“Kính mừng Maria đầy ơn phúc” (Lc 1, 28). Đó là lời đầu tiên của Sứ Thần Gabriel chào Đức Trinh Nữ. Hôm nay từ miệng của một người nữ thích giả đang nghe Chúa Giêsu giảng cũng cất cao giọng nói : “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú” (Lc 11, 27).
Vâng Đức Maria là đấng đầy ơn phúc, Mẹ là người diễm phúc. Bài Tin Mừng theo thánh Luca Thánh lễ vọng chiều nay được Giáo hội dùng, dìu chúng ta về với tước hiệu Đức Maria đầy ơn phúc. Người việt ta vẫn thường nói : “Phúc đức tại mẫu“, nghĩa là theo quang niêm truyền thống, con cái được thừa hưởng điều tốt lành, may mắn từ người mẹ, do cách ăn ở cư xử, sự gương mẫu, cách giáo dục của người mẹ mà ra. Người mẹ chính là thầy dạy đầu tiên của việc hình thành nhân bản nơi đứa con. Chẳng thế, George Herbert đã viết một câu rằng: “Một bà mẹ tốt thì giá trị hơn cả trăm ông thầy!“
Người Do thái cũng vậy, khi Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ vì ngưỡng mộ con người cũng như cách giảng dạy của Chúa Giêsu, bà cho rằng, Thầy tài giỏi như thế này, hẳn là Mẹ Thầy phải là người có phúc lắm, nên bà đã không ngần ngại vượt qua rào cản của chính mình là phục nữ, bà đã cất tiếng nói với Đức Giêsu về Mẹ của Ngài : “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú” (Lc 11, 27).
“Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy” (Lc 11, 27)
Đức Maria là người diễm phúc, trước hết vì đã được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn. “Phúc thay kẻ được Người chọn lấy và cho lại gần, nơi tiền đình của Người, nó sẽ lưu lại! ” (Ps 65,5). Câu này ám chỉ, dân có phúc là dân được Thiên Chúa trị vì, nhất là được Thiên Chúa thiết lập ngai báu vương quốc của Ngài ngay giữa họ; người có phúc là người được Thiên Chúa đến ở cùng, và dĩ nhiên chúng ta nghĩ ngay đến Đức Maria, người diễm phúc như lời Thiên Thần Grabirel chào và nói : “Thiên Chúa ở cùng bà ” (Lc 1, 28), lời bà Êlisabeth xác nhận cái phúc của Mẹ : “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc” (Lc 1, 42). Phúc của Mẹ trổi vượt trên mọi thần thánh trên trời, Mẹ có phúc vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng là Hồng Phúc đã chọn Mẹ, cư ngụ trong dạ Mẹ chín tháng mười ngày, đến khi chào đời, Mẹ đã ôm ấp bú mớm nâng niu… những điều đó đã làm cho vai trò làm mẹ của Đức Maria trở thành mật thiết, gắn liền với cuộc sống của Chúa Giêsu hơn ; không những thế, Chúa Giêsu còn ở với Mẹ trong suốt nhiều năm và đã vâng phục Mẹ. Giờ đây, Mẹ thật diễm phúc và Mẹ luôn hạnh phúc, Chúa Giêsu Con Mẹ đã phủ đầy vinh quang của Ngôi Lời nhập thể trên Mẹ bên trong cũng như bên ngoài, hạnh phúc của Mẹ vượt quá sự hiểu biết của chúng ta.
“Phúc cho vú đã cho Thầy bú” (Lc 11, 27)
Mẹ là người trinh nữ duy nhất đã được vinh dự cưu mang và sinh hạ và dưỡng nuôi Con Một Thiên Chúa Chúa cho trần thế. Người đàn bà khi nghe Chúa Giêsu giảng đã không ngần ngại nói đến những nét đặc trưng và kín đáo của một người mẹ, những gì nơi thân xác mẹ cần cho sự sống của con. Ngoài lòng dạ của thân mẫu Thầy đã cưu mang Thầy, mà còn “vú đã cho Thầy bú mớm” ba năm. Như thế, thân xác và tâm hồn mẹ là cái nôi ru cho con lớn lên. Mẹ vừa cưu mang, vừa lo sinh, lo dưỡng.
Nếu “yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời” như kiểu nói của văn hào shakespears, thì Đức Maria là người diễm phúc, vì Mẹ được Chúa yêu thương, chính Mẹ cũng biết dành trọn vẹn tình yêu của mình cho Thiên Chúa. Ngay trong mầu nhiệm lên Trời, Mẹ Maria đã được diễm phúc hưởng nếm ơn phục sinh “hồn xác lên trời” trước bất cứ ai, vì Mẹ chẳng vướng mắc tội truyền. Mẹ hạnh phúc tự nhiên vì cưu mang Con Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể, nhưng chính Mẹ biết rõ hơn ai: Mẹ hạnh phúc siêu nhiên vì được Tình Yêu Thiên Chúa cưu mang từ thủa đời đời. Mẹ hạnh phúc là như thế đó, và trong hạnh phúc của Mẹ chúng ta tìm thấy hạnh phúc của mỗi người chúng ta.
Mẹ sẵn sàng cưu mang hạnh phúc của mỗi chúng ta
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa mà Mẹ Maria đã cưu mang và cho bú mớm là Đấng Cứu Độ thế gian, mặc lấy xác phàm nhân loại và thánh hiến với tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Trái đất là bệ dưới chân của Đấng là Hồng Phúc. Nên trong hạnh phúc của Mẹ có hạnh phúc của mỗi người chúng ta. Như Mẹ hiền, khi bồng ẵm Chúa Giêsu Con Mẹ, với vòng tay rộng mở của tình mẫu tử, Mẹ ôm cả nhân loại trong tình yêu của Người Con ấy, “vì nhân loại là chi thể của Thân mình Ngài” (Ep 5,30), và Mẹ không xấu hổ vì được gọi là Mẹ của tất cả những ai được sinh ra trong Chúa Kitô nhờ ơn cứu chuộc của Người. Mẹ được gọi là Evà mới “Mẹ của tất cảchúng sinh” (St 3,20), nhưng trong thực thế, Mẹ là Mẹ của những kẻ chết… Vì Evà cũ đã không thực hành ý định của Chúa cách trung thành, Mẹ là người đã hoàn thành mỹ mãn mầu nhiệm ấy. Cũng như Giáo hội là mẹ của tất cả những ai tái sinh trong đời sống Giáo hội. Giáo hội là mẹ của những người sống làm cho mọi người được sống (Ga 11,25; 5,25s). Khi trao ban sự sống cho trần gian dưới nhiều hình thức, Giáo hội đã trao bao sự sống cho tất cả những ai tìm thấy sự sống của mình trong Đấng Hằng Sống.
Chính vì thế, người mẹ diễm phúc của Chúa Kitô là mẹ chúng ta nhờ mầu nhiệm thân thể này, Mẹ cũng tỏ cho chúng ta biết Mẹ rất ân cần và trìu mến… Và giờ đây chúng ta “ở trong sự che chở ” của Mẹ “Đấng Tối Cao“, chúng ta “ngụ cung cấm của Ðấng Tối Cao, và trọ dưới bóng của Ðấng Toàn năng; Tôi đã đặt Chúa luôn luôn trước mắt, vì có Người bên hữu, tôi sẽ không lay! ” (Ps 90,1; 16,8). Hơn nữa, vì Vua vinh quang đã ngự nơi Mẹ, với tình mẫu tử hải hà, Mẹ sẽ chia sẻ vinh quang ấy cho chúng ta.
Mẹ hạnh phúc, Mẹ cũng muốn con cái mình hạnh phúc, nên Mẹ dạy : “Người bảo gì các con cứ làm theo” (Ga 2, 5). Chúa Giêsu bảo: “Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa còn có phúc hơn” (Lc 11, 28). Xin Mẹ giúp chúng con vâng nghe và giữ lời Thiên Chúa, để trở nên những người con diễm phúc của Mẹ. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét