Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến thăm Hàn Quốc từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 8 nhân dịp Đại hội Giới trẻ Á châu lần thứ sáu. Theo tường thuật của thông tín viên Simone Orendain của đài VOA, đây là chuyến viếng thăm đầu tiên trong vòng gần 20 năm của một nhà lãnh đạo Tòa thánh Vatican tới một nước Châu Á. Các giới chức Nam Triều Tiên mô tả chuyến viếng thăm của Ðức Giáo hoàng đến nước họ lần đầu tiên trong vòng 25 năm là “có ý nghĩa rất lớn”. Hàn Quốc rộng 99.268 km vuông với dân số 50.220.000 người,trong đó có 5.393.000 người Công giáo, chiếm 10,7% dân số. Trong suốt 50 năm qua, có lẽ đã không có quốc gia nào trên thế giới có được sự phát triển liên tục trên mọi bình diện chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo như Hàn Quốc. Chúng tôi có dịp hành hương đến đất nước này, nay nhân sự kiện Đại hội Giới trẻ Á châu, xin được điểm lại vài nét về xứ sở nhân sâm và kim chi.
1. Đôi nét lịch sử cận đại
Năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Đại Hàn kết thúc ách đô hộ của Nhật kéo dài 35 năm (1910- 1945).
Lúc ấy, các lực lượng Đồng Minh quyết định chia cắt Đại Hàn ra làm hai: miền Nam với sự giúp đỡ của Mỹ và miền Bắc với sự giúp đỡ của Liên Xô. Năm 1948, quân đội Liên Xô rút khỏi miền Bắc và năm sau, 1949, quân đội Mỹ cũng rút khỏi miền Nam.
Năm 1950, được sự ủng hộ của cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, Bắc Hàn, dưới sự lãnh đạo của Kim Nhật Thành, phát động chiến tranh, tung quân qua biên giới Nam Hàn, gọi là để thống nhất đất nước. Sau khi Liên Hiệp Quốc thất bại trong nỗ lực hòa giải và ngăn chận chiến tranh, Tổng thống Truman quyết định đưa quân Mỹ và một số nước đồng minh sang giúp Nam Hàn trong cuộc chiến đối đầu với miền Bắc. Lúc ấy, Trung Quốc cũng quyết định can thiệp (với sự trợ giúp khí giới của Liên Xô).
Cuộc nội chiến Nam Bắc Hàn trở thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó có lúc (ví dụ riêng đợt phản công mùa xuân năm 1951), quân Trung Quốc nhảy vọt lên đến khoảng 700,000 người.
Đến giữa năm 1953, hai bên tuyên bố đình chiến. Cuộc chiến tranh kéo dài ba năm để lại thảm kịch nặng nhất là có ít nhất trên hai triệu thường dân, từ cả hai miền, bị giết chết, kể cả bị giết tập thể.
Sau chiến tranh, Đại Hàn lại bị chia làm hai, lấy vĩ tuyến 38 làm biên giới. Phía Nam được biết dưới tên chính thức là Đại Hàn Dân Quốc (thường được gọi tắt là Hàn Quốc); phía Bắc, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (thường được gọi tắt là Triều Tiên).
Ban đầu, cả Bắc và Nam Hàn đều gánh chịu một di sản giống nhau. Đó là ách đô hộ kéo dài 35 năm của đế quốc Nhật Bản, cuộc nội chiến kéo dài 3 năm và số thương vong được xếp vào loại lớn nhất trong tất cả các cuộc chiến tranh trong nội bộ một quốc gia ở thế kỷ 20, sự nghi kỵ và thù hận không phải giữa hai miền Nam Bắc. Những di sản ấy thể hiện rõ trong tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của cả hai miền ngay sau chiến tranh như nghèo khổ, lạc hậu và độc tài.
Nhưng 50 năm sau, khoảng cách giữa hai miền, Hàn Quốc và Triều Tiên, khác nhau vời vợi. Vào giữa thập niên 1950, cũng giống như Triều Tiên, Hàn Quốc nằm trong danh sách những quốc gia nghèo, tương tự vô số các quốc gia nghèo khác ở châu Á và châu Phi. Nhưng từ giữa thập niên 1960 thì họ nhảy vọt. Suốt cả mấy thập niên sau đó, họ được xem là một trong vài quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Giới nghiên cứu thường nêu lên một ví dụ về sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc: năm 1957, thu nhập trên đầu người của Hàn Quốc thấp hơn hẳn Ghana, một quốc gia thuộc Tây Phi; bốn mươi năm sau, vào năm 2008, thu nhập của họ cao gấp 17 lần Ghana! Hiện nay, Hàn Quốc nằm trong nhóm 20 quốc gia giàu mạnh nhất thế giới (G-20). Một số thương hiệu của Hàn Quốc trở nên quen thuộc trên phạm vi toàn cầu, hầu như đi đâu cũng gặp: Hyundai, Samsung, Daewoo và LG.(x. Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc).
2. Giáo Hội Hàn Quốc
Triều Tiên có lịch sử lâu dài với hơn 5 ngàn năm, chịu ảnh hưởng truyền thống Phật Giáo và Khổng Giáo. Kitô Giáo được du nhập vào Ðại Hàn khi Nhật xâm lăng quốc gia này vào năm 1592. Lúc ấy có một số người Ðại Hàn được rửa tội, có lẽ bởi các binh sĩ Công Giáo người Nhật. Việc truyền giáo rất khó khăn vì Ðại Hàn chủ trương bế quan tỏa cảng, ngoại trừ những hành trình đến Bắc Kinh để trả thuế.
Mãi đến đầu thế kỷ 18, Triều Tiên mới đón nhận ánh sáng Đức tin Công giáo và phát triển mạnh vào cuối thế kỷ 19. Các triều đại phong kiến đã có những cuộc bách hại Kitô Giáo trong nhiều năm và đã có trên 10 ngàn Kitô hữu hy sinh mạng sống để minh chứng Đức tin.
Năm 1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã phong chân phước cho 79vị tử đạo. Năm 1968, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã phong chân phước cho 24 vị tử đạo. Ngày 14 tháng 10 năm 1984, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho 103 vị tử đạo Hàn Quốc.
Từ năm 1960 đến năm 2010, dân số Hàn Quốc từ 23 triệu đã tăng lên 48 triệu người. Lợi tức bình quân tính trên đầu người gia tăng từ 1.300 USD lên 19.500 USD hằng năm. Số Kitô hữu từ 2% tăng lên 30%, trong đó có khoảng 11% là tín hữu Công giáo, tức khoảng 5,4 triệu. Số linh mục từ 250 lên đến 5.000. Số tân linh mục hằng năm vào khoảng 130 đến 150 vị. Với 5.000 linh mục hiện nay, tính bình quân, mỗi vị coi sóc 1.100 tín hữu. Số tín hữu Công giáo gia tăng 3% mỗi năm. (Linh mục Piero Gheddo). Văn phòng Trung ương Thống kê Giáo hội cho biết: Giáo hội Công giáotại Hàn Quốc, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, có 16 giáo phận, 1.673 giáo xứ và 843 trung tâm mục vụ, với 35 giám mục, 4.261 linh mục,10 phó tế, 1.489 đại chủng sinh và 395 tiểu chủng sinh, 516 nam tu sĩ và 9.016 nữ tu, 123 thừa sai giáo dân và 14.195giáo lý viên.
Giáo hội Công giáo Hàn Quốc điều hành 328 trung tâm giáo dục thuộc mọi cấp lớp với 221.020 học sinh theo học, 49trung tâm đặc biệt và 200 cơ sở khác, 40 bệnh viện, 4 phòng khám, 9 trại phong, 513 nhà an dưỡng cho người già và người khuyết tật, 277 trại mồ côi và nhà trẻ, và 83 trung tâm tư vấn gia đình và bảo vệ sự sống. (VIS).
Đức Hồng y Nicholas Cheong Jin Suk, Tổng Giám mục thủ đô Seoul, cho biết trong 10 năm qua, số tín hữu Công giáo Hàn Quốc đã gia tăng từ 3 lên đến hơn 5 triệu. Như thế, Giáo Hội Hàn Quốc là Giáo Hội tiến triển mạnh nhất châu Á. Tại Hàn Quốc, quyền tự do tôn giáo được hoàn toàn tôn trọng.
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Nam Hàn năm 1984 để phong thánh cho 103 vị Tử Đạo. Trong đó có Thánh Anrê Kim Taegon, linh mục, Thánh Phaolô Chong Hasang, Chủng sinh, và 98 người Hàn Quốc cùng ba vị thừa sai người Pháp. Tất cả đều tử đạo trong khoảng từ năm 1839 và 1867. Trong số đó có các giám mục và linh mục, nhưng hầu hết là giáo dân với 47 phụ nữ, 45 đàn ông.
Trong bài giảng lễ phong thánh, ÐGH Gioan Phaolô II đã nói:”Giáo Hội Hàn Quốc thì độc đáo vì được thành lập hoàn toàn bởi giáo dân. Giáo Hội còn non yếu, thật trẻ trung nhưng thật vững mạnh trong đức tin, và đã đứng vững sau những đợt sóng bách hại mãnh liệt. Do đó, chỉ trong vòng một thế kỷ, Giáo Hội đã kiêu hãnh với 10,000 vị tử đạo. Cái chết của các vị tử đạo này trở thành men cho Giáo Hội và đưa đến sự triển nở huy hoàng của Giáo Hội Hàn Quốc ngày nay. Ngay cả bây giờ, tinh thần bất khuất ấy vẫn còn trợ giúp cho người tín hữu của Giáo Hội thầm lặng ở miền bắc bên kia vĩ tuyến“.
Nét độc đáo của Giáo Hội Hàn Quốc đó là sự cộng tác tuyệt vời của giáo dân vào công cuộc rao giảng Tin Mừng. Khác với lịch sử của các Giáo Hội khác trên thế giới, Giáo Hội Nam Hàn là do chính các giáo dân thành lập. Vào thế kỷ XVIII, một vài triết gia người Hàn đã sang Bắc Kinh gặp được nhà truyền giáo nổi tiếng Lm Matthêô Ricci. Sau khi thụ huấn và chịu phép Rửa tội, họ về nước đem theo cuốn Thánh Kinh và họ dịch sang tiếng Hàn rồi rao giảng Tin Mừng và thành lập Giáo Hội Công Giáo. Trong các năm 1779-1836, khi các thừa sai đầu tiên người Pháp tới Đại Hàn, thì Kitô giáo đã được phổ biến trong nước, nhưng sau đó bị bách hại khốc liệt. Nhưng sự cộng tác của giáo dân thì vẫn tồn tại mạnh mẽ. Ngày nay tại Hàn Quốc, những ai muốn gia nhập Kitô giáo đều biết rằng mình phải có bổn phận dấn thân trong một hiệp hội hay phong trào nào đó hiện hữu trong các giáo xứ.
Từ thập niên 1980, trong 10 năm chuẩn bị lễ phong thánh cho các vị tử, Giáo Hội Công giáo Hàn Quốc đã phát động phong trào mỗi một tín hữu phải làm sao giúp cho một người khác theo đạo. Nhờ đó, số tín hữu đã gia tăng gấp đôi.
Hiện nay, Giáo Hội Hàn Quốc đang sống chương trình gọi là “Rao giảng Tin Mừng hai mươi hai mươi”, nghĩa là vào năm 2020, số tín hữu Công giáo đạt tỷ lệ 20% tổng số dân Hàn Quốc, lý tưởng là gia tăng gấp đôi số tín hữu hiện nay để đạt con số 10 triệu người Công Giáo.
3. Những Đền thánh Công giáo, nơi thu hút khách hành hương
Đoàn hành hương chúng tôi có 4 ngày ở đất Hàn nên dành trọn mỗi ngày đến một Đền thánh để tìm hiểu học hỏi và dâng lễ.
a. Đền thánh Yongsu ở Khu tưởng niệm Linh mục Kim Dae-gun, Thánh Tử Đạo đầu tiên tại đảo Cheju
Buổi sáng sớm, sau khi thưởng thức món mì chay Uđông, đoàn chúng tôi đi qua cây cầu dài 21km bắc qua biển. Người Hàn gọi là “vĩ đại cầu”. Hành trình hơn 80km đến làng AnSung linh thiêng. Đang là mùa xuân nên khí hậu mát mẻ, núi rừng ngát xanh, khung cảnh tuyệt đẹp. Núi xanh bao bọc trung tâm hành hương. Nơi đây có Nhà thờ và nhiều nhà nguyện nhỏ và nhiều dãy nhà khác ẩn khuất trong vườn cây xanh mát. Đây là nơi lý tưởng để tĩnh tâm, linh thao.
Một nữ giáo dân phụ trách khu vực đền thánh giới thiệu cho chúng tôi về miền đất thánh thiêng và Thánh Anrê Kim. Chị chào mừng đoàn hành hương tín hữu Công giáo Việt Nam. Vào năm1801, chính quyền phong kiến cấm đạo tuyệt đối. Sau 200 năm lịch sử, du khách đến xứ sở thanh bình này cảm nhận miền đất thiêng được khởi đi từ dòng máu tử đạo. Năm 1846 vị Lm đầu tiên của Hàn quốc là Thánh Anrê Kim bị chặt đầu nên người dân gọi ngọn núi thiêng này là núi chặt đầu.
Trước khi chết, thánh nhân có 3 câu nói nổi tiếng: tôi đem đức tin vào Hàn quốc và tôi luôn cầu nguyện cho đất nước bình an, tôi không bao giờ từ bỏ đức tin và tôi sẽ sống lại.
Anrê Kim Taegon là linh mục Ðại Hàn đầu tiên và là con của một người trở lại đạo. Cha của ngài, ông Ignatius Kim, được tử đạo trong thời cấm đạo năm 1839 và được phong thánh năm 1925. Sau khi được rửa tội vào lúc 15 tuổi, Anrê phải trải qua một hành trình dài 1,300 dặm để gia nhập chủng viện ở Macao. Sáu năm sau khi học hỏi những tinh hoa của Tin Mừng, ngài trở về quê hương qua ngã Mãn Châu. Cùng năm ấy ngài vượt qua eo biển Hoàng Sa đến Thượng Hải và được thụ phong linh mục. Trở về trên con thuyền nhỏ nên ngài lạc đường và sau nhiều ngày lênh đênh trên biển ngài lên bờ lần đầu tại đảo Cheju. Đảo Cheju là nơi du lịch chính của Hàn Quốc, và đã thu hút 7.578.000 du khách Hàn Quốc và nước ngoài trong năm 2010.Giáo phận Cheju, nơi có đảo Cheju, có 67.496 tín hữu Công giáo theo thống kê năm 2009. (UCA News 6-5-2011).
Đền thánh Yongsu, nơi tôn kính Thánh Tử Đạo Anrê Kim Taegon bình yên giữa núi rừng hùng vĩ. Thánh nhân đã cử hành Thánh lễ đầu tiên của mình ở Hàn Quốc tại đây. Chúng tôi hôn kính xương thánh và viếng mộ và của ngài. Mộ của thân mẫu thánh nhân cũng nằm trên ngọn đồi nhỏ phía sau.Chúng tôi dâng thánh lễ trong nhà nguyện nhỏ ấm cúng.Tạ ơn Chúa đã đưa chúng tôi đến nơi đây hành hương và cầu nguyện bên mộ phần thánh tử đạo.
Sau khi ăn trưa chúng tôi đi một hành trình dài 4 giờ xe đi về thành phố thủ phủ Kwangju, một trong 6 thánh phố lớn nhất của xứ sở Kim Chi.
Hệ thống giao thông xứ Hàn quá hiện đại như các nước Âu châu và Mỹ. Không thấy một xe honda nào trên quốc lộ. Không thấy một bóng dáng cảnh sát nào đứng đường.
Alex thuyết minh cho biết về lịch sử và văn hóa kinh tế xứ Hàn. Tổng thống Pắc Chung Hy trong 18 năm lãnh đạo (1961-1979) đã đưa đất nước phát triển. Từ một đất nước không có tài nguyên khoáng sản. Với ¾ diện tích đất đai là núi đồi. Đất đai chỉ sản xuất được 1 mùa, không có lương thực. Phía Bắc giáp Triều Tiên và ba phía kia giáp biển đầm lầy. Pac Chung Hy cùng nội các đã tìm ra đường lối phát triển đất nước. Công trình đầu tiên là mở tuyến đường Bắc Nam phát triển cơ sở hạ tầng. Xây dựng sân bay quốc tế Incheon và thành phố Seoul. Đưa học sinh sinh viên sang Mỹ du học nhiều ngành nghề, đặc biệt là ngành y học để các bác sĩ trở về chăm sóc sức khỏe tốt cho dân. Phát triển đất nước phải bắt đầu từ gia đình rồi đến xã hội. Mọi du học sinh khi thành đạt đều trở về giúp xây dựng quê hương.
Ngày nay ở Hàn quốc có 4 nghành kinh tế chủ lực. Đó là xây dựng, công nghệ điện tử, sản xuất xe hơi và đóng tàu biển. Người dân làm việc chăm chỉ cần cù và được trả lương xứng đáng với khả năng. Lương kỹ sư là 60.000usd/năm và tăng theo thời gian, sau 10 năm làm việc mức lương đạt 100.000usd/năm. Mức lương thấp nhất dành cho người lao động thủ công cũng rất cao 1500usd/tháng. Chế độ bảo hiểm và an sinh xã hội rất tốt nên không có người ăn xin, người bán vé số dạo.
b. Linh Địa Đức Mẹ Naju
Từ sáng sớm chúng tôi đến thăm vùng đất thánh Naju. Một chị giáo dân từng du học Mỹ làm việc ở văn phòng truyền giáo của giáo phận hướng dẫn và giới thiệu rất tận tình.
Naju là một thị trấn nhỏ với khoảng 90 ngàn dân thuộc miền Tây Nam bán đảo Triều Tiên, cách Thủ đô Seoul chừng 320 Kilô mét về phía nam. Naju thuộc Giáo phận Kwangju. Bộ phim truyền thuyết Jumong được quay tại Naju.
Chúng tôi vào viếng Thánh đường Hoa Hồng. Nơi đây có Thánh tượng Đức Mẹ ban ơn lành chảy huyết lệ liên tiếp từ ngày 30 tháng 6 năm 1985, đã gây chấn động cho cả nước.
Thánh tượng này là sở hữu của gia đình ông bà Julia Kim (Tên bà là Hong Sun Yoon và tên ông là Man Box Julio Kim), một gia đình Công giáo công chức trong thành phố. Bà Julia chính là người được Đức Mẹ hiện ra để mời gọi mọi người cầu nguyện cho có sự an bình trên thế giới. Chúng tôi được xem phim tư liệu về thánh địa Naju. Sau đó đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình lên núi thánh Đức Mẹ Naju. Giữa núi rừng bao la, ngước nhìn lên tượng Đức Mẹ ban ơn tâm hồn lữ khách được nâng lên trong cuộc gặp gỡ thân tình với Mẹ. Chúng tôi chọn một cây thánh giá gỗ và lần lượt chia nhau vác bắt đầu đi 14 chặng đàng thánh giá. Những giáo dân Bắc 54 thuộc lòng kinh nguyện, sốt sắng trong mỗi chặng thương khó của Chúa. Kết thúc đàng thánh giá nơi thánh tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng tôi đọc kinh và hát ca sốt mến dâng tất cả cho trái tim Cực Thánh Chúa Giêsu.
Ban chiều trở lại thánh đường Hoa Hồng, chúng tôi dâng lễ. Cha linh hướng và cộng đoàn Nữ tu cùng tham dự thánh lễ. Dù không hiểu tiếng Việt nhưng họ cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện.
Sau thánh lễ, thật may mắn, bà Julia Kim từ bệnh viện đến thăm và nói chuyện với chúng tôi. Người phụ nữ đã bước vào tuổi 65, hơn 20 năm bị ung thư vẫn trẻ trung và thật phúc hậu. Trước khi nói chuyện bà tặng cho các linh mục chuỗi Mân Côi xin các linh mục đặt tay chúc lành, một cử chỉ thật khiêm tốn. Bà chào mừng đoàn Việt Nam từ một nơi rất xa đã đến hành hương nên dù đang điều trị tại bệnh viện bà vẫn cố gượng dậy để đến gặp gỡ. Bà cầu chúc mọi người sức khỏe và bình an trong ơn lành của Đức Mẹ. Bà nói về đức tin. Khi tin vào Chúa và Đức Mẹ chúng ta luôn có bình an. Nghe bà nói chuyện tôi nhận thấy bà có đức tin mạnh mẽ và đời sống cầu nguyện thân mật với Chúa với Đức Mẹ nên bà rất khiêm tốn và trọn niềm tín thác.
Julia sinh năm 1947 là con gái của một vị học giả cổ điển Trung hoa. Cụ thân sinh của Julia đã bị mất tích trong thời Nam Bắc phân tranh và cô em út cũng qua đời khi mới lên 2 tuổi. Julia sống với mẹ, một người mẹ can đảm và chuyên cần lam lũ nuôi con ăn học qua hết bậc trung học. Đến năm 25 tuổi (1972) cô kết hôn với Juliô, người con cả trong gia đình. Ông bà sinh được 4 cháu (Tên là Rosa, Tomas, Térèsa và Philip). Ông bà đã lãnh nhận được ơn đức tin và đã trở thành con Giáo Hội vào lễ Phục sinh 1981.
Sau lần trở lại, bà dành hết thì giờ vào việc phục vụ khách hàng (nơi cửa tiệm hớt tóc của bà), lo cơm nước cho chồng con và săn sóc gia đình.
Ông Lubino Park là khách hàng quen thuộc của bà. Ông bị chứng bệnh sưng phổi từ khi ông phục vụ các bệnh nhân trong bệnh viện Lao trị. Ông xin bà Julia cầu nguyện cho trước khi khám nghiệm giải phẫu. Vốn có tinh thần tông đồ, nên bà đã dâng một tuần bảy ngày với các việc hy sinh và kinh nguyện để cầu cho ông. Kết quả sau ba lần tái khám, bác sỹ cho hay ông đã khỏi bệnh cách lạ lùng. Để trả ơn bà Julia, ông xin tặng bà một món quà tôn giáo bày bán trong tiệm ảnh tượng của nhà thờ. Bà Julia chọn bức tượng Đức Mẹ ban ơn lành làm kỷ vật và cũng là để nhớ ơn Mẹ đã nhậm lời bà cầu nguyện.
Sau khi sinh cháu thứ tư, bà mắc một chứng bệnh ung thư. Trước cảnh tượng đau đớn năm chờ chết, bà đã nhiều lần ý “chấp nhận cái chết” với chồng con. Bà cũng cố gượng viết một chúc thư dành cho người sẽ làm vợ kế của chồng bà. Bà cũng được cha Sở xứ đạo Naju thường xuyên đến cho bà lãnh nhận Mình Thánh Chúa và khuyên nhủ ủi an trong khi chờ chết. Hôm ấy trong giấc ngủ mơ, bà thấy mình được Chúa chỉ dẫn đọc Thánh Kinh. Bà mở nhằm đoạn sách nói về người đàn bà loạn huyết lâu năm được Chúa chữa lành nhờ lòng tin. Sau giấc chiêm bao ấy, cũng nhờ lòng tin, bà được Chúa cho hoàn toàn bình phục, lại ban cho hết những gì bà khẩn cầu. Vì thế, nghĩ đến ơn Chúa ban, bà quyết định biến nhà mình thành nơi cư trú cho mọi kẻ nghèo hèn. Từ tháng 5, 1985 cơn bệnh của bà lại tái phát, nhưng Chúa vẫn cho bà đủ sức để làm việc phục vụ. Đức Mẹ đã tỏ cho Julia Kim biết về con đường thiêng liêng theo thánh Têrêsa thành Lisieur là cầu nguyện, sinh hoạt chung, chịu đựng hy sinh, làm việc đền tội dâng lên Thiên Chúa vì yêu mến và sống khiêm nhường hiệp ý với Mẹ thì rất có giá trị trong việc cứu rỗi các linh hồn.
Bà Julia kể: Sau khi đi thăm Kwangju, tôi đến Naju lúc 11g20 khuya ngày 30 tháng 6 năm 1985. Tôi đọc kinh Mân Côi xin cho kẻ có tội được ơn trở lại và cho những người đang đau khổ tại Kwangju. Đang khi đọc kinh, tôi ngạc nhiên thấy nước mắt chảy dài trên đôi mắt tượng Mẹ. Tôi hồ nghi không phải là nước mắt Mẹ nên tôi đánh thức chồng tôi đang ngủ gục, để nhìn cho rõ. Hai chúng tôi nhìn sát mắt Mẹ và chúng tôi xác định là nước mắt thật sự đã chảy ra từ khoé mắt Mẹ.
Sáng hôm sau tôi thức dậy từ 6 giờ và đi thẳng đến chân tượng Mẹ để quan sát lại. Tôi thấy những giọt nước Phép tôi vẩy lên tượng khi đêm đã khô sạch, nhưng vệt nước chảy từ khoé mắt Mẹ hôm qua, giờ vẫn còn chảy đều. Trước khi rời nhà đi làm, Juliô bảo tôi “đừng tiết lộ cho ai biết về hiện tượng lạ này” Anh lại bảo tôi “phải cầu nguyện sốt sáng hơn” nữa.
Vì thế, chẳng bao lâu sự kiện Đức Mẹ khóc tại Naju được loan đi khắp nơi và thiên hạ kéo đến đông nghẹt cả đường phố. Gia đình ông bà Juliô đã trở thành nơi cầu nguyện suốt đêm ngày.
Đức Tổng Giám Mục Gong Hee Victorius Yoon đã để tâm nghiên cứu và nghiệm xét những sự lạ xảy ra tại đây và đã công bố với các cha trong ngày tĩnh tâm của các Linh mục Giáo phận rằng: “Sự kiện Đức Mẹ khóc chảy nước mắt không thể chối được. Chúng tôi thường xuyên quan sát các sự kiện và diễn tiến của biến cố…. Và tôi cũng đang tiếp tục nghiên cứu các hậu quả….” (tháng 7 năm 1989).
Ngài cũng nói với cha Raymond Spies Chánh sở Xứ đạo Naju rằng: “Tôi hết sức tin tưởng vào hiện tượng Đức Mẹ chảy nước mắt tại Naju này. Tôi chấp nhận như là một sự có thật. Tôi chưa thấy nơi bà Julia nói điều gì trái với Tín lý của Giáo hội. Xin cha cho tôi biết rõ tình hình bằng cách cung cấp cho tôi cả những thông điệp, nhật ký của bà Julia, các hình ảnh và băng hình nữa”.
Đức Tổng Giám Mục Ivan Dias, Khâm Sứ Toà Thánh tại Nam Triều Tiên cũng công khai bày tỏ: “Tôi xin phó dâng sứ mạng Khâm Sai của tôi qua lời cầu nguyện của cha Raymond Spies, bà Julia và cũng cậy nhờ vào những sự đau khổ bí nhiệm của bà chịu nữa” (Ngày 22 tháng 12, 1991).
Chia tay cha Linh hướng, các Nữ tu, các thiện nguyện viên và bà Julia Kim trong lưu luyến, chúng tôi về thánh phố Kwanju nghĩ ngơi.
c. Thánh địa Chonjinam
Từ Kwanju chúng tôi đi hơn 3 giờ xe là đến vùng thánh địa Chonjinam trên núi cao.
Đức Ông Byon Ki – Young tiếp đón chúng tôi rất niềm nở và tặng sách “History of the Foundation of the Korean Catholic Church” do ngài biên soạn.
Chon-jin-am, một nơi gặp gỡ giữa Nho giáo, Phật giáo và Công giáo, đã trở thành nơi khai sinh của Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc.
Vị Linh mục cai quản thánh địa chuyên đón đoàn hành hương đã đưa chúng tôi lên núi trước phần mộ của 5 linh mục đầu tiên và ngài giới thiệu đôi nét lịch sử hình thành Giáo hội Hàn quốc.
Chon-jin-am có 5 ngôi mộ của 5 linh mụctử đạo khai sinh Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc. Các ngài đi tìm chân lý và gặp gỡ nơi Tin Mừng Chúa Giêsu rồi về nước các ngài truyền bá Tin Mừng. Họ đã xây dựng Giáo Hội Hàn Quốc mà không có sự giúp đỡ của các nhà truyền giáo nước ngoài.
Hiện nay, tại Chon-jin-am, đã đặt nền móng xây dựng vương cung thánh đường. Dự kiến sẽ kéo dài trong thời gian dài. Vương cung được mô phỏng theo phong cách lấy cảm hứng từ các tôn giáo khác nhau của người dân Hàn Quốc: Nho giáo, Phật giáo và Kitô giáo.(Xin đọc thêm tư liệu lịch sử tại web: chonjinam.org).
Đoàn chúng tôi đọc kinh cầu nguyện và xuống núi dâng lễ kính Thánh Antôn Pađôva trong nhà nguyện nhỏ dưới chân núi.
Ban chiều chúng tôi về thành phố Seoul ghé vào cửa hàng sâm nổi tiếng Ginseng Outlet , tham quan và mua quà lưu niệm.
d. Bảo tàng lịch sử Giáo hội Hàn quốc và Thánh đường Juldusan
Seoul là thủ đô của Hàn Quốc, nằm bênSông Hàn ở phía Tây Bắc Hàn Quốc. Thành phố cách biên giới với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên 50 km về phía Nam (Khu phi quân sự Triều Tiên). Với dân số hơn 10 triệu, Seoul là thành phố lớn nhất Hàn Quốc. Diện tích chỉ 605 km², đây là một trong những thành phố lớn có mật độ dân số cao nhất thế giới. Hệ thống giao thông quá hiện đại.
Seoul có một hệ thống tàu điện ngầm nối mỗi quận của thành phố và các khu vực xung quanh. Với lượng khánh hơn 8 triệu mỗi ngày, hệ thống tàu điện ngầm của Seoul được xếp vào một trong những hệ thống tàu điện ngầm bận rộn nhất trên thế giới. Tàu điện ngầm vùng đô thị Seoul có 12 tuyến phục vụ Seoul, Incheon, Gyeonggi, tây Gangwon, và bắc Chungnam.
Chúng tôi đến miền đất thánh thiêng giữa lòng thủ đô Seoul. Đó là bảo tàng lịch sử của Giáo hội Hàn quốc. Một vị trí rất đẹp từ trên đồi cao nhìn xuống sông Hàn thơ mộng. Hàn Quốc tự hào với hàng loạt bảo tàng quốc gia và rất nhiều những bảo tàng chuyên đề dành cho những đối tượng riêng biệt. Các bảo tàng quốc gia trưng bày những hiện vật vô giá xuyên suốt chiều dài lịch sử 5000 năm của Hàn Quốc.
Chúng tôi dâng thánh lễ khởi đầu ngày mới trên miền đất có nhiều vị tử đạo vào năm 1866.
Một thiện nguyện viên nói tiếng Anh lưu loát hướng dẫn và thuyết minh cho chúng tôi về lịch sử Giáo hội Hàn quốc, tham quan bảo tàng với nhiều chứng tích lịch sử Giáo hội bị bách hại và đặc biệt là tư liệu hình ảnh Đức Gioan Phaolô II đến thăm Hàn quốc 2 lần (dịp phong thánh năm 1984 và dịp Đại hội Thánh Thể năm 1993). Nơi đây có dãy nhà trưng bày cách sống động những nhà tù và các dụng cụ tra tấn các vị tử đạo. Sau đó chúng tôi vào Thánh đường Juldusan viếng Chúa. Nhiều giáo dân Hàn đang lần chuỗi và cầu nguyện.
Sau khi chụp hình lưu niệm, chúng tôi chia tay các thiện nguyện viên với lời cám ơn chân thành.
Chỉ còn một buổi chiều tại Seoul, chúng tôi thăm lâu đài Kinh Bắc Cung – Gyeongbok Place, nơi ở và làm việc của các triều đại phong kiến Triều Tiên. Cung điện Kyongbuk – Cung điện ánh sáng và hạnh phúc. Cung điện được xây dựng vào năm 1394 dưới đời vua Chosun (1392 – 1910), đời vua cuối cùng của Hàn Quốc. Đây được xem là một công trình nghệ thuật nổi tiếng có phong cách và kiến trúc độc đáo và đẹp nhất Seoul. Cung điện là một tổng thể kiến trúc đồ sộ với những hồ sen thơm ngát, những ngôi chùa đá cổ kính và đặc biệt là những cung điện nguy nga, tráng lệ.
Chúng tôi tham quan Bảo tàng Dân tộc Quốc gia là bảo tàng quốc gia duy nhất về văn hóa dân gian, trưng bày khoảng 4.000 hiện vật về đời sống văn hóa. Tham quan Bảo tàng Cung điện Quốc gia trưng bày 40.000 hiện vật tái hiện lại lịch sử và văn hóa của triều đại Joseon. Sau đó đi chợ Dongdaemun mua sắm đặc sản xứ Hàn. Ban tối được nhâm nhi rượu Soju vớigà hâm sâm, thưởng thức nhiều món kim chi quốc hồn quốc túy đất nước này.
Hôm sau kết thúc chuyến hành hương, chúng tôi lên đường sớm kịp chuyến bay từ Incheon về Sài gòn.
4. Thay lời kết
Hàn Quốc có diện tích là 99,720 cây số vuông, dân số 48,754,657 (tháng 7, 2011), Thu nhập bình quân đầu người là 30,000 Mỹ kim (năm 2010), tổng sản lượng quốc nội (GDP) là $1.459 trillion (2010) (trillion là một ngàn tỉ); xếp hàng thứ 13 trên thế giới. (theo tài liệu của CIA World Factbook).
Hiện nay Giáo Hội Hàn Quốc đang đẩy mạnh chương trình học hỏi Lời Chúa để truyền giáo cho xã hội đang thay đổi nhanh chóng ngày nay. Hy vọng chương trình “Rao giảng Tin Mừng hai mươi hai mươi”, sẽ gia tăng tín hữu lên 10 triệu vào năm 2020.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự ngày Giới Trẻ Á châu và lễ phong hiển Thánh cho 124 vị tử đạo Đại Hàn.
Linh Mục Rossi De Gasperis, SJ viết: Trong lịch sử hiện đại mặc dù chiến tranh lạnh đã chấm dứt trên thế giới, nhưng Đại Hàn vẫn còn là vùng ghi đậm dấu vết hậu qủa của nó với chiến tranh Triều tiên và sự kiện đất nước chia đôi lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới. Ngày 15 tháng 8 năm 1948 Cộng Hòa Nam Hàn khai sinh, trong khi ngày mùng 9 tháng 9 cùng năm, Bắc Hàn được tuyên bố là Cộng hòa dân chủ nhân dân Bắc Hàn. Ngày 25 tháng 5 năm 1950 Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn. Chiến tranh mau chóng trở thành toàn diện và bị quốc tế hóa với sự tham dự của Hoa Kỳ trợ giúp Nam Hàn, và Trung Quốc yểm trợ Bắc Hàn. Ba năm nội chiến đã khiến cho khoảng 400 ngàn người dân Nam Hàn bị giết, 55.000 lính Mỹ thiệt mạng và khoảng 1 triệu người dân Bắc Hàn và Trung quốc chết và bị thương. Ngày 27 tháng 7 năm 1953 Liên Hiệp Quốc chấp nhận nghị quyết chia đôi Triều Tiên lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới và là vùng phi quân sự. Nó là “bức tường Berlin của Á châu” ngăn cách và phân rẽ hàng trăm ngàn gia đình “người bắc kẻ nam”.
Trong hơn nửa thế kỷ qua chế độ cộng sản vô thần Băc Hàn đã tiêu diệt tôn giáo. Giáo Hội công giáo không còn linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân nữa. Tuy nhiên, Giáo Hội Nam Hàn đã không bao giờ coi bức tường ngăn cách hiện hữu, và đã liên tục dấn thân hoạt động cho việc thống nhất đất nước, qua các công tác bác ái cứu trợ nhân dân Bắc Hàn, đặc biệt là cứu đói.
Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn đã thành lập một Ủy ban hòa giải nhắm nhiều mục đích khác nhau. Cha Timoteo Lee Eun-Hyung thành phần Ủy ban cho biết ngoài việc rao truyền Tin Mừng cho Bắc Hàn là nơi không có tự do tôn giáo, Ủy ban tìm mọi cách để trao đổi tin tức giữa hai miền, cũng như chia sẻ tình yêu thương liên đới, trong đó có việc trợ giúp các anh chị em Bắc Hàn định cư tại Nam Hàn. Ngoài ra còn có việc cầu nguyện chung. Gần biên giới có vài giáo xứ, trong đó vào mỗi ngày thứ tư tín hữu tụ tập nhau cầu nguyện cho người dân Bắc Hàn.
Hồi tháng 5 vừa qua ĐHY Andrew Yeom Soo-Jung, TGM Seoul đã sang thăm vùng kỹ nghệ Kaesong nằm trên đất Bắc Hàn. Đây là vùng có các hãng xưởng kỹ nghệ tạo công ăn việc làm cho 55.000 dân Bắc Hàn và là vùng đầu tư rất có triển vọng trong tương ái, đặc biệt khi hai miền Nam Bắc Hàn thống nhất với nhau. Hiện nay Nam Hàn là quốc gia phát triển kỹ nghệ đứng hàng thứ 11 trên thế giới. Nếu từ đây cho tới năm 2015 hai miền Bắc và Nam Hàn có thể thống nhất, thì với 70 triệu dân Đại Hàn vào năm 2050 Đại Hàn sẽ cỏ thể trở thành cường quốc kỹ nghệ thứ 8, vượt cả Đức và Anh quốc và với lợi tức đầu người lớn hơn của cả Nhật Bản. Vì thế chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô vào trung tuần tháng 8 này sẽ có thể góp phần mở ra các viễn tượng mới đầy hy vọng cho cả hai miền Bắc và Nam Hàn.(SD 4-8-2014.R.Vatican).
Đây là bài phỏng vấn linh mục Hur Young-Up phát ngôn viên tổng giáo phận Seoul.
Hỏi: Thưa cha, cha có cảm nghĩ gì về chuyến công du sắp tới của ĐTC tại Nam Hàn?
Đáp: Giáo Hội Đại Hàn là Giáo Hội đầu tiện tại Á châu được Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm. Qua biến cố ý nghĩa này Giáo Hội Đại Hàn trở thành cánh cửa rao giảng Tin Mừng tại Á chậu. Đức Thánh Cha đến Nam Hàn như là một chủ chăn để gặp gỡ dân chúng và gặp gỡ giới trẻ Á châu. Chúng ta có thể nói rằng Đại Hàn là quốc gia biểu tượng cho các nhu cầu của hòa bình và hòa giải. Vì thế, chuyên viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể mang lại một sứ điệp quan trọng của niềm hy vọng và hoa bình cho đất nước chúng tôi.
Hỏi: Người dân Đại Hàn nghĩ gì về Đức Thánh Cha Phanxicô, thưa cha?
Đáp: Không phải chỉ có các tín hữu công giao mà tất cả mọi người dân Đại Hàn đều thích Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng tôi qúy trọng các kiểu cách thân thiện và sự đơn sơ của ngài, chúng tôi đanh giá cao kiểu ngài lo lắng cho cho người mghèo và những người bị gạt bỏ bên lề xã hội. Toàn dân Đại Hàn nóng lòng chờ được gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô.
Hỏi: Việc chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha tiến hành như thế nào thưa cha?
Đáp: Cùng với Giáo Hội chính quyền của chúng tội cũng ủng hộ việc chuẩn bị cho chuyên công du mục vụ này của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vì thế tôi tin rằng các chuẩn bị bên ngoài cũng như bên trong đều quan trọng. Chuyến viếng thăm của Đức Thnah Cha không chỉ là một dịp đặc biệt cho Giáo Hội, mà cũng là một cơ may quan trọng cho các cuộc cải cách nội bộ và công tác rao truyền Tin Mừng nữa.
Hỏi: Thưa cha, cách đây 25 năm, hồi năm 1989, Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm Nam Hàn lần thứ hai. Đâu là các hoa trái của chuyến viếng thăm đó?
Đáp: Chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II đã đem lại các kết qủa tích cực cho Giáo Hội Đại Hàn. Giáo Hội đã được biết tới nhiều hơn trong xã hội và đã gây được ấn tượng tốt nơi người dân.
Hỏi: Tiến trình tục hóa liện quan tới Nam Hàn cũng giống như tại tất cả mọi quốc gia kỹ nghệ. Giáo Hội Nam Hàn đã trả lời ra sao?
Đáp: Ngày nay đất nước chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề của ý thức hệ chủ thuyết duy vật, cá nhân chủ nghĩa, tục hóa, và vô cảm tôn giáo. Bên trong Giáo Hội cũng có cùng vấn đề đó. Vì thế thật là điều quan trọng, khi Giáo Hội tìm ra các con đường mới và các phương thức mới để đương đầu với các vấn đề như thế. Tôi tin rằng đó là một nhiệm vụ quan trọng và là một mục tiêu đói với việc rao giảng Tin Mừng.
Hỏi: Các tín hữu Nam Hàn có sẵn sàng đương đầu với thách đố của công tác rao truyền Tin Mừng mới hay không?
Đáp: Tái truyền giảng Tin Mừng là một phương pháp mới giúp chúng ta canh tân đức tin của mình trong thế giới thay đổi nhanh chóng này. Thật là quan trọng việc chính Giáo hội thay đổi trước để đi ra hướng về thế giới, và phổ biến Tin Mừng qua các phương tiện mới và với các kết qủa mới. Con đường Giáo Hội Đại Hàn phải đi còn dài, nhưng chúng tôi đang làm tốt chừng nào có thể để biến đổi việc rao giảng Tin Mừng thành hành động.
Hỏi: Chúng ta nhớ là Tin Mừng đã được phổ biến tại Đại Hàn năm 1700, có phải thế không thưa cha?
Đáp: Vâng, đạo Công giáo đã được đem vào trong đất nước chúng tôi sau khi các sách công giáo được dịch ra tiếng Đại Hàn, và các học sinh đại hàn bắt đầu học. Tiếp theo đó các tín hữu thành lập các cộng đoàn công giáo và rao giảng đức tin của họ cho các người khác. Như thế điều đặc biệt nhất của Giáo Hội Đại Hàn là nó đã bắt đầu qua các giáo dân, chứ không qua các thừa sai. Giáo Hội Đại Hàn đã chịu nhiều bách hại ngay lập tức. Nhưng cha ông chúng tôi đã duy trì được đức tin của họ, và tiếp tục phổ biến tin vui của Chúa Giêsu Kitô.
Hỏi: Thưa cha, đâu là dấn thân của Giáo Hội cho việc thống nhất đất nước?
Đáp: Đây là sứ mệnh của Giáo Hội Đại Hàn: làm việc cho hòa giải và thống nhất đất nước chúng tôi. Tôi tin rằng việc yểm trợ nhân đạo và các cuộc đối thoại chân thành là điều cần thiết nhất. Giáo Hội đã tiếp tục yểm trợ nhân đạo cả khi tương quan giữa Bắc và Nam Hàn căng thẳng.
Hỏi: Liên quan tới việc tái thống nhất đất nước việc đối thoại liên tôn có tầm quan trọng nào giúp đạt mục đích này không?
Đáp: Đối thoại liên tôn là một vấn đề quan trọng, nhưng không liên quan gì tới các mục tiêu chính trị. Tôi nghĩ rằng thật là một điều hay đẹp, khi con người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau hiểu biết nhau và trân trọng vẻ đẹp mà mội tôn giáo đã đem đến cho con người (RG 16-7-2014; vietvatican.net).
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét