Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Học nghề nào cao quý?

Tôi sinh ra trong một gia đình chẳng chút khá giả, cơ cực. Tiệc tùng hầu như chẳng bao giờ biết đến. Nói chung, rất tầm thường. “Sao quả tạ” như thể chiếu rợp bóng trên tôi. Mới nhỏ xíu mà mẹ đã bồng bế chạy tị nạn. Hết Phan Rang đến Mỹ Tho về Sài Gòn. Đi đâu rồi cũng về với vùng quê mùa. Những gì thường nhật cũng không đầy. Bữa no bữa đói, mẹ bồng đi mót từng cây mía về bán lấy tiền sinh sống. Chưa hết. Đến khoảng 5 tuổi, người cha yêu dấu, hiền lành đã ra đi, mãi mãi chẳng về. Tương lai chẳng loé được một tia sáng ngoài bóng ảm đạm. Chắc lại phận quét lá đa, rồi phơi lưng trần trên ruộng bắt vội vài con cua, con ốc. Thế thôi.
Nhưng bà mẹ quê mùa, không biết chữ của tôi lại mở toang cánh cửa cho con cái bằng hy sinh tần tảo. Bà đổi tương lai của con cái bằng những giọt mồ hôi pha lẫn lòng quảng đại. Bà quyết định mọi đứa con phải được ăn học. Bà buộc tôi phải đến trường trong lúc bà phải nai lưng làm việc, hầu gom từng miếng cơm thừa canh cặn để nuôi vài con gà, con heo. Bà không cho chúng tôi chăm lo bộ răng, mái tóc, song bà bắt chúng tôi phải thu gom bằng được cái tinh tuý của con người. Với bà, nên người đi liền với cái học hành. Theo bà, văn hoá là gốc con người.
Bà mẹ quê mùa ấy lại mang một trực giác rất thực : Mỗi đứa con phải được một nghề, nếu không thể học đại học. Đứa sửa xe đạp, đứa làm dệt, đứa may mặc. Bà nghĩ tay nghề sẽ giúp con cái bà sống được trong mọi hoàn cảnh. Cha ông ta chẳng nói  “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” đó sao ? Bằng cách đó, bà không muốn chúng tôi nhàn rỗi. Vô công rỗi nghề chỉ tổ sinh lắm chuyện mà thôi… Thực ra, điều bà quan tâm không phải  chỉ là một nghề kiếm sống, nhưng với một nghề nghiệp và chăm chỉ làm việc, người ta có thể làm người hơn. Đánh mất tầm nhìn này, nghề nghiệp chẳng có nghĩa gì cả. Bất quá chỉ là một đời có nhiều của cải mà chẳng ra gì cả.
Ngày qua tháng lại, tôi lớn như thổi. Đầu óc tôi cũng trương rộng theo đó. Tôi lo sở đắc kiến thức toán học. Tôi vùi đầu học toán, dường như thấy đó là cả một bể chân lý chắc chắn. Mọi sự tưởng chừng  xuôi buồm thuận gió. Nhưng thời cuộc khiến tôi phải chọn khối văn thay vì học toán.  Những ngày đầu khi phải nặn bút viết văn, làm thơ trên ghế nhà trường chỉ đủ cho tôi được 2 điểm. Có thể nào có được một bài thơ hay bằng cách gò nặn từng chữ, hỏi xem chúng bằng hay trắc không ? Con số 2 quả là phản ánh đúng thực trạng của tôi, “nản và tủi” thi nhau gọi tôi đến. Chưa từng bị điểm số như thế bao giờ, nên tôi nghĩ : “ôi ! buồn tủi thay kiếp văn chương”. Không như ý mình thì cũng là bài học tôi cần học ở đời.
Nhưng rồi ánh sáng loé lên chút ít. Không phải bởi tôi được điểm cao.
Tia sáng nhỏ loé lên dần trong những lúc tôi phải tập trung trong thinh lặng trước tiên để trả bài, nhưng sau đó để gẫm những câu hỏi cơ bản mà thú thật cho đến lúc đó tôi chẳng bao giờ nghĩ đến.
Những lúc ngồi một mình tôi tự hỏi, rồi ra mình sẽ đi đâu ? Tại sao tôi sống ? Sống tốt và sống không ra gì khác nhau ở chỗ nào ? Điều gì làm cho cuộc đời đáng sống ? Đời sống thành công của những kẻ lẫy lừng và đời sống của những con người bình thường giữa những bổn phận khác nhau thế nào ?
Cả một biển trời câu hỏi như vừa tỏ rạng vừa che khuất ánh sáng. Cùng lúc đó những biến động xã hội để lại trên tôi muôn vàn dấu ấn. Những thằng bạn thân tử trận sau vài tháng tốt nghiệp lớp 12 khiến tôi đăm chiêu hơn về lẽ sống và cái chết. Tôi hy vọng gì ở tương lai ?
Xét cho cùng, chẳng phải tôi đã có được câu trả lời dứt khoát và xong xuôi nào cho những câu hỏi đó. Đúng hơn, chúng đến với tôi rất chậm. Nhưng điều quan trọng hơn tôi học được là những câu hỏi đó khác xa với những bài toán. Chúng khó biết bao ! Chúng khiến tôi không yên. Chúng khuấy động, nhưng rồi lại cho tôi an bình. Thế đó, tôi nghiệm ra rằng cuộc đời không phải là những bài toán. Tôi nghiệm rõ cuộc đời có những bình diện khác nhau quá, mà cho đến lúc đó tôi vẫn chỉ nghĩ rằng cuộc đời là bài toán dễ ợt.
Dòng đời như nước chảy mãi không ngừng, nó cuốn trôi bao thứ cặn bã để làm thêm sạch. Năm 1975 mang đến những cơn mưa cũng như ngày nắng. Hoàn cảnh tôi không chọn lại đưa tôi đến những cảnh sắc mới với những oi bức của mùa hè và những cơn gió mùa mưa mới. Hoàn cảnh khiến tôi lao vào những công việc lương thiện kiếm miếng cơm ly nước cùng với mọi người chung quanh.
Tôi rong ruổi vạn chốn, lúc trên cao, xuống đèo, dưới thấp, lúc xe thồ, xe than. Đâu đâu tôi đều gặp những gì hơn cả ly nước, miếng ăn. Gặp bạn, gặp bè, gặp kẻ giàu, người nghèo ; gặp những mảnh đời vất vả ngược xuôi, song quảng đại vô ngần ; gặp lam lũ hy sinh ; gặp những mộc mạc đơn sơ, chân thành, nhưng cũng gặp những mánh lới, lọc lừa; gặp trước lạ sau thân, cũng như trước thân sau lạ; ôi, nhiều lắm.
Tất cả dù rải rác và phân mảnh đều để lại trong tôi một thực tại. Cần phải học từ cuộc sống. Nhất thiết phải liên tục thăng tiến tay nghề của con người. Nhưng công việc cốt yếu của đời người là yêu mến ; nghề nghiệp cao quí nhất của con người là hiến thân. Học từ hoàn cảnh chính là học để làm cho mình ngày càng nên đáng yêu hơn mãi bằng sự chân thành, quảng đại, vui tươi và tận tụy. Bài học này không giải được bằng những con toán.
 Phượng Vĩ

Không có nhận xét nào:

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...