Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Xin vâng như Mẹ

Cuộc gặp gỡ giữa sứ thần Gabrien và Trinh nữ Maria làng Nagiarét có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó đánh dấu một khúc rẽ trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Cuộc gặp gỡ này cũng làm thay đổi thân phận và tương lai của nhân loại. Sứ thần đại diện cho trời cao, thôn nữ đại diện cho đất thấp. Qua lời “Xin vâng” huyền diệu, Trời Cao và đất thấp đã gặp gỡ nhau và trở nên một Con Người trong lòng Trinh Nữ. Con Người ấy là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng vừa là Chúa, vừa là Người. Từ nay, Thiên Chúa không còn ở xa tít tắp, nhưng trở nên gần gũi con người. Mầu nhiệm Nhập Thể được khởi đầu với tiếng thưa “Xin Vâng”. Trải dọc suốt mọi thời đại và cho đến ngàn sau, tiếng xin vâng của Đức Trinh nữ Maria đã trở nên mẫu mực cho mọi tín hữu trong hành trình đức tin.

Cận ngày lễ Giáng Sinh, Phụng vụ mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng hình ảnh của Đức Trinh nữ Maria, để từ đó, giúp chúng ta đón Chúa với tâm tình của Đức Mẹ. Chúa vẫn đang đến với chúng ta trong cuộc đời. Ngài vẫn kiên nhẫn gõ cửa tâm hồn con người. Có những người nhiệt thành mở cửa đón Chúa. Những người khác lại chối từ vì không muốn hệ lụy. Hình ảnh người chồng và người vợ đang mang thai lang thang gõ cửa quán trọ ở thị trấn Belem năm xưa vẫn đang hiện hữu trong xã hội của chúng ta. Tuy vậy, nếu Chúa gõ cửa tâm hồn chúng ta, không phải vì Ngài có nhu cầu, nhưng để mời gọi chúng ta chia sẻ niềm vui và hạnh phúc của Ngài, đồng thời nhận ra mình được Chúa yêu thương.

Như Đức Trinh nữ thành Nagiarét, những ai muốn mở rộng lòng đón Chúa cần có tâm tình khiêm nhường. Các tác phẩm hội họa, khi trình bày cuộc truyền tin, đều diễn tả Đức Maria trong tư thế khiêm nhường. Sự khiêm nhường được thể hiện qua lời thưa: “Này tôi là nữ tì của Chúa…”. Khiêm nhường là để cho lòng mình trống rỗng, không còn những tham vọng, nhờ đó dễ dàng đón Chúa ngự đến. Khiêm nhường cũng là sự sẵn sàng, để Chúa sử dụng mình theo ý Ngài muốn, như người họa sĩ tự do sử dụng cây cọ, vẽ nên những bức tranh tuyệt tác. Trong cuộc sống hiện tại, con người cậy vào sức mạnh của vật chất, vào trí tuệ và những phát minh của công nghệ kỹ thuật. Họ nghĩ những điều đó sẽ là (hoặc đã là) những “thượng đế” họ tôn thờ. Vì vậy, họ không có nhu cầu tìm kiếm Thiên Chúa. Trong thực tế, mặc dù có những thành tựu khoa học và những phát minh vượt bậc về kỹ thuật, đến một ranh giới nào đó, con người vẫn phải nghiêng mình kính phục Đấng làm nên mọi nguyên lý trong vũ trụ. Bởi lẽ, Thiên Chúa là Đấng đặt để những định luật, giống như những ẩn số trong vũ trụ này. Các nhà khoa học là những người nghiên cứu để giải mã những định luật đó. Những phát minh của con người chỉ là một phần rất nhỏ trong những gì Thiên Chúa đã “gài đặt”. Một khi khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ là tạo vật nhỏ bé trước Thiên Chúa, con người sẽ mở rộng tâm hồn để đón nhận Ngài.

Như Đức Trinh nữ thành Nagiarét, những ai muốn mở rộng đón Chúa cần có sự tín thác nơi Ngài. Trước lời đề nghị của Sứ thần: “Này Bà sẽ thụ thai, và sinh hạ một con trai…”, Trinh nữ bối rối, bởi lẽ Trinh nữ đã khấn với Chúa trọn đời sống trinh khiết. Sự bối rối này không phải do nghi ngờ quyền năng của Chúa, mà xuất phát từ lòng trung tín với những gì đã cam kết với Ngài. Sứ thần đã giúp Trinh nữ an tâm, khi khẳng định rằng, mặc dù mang thai và sinh hạ, Trinh nữ vẫn trung tín trọn vẹn với lời thề hứa với Chúa. Đức Maria đã hoàn toàn tín thác vào Chúa. Mẹ tin rằng Chúa làm được mọi sự. Mẹ cũng không cần phải giải thích với Giuse, người bạn đời đã đính hôn, về thai nhi trong lòng mình, vì Mẹ biết, nếu Chúa đã khởi sự chương trình của Ngài, thì Ngài cũng sẽ tiếp tục làm cho mọi sự được tốt đẹp, vào thời điểm Ngài muốn và với cách thức Ngài muốn. Lòng tín thác của Trinh nữ Maria dẫn tới việc Mẹ chấp nhận mọi hệ lụy đi kèm. Bởi lẽ, đối với Trinh nữ, thực hành Thánh ý của Chúa là ưu tiên và quan trọng nhất trong đời. Trong cuộc sống hôm nay, đôi khi hai chữ “Công giáo” gây phiền lụy và thiệt thòi trong một số nghề nghiệp hay cho những ai muốn tiến thân trong guồng máy lãnh đạo. Không ít tín hữu đã ngại ngùng khi nhận mình là người Công giáo, nhất là trong môi trường kinh doanh và trí thức. Hình ảnh Đức Trinh nữ Maria trong ngày truyền tin giúp chúng ta can đảm theo Chúa và vững vàng tuyên xưng đức tin, dù có những hệ lụy phức tạp trên đường đời. Trong bài huấn đức thứ Tư, ngày 28-6-2017, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Các kitô hữu là những người nam nữ đi “ngược dòng đời”: Đó là điều bình thường, bởi vì thế giới bị ghi dấu bởi tội lỗi, được biểu lộ ra trong nhiều hình thức khác nhau của ích kỷ và bất công, ai theo Chúa Kitô thì bước đi trên hướng ngược lại. Không phải vì tinh thần tranh luận nhưng vì trung thành với cái luận lý của Nước Thiên Chúa, là một luận lý của niềm hy vọng và được diễn tả ra trong kiểu sống dựa trên các chỉ dẫn của Chúa Giêsu”.

Như Đức Trinh nữ thành Nagiarét, một khi đón nhận Chúa Giêsu, chúng ta hãy lên đường loan báo cho mọi người, để giúp họ đón nhận Đấng là Vua Hòa Bình. Sau ngày truyền tin, Mẹ đã vội vã lên vùng sơn cước, nóng lòng loan báo cho gia đình người chị họ của mình là bà Êlisabét tin vui: Thiên Chúa đã viếng thăm Dân Người. Niềm mong đợi ngàn xưa đã đến. Kỷ nguyên mới đã khai mở và hết thảy mọi người đều được mời gọi cộng tác để Tin Mừng được loan truyền cho mọi tạo vật. Như Đức Maria, mỗi chúng ta cũng mang trong mình Chúa Giêsu, và chúng ta có bổn phận giới thiệu Chúa cho mọi người. Sứ mạng loan báo Tin Mừng gắn liền với đời sống Kitô hữu, bất kể trong hoàn cảnh địa vị và bậc sống nào. Trong thánh lễ tại Myanmar, sáng 30-11-2017, Đức Thánh Cha đã nói với các bạn trẻ: “Một vài người trong các bạn tự hỏi làm sao có thể nói về những loan báo vui mừng khi mà quanh chúng ta có bao nhiêu người đang đau khổ. Đâu là những tin vui khi mà bao nhiêu bất công, nghèo đói và lầm than tỏa bóng đen trên chúng ta và thế giới? Nhưng tôi muốn rằng từ nơi này phát sinh một sứ điệp rất rõ ràng. Tôi muốn dân chúng biết rằng các bạn là những người trẻ nam nữ của Myanmar, không sợ tin nơi việc loan báo vui mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa, vì lòng thương xót ấy có một tên và một khuôn mặt: đó là Đức Giêsu Kitô. Trong tư cách là những sứ giả Tin Mừng như thế, các bạn sẵn sàng mang lời hy vọng cho Giáo Hội, cho đất nước các bạn và cho thế giới. Các bạn sẵn sàng mang tin vui cho anh chị em đang đau khổ và cần những lời cầu nguyện, tình liên đới của các bạn và cả sự hăng say của các bạn đối với các quyền con người, công lý, sự tăng trưởng những gì mà Chúa Giêsu ban, đó là tình thương và hoà bình”.

Hãy thưa xin vâng như Mẹ. Lời thưa ấy trải dài trong suốt cuộc sống. Nhờ lời thưa xin vâng huyền diệu ấy, chúng ta có thể đón nhận Chúa Giêsu cùng với thập giá của Người. Thiên Chúa không để cho ai ngã gục hoặc thử thách quá sức mình. Sự khiêm nhường và lòng tín thác cậy trông sẽ giúp chúng ta có sức mạnh và ơn siêu nhiên, để luôn vững bước trên đường đời. Chúa đang ở cùng chúng ta, để chung chia phận người và đỡ nâng chúng ta trong cuộc sống.

Hải Phòng, Giáng Sinh 2017

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

KiTô Hữu, Bạn Là Ai?

Trên đường đi, cảnh sát giao thông chặn tôi lại, kiểm tra giấy tờ. Tôi xuất trình thẻ chứng minh nhân dân, trong đó có ghi sẵn họ và tên, địa chỉ, ngày và nơi sinh của tôi. Thế là cảnh sát hài lòng, vì đã biết được tôi là ai trong giấy tờ. Nhưng cảnh sát lại không biết tôi làm những việc gì, những mối quan hệ của tôi, những suy nghĩ của tôi, lý tưởng của tôi, niềm vui, nỗi buồn của tôi. Tất cả những điều đó ông không cần lưu tâm. Ông đã cầm được giấy chứng minh nhân dân chính thức của tôi và thế là đủ. Nếu có cần thì hỏi thêm giấy chủ quyền xe gắn máy và thuế lưu hành.

Ngày xưa, khi Gioan Tẩy Giả công khai xuất hiện bên bờ sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối, dân chúng tuôn đến với ông, khiến nhà cầm quyền đạo đời Do Thái phải thắc mắc: Ông ấy là ai? Và họ cử phái đoàn đến điều tra xét hỏi. Họ đã mở cuộc phỏng vấn: Ông là ai? Gioan Tẩy Giả đã không xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu, đã không nêu tên tuổi, địa chỉ, lý lịch của mình, nhưng ông nói rõ sứ mạng, lý tưởng của ông, sự dấn thân, ơn gọi và lẽ sống của ông: “Tôi là tiếng của người kêu trong sa mạc… Tôi đây làm phép rửa bằng nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Gioan Tẩy Giả hướng toàn bộ cuộc đời ông về Đức Giêsu. Bản thân ông không là gì cả. Cuộc đời ông, sứ mạng ông, đam mê của ông chính là loan báo Đấng Kitô. Ngài đến mặc khải cho con người ý nghĩa của cuộc sống và lịch sử của họ. Ngài mang đến cho con người Tin Mừng: Thiên Chúa là tình yêu, là ơn tha thứ, là bình an và niềm vui cho nhân loại. Cho đến chết, Gioan Tẩy Giả là tiếng hô dọn đường cho Chúa đến.

Hôm nay, chúng ta hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình: Kitô hữu, chúng ta là ai? Như người ta đã chất vấn Gioan Tẩy Giả: “Ông là ai? Ông nói gì về chính mình?”

Chúng ta không đơn giản trả lời bằng cách xuất trình giấy chứng minh có ghi “Thiên Chúa giáo” hoặc giấy rửa tội của chúng ta ra. Vấn đề là, như Gioan Tẩy Giả, chúng ta trả lời về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta, về động cơ bên trong thúc đẩy và chi phối cuộc đời chúng ta. Chắc chắn chúng ta còn nhớ câu chuyện sau đó, khi Gioan đang ở trong tù, ông đã sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu là ai. Chúa Giêsu đã trả lời: Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được khỏi, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng và phúc thay người nào không mất niềm tin vào tôi” (Lc 7,12-23). Chúng ta cũng hãy tự trả lời về chính mình bằng chính những việc làm của chúng ta, bằng chính cách sống của chúng ta. Cả cuộc đời chúng ta phải nói về Đức Giêsu, phải loan báo Đức Giêsu và sứ mạng của Ngài.

Kitô hữu là ai?

Là những người đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ, thiếu nhi, những người yêu mến Đức Giêsu. Nhưng không phải như người yêu thích một đồ vật hay một nhân vật đã đi qua, cũng không phải như người ta yêu thích một bài hát hay, hoặc một văn sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đã chết. Người Kitô hữu yêu mến Đức Giêsu như một người yêu, như một người bạn. Bởi vì, đối với chúng ta, Đức Giêsu chẳng phải là một nhân vật đã đi vào quá khứ, nhưng Ngài hiện đang sống với chúng ta, trong chúng ta. Chúng ta yêu mến Ngài. Chính tình yêu này là động cơ thúc đẩy chúng ta làm việc cho Ngài và tiếp tục công việc của Ngài: đó là yêu thương những con người nghèo khổ, giải phóng những kẻ bị áp bức, bóc lột, chữa lành những tâm hồn tan vỡ, đem tự do đến cho những kẻ bị giam cầm, loan báo Tin Mừng cho những con người bất hạnh. Trong thời đại chúng ta, vẫn còn có Mẹ Têrêxa của cộng đoàn Thừa Sai Bác Ái, Sư Huynh Roger Schutz của cộng đoàn Taizé, cha Pierre của cộng đoàn Emmau, và còn biết bao tấm gương âm thầm khác nối tiếp bước chân Gioan Tẩy Giả.

Hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta trở nên những con người của niềm vui và đem niềm vui của Chúa đến cho người khác. Chẳng phải chỉ nói rằng: tôi là người có đạo, tôi đi nhà thờ, tôi thuộc họ đạo này, giáo xứ nọ. Nhưng chính yếu là chính cuộc sống của tôi, hành động của tôi, sự chọn lựa của tôi như Đức Giêsu đã sống, đã hành động và đã chọn lựa. Ngày nay chúng ta cần có nhiều người như Gioan: cởi mở, can đảm, thẳng thắn làm chứng cho Đức Kitô không những bằng lời nói mà nhất là bằng hành động cụ thể, đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người. Với những chứng tá ấy, người ta sẽ nhận ra chúng ta là bạn của Đức Kitô, là Kitô hữu.

Vì thế, mỗi người Kitô hữu phải là một Gioan Tiền Hô, phải sống thế nào để qua lời nói và hành động của chúng ta, những người khác có thể gặp được Chúa Cứu Thế: trong gia đình, ngoài xã hội, nơi làm việc, chỗ giải trí, chúng ta phải sống ra sao để ai gặp được chúng ta là phần nào đã gặp được Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta phải là một ngọn đèn, một ngôi sao Giáng Sinh, một nhân chứng của ánh sáng. Noi gương Gioan Tiền Hô, hãy sống hết lòng với Chúa và do đó luôn thao thức làm cho người khác tìm gặp Chúa Giêsu và đón nhận ơn cứu độ của Ngài.
Niềm Vui Chia Sẻ

Thiên Chúa Viếng Thăm Dân Người

Vào một buổi tối trong một kỳ nghỉ đông lạnh lẽo, một đứa bé trai khoảng sáu bảy tuổi đang đứng phía ngoài cửa sổ của một cửa hàng. Cậu bé không có giày để mang, quần áo của cậu thì rách rưới.

Một phụ nữ trẻ đi ngang qua, cô nhìn thấy cậu bé và cô đọc được nỗi khao khát trong đôi mắt xanh của cậu bé. Cô nắm lấy tay cậu bé và dẫn cậu vào trong cửa hàng rồi cô mua cho cậu một đôi giầy mới và một bộ quần áo ấm.

Sau đó cô dắt cậu trở ra và nói với cậu: "Bây giờ cháu có thể trở về nhà và có một kỳ nghỉ đông thật hạnh phúc".

Cậu bé chăm chú nhìn cô rồi hỏi: "Cô có phải là Thượng đế không?".

Người phụ nữ nhìn cậu bé, mỉm cười và trả lời: "Không cháu à, cô chỉ là một trong số đứa con của Thượng đế".

Quả thực, "chúng ta đều là những người con của Thương Đế thôi". Mỗi người chúng ta đều là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài. Hình ảnh Ngài là tha nhân, là bạn bè, là những người thân quen hay xa lạ mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống. Hình ảnh Ngài đang hiện diện qua những người yếu đuối, bất hạnh và nghèo khó đang cần chúng ta chăm sóc chở che. Có thể nói: Thiên Chúa cũng đang viếng thăm chúng ta qua những phận người đói rách lầm than, hay những phận đời bơ vơ túng quẫn trăm chiều. Thế nên, là con của Thiên Chúa chúng ta phải sống yêu thương nhau. Tình yêu sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi trở ngại để có thể làm điều gì đó tốt đẹp nhất cho tha nhân. Tình yêu sẽ giúp chúng ta liên đới với nhau thay vì vô cảm thiếu trách nhiệm với nhau.

Ngược dòng lịch sử cách đây hơn 2,000 năm, một thiếu nữ miền Nagiaret được vinh hạnh đón tiếp Thiên Chúa viêng thăm một cách rất âm thầm nhưng đầy thân tình. Người thiếu nữ ấy tên là Maria. Với lòng quảng đại và với lòng tin tuyệt đối vào quyền năng Thiên Chúa, cô đã không để đánh mất cô hội ngàn năm có một là cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Cô đã nhanh nhẹn đáp lời bằng hai tiếng xin vâng. Có thể nói: lời thưa xin vâng lúc này là lời đẹp nhất trong cuộc đời cô. Lời thưa xin vâng không những đã làm nên trang sử mới trong cuộc đời cô mà còn đưa nhân loại bước vào kỷ nguyên mới của lịch sử. Triều đại mới đã bắt đầu. Thời đại hồng ân đã khởi sự. Thiên Chúa đã trở nên Emmanuel ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Ngày hôm nay Thiên Chúa vẫn đang viếng thăm dân Người. Ngài đang đến trong thân phận những con người nghèo khổ, bất hạnh đang cần giúp đỡ, cảm thông. Ngài đang đến trong thân phận những hài nhi yếu ớt đang cần sự đón nhận, chở che. Ngài đang đến trong thân phận những người già neo đơn, bệnh tật đang sống lây lất từng ngày. Ngài đang đến giữa chúng ta. Ngài cũng có thể đã từng bị chúng ta khước từ. Ngài đã từng bị chúng ta xua đuổi, chúng ta tẩy chay, chúng ta loại trừ. Ngài vẫn đang âm thầm đến ngỏ lời từng cuộc đời chúng ta. Hãy rộng lòng đón nhận Chúa. Hãy quảng đại để chấp nhận Chúa. Hãy dấn thân và phục vụ Chúa qua những anh em đang cần sự trợ giúp của chúng ta.

Vâng Thiên Chúa đã hạ sinh làm người và ở giữa chúng ta. Ngài không tự nhốt mình trong cung điện nguy nga tráng lệ, nhưng Ngài sinh ra giữa dân nghèo cùng cực. Ngài ở giữa những cảnh đời tha phương cùng cực nhất của nhân loại là "sinh vô gia cư, chết vô địa táng". Ngài ở giữa nhân trần để chia sẻ cảnh đời vốn dĩ vô thường và lắm nổi trôi. Ngài ở giữa chúng ta để trao ban tình yêu cho những người bất hạnh, ốm đau, bệnh tật, bị ngược đãi, bị bỏ rơi. Ngài còn dành một tình yêu đặc biệt cho những người tội lỗi là phường thu thuế và gái điếm.

Hôm nay, Chúa vẫn tha thiết mời gọi chúng ta hãy để cho Chúa được tiếp tục hiện diện trong cuộc đời chúng ta. Hãy để cho Chúa làm chủ cuộc sống của mình bằng việc tuân hành thánh ý Chúa. Hãy noi gương Đức Mẹ, chúng ta hãy dọn cho Chúa một cung lòng để Chúa ngự trị. Hãy đón nhận Chúa. Hãy sống cho Chúa. Hãy phục vụ Chúa trong anh em.

Ước gì trong mùa Giáng sinh năm nay, lời cầu chúc Emmanuel không chỉ là Thiên Chúa ở cùng chúng ta mà ở cùng anh chị em chúng ta. Xin Chúa Giêsu là Đấng Emmanuel luôn hiện diện sống động trong cuộc đời từng người chúng ta, xin Ngài ban tràn đầy niềm vui thánh ân trong ngày mừng Chúa Giáng Sinh. Amen.



Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

Ấm áp mùa đông

Cách nay hơn hai ngàn năm, tại cánh đồng Belem, Con Thiên Chúa đã sinh hạ, giữa đêm đông giá lạnh trong một hang đá dành làm chỗ trú ngụ cho bò lừa. Qua sự sinh hạ kỳ diệu này, Ánh Sáng đã bừng lên trong đêm tối để soi sáng những góc khuất của cuộc đời; Thiên Chúa đã hiện diện giữa dương gian để đồng hành với con người trên bước đường dương thế. Đêm đông giá lạnh đã trở nên ấm áp dịu dàng, vì tình thương của Chúa bao trùm nhân gian. Hai mươi thế kỷ sau đêm hồng phúc ấy, Lễ Giáng Sinh vẫn tiếp tục đem lại sự ấm áp giữa mùa đông.

Mùa đông thường là biểu tượng của sự chết. Tại các xứ lạnh, trong suốt mùa đông, cây cối chỉ trơ trọi những cành khẳng khiu, tuyết rơi ảm đạm lạnh giá. Nhân loại đã trải qua mùa đông dài nhiều thiên niên kỷ, kể từ khi ông bà Nguyên tổ phạm tội bất tuân, muốn phủ nhận thân phận thụ tạo của mình mà nên ngang hàng với Thiên Chúa. Dòng dõi Ađam và Evà đã bị ảnh hưởng tội nguyên tổ như một chứng bệnh di truyền. Tự trong tâm khảm, con người luôn khát mong Đấng Thiên Sai đến cứu đời. Đối với người Do Thái, nỗi khát mong ấy đã hòa vào máu thịt, được thể hiện qua những lời ca thống thiết. Thế rồi, trong kế hoạch cứu độ diệu kỳ của Thiên Chúa, mùa đông dài của nhân loại đã chấm dứt. Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Người là Đấng Emmanuen mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa. Người là Mặt Trời công chính chiếu soi cho nhân loại. Sau này, trong giáo huấn của mình, Đức Giêsu đã tuyên bố Người là ánh sáng trần gian. Cũng như mặt trời xuất hiện tỏa lan sức nóng làm tan chảy băng tuyết, xua tan giá lạnh và đem lại cho con người sự ấm áp, Đức Giêsu sưởi ấm lòng người bằng giáo huấn yêu thương, giải thoát con người khỏi quyền lực của ma quỷ và sự chết. Qua cái chết trên thập giá và qua cuộc phục sinh vinh quang, Chúa Giêsu đã chứng minh giáo huấn của Người về tình thương Chúa Cha. Người cũng khẳng định Người là sự sống và là sự sống lại. Những ai theo Người là can đảm bước ra khỏi đêm đông, hướng về Mặt Trời công chính, để tâm hồn họ không còn giá lạnh và chết chóc, nhưng tràn đầy sự sống và niềm vui.

Mùa đông cũng là biểu tượng của lối sống vô cảm hận thù. Lễ Giáng Sinh nhắc nhớ chúng ta: Con Thiên Chúa đã làm người và đi vào lịch sử. Người kêu gọi chúng ta hãy sống có trách nhiệm đối với nhau. Người lên án lối sống ích kỷ, gian dối và khép kín lạnh lùng vô tâm. Trải qua hơn hai ngàn năm, biết bao người đã được sưởi ấm tâm hồn nhờ đón nhận Chúa Giêsu và chọn Người là lý tưởng của đời mình. Có những người đã một thời chìm đắm trong bùn lầy, nhờ giáo huấn của Chúa mà trỗi dạy canh tân và trở nên con người mới. Ánh sáng chân lý của Chúa đã chiếu soi và hội nhập vào mọi nền văn hóa, đến với mọi sắc dân trên hành tinh này và quy tụ muôn dân vào gia đình Giáo Hội. Những ai gia nhập Giáo Hội, không còn những bức tường ngăn cách, không còn Do Thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay tự do (x. Cl 3,9-11), nhưng tất cả đều là con Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô. Nhờ tin vào sự hiện diện của Chúa giữa trần gian, con người tìm được hạnh phúc giữa bể khổ, tìm được nụ cười giữa thương đau, tìm được hy vọng giữa đau khổ ê chề của cuộc sống. Đức Giêsu Kitô đã vác thập giá bước đi giữa khu phố của Giêrusalem để tiến tới Núi Sọ. Ngày hôm nay, Người cũng đang tiếp tục vác thánh giá với những người đau khổ trên mọi ngõ ngách của cuộc đời. Chúa vác thập giá với họ, cùng họ bước đi và làm cho gánh cuộc đời trở nên nhẹ nhàng. Sự hiện diện của Đấng chịu đóng đinh làm cho cuộc đời thêm nhân ái, đẹp đẽ và ấm áp hơn.

Sau mùa đông giá lạnh, kế tiếp là mùa xuân ấm áp và tràn đầy sinh lực. Chúa Giêsu đã đến trần gian để khai mở một mùa xuân mới cho nhân loại. Qua Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa đã thực hiện một cuộc sáng tạo mới, vì con người ở khởi đầu lịch sử đã làm “vỡ kế hoạch” của Ngài. Thánh Phaolô đã phân tích rất sâu sắc khi đặt đối chiếu Chúa Giêsu với ông Ađam: Ađam là nguyên nhân đau khổ – Chúa Giêsu là nguyên lý hạnh phúc; Ađam là người bất tuân đến độ phủ nhận thân phận thọ tạo của mình – Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha cho đến chết trên thập giá; Ađam làm cho kế hoạch của Thiên Chúa bị phá vỡ – Chúa Giêsu đến để thực hiện thánh ý Chúa Cha; Ađam làm cho nhân loại xa rời Thiên Chúa – Chúa Giêsu giao hòa Thiên Chúa với con người bằng giao ước mới, được ký kết trong máu của Người đổ ra trên thập giá (x. 1 Cr 15,21-22). Nói tóm lại, trong Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu, nhân loại bước sang kỷ nguyên cứu độ, chấm dứt tình trạng bị luận phạt và chúc dữ. Những ai tin vào Chúa Giêsu sẽ được trở nên đồng thừa tự với Người để hưởng vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu. Trong Chúa Giêsu, họ diễm phúc được gọi Thiên Chúa là Cha. Đó chính là sự ấm áp tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho những ai tin vào Con của Ngài.

Trong xã hội của chúng ta, vẫn còn đó những mùa đông trong tâm hồn và trong mối tương quan xã hội. Mùa đông còn tồn tại khi biết bao người nghèo đói, đau khổ mà không được giúp đỡ. Mùa đông cũng còn đó khi người ta sống hận thù, ích kỷ và thiếu bao dung. Lễ Giáng sinh sẽ có ý nghĩa thiết thực hơn, nếu chúng ta mừng lễ cùng với những chia sẻ với người bất hạnh. Nhạc sĩ Nguyên Lễ đã thể hiện những ước vọng ấy trong bài “Tự sự Mùa Giáng Sinh”: “Hôm nay quanh ta vẫn có bao người không một tấc đất không một mái nhà, vật vờ, đây đó ngày tháng cho qua. Bao nhiêu em thơ đang sống bơ vơ, mình trần lạnh căm trong những đêm mưa, tuổi thơ của em lạc lõng vô bờ… Ngày hôm nay, Con Chúa vẫn hạ sinh, tại đó, tại đây, Ngài chờ chúng ta bằng tình thiết tha rộng vòng tay đón Ngài vào nhà”. Thay vì phàn nàn trách móc hay hằn học kêu ca, mỗi chúng ta hãy chung tay làm cho niềm vui Giáng Sinh được thể hiện, xua đi đêm đông giá lạnh đang phủ kín những góc khuất của cuộc đời, nơi những anh chị em nghèo khổ và bất hạnh. Qua những nghĩa cử bác ái sẻ chia, chúng ta phản ánh hình ảnh Ngôi Lời nhập thể, Đấng đã đến sưởi ấm thế gian và sưởi ấm lòng người.

Ngôi Lời đang hiện diện qua những gương mặt sạm nắng vì lao nhọc, những đôi vai oằn nặng trước áp lực cuộc sống, những mảnh đời lang thang cơ nhỡ, những gia đình rạn nứt đau thương. Tùy khả năng của mình, chúng ta hãy đem cho họ sự an ủi, để qua đó khẳng định với họ rằng: Thiên Chúa yêu thương con người. Mùa đông băng giá đã chấm dứt, xuân mới ấm áp đã đến rồi và cuộc đời tươi đẹp đang nở hoa.

Mùa Vọng 2017

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

Có phải đi lễ 2 lần vào ngày 24-12 vì trùng Vọng Giáng Sinh và Chúa nhật IV mùa Vọng?

“Tôi có cần phải đi lễ 2 lần vào ngày Vọng Giáng Sinh 24/12 năm nay?”

Có phải đi lễ 2 lần vào ngày 24 12 vì trùng Vọng Giáng Sinh và Chúa nhật IV mùa Vọng
Năm nay Vọng Giáng Sinh rơi vào đúng Chúa nhật IV mùa Vọng. Vậy thì việc tham dự Thánh lễ được quy định thế nào?

Ngày Vọng Giáng Sinh năm nay có thể gây rối ren cho nhiều người. Đó là ngày lễ Vọng Giáng Sinh lại trùng ngay ngày Chúa nhật. Như thông thường, Thánh lễ Chúa nhật vẫn là lễ buộc với người Công Giáo, nhưng ngày kế tiếp cũng là lễ buộc. Giáo luật cho phép tham dự lễ chiều hôm trước cho chính ngày lễ buộc. Vậy có thể đi một lễ vào chiều Chúa nhật thôi, vừa hoàn thành luật buộc Chúa nhật, vừa hoàn thành luật buộc lễ Giáng Sinh, hay không?

Câu trả lời rất ngắn gọn: KHÔNG.

Văn phòng Phụng vụ trực thuộc Hội đồng Giám Mục Anh Quốc cho biết: bạn không thể hoàn thành luật buộc ngày Chúa nhật và ngày lễ Giáng Sinh trong cùng một Thánh lễ.

Theo văn phòng này, “Mục đích cơ bản của một lễ buộc là kêu gọi các tín hữu đón mừng một chiều kích đặc biệt của mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh Người. Bởi vì sự ràng buộc được gắn kết với mầu nhiệm được cử hành, nên bạn không thể hoàn thành hai sự ràng buộc trong cùng một cuộc cử hành.”

Do đó, những ai thường đi lễ chiều Chúa nhật cần chú ý: nếu lễ chiều hay tối đó là lễ Giáng Sinh chứ không phải lễ Chúa nhật IV mùa Vọng, thì bạn bắt buộc phải tham dự một thánh lễ khác sớm hơn trong ngày Chúa nhật, hoặc lễ chiều thứ bảy. Còn nếu có một lễ chiều Chúa nhật IV mùa Vọng, rồi lại có một lễ Vọng Giáng Sinh buổi tối, thì bạn có thể dự hai thánh lễ này liên tục. Đây là vấn đề chương trình của mỗi giáo xứ.

Vậy thì bạn có thể chọn 1 trong 4 phương án này:

– Lễ sáng Chúa nhật + lễ Giáng Sinh (thứ hai).

– Lễ sáng Chúa nhật + lễ Vọng Giáng Sinh (tối Chúa nhật).

– Lễ chiều thứ bảy + lễ Vọng Giáng Sinh (tối Chúa nhật).

– Lễ chiều thứ bảy + lễ Giáng Sinh (thứ hai).

Theo Catholic Herald

Đi tu có khó không?

Bạn thân mến,

Chúng ta đồng ý với nhau rằng “ơn gọi dâng hiến” là một màu nhiệm, nghĩa là chúng ta không tài nào hiểu hết được. Vì là ơn gọi xuất phát từ Thiên Chúa nên người được gọi bước vào một con đường chẳng mấy ai đi. Bởi thế mà nhiều bạn trẻ mới bước vào đời tu thấy nhiều thách đố khó khăn. Công bằng mà nói thì trong đời dâng hiến hoặc đời sống gia đình, bậc sống nào cũng là một ơn gọi và có những thách đố chông gai. Vấn đề là tôi nhận ra Thiên Chúa muốn mình bước vào bậc sống nào; rồi khi đáp lời, chúng ta hy vọng đủ sức để sống hạnh phúc với những khó khăn đó.

Để nhận ra ý Chúa muốn mình đi tu hay lập gia đình là cả một quá trình cầu nguyện và mở lòng quảng đại lắng nghe. Trong bài này, chúng ta giả định rằng người tu sĩ nhận ra đúng ơn gọi của mình trong đời dâng hiến. Thiên Chúa gọi chọn họ, và họ cũng muốn bước theo Chúa Giêsu trong hành trình ơn gọi. Dĩ nhiên khó khăn không rời xa họ. Đó có thể là những đòi hỏi từ phía nhà Dòng muốn huấn luyện người tu sĩ trở nên khí cụ đắc lực của Chúa. Hoặc đó là những khó khăn khi tu sĩ sống chung trong cộng đoàn. Còn đó những cám dỗ thú vị từ thế gian, khiến không ít người tu sĩ đứng núi này trông núi nọ. Có người khô khan trong đời sống cầu nguyện, thất bại trong sứ mạng Chúa trao. Hoặc nhiều người gặp khó khăn trong vấn đề sức khỏe. Và còn hàng tỉ thách đố mà mỗi người tu sĩ được Chúa gửi cho thánh giá khác nhau nhằm huấn luyện tu sĩ nên người của Chúa.

Tuy nhiên, “tu là cõi phúc” phần nào đó đúng cho những người đi tu. Họ hạnh phúc được theo Chúa Giêsu. Mỗi ngày họ sống niềm vui của đời dâng hiến, của những dự định, kế hoạch tương lai nhằm giúp người ta đến gần Chúa hơn. Họ lấy Thiên Chúa là người tình duy nhất, làm gia nghiệp lớn lao của họ. Họ không phủ nhận khó khăn, nhưng thấy đó lại là cơ hội để mối tình với Thầy Giêsu thêm thắm thiết. Họ không quên lời Thầy nói với họ khi đi theo Thầy là họ sẽ được gấp trăm cùng với sự ngược đãi. Đó là những xung đột bên trong tâm hồn họ, hoặc có thể là những ngược đãi rất cụ thể và đau đớn trong đời sứ vụ. Nhưng trong hoàn cảnh nào, chắc hẳn người tu sĩ muốn nói với Giêsu rằng: “Bỏ Thầy con biết theo ai bây giờ!”

Một thực tế là Thiên Chúa không trao cho ai thánh giá quá nặng khiến họ phải chối bỏ Chúa. Bên cạnh thánh giá luôn có Thầy Giêsu vác thánh giá đi cùng. Do đó, đời tu chỉ bớt khó khi người tu sĩ đi cùng với nhau, và cùng với Thầy Giêsu. Đó là nguồn sức mạnh để họ lướt thắng những khó khăn. Họ biết cách sống vui, hăng say trong các sứ mạng và viết lên một cuộc đời với nhiều cung bậc thăng trầm với nhiều tình yêu.

Nếu ai bảo đi tu để tránh đau khổ, để thoát cảnh bon chen của thế thái nhân tình, thì e rằng không đúng lắm! Đời tu có những khó khăn riêng, nhưng cũng có những thách đố như bao bậc sống khác. Người tu sĩ sống giữa đời, nhưng không thuộc về đời. Những cám dỗ sự đời không tha cho ai cả. Có chăng là khi gặp những điều ấy, người tu sĩ may mắn có nhiều người đồng hành, có nhà Dòng, có cộng đoàn và có Thiên Chúa để an ủi đỡ nâng. Rồi khi họ có kinh nghiệm thế nào là tội lỗi, thế nào là thực tế đắng lòng của cuộc sống, người tu sĩ biết cách giữ mình và giúp cho người khác đến gần với Thiên Chúa.

Rốt cuộc đi tu có khó không? Hẳn là nhiều người đồng ý rằng: đi tu khó! Nhưng khó khăn ấy là chuyện rất thường tình của phận người. Hơn nữa khó khăn gian khổ sẽ giúp người tu sĩ biết bám víu vào Chúa và vào Nhà Dòng. Họ không thể một mình tự sức vượt qua những khó khăn ấy. Từ đó, người tu sĩ nên khiêm tốn hơn trước sức công phá của những cơn cám dỗ. Được như thế, chắc rằng đời tu vẫn còn hấp dẫn rất nhiều người, những người muốn bước vào con đường hẹp để cùng với Chúa Giêsu viết lên câu chuyện đời mình.

Chúng ta cầu nguyện cho những tu sĩ luôn vượt qua những thách đố của đời tu. Ước mong họ luôn là những tu sĩ tốt lành vui tươi. Một tu sĩ buồn đúng là một tu sĩ đáng buồn! Ngược lại, một tu sĩ vui tươi triển nở là một tu sĩ cùng với Chúa đón nhận những khó khăn thách đố. Để trong hành trình dâng hiến, họ không chỉ vượt qua những khó khăn mà còn giúp biết bao tâm hồn tìm được niềm vui trong Thiên Chúa.

Hy vọng nhiều bạn trẻ không quá sợ hãi những khó khăn mà đời tu đòi hỏi, nhưng xem đó là cơ hội để cùng với Chúa hun đúc trái tim mình thuộc trọn về Chúa. Thầy Giêsu khuyết khích chúng ta đừng sợ, vì có Thầy Giêsu, và Thầy đã chiến thắng thế gian. Biết đâu trong những khó khăn ấy, Thầy Giêsu trao cho chúng ta cơ hội cùng với Thiên Chúa viết lên một cuộc đời dâng hiến với rất nhiều tình yêu.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
http://dongten.net/2017/12/12/di-tu-co-kho-khong/

Vui Với Người Vui

Có một lần người thầy của tôi đã nói: “Nếu ai có tính ghen tỵ là tự hành hạ và tự đầy đọa chính mình. Nó giống như có một con rắn độc trong tim, nên không bao giờ có thể yên vui để thưởng thức mọi niềm vui và hạnh phúc trên đời”

Đó cũng là nỗi đau của bà dì ghẻ của nàng Bạch Tuyết năm xưa. Bà đã sống trong đau khổ khi cố dùng mọi mưu trí hèn hạ để hại người, nhưng rút cuộc “gậy ông lại đập lưng ông”, chính bà nuốt nỗi khổ đau của sự thất bại suốt đời.

Nhưng đáng tiếc, sự ghen ghét, đố kỵ hầu như có mặt ở mọi nơi. Sự ghen ghét có thể ở trong mọi thành phần, mọi giai cấp. Sự ghen ghét thể hiện rất rõ trong những lần trà dư tửu hậu. Trong các quán café. Trong những quán cóc ven đường. Khi có vài người tụ tập thường là có sự ghen ghét nảy sinh. Vì dường như ai cũng có tính ghen ghét người khác hơn là khâm phục, khích lệ lẫn nhau.

Khi ai đó bàn luận về một người nào đó vừa đẹp, vừa tài năng lại vừa hạnh phúc, thì sẽ có ngay kẻ phán rằng, hạnh phúc đó là tạm thời, giả tạo. Và rồi, là tìm hiểu, moi móc, rêu rao khiếm khuyết của họ.

Sự ghen ghét khiến chúng ta không muốn người khác bằng mình và đương nhiên không bao giờ chấp nhận người khác hơn mình. Đôi khi còn đạp đổ để ai đó không có cơ hội phát triển thêm.

Sự ghen ghét còn ẩn chứa trong cả lời cầu nguyện khi không muốn người khác gặp may lành, và điều tệ hại là còn muốn anh em gặp sự dữ như câu chuyện vui sau:

Chuyện kể rằng có người đàn ông rất may mắn, được Trời cho ước gì được nấy. Tuy nhiên, đi kèm với sự may mắn đó là điều kiện: Bất cứ điều gì ông ta ước, người hàng xóm sẽ có gấp đôi.

Thế là khi ông ta sở hữu ngôi nhà đẹp, người hàng xóm liền có một dinh thự lỗng lẫy. Ông ta ước mình giàu có, người hàng xóm có hẳn một mỏ vàng...

Không chịu được sự "bất công" đó, người đàn ông may mắn liền ước mình bị mù một mắt để người hàng xóm bị mù cả hai!

Chính lòng đố kỵ đã tạo nên sự nhỏ nhen, biến thành cảm giác hận thù và suy nghĩ mù quáng cho ông ta: thà kém may mắn hơn một chút để người khác đau khổ hơn mình thay vì chọn điều ngược lại.

Hôm nay, Chúa trách những người làm công vườn nho: “chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay là các ông vì thấy tôi tốt bụng mà đâm ra ghen ghét?

Chúa trách là đúng. Vì ai Chúa cũng ban cho có phần, nhưng lại không muốn người khác được phần bằng mình. Khi tính ích kỷ ghen ghét đã lấn át. Cái tôi ngự trị, người ta chỉ còn nghĩ đến mình, thu vén mọi lợi ích cho mình mà quên đi nhu cầu của tha nhân. Ai cũng cần cuộc sống được khá hơn, được thoải mái hơn, nhưng chúng ta lại không chúc phúc cho họ mà còn dèm pha và đạp đổ họ.

Thiên Chúa thì không như vậy. Tình yêu của Chúa vượt qua mọi tính toán thiệt hơn theo kiểu con người. Ngài không ban phát theo lẽ công bằng thường tình mà do lòng thương xót bao la của Chúa. Ngài ban phát cho người thợ giờ thứ nhất cũng bằng người thợ thứ mười một, miễn là họ đã hoàn thành công việc được giao, với tất cả trách nhiệm và thiện chí của mình.

Điều này còn là dấu chỉ cho tình thương cứu rỗi của Thiên Chúa. Ngài sẽ cứu độ mọi người. Ngài dành tình thương cho mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng được cứu rỗi. Tình thương Chúa vẫn dành cho mọi người, nhưng điều quan yếu là họ đã đáp lại lời Chúa. Họ đã sống lời Chúa. Dù chỉ là thời gian ngắn thì họ vẫn được Chúa ban phúc thiên đàng cho họ như bao người tín hữu khác. Họ phải luôn khoác trong mình chiếc áo của ân sủng, chiếc áo của hiệp nhất trong Chúa thì không bị loại ra khỏi bàn tiệc.

Xin cho chúng ta luôn tin tưởng vào tình thương của Chúa để ăn năn trở về với Chúa. Ước gì chúng ta cũng nhận ra tình thương của Chúa vẫn dành cho chúng ta, dù rằng chúng ta không xứng đáng để nhờ đó mà sống tâm tình tạ ơn Chúa. Ước gì chúng ta cũng biết vui với người vui, khóc với người khóc trong tinh thần tương thân tương ái thay cho tính ghen tương, ích nhỏ nhỏ nhoen thường tình. Amen



Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
http://www.ngonluanho.net/2017/09/vui-voi-nguoi-vui.html

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...