Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ

Chuyện kể rằng: có một tâm hồn đạo đức nọ, một hôm đến xin Chúa cho mình đổi cây thập giá mà Chúa đã trao cho anh vì anh không thích và cho rằng nó không hợp với mình. Chúa đồng ý và đưa người đó đến nơi có đủ loại thập giá để chọn. Nhìn bên phải thấy có cây thập giá ngắn gọn, người ấy vội vàng cầm lên để vác thử. Nhìn sang trái, tâm hồn đạo đức đó lại thấy một cây thập giá có vẻ dễ vác hơn vì thân nó tròn và bóng, không có các cạnh vuông. Người đạo đức mỉm cười và nghĩ mình sẽ chọn cây thập giá tròn kia để vác cho êm vai hơn. Nhưng khi đặt nó lên vai thì cảm thấy khó vác, vì nó trơn trượt nên cứ tuột ra ngoài, vác đi rất bất tiện.
Thế là người đạo đức nọ xin đổi cây thập giá khác. Lần này kỹ càng hơn, người đạo đức này rảo mắt nhìn qua tất cả các cây thập giá được trưng bày và thấy một cây thập giá bỏ trong góc phòng. Có lẽ nó đã bị bỏ rơi lâu rồi vì không được ai vác. Đặt thập giá này lên vai, người đạo đức cảm thấy nhẹ nhàng, tiện lợi và dễ vác hơn. Cuối cùng, tâm hồn đạo đức này đã quyết định vác lấy cây thập giá đó. Chúa mỉm cười và nói: “Con hãy nhìn kỹ coi, cây thập giá này Cha đã xếp đặt cho con vác ngay từ đầu mà con đã than phiền muốn đổi cây thập giá khác”.
Bạn thân mến, nhìn vào thái độ của người đạo đức trong câu chuyện vui kể trên, chúng ta thấy rằng: Nếu cứ bận tâm mãi với cây thập giá phải vác thì có lẽ chúng ta sẽ phải so sánh lựa chọn thay đổi mãi.
Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta hiểu rằng, giả như có hai người cùng thực hiện một công việc giống nhau. Một người làm vì coi đó là trách nhiệm và bổn phận phải làm; còn người kia thì làm việc với cả nhiệt tâm và lòng yêu mến thì người thứ hai sẽ hạnh phúc hơn người thứ nhất và hẳn rằng tình yêu sẽ làm cho gánh nặng vơi bớt.
Cũng thế, chúng ta cần xác tín rằng: Trọng tâm của đời sống Ki-tô hữu không phải là “thập giá” mà là “tình yêu”, là tương quan tình yêu của người môn đệ với Chúa Giêsu Ki-tô - Thầy của mình. Tình yêu đó sẽ làm cho cây thập giá nhẹ đi, vừa sức vác mỗi người.
Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy rằng: Chúa Giêsu muốn nhắc cho người môn đệ hiểu được giá trị cao quý của tình yêu đối với Ngài. Tình yêu ấy cao quý khi người môn đệ biết đặt Chúa vào chỗ đứng thứ nhất trong cuộc đời mình. Hay nói một cách khác: Ai muốn trở nên người môn đệ đích thực của Chúa thì phải yêu mến Chúa nhiều hơn, nhiều hơn mọi thứ tình yêu khác, hơn cả thứ tình yêu nhân bản phải có như tình yêu đối với cha mẹ, anh chị em thân thuộc của mình.
Bạn thân mến, kinh nghiệm thiêng liêng cho chúng ta thấy rằng: nếu chúng ta yêu mến Chúa hơn hết mọi sự, hơn hết mọi người thì trong chính tình yêu cao độ đó, chúng ta có thể chu toàn giới răn yêu thương đối với anh chị em xung quanh. Đó là kinh nghiệm của những vị thánh. Các thánh là những người yêu mến Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa nhất, yêu mến Chúa trên hết mọi sự và trên hết mọi người. Đồng thời, các thánh cũng là những người yêu thương phục vụ mọi người cách thiết thực nhất.
Lời Chúa còn cho chúng ta một cái nhìn thiết thực hơn về tình yêu Chúa, không phải tình yêu trừu tượng trên môi miệng hay thứ tình cảm hời hợt thoáng qua. Nhưng tình yêu thiết thực đối với Chúa cần được thể hiện qua những việc làm cụ thể: chấp nhận thập giá, chấp nhận những đau khổ thập giá, chấp nhận bị khinh dể, bị chà đạp như một tử tội, phải chịu tử hình, vác chính thập giá của mình đến nơi bị hành quyết... Vác thập giá như thế là sẵn sàng chịu mất mạng sống mình.
Chúng ta chịu mang án tử không phải như một tội nhân bởi vì chúng ta không làm điều chi sai quấy. Chúng ta sẵn sàng chịu thử thách, chịu đau khổ nhục nhã, chịu hy sinh thiệt thòi… và chịu mất mạng sống mình chỉ vì tình yêu Chúa mà thôi.
Được như vậy, chúng ta mới được đồng hóa như Chúa, giống như Chúa - Người là Đấng vô tội chỉ biết yêu thương, nhưng bị ghét bỏ và bị đóng đinh trên Thập giá. Chỉ có như thế, chúng ta mới phản ánh dung mạo của Chúa Ki-tô trong môi trường chúng ta đang sống. Lúc đó, chúng ta thực hiện được điều Chúa nói: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” Mt 10,40. Danh dự này là một danh dự đòi hỏi người môn đệ phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Chính vì tình yêu Chúa mà người môn đệ vui lòng vác lấy thập giá và sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình.
Chúng ta cần nhớ rằng, mọi hy sinh vì tình yêu Chúa đều trở nên hữu ích cho những ai tin cậy nơi Ngài. Đức Giêsu đã khẳng định: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” Mc 8, 35.
Lạy Chúa Giêsu, con xin cảm tạ Chúa vì Chúa lại ban cho con được hưởng thêm một mùa Chay thánh nữa. Nhìn lại bao tháng ngày đã qua, con thấy mình còn nhiều bất xứng với tình yêu Chúa. Biết bao lần, con đã đoan hứa sẽ trở về và sống với Chúa luôn mãi cho trọn tình con thảo. Thế nhưng, những đam mê, yếu đuối… đã làm con lãng quên tình Chúa. Chúa đã phải cô đơn, tủi buồn vì sự vô ân bội nghĩa của con.
Chúa ơi, con thành tâm xin lỗi Chúa vì con đã để Chúa phải chờ đợi quá lâu! Giờ đây con thành tâm thống hối. Xin Chúa giúp con có đủ quyết tâm và nghị lực để trở về cùng Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” Mt 26,24. Xin Chúa hãy biến đổi con nên giống Chúa hơn và luôn sẵn sàng vác lấy thập giá mình mỗi ngày mà theo Chúa cho đến cùng. Amen.

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

Ý nghĩa Chúa Nhật Lễ Lá

Với Lễ Lá, chúng ta bắt đầu tuần lễ quan trọng nhất của Năm Phụng Vụ gọi là Tuần Thánh. Trong Tuần Thánh, chúng ta cử hành cuộc khổ nạn, sự chết và nhất là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế. Dầu cho với cái nhìn chính trị, xã hội của con mắt người đời, việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua, là một việc có tính cách gây rối chính trị, vì đế quốc Rôma đang cai trị và Hêrôđê đang làm vua. Nhưng Chúa Giêsu, Người biết rõ việc Người làm. Trước mặt Philatô, Người tuyên bố rõ ràng: "Tôi là Vua nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này".

Vậy Phụng vụ Lễ Lá có thể gợi lên cho chúng ta ba ý nghĩa

- Trước tiên Chúa Nhật Lễ Lá là việc tưởng niệm cuộc vào thành Giêrusalem long trọng của Chúa Giêsu trước khi Người chịu khổ hình và chết. Biến cố đó cho chúng ta thấy Chúa Giêsu biết rằng giờ của Người đã đến, biết rằng Người phải làm gì và Người đã tự nguyện bước vào cái chết sinh ơn cứu độ, như hạt lúa miến đã chết đi để sinh sự sống mới. Người tự hiến mình để chu toàn thánh ý của Chúa Cha. Vì thế trước đó nhiều lần, những người Do Thái chống đối lập mưu để giết Người, như ném đá Người hoặc xô Người xuống vực thẳm, nhưng họ không làm được việc gì, vì giờ của Người chưa đến. Và cũng đã nhiều lần dân chúng hợp lại định tôn phong Người lên làm vua, nhưng Người đã lẩn trốn sang nơi khác cũng chỉ vì giờ của Người chưa đến.

- Ý hướng thứ hai của Lễ Lá là ngày lễ để tôn kính Chúa Kitô là Vua. Ðây là lần đầu tiên trong suốt cuộc đời trần thế của Người, Chúa Giêsu đồng ý để cho dân chúng tung hô vạn tuế Người là Vua: "Hoan hô chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời." Người vào Giêrusalem, thành của vua cả trong phong cách đế vương, và chính vì phong cách đế vương này mà Người đã bị kết án tử hình. Bản án của Người được viết bằng ba thứ tiếng, Do Thái, La Tinh và Hy Lạp, "Giêsu Nagiarét Vua dân Do Thái." Vì thế, dầu cho Người bị kết án tử hình bằng một hình khổ dã man và nhục nhã, đóng đinh chân tay căng thây trần truồng trên Thập Giá, nhưng các sách Phúc Âm đều ghi đậm nét vẻ vương giả của Người để khai mào một vương quốc mới. Vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc của yêu thương và an bình như Người đã nói trước mặt Philatô: "Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai tôn trọng sự thật thì nghe tiếng Tôi." Vậy Chúa Nhật Lễ Lá cho chúng ta một cơ hội nữa để tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Vua các vua, Vua cả trời đất, nhất là Vua của mọi cõi lòng.

- Với ý nghĩa thứ ba, Chúa Nhật Lễ Lá nhắc cho chúng ta biết sống trên đời là đối đầu với đau khổ, vì lễ Lá dẫn đưa chúng ta vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chuẩn bị chúng ta chiêm ngắm cái chết đau thương của Người trên đồi Canvê. Khi chấp nhận bằng lòng vác thập giá mình mà theo chân Chúa Giêsu, đó là chúng ta cũng chia sẻ gánh nặng của Người, noi gương Người để vác thập giá, nhưng điều quan trọng là không phải vác đi trong than khóc mà trong hy vọng. Vì với Chúa Giêsu, đau khổ và chết chóc không dồn con người vào ngõ bí, mà là dẫn đưa đến vinh quang của ngày sống lại.

Hôm nay trong cái nghịch lý của Lễ Lá, vị Vua của chúng ta tiến lên, vị Vua đã bênh vực nhân vị của con người, đã xoa dịu mọi đau khổ thể xác như tinh thần của những ai đến cùng Người. Vị Vua đó đã thu, đã hút tất cả những đau khổ của thể xác và tinh thần của con người vào chính bản thân mình, để chết đi một lần cho tất cả và đã mở ra cánh cửa vào chốn trường sinh. Ðó là niềm hy vọng của chúng ta.

Ðể có việc làm cụ thể trong tuần này, chúng ta sẽ tìm cách tế nhị giúp cho một người đang gặp khó khăn vật chất hoặc đau buồn tinh thần, để họ lấy lại được niềm hy vọng. Và noi gương Chúa Giêsu nơi vườn cây Dầu, khi Người cầu nguyện: "Lạy Cha nếu có thể được, xin cất chén đắng này xa Con, nhưng xin đừng theo ý Con một theo ý Cha mà thôi," chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta biết vui lòng vâng phục thánh ý Chúa, dầu lắm khi chúng ta không hiểu được tại sao.

Nguồn: 
FatimaCompany

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

LỜI KINH TUYỆT DIỆU VỀ THÁNH GIUSE

Lạy Cha Thánh Giuse đầy phúc đức, là gương mẫu của các linh hồn thanh khiết thích đời sống nội tâm, những linh hồn chỉ tìm kiếm và sống cho một mình Thiên Chúa, những linh hồn chỉ làm mà không nói, hoàn toàn dâng hiến cho chương trình tình yêu của Thiên Chúa và sứ mệnh cứu rỗi các linh hồn. 

Con xin phó thác cho Cha Thánh quí yêu chính mình con và mọi sự thuộc về con, mọi việc con làm, mọi biến cố xẩy đến cho con, mọi người có liên hệ xa gần tới con.

Xin Cha Thánh giúp con sống tận hiến cho Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của con, hầu nhờ Mẹ con được lòng thương xót Chúa đoái nhìn.

Lạy Mẹ chí ái, trước toàn thể triều thần thiên quốc, cùng với Chúa Giêsu Kitô thơ bé và cậy nhờ Cha Thánh Giuse, con xin chọn Mẹ làm Mẹ và làm Bà Chủ của con.

Với tư cách là nô lệ tình yêu, con xin trao phó và hiến dâng cho Mẹ thân xác và linh hồn con, cũng như các của cải trong ngoài con, cả giá trị các việc lành đã qua, hiện tại và tương lai của con, để Mẹ trọn quyền định đoạt về con và về tất cả những gì thuộc về con, những người thuộc về con, chẳng trừ điều nào, người nào, hầu làm sáng danh Chúa ở đời này và đời sau vô cùng. (Chúa Thánh Thần soi sang cho thánh Louis Marie Grignion de Montfort)

Xin Chúa Giêsu thơ bé, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse giúp con, nâng đỡ an ủi con, hướng dẫn dắt dìu con vì con yếu đuối bất lực trong mọi sự. Xin Giêsu Maria Giuse hãy sống và hành động trong con luôn mãi. Amen.

Imprimatur
Hà Nội ngày 5/4/2003
Hồng Y Phaolo Giuse Phạm Đình Tụng

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018

Cuộc đời Đức Tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ

WGPSG — Theo cái nhìn thiển cận của bỉ nhân, ngoài trí khôn ngoan Thiên Chúa thương phú bẩm cho Đức Tổng Giám mục Phaolô thì Đức Tổng còn nhiều đặc điểm nổi trội để mọi người có thể học theo.

Con người không tránh khỏi những sai lầm va vấp. Thế nhưng rồi, là con người, ta nên nhìn cái tốt, nhìn những gì đẹp của người đã khuất để ta sống và noi theo gương lành của người đó.
Cuộc đời Đức Tổng Phaolô dường như luôn luôn gắn bó với Mẹ và Mẹ luôn mãi chở che Ngài cho đến hơi thở cuối đời.
Khởi đi từ tâm tình “Chúa là nguồn vui của con” để rồi từ đó trong chuỗi ngày sống của mình, Đức Tổng đã dành thời gian nhiều để cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều với Đức Mẹ. Đây chính là tâm tình mà Đức Tổng đã trải lòng với cộng đoàn dân Chúa trong Thánh lễ hành hương minh niên mùng 1 Tết Nguyên đán vừa qua tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn.
Cứ mỗi lần về với Nhà Dòng, Đức Tổng không bao giờ quên kỷ niệm xưa nơi hang đá Đức Mẹ. Đức Tổng vẫn còn nhớ hình ảnh quý mến của Mẹ và rồi Mẹ đã bảo bọc chở che Đức Tổng suốt cả đời.
Dẫu rằng có “duyên” nhưng Đức Tổng đã “nợ” Dòng Chúa Cứu Thế rất nhiều. Nợ Dòng Chúa Cứu Thế ở đây được hiểu rằng “nợ” Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở cái Đền Thánh trên đường Kỳ Đồng mà Dòng Chúa Cứu Thế được cái “duyên” coi sóc cũng như quảng bá Đức Mẹ cho mọi người.
Nhiều người đã đến với Đền Mẹ Hằng Cứu Giúp để rồi được nhiều ơn ích. Một trong những Giám mục chịu ơn Mẹ chính là Đức Tổng Giám mục Phaolô kính yêu của chúng ta. Chính vì lẽ đó, những khi có thể, Đức Tổng vẫn đến thì thầm bên hang đá Mẹ ở Dòng Chúa Cứu Thế. Và rồi, ta thấy tình thương của Mẹ luôn ủ ấp Đức Tổng trên mọi nẻo đường đời.
Với lòng kính yêu Đức Mẹ cách đặc biệt, Đức Tổng luôn luôn cổ võ lòng yêu mến Đức Mẹ cho mọi người và với mọi người.
Đến với Núi Cúi, trong ngày Lễ đặt viên đá đầu tiên để xây dựng Trung tâm Hành hương bậc nhất của đất nước ở Xuân Lộc, hết sức tâm tình, Đức Tổng Phaolô chia sẻ:
“Hôm nay là ngày đại hỷ của giáo phận Xuân Lộc, là ngày vui lớn của mọi người, tôi cầu chúc giáo phận Xuân Lộc 3 điều:
Cầu chúc cho giáo phận Xuân Lộc tràn đầy niềm vui, “đất lành chim đậu”, nhiều người đến đây và chúc cho việc truyền giáo mỗi ngày một lan rộng;
Cầu chúc cho việc tôn sùng bí tích Thánh Thể và Đức Maria ngày càng mạnh mẽ và lan rộng ra đến các giáo phận chung quanh để Chúa Giêsu Thánh Thể luôn trở thành trung tâm của đời sống Giáo hội, để Đức Mẹ luôn là Mẹ của Giáo hội và của chúng ta;
Cầu chúc cho giáo phận Xuân Lộc ngày càng có nhiều ơn gọi linh mục, tu sĩ, phong phú đa dạng cả về chất và về lượng. Cầu chúc cho dân Chúa trong giáo phận ngày càng hăng say hơn nữa”.
Nói về Núi Cúi, Đức Tổng không ngần ngại tỏ bày: “Nếu Đức Thánh Cha qua đây sẽ mời Đức Thánh Cha đến vùng này, bởi đây là nơi có thể đón được nhiều người đến đón Đức Thánh Cha nhất”.
Giờ này đây, Đức Tổng đã yên giấc ngàn thu. Hẳn nhiên, trong thân phận con người, không ai tránh khỏi những sai lầm vấp váp. Thế nhưng rồi, trong niềm tin tưởng và phó thác và nhất là tín thác vào tình thương của Mẹ Maria, chúng ta trao phó Đức Tổng trong vòng tay yêu thương của Mẹ. Đức Tổng luôn luôn sùng kính mến yêu Mẹ, lẽ nào Mẹ lại bỏ Đức Tổng.
Cũng giờ này đây, khi gần Chúa và Mẹ, xin Đức Tổng thương cầu nguyện cho những người còn lại, cầu nguyện cho con đây là kẻ tội lỗi. Và, xin Đức Tổng cũng thương cầu nguyện cho công trình Đức Mẹ Núi Cúi mau hoàn thành như ý Chúa muốn.
Người Giồng Trôm

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Cái chết của Đức cố TGM Phaolô là một bức tâm thư Chúa gửi cho tôi

1. Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc đã qua đời tại Rôma. Tôi rất ngỡ ngàng. Chỉ biết cầu nguyện cho ngài.

Khi cầu nguyện cho Đức Tổng, tôi xót xa nghẹn ngào. Tôi nhớ lại những tâm sự giữa hai chúng tôi, ngay trước khi ngài đi Rôma.

2. Giờ đây, ngài vẫn tâm sự với tôi. Ngài khuyên tôi hãy coi cái chết của ngài như một bức tâm thư Chúa gửi cho Hội Thánh Việt Nam nói chung, và cho tôi nói riêng.

Ý chung của bức tâm thư đó là: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”.

3. Đức cố TGM Phaolô khẩn khoản nhắc cho tôi nhớ lại Lời Chúa Giêsu đã báo trước: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 36).

4. Có nghĩa là những điều sắp xảy đến sẽ tang tóc. Để thoát khỏi, tôi cần cầu nguyện nhiều, và cần lắng nghe ý Chúa, để mà biết chọn lựa những gì nên làm, những gì nên thôi làm.

5. Và có nghĩa là Chúa Giêsu Kitô sẽ bất ngờ đến. Ngài sẽ hỏi tôi có luôn tìm gặp Ngài là Đấng cứu độ không, có luôn coi Ngài là nền tảng cho cộng đoàn đức tin của tôi không(x.1Cr 3, 11).

6. Và có nghĩa là: Chúa Giêsu Kitô sẽ bất ngờ đến. Ngài sẽ hỏi tôi có thực sự đang thuộc về Chúa không (x Gl 2, 20).

7. Và có nghĩa là: Chúa Giêsu Kitô sẽ bất ngờ đến. Ngài sẽ hỏi tôi có thực sự “Hiến dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa không? (Rm 12, 1).

8. Mấy ngày trước khi Đức Tổng đi Rôma, tôi gọi điện thăm ngài. Tôi nói với ngài một lời thân mật: “Đức Tổng Bùi nên nhớ mình đứng đầu Giáo Tỉnh. Vì thế nên đi thăm anh em, trong đó có tôi là kẻ già yếu sắp chết rồi”. Ngài trả lời: “Chưa chết đâu, chúng ta còn gặp nhau”. Ai ngờ bây giờ tôi còn sống, mà chính ngài đã chết. Tuy sao, chúng tôi vẫn còn gặp nhau một cách thiêng liêng.

9. Bằng cách thiêng liêng, mà rất thân tình, Đức Cố TGM Phaolô mới nhắn nhủ tôi là: Tình hình đang chuyển biến mau lẹ, như cái chết mau lẹ của ngài. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện thực nhiều, kẻo sẽ quá muộn.

Tôi hiểu phần nào điều ngài nhắn nhủ. Tôi băn khoan và cầu nguyện thêm, thì tôi được hiểu thêm nhờ đoạn thơ sau đây của Thánh Phaolô gởi cho tín hữu Êphêsô:

10. “Bẩm sinh chúng ta là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác. Nhưng Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ẩn sủng mà anh em được cứu độ” (Ep 2, 4-5).

Kẻo sẽ quá muộn, tôi lập tức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Nhờ ân sủng của Ngài, tôi yêu thương mọi người khác, như Chúa đã thương tôi. (x.Ga 13, 34).

Từ đó, Đức cố TGM Phaolô nhắn nhủ tôi là. Dù tình hình sẽ chuyển biến xấu đi và mau lẹ, trở thành nguy hiểm, thì tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện luôn phải vững vàng bám chặt vào Chúa Giêsu Kitô, vâng lời Ngài, mà sống yêu thương như Ngài đã yêu thương.

11. Đức Cố TGM Phaolô đã sống và đã chết trong ân sủng và lòng thương xót Chúa. Ngài không tự hào vì những gì khác.

Đó chính là chứng nhân của tỉnh thức và cầu nguyện.

12. Tôi có cảm tưởng là sẽ có một lúc, tình hình trở nên tang tóc, đến nỗi tôi cũng sẽ thốt lên như Chúa Giêsu xưa: “Cha ơi, sao Cha nỡ bỏ rơi con” (Mc 15, 34). Nhưng chính lúc đó, tôi rất cần có một đức tin khiêm nhường phó thác, để nói như Chúa Giêsu: “Cha ơi, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).

Nghĩa là tôi chỉ trông cậy vào ân sủng và lòng thương xót Chúa mà thôi.

13. Tâm thư mà Chúa gửi cho tôi qua cái chết của Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc là như thế. Ít là lúc này, tôi đọc qua, thì thấy vậy. Có thể khi đọc kỹ, sẽ thấy thêm.

14. Những năm tháng gần đây, tôi hay gọi điện thoại cho Đức Cố TGM. Khi trả lời, bao giờ Đức Cố TGM cũng bắt đầu bằng câu: “Thưa Đức cha, con đây”. Giờ đây, tôi cũng đang gọi ngài. Ngài cũng đang trả lời, nhưng bằng cách khác. Rồi đây tôi còn sẽ gọi ngài. Mong ngài cũng sẽ trả lời, bằng cách nào mà Chúa cho phép.

Tôi coi tất cả đều là do ân sủng và lòng thương xót Chúa.

15. Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc đã chết như một người yếu đuối, tại nhà thờ Thánh Phaolô. Tự nhiên, tôi nhớ lại lời Thánh Phaolô xưa: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối…Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh (2Cr 12, 9- 10).



Long Xuyên, ngày 7.3.2018

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

CHUYẾN ĐI CUỐI CÙNG

Tờ mờ sáng, mắt nhắm mắt mở khi hay tin không vui “Đức Tổng về nhà Cha rồi”. Đọc xong dòng tin nhắn, không tin vào mắt mình nữa và dường như tỉnh hẳn với tin sốc ấy.
​Không chỉ bản thân bỉ nhân và nhiều và nhiều người đều bàng hoàng và không muốn nhận hay nghe tin buồn ấy. Thế nhưng rồi, Chúa đã đặt để và Chúa đã định như thế thì chúng ta phải vâng theo thôi.
​Mọi người, ai cũng quá biết đang trên hành trình thăm viếng mộ hai Thánh và diện kiến Đức Thánh Cha. Đang trong tiến trình rất tốt đẹp thì ...
​Bàng hoàng, chua xót, thương yêu ... biết bao nhiêu cảm xúc dâng tràn khi hay tin người Cha chung kính yêu của giáo phận ra đi. Có lẽ, tất cả các cảm xúc bình thường của con người về sự ra đi đó phải nhường bước cho hai chữ “bất ngờ”.
​Đời con người là vậy và như Chúa nói : “Anh em hãy tỉnh thức vì anh em không biết ngày nào giờ nào ...”.
​Đúng như vậy, sinh thì mỗi người đã có ngày nhưng tử thì không ai biết. Tử thì chỉ một mình Thiên Chúa mới biết mà thôi. Và, cuộc đời của Đức Tổng Phaolô đã đi theo “tiến trình” đó.
​Chẳng ai ngờ và ngay cả Đức Tổng cũng không thể nào nghĩ ra và nghĩ rằng chuyến đi về Roma trần gian này lại là chuyến đi về Roma Thiên Quốc.
​Biết bao nhiêu dự định vẫn còn đó, nhưng rồi :
Lạy Chúa, con như người thợ dệt
đang mải dệt đời mình,
bỗng nhiên bị tay Chúa
cắt đứt ngay hàng chỉ. (Is 38, 12)
Thánh Vịnh 90, ta lại thấy thấp thoáng phận của con người:
"Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!" (c. 4)
"Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi." (c. 9-10).
Chuyến đi cuối cùng của Đức Tổng nhắc nhớ phận người của mỗi người chúng ta. Không ai có thể ngờ rằng chuyến đi này là chuyến đi cuối cùng của cuộc đời Đức Tổng trên hành trình làm người và trong cuộc sống dương gian.
Lần gặp gần nhất với Đức Tổng trong tâm tư hết sức thân mật là sáng ngày mùng 4 Tết. Rất gần gũi và thân thương, Đức Tổng cảm kích, khích lệ, quý mến công việc mà anh em đang làm ...
Trước khi rời xa, Đức Tổng còn ngoái theo : “Nhớ lo cho bà nghèo nhé !”.
Vâng ! Lời người ra đi vẫn còn đó để tâm thức luôn nghĩ và hướng đến người nghèo.
Và giờ này, có lẽ Đức Tổng là người thanh thản nhất vì đã để lại những bụi trần đã bao năm bám theo cuộc đời. Ở cương vị trên cao đó chắc có lẽ cũng không tránh khỏi những lời ra tiếng vào thế nhưng rồi Chúa vẫn ban ơn để Đức Tổng vượt qua những gánh nặng trần gian.
Được cái ơn vô tư vui vẻ nên rồi bất cứ ai gặp Đức Tổng cũng thấy Ngài cười. Có lẽ niềm vui của đời phục vụ và nụ cười đã làm vơi đi gánh nặng đời mục tử của Đức Tổng.
Từ nhỏ đến lớn và cả đến lúc già, Đức Tổng chỉ biết tận hiến đời mình cho Chúa và đã tận hiến đến giây phút cuối cùng bên bàn thờ Thập Giá. Đây có lẽ cùng là hồng ân mà Thiên Chúa trao ban cho một con người mà cả đời dâng hiến cho Chúa và đỉnh cao của đời dâng hiến của Đức Tổng đó là hy tế trên Bàn Thờ.
Vậy là từ nay không còn gặp Đức Tổng trên phương diện thể lý con người nữa, nhưng trong niềm tin và tâm thức, ta thật gần và rất gần với Đức Tổng. Đơn giản bởi lẽ khi gần Nhan Thánh Chúa, Đức Tổng sẽ không quên con cái của Người khi Người còn sống.
Hình ảnh của một chuyên gia “thần học Ba Ngôi”, hình ảnh của một Đức Tổng vẫn còn mãi trong khóe mắt mỗi người chúng ta. Và, hết sức đặc biệt là khuôn mặt tươi cười vui vẻ trong mọi hoàn cảnh của Đức Tổng vẫn còn in đậm trong tâm trí chúng ta.
Đức Tổng ra đi bình an và thanh thản nhé !
Và rồi, chuyến đi của Đức Tổng nhắc mỗi người chúng ta : Kẻ đi người ở lại nhưng rồi cũng phải “nay anh – mai tôi”.
Thật thế, trong cái thân phận làm người không ai có thể tránh khỏi ngày ra đi này. Chỉ có điều chẳng ai có thể biết được đời mình kết thúc ở chuyến đi nào mà thôi.
Chính vì lẽ đó, ngày mỗi ngày ta cũng phải sửa soạn và chuẩn bị tinh thần bởi lẽ không biết chuyến đi nào là chuyến đi cuối cùng của đời ta như Đức Tổng. Có như vậy, tâm hồn ta luôn luôn tỉnh thức để đón chàng rể đến đón chúng ta và cho chúng ta hưởng tiệc vui muôn đời với Chàng Rể Giêsu.
Huệ Minh

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng 03 năm 2018: Ơn nhận định thiêng liêng


Vatican. Trong tháng 03 năm 2018, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi toàn thể Hội Thánh nhận thức tầm quan trọng của ơn phân định thiêng liêng, để mỗi người có thể nhận ra tiếng Chúa trong thế giới phức tạp với biết bao tiếng nói ngày nay. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video như sau:
Thời đại ngày nay đòi hỏi chúng ta phải phát huy một năng lực chiều sâu để nhận định… Nhận định để có thể nhận ra tiếng Chúa giữa biết bao tiếng nói, để tiếng nói của Chúa dẫn chúng ta đến sự sống Phục Sinh, để tiếng Chúa giải thoát chúng ta khỏi rơi vào thứ văn hóa sự chết.
Chúng ta cần biết đọc thấy trong tâm hồn mình điều mà Chúa muốn, để chúng ta có thể sống trong tình yêu và trở nên những người tiếp nối sứ mạng tình yêu của Chúa. Chúng ta hãy cũng nhau cầu nguyện, để toàn thể Giáo Hội nhận ra tính khẩn thiết của việc huấn luyện phân định thiêng liêng, cả trên bình diện cá nhân lẫn cộng đoàn.
Kính mời quý vị cùng hiệp thông với Đức Thánh Cha qua Video sau:

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...