Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

Xin Vâng


Lễ Truyền Tin là lễ của Ngôi Lời Nhập Thể làm "con Đức Trinh Nữ" và là lễ Đức Trinh Nữ làm Mẹ Thiên Chúa. Cả Đông phương và Tây phương đều mừng lễ này cách long trọng như lễ tưởng niệm tiếng "Xin Vâng" của Mẹ và tưởng niệm bước đầu công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Lễ truyền tin cũng được coi như lễ của Evà mới, Người hoàn toàn vâng phục và trung tín với Thiên Chúa. Nhờ lòng tín thác và quyền phép Chúa Thánh Thần, trinh nữ Maria đã trở nên Mẹ Thiên Chúa và Mẹ loài người. Mẹ tín thác hoàn toàn, không sợ chi dù sống chết hay gian lao khổ cực cũng không làm Mẹ nao núng. Mẹ không sống cho riêng mình, nhưng luôn tìm biết ý Chúa và theo kế hoạch của Chúa. Mẹ được Thiên Chúa dùng làm khí cụ ban ơn phúc mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại. Mẹ chính là người nữ mà Isaia đã tiên báo: này đây, người thiếu nữ mang thai, hạ sinh một con trai, và đặt tên là Emmanuel ( Is 7, 14). Chính người con ấy sẽ mở rộng quyền bính và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của Đavít. (Is 9,6).

Đối với Thiên Chúa, không có điều gì là không thể không làm được. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi sự cộng tác của con người. Có khi Thiên Chúa dùng miệng của tôi, có khi dùng việc làm của anh để làm phúc cho tha nhân. Đối với Đức Maria, Chúa dùng cả con người để làm phúc cho cả nhân loại, không phải chỉ lúc mang thai Chúa Giêsu nhưng là luôn luôn mọi lúc. Mẹ đã thể hiện lòng tin đến tuyệt đỉnh khi nhận lời làm Mẹ Đấng Cứu Thế .Mẹ là mẫu gương cho chúng con học đòi bắt chước về lòng tín thác: Mẹ để cho Chúa lo liệu tất cả, dẫn Mẹ đi qua những gian nan thử thách mà Chúa muốn.

Mẹ đã sẵn sàng đón Chúa ngự xuống cứu độ trần gian. Nếu Mẹ từ chối thì Chúa không xuống được. Thiên sứ chờ đợi câu trả lời của mẹ, thế giới cũng đang chờ đợi Mẹ. Mẹ ưng thuận thì chúng con mới thoát khỏi bản án tội lỗi và được tự do. Mẹ đã giúp cho chúng con vốn bị giam cầm trong tội Ađam được giải thoát, Mẹ xứng đáng được vinh dự lớn lao là Nữ Vương Thiên quốc.

Nơi Maria, chương trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa được thực hiện đến thành toàn. Mẹ đem ánh sáng chân lý vào thế trần để Thiên Chúa biến đổi thế giới này, nâng thế giới này lên mức độ vượt bực có thể tham dự phần nào vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi ngay từ trần thế này.

Hàng ngày chúng con cũng được sứ thần truyền dạy: làm lành, lánh dữ, thi hành bổn phận đối với Chúa với anh em và bản thân… nhưng nhiều khi chúng con không ưng thuận, không theo ý Chúa, không đáp lại tiếng Chúa mời gọi, không biết nói câu của Mẹ : "tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền". Mẹ luôn đáp lại tiếng Chúa mời gọi, không chỉ lúc thiên thần truyền tin mà còn tiếp tục vâng phục Thiên Chúa trong mọi công việc hàng ngày. Cho dù vất vả mệt nhọc, đi đường xa xôi, phải sinh con trong hang đá, sống trong cảnh nghèo, nghe người ta nói xấu Con, chứng kiến cảnh người ta kết án tử Con mình oan ức, thấy Con mình vác thánh giá lên núi sọ, và ẵm xác Con tím bầm chết lạnh trên tay…Mẹ đã đón nhận tất cả với lòng trong tinh thần yêu mến và vâng phục Chúa Cha.

Lạy Mẹ Maria, chúng con hết lòng biết ơn Mẹ đã cứu giúp chúng con khỏi cảnh nô lệ tội lỗi và sự chết. Mẹ thật là Mẹ của chúng con, của Hội Thánh Chúa. Mẹ thánh thiện, khiêm nhu, đáng kính dường bao. Chúng con cung kính tôn vinh Mẹ và cầu xin Mẹ thương giúp cho chúng có tinh thần vâng phục trong tin yêu như Mẹ để ngày sau được hưởng phước cùng Mẹ trên thiên quốc.

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

MÙA CHAY: SUY NGẪM TỪ NỖI BUỒN CHÁN


Trong cuộc đời, mỗi người chúng ta đều khó tránh khỏi những lúc cảm thấy cô đơn buồn chán: tâm hồn rơi vào khoảng không vô định, không muốn làm gì, không thiết tha gì, chỉ muốn buông theo dòng đời trôi nổi. Tại sao vậy? Cũng là bản thân mình thôi, sao có lúc rất hăng hái vui tươi, không ngại vất vả, sẵn sàng hy sinh, không ngại khó, nhưng cũng có khi lại cảm thấy rất yếu đuối, buồn chán, không đủ sức làm bất cứ điều gì?


Khi gặp phải tâm trạng buồn chán, tâm trí ở trong khoảng không trống rỗng vô định như thế, tôi phải làm gì? Lẩn trốn hay đối diện?


Có người trốn chạy cảm giác đó bằng cách làm việc này việc kia. Nếu đó là việc làm tích cực mang lại những điều ích lợi cho bản thân và mọi người thì đó là điều đáng hoan nghênh. Ngược lại có những người tìm cách lấp đầy cảm giác trống rỗng buồn chán bằng cách chạy theo những đam mê tội lỗi, để mặc bản thân buông thả trong những giải trí không lành mạnh, cuối cùng khiến bản thân rơi vào tình trạng u mê hơn. Và cứ như vậy, cái vòng luẩn quẩn lập đi lập lại, mãi hoài không thoát ra được.


Để thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn này, tôi thấy mình cần ý thức sâu xa hơn về bản chất con người. Con người mang trong mình khát vọng hạnh phúc tuyệt đối, vạn vật trần gian hữu hạn không thoả mãn được khát vọng ấy, nên con người vẫn luôn mãi khắc khoải, khao khát kiếm tìm. Thánh Augustino, trước khi được ơn trở lại với Chúa, đã đi tìm hạnh phúc ở nơi các tạo vật. Vẻ đẹp của chúng đã làm ngài say mê. Nhưng sau khi được thoả mãn với những vẻ đẹp và thú vui nhục dục, ngài vẫn cảm thấy nội tâm trống rỗng và buồn chán. Sau khi được ơn sám hối, ngài đã diễn tả tâm trạng này: “Chúa đã tạo dựng con cho Chúa, và lòng con những khắc khoải cho tới khi được an nghỉ trong Chúa”.


Như vậy, cuộc sống trần gian chỉ là một hành trình đi tìm hạnh phúc. Và hạnh phúc viên mãn thực sự chỉ có ở nơi Thiên Chúa, bởi chỉ có Ngài mới hoàn hảo. Mọi sự nơi trần gian này đều hữu hạn không thể lấp đầy những khát vọng vô biên của con người, khiến con người không thoát khỏi sự buồn chán sâu xa nếu chưa gặp được Thiên Chúa.


Hiểu như thế, khi gặp buồn chán, đau khổ, tôi cố gắng mang tất cả vào cầu nguyện, vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Trong thinh lặng, tôi nhìn thẳng vào nỗi buồn chán vu vơ trống rỗng của tôi. Tôi nói với Chúa về chính sự buồn chán ấy. Tôi gặp được Chúa – Đấng là nguồn hạnh phúc, tôi gặp được chính mình, và còn gặp Đức Giêsu là mẫu gương giúp tôi biến đau khổ và buồn chán thành của lễ hy sinh.  Niềm tin vào Đức Giêsu, cùng với mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài, giúp tôi biết mình từ đâu đến, sống để làm gì và đi về đâu.


Tôi nhìn lên Chúa Giêsu, người Anh Cả đã đi bước trước trong cuộc lữ hành đức tin. Ngài sống những năm tháng ở trần gian trong thân phận người phàm với những thăng trầm của kiếp người, những lầm than vất vả, những khổ đau, nhất là trong 3 năm cuối đời. Đặc biệt nhất trong biến cố Vượt Qua, Ngài rơi vào cảnh buồn sầu ở vườn Cây Dầu. Các môn đệ đã để mặc Ngài chìm trong sự cô đơn sợ hãi trước những cực hình Ngài sắp chịu.


Điểm son trong mọi biến cố của cuộc đời Ngài là Ngài luôn hướng về Chúa Cha, luôn cầu nguyện với Chúa Cha. Khi đối mặt với những khó khăn thử thách, Ngài cũng sợ hãi và cầu xin cùng Chúa Cha: “Lạy Cha nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này…” (Mt 26, 39).


Khi tôi buồn chán, mệt mỏi chẳng muốn làm gì, tôi liên tưởng hình ảnh Đức Giêsu bị té ngã khi Ngài vác thánh giá. Sức nặng của cây thập giá và những roi đòn đã khiến ngài quá mệt mỏi. Lúc đó chắc hẳn ngài cũng muốn nghỉ ngơi, buông xuôi. Nhưng Ngài luôn gượng dậy ôm lấy cây thánh giá, đi trọn hành trình cứu độ, chấp nhận cái chết đau thương để rồi phục sinh vinh hiển. Hình ảnh đó thôi thúc tôi đón nhận thánh giá là những đau khổ buồn chán không thể tránh khỏi của thân phận làm người, can đảm đi theo Ngài trong cuộc hành trình thập giá với hy vọng chắc chắn sẽ được phục sinh viên mãn trong hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài.


Như vậy, thay vì trốn chạy những buồn chán, đau khổ, tôi đối diện trực tiếp với nó, đón nhận nó trong cầu nguyện. Khi chấp nhận thân phận mỏng manh của kiếp người, nỗ lực chu toàn bổn phận trách nhiệm trong hiện tại, tôi thấy nhẹ nhàng hơn, bình an hơn.


Trong cầu nguyện, nỗi buồn chán đau khổ của tôi được thánh hoá cùng với những đau khổ của Chúa Giêsu trong thân phận con người, vẫn đang tái diễn nơi những anh chị em đang gặp đau khổ qua những hình thức khác nhau. Cầu nguyện giúp tôi kín múc được sức mạnh tinh thần, giúp tôi không bị lạc lõng giữa dòng đời nổi trôi, giúp cho đau khổ và sự buồn chán của tôi trở thành phương tiện của ơn cứu rỗi.

THÁNH GIUSE: MẪU GƯƠNG TUYỆT VỜI VỀ THIÊN CHỨC LÀM CHA


 WHĐ (18.3.2022) – Ngày 19.3 hằng năm, lịch phụng vụ Giáo hội dành mừng kính Thánh Giuse, với tước hiệu Bạn trăm năm Đức Trinh nữ Maria. Đây cũng là dịp để mời gọi chúng ta cùng chiêm ngắm thiên chức làm cha của vị thánh Cả, tuy rất thầm lặng nhưng rất quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.


Được chọn để thi hành sứ mạng kép, vừa là Hôn phu của Đức Maria, vừa là người cha trần thế của Chúa Giêsu, Thánh Giuse chắc chắn đã được Thiên Chúa ban tặng vô vàn ân sủng để chu toàn sứ mạng cao cả này.


Thánh Giuse với tư cách là Cha


Một trong những công trình đáng kinh ngạc và vượt tầm hiểu biết của chúng ta đó là Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Ngài là Chúa Giêsu đến trần gian trong thân phận xác phàm. Ngôi Hai Thiên Chúa giờ đây trở thành một Hài nhi Giêsu yếu đuối, dễ bị tổn thương, và hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ và người cha nuôi nhân loại – Đức Maria và Thánh Giuse. Thật vậy, trong ý muốn của Thiên Chúa, Thánh Giuse đã và luôn là người cha trần thế của Chúa Giêsu! Và dĩ nhiên, Thánh Giuse là người cha tuyệt vời nhất trong tất cả những người cha trần thế.


Sau đây là 5 đức tính cụ thể mà Thánh Giuse đã thể hiện thiên chức làm cha với Đức Giêsu và trở thành kiểu mẫu cho mọi người cha trong sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa đã giao phó.


Thánh Giuse là một người con trung thành của Thiên Chúa Cha Hằng Hữu.

Điều này có nghĩa là: để trở thành một người cha tốt, trước hết người ta phải là một người con ưu tú, biết yêu mến và vâng phục Cha trên trời. Để được như thế, mỗi người cha phải thành tâm cầu nguyện bằng lời cầu nguyện của chính Chúa Giêsu: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng …”. Một người cha đích thực phải có Thiên Chúa là Đấng hướng dẫn, là sự sống, là nguồn mạch, và là nguồn cảm hứng của mình. Xin cho những người cha biết noi gương Thánh Giuse, vun đắp mối tương quan sâu sắc với Cha trên trời, và học được ý nghĩa thực sự Kinh Lạy Cha mà Đức Giêsu đã dạy chúng ta.


Thánh Giuse là một người bạn đời chung thủy và yêu thương

Phụng vụ nêu bật cách Thánh Giuse yêu thương vợ của mình, Đức Trinh Nữ Maria. Từ yêu thương có nghĩa là ngài thực sự yêu Đức Maria. Đúng là cả Thánh Giuse và Đức Maria đều quyết định và sống chung thủy cuộc hôn nhân trinh nguyên, dưới sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nhưng, trên bình diện con người, đã tồn tại một tình yêu sâu sắc và năng động nhất gắn kết các ngài với nhau, một tình yêu thấm nhuần sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.


Vì vậy, để trở thành những người cha đích thực và chân chính, người chồng phải yêu Chúa, nhưng sau đó phải thực sự yêu người bạn đời của mình. Vì khi yêu vợ, tình yêu của người chồng cũng tràn ngập và tuôn đổ trên con cái, như mưa rơi làm ướt mặt đất khô cằn. Do đó, người cha đừng quên rằng: Một cử chỉ ân cần và yêu thương dành cho vợ, cũng là một cử chỉ ân cần và yêu thương dành cho chính con cái của mình!


Thánh Giuse là một người thầy

Về phương diện con người, Thánh Giuse đã dạy Đức Giêsu nhiều thực hành quan trọng. Ngài đã dạy Đức Giêsu cách nói và diễn đạt từ Abba – Cha ơi! Ngài đã dạy Đức Giêsu cách bước đi; Ngài đã dạy Đức Giêsu nghệ thuật làm thợ thủ công như một người thợ mộc. Và trên hết, Thánh Giuse đã dạy Đức Giêsu cách cầu nguyện! Chắc hẳn, ngài đã cầu nguyện và dạy Trẻ Giêsu với những lời trong Thánh Vịnh, chẳng hạn như “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì…” (Tv 23, 1). Thật siêu phàm biết bao! Thánh Giuse đã dạy Logos, Ngôi Lời Vĩnh Cửu của Thiên Chúa Cha, cách cầu nguyện bằng lời nói của con người!


Các văn kiện của Công đồng Vatican II và Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nhấn mạnh đến thực tế rằng cha mẹ – cả người cha và người mẹ – là những người thầy đầu tiên của con cái họ, nhất là về mặt đức tin. Xin Thánh Cả Giuse đạo hạnh là gương mẫu để các bậc cha mẹ thực sự là những người thầy đầu tiên và tốt nhất của con cái mình trong mọi lãnh vực: kiến thức, xã hội, nhân bản, tình cảm, nhưng nhất là về đạo đức, tâm linh, và những gì liên quan đến hạnh phúc của linh hồn và phần rỗi đời đời của con cái.


Thánh Giuse đã hiện diện với gia đình mình

Có một thực tế phổ biến và đáng buồn hiện nay là có nhiều người cha, mà chúng ta có thể gọi là những “Người cha ngoài cuộc”! Điều này muốn ám chỉ đến những người cha mang lại sự tổn hại cho sức khỏe của con cái và gia đình nói chung. Có thể kể đến những người: ly hôn, ngoại tình, hoặc những người mắc vào các tệ nạn như: rượu chè, khiêu dâm, ma túy, cờ bạc, cá độ… và cả những người cha tuy hiện diện về mặt thể lý nhưng cảm xúc thì lạnh nhạt và không có kết nối, gắn bó với gia đình.


Trong khi đó, Thánh Giuse luôn luôn hiện diện và sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của gia đình: ngài cầu nguyện với gia đình, làm việc với gia đình, dùng bữa với gia đình, đi đến Hội đường và Đền thờ với gia đình, vui vẻ với gia đình, giải trí với gia đình, và cuối cùng, chết trong vòng tay những người thân yêu nhất – Đức Giêsu và Mẹ Maria!


Thánh Giuse sẵn sàng hy sinh vì gia đình

Thánh Giuse sẵn sàng hy sinh bản thân và chịu đau khổ vì Đức Giêsu và Mẹ Maria. Điều này không xảy ra trong một trường hợp mà là bất cứ khi nào cần tới!


Trước hết, chắc chắn Thánh Giuse đã đau khổ vì sự thụ thai đồng trinh của Đức Maria! Và, khi được thiên thần giải tỏa nghi ngờ, ngài đã mau mắn đón lấy Đức Maria về làm vợ. Thứ đến, Thánh Giuse đã cùng với người vợ đang mang thai thực hiện chuyến đi dài và mệt nhọc từ Nazareth đến Bethlehem, bằng đường bộ, để khi đến nơi, ngài không nhận được gì ngoài lời từ chối: “Không có chỗ cho họ trong quán trọ!” Tiếp đến, chỉ với những lời cảnh báo trong giấc mơ, Thánh Giuse dù giữa đêm khuya đã đưa gia đình trốn sang Ai Cập, nhờ đó Hài nhi Giêsu thoát khỏi cuộc tàn sát của vua Hêrôđê… Cứ thế, là một người chồng, người cha trung tín, can đảm và vâng phục, Thánh Giuse đã trải qua tất cả những khó khăn để bảo vệ gia đình một cách cụ thể nhất.


Tình yêu của Thánh Giuse


Thánh Giuse đã hy sinh và chịu đựng tất cả những gì xảy đến với ngài một cách mãnh liệt vì một lẽ: Tình yêu. Ngài yêu Thiên Chúa; Ngài yêu người bạn đời Trinh khiết của mình; và Ngài yêu người con Chí thánh của mình bằng một tình yêu sâu sắc, trọn vẹn, tín trung.


Xin cho những người cha hiện đại của chúng ta, biết ngước nhìn lên Thánh Giuse và nài xin sự chuyển cầu từ trời cao của thánh nhân, nhất là trong những thời khắc thử thách, đau thương đòi hỏi sự quảng đại, hy sinh và quên mình. Chắc chắn, Thánh Giuse nhân lành sẽ hiện diện, đầy quyền năng để trợ giúp chúng ta trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa!


Như trong Kinh Cầu Thánh Giuse, chúng ta ca ngợi “Thánh Giuse là mẫu mực sáng láng về cách ăn nết ở trong nhà”, nên nếu Thánh Giuse được trao trọng trách trong gia đình, thì với sự trợ giúp của ngài, các gia đình thực sự sẽ trở nên tốt đẹp hơn, cao quý hơn, yêu thương hơn, và nhất là thánh thiện hơn!


Vì vậy, chúng ta hãy mời Thánh Giuse làm thành viên sống động của gia đình. Để được như thế, hằng ngày, hoặc ít là hằng tuần, gia đình hãy cùng nhau đọc kinh cầu nguyện với Thánh Cả Giuse; và nếu có thể, hãy có một bức tượng Thánh Gia, hoặc tượng Thánh Giuse đặt tại nơi trang trọng trong nhà, để nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của gia đình Thánh, Giêsu – Maria – Giuse, ngay giữa cuộc sống gia đình vốn đầy khó khăn, thách đố và mong manh của chúng ta.


Lm. Ed Broom, OMV


Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Theo: Catholic Exchange, 15. 3. 2022

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...