Chúa chỉ cần con biết thân thưa lên Ngài niềm thương cảm, nỗi xót xa ân hận và những ước mơ lành thánh của con là Ngài đã đón nhận với niềm vui sướng và lấy làm an ủi rồi sao. Ngài yêu con nhiều quá khi con chỉ trưng bộ mặt lạnh lẽo với Ngài. Không cần cao siêu gì cả, Ngài chỉ cần con yêu mến Ngài như những người cha, người mẹ thế gian muốn con cái yêu thương mình. Ôi, Đấng đã chết trên thập tự vì tội con, Ngài không hề trách con lấy một lời nhưng luôn tỏ ra thương yêu. Ngài biết không, chính tình yêu âu yếm không biết mệt mỏi đó đã khơi dậy trong con một lòng tin cậy, hối tiếc và muốn chạy lại khóc và xin Ngài thứ tha.

  • Khi đau khổ, con chỉ nghĩ tới mình và các đau đớn riêng. Con tìm đến người khác kể lể những bi ai thống thiết đó đến nỗi làm họ mệt mỏi. Chúa dù có tủi hờn cực nhọc thế nào, Ngài vẫn im lặng mà dâng hết lên Chúa Cha, còn con chẳng nghĩ gì đến Chúa. Ngài hiểu thấu hết mọi sự của con mà con lại tìm cách xả với những con người khác cho sướng cái miệng mà không biết mình đang làm phiền họ, làm mất thời gian của họ và những gì con nói chẳng liên quan tới họ mà họ phải cầm lòng, nhẫn nại nghe con nói. Ôi Chúa ơi, con ích kỉ quá, giá như con biết nghĩ cho người khác. Xin cho con biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà biết cư xử cho đúng, tìm đến Chúa là Đấng an ủi duy nhất của đời con chứ không phải ai khác. Và xin cho con biết lắng nghe, thấu hieur, nhẫn nại nghe người khác nói nhưng đừng lấy họ làm thùng rác để trút giận cho mình.

  • Con buồn rầu khi người khác yêu mến người lương thiện hơn mình, con ghen tị với những người được người khác yêu quí hơn con, con không thích những người xinh đẹp và tài giỏi hơn con. Một lần nữa, con thấy mình quá ích kỉ và hẹp hòi. Chúa ơi, xin tha thứ cho con vì con chưa biết yêu vô vị lợi như Ngài, chưa biết đau nỗi đau của người khác, chưa biết vui nỗi vui của họ. Xin ban ơn cho con giữ mình khỏi tội lỗi, như tháo đanh Đức Chúa Giesu vậy.

  • Con bỏ mặc tin nhắn/ cuộc gọi nhỡ của người khác mà không thèm trả lời lại. Con bỏ mặc Ban truyền thông SVCG Cổ Nhuế khi họ nhờ con trợ giúp. Con cắt lời chị Nhung khi thấy chị nói miên man về gia đình, về cô em dâu và cha không hiểu những gì chị viết. Con muốn bỏ lại chị Oanh đòi ngồi ghế chờ Cha một mình giữa đêm khuya khi thấy hai mắt díu lại, muốn gọi bố mẹ chị dậy vào lúc 4h sáng trông chị để được đi ngủ. Ôi, con chẳng giống Chúa bất cứ một cái gì. Chúa hi sinh tất cả mà con toàn để Ngài cô đơn một mình. Con mệt mỏi vì những tội lỗi mình gây nên, xin tha tội cho con. Ôi Đấng Cứu Thế, xin cho con lòng trung tín để chịu đựng trong những lúc hoang mang, để con có một tình yêu sẵn sàng ôm ấp Chúa trong lúc Ngài hoàn toàn bất động. Trong giờ phút đen tối nghĩ rằng Thiên Chúa đã chết, xin cho con biết rằng Chúa vẫn còn đó, xin đừng bỏ rơi con khi con bị cám dỗ mất tâm hồn. Ôi Đấng Cứu Độ của con, con yêu mến Ngài, con cảm tạ Ngài, con xin dâng toàn thân xác và tâm hồn con cho Ngài.

Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

THIÊN ĐÀNG HAY ĐỊA NGỤC – CHỌN BÊN NÀO?

Một anh chàng, sau bữa cơm chiều, anh ta ngồi xem TV cho hiểu chuyện thời sự. Nhưng anh ta lại ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Bỗng dưng anh ta thấy mình đã chết và đang ngồi chờ ở văn phòng “phán xét”.

 Khi được gọi tên, anh được người giữ sổ sách cho biết là tên anh không có trong danh sách được nhập Thiên Đàng hay xuống Địa Ngục. Thế cho nên anh được quyền lựa chọn bằng cách thử sống tại mỗi nơi một ngày, rồi sau đó sẽ tự quyết định chỗ ở cuối cùng.

Lẽ dĩ nhiên là anh chọn Thiên Đàng trước. Cả ngày hôm đó anh được gặp nhiều người rất trí thức, đạo mạo, nói chuyện văn chương và đạo đức. Thức ăn thì hầu hết là rau và hoa quả, và uống toàn nước suối trong vắt. Trò giải trí là những bài hát êm dịu, tiếng đàn nhẹ nhàng. Trò chơi “mạnh” nhất là nhảy chuyền từ cụm mây này qua cụm mây khác …

Ngày hôm sau anh ta được cho xuống Địa Ngục để sống thử. Vừa đến nơi, anh ta được tiếp đón bằng những cô gái xinh đẹp ăn mặc theo kiểu dân đảo Hawaii, họ choàng lên cổ anh ba bốn vòng hoa thơm ngát và tặng cho anh những nụ hôn muốn phỏng cả hai bên má … Rồi thì rượu tuôn tràn, nhạc khích động rầm rộ, mọi người ăn uống, nhảy nhót vui vẻ.

Anh được Satan dắt đi giới thiệu với một số người quyền cao chức trọng. Anh chợt nhận ra Satan quả là một người lịch thiệp, khác hẳn với những gì anh đã từng nghe nói. Cuộc vui kéo dài cho đến chiều, rồi anh được đưa về một căn phòng thật lộng lẫy. Sau khi tắm rửa, anh lại được mấy cô xinh đẹp cho một màn tẩm quất (massage) chưa từng có trong đời… và anh thiếp đi trong giấc ngủ tuyệt vời …

Sáng hôm sau, khi người giữ sổ chưa kịp dứt câu hỏi, anh đã trả lời ngay là: “Muốn xuống Địa Ngục”. Người giữ sổ điền tên anh vào sổ Địa Ngục và chỉ cho anh cánh cửa để đi vào. Anh ta mừng quá, mở cánh cửa chạy ngay vào. Nhưng anh ta hoảng vía vì nhận ra mình đang rơi vào khoảng không, và rồi ngã lăn queo bên cạnh một đống rác hôi thối.

Trong bóng tối mập mờ, anh ta nhìn thấy lố nhố những người gầy gò, rách rưới, bẩn thỉu đang dành nhau tìm đồ ăn thừa trong đống rác. Anh đang ngơ ngác thì một con quỷ tiến đến, buộc dây xích vào cổ, đưa cho một chiếc xẻng rồi nói: “Mới xuống thì phải làm việc ba ngày sau mới được đến đây ăn”.

Đang hoảng sợ thì chợt thấy quỷ Satan đi đến. Anh ta vội nói: “Tại sao lại thế này? Đây có phải là Địa Ngục không? Hôm qua đâu có như thế này! …” Quỷ Satan khoác tay lên vai anh và nói:

“Đúng, đây là Địa Ngục. Hôm qua là ngày chúng tôi tuyên truyền, vận động để dụ dỗ mọi người. Cám ơn anh bạn đã chọn chúng tôi.”

(Sưu tầm)

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Người thợ điêu khắc

Ông sống tận cuối làng, cô đơn và khó tính. Không giao du qua lại với ai. Ngày lại ngày, có việc thì cặm cụi đục đẽo, không việc thì lúi húi chăm sóc miếng vườn nhỏ, trồng dăm bụi sắn, vài luống rau và ít bụi hoa. Người trong làng thỉnh thoảng ghé đến nhưng thấy bản tính ông ghẻ lạnh nên cũng chẳng ai muốn chơi. Nguồn thu nhập chính của ông là khắc tượng gỗ. Danh tiếng ông khá lẫy lừng , nhiều ngôi chùa ở những nơi xa tìm ông để đặt hàng. Từ những bức tượng Phật Thích Ca uy nghi, to lớn cho đến những pho tượng chỉ bằng nắm tay, ông đều nhận cả.
Tượng Chúa Giêsu chịu nạn
Tượng Chúa Giêsu chịu nạn
Một ngày kia có vị Linh Mục đến đặt hàng làm ông ngỡ ngàng. Đây là lần đầu tiên trong đời điêu khắc của ông có một “ông Cha” giao tiếp với ông, thứ đến là loại hàng này ông chưa từng bao giờ thử qua!
Ông Cha này rất điềm đạm và bình dân, cho ông một cảm giác gần gũi, thân thiện. Hàng đặt là một tượng Thánh Giá cao tới hai mét rưỡi và chiều ngang một mét chín, nằm trên Thánh Giá này là tượng Chúa Giê-Su cao một mét bảy.
- Nhưng thưa ông, Chúa Giê-Su là ai, tôi không biết rõ, làm sao tôi có thể khắc đúng như ông đòi hỏi?
Vị Linh Mục thoáng ngẩn người, ông mau chóng lục chiếc cặp đang mang theo người, lấy ra một bức ảnh chịu nạn đưa cho người thợ, ông này cầm lấy ngắm nghía với cặp mắt nhà nghề, giọng đầy phân vân:
- Thú thật với ông, tôi chưa từng khắc tượng… Chúa! Từ trước đến nay tôi chỉ khắc tượng Phật, tượng Thần. Đối với Chúa, tôi cảm thấy xa lạ lắm. Ông có cái gì về Chúa nữa không để tôi nghiên cứu thêm, chứ bức ảnh này tôi e chưa đủ để giúp tôi có thể lột tả được cái Thần. Ông biết đấy, tôi đặt cao lương tâm nghề nghiệp…
Vị Linh Mục nhìn ông thợ điêu khắc đầy thiện cảm, ông trao cho người thợ một cuốn sách:
- Đây là cuốn Kinh Thánh của Đạo chúng tôi, hy vọng ông sẽ biết đầy đủ về Ngài.
 
***********************
 
Suốt cả tháng trời, ông thợ miệt mài đọc kỹ cuốn Thánh Kinh và ngắm nghía bức ảnh chịu nạn. Không giống vẻ oai nghiêm của các tượng Thần ông từng khắc, cũng không có vẻ an nhiên tự tại của tượng Phật với những đường nét bệ vệ, tròn trĩnh. Tượng Chúa là những lồi lõm của một người gầy gầy, với những thương tích khắp người, một người trần truồng để lộ ra những xương sườn và cái bụng lép kẹp, nhất là gương mặt hốc hác, đau đớn của người chịu khổ hình. Một gương mặt đang trong tư thế ngước lên mà ánh mắt vừa chịu đựng lại vừa khẩn khoản, đầy tin tưởng và hiền lành, không thấy có chút nào của sự oán trách, thù hận!
Ông cứ vừa nghiền ngẫm vừa dò dẫm chạm khắc, ngày làm đêm nghiên cứu. Ngay cả trong giấc mơ ông cũng thấy gương mặt Người Chịu Nạn bê bết mồ hôi và máu, những thớ thịt co giật trong cơn đau đớn, đôi môi khô nứt tím tái hẳn đi, hai cánh mũi phập phồng trong cơn khó thở!
Ngày qua ngày, ông làm việc miệt mài nhưng rất chậm. Đôi chân xương xẩu xếp chồng lên nhau của Người Chịu Nạn, bị đóng dính vào Thập Giá tương đối dễ khắc. Lồng ngực bức tượng nhô cao hiển lộ toàn bộ xương sườn như đang cố hớp lấy không khí khiến cho phần bụng thót lại làm ông thấy khó khắc hơn! Ngay cả hai bàn tay với những ngón gầy guộc co quắp khiến những sợi gân căng trên cổ tay cũng khiến ông hình dung được sự đau đớn của Người Chịu Nạn! Hình như không có vị Giáo Chủ của Đạo nào lại khốn khổ như vị này! Hầu hết các vị đều được vinh quang ngay khi tại thế, Đạo của các vị ấy cũng được truyền bá dễ dàng chứ không bị bách hại như Đạo này!
Mỗi nhát đục ông đều đắn đo cẩn thận. Độ khó của bức tượng kích thích ông mãnh liệt. Ông say mê làm việc như chưa bao giờ ông say mê đến thế! Thỉnh thoảng, ông dừng tay, giở Kinh Thánh ra nghiền ngẫm về Con Người Trên Thánh Giá. Cứ như trong sách ghi chép lại thì Con Người này có lẽ là Chúa thật rồi! Ông ta làm phép lạ mà chẳng tốn một tí hơi sức nào cả! Chỉ một Lời, thế là thành sự! Như thể ông ta là chủ tể của vũ trụ, là Ông Trời vậy!
Hình như các vị Giáo chủ khác không làm phép lạ nào thì phải? Các Ngài chỉ dạy dỗ thôi, mà ông này thì dạy dỗ như kẻ có quyền thật sự! Cái điệp khúc “ Phần Ta, Ta bảo các ngươi…” cứ lặp lại mãi. Mà những Lời dạy bảo của Người mới cao đẹp, mới thánh thiện làm sao!
Mỗi ngày qua, tác phẩm dần lộ hình, thì trong lòng ông thợ lại càng xốn xang, khắc khoải. Có một điều gì đó làm ông băn khoăn. Ông thường hay bỏ dở công việc để đi thăm một người trong làng bị đau ốm, có khi ông nghỉ nguyên một buổi để đi đưa đám một người chết chẳng liên hệ gì với ông! Những đồng tiền làm ra được ông cất kỹ, nay cũng cạn dần theo những lần ông âm thầm đến nhà này, nhà nọ. Dân làng cũng thấy được sự thay đổi này, họ xầm xì bàn tán đủ điều về ông, có người còn độc miệng cho rằng ông đốc chết (*), nhưng nhìn chung họ dần có cảm tình với ông.
Giai đoạn khó khăn nhất cuối cùng cũng đến: Đó là gương mặt Người Chịu Nạn. Ông đã bỏ nguyên hai ngày để đọc kỹ lại cuộc khổ nạn của Chúa Giê-Su trong cả bốn quyển Tin Mừng. So sánh, đối chiếu cả bốn quyển để tìm ra những điểm chung, điểm riêng, những nét đặc trưng khả dĩ giúp ông hình dung ra sự khốc liệt của cuộc hành hình mà Chúa Giê-Su phải chịu. Ông mường tượng ra những cơn đau khiến gương mặt co giật. Răng nghiến lại? Ừ, có thể nào răng nghiến lại khi cơn đau cùng cực không? Miệng có bị méo đi không? Còn mắt? Mắt nhắm nghiền hay trợn trừng hoặc lạc thần vì quá sức chịu đựng? Mồ hôi và máu thì dĩ nhiên rồi! Một gương mặt đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn. Tâm hồn dĩ nhiên đau đớn lắm khi Người thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?” mà tâm hồn này cũng tin tưởng và bình an vì Người đã kêu lên: “Con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Một gương mặt tội nhân mà sáng chói sự thánh thiện khi Người nguyện rằng: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Một gương mặt hài hòa bao nhiêu là trạng thái mà ông phải cô đọng lại!
Từng nhát đục ông gọt đẽo trong hồn ông, tượng hình dần trên thân gỗ. Gương mặt Chúa Giê-Su đau đớn với đôi mắt mở lớn đang ngước lên trời trong tâm tình phó thác vâng phục. Phải rồi, Người đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập Giá đang khi Người uy quyền phép tắc đến thế! Ai làm gì được Người nếu không phải chính Người tự nguyện chết thay cho nhân loại? Gương mặt Chúa Giê-Su thánh thiện và khả ái làm ông hài lòng mặc dù mấy hôm nay một cơn đau cứ nhoi nhói trong ngực ông.
Khi ông dừng nhát đục cuối cùng thì ánh sáng cuối ngày cũng vừa lịm tắt. Ông vui sướng cố dựng Thánh Giá gỗ nặng nề lên cho dựa vào tường rồi mệt mỏi lê bước vào giường. Đặt mình nằm xuống, ông thiếp đi rất nhanh, không hề mộng mị.
 
***********************
 
Tiếng gà gáy sáng làm ông choàng tỉnh giấc, toàn thân khoan khoái sau một giấc ngủ dài làm ông có cảm giác trở lại thuở đôi mươi. Bên ngoài cửa sổ trời vẫn còn tối nhưng nơi cửa ra vào ánh sáng lại huy hoàng làm ông ngạc nhiên. Ông chợt nhớ ra chiều qua mình đã ngủ như chết, không tắm rửa, không ăn uống và không cả đóng cửa!
Ông bước xuống giường đi ra cửa và bất chợt khựng lại vì trong sân đang chói loà toàn ánh sáng, một thứ ánh sáng mà ông chưa từng thấy, chính ánh sáng này đã chiếu sáng cửa lớn nhà ông. Toàn thân ông thấm đẫm thứ ánh sáng huyền diệu này. Một niềm hạnh phúc ngọt ngào dâng ngập hồn ông, trong mơ hồ ông nhận ra thân thể mình bỗng nhẹ tênh, ánh sáng đưa ông bay lên cao, lên cao mãi…
 
*********
 
Phải đến hai ngày sau dân làng mới phát giác ra ông đã chết dưới chân cây Thánh Giá mà ông vừa hoàn thành, trong tư thế nửa ngồi nửa quỳ, mặt ngước lên và tay ôm chặt chân tượng Thánh Giá.
 

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...