Thứ Năm, 27 tháng 4, 2023

THƯ GỬI MẸ NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN THIÊN TRIỆU

Mẹ yêu dấu!

Dưới ánh sáng của ngọn nến lung linh khi màn đêm vừa buông xuống, con quỳ trước bàn thờ Chúa với biết bao niềm vui và hạnh phúc. Bầu khí lặng thinh của phút hồi tâm cuối ngày như gợi cho con về ký ức tuổi thơ với cuộc sống hiện tại. Con nhớ tới mẹ và đại gia đình thân yêu của chúng ta, con tự tay viết cho mẹ đôi dòng tâm sự nhân ngày quốc tế cầu cho Ơn Thiên Triệu.


Mẹ à! Dù đã khôn lớn nhưng con không thể nào quên đi những ký ức tuổi thơ êm đềm, ấm áp bên vòng tay yêu thương của mẹ. Những ký ức ấy đã in sâu vào tiềm thức trong tâm trí và cuộc sống đức tin của con. Và nếu giờ này Chúa ban cho con một điều thì con sẽ : “ ước muốn cho thời gian trở lại”. Mong muốn thời gian trở lại ở đây không phải là để thay đổi quá khứ,  đúng hơn là để cho các biến cố xảy ra trong quá khứ được sống lại dưới ánh mắt đức tin của người Kitô hữu. Qua đó, con có cơ hội khám phá ra những dấu ấn tình yêu của Thiên Chúa - Đấng làm chủ cuộc đời con. Vì thế, mẹ hãy cùng con ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ đó. Mẹ nhé!


Con còn nhớ ngày con còn rất nhỏ, có lẽ là lúc con mới có trí khôn. Chính mẹ là người đã dạy con làm dấu Thánh Giá để nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi con đến tuổi đi học, mẹ cũng là người cầm tay dắt con đi đến trường trên con đường làng quê quen thuộc. Những ngày được nghỉ hè con đi học giáo lý thì cũng chính mẹ đã dạy cho con những bài giáo lý đầu tiên. Dù mẹ không được học thần học cao siêu nhưng dưới ánh sáng đức tin của người công giáo mẹ đã dạy :  “Con hãy tôn thờ và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, siêng năng đi nhà thờ và tham dự thánh lễ ít nhất là một lần mỗi tuần con nhé! Chúa sẽ ban cho con thêm niềm tin- sức khỏe, trí thông minh và đạo đức để con sẽ thi hành sứ vụ mà Ngài đã trao ban. Ở môi trường học đường con không được đánh nhau,chửi tục, vô lễ với thầy cô giáo.  . . Ở nhà con hãy vâng lời ông bà, cha mẹ, anh chị  . . . Bài giáo lý cơ bản ấy đã âm thầm in sâu trong tiềm thức cuộc đời con. Để rồi con mới có cơ hội được lớn lên trong ơn nghĩa Chúa đã trao ban và sử dụng con như ngày hôm nay.


Con còn nhớ!

Những năm tháng gia đình còn khó khăn, nhà mình nghèo, không đủ ăn cũng chẳng đủ mặc. Bố lại thường xuyên đi làm xa nhà, mẹ ở nhà vất vả, long đong lận đận kiếm từng miếng cơm, manh áo về nuôi anh em chúng con. Cuộc sống tuy vất vả nhưng vào mỗi buổi tối, mẹ vẫn không quên giờ kinh trong gia đình và cùng chúng con lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ. Với con có lẽ đây là khoảng thời gian quý giá nhất của gia đình mình. Nhờ đó, gia đình cũng vượt qua được mọi khó khăn trong cuộc sống và chúng con cũng được trưởng thành hơn. Có một kỷ niệm mà con vẫn còn nhớ mãi đó là ngày lễ cầu cho Ơn Thiên Triệu (Chúa Nhật IV Phục Sinh) và Khánh Nhật Truyền Giáo (Chúa Nhật thứ II tháng 10). Vào mỗi dịp lễ ấy, mẹ thường có thói quen nhắc nhở chúng con về ý chỉ cầu nguyện. Trước khi đi lễ, mẹ còn đưa cho con mấy đồng tiền và dặn dò :


“Thánh lễ hôm nay, giáo xứ có quyên góp cho nhà dòng hoặc dùng vào việc truyền giáo, con hãy cầm lấy và bỏ vào giỏ ở cửa nhà thờ và tham dự thánh lễ một cách sốt sắng để cầu nguyện cho các linh mục và tu sĩ nhé!”


Có năm, trong nhà không còn tiền thì mẹ lại bán đi mấy quả trứng gà hay bán đi mấy mớ rau. Ngày đó, khi trông thấy mẹ làm như vậy! Con vừa không hiểu lại vừa cảm thấy tiếc mấy quả trứng, mớ rau nhưng con chẳng dám hỏi mẹ. Trẻ con là thế đấy, sau mỗi hành động của người lớn luôn là một một câu hỏi “tại sao” không có lời giải đáp.


Thời gian thấm thoát đã trôi qua, mẹ cũng già đi rất nhiều. Còn con ngày một lớn khôn và được Chúa thương chọn vào nhà dòng, nơi hạt giống ơn gọi linh mục được vun trồng, chăm sóc, cắt tỉa… chờ ngày sinh hoa kết trái.  Nếu nhìn cuộc đời của con như những thước phim rời rạc thì xem ra những ký ức của cuộc đời con chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng dưới cái nhìn của Thiên Chúa thì những ký ức ấy lại ắp đầy những ý nghĩa.  Bởi vì, ngay khi “con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài” (Tv 139,16).

Như thế, dưới ánh nhìn của Chúa thì sự hiện hữu của con không bao giờ là một sản phẩm của ngẫu nhiên hay bị trôi dạt trong chuỗi các biến cố rời rạc. Ngược lại, cuộc đời và sự hiện diện của con trong thế giới này là hoa trái của một ơn gọi thánh thiêng. Chính Chúa đã ghé mắt nhìn đến cuộc đời con khi Ngài lắng nghe những lời khẩn cầu của mẹ. Ngày hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi con theo Ngài cho dù con giới hạn và tội lỗi. Xác tín vào tình yêu của Chúa, con sẽ không được chờ đợi cho đến lúc hoàn hảo mới quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa, nhưng đón nhận tiếng Chúa với tâm hồn rộng mở và không sợ hãi.


Mẹ kính mến! Khi viết những dòng tâm sự này, con tin chắc ở nơi phương xa, Mẹ không chỉ dõi theo con và cầu nguyện cho con, cho tất  cả các bạn trẻ đang tìm hiểu ơn gọi. Dẫu biết rằng, lời cầu nguyện của mẹ có âm thầm và nhỏ bé như là “đồng xu” dâng lên của bà goá nghèo (Mc 12,41-44), nhưng dưới sự nhân từ của Thiên Chúa chắc chắn lời cầu nguyện ấy sẽ có giá trị. Giáo Hội hoàn vũ đang đối diện với cơn khủng khoảng về ơn gọi tu trì. Nếu nhìn ơn gọi tu trì là quà tặng của Thiên Chúa, thì mỗi người kitô hữu cần phải cầu xin Thiên Chúa ban cho Giáo Hội có nhiều ơn gọi như lời Chúa Giêsu dạy:


“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến” (Lc 10,2).


Nếu hiểu ơn gọi đồng thời là sự đáp trả của con người, thì mỗi người chúng ta cần có ý thức và cộng tác để vun trồng các mầm ơn gọi trong gia đình và trong giáo xứ. Mỗi người cần biết cổ võ ơn gọi và nâng đỡ các chương trình mục vụ ơn gọi trong Giáo Hội để càng ngày Giáo Hội có nhiều người trẻ dám quảng đại dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Chắc chắn,  Chúa sẽ nhậm lời và ban cho Giáo Hội có thêm nhiều thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo.


Lạy Chúa, xin Chúa đoái thương nhận lời chúng con cầu xin mà ban cho dân Chúa có nhiều vị mục tử như lòng Chúa ước mong. Xin cho các tín hữu luôn biết lắng nghe lời Chúa và đón nhận giáo huấn của Chúa qua sự giảng dạy của các ngài, để Hội Thánh Chúa ngày một thăng tiến trên con đường thánh thiện, hầu xứng đáng đón nhận hồng ân Nước Trời ngay trong cuộc sống hiện tại.


NVK/RFA

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2023

Một vài phương thức cầu nguyện đơn giản

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa. Như thế, cầu nguyện không phải là chuyện của phàm tục, nó đòi hỏi một sự “nâng lên”, nhấc bổng lên khỏi cái thường hằng. Đối tượng cần nâng không phải là một sự vật vật chất nào nhưng là “tâm hồn của mình”. Đó là một hành vi tâm linh, hướng trọn vẹn con người mình về cõi trời cao, nơi Thiên Chúa đang ngự trị. Cũng có người cho rằng cầu nguyện là đi vào tận sâu cõi lòng mình để gặp gỡ Thiên Chúa ngang hiện diện nơi đó. Dù cách diễn đạt có khác nhau, nhưng tất cả đều nói đến một nguyên lý của cầu nguyện là “gặp gỡ Thiên Chúa”. Và vì chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho đúng, nhất thiết chúng ta phải cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong Ngài, chúng ta mới có thể cầu nguyện thật sự, vì không phải chúng ta nhưng chính Ngài cầu nguyện thay cho chúng ta, như lời thánh Phaolo nói (x.Rm 8,26-27).

Vì cầu nguyện là cái gì đó rất tự nhiên của con người chúng ta khi đặt mình trước Thiên Chúa, nên suy cho cùng, nó không cần một kỹ thuật hay chỉ dẫn gì cả. Hãy cứ để cho chính mình tự mở lòng với Chúa ngang qua những cảm xúc, chuyển động, hay nói chung là tình trạng hiện tại của chúng ta. Nói nôm na, chúng ta đang có gì trong lòng thì cứ thản nhiên thưa chuyện với Chúa. Đây là cách cầu nguyện khá đơn giản mà chúng ta có thể thực hành ở bất cứ nơi nào. Chúng ta cũng không cần phải chuẩn bị gì cả, chỉ cần giữ thinh lặng một chút, nhìn về bản thân, xem lòng mình đang có gì và đang muốn diễn tả điều gì với Chúa. Thông thường, đó sẽ là những tâm tình như tạ ơn (khi chúng ta thấy là mình đã nhận được điều gì từ Chúa), ngợi khen chúc tụng (khi chúng ta thấy một điều gì đó thật tuyệt vời mà chúng ta tin là chính Chúa đã làm), xin lỗi (khi chúng ta thấy mình đã làm điều gì đó không đúng, có lỗi với Chúa), xin ơn (khi chúng ta thấy mình đang thiếu điều gì đó và cần được Chúa giúp đỡ). Nếu có những tâm tình như vậy, chúng ta cứ tự nhiên bày tỏ với Chúa bằng những từ ngữ của chính mình.

Nếu chúng ta không biết phải nói gì, hoặc không chưa tìm thấy những tâm tình nơi thâm sâu cõi lòng, chúng ta có thể mượn những lời kinh hoặc lời cầu nguyện của người khác để thân thưa với Chúa như thể đó cũng là nỗi lòng của chính mình. Dễ nhất là những kinh thông dụng như Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh. Chúng ta có thể lần chuỗi khi đang chờ xe buýt, khi đang “ở không”. Vừa đọc vừa ngẫm những gì mình đọc hay ngẫm về các mầu nhiệm liên quan. Chúng ta cũng có thể sưu tầm những lời nguyện của các thánh như Kinh hoà bình, Kinh dâng hiến, Kinh quảng đại… và rất nhiều lời kinh mà các linh mục tu sĩ đã soạn… Mỗi sáng thức dậy, mỗi tối trước khi ngủ, hãy nhớ đến Chúa. Trước khi bắt đầu việc gì đó, hoặc sau khi làm xong, xin ơn Chúa hoặc tạ ơn Chúa, hoặc chỉ cần làm một cử chỉ cung kính, tỏ lòng thờ phượng như làm dấu, cúi đầu, để tay lên ngực… Tất cả những thực hành nhỏ bé này cũng giúp bản thân quen với sự hiện diện của Chúa.

Việc cầu nguyện gắn liền với sự thinh lặng đến nỗi người ta có thể đánh đồng hai điều này với nhau. Thinh lặng ở đây không chỉ có nghĩa là không nói gì, nhưng là sự im bặt của tâm trí và cõi lòng, một sự lắng đọng sâu sắc. Đạt được tới sự thinh lặng, người ta dường như đã làm hết những gì cần làm để gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế, có đôi khi chúng ta không cần phải nói gì, làm gì khi cầu nguyện, nhưng chỉ đơn thuần là lắng tâm hồn xuống, gạt bỏ mọi nỗi bận tâm, để tâm hồn được nghỉ ngơi với Chúa. Để làm được điều này, chúng ta cần một nơi thanh vắng yên lặng nào đó. Chúng ta có thể đến nhà thờ, nhà nguyện, một công viên, hoặc ở phòng riêng. Chúng ta có thể đến trước giờ lễ một chút hoặc sau thánh lễ, có thể ở lại một chút, hướng mắt chiêm ngắm Thánh Thể, hoặc tượng Chúa chịu nạn. Hoặc tốt hơn, khi nào có thể (chẳng hạn vào dịp cuối tuần), tham gia một khoá tĩnh tâm ngắn ngày, hoặc đăng ký tham gia sinh hoạt ở một nhóm cầu nguyện.

Về phương pháp, có rất nhiều cách thức cầu nguyện. Trước hết là lectio divina. Đây là một cách cầu nguyện cổ điển dựa vào Kinh Thánh dựa vào 4 bước: lectio (đọc Lời Chúa), meditatio (suy niệm), oratio (cầu nguyện), contemplatio (chiêm niệm). Cũng có kiểu cầu nguyện nhẹ nhàng và thịnh hành trên thế giới hiện nay: cầu nguyện theo phương pháp Taizé. Lối cầu nguyện này chủ yếu dựa trên việc lặp đi lặp nhiều lần một đoạn nhạc nhẹ, vừa sâu lắng vừa truyền cảm, và để cho lời của nó từ từ thấm vào trong lòng mình, giúp mình cảm thấy thật bình an. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện theo kiểu “nhìn lại cuộc sống”. Đơn giản chỉ là để lòng mình lắng xuống, từ từ nhìn lại những chuyện vừa xảy đến với mình: những biến cố nói gì với mình, mình đã hành xử tốt chưa, có điều gì cần điều chỉnh lại cho tốt hơn không?… Có thể áp dụng kiểu cầu nguyện này vào cuối ngày, hoặc cuối tuần… Áp dụng thường xuyên, nó sẽ giúp chúng ta biết mình hơn và làm chủ mình tốt hơn.

Để dễ dàng hơn cả, bạn nên dùng Tin Mừng hằng ngày để gặp gỡ Chúa. Mỗi ngày, có thể đọc Tin Mừng một cách chậm rãi, suy nghĩ về nó, để xem Chúa muốn nói gì với mình, hoặc tự hỏi xem mình có thể ứng dụng Lời Chúa dạy hôm nay trong cuộc sống của mình thế nào. Cũng có thể đọc các bài đọc hoặc Thánh Vịnh (đáp ca) của ngày hôm ấy. Nếu không có nhiều thời gian, chỉ cần chọn một câu nào đó đánh động tâm hồn, đọng lại lâu trong lòng và suy gẫm nó trong suốt ngày sống. Việc trung thành đọc và suy niệm Lời Chúa hàng ngày sẽ giúp chúng ta thân quen với Lời và chính Lời sẽ trở thành ánh sáng chỉ đường dẫn lối cho chúng ta, cũng như sẽ biến đổi cuộc sống của chúng ta một cách nhiệm mầu.
 
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

Bình An Cho Anh Em


Nỗi sợ vẫn còn đó trong tâm khảm của các môn đệ. Nhớ lại đêm ở Vườn Dầu, khi binh lính hùng hục kéo đến, với giáo mác và khí giới trên tay, quyết tâm bắt cho bằng được Giêsu, các môn đệ đã chạy tán loạn như đàn ong vỡ tổ. Những đòn roi khinh khiếp, những mũi đinh đóng xuyên qua thịt, những dòng máu tươi thi nhau tuôn trào trên thân thể Thầy… Tất cả những hình ảnh ghê rợn ấy dường như vẫn còn in một dấu rất đậm, tưởng chừng như không thể nào phôi phai trong ký ức. Chỉ với vài ngày trước thôi! Cho đến bây giờ, các ông vẫn chưa thể tin được là Thầy mình đã chết, đã bị người ta giết, đã không còn hiện diện với các ông. Một vị Thầy quyền năng và đáng kính, đã làm biết bao nhiêu dấu lạ, nay cũng không thể làm gì trước sức mạnh của binh lính. Một vì Thầy mà mình đã từng đặt rất nhiều hy vọng nay cũng trở thành nạn nhân của bạo quyền và chết tức tưởi trên cây thập giá đau thương. Bao mơ ước, bao khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, danh giá hơn, nay vụt bay như áng mây chiều biến tan trong làn gió.


Dẫu đã được Thầy nhiều lần loan báo là Người sẽ sống lại, dù đã được các phụ nữ báo cho biết là Người đã phục sinh, và thậm chí Phêrô và Gioan đã chạy ra mồ và thấy được các dấu chỉ cho thấy những gì các phụ nữ nói là đúng, nhưng các ông vẫn chưa thể chấp nhận được. Nỗi lo sợ vẫn còn đè nặng trên các ông. Các ông giam mình trong phòng tối, không dám bước ra vì sợ rằng mình cũng sẽ chịu chung một kết cục như Thầy khi bị quân lính phác giác. Hy vọng về một tương lai tươi sáng đã sụp đổ, họ không muốn mình mất đi cả mạng sống này cách oan ức. Đi theo một ông Giêsu tưởng là sẽ đổi đời. Nay chẳng những chẳng được gì tốt đẹp hơn mà ngay cả mạng sống cũng bị đe dọa. Tình thế thật căng thẳng. Sự an nguy của bản thân như ngàn cân treo sợi tóc. Một nỗi bất an khủng khiếp ập xuống trên các ông. Tương lai tiền đồ đen tối. Giờ chẳng biết phải làm sao, phải sống như thế nào, phải hành xử ra sao.


Trong bầu không khí căng thẳng và ngột ngạt ấy, Chúa đã hiện ra với các ông. Lời đầu tiên Chúa nói là lời cầu chúc bình an: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19). Đây là điều các ông đang rất cần: bình an. Món quà đầu tiên mà Chúa Phục Sinh mang đến là sự bình an, một sự xoa dịu trong tâm hồn, một nâng đỡ thiêng liêng vô cùng quý báu. Khi tâm trạng đang rối bời vì những mối lo, khi tương lai u ám tối mịt vì chẳng thấy phương hướng nào thì bình an như một tia sáng rọi tới, tháo gỡ đi tất cả những ưu phiền. Hơn nữa, đây lại là bình an phục sinh, chứ không phải là một kiểu cảm xúc mau qua, một kiểu trấn an tạm bợ để xoa dịu tâm hồn. Sự xuất hiện của Giêsu luôn luôn mang đến cái gì đó mới mẻ và cần thiết cho cuộc sống của con người.


Các bạn trẻ thân mến,


Đã sống trong cuộc đời này, chắc chắn là có lúc chúng ta cũng rơi vào trạng thái như các môn đệ: hụt hẫng, buồn phiền, thất vọng. Ai trong chúng ta cũng khao khát mình có một sự bình an mãnh liệt để có thể vượt lên tất cả những cảm xúc tiêu cực ấy, nhưng có mấy khi ta có được. Có rất nhiều người đi tìm bình an nơi bạc tiền, vì cứ ngỡ là có nhiều tiền, ta được đảm bảo về vật chất, muốn gì có nấy, không phải lo lắng chi. Nhưng bạc tiền cũng như gió như mây, biết đâu có ngày ta không còn gì hết. Có người cố sức kiếm tìm chút công danh, vì nghĩ rằng càng ở vị thế càng cao, càng có quyền nhiều, đời sống ta sẽ được đảm bảo. Nhưng quyền lực cũng có lúc tàn, mấy ai người sẽ chịu phục tùng ta suốt đời suốt kiếp. Có người cảm thấy bình an khi là người nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Nhưng rồi thời gian trôi qua, tài năng sắc đẹp cũng dần phôi pha, có mấy người vẫn còn giữ mãi hình ảnh của ta trong lòng họ. Những kiểu bình an ấy, hóa ra cũng chỉ là bong bóng chợt hiện chợt tan. Càng kiếm bình an nơi bạc tiền, vinh hoa và danh tiếng, ta càng cảm thấy mất bình an, vì lúc nào cũng phải nơp nớp lo sợ sẽ mất nó. Còn lo sợ là còn có bất an.

Chẳng mấy ai trong chúng ta có được một sự bình an như con chim vẫn thản nhiên hót giữa mưa gió bão giông. Một sự bình an đến lạ kỳ! Bình an mà Giêsu mang đến cho chúng ta là kiểu bình an ấy. Bình an dựa trên một nền tảng vững chắc là niềm tín thác vào Chúa. Bình an có được nhờ mạnh mẽ và can trường vác cây thập giá băng qua giữa đêm đen mù tối của kiếp người. Người Kitô chúng ta sở dĩ có được bình an là nhờ chúng ta luôn xác tín cách vững chắc là mình chẳng có gì phải sợ, chẳng có gì phải lo lắng. Mọi chuyện đã được Chúa quan phòng chở che. Đấy mới là bình an đích thực: bình an của em bé nằm ngủ ngon trong vòng tay mẹ. Hãy đến với Chúa Phục Sinh để Ngài ban cho chúng ta kiểu bình an tuyệt vời ấy.


Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2023

𝐍𝐢𝐞̂̀𝐦 𝐕𝐮𝐢 𝐏𝐡𝐮̣𝐜 𝐒𝐢𝐧𝐡


 Các bạn trẻ thân mến,


Những ngày u ám đã qua. Những đòn roi, tiếng hò hét đòi đóng đinh, những tranh luận gay gắt, tiếng chửi rủa, sỉ vả, tiếng búa chan chát, những giọt máu, vòng gai… chỉ qua một đêm là đã trở thành dĩ vãng. Người thỏa mãn với quyền lực của mình thì vui tươi vì đã loại trừ được một cái gai trong mắt. Người sợ hãi thì giam mình trong những gian phòng tối. Những cao trào hay ồn ào của sự kiện một người nổi tiếng bị đóng đinh cũng qua đi. Mọi người lại trở về với cuộc sống bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy đến. Lịch sử của cuộc đời Giêsu tưởng là đã chấm hết với những khăn liệm và ngôi mộ lạnh lẽo thê lương. Ai ngờ, chính từ nơi cõi chết ấy, Thiên Chúa đã biểu dương quyền năng của Người. Từ lòng đất âm u, Người đã cho bừng dậy muôn nơi những phúc ân rạng rỡ.


Sáng sớm hôm ấy, có một số người phụ nữ yêu mến Giêsu lặn lội chạy ra mồ khi trời còn chưa tỏ.  Trên đường đi, các bà còn lo lắng không biết phải đẩy tảng đá lấp mồ như thế nào, để có thể vào trong xức dầu thơm cho xác Chúa.  Trong nhãn quan của các bà, rõ ràng là Giêsu đã chết.  Nhưng vừa ra đến mồ, các bà kinh hãi vì tảng đá đã được dịch sang chỗ khác.  Lại còn có các Thiên Sứ sáng chói ánh hào quang cho biết là Đức Giêsu đã sống lại rồi.  Các bà vội chạy về báo cho các môn đệ.  Hai ông Phêrô và Gioan cũng vội vã chạy ra và chứng thực những gì mà các bà kể lại.  Bà Maria Madalena chưa kịp hoàn hồn, cứ ngỡ ai đánh cắp xác của Thầy mang đi.  Bà đứng đó mà khóc.  Sau khi được tiếng gọi của Đức Giêsu lay động, bà vui mừng hớn hở, chạy về loan tin khắp nơi.  Một niềm vui khác hẳn chợt bừng lên trong bà và những ai chứng kiến, một niềm vui có âm vị chưa từng có trong đời.  Niềm vui ấy là niềm vui do cảm nghiệm được sự sống thần linh, niềm vui được cảm nếm trước hạnh phúc Thiên Đàng, nếm được một sự sống thật, sự sống của chính Thiên Chúa.


Sự kiện Chúa chết và sống lại đã xảy ra cách đây khá lâu xét về mặt lịch sử.  Nhưng ơn phục sinh của Ngài vẫn luôn có đó và tuôn tràn khắp nơi, trong con tim và khối óc của mỗi người.  Có một hạt giống bị chôn vùi vào lòng đất, nay trổ sinh thành một chồi non mơn mởn, chứa đựng bên trong bao sức sống khác.  Mùa đông đã qua đi, mùa xuân đến kéo theo muôn chim vui ca hót tưng bừng, ngàn hoa đua nhau khoe sắc.  Xã hội có thể có những lúc khủng hoảng, nhưng rồi mọi chuyện cũng tốt lên. Cuộc sống của chúng ta có thể có những khoảng thời gian u ám, tưởng như không sao vượt qua được, nhưng rồi một tia hy vọng chợt đến, giúp ta lấy lại thế quân bình, và tiếp tục sống những ngày tháng vui và hạnh phúc.  Thánh Thần chưa bao giờ thôi hoạt động.  Những sự sống mới lúc nào cũng nảy sinh.  Nơi góc đá khô cằn bên sườn núi, ta vẫn thấy có những cành hoa dại cố gắng vươn ra.  Nơi những triền dốc chơ vơ giữa trời, thấp thoáng vẫn có nhành cây nhỏ uốn mình theo gió.  Nơi sa mạc khô cháy và hoang vu, vẫn có những ốc đảo xanh rì rợp bóng mát.  Những dấu hiệu tự nhiên như thế cũng tỏ lộ phần nào quyền năng mãnh liệt của Thiên Chúa vượt lên trên sự chết rợn người.


Sự phục sinh của Giêsu cho chúng ta thấy những gì mà trước kia Ngài nói với chúng ta không sai chút nào.  Rằng nếu con người chịu chết đi cho những lụy tục của mình, con người sẽ được sống.  Rằng muốn đi đến vinh quang, con người phải đi qua thập giá.  Rằng niềm tin và tình yêu sẽ chiến thắng tất cả.  Rằng quyền năng của Thiên Chúa là vô đối vô song.  Rằng chỉ cần ta một lòng tín thác vào Chúa và vâng nghe Lời Người thì Người sẽ cho ta thấy Người tuyệt diệu biết bao khi dẫn ta qua những màn đêm của chết chóc.  Dẫu có khi đứng trước những hy sinh, ta có phần sợ hãi, buồn phiền, thậm chí là chùn chân, nhưng nếu ta tiếp tục tín thác và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp trong tay Chúa, ta sẽ được Người thưởng công bội hậu.


Để có thể trở thành một con bướm xinh, con sâu phải chịu đau đớn chui ra khỏi cái kén. Để có thể trở thành một con chim sải cánh giữa trời bao la, những mệt mỏi khi cố gắng thoát ra khỏi cái vỏ là điều không thể tránh đối với nó. Thành công nào cũng đòi phải có hy sinh.  Phục sinh nào cũng đòi phải bước qua thập giá. Ước gì Chúa Phục Sinh ban thêm sức cho chúng ta, để chúng ta dám vượt thắng con người ù lì và nhát đảm của mình, dám hy sinh vì công lý, vì đạo nghĩa, vì Đức Kitô ngõ hầu chúng ta có thể được cùng Người sống lại trong vinh quang.


Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...