I. BA NGÔI THIÊN CHÚA
Nhờ Đức Giêsu Kitô, chúng ta biết được chúng ta có một Thiên Chúa là Cha của Người và là Cha của chúng ta. Nhờ Mạc Khải, chúng ta nhận ra Chúa Cha đầy tình yêu thương đối với nhân loại, đã sai Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô đến cứu chuộc nhân loại.
Chúa Cha là Đấng Tạo Hóa, là Nguồn Gốc của mọi thực tại. Nhưng Chúa Con cũng là Tạo Hóa, thông dự vào việc tạo dựng của Chúa Cha. Chúa Con cũng là Nguồn Suối và là Cứu Cánh của mọi thực tại, là Alpha và là Ômêga. Như vậy phải chăng có hai Nguồn Gốc, hai nguyên lý?
Chỉ có một Nguồn Gốc là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Duy Nhất. Mọi thực tại khác là thụ tạo của Người.
II. CHÚA CHA
Dĩ nhiên đối với chúng ta, Chúa Cha là “Nguồn Suối” nhưng đối với chính Chúa Kitô, Ngài cũng là Nguồn Suối. Ngài là Đấng dựng nên chúng ta, nhưng là Đấng sinh ra Chúa Kitô, (principium generans). Ngài là Nguồn Gốc (origo), là Khởi Nguyên (principium), là Mạch Suối (fons) của tất cả bản tính Thiên Chúa trong Chúa Con và Chúa Thánh Thần (D. 490, 3326).
Ngài là “Nguồn Sinh”, nên không có ai sinh ra Ngài; vì thế Ngài là Khởi Nguyên không có khởi nguyên (Principium sine principio: D. 1331). Tất cả những gì Ngài có, Ngài có bởûi chính mình (non habet ab alio, sed ex se: D.1331). Do đó càng phải nói rằng không được làm ra, không được tạo thành (D. 60, 525).
Ngài là “Nguồn Sinh”, Đấng sinh ra Chúa Con không do ý muốn (D. 71, 526). Huấn Quyền khẳng định là Chúa Cha sinh ra Chúa Con không do ý muốn, vì có người hiểu rằng “do ý muốn” có nghĩa là có thể sinh ra hay không sinh ra, muốn sinh ra thì sinh ra, không muốn thì thôi, và như thế Chúa Con chỉ là một thụ tạo bất tất như chúng ta, có thể hiện hữu hay không. Chúa Con có là do hành vi tạo dựng. Huấn Quyền khẳng định, từ đời đời không bao giờ có Cha mà không có Con, cũng không bao giờ có Con mà không có Cha (D. 526).
Chúa Cha sinh ra Chúa Con cũng không do tất yếu. Huấn Quyền khẳng định như vậy, vì có người hiểu rằng “tất yếu” có nghĩa là: nơi Thiên Chúa không có tự do, không có tình yêu, tất cả đều là mù quáng và tất định. Cho rằng Chúa Cha tất yếu sinh ra Chúa Con thì rơi vào thuyết Phát xuất (Émanatisme) chủ trương từ một Nguồn Gốc phát sinh ra các thực tại, từ thực tại cao quý nhất (gần Nguồn) tới thực tại thấp kém nhất (xa Nguồn).
Chúa Cha sinh ra Chúa Con từ bản thể chính mình (de sua substantia: D. 526), gần giống như một người cha sinh ra một người con từ bản thể của mình, nhưng khác ở chỗ: kết quả vẫn là một bản thể, chứ không có hai bản thể nơi Thiên Chúa (D. 470, 485, 571, 1330).
Chúa Cha thông ban bản thể mình cho Chúa Con (Auto-donatio) mà không suy giảm. Ngài không mất gì khi sinh ra Chúa Con (D. 805). Huấn Quyền khẳng định điều này để tránh quan niệm bất toàn và sai lạc coi Chúa Con là một phần bản thể Chúa Cha (Pater = tota substantia divina; filius = portio substantiae divinae). Chúa Cha không cho Chúa Con một phần bản thể của mình, và giữ lại một phần bản thể khác (D. 805). Chúa Cha vẫn là Thiên Chúa nguyên vẹn khi sinh ra Chúa Con, và Chúa Con cũng là Thiên Chúa nguyên vẹn. Do đó Cha được gọi là Thiên Chúa, và Con cũng được gọi là Thiên Chúa (D. 176, 1332).
Chúa Cha với Chúa Con là một, đồng bản thể (consubstantialis), nhưng khác nhau, là hai Ngôi Vị phân biệt. Trong chương trình cứu độ đã được vạch ra, Chúa Con xuống thế làm người và chịu khổ nạn, chứ không phải Chúa Cha (D. 248). Giáo lý này cho thấy không thể lẫn lộn Chúa Cha với Chúa Con, mặc dù Hai Vị là Một.
III. CHÚA CON
Cũng như Chúa Cha, Chúa Kitô là Nguyên Lý (Principium) của mọi thụ tạo. Người là Nguyên Nhân tác thành (causa efficiens), Nguyên Nhân mô phạm (causa exemplaris), Nguyên Nhân cứu cánh (causa finalis). Mọi sự được dựng nên bởi Người, trong Người và vì Người. Nhưng đối với Chúa Cha thì Người là Con, Người được Chúa Cha sinh ra thực sự và theo đúng nghĩa chữ “sinh” (D. 40, 71, 75, 1330). Việc “Chúa Cha sinh ra Chúa Con” không chỉ là một cách nói, một hình ảnh. Từ ngữ Chúa Con không chỉ là một danh xưng không có nền tảng trong thực tại, nhưng là một chân lý đức tin được mạc khải. Có quan hệ phụ – tử đích thực giữa Chúa Cha và Chúa Con.
Chúa Con là Nguyên Lý bởi Nguyên Lý (Principium de Principio), là Con bởi Cha, là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, là Ánh Sáng bởi Ánh Sáng (D. 150). Người sinh ra từ bản thể Chúa Cha, không do bản thể khác (D. 125, 126, 526). Chân lý này được lập đi lập lại để chống những ai chối “thần tính” của Đức Kitô: Đức Trinh Nữ Maria chỉ sinh ra Đức Kitô trên bình diện xác phàm, chứ không sinh ra Ngôi Vị Chúa Kitô.
Tất cả những gì Chúa Con có là do Chúa Cha (D. 1331), nhưng Chúa Con không phải là thụ tạo của Chúa Cha. Chúa Cha ban cho Chúa Con tất cả những gì Ngài có, tất cả thần tính, ngoại trừ vai trò làm Cha (D. 900, 901). Ngài không thể trao cho Chúa Con cương vị làm Cha, không phải vì Ngài tiếc với Chúa Con, nhưng vì Ngài là Cha và Chúa Con là Con. Ngài sung sướng được làm Cha, và Chúa Con sung sướng được làm Con. Không phải vì là Cha mà lớn hơn Con, cũng không phải vì là Con mà nhỏ hơn Cha. Chúa Con ngang bằng với Chúa Cha trong mọi sự (D. 74, 164, 852, 1337), xét về thần tính (D. 74, 144, 168, 295, 357), do đó được gọi là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa (D. 40, 51, 125, 490), xét về vinh quang và danh dự (D. 74, 290, 318), về đời sống vĩnh cửu (D. 27, 297, 526), về sự khôn ngoan (D. 164, 169, 573), về ý chí và quyền năng (D. 144, 681, 852).
Chúa Con cùng một bản thể với Chúa Cha, nhưng không phải là Cha (Filius non est Pater, sed substantia, natura Patris). Người không chỉ là một phần của Chúa Cha mà là tất cả bản thể Chúa Cha, trừ cương vị làm Cha (D. 526, 805).
Chúa Con không được tạo thành từ hư vô như lạc giáo Ariô chủ trương (D. 42, 125, 126, 150). Người không là Con vì được tuyển chọn (per electionem, adoptionem). Tân Ước có nhiều chỗ khẳng định Chúa Giêsu được Chúa Cha tuyển chọn và sai đến thế gian. Nhưng “Cha tuyển chọn Con” và giao phó cho Con sứ mạng cứu thế, chứ không phải là Đức Giêsu được chọn làm Con, theo kiểu dưỡng tử thuyết (D. 526). Chúa Kitô là Con “ruột” của Chúa Cha (quem Deus Pater nec voluntate nec necessitate genuisse credendus est: D. 526), và là “Con Một” (Unigenitus) ngoài Người ra, Chúa Cha không có “con ruột” nào khác (D. 4, 12, 105, 502). Người là Chúa Con Duy Nhất bởi Chúa Cha Duy Nhất (D. 75, 800, 1330).
Người không sinh ra do ý muốn Chúa Cha (D. 71, 526). Điều này không có nghĩa là tương quan giữa Chúa Cha và Người là tương quan bất đắc dĩ, tình yêu của Chúa Cha là tình yêu bất đắc dĩ (ex necessitate). Không do ý muốn Chúa Cha chỉ có nghĩa là Người là “Con tự bản tính”, là Con Đích Thực.
Chúa Con được sinh ra từ đời đời, nghĩa là không có khởi đầu (D. 526, 536, 1331). Đời đời không phải là một điểm khởi đầu, nhưng ám chỉ Chúa Con “Hằng Có” như Chúa Cha Hằng Có. Người Hằng Có và Hằng được sinh ra (generatio aeterna). Chúa Con luôn luôn có và luôn luôn được sinh ra bởi Chúa Cha. (sự sinh ra kỳ diệu và khôn tả này được thần học gọi là Nhiệm Sinh). Sự sinh ra của con người chỉ diễn tả được một phần nào sự sinh ra của Chúa Con. Phải dùng nhiều lối diễn tả khác để bổ sung, như: Chúa Con là Lời của Chúa Cha (Verbum Dei: D. 40, 2698), là Minh Trí của Chúa Cha (Sapientia: D. 113, 148, 476), là Quyền Năng của Chúa Cha (D. 113). Các Danh Xưng này được rút ra từ Kinh Thánh là những từ ngữ mà các thánh ký dùng để tìm hiểu và diễn tả mầu nhiệm Chúa Kitô trong tương quan với Chúa Cha.
Chúa Con luôn luôn ở trong Chúa Cha, như Chúa Cha ở trong Chúa Con (D. 113, 115). Mầu nhiệm này được thần học gọi là “tương tại” (circuminsessio), có một căn bản Kinh thánh dồi dào (đặc biệt là Tin Mừng Gioan), và có thể khai triển rất phong phú để diễn tả sự hiệp thông mật thiết giữa Chúa Con và Chúa Cha, sự Duy Nhất giữa các Ngài.
IV. CHÚA THÁNH THẦN
So với Chúa Cha và Chúa Con, Chúa Thánh Thần không được sinh ra (non genitus) như Chúa Con, cũng không “bất sinh” (non ingenitus) như Chúa Cha (D. 71, 75, 485). Chúng ta không thể nói rằng Chúa Cha sinh Chúa Thánh Thần như Chúa Con, vì chỉ có Một Chúa Con Duy Nhất. Cũng không được coi Chúa Thánh Thần như “anh em” của Chúa Con. Người phát xuất cách nhiệm mầu (procedens) bởi Chúa Cha và Chúa Con (D. 42, 44, 150, 178, 1330). Người là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con (D. 178, 527).
“Thánh Thần phát xuất từ một Khởi Nguyên Duy Nhất, chứ không từ hai Nguyên Lý”. Khẳng định này của Huấn Quyền nhằm trả lời cho các người Hy-lạp (Giáo Hội Chính Thống Đông phương) tố cáo thần học La-tinh chủ trương có hai Khởi Nguyên (Spiritus ex Patre Filioque). Dù bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Nguồn Gốc của Thánh Thần vẫn là một, chứ không là hai, vì Chúa Cha và Chúa Con là một.
Giáo Hội chính thống dùng cách nói bởi Cha qua Con (ex Patre per Filium) để diễn tả mầu nhiệm phát xuất của Chúa Thánh Thần. Họ muốn dành ưu vị làm đầu trong Ba Ngôi Thiên Chúa cho Chúa Cha, theo đúng truyền thống thần học Hy-lạp: tất cả phát xuất từ Chúa Cha và trở về cùng Chúa Cha. Thần học Latinh không chối ưu vị này nhưng dùng thường xuyên hơn cách nói bởi Cha và Con (Filioque), để nhấn mạnh tính duy nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con chống lạc giáo Ariô. Nhưng Huấn quyền La-mã khẳng định là có thể nói: “Thánh Thần bởi Cha qua Con mà ra” (D. 1301).
Chỉ có một Thánh Thần nhiệm xuất, không có nhiều. Chúa Kitô cũng không nhiệm xuất, nhưng được sinh ra (D. 40, 71, 1330). Người nhiệm xuất bởi Chúa Cha và Chúa Con từ đời đời (D. 441, 1300). Người cũng vĩnh cửu, vô hạn, bất biến, khôn dò, quyền năng và khôn tả như Chúa Cha và Chúa Con (D. 800). Người là thần linh phát xuất từ bản thể “thần linh”, chứ không phải là “linh hồn của vũ trụ” (anima mundi: D. 722).
Chúa Thánh Thần là Tình Yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con (D. 3326, 3331). Người là Hồng Ân và còn được gọi là Đấng Bầu Cử giống như Chúa Kitô.
Thánh Thần cũng bởi Chúa Cha mà ra như Chúa Con bởi Chúa Cha. Người đồng bản thể với Chúa Cha như Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha (D. 26, 55, 441, 853). Người ngang bằng với Chúa Cha và Chúa Con, phải được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con (D. 42, 147, 546). Người đồng vĩnh cửu (D. 71), cũng quyền năng (D. 152) và ở khắp mọi nơi (D. 169). Thánh Thần ở trong Thiên Chúa như Chúa Con.
Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét