Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

Viết cho em nhân ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu

Em thân mến!


Một lần kia khi có dịp ghé thăm quý Sơ Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, thầy thấy trên tường nhà may có gắn một bức phù điêu hình con chim gì đó, nó đang dùng mỏ tự mổ vào thân mình để những giọt máu chảy ra rơi xuống, và phía dưới là một đàn chim con đang há mỏ để nuốt lấy dòng máu của chim mẹ. Hình như là loài bồ nông – thầy không chắc lắm, vì có nghe vài Sơ nói vậy. Nhưng một bức phù điêu như vậy lại được treo trong nhà dòng chắc không phải để trang trí em nhỉ? Hẳn là nó mang một ý nghĩa tâm linh, hay hình ảnh tiên trưng trong tôn giáo?


Chắc em cũng đoán được, nhưng thầy vẫn chưa muốn nói với em về những sự “trên trời”, ta nói chuyện “dưới đất” cái đã.


Em biết không? Khi còn nhỏ, thầy vẫn bị bà mắng là:“Mở mắt ra mà xem! bố mẹ thì cứ nai xương nai xác ra làm, con thì lêu lổng, không lo học hành gì cả”. Cái thuở còn học “ I-Tờ”, bảng cửu chương còn chưa thuộcthì hiểu sao được “nai xương nai xác” là gì em nhỉ? Cho đến một ngày kia…


Khi đang đạp xe từ trường Đại học về nhà trọ, thầy bỗng thấy một ông lão, chắc ngoài 60 hoặc trẻ hơn nhưng những nỗi khốn khổ cực nhọc cứ in hằn trên khuôn mặt hom hem đen đúa ấy. Người đàn ông này đang nhọc nhằn xúc các xẻng cát vào cái xe cải tiến để chở vào sâu trong hẻm nơi người ta đang xây dựng. Dưới cái tiết trời oi bức nóng như đổ lửa ấy, có ngồi trong phòng trọ bật quạt người ta vẫn còn thấy khó chịu chứ huống gì là lao động ngoài trời.


Thế rồi một lần kia, vì phải ở lại lớp muộn hơn một chú,t nên khi xong việc là thầy tức tốc đạp xe về nhà trọ vì quá đói và nghĩ đến cơm bạn đang đợi. Bất chợt, những vòng quay bánh xe như chậm lại trước hình ảnh ông lão ấy đang ngồi dưới gốc cây để nhai chiếc bánh mì khô với nước đựng trong chai Cocacola cáu bẩn. Cảnh tượng ấy khiến thầy cứ thơ thẩn mãi chẳng còn muốn đạp xe thật nhanh để về nữa. Thì ra “nai xương nai xác” mà bà vẫn nói là đây em ạ!


Tất cả cũng là vì gia đình, vợ con, lao động cả ngày mất sức như vậy mà chỉ dám ăn vội chiếc bánh mì khô với nước lã rồi lại tiếp tục vắt kiệt sức để làm việc, vì có thể ông lão vẫn phải lo cho đàn con đông đúc.


Em à! làm cha mẹ là vậy đấy, nuôi con là nuôi bằng chính sự sống của mình, con lớn lên cũng là lúc sức khỏe hao mòn. Mỗi người chúng ta đang lớn lên như thế đấy, “hút lấy” sức sống mẹ cha, không biết em có cảm thấy vậy không khi mỗi lần về nhà thấy bố mẹ già hơn thì phải?


Biết làm sao được em nhỉ, người ta gọi đó là “nợ đồng lần” nghĩa là sau này em làm cha, làm mẹ em cũng nuôi con như vậy thôi. Con người là thế! nhưng ngay cả con vật cũng vậy, như con bồ nông mẹ rỉa da thịt mình để lấy máu nuôi con trên bức phù điêu đó em. Sao lại có sự kì diệu và tình yêu vĩ đại đến thế em nhỉ?


Chắc hẳn Đấng đã dựng nên con người và vạn vật phải là một nghệ sĩ với trái tim đầy tình yêu thương mới có thể tạo nên những “kiệt tác” như vậy phải không em? Chắc chẳng có nhạc sĩ nào lòng đầy hận thù mà lại sáng tác được những giai điệu trữ tình sâu lắng; chẳng có trái tim nhà thơ nào nhỏ nhen ích kỷ lại viết nên những vần thơ bay bổng ca ngợi tình yêu thương con người; chẳng có kiệt tác nghệ thuật nào đem lại sự bình an thẳm sâu cho người thưởng thức mà tác giả của nó lại là người yêu chiến tranh phải không em?


Có vậy ta mới hiểu được lời thánh Gioan: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Chỉ có Đấng là Tình Yêu trọn vẹn và dạt dào mới để cho tình yêu ấy chảy tràn vào những thụ tạo của Ngài, khiến nó cũng cư xử và mang dáng dấp tình yêu của Đấng dựng nên nó.


Vậy em đừng bao giờ nói rằng em không thấy Thiên Chúa của em nhé! Hãy nhìn vào tình yêu nơi thế giới này để ‘cảm nhận’ và ‘thấy’ Ngài bằng con mắt đức tin nhé em!


Đến đây có thể em sẽ thắc mắc sao lại viết cho em điều này nhân ngày lễ cầu nguyện cho ơn thiên triệu nhỉ?


Em thân mến, có lời bài hát khi chầu Thánh Thể: “Chịu chết cho đời lòng chưa nguôi, còn lối lại Mình Thánh chứa chan…”. Đức Giêsu chịu chết cho con người nhưng chưa thỏa trái tim đầy tình yêu của Ngài, Ngài còn muốn chăm sóc dưỡng nuôi đàn con như người cha người mẹ, là lấy chính Máu Thịt, chính sự sống của Ngài để cho chúng ta được sống dồi dào bởi:“Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì được sống muôn đời” (Ga 6, 54).


Hết thảy những ai dâng hiến đời mình cho Chúa, cách nào đấy cũng tiệc tục sứ vụ làm “cha, mẹ” thiêng liêng của đoàn chiên Chúa trao phó; cách đặc biệt là các linh mục, người mà chúng ta vẫn gọi các ngài là “Cha”. Tiếng “Cha” ấy thật thân thương và thiêng liêng phải không em? Em hãy cầu nguyện để các linh mục sẽ trở thành những người cha thực sự đối với con cái mà Chúa đã trao phó cho các ngài. Làm cha là phải hy sinh cho con cái; làm cha là phải hao mòn đi sự sống để trao ban sự sống ấy cho con. Đó là quy luật để trở thành cha mẹ mà tạo hóa đã đặt vào thế giới này. Em hãy cầu nguyện cho các linh mục em nhé; cũng cầu nguyện cách riêng cho thầy nữa!


Bởi thầy sợ rằng con người thời đại hôm nay không cần “cha” nữa, họ chỉ cần “linh mục” thôi! Họ chỉ cần người dâng lễ ngày Chúa nhật, cử hành bí tích Hôn phối tại nhà thờ, vậy thôi, vì người ta dễ coi linh mục là nghề nghiệp mà! Vì là nghề nên họ chấp nhận các linh mục tầm thường thôi, thậm chí họ thích linh mục như vậy, vì có vẻ dễ tiếp cận hơn. Họ không cần cha nữa, vì thế họ cũng chẳng cần thấy phải yêu thương cha và cầu nguyện cho cha em ạ.


Em thân mến, “thế giới này cần linh mục, những linh mục thánh thiện” là lời mà thánh Têrêxa Calcutta đã và đang nói với thế giới này, nói với chính thầy và em đấy. Hãy cầu nguyện để Chúa ban cho thế giới này các linh mục như lòng Chúa mong ước!


Thân ái chào em!


                                                            Totus Tuus – Tất Cả Là Của Ngài


Phân khoa thần học, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội


Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Người trẻ đáp lời Thiên Chúa

Các bạn trẻ thân mến,


Nhiều người trong chúng ta ngạc nhiên và ngưỡng mộ những vị thánh thân, vì họ đã yêu mến Thiên Chúa đến cùng. Trong số những vị thánh ấy, không ít những vị thánh trẻ cùng trang lứa với chúng ta. Thán phục các ngài, nhưng đồng thời mỗi người trẻ lại tự hỏi không biết mình có khả năng yêu mến và đi theo Chúa giống như các ngài không?


Một thực tế là con người có khả năng nhận biết và đáp lại tiếng Thiên Chúa mời gọi. Chẳng hạn ta có thể nhận biết Thiên Chúa nơi chính Đức Giêsu, nơi Giáo Hội, trong Kinh Thánh, trong lương tâm, bằng lý trí, với những kinh nghiệm về Thiên Chúa trong cầu nguyện, v.v. Nếu như những con đường nhận biết này vốn khó khăn, thì kết quả theo sau đó là lời mời gọi của Thiên Chúa muốn con người từ bỏ và đi theo Người lại càng thách đố hơn. Thầy Giêsu cũng kêu gọi nhiều người đến để nghe Lời Người. Họ ngưỡng mộ với biết bao phép lạ Người làm, tung hô Thầy với biết bao bài giảng tuyệt vời của Người. Nhưng khi Đức Giêsu mời gọi họ tiến vào con đường đau khổ của thập giá, chúng ta thấy có mấy người dám đáp trả lời mời gọi ấy. Các môn đệ cũng chạy mất dép!


Tuy nhiên người trẻ không mất đi niềm hy vọng để có thể đáp lại tiếng gọi của Người. Hôm nay, Chúa Giêsu phục sinh thật sống động trong Giáo Hội đang ngỏ lời với từng người trẻ. Trước lời gọi đó, người trẻ có thể trả lời Thiên Chúa thế nào khi Người nói với chúng ta? Một cách đơn giản Giáo Hội nói rằng: “Chúng ta trả lời Thiên Chúa khi chúng ta tin Người.” Hóa ra đức tin một lần nữa dẫn chúng ta đến hành động làm theo mệnh lệnh của Thiên Chúa. Hay nói đúng hơn “Tin là đi vào một tương quan cá vị với Thiên Chúa, và sẵn sàng đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa mặc khải về chính Ngài.”


Trong tương quan ấy, người trẻ không sợ hãi để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa: Hãy theo Thầy. Thực ra những ai sợ lời gọi ấy cũng là lúc họ chưa thực sự tin vào Thầy Giêsu. Có người kể rằng anh hành khách kia run sợ khi đi đò qua sông. Anh sợ vì cho rằng bác lái đò không đủ tài năng để điều khiển con đò, anh nghi bờ bác tài lỡ có bất trắc, con đò sẽ chìm đắm, và khi ấy anh sẽ chết. Thực ra, với suy nghĩ ấy không chỉ anh sợ hãi mà anh còn xem thường bác lái đò. Cũng vậy, khi đi theo Thầy Giêsu nhiều người trẻ sợ mình gặp nhiều khó khăn thách đố. Họ sợ Thầy Giêsu vắng bóng khiến họ vỡ mộng lỡ làng. Hình ảnh hai môn đệ trên đường Emmau là ví dụ điển hình. (Lc 24, 13-35). Trong khi đó, Thầy Giêsu lặp đi lặp lại: “Thầy đây, đừng sợ!” (Ga 6, 16-21).


Nếu có dịp nào đó tham sự đại hội giới trẻ thế giới, hay cấp giáo phận, chúng ta thấy sức sống người trẻ thật mạnh mẽ biết bao. Họ thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa và ước mong có thể đón nhận những sứ mạng Chúa trao. Với tài năng và hoài bão, họ dám cộng tác với Thiên Chúa. Thực vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2018, nhận xét về người trẻ rằng: “Nhiều người nam nữ và nhiều bạn trẻ đã hy sinh cách quảng đại chính bản thân họ, thậm chí đôi khi đến mức tử đạo, vì tình yêu đối với Tin Mừng và sự phục vụ anh chị em của họ.” Ước gì lời nhận xét ấy cũng đúng một phần nào nơi những người trẻ Công giáo Việt Nam hôm nay! Thay vì run sợ dấn thân trên con đường của Chúa, người trẻ nài xin Thiên Chúa cho họ can đảm để từng ngày hiểu biết thâm sâu về Thiên Chúa. Nhờ đó, người trẻ thêm yêu mến và đi theo Thầy Giêsu thân thiết hơn.


Khi kết thân được với Thiên Chúa, người trẻ sẽ dễ nhận ra tiếng Chúa hơn và từ đó cũng đáp lại tiếng Người mạnh mẽ hơn. Thiên Chúa luôn trao cho mỗi người một sứ mạng cụ thể. Tuy vậy, nhiều bạn trẻ phản đối điều này vì dường như mình chẳng biết Chúa muốn gì nơi mình. Nếu đọc lại cuộc đời các thánh, chúng ta thấy các ngài dù với địa vị và thời cuộc nào, Thiên Chúa đã trao cho các ngài sứ mạng làm chứng cho Thiên Chúa bằng đời sống của mình. Không cần tới khi làm giáo hoàng, các linh mục hay tu sĩ, người trẻ mới đáp lại tiếng Chúa. Đừng quên rằng: “Tôi là một sứ mạng trên mặt Đất này; đó là lý do vì sao tôi hiện diện ở đây trong thế giới này.” (Thông điệp Niềm Vui Tin Mừng, số 273).


Một cách đơn sơ trong cuộc sống hằng ngày khi thức giấc, tôi thử hỏi Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Người muốn con làm gì trong ngày mới này?” Hãy nghe tiếng thì thầm của Thiên Chúa ngỏ lời trong tâm hồn mình. Bạn yên tâm, Thiên Chúa luôn có chương trình cụ thể mời gọi mỗi người chúng ta cộng tác. Từ đó cuộc sống chúng ta tìm được hướng đi, tìm được ý nghĩa và sức sống vốn thường sôi sục trong trái tim người trẻ.


Khi ngỏ lời với người trẻ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường chia sẻ rằng: “Chúng ta không phải chờ tới khi hoàn hảo rồi mới đáp lại Thiên Chúa mời gọi chúng ta, nhưng tốt hơn là hãy mở tâm hồn trước Tiếng gọi của Ngài.” Ước gì chúng ta tự dặn với lòng mình, hôm hay tôi đáp lại tiếng Chúa mạnh mẽ hơn hôm qua một chút, ngày mai sẽ quyết liệt hơn hôm nay một chút. Được như thế, người trẻ sẽ trở nên cánh tay nối dài của Thiên Chúa trong môi trường sống này, trong xã hội và thế giới này.


Giuse Phạm Đình Ngọc SJ


Thứ Hai, 19 tháng 4, 2021

EM MUỐN VÀO ĐẠO CÔNG GIÁO

Sinh ra trong một gia đình có  truyền thống Phật Giáo, tuy nhiên, em thú nhận rằng mình chưa hiểu nhiều về giáo lý nhà Phật. Vì nhiều lý do khác nhau, em cứ để cuộc sống nổi trôi theo học tập và công việc. Trong dòng đời ấy, rất nhiều lần em được tiếp xúc với môi trường bên Kitô Giáo. Em nói như thế vì không chỉ bên đạo Tin Lành thu hút em, nhưng đạo Công Giáo cũng là một con đường mời gọi em bước vào.


Dạo phố với em, tôi may mắn được em chia sẻ nhiều thao thức, ước mơ và thắc mắc liên quan đến tôn giáo. Là người học thức, em thừa biết mỗi tôn giáo đều có những phương thế chỉ cho con người tìm đến hạnh phúc, bình an. Nhưng cụ thể phương thế ấy là gì, thì em chịu! “Thiên Chúa là ai, Ngài có hiện hữu không? 


Đạo Thiên Chúa có thực sự là con đường tốt nhất để em bước vào không?” Đó là chuỗi những câu hỏi mà trong em hằng khắc khoải. Dĩ nhiên tôi chẳng thể trình bày một mớ kiến thức về Thiên Chúa cho em lúc này. Thay vào đó, tôi lắng nghe và chia sẻ chút cảm nghiệm của mình về Thiên Chúa với em. Lồng trong đó là những lời thầm nguyện dành cho em. Ước sao Thiên Chúa ban ánh sáng để em can đảm theo Ngài.


Sở dĩ em muốn vào đạo Công Giáo vì vài lý do thú vị ban đầu. Không hiểu vì cơ duyên nào đó, em được tiếp xúc với nhiều người công giáo. Họ thực sự là những người dễ mến và tử tế, hòa đồng và chân thành. Em cảm nhận như thế! Tạ ơn Thiên Chúa vì những chứng nhân em gặp được. Đó là bước khởi đầu để em đặt dấu hỏi về nguồn động lực nào để người công giáo sống được như thế. 


Em lên đường đi tìm. Trên hành trình ấy, đôi khi em lẫn lội những người Tin Lành với người Công Giáo. Là người bạn, tôi hạnh phúc chia sẻ với em đôi điều khác nhau giữa hai đạo này. Hy vọng em hiểu hơn và có thêm chất liệu để đưa ra quyết định cho riêng mình.


Dừng lại bên vỉa hè dưới bóng cây cổ thụ, tôi chỉ cho em nhà Dòng Thánh Phaolô, một tu viện cổ kính với những bóng dáng người tu sĩ đang dạo bước trong vườn. Ông Phaolô là người theo đạo Do Thái. Khi Đức Giêsu sống lại, Giáo Hội Công Giáo đang trong bước khởi đầu phát triển. Trong bối cảnh đó, chính Phaolô ra sức bách bớ những ai tin vào Đức Giêsu. Trên đường truy lùng bắt tận những tín hữu theo đạo này, Phaolô đã được Chúa Giêsu phục sinh kêu gọi: hãy tin vào Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Ông đã tin và trở thành môn đệ truyền giáo nhiệt thành, vĩ đại trong Giáo hội Công Giáo sơ khai.


Sở dĩ tôi lan man đến chuyện thánh Phaolô, để nói với em rằng mỗi ngày đều có nhiều người được Đức Giêsu mời gọi nên con cái của Chúa. Lời gọi ấy không âm thanh, không ồn ào, không lôi kéo, nhưng nó nhẹ nhàng chuyển biến trong tâm hồn những ai đang muốn bước theo Ngài. Nó cũng tựa như những điều em chia sẻ với tôi:


“Em không biết Thiên Chúa nhiều, nhưng mỗi khi buồn sầu, những lúc gặp chuyện chẳng may, em cũng cầu xin Chúa. Điều lạ lùng là em nhận thấy mình được bình an hơn, được may mắn hơn.” – Em nói trong xúc động.


Lời chia sẻ ấy cũng là dấu chỉ để em thấy Thiên Chúa đang mời gọi mình. Dĩ nhiên Thiên Chúa không hiện diện như bất cứ người nào, hoặc vật thể hữu hình nào. Ngài có đó, nhưng ta chẳng thể nhìn bằng đôi mắt thể lý. Ngược lại, qua lời em nói, chúng ta có thể cảm nhận được Thiên Chúa và Ngài đang chi phối đời sống của chúng ta. Đó là một trong những con đường để em thấy Thiên Chúa thực sự đồng hành với mỗi người.


Điều em thắc mắc vốn gây bất ngờ với tôi: “Em có thể vào đạo Công Giáo, nhưng vẫn tin Đức Phật không?” Hỏi như thế, vì em biết nếu mình bước vào đạo Công giáo, ít nhiều sẽ gặp cản trở từ phía gia đình.


Em thân mến,


Tôn giáo nào cũng đòi người tín hữu trung thành và yêu mến Đấng họ tin theo với trọn vẹn con tim và lý trí. Dĩ nhiên em không thể vừa tin Thiên Chúa và vừa tin vào Đức Phật, (hay ngược lại). Chúng ta tạm chấp nhận đạo nào cũng tốt. 


Khi muốn đối thoại với Phật Giáo cũng như những tôn giáo khác, Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh: “Kitô hữu cũng như các tín đồ các truyền thống tôn giáo khác, tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa đích thân mời gọi để đi vào mầu nhiệm của đức kiên nhẫn của Ngài, khi con người nỗ lực tìm ánh sáng và chân lý nơi Ngài. Chỉ có Thiên Chúa biết lúc nào và vào giai đoạn nào sẽ hoàn thành con đường thăm thẳm mà con người từng bước tìm về Ngài.”


Mặt khác, Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ấy. Giáo Hội nhìn thấy trong mỗi tôn giáo, Phật Giáo cũng vậy, những hạt mầm đức tin rất tốt. Để từ đó, bên Công Giáo tiếp tục trong đối thoại, để chia sẻ, giới thiệu cho mỗi người về một Đức Giêsu Kitô vốn là đường, sự thật và sự sống. (Ga 14,6).


Tôi không muốn đi vào quá nhiều tài liệu bàn về vấn đề này! Hẳn nhiên nếu là người công giáo, em cũng cần giữ lòng kính trọng đến các tôn giáo khác. Nếu em yêu mến Thiên Chúa càng nhiều, Ngài càng chỉ cho em biết cách cư xử với gia đình em ra sao, và cần đón nhận những tôn giáo khác như thế nào. Điều quan trọng là em cần quyết định đi vào một tôn giáo duy nhất mà thôi.


Cảm ơn em vì những chia sẻ và thao thức của em. Hy vọng em để cho lòng mình thanh thản, để “ơn trên” soi sáng. Từ đó, tôi đoan chắc em sẽ tìm thấy câu trả lời cho đời sống tâm linh của mình. Em đừng ngần ngại thì thầm với Thiên Chúa. Ngài hiểu những điều em ước nguyện. Tuy chưa được rửa tội để trở thành con Chúa, nhưng Ngài có cách để em bước vào một thế giới mới. 


Nơi đó, hầu chắn có nhiều ngôn ngữ nhà đạo mới, giáo lý mới, niềm tin mới, và con người mới. Càng tìm hiểu, hy vọng em càng xác tín vào lựa chọn của mình. Chắc chắn không ai hiểu hết Thiên Chúa. Nhưng với tâm hồn cởi mở, với ước ao tốt lành, em sẽ được Thiên Chúa hướng dẫn để bước vào Giáo Hội của Ngài.


Chia tay em, tôi cầu chúc cho em thật nhiều bình an trên hành trình khám phá niềm tin của mình. Em biết điều này: Thiên Chúa sáng tạo muôn loài. Nhiều thế kỷ trước Công Nguyên, người Do Thái chờ mong Đấng Cứu Thế. Đức Giêsu Kitô đã đến vào đêm Giáng Sinh. Sau thời gian rao giảng Nước Trời, Ngài đã chịu chết. Sau ba ngày, Ngài đã sống lại. Đó là Tin Mừng cho muôn dân. 


Em có thể đọc thấy những điều này trong Kinh Thánh. Tin hay không, tùy em, bởi mỗi người đều có tự do lựa chọn tôn giáo cho riêng mình! Cầu chúc cho em thật nhiều bình an để sớm đưa ra quyết định cho hành trình đức tin của mình, em nhé!


Trên đường về nhà, lời em cứ văng vảng trong tôi: Em muốn vào đạo Công Giáo! Đó là ước muốn tốt lành thánh thiện. Hy vọng một ngày nào đó tôi nhận được tin vui: “Thầy ơi! Em đã lãnh nhận bí tích rửa tội rồi!” Hy vọng và nguyện cầu cho em thật nhiều!


LM Giuse Phạm Đình Ngọc SJ.


Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021

Hai Cái Nhìn

Trước ngôi mồ trống của Đức Giêsu, có hai cái nhìn, dẫn đến hai cái thấy khác nhau:


Cái nhìn của bà Maria Magdala là cái nhìn tự nhiên, bị ảnh hưởng bởi tình cảm: chỉ mới nhìn tảng đá đã lăn khỏi mộ, tình cảm của bà bị tác động ngay khiến bà không còn thấy thêm điều gì khác mà chỉ nghĩ đến tình huống xấu nhất: “Người ta đẽ đem Chúa ra khỏi mộ!” Cái nhìn tình cảm này không giúp thấy được sự thật mà chỉ làm cho bà buồn rầu, lo lắng, khóc lóc.


Cái nhìn của người môn đệ Chúa yêu được đức tin hướng dẫn: Ông nghe nói tảng đá đã lăn khỏi mộ, ông chạy đến nơi để xem và xem xét rất kỹ. Ông cúi xuống nhìn vào trong, quan sát những tấm khăn liệm và dừng lại để suy nghĩ. Rồi ông nhớ lại những lời Thánh kinh mà Đức Giêsu đã dạy. Cái nhìn này giúp ông thấy được sự thật: Đức Giêsu đã sống lại. Cái nhìn đức tin này đem lại cho ông niềm vui: “Ông đã thấy và đã tin”.


Có thể so sánh cái nhìn đức tin giống như người ta nhìn các sự vật trong đêm tối bằng ánh sáng của tia hồng ngoại, nên có thể thấy được những điều mà mắt thường không trông thấy. Theo định nghĩa, “Tín hữu” là người tin. Vì thế tín hữu vừa có cái nhìn tự nhiên như mọi người, vừa phải có cái nhìn đức tin. Ai biết nhìn sự việc bằng đức tin thì sẽ thấy mọi sự rất thanh thản và lạc quan.


Chẳng hạn thánh Phaolô trong lúc đang ngồi tù và sắp bị đem ra xử, ông nghĩ đến hai tình huống có thể xảy ra: một là bị xử tử, hai là được tự do. Bằng cái nhìn đức tin, ông đã thấy sống hay chết đều tốt cả: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi”. Còn thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu sau khi đã nhìn lại mọi sự việc xảy đến trong đời mình bằng cặp mắt đức tin, đã kết luận “Tất cả là hồng ân”.


Đức Giêsu Phục sinh đã chiếu một luồng sáng mới lên tất cả mọi sự. Thiết tưởng, việc đầu tiên mà chúng ta cần cố gắng và cũng là ơn đầu tiên mà chúng ta cần xin trong mùa Phục sinh là biết nhìn mọi sự bằng cặp mắt đức tin. Có như thế, trong tất cả mọi sự chúng ta mới đều có thể lạc quan cất lên tiếng hát đặc trưng của Mùa Phụng vụ này: Halleluia!


St

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...