Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi (Ga 16, 12-15)

Cùng với Giáo Hội, hôm nay chúng ta hân hoan mừng lễ Chúa Ba Ngôi, là lễ trọng nhất và cao cả nhất trong đạo chúng ta. Thiên Chúa mà chúng ta tin kính thật kỳ diệu. Trong Người có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba ngôi hợp nhất và làm thành một. Chúng ta sẽ không thể hiểu thấu được Thiên Chúa bằng trí khôn của con người. Sự khẳng định về Thiên Chúa Ba Ngôi là một huyền diệu và là một món quà mầu nhiệm của Thiên Chúa mà ta chỉ có thể đón nhận bằng đức tin và với một trái tim đơn sơ của con thơ.

Chúng ta tin vào Mầu nhiệm Ba Ngôi bởi vì Thiên Chúa đã nói với chúng ta. Ngài đã vén mở cho chúng ta qua trung gian của Chúa Giêsu- Con Ngài. Người đã đến nhà chúng ta, ở cùng chúng ta và giảng dạy cho chúng ta.

Chính Chúa Giêsu đã nói cho ta biết mối tương quan tình yêu  giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Không có Đấng nào giữ gì cho riêng mình, nhưng tất cả đều được chia sẻ, hiệp thông, cho đi và đón nhận...Và tất cả được hợp nhất nên một " Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại...Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em."(Ga 16, 13-14) Những mạc khải của Chúa Thánh Thần cũng luôn đồng nhất với những gì Chúa Giêsu đã loan báo. Bởi vì Chúa Con và Thánh Thần đều phát xuất từ Chúa Cha và qui hướng về Chúa Cha "Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy... Thánh Thần lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em."( Ga 16, 15)

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không phải là bài toán khó hiểu và tối tăm mà chúng ta không biết phải nghĩ gì, nhưng là một thực tại phong phú, rất sâu thẳm và rất sáng láng làm chúng ta thán phục. Muốn cảm nhận được cách sống động Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải trở về với nội tâm của mình, đón nhận trong đức tin và tình yêu. Chúng ta cần đặt hết lòng tin tưởng vào Lời Chúa và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.

Hạnh phúc cho chúng ta khi tin rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và là Bạn của ta, Chúa Thánh Thần không ngừng thổi tình yêu và lòng thương xót của Chúa Cha và Chúa Con vào trong cuộc sống của chúng ta. Vâng, chúng ta thật hạnh phúc.

Cảm nhận mình thật hạnh phúc vì được dựng nên trong tình yêu và bằng tình yêu của Thiên Chúa bởi Người là Tình Yêu. Thiên Chúa làm ra chúng ta bằng chính bàn tay Người, được là tạo vật giống hình ảnh Người và vì thế, ta sẽ mãi ở trong tình yêu của Người khi Người khẳng định "Ta đã yêu con bằng mối tình muôn thuở."(Gr 31,3) Thiên Chúa yêu chúng ta vì ta phát xuất từ con tim và từ tình yêu của Người, nên Thánh Gioan đã nói:"Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước."(1Ga 4, 19b)

Chúng ta còn hạnh phúc hơn nữa vì trong kế hoạch tình yêu kỳ diệu, Chúa Cha đã ban Ngôi Hai cho chúng ta. Vì yêu chúng ta cách tột cùng nên Chúa Giêsu nhập thể làm người để cứu độ chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa "Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô."(Ep 1, 5) Chính Chúa Giêsu đã nâng chúng ta lên và đưa chúng ta vào mối tình Cha con với Thiên Chúa. Chúng ta được Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử ngay từ lúc ta lãnh nhận Phép Thanh Tẩy, nhờ muôn vàn ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa luôn theo ta suốt mọi ngày trong đời sống. Bởi vì ta là con, nên Cha yêu thương và chăm sóc chúng ta nhất là những đứa con yếu đuối bệnh tật. Chúng ta không thể sống trên trần gian này nếu không có ơn Thiên Chúa trợ giúp. Hết mọi ơn ta lãnh nhận đều đến từ tình yêu sống động của Người, như lời Thánh Giacôbê nhắn nhủ "Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú."( Gc 1,17) Vì thế ta vô cùng biết ơn Ba Ngôi Thiên Chúa, vì Chúa Cha ban mọi ơn lành cho ta qua Chúa Con là Đấng trung gian và trong Chúa Thánh Thần mà mọi Bí Tích chúng ta cử hành luôn được Người thánh hóa và chứng nhận.

Thiên Chúa là Tình yêu. Tình yêu luôn trào tràn trong Ba Ngôi và vì thế, Người thông ban nguồn tình yêu của Người cho chúng ta. Ba Ngôi Thiên Chúa luôn lo lắng cho chúng ta như người cha không bao giờ mệt mỏi. Người không chỉ quan phòng và bao bọc chúng ta nơi trần thế, nhưng Người còn chuẩn bị một gia tài ở trên trời dành cho tất cả những ai tin vào Người. (x. 1Pr 1, 3-5) Thiên Chúa dựng nên ta để đưa ta về trời với Người và hưởng vinh quang của Người. Chúng ta khởi đầu hành trình nơi trần gian bằng đức tin và ân sủng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nhưng rồi một ngày ta sẽ bước tới thiên đàng với tình yêu. Thiên Chúa sẽ đưa ta vào trong Người và khi ấy ta sẽ hiểu biết Người hơn.

Trong tâm tình mừng lễ, chúng ta cầu xin:"Nguyện xin ân sủng Chúa Giêsu Kitô, Tình yêu của Chúa Cha và Ơn Thông Hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng chúng ta."( x. 2Cr 13,13) Đồng thời chúng ta xin Chúa Thánh Thần giúp ta biết sống, biểu lộ và làm vinh danh Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống của ta. Mỗi khi làm Dấu Thánh Giá, ta tuyên xưng: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trên thân xác ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần, ta cũng biết ý thức để sống xứng đáng ơn gọi là con Thiên Chúa và là chứng nhân cho Chúa giữa lòng đời bằng cuộc sống hiệp nhất với Chúa và với nhau; bằng đời sống yêu thương và chia sẻ như mẫu gương của Chúa Ba Ngôi. Và ước gì chúng ta biết nhân danh Chúa trong mọi tư tưởng, lời nói, hành động của ta và sống sâu xa nền tảng đức tin vào Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con chúc tụng, tôn vinh và cảm tạ Chúa muôn đời: Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.

Dã Quỳ

http://conggiao.info/mau-nhiem-thien-chua-ba-ngoi-d-35676

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

SỰ TỬ TẾ DÙ NHỎ CŨNG KHÔNG LÃNG PHÍ

Tôi đứng xếp hàng ở bưu điện để mua tem gửi thư, ngay sau tôi là một phụ nữ với hai đứa con còn rất nhỏ. Hai đứa nhỏ khóc lóc, không chịu đứng yên trong hàng. Bà mẹ trông mệt mỏi và nhếch nhác như mấy đứa trẻ. Thấy thế tôi liền nhường chỗ của tôi cho bà. Bà cảm ơn tôi rồi vội vã bước lên…

Chỉ còn vài phút nữa là đến giờ đóng cửa. Dòng người xếp hàng chậm chạp nhích từng bước một. Và nhân viên bưu điện đã thông báo đóng cửa ngay sau khi đến lượt người phụ nữ đó, tức là trước tôi. Điều đó có nghĩa hôm nay tôi không thể gửi thư được, chỉ vì tôi đã nhường cho người phụ nữ đó xếp hàng trước mình.

Tôi cảm thấy thật sự rất bực mình và hối hận vì đã nhường chỗ của mình cho người khác. Tôi lại càng khó chịu hơn khi nghĩ đến việc phải quay trở lại vào ngày mai. Chợt người phụ nữ quay sang tôi và nói: “Tôi cảm thấy rất ngại! Chỉ vì nhường chỗ cho tôi mà cô lại gặp khó khăn như vậy. Cô biết không, nếu hôm nay tôi không gửi phiếu thanh toán tiền gas, thì công ty điện và gas sẽ cắt hết nguồn sưởi ấm của gia đình tôi”.

Tôi sững người, không ngờ rằng chỉ đơn giản bằng một hành động nhường chỗ của mình, tôi đã giúp người phụ nữ ấy và hai đứa trẻ qua một đêm giá rét. Tôi rời khỏi bưu điện với niềm vui trong lòng. Tôi không còn cảm giác khó chịu khi nghĩ đến việc phải lái xe đến bưu điện, tìm chỗ đậu xe và đứng xếp hàng nữa mà thay vào đó là cảm giác thanh thản, phấn chấn.

Kể từ ngày hôm đó, tôi cảm thấy được sự quan tâm của mình đến với mọi người có giá trị như thế nào. Tôi bắt đầu biết quên mình đi và chia sẻ với người khác vì tôi nhận ra đôi khi chỉ một cử chỉ nhỏ, bình dị của mình cũng có thể làm ấm lòng, làm thay đổi hoặc tạo nên sự khác biệt và ý nghĩa cho cuộc sống của một người khác.

Ngọc Khanh - Theo Keeping The Heat On.

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

BÌNH AN GIỮA CHỐN PHONG BA

Ngày xửa ngày xưa có một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều hoạ sĩ đã cố công vẽ những bức tranh tuyệt đẹp để trình lên vua. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh đó nhưng chỉ thích có hai tấm và ông phải chọn lấy một.

Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình an thật hoàn hảo.

Bức tranh kia cũng có những ngọn núi nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xoá. Bức tranh này trông thật chẳng bình an chút nào.

Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó, giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang an nhiên đậu trên tổ của mình… Bình an thật sự!

Nhà vua công bố: “Ta chấm bức tranh này! Sự bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình an có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của bình an”.

***

Sau khi Đức Giêsu chịu chết, các tông đồ sợ người Do Thái lùng bắt, nên đã trốn vào phòng, cửa đóng then cài.

Giữa cơn phong ba bão táp, Đức Giêsu sống lại, hiện ra với các ông, như chim mẹ an nhiên đậu trên tổ canh giữ bầy con, Người mang lại cho các ông sự bình an đích thực: “Bình an cho anh em!”

Bình an của Đấng Phục Sinh không phải là thứ bình an không có sóng gió. Bình an của Người là bình an trong tâm hồn. Bình an ấy không loại trừ phải đối đầu với kẻ thù. Bình an ấy giúp ta đối diện với khổ đau và nỗi chết. Chính vì thế mà sau khi trao bình an, Đức Giêsu đã cho các môn đệ “xem tay và cạnh sườn” Người. Đó là bằng chứng của một cuộc chiến đấu đầy gian truân mà các môn đệ sẽ phải đi tới.

“Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,21-22). Nhận được bình an, lòng tràn ngập hân hoan, các môn đệ không còn nhát sợ. Với sức mạnh của Thánh Thần các ngài mạnh dạn tung cửa ra ngoài, hiên ngang rao giảng về Đức Giêsu, Đấng đã bị người ta giết chết, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại. Người đang hiện diện sống động giữa các ngài và đang hoạt động mãnh liệt trong các ngài.

Lễ Hiện Xuống nhắc nhở người tín hữu về một Thánh Thần bình an đã hoạt động trong lòng Giáo Hội suốt hơn 2000 năm qua. Người cũng đang hiện diện trong những người đã lãnh nhận Bí tích Thêm Sức để sai họ đi làm chứng nhân cho Tin Mừng.

Làm chứng cho Tin Mừng là để Thánh Thần mở toang cánh cửa tâm hồn, không còn nhát sợ nhưng can đảm chiến đấu với thử thách, khổ đau trong cuộc sống.

Làm chứng cho Tin Mừng là để Thánh Thần dẫn dắt chúng ta đến với người nghèo khổ, bất hạnh, để tận tình yêu thương và kính trọng họ cho xứng với phẩm giá con người.

Làm chứng cho Tin Mừng là để Thánh Thần là để Thánh Thần thúc đẩy chúng ta đến với những người chưa nhận biết Chúa bằng đời sống dấn thân phục vụ trong hân hoan.

Nếu mỗi người tín hữu biết mềm mại để Thánh Thần canh tân đổi mới, nếu mỗi chúng ta biết lắng nghe tiếng nói thầm lặng nhưng mạnh mẽ của Thánh Thần, thì mọi người sẽ thấy những biến đổi kỳ diệu trên toàn thế giới.

***

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến như ngọn gió mát, thổi vào cuộc đời chúng con luồng sinh khí mới để cả trái đất này được thay da đổi thịt trong cùng một Thánh Thần Tình Yêu. Amen!.

Thiên Phúc
http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180519125539

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2018

Con Đường Về Trời

Thủ lãnh của một bộ tộc kia nằm hấp hối trên giường. Ông cho gọi ba người có thể thay thế ông và nói:

- Ta phải chọn một người kế tục. Các ngươi hãy leo lên đỉnh núi linh thiêng của chúng ta, và mang về cho bộ tộc một món quà quí giá nhất.

Người thứ nhất trở về đem theo một thỏi vàng lớn. Người thứ hai mang về viên ngọc vô giá. Còn người thứ ba trở về với hai bàn tay trắng. Hết sức ngạc nhiên, vị tù trưởng mới hỏi:

- Món quà quí giá của ngươi đâu?

Người này điềm tĩnh trả lời:

- Khi tôi lên tới đỉnh núi, tôi thấy ở phía bên kia một vùng đất phì nhiêu màu mỡ, tại đó dân chúng có thể hưởng một cuộc sống sung túc tốt đẹp.

Người tù trưởng nói:

- Ngươi sẽ nối nghiệp ta. Ngươi đã mang về món quà quí giá nhất: Một viễn tượng tương lai tốt đẹp.

***

Đó cũng là viễn tượng Đức Giêsu mời gọi chúng ta đem lại cho thế giới qua bài Tin mừng hôm nay: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật" (Mc. 16, 15)

Chúa về trời là về với Chúa Cha - Cuộc đời chúng ta là một cuộc hành trình, mà đích đến nằm ở phía bên kia. Trời là đích xa xôi nhưng chi phối những bước chân gần gũi. Những bước chân đi đến với anh em, những bước chân đi vào lòng thế giới, những bước chân đi loan báo Tin mừng.

- Tin mừng chính là Thiên Chúa yêu thương con người.

- Tin mừng chính là ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ.

- Tin mừng chính là có Chúa cùng hoạt động với những dấu lạ kèm theo.

Vậy người tín hữu Kitô không chỉ ngước mắt nhìn trời, nhưng hăng say đi loan báo Tin mừng, vì trái đất còn mênh mông những đồng lúa chín vàng.

Chúa về trời, nên Người đã mượn miệng lưỡi chúng ta để rao giảng, mượn đôi tay chúng ta để thi ân, mượn đôi chân chúng ta để đi đến với người cùng khổ.

Chúa về trời nhưng người vẫn hiện diện và hoạt động trong cuộc sống chứng nhân của mỗi người tín hữu.

Chúa về trời, nhưng Người vẫn thực hiện những dấu lạ trong cuộc đời những con người biết sống tận tình cho tha nhân.

Chúa về trời, nhưng Người vẫn canh cánh bên lòng một ước mơ: "Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha ban cho con cũng sẽ ở đấy với con" (Ga. 17, 24).

Đã ước mơ thì lúc nào cũng nghĩ tới điều mình mơ ước. Nếu Chúa đã ước mơ ở cùng chúng ta trên trời thì bao lâu chúng ta chưa về trời với Chúa, là bấy lâu trong lòng Chúa còn hình bóng chúng ta.

Đã ước mơ bao giờ cũng mong đạt được điều mơ ước. Nếu Chúa đã mong chúng ta có mặt nơi Chúa ngự, thì không lẽ gì chúng ta không hiện diện ở đó.

Lạy Chúa, con đường lên trời là con đường hẹp, con đường về trời là con đường yêu thương. Xin cho tất cả mọi nẻo đường chúng con đi, đều dẫn chúng con về quê trời. Ước gì qua cuộc sống chúng con, người ta nhận ra Nước Trời đang tỏ hiện. Amen.

Thiên Phúc
(Trích trong “Như Thầy Đã Yêu”)
http://www.gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180512110000

Ý Nghĩa việc Lên Trời của Đức Kitô

“Chúng ta không bao giờ bị cô đơn trong cuộc sống của mình: Chúa Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh hướng dẫn chúng ta.”

      Anh chị em thân mến,chào anh chị em.

     Trong kinh Tin Kính chúng ta thấy có khẳng định rằng Chúa Giêsu “lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha.”Cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu đạt đến tột đỉnh với biến cố Lên Trời, nghĩa là, khi Người qua thế gian này mà về với Chúa Cha và được đưa lên ngự bên hữu Ngài. Ý nghĩa của biến cố này là gì? Hậu quả của biến cố này đối với cuộc sống của chúng ta là gì? Chiêm ngưỡng Chúa Giêsu ngự bên hữu Đức Chúa Cha nghĩa là gì? Chúng ta sẽ để cho Thánh Sử Luca hướng dẫn mình về điều này.

Chúng ta sẽ bắt đầu từ lúc Chúa Giêsu quyết định thực hiện cuộc hành trình cuối cùng của Người lên Giêrusalem. Thánh Luca ghi nhận: “Khi gần đến ngày Người được đưa lên trời, Người nhất định đi lên Giêrusalem.” (Lc 9:51). Trong khi Người “đi lên” Thành Thánh, nơi mà cuộc “xuất hành” của Người khỏi cuộc sống này sẽ được hoàn thành, Chúa Giêsu đã thấy cùng đích là Thiên Đàng, nhưng Người biết rõ rằng con đường sẽ đưa Người vào vinh quang của Chúa Cha phải đi qua Thánh Giá, qua sự vâng phục kế hoạch yêu thương nhân loại của Thiên Chúa. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nói rằng “việcnâng lên Chúa Giêsu lên trên thập giá ám chỉ và loan báo việc đưa Người lên qua sự lên Trời của Người” (số 662). Trong đời sống Kitô hữu của mình, chúng ta cũng phải hiểu rất rõ rằng để đi vào vinh quang Thiên Chúa đòi hỏi phải trung thành với Thánh Ý của Ngài hàng ngày, ngay cả khi điều ấy đòi hỏi hy sinh, khi điều ấy đôi khi đòi buộc chúng ta phải thay đổi kế hoạch của mình. Việc Lên Trời của Chúa Giêsu đã diễn ra cách cụ thể trên Núi Cây Dầu, gần nơi mà Người lui về cầu nguyện trước Cuộc Khổ Nạn ở lại trong sự kết hợp mật thiết với Chúa Cha: một lần nữa chúng ta thấy rằng cầu nguyện cho chúng ta ân sủng để sống trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa.

Ở cuối Tin Mừng của ngài, Thánh Luca kể lại biến cố Thăng Thiên một cách rất tổng hợp. Chúa Giêsu dẫn các môn đệ “đi đến tận vùng gần Bêtania, và giơ tay chúc lành cho các ông. Trong khi Người đang chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời. Các ông thờ lạy Người rồi trở lại Giêrusalem, lòng tràn ngập niềm vui, và luôn ở trong Ðền Thờ mà ngợi khen Thiên Chúa.” (Lc 24:50-53): Đó là điều mà Thánh Luca nói. Tôi muốn ghi nhận hai yếu tố của tường thuật này. Trước hết, trong khi Lên Trời, Chúa Giêsu làm cử chỉ chúc lành của tư tế và các môn đệ chắc chắn bày tỏ đức tin của mình với việc thờ lạy, quỳ gối và cúi đầu của các ông. Đây là một điểm quan trọng thứ nhất: Chúa Giêsu là vị tư tế duy nhất một và vĩnh cửu, là Đấng với Cuộc Khổ Nạn của Người, đã đi qua cái chết, ngôi mộ và Sống Lại cùng Lên Trời.  Người ở cạnh Thiên Chúa Cha, nơi Người mãi mãi cầu bầu cho chúng ta (x. Dt 9:24). Như Thánh Gioan nói trong Thư Thứ Nhất của ngài, Người là Ðấng Bào Chữa cho chúng ta: đẹp biết bao khi nghe điều này. Khi một người bị gọi ra trước quan tòa hay bị gọi ra xét xử, điều đầu tiên người ấy làm là tìm một trạng sư để bảo vệ mình. Chúng ta có một Đấng luôn luôn bảo vệ chúng ta. Người bảo vệ chúng ta khỏi mưu chước xảo quyệt của ma quỉ, Người bảo vệ chúng ta khỏi chính mình, khỏi tội lỗi của mình! Anh chị em thân mến, chúng ta có Đấng Bào Chữa này: chúng ta đừng sợ hãi đến cùng Người để xin ơn tha thứ, để xin phúc lành của Người, để cầu xin Người thương xót. Người luôn luôn tha thứ cho chúng ta, Người là Đấng Bào Chữa cho chúng ta: Người luôn luôn bảo vệ chúng ta. Đừng quên điều này!

Do đó việc Chúa Giêsu Lên Trời làm cho chúng ta biết thực tại rất an ủi này dành cho cuộc hành trình của mình: trong Đức Kitô, là Thiên Chúa thật và người thật, bản tính nhân loại của chúng ta đã được đưa lên cùng Thiên Chúa; Người đã mở đường cho chúng ta; Người như người đứng đầu của một dây kéo khi leo lên một ngọn núi, Đấng đến đỉnh núi và kéo chúng ta lên với chính Người, dẫn dắt chúng ta đến với Thiên Chúa. Nếu chúng ta phó thác cuộc đời của chúng ta cho Người, nếu chúng ta để cho mình được Người hướng dẫn, chúng ta nhất định ở trong vòng tay an toàn, trong vòng tay của Đấng Cứu Độ chúng ta, trong tay Đấng Bào Chữa cho chúng ta.

Một yếu tố thứ hai: Thánh Luca nói rằng các Tông Đồ, sau khi thấy Chúa lên trời, trở về Giêrusalem “lòng tràn ngập niềm vui.” Điều này có vẻ hơi xa lạ đối với chúng ta. Nói chung, khi phải xa cách người thân và bạn bè của mình, vì một cuộc ra đi dứt khoát, và trên hết là vì cái chết, thì trong lòng chúng ta tự nhiên cảm thấy buồn bởi vì chúng ta sẽ không còn nhìn thấy khuôn mặt của họ, chúng ta sẽ không còn nghe thấy tiếng nói của họ, chúng ta sẽ không còn có thể tận hưởng tình cảm của họ và sự hiện diện của họ. Thay vào đó, Thánh Sử nhấn mạnh đến niềm vui sâu xa của các Tông Đồ. Nhưng làm sao điều đó có thể xảy ra?  Chính bởi vì, với cái nhìn đức tin, các ông hiểu rằng, mặc dù không còn trong tầm mắt của các ông, Chúa Giêsu luôn luôn ở lại với các ông, Người không bỏ rơi các ông, và trong vinh quang của Chúa Cha, Người nâng đỡ các ông, hướng dẫn các ông và cầu bầu cho các ông.

 Thánh Luca cũng kể lại biến cố Thăng Thiên ở đầu sách Tông Đồ Công Vụ, để nhấn mạnh rằng biến cố này như cái vòng cột chặt và liên kết cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu với cuộc sống của Hội Thánh. Ở đây Thánh Luca cũng đề cập đến đám mây che khuất Chúa Giêsu khỏi nhãn quan của các môn đệ, lúc các ông vẫn còn nhìn chăm chú vào Đức Kitô khi Người lên cùng Chúa Cha (x. Cv 1:9-10). Sau đó có hai người đàn ông mặc áo choàng trắng đứng cạnh các ông, đã yêu cầu các ông đừng đứng đó nhìn trời, nhưng hãy nuôi dưỡng cuộc sống các ông và việc làm nhân chứng của các ông cho điều chắc chắn rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại cùng một cách như các ông đã thấy Người lên trời (x. Cv 1:10-11).  Thực ra, đó là lời mời để bắt đầu từ việc chiêm niệm về quyền làm Chúa của Đức Kitô, ngõ hầu nhận được từ Người sức mạnh để mang Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng trong cuộc sống hàng ngày: Thánh Bênêdictô dạy rằng chiêm niệm và hành động, cầu nguyện và làm việc, cả hai đều cần thiết trong cuộc sống Kitô hữu của chúng ta.
Anh chị em thân mến, việc Chúa Lên Trời không biểu thị sự vắng mặt của Chúa Giêsu, nhưng nói cho chúng ta biết rằng Người vẫn còn sống và ở giữa chúng ta bằng một cách thế mới; Người không còn ở một nơi cụ thể trên thế gian như trước khi Lên Trời; giờ đây Người ở trong quyền lực của Thiên Chúa, trong sự hiện diện ở mọi không gian và thời gian, gần gũi mỗi người chúng ta. Chúng ta không bao giờ bị cô đơn trong cuộc sống của mình: Chúa Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh hướng dẫn chúng ta; có rất nhiều anh chị em cùng với chúng ta sống đức tin của họ hàng ngày trong thinh lặng và âm thầm, trong cuộc sống gia đình và làm việc của họ, trong những vấn đề và những khó khăn của họ, trong niềm vui và hy vọng của họ, và mang đến cho thế gian quyền lực của tình yêu Thiên Chúa, trong Đức Chúa Giêsu Kitô đã Sống Lại và Lên Trời, Đấng Bầu Cử cho chúng ta.

Cảm ơn anh chị em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Nguồn: Vietcatholic

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

Cám Ơn Cha

Cha ơi, con xin cảm ơn Cha vì Cha vẫn:

– Gửi ánh nắng ấm áp đến mỗi ban mai, điểm tô cuộc sống bằng trăng sao mỗi lúc đêm về, duy trì sự sống bằng bầu dưỡng khí nhưng không.
– Giúp con hiểu được giá trị của tình nghĩa trong những hoàn cảnh khó nghèo
– Nhận ra sự hiện diện âm thầm của Người khi con hoang mang bối rối.
– Nhận ra rằng con cần hướng trông lên Cha nhiều hơn nữa khi lòng con vẫn còn cố chấp.
– Soi sáng cho con biết những bài học khi chứng kiến sai lầm của anh chị em.
– Đưa tay cho con nắm lấy để nâng con dậy mỗi lần con vấp ngã.
– Chỉ dạy con lòng nhân ái bao dung khi bản thân con yếu đuối bất toàn.
– Mở mắt cho con nhận ra sự hiện diện gần gụi sát bên của Cha đối với những anh chị em đau khổ, nhờ đó đức tin con được củng cố.
– Tỏ tình với con qua những nghĩa cử yêu thương từ tha nhân.
– Đặt niềm tin vào khả năng nhỏ bé của con khi gọi con lên đường làm chứng cho Tình Yêu Cha.
– Giúp con nhận ra Cha mới là chân lý hạnh phúc khi con đau khổ vì lầm lạc.
– Chỉ bảo con thêm nhân đức khi gặp những tấm gương tốt lành.
– Giúp con tích lũy kinh nghiệm và sức dẻo dai từ những “con sóng nhỏ” để có khả năng đối diện với những “đợt sóng lớn” hơn của cuộc đời.
– Tỏ cho con thấy Cha thật sự quyền năng khi biến đổi sự dữ ra sự lành vì lợi ích của con.
– Giúp con nghiệm ra những điều quý giá khi trải qua mất mát.
– Mãi bên con cho dù con mù lòa không nhận ra.
– Không bao giờ bỏ con bơ vơ vì Cha biết con luôn luôn cần đến Cha.
– Gợi mở cho con đường về chân lý khi con ngoan cố bước đi trong bóng đêm.
– Dạy con khiêm nhường hơn sau mỗi lần thất bại.
– Giúp con nhận ra Cha mới là nguồn an vui bền vững khi con gặp phải hụt hẫng nơi những niềm vui chóng tàn.
– Giúp con nhận ra sự hẹp hòi của mình khi lòng vẫn dậy men ghen tị, tủi hờn.
– Tạo cho con có cơ hội luyện tập sự “chịu khó” của đức ái khi gặp những sự “khó chịu” đối với anh chị em.
– Cõng con trên lưng khi đời con trĩu nặng gánh lo gánh sầu gánh khổ.
– Chấp nhận chịu “oan ức” vì tính hẹp hòi của con và tha thứ cho con khi con “suy bụng con ra bụng Chúa”
– Soi sáng cho con thấy rằng khó khăn thách đố là cơ hội làm cho con lớn lên trong yêu thương.
– Cho con dịp để tiến xa hơn trong nhân đức quảng đại bao dung khi nhận ra lòng mình vẫn dễ bực bội, cố chấp với khác biệt của anh chị em.
– Không bao giờ nản lòng khi con trách móc Cha.
– Trung thành đến cùng mặc dù con đã bao lần bội ước với Cha.
– Cho con cơ hội để phục vụ anh chị em.
– Giúp con biết nhận ra, trân trọng và cám ơn Cha lúc này.
– Tiếp tục tuôn đổ muôn vàn ân sủng yêu thương trên cuộc đời của con dù biết rằng con có thể sẽ tiếp tục mù loà và vô ơn.
– …

Cha ơi, trong tất cả mọi ơn Cha đã, đang và vẫn gửi đến cho con, con muốn cảm tạ Cha về quà tặng lớn nhất: Thầy Giêsu Kitô – Con Yêu Quý của Cha.

Giuse Việt, O.Carm.
https://only3minutes.wordpress.com/tieng-viet/c%E1%BA%A3m-%C6%A1n-cha/

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

SỐNG XỨNG TẦM NGƯỜI BẠN CHÚA GIÊSU

Tình yêu xóa bỏ ngăn cách

Có những khoảng cách lớn lao giữa những người ở những địa vị khác nhau trong xã hội, như giữa bậc vua chúa và người dân đen, giữa vị lãnh đạo hàng đầu của đất nước và người bình dân, giữa ông chủ sang trọng và người tôi tớ thấp hèn… Chính vì những khoảng cách nầy, đôi bên khó lại gần nhau, khó hoà hợp với nhau, khó chân tình yêu thương nhau.

Nhưng một khi hai bên đã yêu thương nhau đậm đà, thì tình thương sẽ xoá hết mọi ngăn cách.

Người mẹ thương con, thì mẹ cho con ngồi lên đầu và cảm thấy vui thích vì được làm như thế. Cha thương con, cha làm bò cho con cỡi và lấy thế làm vui. Vị hoàng tử yêu cô gái quê mùa thì cư xử bình đẳng với cô gái ấy, dù hai người thuộc hai tầng lớp khác biệt nhau. Tương tự như thế, Thiên Chúa hết lòng yêu thương con người nên Ngài xoá bỏ mọi khoảng cách giữa Ngài với chúng ta.

Lẽ ra, Thiên Chúa là Đấng ngàn trùng chí thánh, là Đấng đầy quyền năng phép tắc, là Chúa tể vũ hoàn bao la vô biên vô tận; còn loài người chỉ là những hạt bụi li ti trong vũ trụ vô cùng lớn lao này, thì trước mặt Ngài, chúng ta chẳng đáng là gì cả!

Do đó, nếu chúng ta có đối thoại với Ngài thì phải xưng hô làm sao cho tôn kính, như là: Muôn tâu Ngọc hoàng Thượng đế! Muôn vạn lạy Chúa tể càn khôn!… Vậy mà Chúa Giê-su lại dạy ta hãy thưa với Thiên Chúa Cha một cách thân thương là: Abba, Bố ơi, Ba ơi! Đó là tiếng gọi thân mật mà đứa con bé bỏng gọi cha của mình.

Và nếu ai trong chúng ta xưng mình là bạn của đức giáo hoàng, là bạn của thánh tông đồ vĩ đại như Phê-rô hay Phao-lô… thì người ta xem kẻ ấy là người tự phụ, tự cao, khoác lác… vì người đó, cũng như ta, có đáng là gì mà dám xưng mình là bạn của các đấng cao cả. Vậy mà Chúa Giê-su, là Thiên Chúa quyền năng thánh thiện, cao vời khôn ví, lại muốn chúng ta xem Ngài là bạn, Bạn Giê-su!

Vì yêu thương chúng ta, Chúa Giê-su đã tuyển chọn chúng ta trước khi ta biết Ngài. Ngài nói: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16).

Vì yêu thương chúng ta, Chúa Giê-su nâng chúng ta lên hàng bạn hữu. Ngài nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15).

Vì yêu thương chúng ta nên Chúa Giê-su tâm sự với chúng ta như với người bạn chân tình, Ngài thổ lộ can tràng với chúng ta. Ngài nói: “Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).

Vì yêu thương chúng ta nên Chúa Giê-su hiến mạng vì chúng ta như lời Ngài nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Chúa tể trời đất vô cùng cao cả và quyền năng lại đi kết bạn với con người bé nhỏ, thấp  hèn, tội lỗi… là điều khó tin nhưng là sự thật, vì Chúa Giê-su đã khẳng định với chúng ta như thế.

Sống xứng tầm người bạn Chúa Giê-su

Là người được Chúa Giê-su tuyển chọn trước để làm bạn thân thiết của Ngài, là người bạn tâm phúc được Chúa Giê-su thổ lộ can tràng, bày tỏ cho biết những gì Ngài nghe biết từ Thiên Chúa Cha, là người bạn quý được Chúa Giê-su hiến thân chết thay cho… thì chúng ta phải sống sao cho xứng tầm người bạn của Chúa.

Điều quan trọng nhất và là điều đầu tiên mà Chúa Giê-su yêu cầu bạn hữu Ngài phải thực hiện, là phải yêu thương nhau lời Ngài nói: “Anh em là bạn hữu của Thầy thì anh em phải thực hiện điều Thầy truyền dạy… là hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12.14). Và “người ta căn cứ vào dấu hiệu này để biết anh em là bạn hữu, là môn đệ Thầy, đó là anh em yêu mến nhau” (Ga 13, 35).

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa là Chúa tể đất trời đã chấp nhận xuống thế làm người để kết bạn với chúng con, Chúa đã chịu chết đau thương tủi nhục để đền tội thay, chết thay cho chúng con là bạn hữu của Chúa và Chúa mong muốn tình bạn giữa Ngài và chúng con luôn chung thủy keo sơn.

Tuy nhiên, chúng con sẽ không còn là bạn Chúa nữa, không còn là môn đệ Ngài nữa, nếu chúng con không đáp ứng yêu cầu quan trọng nhất Chúa đòi buộc là phải yêu thương nhau (Ga 13, 35).

Xin cho chúng con xóa sạch tâm hồn mình mọi hình thức ghen ghét, giận hờn, xúc phạm người khác… vì đó là những nguyên nhân khiến chúng con dứt nghĩa đoạn tình với Chúa.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà
https://www.giaophanbaria.org

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...