Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

“SỰ MỤC NÁT CỦA HẠT LÚA MÌ”

(Vài cảm nhận về Sr Maria Trần Ngọc Thảo Linh, Dòng MTG Tân Việt)


Khi nghe tin Sr Maria vừa được Chúa gọi về, sau một thời gian chiến đấu với dịch bệnh, tâm tình đầu tiên của con: đó là hiệp ý với Sr trong lời tạ ơn Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho Sr được làm người và làm con Chúa trong lòng Hội Thánh. Cách riêng, Chúa đã chọn và gọi Sr đi theo Chúa, trong đời sống thánh hiến, theo linh đạo của Hội Dòng MTG.


Sự ra đi của Sr khi tuổi đời còn rất trẻ, với 32 tuổi đời và 7 năm khấn dòng, khi ngày khấn trọn đời đã được lên chương trình, cùng với bao dự định chưa được thực hiện... chắc chắn đã để lại bao nỗi tiếc thương cho Hội Dòng và mọi người; nhất là ông bà cố và gia đình. Chúng ta nguyện xin Chúa, sẻ chia và xoa dịu nỗi đau của ông bà cố hiện đang gánh chịu.


Tuy nhiên, sự ra đi về với Chúa của Sr Maria Trần Ngọc Thảo Linh không chỉ để lại cho chúng ta những nỗi đau buồn mà thôi, nhưng còn để lại cho chúng ta những bài học hết sức ý nghĩa.


Được biết, lẽ ra Sr Thảo Linh đã khấn trọn đời vào Tháng 6 vừa qua. Nhưng vì dịch bệnh, nên phải hoãn lại ngày khấn. 


Như vậy, trong thời gian qua, sơ Thảo Linh đã chuẩn bị tâm hồn và dọn mình để lãnh nhận hồng ân qua nghi thức khấn dòng. Sr muốn hoàn toàn được thuộc về Chúa, muốn chết đi cho con người cũ của mình để chỉ sống cho Chúa qua qua lời cảm kết của mình. Và Sr đang chờ đợi giây phút trọng đại đó. 


Thế nhưng, giờ đây Sr Maria không phải dùng lời nói hay chữ viết, để nói lên sự thuộc trọn về Chúa, mà Sr đã dùng chính cái chết của mình để nói thay cho tất cả những điều đó. Giống như cuộc hiến tế của Chúa Giêsu trên cây thập giá năm xưa. 


Và nay thì Sr Maria đã hoàn toàn thuộc trọn về Chúa, và chỉ sống cho một mình Ngài mà thôi.


Nếu như: sau khi khấn trọn đời, Sr Thảo Linh chính thức thi hành sứ mạng Chúa trao phó ngang qua Hội Dòng, là nói về mầu nhiệm thập giá của Chúa Giêsu cho mọi người, thì giờ đây qua cái chết của Sr giữa đại dịch và vì đại dịch, Sr đã làm chứng cho Chúa cách cụ thể và thiết thực nhất. Rằng, người nữ tu Dòng Mến Thánh Giá cũng chung chia phận người, cũng đau khổ, cũng mang lấy bệnh tật và cũng chết đi như bao nhiêu người khác; giống như Chúa của chúng ta vậy. 


Cũng giống như cái chết của Chúa Giêsu, cái chết của Sr Maria nói riêng và của người Kitô hữu nói chung không phải là một sự chấm hết, nhưng là để mở ra một sự sống mới, sự sống vĩnh cửu và sự sống trong Chúa. 


Ta gọi đó là quy luật của hạt lúa mỳ, phải chấp nhận mục nát đi mới có thể trổ sinh những bông hạt khác.


Được biết, khi biết mình không thể qua khỏi, ước nguyện cuối cùng của Sr Thảo Linh là được mặt bộ tu phục khi qua đời và được mọi người đứng chung quanh cầu nguyện cho mình. Và Chúa nghe thấy ước nguyện của Sr. Sr đã được mặc tu phục khi mất và được quý cha quý tu sĩ tình nguyện viên đứng chung quanh cầu nguyện cho Sr trong giờ phút cuối cùng. Đây là điều rất đặc biệt và hiếm có trong thời gian dịch bệnh này. 


Có lẽ, đó chính là phần thưởng mà Chúa đã dành cho những ai luôn đặt niềm hy vọng vào Chúa và suốt cuộc đời trung thành bền đỗ trong ơn nghĩa Chúa.


Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho Sr Maria, cầu nguyện cho các bệnh nhân COVID và cầu nguyện cho cơn đại dịch mau chấm dứt.


Giuse Nguyễn Khánh Sơn, DCCT.

Mẹ ơi! Con đã về…


 Mẹ kính yêu của con

 Dù rằng con đã về bên mẹ, nhưng con vẫn muốn viết và gửi đến mẹ những dòng tâm tình này. Chẳng phải con muốn rườm rà, nhưng con biết khi đọc mẹ sẽ cảm được nhiều hơn.


Cứ mỗi lần chiếc điện thoại trong túi áo của con reo lên vào tầm chín hay mười giờ tối, thì con biết ngay đó là mẹ. Con lưu trên màn hình điện thoại của mình tên là “Mama” kèm với tấm hình hồi tết vừa rồi con chụp với mẹ. Mẹ con ta cười tươi hớn hở, áp sát mặt nhau cùng chụp một tấm thật đẹp. Con cứ ngó màn hình điện thoại mãi mà chẳng muốn nghe máy, không phải vì con không muốn nghe điện thoại, nhưng vì con muốn nhìn tấm hình mẹ con ta được ánh đèn điện thoại chiếu sáng, rung rinh, sinh động và dễ thương.


“Alô! Mama ơi! Con nè!”. Chắc chắc câu đầu tiên mẹ sẽ hỏi con là: “Sao rồi con? Khỏe không?”. Cả ngày con thấy mình mệt mỏi, lúc mẹ gọi cũng là lúc con đã chợp mắt gần cả tiếng đồng hồ để chuẩn bị ca làm sớm. Nhưng nghe giọng nói ấm áp của mẹ, mắt con sáng rỡ và vui biết chừng nào. Cuốc điện thoại gần nhất mẹ hỏi: “Chừng nào con về?”, con ấp a ấp úng không trả lời ngay được. Dù mẹ thừa biết con chẳng trả lời được, nhưng lần nào mẹ cũng nhắn: “Về sớm nha con! Mẹ đợi! Nấu canh chua, kho cá rô đồng cho con ăn!”. Nghe tới đó, con rớt nước mắt.


Ngày mẹ nghe con tham gia chiến dịch chống dịch Covid tuyến đầu, mẹ chẳng hiểu tuyến đầu tuyến cuối là gì, chỉ thương mẹ quanh năm làm việc và lo lắng cho gia đình. Thông tin dịch Covid thì mẹ nghe đài nhắc nên cũng biết đôi chút. Nhưng cái chuyện tham gia chống dịch tuyến đầu là gì “con nói cho mẹ tỏ?”. Con lặng xíu tìm cách nói cho mẹ dễ nghe và dễ chấp nhận, vì nếu mẹ biết con vào làm việc trong môi trường bệnh tật và nguy hiểm, hẳn mẹ lo lắm, vì con biết tính mẹ của con mà. Sau một hồi nói chuyện, mẹ đã hiểu. “Mama nè! Con học ngành bác sĩ mà. Bác sĩ là để cứu người. Mà giờ nhiều người cần cứu, nên con đến cứu họ.” Mẹ bên kia “ờ! ờ!…” nhưng không quên dặn: “Giữ sức khỏe nha con! Rãnh về với mẹ!”.


Bước vào môi trường chiến đấu khốc liệt với đại dịch Covid, mặc trên người bộ đồ bảo hộ cả ngày trừ lúc đi ngủ được tháo ra xíu để thở. Chạy từ khu này sang khu khác liên tục mỗi người có điện thoại cần đến bác sĩ hỗ trợ. Chứng kiến bao nhiêu cái chết trước mắt mình, thậm chí trên tay mình, nhiều lúc con thấy mình bất an… Dù rằng một bác sĩ như con đã không ít lần tiếp xúc với những chuyện như thế, nhưng trái tim con người vẫn xao xuyến và lúc ấy, con… nhớ mẹ. Con mong gì nghe tiếng mẹ “khỏe nha con!” là con sẽ khỏe ngay lập tức, như thể vừa uống thứ thần dược có tên là “tình mẹ” vậy.


Mỗi khi con nhìn đồng bào mình ra đi vì đại dịch, chứng kiến những giọt nước mắt muộn màng, nghe những tiếng than đau đớn của bệnh nhân, con hiểu… họ cũng cần tình thương như con cần tình mẹ vậy. Nhờ đó, con gửi trao cho mọi người tình yêu và sức mạnh mà mẹ đã trao cho con. Con cố gắng chữa trị cho bệnh nhân vì… bệnh nhân, vì mẹ, và… vì đạo đức nghề nghiệp của mình nữa.


Hôm nay con về với mẹ! Trong khi đồng nghiệp của con vẫn làm việc. Con không nghĩ tới chuyện mình được về ngay lúc này, vì con vẫn muốn tiếp tục mẹ à! Cuộc chiến vẫn còn dai dẳng và con muốn chiến đấu tới cùng. Choáng váng! Chỉ một cơn choáng váng, ngã quỵ và con hay tin mình cũng không thoát khỏi tình cảnh như anh chị em bệnh nhân nơi bệnh viện dã chiến này. Phút chốc, con thấy mình yếu dần, yếu dần… nhưng trong tâm thức con vẫn có mẹ, có anh chị em đồng nghiệp, có anh chị em bệnh nhân thân yêu.


Mẹ phải giữ gìn sức khỏe nhé! Như những gì mẹ dạy con về đạo làm người, con đã sống hết mình vì điều ấy. Sống cùng, sống với và sống vì người khác. Con vẫn yêu mẹ, yêu anh chị em đồng nghiệp và anh chị em bệnh nhân. Hôm nay, con không còn cơ hội phục vụ nữa… con về với mẹ… ăn canh chua, cá kho tộ với mẹ… mẹ ơi!


Silicat

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

Sẽ còn nhớ mãi…

Ta đã tin cả khi mình chẳng thể thấy… Bên cửa nhà ngày cứ chậm trôi, ta quặn lòng trong con tim dày xéo. Còn tia nắng nào khi màn trời dần hạ xuống? Giờ đây, còn gì đâu để nhén nhúm, hy vọng giờ còn gõ cửa làm chi! Ta bắt đầu gào xé trong màn âm tắt lịm, cố hỏi rằng bao lâu nữa, Chúa ơi? Còn bao lâu nữa vậy, lạy Chúa? Còn tia sáng nào khi ánh quang buông màn? Có điều này sẽ bừng lóe nữa không?

Ta mơ hồ trong đống chuyện thực hư cõi trần ai, nhưng đó là những gì chân thực nhất. Những cuộc đời, những số phận. Nó quý giá thế nào, nó cao cả nhường bao trên mặt đất này. Như những ánh bình minh, kiếp nhân sinh cũng hòa điệu ngắn ngủi. Chỉ thoáng chốc vào đời rồi thoảng qua để cuộc đời khép lại.


Lúc này, ta không thể trò chuyện cùng họ, không thể nghe họ nói, thấy họ cười. Họ yên nghĩ, lặng im bất lạnh lẽo. Nhưng những đôi mắt ấy cho ta hiểu họ đã sống và cống hiến cho đời. Những cuộc đời trọn nước mắt đầy niềm vui, những cuộc đời đủ chuyện lớn nhỏ, những cuộc đời đầy những thăng trầm nổi trôi. Dù không kịp gởi lại đời cả đến một khóe mắt, một nụ cười, tiếng thở than, nhưng họ đã trút bỏ mọi muộn phiền nhân thế để bước vào “vạn cảnh giai không.” Đó là thứ ngôn ngữ ta chẳng thể thấu trong nỗi lòng nhân sinh. Ở nơi đó, họ đã tấu lên những bản trường ca cuộc đời và ta đang lắng nghe…


Giờ đây, ta cũng chẳng kịp nhấc máy nghe lời giã từ. Nhưng tình yêu của họ vẫn còn sống mãi trong ta. Họ đã từng là mẹ là cha, đã từng là anh là chị, đã từng là bạn bè, là thân hữu trên cõi đời này. Họ đã dạy cho ta biết làm thế nào để trở thành một người biết cho đi. Có lẽ chẳng thể nói lên tình cảm ta dành cho họ, những hình bóng đã ra đi. Nhờ họ, ta thêm yêu mến, thêm tin tưởng trong bão giông dồn dập. Qua họ, ta thấy được tia nắng, ta biết cách hứng mưa.


Lúc này, ta không thể nghe những cái tên. Lúc này, ta chẳng thể nghe những câu chuyện buồn vui, những cuộc đời từng trải. Mỗi người là một trái tim đang đập giữa những kẻ đã ra đi. Ta gọi tên họ.


Hàng triệu con tim Việt Nam nhắc tên họ. Những người từ Bắc chí Nam về sum họp, người thành thị người thôn quê đã nằm xuống. Cả nước hướng về và cầu nguyện cho họ.


Họ tựa lời một thi sĩ đã cất lên, “nếu thời gian có hồi ảnh và nếu không gian có vọng thanh, thì hình bóng của họ tất đã ghi sâu vào ký ức của vũ trụ.” (Đốt lò hương cũ, Đinh Hùng)


Ta thầm cảm ơn những con người đã ra đi vì tất cả. Những hơi thở đầu tiên và những khoảnh khắc nấc nghẹn sau cùng. Những lời tạm biệt xa xôi. Những đôi mắt thấp thoáng, những nỗi niềm trĩu nặng sau chiếc khẩu trang. Những người lạ nhưng chẳng phải người dưng. Những nỗi đau chẳng thể nguôi ngoai. Những giọt lệ đâu dễ xóa nhòa. Những lời cầu ngẹn ứ trong tim, chẳng thốt nên lời, chẳng thể ngân vang. Thành phố bỗng thành chốn yên nghỉ ngàn thu. Những con phố lung linh sắc màu bỗng hóa lối về chốn xa xôi. Hy vọng nay còn đâu?


Ta đang dần cảm nhận những tin nắng, những ánh bình minh sau màn đêm lạ lùng, kinh khiếp.


Họ vẫn có chỗ trong trái tim của Đấng đầy tình yêu và lòng thương xót. Họ vẫn còn chốn nương chốn nhờ sau cõi nhân sinh. Họ vẫn còn một TÌNH YÊU, họ vẫn còn một quê trời. Có lẽ sẽ chẳng có gì khi ánh sáng buông màn. Nhưng không có gì, chẳng sự chi, không một ai, chẳng tia sáng nào thực sự mất đi. Họ sẽ còn mãi. Linh hồn họ sẽ bình thản hơn, thanh tuyền hơn, và hình như gần ta hơn.


Tôi nói làm chi?

Anh nhớ làm gì?

Lòng tôi đây và lòng anh đó

Nghe câu chuyện sầu dài sao chẳng điên mê?

Mỗi buổi anh về,

Trúc gầy liễu rủ.

Ôi câu chuyện huyền vi

Trong lòng nấm mộ,

Tôi muốn nghe,

Và anh muốn nghe!

Ôi những bước u hồn về ảo phố!

Anh đã đi,

Và tôi sẽ đi!


– Hoài niệm, Đinh Hùng –

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì?

Đã quá nửa đêm, chị em chúng tôi đang lau dọn sàn nhà, một chị điều dưỡng chạy tới giọng hối hả: “Các Sơ ơi, có người mới qua đời. Các Sơ vào cầu nguyện cho ông đi!”


Hai chị em bỏ dở công việc, chạy vội vào góc phòng. Các điều dưỡng đang gỡ máy móc, dây ống ra khỏi cơ thể đã bất động. Tôi nhìn gương mặt ông tím tái rồi nhạt dần. Vị bác sĩ trẻ vẫn chưa rời khỏi, cô lộ rõ nét buồn vì không giữ được sự sống cho ông sau một hồi cấp cứu. Cô đưa tay vuốt mắt cho ông rồi lặng lẽ quay đi. Các điều dưỡng nhanh chóng bọc ông cụ vào bao đựng tử thi rồi điện thoại cho nhân viên nhà xác mang xác đi. Tất cả diễn ra trong tích tắc khi chị em chúng tôi còn chưa đọc xong những lời kinh phó linh hồn.


Từ lúc vào giúp ở khoa ICU này, ngày nào cũng thế. Cảnh tượng ấy dần rồi quen thuộc. Lúc đầu, tôi vô cùng ngạc nhiên, thậm chí là hơi sốc. Ở gia đình, trong nhà dòng, tôi đã quen với việc nhìn thấy phút lâm chung của một người có biết bao người thân vây quanh. Người mất được tắm xác, mặc quần áo chỉnh tề, được tẩn liệm với bao nhiêu nghi thức, bao nhiêu hương hoa, nhang nến, khăn tang, tiếng khóc thương đưa tiễn… 


Còn đây là những cơn hấp hối và cái chết hoàn toàn trong cô đơn, lặng lẽ, chẳng có gì… Thật sự là không còn gì! 


Chẳng qua, chỉ vì trong trận đại dịch, trong hoàn cảnh lây nhiễm nên nhiều người phải từ giã cõi đời trong cái đau thương ấy! Nếu như tôi không ở đây, không tận mắt chứng kiến những cảnh tượng này, chắc tôi sẽ không có được cảm nghiệm sâu sắc về sự mong manh của phận người. 


Những ngày qua, tôi cứ suy nghĩ mãi: “Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì?”


Những bệnh nhân trong khoa ICU này phần lớn đã hôn mê. Ngày nào tôi cũng đi từng phòng thăm và cầu nguyện cho họ. Họ là những người dân của Thành phố này. Nam có, nữ có, già có, trẻ có, mập có, ốm có… có đủ tất cả. Con virus này chẳng chừa ai. Chúng tấn công đủ mọi thành phần trong xã hội: có những người da dẻ trắng trẻo, mịn màng, trên người còn đeo nhiều trang sức và cũng có những người da nhăn nheo, khắc khổ; có những người giàu có, địa vị, tài giỏi, cũng có những người dân nghèo, bình dị, kém cỏi… 


Thế mà giờ đây, trong phòng Hồi sức Cấp cứu này, tất cả đều bình đẳng, tất cả những sự phân biệt đều quay về con số 0… 


Mọi người dù là ai đi nữa, chỉ còn là một sự trần trụi trên giường bệnh với nhưng hơi thở khó khăn, thoi thóp. Và cái chết tinh thần đôi khi còn đến trước cái chết thể lý. Đó chính là sự cô đơn, sợ hãi khi không có lấy một người thân bên cạnh. Đi hết cuộc đời, làm bao nhiêu việc, tìm kiếm bao điều, bao mối tương quan… giờ chỉ còn một mình đối diện với cái chết cận kề. Cảm giác ấy thật không dễ dàng gì đón nhận!


Có lẽ nhiều người trong số các bệnh nhân đã cảm nhận được thân phận bụi tro của mình nên ra đi trong bình an. Nhưng tôi cũng thấy có người vẫn vùng vẫy trong hơi thở cuối cùng như còn điều gì chưa thỏa. 


Như hôm, tôi chứng kiến cơn hấp hối của một cô độ 60 tuổi: Khi các bác sĩ vẫn đang nỗ lực cấp cứu, cô mở mắt ra lần cuối, đưa mắt nhìn quanh như tìm kiếm một người thân nào đó vì mới hôm trước, tôi nghe cô tâm sự: cả nhà đều bị nhiễm, mỗi người cách ly một nơi, cô rất lo vì mất liên lạc với mọi người. Thế nhưng xung quanh cô, giờ đây chỉ là những bức tường trắng xóa, những gương mặt xa lạ trong bộ đồ bảo hộ. Tôi thấy rõ ánh mắt đầy thất vọng và đượm buồn của cô. Máy thở đã không còn tín hiệu, cô ra đi mà mắt vẫn mở đầy thao thức. Thật không thể diễn tả được bao nỗi xót xa đau đớn. Mong manh quá, một kiếp người!


Nơi đây, tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ như một cái nháy mắt. Có người hôm nay còn thấy ngày mai đã không còn nữa. Tất cả đều ra đi với đôi tay trắng như khi vào đời. Một cuộc đời còn lại gì? Không kèn trống, hương hoa, không một người thân đưa tiễn. Tất cả những bon chen giành giật, tìm kiếm danh vọng, địa vị, tiền bạc, sắc đẹp… không một điều gì có thể theo chúng ta vào cõi vĩnh hằng.


Lời Chúa vang lên soi sáng cho tôi: “Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời…” (Mt 6,20). Quả thật, khi cánh cửa thời gian khép lại, nguồn hy vọng duy nhất đời tôi chỉ còn là Lòng Thương Xót Chúa. Mọi sự thế gian đều phải bỏ lại thế gian. Chỉ có những công việc bác ái mà hàng ngày tôi tích góp mới trở nên kho tàng đích thực cho tôi, là người bạn duy nhất theo tôi đến trước tòa Chúa. 


“Đi hết cuộc đời còn lại gì?”. Bài học này thật quý giá cho tôi, để ngay lúc này, khi tôi còn hơi thở, tôi kịp thời chọn cho mình  kho tàng không bao giờ hư mất.


Nguồn: tgpsaigon.net | Đồng Hồ Cát SPC

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...