Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

THIÊN CHÚA BA NGÔI


Trong một vài phút ngắn ngủi này, chúng ta cùng nhau suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.


Trước hết là Ngôi Cha.


Trong Cựu ước, dân Do Thái là một gia đình có Thiên Chúa là cha. Ngài là đấng đã tuyển chọn quan phòng và chăm sóc đến những nhu cầu của họ.


Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã nhiều lần mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa Cha. Ngài là Cha của mọi người. Ngài yêu thương chăm sóc và ban thưởng cho những việc lành chúng ta làm. Ngài tha tội và nêu gương thánh thiện. Tương quan của mỗi người đối với Chúa là lòng hiếu thảo rập theo khuôn mẫu của Đức Kitô.


Đức Kitô đã làm việc nhân danh Chúa Cha. Giáo lý của Đức Kitô là bởi Chúa Cha. Đức Kitô vâng theo thánh ý Chúa Cha và hoàn tất mọi việc Chúa Cha trao phó.


Thiên Chúa là Cha.


Trong các tôn giáo, liệu có vị thần nào dám mạc khải mình như thế không. Chúng ta có hãnh diện vì được một Thiên Chúa ở gần và yêu thương như một người Cha. Có lẽ nhiều người trong chúng ta chưa kinh nghiệm được tình phụ tử, và chúng ta tự hỏi:


- Tại sao người công chính lại gặp phải tai ương hoạn nạn, còn đứa ác nhân lại gặp nhiều may mắn.


Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng Thiên Chúa là tình yêu, Ngài làm mưa trên người lành cũng như trên kẻ dữ. Ngài muốn tỏ ra nhân hậu với mọi người cho đến khi sự công bằng được tỏ hiện trong ngày sau hết. Còn với người lành gặp nhiều tai ương, Chúa cũng vẫn tỏ lòng từ nhân. Ngài muốn họ vững lòng cậy trông vào Ngài, đồng thời hãy can đảm và kiên trì vì kiên trì trong gian truân sẽ đưa đến hạnh phúc nước trời.


Sống trong những khó khăn thử thách chúng ta cần xét đến một lý do nữa, Thiên Chúa thử thách con cái Ngài để xem họ có bằng lòng vâng phục hay không? Vì vâng lời trọng hơn của lễ. Chúa đặt chúng ta vào trong hoàn cảnh nan giải để xem đức tin của chúng ta đã trưởng thành hay chưa?


Một người cha thật thì phải biết giáo dục và uốn nắn con cái chứ không được nuông chiều. Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Gương ông Giob đã chứng tỏ cho thấy một đức tin không nao núng trước nghịch cảnh. Cách giải quyết tốt đẹp nhất là tin tưởng và phó thác cho tình thương của Chúa.


Tiếp đến là Ngôi Con.


Sau khi nguyên tổ phạm tội thì nhân loại sống dưới ách tội lỗi. Con người không thể tự mình giải thoát vì tội là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, cho nên cần phải có một Đấng cứu thế, đó là chính Ngôi Hai Thiên Chúa mới có đủ thẩm quyền cứu độ chúng ta.


Về Ngôi Hai chúng ta cần biết một vài điểm cốt yếu: Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Ngài là Đấng vô tội đã mặc lấy thân phận tội nhân để cứu chuộc chúng ta. Ngài là đường, là sự thật, là sự sống. Ngài đã thiết lập Giáo hội và trao ban cho Giáo hội các bí tích để tiếp tục công cuộc cứu độ cho đến tận cùng thời gian.


Sau cùng là Chúa Thánh Thần.


Khi sứ mạng Chúa Giêsu hoàn tất, Ngài về trời và sai Chúa Thánh Thần đến trong ngày Hiện xuống để thánh hóa chúng ta và hướng dẫn Giáo hội.


Về những việc làm của Chúa Thánh Thần chúng ta ghi nhận: Ngài thánh hóa chúng ta, hồi sinh những tâm hồn tội lỗi. Ngài ngự trong chúng ta và trong Giáo hội. Giúp Giáo hội đào sâu chân lý và trang điểm Giáo hội bằng muôn ơn sủng để trở thành hiền thê của Đức Kitô.


Ngài nâng đỡ và ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nguy thử thách, giúp đỡ chúng ta chống lại những dục vọng sai trái. Ngài cầu nguyện thay cho chúng ta là những kẻ yếu hèn. Trong những giờ phút u tối, đừng bao giờ mất lòng cậy trông, hãy chạy đến với Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ soi sáng và thêm sức, Ngài làm cho tâm hồn chúng ta dịu lại trước thánh ý Thiên Chúa

Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

HƠI THỞ CỦA THIÊN CHÚA

Trong kho tàng văn chương Ấn giáo có ghi lại câu chuyện như sau: Có một đệ tử đến thưa với vị linh đạo của mình: “Thưa thầy, con muốn gặp Chúa”. Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.


Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị linh đạo vẫn mỉm cười tiếp tục giữ sự im lặng cố hữu của ông. Một ngày đẹp trời nọ, ông đưa người thanh niên đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất thần vị linh đạo túm lấy anh và dìm xuống nước hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy đế trồi lên mặt nước. Lúc bấy giờ vị linh đạo mới hỏi anh: “Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?”. Không một chút suy nghĩ, người đệ tử đáp: “Thưa thầy, con cần có không khí để thở””.


Lúc bấy giờ vị linh đạo mới dẫn giải: “Con cảm thấy cần gặp Chúa như con cần khí thở không? Nếu con cảm thấy cần như thế, con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không hề cảm thấy cần như thế thì cho dù con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không bao giờ gặp được Ngài”.


Anh chị em thân mến,


Sự sống của chúng ta là do Thiên Chúa ban tặng. Chính nhờ tham dự vào sự sống của Ngài mà chúng ta được sống. Bao lâu còn hơi thở là còn sống. Tắt thở là chết. Trong buổi đầu công trình tạo dựng. Thiên Chúa đã thổi hơi vào Ađam, con người đầu tiên, để Ađam có sự sống, để Ađam trở nên bạn hữu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đã lặp lại hành động ấy khi Ngài xuất hiện giữa các môn đệ và thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy sự sống của Thiên Chúa, là nhận lấy tinh thần của Thiên Chúa. vì Thánh Thần là Thần Khí, là Hơi Thở của Thiên Chúa.


Ađam đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa để sống vai trò nguyên tổ của loài người. Các môn đệ cộng đoàn Phục Sinh đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa để làm chứng về Chúa Giêsu Kitô. Mỗi người chúng ta, cũng đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa khi chúng ta được dìm trong Nước Thánh Tẩy và được xức dầu trong bí tích Thêm Sức. Hơi thở, sức sống, tinh thần của Thiên Chúa được “hà hơi” vào trong ta. Vấn đề là chúng ta có biết sống bằng hơi thở Thần Linh ấy không. Thánh Phaolô khi nói về các ơn sủng Thiên Chúa ban cho mọi chi thể thuộc thân thể Đức Kitô đã đề cao Đức Ái như một đặc ân của Thánh Thần.


“Đức Ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức Ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).


Sống đức Ái, sống yêu thương là sống bằng hơi thở của Thiên Chúa, là kết hợp với Thiên Chúa Tình Yêu, là sống trong Thánh Thần. Chỉ có yêu thương mới làm cho con người sống và phát triển thực sự. Chỉ có yêu thương mới làm cho con người thay đổi, canh tân, hoán cải. Ai yêu thương nhiều là người ấy thay đổi nhiều, vì tình yêu sẽ dẫn đưa chúng ta đến chốn vô cùng, vô tận của cuộc sống. Ai yêu thương nhiều và yêu thương thực tình sẽ không còn là mình nữa, mà là dụng cụ của Tình Yêu Thiên Chúa, sẽ nên giống như Thiên Chúa.


Thưa anh chị em,


Một cộng đoàn thiếu yêu thương thì không bao giờ có hợp nhất, không bao giờ có sức thuyết phục được những người chung quanh. Vì chỉ có yêu thương mới san bằng được những khoảng cách, mới lấp đầy những cách biệt, mới giúp bổ túc cho nhau giữa những cái chênh lệch, khác biệt nhau. Các tín hữu tiên khởi đã bán hết của cải ruộng đất để làm của chung, để sống giới răn yêu thương của Thầy. Đó phải là hình ảnh gợi ý cho những sáng kiến yêu thương của chúng ta. Chỉ khi nào mỗi thành viên của Hội Thánh đem hết tài năng, đặc sủng của mình đã nhận lãnh làm thành của chung của cộng đoàn, thì lúc ấy mới có sự hợp nhất thực sự của một thân thể nhiều chi thể là Hội Thánh Chúa Kitô.


Nhưng chúng ta chỉ biết sống yêu thương nếu như chúng ta biết đặt mình dưới sức tác động của Thánh Thần: Chẳng những Ngài là Đấng An Ủi, soi sáng mà Ngài còn là Đấng Thanh Tẩy chốn nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, chữa lành thương tích, uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng… (Ca tiếp liên). Chỉ có Thánh Thần mới làm cho các tổ chức của con người có sức sống, có tinh thần Tin Mừng… Đổi mới tư duy, đổi mới đời sống, đổi mới cơ chế xã hội đều cần đến sức mạnh và ân sủng của Thánh Thần Thiên Chúa, vì Ngài là hơi thở của Thiên Chúa, hơi thở không ngừng làm sống mọi tạo vật.


Anh chị em thân mến,


Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận những luồng gió mới mà Thánh Thần Chúa đang thổi trong lòng các dân tộc, trong lòng con người trước ngưỡng cửa Thiên Niên Kỷ Thứ Ba. Chớ gì Thánh Thần Thiên Chúa cũng thổi vào lòng chúng ta, vào cộng đoàn chúng ta một luồng gió đổi mới cũng mạnh liệt như thời các Tông đồ, để Hội Thánh luôn tươi trẻ và tràn đầy sức sống.


Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh Thần và xin canh tân bộ mặt trái đất của chúng con.

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Hướng về trời cao



Có một số thanh thiếu niên hiện nay không màng đến chuyện học hành, chẳng lo trau dồi đức hạnh, không chịu rèn luyện để trở thành người có ích… Trái lại, họ đâm ra lêu lỏng chơi bời, quậy phá, đắm mình trong truỵ lạc đê hèn. Nguyên nhân nào đã gây ra thảm trạng đó?


Không có hướng tiến thân sẽ làm con người hư hỏng


Các nhà nghiên cứu xã hội cho rằng mot trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đáng buồn đó là vì một số bạn trẻ cảm thấy không có đường tiến thân cho mình, cánh cửa mở vào tương lai dường như đang khép lại trước mặt họ. Họ chẳng hy vọng có chút địa vị trong xã hội hay có được công ăn việc làm ổn định với đồng lương cao. Họ chẳng còn mục tiêu nào tốt đẹp để phấn đấu vươn lên. Họ cảm thấy tương lai bế tắc, nên đâm ra chơi bời lêu lỏng, làm hư hỏng cả cuộc đời.


Nói chung, khi con người cảm thấy không có tương lai, nhìn về mai sau chỉ thấy ngõ cụt, thấy kết thúc của đời người chỉ là một nấm mồ … thì người ta không còn muốn cố gắng phấn đấu sống đời đạo đức, không còn muốn làm lành lanh dữ, không còn muốn tu thân tích đức… mà chỉ muốn ăn chơi cho qua ngày đoạn tháng, hoặc sống buông thả và làm hỏng đời mình.


Tâm trạng đó được nhà thơ Cao Bá Quát diễn tả như sau:


“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,

cảnh phu du trông thấy cũng nực cười,

thôi công đâu chuốc lấy sự đời,

tiêu khiển một vài chung lếu láo.”


Vì cảm thấy kiếp người thì ngắn ngủi, mọi sự chỉ là phù du, nên người ta không muốn chuốc lấy sự đời, không muốn kê vai gánh vác trách nhiệm xã hội mà chỉ muốn tìm an nhàn trong chén rượu cho vơi nỗi sầu.


Vì cảm thấy tương lai là ngõ cụt, nên cũng có người chọn sống như những con thiêu thân:


“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Xuân Diệu).


Đức Giêsu lên trời hướng tâm hồn ta tới một tương lai huy hoàng


Có một đàn chim đông đảo bị giam nhốt trong một chiếc lồng khá lớn. Kiếp sống ngục tù trong cảnh “chim lồng cá chậu” làm cho đa số chim trong lồng không có cơ hội cất cánh bay lên, thế nên đôi cánh của chúng gần như bị tê liệt. Đối với chúng, thế giới chỉ là chiếc lồng chim chật chội và khung cảnh chung quanh mình. Hằng ngày chúng sống chen chúc trong khoảng không gian giới hạn của chiếc lồng, an phận sống kiếp gia cầm chờ ngày bị đem đi xào nấu.


Vào một ngày đẹp trời, một con chim mẹ trổ được một lỗ hổng trên nắp lồng và thoát ra được bên ngoài, tung cánh bay vút lên cao giữa khung trời cao rộng. Thế là từ hôm đó, nhiều con chim trong lồng cố gắng luyện tập cho đôi cánh mạnh mẽ lên để có thể bay cao, thoát ra khỏi chiếc lồng chật chội như ngục tù giam hãm mình, để bay vút lên trời xanh nối đuôi chim me.


Qua biến cố sống lại và lên trời, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy rằng kiếp người không phải chỉ giới hạn trên trái đất chật hẹp này nhưng còn được nối tiếp trong thế giới thiêng liêng và Ngài đã mở ra cho chúng ta một lối thoát, thoát ra khỏi thế giới tạm bợ này để vào thiên quốc.


Sự kiện Chúa Giêsu lên trời hướng tâm hồn chúng ta về trời cao, giúp chúng ta biết cùng đích của đời người không phải là chốn trần gian tạm bợ mà là cõi hạnh phúc thiên đàng. Ngài lên trời mở ra cho chúng ta một chân trời mới, một triển vọng mới.


Vì thế, chúng ta đừng bám chặt vào thế giới phù du tạm bợ này, vì không sớm thì muộn, chúng ta cũng phải từ bỏ nó. Vậy thì đừng trầm mình trong nếp sống ươn hèn tội lỗi, đừng ngụp lặn trong lạc thú mau qua, đừng chỉ biết cúi xuống để sống an phận, mà biết sống siêu thoát và biết hướng tâm hồn lên cao.


Khi đàn chim non thấy chim mẹ bay thoát ra khỏi chiếc lồng giam nhốt mình từ bấy lâu nay thì chúng quyết luyện tập cho đôi cánh được mạnh mẽ để có thể thoát ra khỏi chốn ngục tù, tung cánh bay lên cao như chim mẹ.


Vậy thì chúng ta cũng phải kiên trì luyện tập mỗi ngày, cho đức tin của mình được mạnh mẽ, cho tâm hồn đạo đức được gia tăng, cho lòng mến được dồi dào, nhờ đó, mai đây chúng ta có thể “cất cánh” về với Thiên Chúa là nguồn hoan lạc của chúng ta.


* * *


Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xuống trần để vạch đường chỉ lối cho chúng con về thiên quốc. Chúa đã về trời để dọn sẵn chỗ ở cho chúng con trong Ngôi Nhà của Chúa Cha (Ga 14,2). Xin cho chúng con biết rèn luyện “đôi cánh mến Chúa yêu người” cho mạnh mẽ, để đủ sức “bay” về nơi Chúa đã dọn sẵn cho chúng con.


Lm. Ignatiô Trần Ngà

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

Cảm thông và giúp đỡ

Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu quan phòng của Ngài là Ngài cũng có một trái tim để yêu thương và thông truyền tình yêu ấy cho con người.


Người Maroc giải thích về sự quan phòng của Chúa bằng câu chuyện như sau:


Có một người thợ đập đá nghèo nọ rất trung thành với những giờ cầu nguyện theo quy định ở sách Kinh Coran. Ngày nọ, theo thông lệ khi mặt trời vừa lặn, anh bước vào đền thờ và tìm đến chỗ quen thuộc để phủ phục cầu nguyện. Vừa trải tấm thảm ra và sắp phủ phục trước Ðấng Allah, mắt anh bỗng dán chặt vào một con chim cú đang đứng gần như bất động trên vách tường trước mặt, con vật như đang nhìn anh, nhưng người thợ đập đá cũng cố gắng thắng vượt tính hiếu kỳ để phủ phục và chỉ tưởng nghĩ đến Ðấng Allah.


Ngày hôm sau, cũng vào giờ đó, khi người thợ đập đá trở lại đền thờ anh cũng bắt gặp con chim cú cũng ở chỗ cũ và như đang nhìn anh. Ngày hôm sau và liên tiếp trong mấy tuần lễ liền, người thợ đập đá cũng thấy con chim vẫn đứng ở chỗ cũ. Anh ngạc nhiên trước vẻ bất động của con vật, người thợ đập đá đến gần nó, thì ra đây là một con chim cú mù cả hai mắt. Giữa lúc anh đang quan sát con vật thì một con chim cú khác từ đâu bay đến, nó mang trên miệng một con rắn, sau khi xé con mồi ra từng mảnh, con thú sớt chia cho con thú mù một phần, nhìn thấy cảnh tượng ấy, người thợ đập đá như nhận ra được một chân lý, anh lý luận như sau:


Ðấng Allah quan tâm lo lắng cho cả một con chim mù lòa, còn ta, tại sao ta lại phải suốt ngày đổ mồ hôi xót con mắt dưới nắng mưa để kiếm ăn, ta không đáng giá hơn con chim cú mù lòa này hay sao? Nghĩ thế, người thợ đập đá quyết định bỏ nghề và ngày ngày đến trước cửa đền thờ chờ đợi để được Ðấng Allah chăm sóc cho, như Ngài đang chăm sóc con chim cú mù lòa.


Ngày nọ, một người bạn tình cờ nhận ra anh, nghe biết câu chuyện, người bạn liền dẫn giải như sau:


- Tôi nghĩ là bạn chưa hiểu được điều mà Ðấng Allah muốn nói với bạn. Qua hình ảnh hai con chim, Ngài không muốn bạn trở thành một con chim cú mù loà nhưng hãy học lấy gương của con chim cú lành mạnh. Bài học mà Ngài muốn nhắn gửi cho bạn là: "Bạn hãy cư xử như con chim cú lành mạnh." Nghĩa là hãy cảm thông và giúp đỡ người anh em kém may mắn hơn ta.


Nghe thế, người thợ đập đá vui vẻ trở lại với công việc sinh sống bằng công sức của mình và chia sẻ những gì mình có cho những người túng thiếu.


Quý vị và các bạn thân mến,


Thiên Chúa đã ban cho con người một khối óc, đôi cánh tay và một trái tim. Ðó phải chăng không là biểu hiện của tình yêu quan phòng của Ngài. Với khối óc ấy, với đôi cánh tay ấy, và nhất là với trái tim ấy, lẽ ra không có một người nào trên thế giới này phải nghèo khổ và chết đói.


Còn gì nhục nhã cho nhân loại và xúc phạm đến Thiên Chúa cho bằng ngày nay vẫn còn không biết bao nhiêu người đang quằn quại trong đói khổ. Sự đói khổ của phần lớn nhân loại không phải vì Thiên Chúa không quan phòng chăm sóc, mà bởi vì con người không nhận ra sự quan phòng ấy và chia sẻ sự quan phòng ấy với người đồng loại. Sự đói khổ của phần lớn nhân loại không phải vì Chúa thiếu vắng trong cuộc sống con người cho bằng con người muốn loại bỏ Ngài ra khỏi cuộc sống. Khi con người không nhận ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa con người cũng chối bỏ người đồng loại.


Người tín hữu Kitô không phải là người có khối óc vĩ đại hay có đôi tay khéo léo hơn người, nhưng điều họ không được phép thua kém người đời. Ðó là một trái tim biết rộng mở và một đôi bàn tay biết chia sẻ cho người xung quanh. Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu quan phòng của Ngài là Ngài cũng có một trái tim để yêu thương và thông truyền tình yêu ấy cho con người.


* * *


Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì hồng ân sự sống Chúa đã ban cho chúng con, tất cả những gì chúng con có và chúng con làm được là của Chúa.


Xin cho mọi cố gắng lao nhọc của chúng con được trở thành bài ca chúc tụng, tri ân, dâng lên Chúa và xin cho những chia sẻ của chúng con trở thành dấu chứng tình yêu quan phòng của Chúa. Amen.


Trích từ : Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày

http://vntaiwan.catholic.org.tw/phutcau4/4phut045.htm

Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

TÌNH YÊU LÀ GÌ HỞ MẸ?

Người ta bảo: “Đố ai định nghĩa được tình yêu.” Nhưng Lời Chúa tuần này cho ta thấy những đặc tính của tình yêu đích thực. Chúa là tình yêu. Chúa truyền con người yêu nhau như Chúa đã yêu. Yêu thế nào?

1. Yêu muốn ở gần. Yêu ai muốn ở gần người đó. Chúa đã ở gần con người, và Chúa muốn con người cũng ở gần Chúa: “Anh em hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong anh em”. Yêu ở gần đến độ không chỉ ở bên nhau, mà còn ở trong nhau, quấn quýt lấy nhau. 

2. Yêu thích chiều chuộng. Yêu thích chiều chuộng nhau, để làm vừa lòng, hài lòng, đẹp lòng nhau. Chiều chuộng là thỏa mãn lòng muốn của người yêu. Lòng muốn của Chúa là: “Anh em giữ các điều răn của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy.”

3. Yêu thích cho đi. Yêu ai khiến người ta muốn tặng quà người đó. Tặng quà để chứng tỏ tình yêu. Chúa vì yêu cũng đã tặng món quà quý giá nhất là chính Con Ngài cho nhân loại: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.”

4. Yêu dám hy sinh. Yêu không chỉ là những cảm xúc, tình yêu sâu nhất, lớn nhất phải được thể hiện bằng một ý chí dám hy sinh quên mình để đem hạnh phúc cho người yêu. Chúa đã tuyên bố: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” Và Chúa đã thực sự hy sinh mạng sống để làm của lễ đền tội cho chúng ta.

5. Yêu sinh hoa trái. Tình yêu như ngọn lửa thắp sáng đời nhau chứ không phải thiêu rụi đời nhau. Tình yêu làm cho đời nhau thêm phong phú nhờ những hoa trái tốt đẹp như Chúa đã truyền: “Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái.” Hoa trái tình yêu là niềm vui hạnh phúc.

Thật trùng hợp khi Chúa Nhật nói về tình yêu cũng là Ngày Của Mẹ. Tình mẹ, tình mẫu tử là hình ảnh rất gần và rất sâu để diễn tả tình yêu Thiên Chúa: một tình yêu vô điều kiện, luôn cho đi và hy sinh tất cả vì con cháu. Tạ ơn Chúa, cảm ơn Mẹ. Amen.

Thao Thức

Đôi bàn tay Mẹ.

(Nhớ mẹ ngày Mother’s Day)


“Mẹ là tất cả mẹ ơi!

Mẹ là tia nắng trong đời của con.”


Lâu lắm rồi, con chưa được nắm lại đôi bàn tay của mẹ. Nhớ làm sao đôi bàn tay có mặt ngoài rám nắng đen đủi, còn mặt trong thì thô ráp và sần sùi với những cục u sạn, nhưng lòng bàn tay thì luôn mềm mại, phải chăng mẹ muốn dành chỗ mềm mại duy nhất ấy cho con.


Hồi con còn nhỏ…


Mẹ xòe đôi bàn tay và ôm con vào lòng. Con – đứa trẻ đang khóc oe oe. Con chẳng biết lúc đó mình đau bụng hay đói bụng, chỉ biết rằng có bàn tay nhỏ nhắn thân thương vừa xốc vào nách rồi ẵm con lên một không gian mới lạ. Tay mẹ vuốt nhè nhẹ sau lưng và nhẹ nhàng cất giọng hò ngọt sớt. “Hò…ơ…! Ví dầu…


“Bốp… bốp…” tiếng vỗ tay kèm theo những tiếng bặm môi “bụp… bụp…”, mẹ xòe hai bàn tay ngửa ra, con đứng cách đó một quãng không xa lắm. Miệng chúm chím cười để lộ ra hàng nướu chưa có cái răng nào. Con đứng lên nhấp vài cái… như để lấy đà… rồi chạy thẳng vào giữa hai bàn tay của mẹ đang xòe ra. Mẹ đón con rồi lấy tay dí sát đầu con vào người của mẹ, rồi không quên đặt vào đầu, vào má con những cái hôn thắm thiết. “Trời! cưng dữ vậy nè? Con ai mà cưng dữ vậy!”


Đôi bàn tay nắn nót cầm chiếc bình thủy rót nước nóng vào bình sữa, rồi cầm bình nước nguội hòa vào cho âm ấm. Dùng khuỷu tay ôm hộp sữa vào ngực, mẹ lấy ngón tay mở nắp hộp ra. Nhẹ nhàng múc từng muỗng sữa cho vào chiếc bình nhỏ xíu. “Đợi xíu nha con! Mẹ pha sữa cho con nè!”. Lắc nhẹ chiếc bình cho sữa tan dần rồi một tay ôm con ngã ra, tay kia đút bình sữa cho con bú.


Khuya lắm rồi, mẹ vẫn ngồi trên bộ ván cũ kỹ. Để cây đèn dầu bên cạnh. Lâu lâu lại vặn cho tim đèn sáng lên chút xíu để thấy đường. Khuôn mặt nhăn nhăn in hằn lên tấm vách. Mồ hôi nhễ nhại. Tay mẹ xâu từng mũi kim khâu lại chiếc quần cụt hồi chiều con làm rách khi chơi với mấy đứa bạn. Con nằm bên cạnh ngủ say sưa, còn mẹ thì ngồi khâu quần áo cho con để mai con có cái mặc.


Hai tay cầm cái rổ rồi đợi những đợt tép trên mặt kênh, mẹ ngồi chồm hổm trên bờ kênh cố không nhúc nhích để lũ tép con không hoảng sợ mà trốn mất. Vừa thấy những bầy tép bơi tới, mẹ nhanh tay vớt ngay. Con ngồi tựa cửa nhà nhìn ra, thấy mẹ vớt được tép thì mừng tít mắt. Vỗ tay hoan hô lia lịa.

Rồi con dần lớn…


Đôi bàn tay mẹ xoa lên tóc con như một sự khen ngợi cho những thành tích mà con đạt được, đồng thời cũng là đồng cảm khi con gặp khó khăn trong cuộc đời.


Có lúc…


Đôi bàn tay đã tát vào má con những cái thật đau vì những lúc con cãi lời mẹ. Cái tuổi mới lớn của con khiến mẹ phải đau đớn biết bao nhiêu. Con vẫn nhớ sự tê dại trên khuôn mặt con lúc ấy, cảm giác như lũ kiến chạy rần rần từ mặt xuống toàn thân. Con đã nổi giận với mẹ vì cái tát mà con cho là mẹ sai và con đúng…


Mẹ chạy theo sau lưng, đôi tay mạnh mẽ lúc nãy như trở nên yếu ớt hẳn. Mẹ nắm lấy tay con, cố lấy tay nắm đôi vai con để quay người con lại. “Mẹ! Mẹ… xin lỗi con!”, nhưng lúc ấy con đã không chịu nghe lời xin lỗi ấy.


Tiễn con…


Cầm chiếc vali bỏ xuống đất, mẹ móc trong túi áo một nắm những tờ tiền được cuộn tròn trong chiếc khăn màu trắng. Đôi tay gầy nhom nhiều xương xẩu run run đưa hết nắm tiền ấy cho con. “Giữ cẩn thận nha con! Giữ tiền này khi nào cần thì xài!” Con lắc đầu không nhận, mẹ lại dúi vào túi quần của con, cho đến khi con chịu lấy. Rồi mẹ đưa bàn tay đen đủi lên chùi những dòng nước lênh láng trên hai khóe mắt.


Tiếng điện thoại reo lên, mẹ híp đôi mắt lại để nhìn cho rõ màn hình điện thoại. Ngón trỏ run run bấm nút nghe. “Ừ! Con. Mẹ khỏe. Con khỏe hôn?”. Không đợi con trả lời thì mẹ cúp máy. Đôi bàn tay gầy guộc ấy lại chùi nước mắt vì thương nhớ con xa.


Cũng đến lúc…


Đôi bàn tay ấy không còn cảm giác. Có lúc lắc hay cục cựa là do người khác tác động vào, chứ buông ra thì chỉ thõng dài trên tấm khăn trắng. Đôi mắt mẹ vẫn trong dù đã nhiều nếp nhăn. Mẹ vẫn nở nụ cười móm mém nhìn con. Mẹ kêu: “Nắm lấy tay mẹ!”. Con đã nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc trong nước mắt. Con ước gì đôi bàn tay ấy có thêm thịt và da thẳng ra đôi chút. Con ước gì còn sờ những cục u sạn trên những đốt tay. Con ước gì….


-“Mẹ ơi!… Mẹ ơi!…”


Tay mẹ buông xuống đập vào chiếc giường không chút cảm giác. Tiếng máy đo nhịp tim kêu một tràng dài đều nhau. Con cố níu lấy tay mẹ áp vào mặt con, níu lần cuối… rồi thôi!


Tiểu Tuyền

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

Mừng ngày của Mẹ - Con cảm ơn..mẹ yêu của con

Con cảm ơn mẹ, đơn giản chỉ vì… mẹ đã cho con được làm con của mẹ.


Con cảm ơn mẹ vì mẹ đã mang nặng đẻ đau sinh con ra, đã cho con cuộc sống trên cõi đời này.


Con cảm ơn mẹ vì mẹ đã cho con giấc ngủ êm đềm với lời ru ầu ơ ngọt ngào có cánh cò bay lả bay la.


Con cảm ơn mẹ vì mẹ đã giữ chặt tay con trong lần đầu tiên con chập chững biết đi và đỡ con dậy mỗi khi con vấp ngã.


Con cảm ơn mẹ vì mẹ đã cho con biết thế nào bầu trời bao la rộng lớn của con, nơi đó có những vì sao, có chị Hằng, có dải Ngân Hà và có mẹ chỉ của riêng con.


Con cảm ơn mẹ vì những câu chuyện cổ tích với chàng Thạch Sanh dũng cảm cứu nàng công chúa, với cô Tấm chăm chỉ bước ra từ quả thị thơm, với anh Khoai hiền lành, chân chất. Để con tin vào cái thiện luôn chiến thắng cái ác.


Con cảm ơn mẹ vì mẹ đã phải nghỉ việc cùng con trong buổi đầu tiên tới trường.


Con cảm ơn mẹ vì mẹ đã dạy con những chữ cái đầu tiên… O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội nón, Ơ thì thêm râu.


Con cảm ơn mẹ vì mẹ đã dạy con biết cách tự đứng lên và biết cách phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.


Con cảm ơn mẹ vì mẹ đã để con tự đến trường dẫu sáng nào mẹ cũng đi sau con cho tới khi biết chắc con đã vào lớp mẹ mới yên tâm quay đầu xe đi làm. Con cám ơn mẹ đã dạy con biết thế nào là tự lập.


Con cảm ơn mẹ vì mẹ đã không giúp con làm bài tập về nhà, thay vào đó mẹ chỉ giảng cho con hiểu vấn đề bài toán là gì và con phải làm như thế nào?


Con cảm ơn mẹ vì mẹ đã dạy con biết cách tự giải quyết công việc của mình và mẹ chỉ là người định hướng cho con mà thôi!


Con cảm ơn mẹ vì mẹ đã không bênh vực con khi con đánh nhau với bạn, mặc dù con là đứa bị đau nhiều hơn. Bởi lẽ lỗi thuộc về con. Con cảm ơn mẹ vì mẹ đã yêu cầu con phải xin lỗi trước mặt bạn ấy! Con cám ơn mẹ đã dạy con biết nói lời xin lỗi, biết tự chịu trách nhiệm với những việc mình làm.


Con cảm ơn mẹ vì mẹ đã dạy con bài học về lòng nhân ái và sự vị tha!


Con cảm ơn mẹ vì những cái ôm thật chặt mỗi khi con gặp chuyện buồn, dạy con biết cách mỉm cười trước thất bại, và vì ánh mặt mẹ luôn tự hào về con, dẫu cho con không phải là người dẫn đầu.


Con cảm ơn mẹ vì những trận đòn roi cho lỗi của mình để con biết mỗi roi đánh vào người con mẹ còn đau gấp trăm vạn lần.


Con cảm ơn mẹ vì mẹ đã dạy con khóc không phải là yếu đuối và mỉm cười đôi khi không phải là hạnh phúc.


Con cảm ơn mẹ vì những bữa sáng con ăn, mẹ đã không quản rét cắt da cắt thịt hay ngày hè nóng nực, sáng nào cũng vậy mẹ dậy từ 5h sáng để chuẩn bị bữa ăn riêng cho con.


Con cảm ơn mẹ vì mẹ đã kể cho con nghe mối tình đầu của mẹ khi con bị người ấy bỏ rơi. Chỉ đơn giản là thế thôi nhưng với con khi ấy mẹ thật tuyệt vời!


Con cảm ơn mẹ vì những bữa cơm gia đình đầm ấm do chính tay mẹ nấu dành cho ba bố con con mặc dù nhà mình đã có người giúp việc, vì những bộ quần áo lúc nào cũng thơm mùi nắng do chính tay mẹ giặt, mẹ phơi, mẹ gấp gọn gàng.


Con cám ơn mẹ vì mẹ đã dành cho con tình yêu vô bờ bến!


Con cám ơn mẹ bởi mẹ luôn ở đó, bên cạnh con, bởi mẹ không chỉ là người bạn thân nhất mà mẹ còn là người thầy đầu tiên dẫn con đi trên đường đời.


Con cảm ơn mẹ vì lúc nào với mẹ con cũng chỉ là một đứa trẻ, để con tha hồ nũng nịu nằm trong vòng tay của mẹ, để mỗi khi mệt mỏi con lại được trở về bên mẹ. Con cảm ơn mẹ vì tất cả những gì mẹ đã dành cho con.


Con cảm ơn mẹ, đơn giản chỉ vì… mẹ đã cho con được làm con của mẹ

Thánh Giá cuộc đời – Sự vô lý trong hợp lý


Vậy thập giá mà chúng ta phải vác hàng ngày để theo Đức Giê su là những gì? Thánh giá đó có thể đến từ người thân trong gia đình, từ vợ, chồng, con cái, anh chị em…xuất phát từ sự thiếu chung thủy, cảm thông, kính trọng, tha thứ, quan tâm, cộng tác, đối thoại, tình thần trách nhiệm và thời gian dành cho nhau… Sự nghèo túng, bệnh tật, tai nạn, thất bại trong cuộc sống hay những mâu thuẫn, xung đột, những bổn phận mình phải làm mỗi ngày hay việc chấp nhận sống theo Luật Chúa…cũng được xem là những thánh giá mỗi ki tô hữu phải vác trong suốt cuộc đời mình.


Nhiều người xem đó là như điều hiển nhiên mà không một ai có thể tránh khỏi trong cuộc đời.


Ấy thế mà không biết bao lần ta ngửa mặt lên trời hay úp mặt mà khóc than tại sao “tôi lại khổ thế này”; “tại sao ông trời lại đối xử bất công với tôi như vậy”; “ Chúa ơi, con phải đau khổ đến bao giờ”….Đã có hàng ngàn câu hỏi được đặt ra và chẳng thể nào lý giải được những thắc mắc ấy để rồi chúng ta nghĩ rằng cuộc đời này vẫn còn nhiều thứ thật vô lý và bất công. Thật vậy, thánh giá là điều có vẻ không thể hiểu được, không thể chấp nhận được và xảy ra thật bất ngờ. Nhưng nếu ta biết chấp nhận đón lấy thì đó lại là điều có lý như khi yêu ta sẵn sàng chấp nhận tất cả chỉ để được sống với tình yêu.


Tựa như câu chuyện của một người đàn bà không sao có thể chấp nhận cái chết của người chồng đã gắn bó với mình sau gần 40 năm và ông đã từ bỏ thế gian ra đi bởi căn bệnh ung thư quái ác chỉ sau 9 tháng phát bệnh. Từ đầu bà không tin vào sự thật là chồng mình mắc căn bệnh quái ác “ung thư thực quản” khi ông đang rất khỏe mạnh và theo suy nghĩ của bà, đúng lý ở cái tuổi mà lẻ ra ông phải được an nhàn, hạnh phúc bên con cháu khi tất cả chúng đã trưởng thành, yên bề gia thất. Hơn thế, ông ấy vốn là người hiền lành, tình cảm, được nhiều người quý mến…sao lại có thể đón nhận kết cục chẳng mấy có hậu như vậy, sao mọi thứ lại vô lý đến thế. Có biết bao câu hỏi bà đã đặt ra mà bà cho đó là vô lý. Vẫn biết không thể thay đổi sự thật nhưng bà vẫn hy vọng có một phép mầu đến với chồng mình. Bà đã cùng ông đi khắp các bệnh viện chữa trị, mặc cho sự phản đối quyết liệt của ông là hãy chấp nhận sự thật và chờ đợi ngày Chúa gọi. Điều gì đến sẽ đến, sự ra đi của người chồng khiến bà và những người thân trong gia đình cảm nhận như không gì có thể bù đắp được nỗi đau của sự mất mát ấy. Người đàn bà như rơi vào trạng thái tuyệt vọng, u sầu. Thậm chí ngay khi có một linh mục an ủi bà rằng “Chúa đã cất giùm con gánh nặng” người đàn bà ấy vẫn một mực không đồng ý và nguyện rằng dẫu có thế nào bà vẫn cam lòng gánh lấy gánh nặng ấy miễn sao mỗi ngày bà thấy được sự hiện hữu của ông trong gia đình. Bà đã tự dằn vặt mình như thế suốt thời gian dài.


Mãi đến một ngày nút thắt trong lòng bà như được mở ra và bà mới có thể chấp nhận cái chết của chồng mình như một định mệnh đã được Chúa sắp đặt theo ý Ngài. Đó là sau khi bà tham dự buổi tĩnh tâm, ở đó bà được nghe Cha giảng phòng thuyết giảng về thánh giá mà Chúa Giêsu đã gánh chịu để chuộc tội cho nhân loại, qua đó Cha mời gọi mọi người suy nghĩ về Thánh giá cuộc đời mình. Mỗi người hãy học cách đón nhận Thánh giá cuộc đời mình như một điều không thể chối bỏ như chính Chúa Giê su đã chấp nhận bị đóng đinh vào thập giá như bằng chứng sống động cho tình yêu của Người đối với nhân loại và Chúa Cha.


Cuộc sống hàng ngày còn biết bao điều xảy ra mà nhiều người vẫn cho rằng nó là vô lý, không chấp nhận đón lấy để rồi cứ tự đắm mình trong đau khổ không lối thoát và quên rằng đó chính là những thánh giá cuộc đời mà Chúa đã đẽo gọt cho mỗi một người chúng ta. Ngài muốn chúng ta hãy sẵn sàng gánh lấy thánh giá cuộc đời mình trong mọi hoàn cảnh như cách để chứng minh cho tình yêu và lòng thủy chung với Ngài. Thế nhưng, không biết bao lần chúng ta đã không đủ can đảm đón nhận và muốn chút bỏ để chạy theo những hư vô, ảo tưởng của cuộc đời, mãi mê với những cuộc rượt đuổi, tìm kiếm hảo huyền để rồi cứ mãi bị xô đẩy trong cái vòng lẩn quẩn của khổ đau mà chính chúng ta gây ra.


Những điều ấy như dễ dàng bắt gặp trong tình yêu, chính chỗ không chấp nhận sự khác biệt của nhau được cho là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ khi một trong hai người bỗng nhận ra một nửa của mình không như mong đợi, không giống như khi chưa cưới nhau. Theo thống kê có đến trên 70% nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ được đưa ra là do không hợp nhau. Điều đó thật mâu thuẫn với lý do ban đầu họ chấp nhận kết hôn là bởi họ yêu nhau, muốn thuộc về nhau và lúc bấy giờ thật khó để đưa ra được lý do nào có thể khiến họ xa nhau. Đã có những cặp đôi yêu nhau nhưng bị ngăn cấm và để chứng minh cho tình yêu của mình họ đã tìm đến cái chết để bảo vệ tình yêu, để thỏa mãn niềm khao khát được bên nhau. Song thực tế cũng có không ít trường hợp từ chỗ yêu nhau, nguyện suốt đời chung sống với tình yêu nhưng sau một thời gian chung sống họ lại nhanh chóng và dễ dàng chấp nhận chia tay với lý do thật đơn giản là không hợp nhau mặc cho sự hòa giải của gia đình, pháp luật và cả cộng đoàn. Bấy giờ mỗi người đều cho rằng mình là người có lý, còn người kia là vô lý và sự vô lý ấy không thể tồn tại trong đời sống hôn nhân. Dường như lúc này cái tôi của mỗi người đều được đặt ở vị trí cao nhất trong tính cách và lý trí của mình để rồi không ai chấp nhận ai ngay cả khi trong lòng không muốn có sự đổ vỡ nào xảy ra nhưng vẫn không ai chịu chấp nhận từ bỏ cái tôi của mình để có được điều mình mong muốn. Họ nghĩ rằng bỏ đi cái tôi chính là tự hạ thấp mình và mình trở nên nhỏ bé trước mặt người khác. Vì thế có người đã chấp nhận tất cả những hậu quả có thể xảy ra chỉ vì muốn bảo vệ cái tôi quá lớn của mình. Theo kết quả thống kê từ các cuộc điều tra xã hội học cho thấy những tội phạm hoặc những đứa trẻ hư hỏng, thất học…phần lớn đều có nguyên nhân từ sự thiếu giáo dục của gia đình hay từ chính sự đổ vỡ của bố mẹ. Gia đình là cái nôi trong việc hình thành giáo dục nhân cách của một đứa trẻ. Một đứa trẻ sinh ra, lớn lên nếu thiếu tình thương yêu, giáo dục của cả bố lẫn mẹ hoặc lớn lên trong cảnh bạo lực gia đình.. tất cả sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành nên tính cách của đứa trẻ sau này.


Để câu nói “giá như” lúc này không trở thành quá muộn, thay vì chúng ta cứ luôn dày vò trong tự ti, đau khổ, trách cứ bản thân, đổ lỗi cho  hoàn cảnh đã không cho chúng ta có cơ hội để đạt đến những thang giá trị vật chất, mức độ thăng tiến trong sự nghiệp, những thứ mà người đời vẫn hay xem như thước đo để đánh giá về sự thành công, hạnh phúc trong cuộc sống, đi tìm lời giải cho những điều mà chúng ta nghĩ là vô lý, bất công thì chúng ta hãy biết chấp nhận và thay đổi từ chính trong suy nghĩ, hành động của mình, sẵn sàng đón nhận lấy thánh giá cuộc đời mình và cả thánh giá của những người thân như một điều kiện để theo Đức Giêsu- người mà hàng ngày chúng ta vẫn thờ lạy, tuyên xưng niềm tin.


Lạy Chúa, xin cho chúng con mỗi ngày có thêm niềm tin, sự can đảm để sẵn sàng mở lòng đón nhận những thánh giá cuộc đời mà Chúa đã dành cho chúng con để ngày càng sống xứng đáng với tình yêu bao la mà Chúa đã dành cho chúng con. Amen.



Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Thánh Giuse lao động để chăm sóc gia đình


 Để có được một cuộc sống ấm no và hạnh phúc, con người phải trải qua rất nhiều vất vả lầm than trong công việc lao động. Lao động thường làm chúng ta mệt mỏi, phải đổ nhiều mồ hôi nước mắt, nhưng nhờ chính việc lao động lại giúp chúng ta kiến tạo cuộc sống tươi đẹp hơn và chúng ta cũng được cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Hôm nay Giáo Hội mừng kính một vị thánh là mẫu gương lao tác tuyệt vời mà mỗi người chúng ta được mời gọi để noi theo và nên thánh trong bổn phận của chính mình.


Thánh Giuse được chọn làm bổn mạng của Giáo Hội hoàn vũ (năm 1870) và là Quan thầy Giáo hội Công giáo Việt Nam (1997). Vào năm 1955, Đức Thánh Cha Pio XI đã chọn thánh Giuse làm bổn mạng của những người lao động. Kể từ đó, thế giới đã chọn ngày 01 tháng 05 là ngày lễ tôn vinh lao động. Bởi nơi thánh nhân, chúng ta dễ dàng nhận ra ngài vai trò trụ cột trong gia đình, đã cần lao làm việc để lo sao cho thánh gia được bình an và hạnh phúc. Chính nhờ những hy sinh của thánh Giuse mà Con Thiên Chúa làm người là Đức Giêsu được lớn lên về thể lý, vững mạnh về tinh thần và có thể trở nên một con người trọn vẹn.


Sách Tin Mừng nghi nhận là sau một khoảng thời gian lánh nạn bên Ai Cập, thánh Giuse đưa Đức Mẹ và Hài nhi Giêsu trở về Nagiarét. Nơi đây, hẳn là thánh Giuse đã ưu tư lo lắng rất nhiều để làm thế nào có thể chu toàn bổn phận chăm lo và gìn giữ gia đình trong hoàn cảnh hết sức túng nghèo này. Quả vậy, phải miệt mài lao động, vất vả làm ăn, và phải gặp biết bao khó khăn, thánh Giuse mới có thể giúp gia đình ổn định kinh tế và vợ con được cơm no áo ấm. Mặc dầu việc chi tiêu của thánh gia rất đơn giản, nhưng là một trụ cột trong gia đình, chắc là thánh Giuse đã phải trăn chở ngày đêm để cùng với Đức Mẹ chăm sóc chu đáo cho Giêsu. Với tình yêu và trách nhiệm của người cha, người chồng, thánh nhân chẳng ngại khó khăn, không nản lòng trước biết bao khó nhọc của nghề thợ mộc. Ngài đã miệt mài cần mẫn lao động vất vả để kiếm tiền nuôi sống gia đình.


Là người bảo vệ thánh gia, ngài yêu thích công việc lao động. Với ngài, lao động phải đặt tin tưởng và cậy trong vào Thiên Chúa; để từ đó mới có tình yêu, lòng phấn khởi cùng lao tác với Thiên Chúa. Nơi cuộc sống âm thầm ở vùng thôn quê hẻo lánh xứ Nagiarét, chúng ta bắt gặp một người hăng say làm việc với lòng mến yêu và tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã ban ơn trợ lực cho ngài, giúp ngài làm tròn trách nhiệm một người chồng, người cha nuôi của Đức Giêsu. Nhờ đó, thánh gia mới có được một cuộc sống thật êm đềm hạnh phúc nơi xóm nghèo thôn quê.


Là một công nhân, thánh Giuse thấu hiểu được nỗi vất vả cơ cực của lao động. Dưới cái nắng cháy da hay dưới áp lực của công việc, ai cũng có nhu cầu được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Nơi gia thất năm xưa, thánh Giuse cũng tìm thấy nhiều niềm vui và hạnh phúc khi được chung chia cuộc sống với Đức Mẹ và với Chúa Giêsu. Như thế, một mặt ngài nỗ lực lao tác để chăm sóc cho gia đình; mặt khác ngài cũng nhận được nguồn hạnh phúc từ Thánh Tử Giêsu. Nhờ đó, sức nặng của công việc cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Có Chúa Giêsu, thánh nhân được nghỉ ngơi bồi dưỡng, được có thêm sức sống để tiếp tục lao động hăng say. Chính Giêsu là nguồn sức lực để thánh nhân làm việc, và lướt thắng mọi bôn ba của kiếp người.


Hôm nay, thánh Giuse cũng muốn chia sẻ mọi khó nhọc với chúng ta. Hẳn là ai cũng muốn cuộc đời ấm êm, sẵn sàng lao động để xây dựng một cuộc sống bình an sung túc. Trong khốn khó của phận người, chúng ta hãy đến cùng Giuse để ngài chia vơi nỗi khốn cùng của chúng ta, để ngài nài xin Thiên Chúa cho ta lấy lại sức để bước tiếp trên đường đời. Nhờ vị thế uy quyền của thánh Giuse trước nhan thánh Chúa, lời khẩn nguyện của chúng ta sẽ được Thiên Chúa nhận lời và ban cho ta muôn vàn ân phúc.


Ước chi trong mọi công việc lao động làm ăn, chúng ta luôn bắt chước thánh Giuse ân cần làm việc trong tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng. Để sau khi lao động hết mình, với lòng tin yêu lớn lao, chúng ta cũng được Thiên Chúa trao ban phần thưởng quý giá là hạnh phúc Nước Trời. Bởi lẽ một người thợ biết phó thác mọi công việc mình làm thì xứng đáng đón nhận niềm vui ấy; một tôi tớ trung thành thực thi thánh ý Chúa thì mọi lao nhọc đều trổ sinh hoa trái của bình an vui sướng. Dẫu cuộc sống chúng ta còn nhiều long đong cơ cực, nhưng noi gương thánh Giuse là vị thánh miệt mài lao động với tất cả tình yêu, chúng ta sẽ nhận được sức mạnh để lướt thắng mọi gánh nặng của cuộc đời.


Lạy thánh cả Giuse là cha nuôi chăm sóc Chúa Giêsu và Ðức Trinh nữ Maria, xin giúp chúng con biết chạy đến với ngài. Xin thánh Giuse giúp chúng con biết rằng bất cứ ai chạy đến với ngài đều được ngài ân cần dẫn đến với Giêsu để được yêu thương, nghỉ ngơi bồi dưỡng. Cùng với ngài, chúng con dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng con có khả năng lao động để vinh dự góp phần vào công trình sáng tạo. Nhờ đó, cuộc sống của chúng con là chuỗi ngày của niềm vui hạnh phúc. Xin Ngài chuyển cầu cùng Chúa giúp chúng con. Amen.


Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ


Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

Mẹ ơi! chúng con bế tắc rồi


 Kính gửi Mẹ yêu,


Mỗi độ Tháng Năm về, đoàn con khắp nơi trên thế giới đặc biệt quy hướng về Mẹ với nhiều tâm tình. Nhân dịp này, đoàn con cũng khao khát gửi gắm những khắc khoải đang đeo bám trong tâm hồn lúc này. Xin Mẹ lắng nghe, thấu hiểu và chuyển cầu cùng Chúa cho con cái của Mẹ nơi trần gian này.


Mẹ ơi!


Suốt hơn một năm qua ròng rã với đại dịch Covid-19 và những biến động kéo theo, nhân loại đã phải chống chọi và nỗ lực rất nhiều để không rơi vào tình thế bi quan và chán nản, nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó… Khắc khoải mà đoàn con muốn nói với Mẹ là: “Mẹ ơi! Chúng con bế tắc rồi!”.


Một lời kêu than vắn tắt nhưng gói gọn những gì cần nói và nên nói. Cảm giác “bế tắc” là sự bất lực và mệt mỏi trước những bủa vây quá sức mà cuộc đời dành cho chúng con. “Phải làm gì đây?” Câu hỏi mà con người đã phải lặp đi lặp lại hàng trăm lần khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa, cùng Mẹ và các thánh để xin được chỉ một con đường giải thoát. Đem những khắc khoải ấy chia sẻ cùng bạn bè và những người thân yêu, nhưng kết quả nhận lại vẫn là sự im lặng và cái lắc đầu vô vọng. Có một sự tĩnh lặng đáng sợ đến nỗi để lại trong tâm hồn con người một sự ám ảnh kinh hoàng. Chưa bao giờ nhìn thấy đời người mỏng manh và dễ qua đi như thế này. Nhắm mắt tối hôm nay mà không thể biết trước ngày mai, thậm chí là vài tiếng đồng hồ nữa, mình sẽ ra sao?


Nhiều người phải thay đổi công việc liên tục. Đại dịch bùng lên bất ngờ và họ bị sa thải vì công ty không đảm bảo chi trả cho toàn bộ nhân viên trong công ty. Lãnh tháng lương cuối cùng họ đã khóc. Giọt nước mắt bực tức và đau lòng vì đàng sau họ là một gia đình với nhiều miệng ặn, đồng thời họ còn phải chi trả bao nhiêu thứ cho cuộc sống. Tháng lương cuối cùng như một cảnh báo cho họ biết gia đình họ sắp rơi vào nghèo đói. Cứ thế, xin việc ở công ty này làm được vài tháng thì dịch lại bùng lên, và kết quả cứ như những công ty trước đó. Có người chia sẻ rằng: “Tôi thấy đời mình như một con rối trong vần xoay của đại dịch. Xoay hết chỗ này sang chỗ khác. Từ đau khổ này đến đau khổ khác. Thứ virus gì mà tàn nhẫn thế?”.


Ở phương trời xa, có người thân báo tin rằng virus corona đã cướp mất người thân của họ mới ngày hôm qua. Dù đã đeo khẩu trang và phòng ngừa rất kỹ lưỡng, nhưng thứ virus ấy vẫn không tha cho họ. Vừa phát sốt sau khi tan ca chiều họ được đưa đi cách ly và chưa đầy hai mươi bốn tiếng thì họ ra đi vĩnh viễn. Cơn ác mộng kinh hoàng chụp lên cả gia đình khiến chẳng ai trong gia đình còn chút tinh thần nào cả. Có lẽ hạn từ “quay quắt” khá chính xác để diễn tả tình trạng của họ ngay lúc này. Tình hình Covid-19 tăng mạnh khiến mọi hoạt động của họ đều bị kiểm soát. Ngay cả việc đi siêu thị hoặc ra chợ mua thực phẩm hay nhu yếu phẩm đều là những hành động không cần thiết. Họ đúng nghĩa “tự nhốt” mình để khỏi lây nhiễm và cô lập đời mình theo từng cụm gia đình đơn lẻ.


Mẹ kính yêu của đoàn con,


Vì những khắc khoải mà Mẹ vừa nghe trên, nên tháng Hoa năm nay không diễn ra như những tháng Hoa trước đây. Đâu còn những đóa hoa tươi thắm với nhiều màu sắc lung linh hút mắt dưới chân bàn thờ, cũng chẳng còn những điệu múa điêu luyện để tỏ lòng kính mến Mẹ thật nhiều. Giờ đây, mỗi người chúng con đang hướng về Mẹ trong sự cô lập, nước mắt và cầu xin. Chúng con tin rằng Mẹ thấy và hiểu tất cả những “quay quắt” mà từng người chúng con phải gánh chịu, vì Mẹ là Mẹ của chúng con.


“Mẹ ơi! Chúng con bế tắc rồi!”. Chúng con tin rằng Mẹ đã hiểu cảm giác “bế tắc” khó tả bằng lời ấy. Dịch bệnh vẫn tăng mỗi ngày kéo theo số người nhiễm bệnh và qua đời tăng vọt. Cuộc sống vẫn đầy ắp những khó khăn và thách đố. Cảnh màn trời chiều đất là những thực tại để minh chứng cho sự “bế tắc” của đoàn con. Xin Mẹ thương chúc lành cho đoàn con trên khắp thế giới. Xin Mẹ không ngừng chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con như xưa nay Mẹ đã làm.


Tuy vậy, giữa những “quay quắt”, chúng con tin rằng chưa lúc nào chúng con lại dâng lên Mẹ những đóa hoa ý nghĩa và chân thành như lúc này phải không Mẹ? Mẹ đã không cần những thứ hoa mắc tiền cho bằng hoa lòng mà mỗi người chúng con đều sẵn có. Mẹ cũng không thiết gì những điệu múa công phu cho bằng niềm cậy trông vững vàng vào Thiên Chúa nơi mỗi người chúng con trong lúc hoạn nạn này. Chính vì niềm cậy trông ấy, dù “bế tắc” nhưng vẫn cầm tràng chuỗi Mân Côi trong tay, chúng con dám đọc lên những lời kinh nhịp nhàng, đều đặn và xác tín.


Kính mừng Maria đầy ơn phước/ Đức Chúa Trời ở cùng Bà/ Bà có phước lạ hơn mọi người phụ nữ/ và Giêsu con lòng Bà gồm phước lạ.


Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời/ cầu cho chúng con là kẻ có tội/ khi này và trong giờ lâm tử. Amen.


Little Stream

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...