Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Xin Lựa

Mỗi người chúng ta khi ra đời đều đã được Thiên Chúa yêu thương cho sinh ra trong một gia đình, với những hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy mà dù là ai thì cũng chỉ có một mẹ, một cha, và không ai có thể thay thế được. Hay nói một cách khác, chúng ta không có quyền lựa chọn cha mẹ mình là người này hoặc người kia, không có quyền sắp đặt bản thân sinh ra trong một gia đình sang giàu hoặc gia đình nghèo nàn, túng thiếu. Bởi đó là sự an bài của Đấng Tạo Hóa, để tạo nên một gia đình. Như lời ca trong Thánh Vịnh: “Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, Công trình Ngài xiết bao kỳ diệu” (Tv 139, 14)

Tất cả mọi người chúng ta đều có chung một Cha trên trời và là anh chị em của nhau trong Mẹ Giáo Hội – nền tảng của một “gia đình” thánh thiêng. Và như thế, tất cả các nhà Dòng đều là những mái nhà nhỏ do Thiên Chúa dựng nên, để quy tụ con cái từ khắp mọi dân, mọi nước đến và ở lại nhằm tìm hiểu về Thiên Chúa và khám phá bản thân, để các em được ở bên và yêu mến Chúa nhiều hơn. Từ đó, dấn thân hơn trong đời sống thánh hiến, trở thành những linh mục, nữ tu phục vụ Giáo Hội. Hội Thánh có được vững mạnh là nhờ sự đóng góp từ những bàn tay mở rộng, quảng đại trao ban và sự hiệp thông của tất cả mọi người.

Là một thành viên trọng đại gia đình Giáo Hội, tôi cũng muốn trở nên cánh tay nối dài của Đức Ki-tô, để yêu thương, đóng góp và phục vụ cho Nước Trời. Tôi đã đến với các em Ứng Sinh Dòng Tên qua lời mời của các chị em hội Các Bà Mẹ Công Giáo giáo xứ Từ Đức, nhưng sâu xa hơn là lời mời gọi của Thiên Chúa đã vang lên trong tâm hồn và dẫn đưa tôi đến với Nhà Ứng Sinh Dòng Tên. Chính tiếng gọi đó đã khiến tôi chọn con đường phục vụ để đến giúp đỡ, động viên các em, với ước mong các em có thêm tinh thần, nhiệt huyết trong đời sống ơn gọi.

Chính Đức Giê-su, khi đến thăm nhà chị em ông Lazaro ở ngôi làng Bê-ta-ni-a đơn sơ, bé nhỏ. Ngài đã gặp hai người chị, một cô tên Mát-ta, người đã chọn con đường phục vụ Chúa và anh chị em mình. Còn cô Ma-ri-a lại chọn cho mình phần mà được Đức Giê-su khen, đó chính là ngồi nghe Lời Chúa. Giờ đây, tôi cũng xin chọn phần phục vụ như cô Mát-ta, và các bạn Ứng Sinh Dòng Tên hãy chọn phần của cô Ma-ri-a nhé! Mong rằng các bạn sẽ cố gắng tìm hiểu về Thiên Chúa – lắng nghe Lời Chúa – yêu mến Chúa nhiều hơn, để sau này, trở thành những chứng nhân của Tin Mừng, đem Lời Chúa đến với mọi người và làm rạng danh Chúa hơn.

Thiên Chúa đã an bài và chọn lựa cho từng người một con đường riêng. Điều còn lại là mỗi người chúng ta chọn lựa bước đi như thế nào trên con đường đó, để có thể đạt đến được đích cuối cùng là Thiên Đàng mai sau. Tôi hy vọng và cầu chúc tất cả chúng ta, nhất là các bạn Ứng Sinh Dòng Tên sẽ đi đúng con đường mà Chúa đã chọn và mời gọi chúng ta bước theo.

Người đồng hành

ANH YÊU EM

''Em hãy suy nghĩ kỹ! Một công việc với môi trường tốt và tiền lương hấp dẫn như vậy, em sẽ không kiếm được công việc thứ hai như vậy đâu”.

“Bé à, anh thực sự thương em! Anh đủ tự tin để dám chắc rằng sẽ cho em một chỗ dựa vững chắc cả về tinh thần lẫn vật chất. Nhưng anh tôn trọng quyết định của em, chỉ cần em hạnh phúc với lựa chọn của mình là anh vui rồi. Anh sẽ chờ, đến ngày em thực sự làm “cô dâu”, lúc đó anh sẽ tập quên em”.

“Tội nghiệp bố con, già rồi mà vẫn phải đi trút mủ cao su. Hôm qua bố con bị trượt chân ngã, nguyên xô mủ đổ lên người, chân tay thì bầm tím”.

“Em định học lên nữa, nhưng… Thôi, em đang làm thêm, em đang cố làm thêm giờ để kiếm tiền đóng học phí, em sẽ nói chuyện với chị sau nhé”.

“Mẹ nuôi con lại nhập viện, cứ bệnh tật suốt, con cầu nguyện cho mẹ con nhiều nhé”.

“Mẹ đỡ đầu con bị tai nạn, để lại ba đứa con nheo nhóc, đứa nhỏ nhất mới mấy tháng, tội nghiệp tụi nó lắm con à”.

“Từ lúc vào chủng viện đến giờ, anh xài hết nhiều tiền quá, học phí, sách vở, xăng cộ… Giá như em đi làm, kiếm nhiều tiền mỗi tháng cho anh một ít thôi, anh đỡ phải xin bố mẹ. Nhớ khi xưa anh vừa học vừa làm nuôi em ăn học, vất vả thật!”.

Nếu một ngày, bạn được nghe tất cả những câu nói đó, bạn sẽ suy nghĩ gì?

Một công việc đúng sở thích, môi trường tốt, tiền lương cao… chỉ cần cái chữ ký. Một mối tình nhẹ nhàng nhưng ấm áp, chân thật chỉ cần cái gật đầu. Những gánh nặng gia đình vẫn còn đó. Những trăn trở vẫn hằn lên khuôn mặt già nua cả một đời đã khổ cực vì con. Những thao thức vẫn gồng lên đôi vai bé nhỏ và trí óc còn non nớt của đứa em năm nhất đại học, khiến em già dặn hơn so với những bạn bè cùng trang lứa. Những lo toan vẫn đeo bám người anh dù anh đã giũ bỏ bụi trần phục vụ nhà Chúa…

Tôi nợ họ. Nợ họ cả một đời! 20 tuổi – cái tuổi đẹp nhất của đời người với biết bao hoài bão tươi đẹp. Tôi đang nắm trong tay vận mệnh của chính mình. Tôi đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời với đầy đủ hành trang đã chuẩn bị sẵn sàng. Tất cả đang mở rộng chào đón. Tương lai sẽ sáng sủa biết bao khi tôi đi trên con đường đầy hoa hồng đó, vừa đáp hiếu đáp tình.

Nhưng không! Tôi nghe theo tiếng gọi con tim và bỏ tất cả để theo “Anh”. Tôi từ bỏ gia đình; tôi khước từ công việc, tình yêu, bạn bè; tôi bỏ sau lưng những cuộc vui của tuổi trẻ… Tôi chọn “Anh”!

“Anh” luôn im lặng, “Anh” chưa bao giờ nói yêu tôi, “Anh” vui khi thấy tôi bị oan ức, bị khiển trách, và cũng chính “Anh” tạo ra những khổ cực đó cho tôi. “Anh” bắt tôi làm những việc mà tôi không thích, “Anh” dẫn tôi đến những nơi tôi không muốn đi, “Anh” ép tôi ăn những món tôi ghét, cho tôi sống cùng những người tôi không ưa… Người đời chê cười tôi đầu óc có vấn đề. Bạn bè tôi ngăn cản. Bố mẹ tôi thở dài.

Tôi vẫn cứ theo “Anh” không một lý do. “Anh ở đâu khi tôi buồn bực?”
“Anh” nhìn tôi, đôi mắt u sầu, giọt lệ nơi khóe mắt như chực trào mang theo nỗi đau, giọng nói thều thào, yếu ớt: “Anh yêu em trước khi em được tạo thành. Anh chuẩn bị cả thế giới này cho em. Những gì em có, em đạt được

“ Anh làm gì khi tôi khóc, tôi cười?”

Ngước nhìn “Anh”, “Anh” vẫn im lặng, vẫn khuôn mặt ấy – lạnh tanh không cảm xúc.“Anh” không ôm tôi, không cùng tôi cười, tôi khóc, cũng không một lời động viên hay an ủi.

“Tại sao “Anh” vẫn im lặng?”- tôi gào lên trong thất vọng tột đỉnh cùng nước mắt mặn chát. “Anh là ai và tôi là ai?”.

không phải của em mà là quà anh dành tặng em. Những gánh nặng, những khó khăn em gặp là anh muốn thử thách em, anh muốn em trưởng thành và lớn lên. Em trách anh im lặng, vô cảm nhưng thật ra anh luôn lắng nghe, luôn cùng em đồng hành trên mọi nẻo đường. Những lúc em tưởng chỉ có một mình nhưng lúc đó anh đang bế em trên đôi tay của mình để cùng vượt qua những hố sâu, những vũng lầy. Tất cả những việc anh làm đều muốn tốt cho em. Không phải em chọn anh mà là anh chọn em trước. Em yêu anh, em tưởng yêu nhiều lắm nhưng thật ra anh yêu em hơn ngàn lần em tưởng tượng. Người đời tặng cho em một món quà, em đã cảm động rớt nước mắt. Nhưng em biết không? Em chưa một lần rớt nước mắt vì Người đã chịu chết vì yêu em. Anh luôn ở đó, chờ em, đợi em, nhưng em luôn mải mê, quay cuồng với những lời nói giả tạo, nịnh hót. Chỉ khi em buồn, em mới chạy đến cùng anh. Anh vui lắm vì có em ở bên cạnh, nhưng anh càng buồn hơn khi biết rằng em đến chỉ để trách móc, để phàn nàn, kêu ca. Anh đau, đau lắm! Em đã bao giờ đặt em vào tâm trạng của anh chưa…?

Bất chợt “Anh” nở nụ cười hiền dịu và vòng tay ôm lấy tôi: “Nhưng em yên tâm, anh tha thứ cho em hết rồi, em chỉ cần biết điều này là: “ANH YÊU EM”!.

Bồ câu trắng

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Những bước chân

Tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng là tháng Giáo Hội xin ơn thánh hóa các linh mục. Thánh Tâm Chúa và chức linh mục gắn bó liên kết với nhau, vì chức linh mục phản ánh tình yêu của Thiên Chúa nơi trần gian, như Chúa Giêsu phản ánh tình yêu của Cha Người. Qua sứ mạng của linh mục, Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện giữa thế gian để chúc lành, thánh hóa, tha thứ và đem lại cho con người niềm hy vọng. Giáo Hội mời gọi các tín hữu hãy cầu nguyện cho các linh mục, vì các ngài dù mang trong mình thánh chức cao cả, nhưng vẫn là những con người yếu hèn, rất cần đến nguồn trợ lực thiêng liêng để xứng đáng là hiện thân của Chúa giữa đời. Được sai vào lòng thế gian để dấn thân phục vụ con người, những bước chân của linh mục đang để lại dấu ấn tốt đẹp trong nhiều lãnh vực của xã hội hôm nay. Những bước chân ấy đang làm tái hiện dấu chân của vị Ngôn sứ thành Nagiarét. Thực ra, những bước chân thảy đều giống nhau, vì nó giúp con người di chuyển. Tuy vậy, bước chân có giá trị và trở nên có ý nghĩa qua hành động của chính con người. Có những bước chân hoang đàng, đắm mình trong tội lỗi; có những bước chân thánh thiện khi đem niềm vui đến cho tha nhân. Khi ca tụng thiên chức linh mục, chúng ta nói như ngôn sứ Isaia: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị” (Is 52,7).

Trước hết, những bước chân của linh mục là những nấc thang để đạt được sự thánh thiện trong đời sống cá nhân. Ơn nên thánh là lời mời gọi được gửi đến mọi tín hữu, nhưng đối với linh mục, đó là điều kiện tiên quyết để linh mục có thể sống và chu toàn sứ mạng của mình. Không ai cho người khác điều gì mình không có. Một trong những sứ mạng quan trọng của linh mục là góp phần thánh hóa Dân Chúa. Linh mục chỉ có thể thực hiện sứ mạng này khi cố gắng thánh hóa bản thân. Bí tích Truyền chức thánh làm cho linh mục “trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô tư tế”, nên linh mục không được sao lãng bổn phận này. Nhờ sự thánh thiện, hình ảnh Đức Giêsu ngày càng trở nên rõ nét nơi cuộc đời của linh mục, để rồi, linh mục có thể quả quyết như thánh Phaolô: “Tôi sống, mà không còn phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, đã đạt tới sự thánh thiện trong một lối sống đơn sơ, khó nghèo, hoàn toàn phó thác nơi tình thương của Chúa. Từ một linh mục tầm thường, thánh nhân đã làm thay đổi thế giới và trở nên gương mẫu thánh thiện cho các linh mục của mọi thế hệ. Thánh Gioan Phaolô II đã ghi nhận: “Qua việc ngài chu toàn trách nhiệm và qua sự thánh thiện của người mục tử, thánh Gioan Maria Vianney là gương mẫu có một không hai của mọi dân tộc”. Đức Giáo Hoàng Piô XII trong dịp năm thánh 1925 phong Ngài lên bậc hiển thánh và đặt Ngài làm bổn mạng các cha xứ.

Như Đức Giêsu Kitô, linh mục là người được sai đi để loan báo Tin Mừng. Linh mục luôn phải rảo bước trên những nẻo đường truyền giáo. Loan báo Tin Mừng là sứ mạng căn bản của linh mục. Lời tâm niệm của Thánh Phaolô cũng phải là lời tâm niệm của mỗi linh mục: “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Rao giảng Tin Mừng làm nên căn tính của đời linh mục. Được trao ban một cách nhưng không, linh mục cũng phải cho đi một cách nhưng không. Cũng như Đức Giêsu đã miệt mài rảo khắp các nẻo đường của xứ Palestina để loan báo tình thương của Chúa Cha, linh mục cũng được mời gọi luôn ở tư thế sẵn sàng lên đường, đến với muôn dân. Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhấn mạnh đến “những vùng ngoại vi” và ước mong Giáo Hội luôn “đi ra” để đến với những người bất hạnh. Đức Thánh Cha đã viết: “Giáo Hội hôm nay thấy tuyệt đối phải ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi, mọi dịp, không do dự, không miễn cưỡng sợ hãi. Niềm vui của Tin Mừng được dành cho mọi người: không thể loại trừ ai” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 23). Ngài phê phán một mô hình Giáo Hội “lầu son gác tía”, luôn co cụm khép kín trong sự an toàn trần thế và nặng về cơ cấu hành chính. Thực ra, Đức Phanxicô không “sáng chế” ra một mô hình Giáo Hội mới. Ngài chỉ muốn đưa Giáo Hội trở về với cội nguồn và tinh thần nguyên thủy của Đức Giêsu, Đấng sáng lập. Quả vậy, Đức Kitô Phục sinh đã sai các môn đệ ra đi với lời dặn dò: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Những dấu chân của linh mục thật tuyệt diệu, vì nó phác họa dấu chân của Đức Giêsu, đồng thời thực hiện sứ mạng mà Đức Giêsu trao phó.

Linh mục còn để lại những dấu chân trong hành trình đến với người nghèo. Công đồng Vatican II đã nhắn nhủ các linh mục: “Tuy mắc nợ với tất cả mọi người, nhưng các linh mục phải biết rằng những người nghèo khổ và hèn kém lại được trao phó cho các ngài cách đặc biệt hơn, vì chính Chúa đã tự đồng hóa với họ” (LM 6). Linh mục mang trong mình trái tim của Chúa Giêsu. Trái tim này đã rung cảm trước nỗi đau của con người và ra tay cứu giúp, đem lại cho họ niềm vui và an ủi. Một ngày nọ, có người đến hỏi thánh Gioan Maria Vianney đâu là bí quyết cho những thành công mục vụ của ngài, ngài trả lời : ”Bí quyết của tôi thật đơn giản, đó là cho đi tất cả và không giữ lại điều gì ”. Một trái tim chân thành sẵn sàng hy sinh cho tha nhân sẽ đem lại cho linh mục niềm vui. Cuộc đời linh mục sẽ trở nên ý nghĩa biết bao, nếu được đánh dấu bằng những bước chân yêu thương, đem hạnh phúc cho đồng loại. Một tác giả đã viết: “Hạnh phúc lớn lao nhất mà chúng ta có được là khi ta đem lại hạnh phúc cho người khác”. Theo định nghĩa này, cuộc đời linh mục thật hạnh phúc, vì linh mục là người hy sinh hạnh phúc riêng tư, dành trọn trái tim cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Ý thức được điều này, linh mục sẽ thi hành sứ vụ của mình trong niềm vui. Đời sống độc thân sẽ trở nên nhẹ nhàng và ý nghĩa.

Mặc dù đây đó có những linh mục yếu đuối và bất trung với lý tưởng đã chọn, chức linh mục vẫn vô cùng cao quý, vì diễn tả tình thương vô bờ của Thiên Chúa đối với con người. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hình ảnh linh mục vẫn tỏa sáng giữa thế gian, như ngọn hải đăng soi đường cho lữ khách vượt biển cập bến an bình. Chức linh mục là quà tặng của Thiên Chúa cho loài người. Món quà ấy, Chúa lại ban trực tiếp cho một số người được tuyển lựa và được thánh hiến nhờ bí tích Truyền chức. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban dồi dào ẩn sủng và sức mạnh cho các linh mục, để những bước chân của các ngài đem lại an bình và niềm vui cho cuộc sống hôm nay.

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu 2017

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Tại sao người Công giáo gọi linh mục là “cha”?


Chẳng phải Chúa Giêsu đã nói: “Đừng gọi ai là cha” hay sao? Thật là hơi bối rối.

Trong Phúc âm theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã nói, “Đừng xưng hô ai dưới đất là “Cha” của anh em, vì Cha của anh em chỉ có một, Cha ở trên trời.” (Mt 23,9) Nghe qua, ta thấy lời này có vẻ mâu thuẫn với thói quen của người Công giáo thường gọi các linh mục là cha. Ngay cả như thế, câu này cũng có vẻ như bảo chúng ta đừng nên gọi bố mình là “cha” và chỉ có Chúa là người duy nhất chúng ta có thể gọi là cha.

Chúng ta phải hiểu như thế nào?

Trong bối cảnh này, Chúa Giêsu đang nói về sự giả hình của các kinh sư và người Pharisiêu. Trong một bài báo trên Catholic Exchange, cha William Saunders đã giải thích về dụng ý của Chúa Giêsu:

Chúa Giêsu khiển trách họ vì đã không làm gương tốt, vì đã chất gánh nặng lên người khác bằng vô số quy định và luật lệ, vì ngạo mạn với cương vị của mình, và vì leo thang công danh, tìm kiếm sự trọng vọng và ăn mặc phô trương. Về căn bản, các kinh sư và người Pharisiêu đã quên mất rằng họ được kêu gọi phục vụ Thiên Chúa và những người được giao phó cho họ chăm lo.

Trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu nói rằng đừng gọi ai trên đời này là “Rabbi,” là “cha” hay “thầy” với nghĩa là đừng để bất kỳ ai tự nhận cho mình thẩm quyền vốn của Thiên Chúa và quên mất những trách nhiệm khi nhận lấy cương vị của mình.

Chúa Giêsu đã nói ngoa dụ để cho các kinh sư và Pharisiêu thấy họ tội lỗi và kiêu ngạo đến thế nào khi không thấy Thiên Chúa là cội nguồn của mọi thẩm quyền, và thay vào đó lại nhận lấy cho mình những thẩm quyền tối cao, nhận mình là cha, là thầy của người khác.

Hiểu như thế sẽ hợp lý khi chúng ta thấy nhiều lần Chúa Giêsu dùng từ “cha” cho một số người chẳng hạn như “Tổ phụ Abraham” hay người cha của đứa con hoang đàng. Phải hiểu bối cảnh khi diễn giải những đoạn Kinh thánh khó.

Nhìn nhận như thế, nhưng chúng ta vẫn thắc mắc vì sao người Công giáo gọi linh mục là “cha”?

Các linh mục luôn được người Công giáo xem là những người cha tinh thần. Thánh Phaolô đã nói rõ điều này trong thư gởi tín hữu Corinthô, “Không phải để bêu nhục anh em mà tôi đã viết thế! Nhưng là để sửa dạy anh em như những con cái chí thiết. Vả chăng, cho dẫu quản giáo, anh em có từng vạn trong Ðức Kitô Yêsu, nhưng cha, thì không nhiều đâu: vì trong Ðức Kitô Yêsu, nhờ Tin mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4, 14-15

Ngay cả Đức Giáo hoàng trong tiếng La Tinh cũng là “papa” nghĩa là cha.

Từ này thể hiện vai trò làm cha tinh thần của các linh mục. Các cha nuôi dưỡng đức tin và chỉ bảo chúng ta như người cha chỉ bảo con cái. Đây là một trong những lý do mà Giáo hội vẫn muốn linh mục sống độc thân khiết tịnh, để các linh mục được tự do làm cha tinh thần cho đoàn chiên mà Chúa đã giao phó.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

"Chàng mũ đỏ" hát trong mưa

Ai nào đó bằng cách nào đó xem “Đêm diễn nguyện mừng Kim Khánh giáo phận Buôn Ma Thuột” tại Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Buôn Ma Thuột chắc có lẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Các tiết mục của anh chị em dân tộc thiểu số đến các tiết mục của anh chị em vùng sâu vùng xa đã đưa mọi người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác nhưng có lẽ ngạc nhiên nhất vẫn là tiết mục của “anh chàng mũ đỏ” thân thương của Giáo Phận.
Hết sức bình dị và dễ thương và thậm chí có thể nói là chân chất nét đẹp của người dân Phú Yên đã làm cho chương trình đêm hôm nay đã đẹp lại đẹp thêm. Đơn giản là ở góc độ, ở vị trí của một người có thể nói là ở trên cao và được nghinh đón ở vị trí hàng đầu nhưng “anh chàng mũ đỏ” tên Bản đã rời khỏi chiếc ghế vinh dự dành cho mình và chàng đã lên khán đài để cầm micro và cùng mời mọi người hát lên tâm tình vui tươi phấn khởi gói ghém cả thao thức, tấm lòng của người mục tử : “Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời ...”.
Vâng ! Buôn Ma Thuột trải qua 50 hình thành và phát triển phải nói rằng đã để lại những dấu ấn, những điểm son thật tuyệt vời.
Khi các vị cha chung già nua tuổi tác bệnh tật của giáo phận ra đi, mọi người thao thức sao cho giáo phận của mình cứ tiếp tục trên đà thăng tiếng. Tưởng chưng ai nào đó trong giáo phận nhưng rồi Chúa lại gửi đến anh chàng có nước da bánh mật, cao to đến lạ thường. Đứng trong hàng giám mục Việt Nam, mọi người không phải mất công lắm để tìm ra “chàng mũ đỏ” hát trong mưa ấy bởi lẽ chàng cao và đen nhất trong hàng mũ đỏ.
Có lẽ ai nào đó sẽ ngạc nhiên khi “anh chàng mũ đỏ” lại hát trong mưa nhưng nếu như đã tiếp xúc với “chàng mũ đỏ”da ngăm đó lại không lạ. Bởi lẽ, cung cách sống của “chàng” bình dị đến khó ngờ. Nhiều Thánh Lễ, hội nghị, gặp gỡ ... mọi người đều nhận ra được một tấm chân tình của vị mục tử của một giáo phận truyền giáo và có nhiều anh chị em dân tộc thiểu số.
Ước ao cũng như ưu tư khi về với Buôn Ma Thuột, “chàng mũ đỏ da ngăm” Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản nhắm đến việc dưỡng giáo và truyền giáo. Thao thức của chàng thấy rõ nơi việc thiếu nhân sự nên việc chăm sóc đức tin cho anh chị em sau khi rửa tội chưa được đầy đủ. Chàng thao thức có nhiều người đồng hành để anh chị em có thể thanh luyện một số phong tục, tập quán theo tinh thần của Tin Mừng và thích hợp với giáo huấn của Giáo Hội. Trong mỗi giáo xứ đều có ban Loan Báo Tin Mừng. Chính vì vậy, chàng đang cố gắng giúp anh chị em có khả năng tinh thần sống Lời Chúa và làm chứng giữa anh chị em dân tộc.
50 năm một chặng đường nhìn lại, chắc có lẽ thao thức của một cuộc đời với nhiều tâm trạng khác nhau để rồi “chàng mũ đỏ” không ngần ngại hát trong mưa : “Hành trang con mang theo đầy đau buồn của thế giới. Hành trang con mang theo trào căm hờn của dân nghèo. Về đây xin dâng Cha trong lo âu. Ðưa hai tay muốn chung xây thế giới mới Hành trang con mang theo là Tin Mừng cho thế giới. Hành trang con mang theo là khắc khoải của tâm hồn. Về đây xin dâng Cha bao hăng say, đưa hai tay muốn tung gieo ánh sáng mới ...”
Có lẽ đây chính là tâm tình mà “chàng mũ đỏ da ngăm” gói ghém cũng như gửi đến như bức tâm thư cho mỗi gia đình, mỗi linh mục, mỗi tu sĩ và mỗi kitô hữu trong giáo phận nhà. Và, ước ao khi về với Buôn Ma Thuột, “chàng mũ đỏ da ngăm” Tuy Hòa Phú Yên luôn hăng say và đưa tay tung gieo ánh sáng mới cho mọi người.
Nguyện chúc giáo phận Buôn Ma Thuột sau biến cố mừng kỷ niệm Kim Khánh Giáo Phận sẽ ngày càng phát triển như lòng Chúa mong muốn.
Tạ ơn Chúa đã ban cho giáo phận một “chàng mũ đỏ da ngăm” để rồi cuộc đời của chàng ngày mỗi ngày thấm đẫm tinh thần truyền giáo để Giáo Phận ngày càng phát triển hơn nữa về mọi mặt sau dấu ấn Năm Mươi.
"Ngăm ngăm da trâu - nhìn lâu mới thấy đẹp" – Quả thế ! “chàng mũ đỏ” thân thương của Buôn Ma Thuột chúng ta sở hữu nước da ngăm ngăm nếu như nhìn thoáng qua sẽ chẳng thấy cái đẹp. Chỉ khi nào nhìn lâu, nhìn thấu và nhìn thật kỹ mới nhận ra được nơi con người đó, nơi vị mục tử thân thương của cả giáo phận vùng Cao một tấm lòng đơn sơ đến lạ thường.
Nguyện xin Chúa thương ban thêm sức cho “chàng mũ đỏ da ngăm” để chàng cứ mãi hát và hát mãi tình Chúa – tình người nơi mảnh đất vùng Cao.

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Trái tim nhân hiền

Giáo Hội dành tháng Sáu hằng năm để tôn vinh Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thánh Tâm là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Thánh Gioan đã viết: “Người đã yêu thương họ (các môn đệ) đến cùng” (Ga,13,1). Ý niệm “đến cùng” này được chứng minh qua cái chết trên thập giá, cũng như qua việc trái tim của Chúa bị đâm thâu. Bởi trên thập giá, Chúa Giêsu đã trở nên người nghèo khó và đau khổ như những kẻ cùng cực nhất trên thế gian. Cũng trên thập giá, Trái tim Người đã mở ra, như một kho tàng phong phú, rộng mở để ban tặng hết những vật phẩm quý giá cho mọi người. Chính vì vậy, Giáo Hội ca tụng tình yêu của Chúa và tung hô: Ôi Trái tim nhân hiền!

Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người. Người đã chia sẻ phận người và đồng hành với con người còn mang nhiều khổ đau. Trong con người của Chúa Giêsu, trái tim vô hình của Thiên Chúa cao cả và trái tim hữu hình của con người hữu hạn đã trở nên một. Vì vậy, trái tim của Người vừa hàm chứa tình yêu bao la của Đấng tạo thành, vừa mang những thổn thức rung động của một con người. Trái tim ấy vừa yêu thương chúc lành, vừa đồng cảm trước nỗi khốn khó của con người. Các tác giả Phúc âm đều diễn tả Chúa Giêsu với những cảm xúc rất nhân loại, đồng thời có những nghĩa cử rất thiên linh. Người vỗ vai an ủi người mẹ trong đau khổ tang thương, đồng thời làm cho người con của bà đã chết được sống lại trong niềm vui của dân làng lối xóm; Người rơi lệ khi chứng kiến nỗi đau của thân nhân ông Lagiarô là người đã chết bốn ngày, đồng thời ra lệnh cho ông bước ra khỏi mồ trong sự ngạc nhiên thán phục của dân chúng. Qua lời giảng dạy và qua những phép lạ, Chúa Giêsu bày tỏ tình thương của Thiên Chúa. Qua con người của Đức Giêsu, chính Thiên Chúa cúi mình xuống, trở nên gần gũi con người để cảm thông và chia sẻ nỗi đau của kiếp nhân sinh.

Đức Giêsu là Đấng Thiên sai, đến trần gian để đem ơn cứu rỗi cho con người. Trong lời giáo huấn, Người lấy lại hình ảnh người mục tử của Cựu ước để diễn tả sứ mạng phục vụ con người. Người đã khẳng định: “Tôi là mục tử nhân lành…” (Ga 10, 11). “Mục tử nhân lành” có nghĩa là mục tử có đầy đủ mọi đức tính: bao dung, kiên trì, nhẫn nại, khiêm tốn, tận tình. Người mục tử chân chính bao giờ cũng lo cho đàn chiên và đặt lợi ích của đàn chiên là ưu tư hàng đầu. Trong suốt thời gian rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã thể hiện là một mục tử nhân lành. Người luôn quan tâm giúp đỡ những ai đến với Người, bất luận đó là hạng người nào. Người đón tiếp những người tội lỗi, đối thoại với những người bất đồng ý kiến, thương xót những người cơ hàn khốn khổ. Hình ảnh một mục tử chăm sóc và chữa lành con chiên bệnh tật, nâng đỡ con chiên yếu đuối, cất công đi tìm con chiên lạc… đã thể hiện rõ nét nơi Chúa Giêsu.

Tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, Giáo Hội luôn quan tâm săn sóc người nghèo, nâng đỡ họ về tinh thần cũng như vật chất. Như vị Ngôn sứ thành Nagiarét đã cần mẫn rảo khắp xứ Palestina để loan báo Tin Mừng, hai ngàn năm qua, Giáo Hội không ngừng đến với mọi nền văn hóa, đối thoại với mọi hệ thống chính trị, nâng đỡ và cứu giúp những người đau khổ, là nạn nhân của chiến tranh, nghèo đói và kỳ thị. Khi loan báo Tin Mừng qua nhiều ngả đường khác nhau, nhất là bằng những hoạt động bác ái, Giáo Hội trình bày tình thương của Thiên Chúa. Tình thương ấy thể hiện qua Đức Giêsu Kitô. Ai đón nhận Đức Giêsu là đón nhận tình thương của Thiên Chúa. Ai thực hành giáo huấn của Đức Giêsu là góp phần diễn tả hình ảnh của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.

Chúa Giêsu đã về trời sau khi hoàn tất sứ mạng Thiên Sai, nhưng Người vẫn hiện diện giữa chúng ta như lời Người đã hứa: “Này đây, Thày ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Người hiện diện để tiếp tục tỏ bày tình yêu thương đối với nhân loại. Người ở giữa chúng ta để cùng vác thập giá với chúng ta giữa cuộc sống đầy lao nhọc và gian nan khốn khổ. “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30). Mỗi chúng ta đều đã hơn một lần trải nghiệm điều này, là nếu trao gửi những lắng lo cho Chúa và trông cậy tín thác nơi Người, Người sẽ nâng đỡ ủi an chúng ta. Gánh nặng cuộc đời vì thế mà bớt đắng cay. Cuộc sống trở nên nhẹ nhàng và lạc quan hơn.

Việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa không chỉ nhằm nhắc cho chúng ta một câu chuyện dĩ vãng xa xưa, nhưng mời gọi chúng ta hãy sống cụ thể sứ điệp yêu thương trong cuộc sống hằng ngày. Lời Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ vào lúc cuối bữa tiệc ly cũng là lời Chúa căn dặn mỗi người tín hữu chúng ta: “Nếu Thày là Thày và là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Đó chính là bài học yêu thương mà Chúa Giêsu muốn để lại cho chúng ta, để rồi mọi thế hệ, bất cứ nơi đâu và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi chúng ta thực thi đức yêu thương là chúng ta làm cho người khác nhận biết Chúa.

“Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa” (Kinh cầu Trái Tim). Lời cầu nguyện rất đơn sơ này diễn tả mong ước cho mỗi người tín hữu trở thành hình ảnh sống động của Chúa Giêsu giữa trần gian. Hãy sống với nhau bằng trái tim, để làm cho cuộc sống này thấm đượm yêu thương. Hãy phản ánh “Trái tim nhân hiền” của Chúa Giêsu qua lời nói và việc làm hằng ngày. Một khi mang trong mình trái tim giống trái tim của Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng kết nối yêu thương với mọi người và làm cho yêu thương lan tỏa trong cuộc sống hôm nay.

Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu 2017

Gm Giuse Vũ Văn Thiên



Thảo thinh lặng một nét họa

Khi đến tu viện, nhà tĩnh tâm, nhà thờ, chùa chiền, một trong những điều làm cho mọi người cảm thấy ấn tượng nhất là sự thinh lặng. Tại những nơi này, bầu không khí thinh lặng giúp cho mọi người có được sự thanh tịnh, một tâm hồn nhẹ nhàng, thoát khỏi không khí ồn ào và náo nhiệt ở bên ngoài.

Thinh lặng tạo nên những điều mới mẻ

Giống như một khu rừng tĩnh mịch nổi bật âm thanh sống động của thiên nhiên với tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng … rỉ rang, khi tâm hồn càng tĩnh lặng, càng rộn lên những âm thanh mà trước đó người ta không hề chú ý đến.

Đây là điều mà John Cage, một nhạc sĩ chuyên soạn các bản nhạc Piano đã sử dụng trong khi trình diễn. Những bản nhạc của ông gồm ba phần. Bắt đầu là việc mở nắp đàn Piano, đến phần cuối, nắp của cây đàn được đóng lại. Sau đó là một bầu không khí thinh lặng, khán giả được mời gọi đắm chìm trong sự thinh lặng để lắng nghe những âm thanh đang khơi gợi trong tâm hồn, những điều họ đang được mời gọi khám phá.

Cũng có lẽ vì thế, sự thinh lặng cũng là bối cảnh cho những sáng tạo nghệ thuật. Trong bầu không khí yên ắng tĩnh mịch, người nghệ sĩ tìm ra những phát kiến nghệ thuật đầy mới lạ. Bầu không khí của sự tĩnh mịch là điều mà nhà thơ người Mỹ Adrience Rich đã nói là bầu không khí thôi thúc cho sáng tạo bắt đầu.

Nhà văn và nhà phê bình Susan Sontag trong tác phẩm “The Aesthetic of Silence” (Tạm dịch: “Tính thẩm mỹ của Sự Thinh Lặng”) đã mời gọi các nghệ sĩ dành thời gian trầm mặc tư tưởng, nhằm thoát khỏi thế giới náo động khiến họ ngột ngạt, để cho sự sáng tạo không bị bóp nghẹt, nhưng được thăng hoa.

Dường như sự thinh lặng cần thiết cho một sự khởi đầu, trở thành phương tiện để người ta có thể kiểm soát, sắp xếp, làm tươi mới cho nghệ thuật, nhưng sự thinh lặng chưa phải là bản chất của nghệ thuật. Có lẽ, người ta có thể thưởng lãm nghệ thuật dù không có thinh lặng. Khi có một sự đánh động trong tâm hồn, người ta cần nói và chia sẻ. Thiết tưởng, mối liên hệ sâu xa giữa con người với thinh lặng không phải ở nghệ thuật, nhưng chính là trong tôn giáo.

… và cho tôn giáo

Đối với nhiều tôn giáo, thinh lặng là cách thức để tự chất vấn và lắng nghe những điều thánh thiêng, là những điều đôi khi không thể diễn tả hết bằng lời.

Người Kitô hữu tin rằng, trong thinh lặng, Thiên Chúa nói với bản thân. Cần giữ thinh lặng để có một khoảng không cho Thiên Chúa.

Không chỉ giới hạn trong Kitô giáo, thinh lặng cũng hiện diện trong các tôn giáo khác như một phương thức để cải hóa con người.

Người Hồi giáo tin rằng con người tạo nên vẻ đẹp cho bản thân với hai thói quen: cư xử tốt lành và thinh lặng lâu dài.

Trong Phật giáo, phật tử hướng đến thinh lặng như một cách thức để diệt thoát những đam mê. Tham, sân, si nơi kiếp người trở về với hư vô. Trầm mình trong thinh lặng, lắng nghe từng nhịp thở, hóa giải từng vọng tưởng trong phương pháp thiền định (Zen) không chỉ giúp con người tiêu diệt những hỉ, nộ, ái, ố nhưng còn có thể giúp thiền sinh đạt đến cõi niết bàn.

Có thể nói thinh lặng giúp người ta thoát khỏi thế giới trần tục và giả hiệu, đưa con người đến với những điều thiêng liêng và huyền bí khó có thể giải thích và phân tích. Trong thinh lặng, người ta tìm kiếm sức mạnh để thoát khỏi những quyến luyến lệch lạc và phóng tầm nhìn lên những điều thánh thiêng.

… nhưng không phải là không nói

Ludwig Wittgenstein, một triết gia người Áo, đã nói đến việc không nên nói những điều người ta không biết. Có lẽ điều này không phải là buộc người khác im lặng, nhưng trong giao tiếp cần có một sự hiểu biết đầy đủ, để có thể nói và diễn đạt cho đủ mức.

Đây có vẻ như là “sự thinh lặng cao thượng” (noble silence) mà nhà Phật đã nói đến khi thực hành samma vaca có nghĩa là nói đúng. Điều mà kinh phật định nghĩa như là tránh lời nói sai sót, phỉ báng, cay nghiệt và vô ích.

Trong các cuộc tĩnh tâm theo phương pháp của thánh Inhã, người ta được mời gọi sống bầu khí thinh lặng trong suốt cuộc tĩnh tâm, để nhìn lại và phản tỉnh những chuyển biến nội tâm khi nhìn về quá khứ đời mình và chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Giêsu. Phải chăng đây có thể xem như một tiếng nói ở trong lòng?

Hình thức giữ sự thinh lặng cũng có thể được thấy ở các đan viện Biển Đức, Xitô. Các đan sĩ sống đời trầm mặc, lao động và cầu nguyện. Trong chương trình sống, có những giờ giấc được xem như là thinh lặng tuyệt đối. Đây có thể như một hình thức thinh lặng không nói, chứ không phải là thinh lặng không nghe. Trong bầu khí của sự thinh lặng cô tịch, người đan sĩ trầm mình để có thể tiếp tục lắng nghe những tiếng nói thổn thức từ Đấng mà họ thờ phượng như lời thánh vịnh: “Hãy lặng thinh trước mặt Chúa và đợi trông người”. (Tv 37,7)

Cuộc sống thường nhật dường như khó tìm thấy cho mình một khoảng thời gian thinh lặng thực sự để ở đó trong cõi “ta với ta”. Tuy nhiên, cũng có không ít người mong trốn tránh sự thinh lặng. Người ta có thể làm việc 8-12 tiếng một ngày trong những ồn áo náo nhiệt của cuộc sống đô hội, nhưng thinh lặng 15 phút để lắng nghe dường như là bất khả. Có lẽ vì vậy, việc trải qua một cuộc tĩnh tâm 5 đến 8 ngày trong một nơi cô tịch, xa cách với cuộc sống bên ngoài là điều không dễ dàng cho nhiều người.

Tuy vậy, nếu cố gắng khám phá ra ranh giới giữa thinh lặng và ồn ào, người ta có thể đánh giá được những chao đảo và khó chịu đang diễn ra trong tâm hồn. Biết đâu nhờ thế, mà lại đem đến sự khao khát thinh lặng và làm lộ diện nhiều thứ về chính họ, như lời nhận định của ông Gordon Hempton, người đã xây một khoảnh đất nhỏ dành cho sự thinh lặng trong National Olympic Park, một công viên ở tiểu Bang Washington, “Thinh lặng không có nghĩa là vắng mặt mọi thứ, nhưng là trình diện mọi thứ.”

Nhẫn



Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...