Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

"ST" nghĩa là sự thánh thiện

(Lễ Thánh Phêrô và Phaolô)

Người ta kể rằng: tại một vùng miền quê nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói khổ, nghèo nàn đã trở thành kẻ "bần cùng sinh đạo tặc". Họ rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự "ST", có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ stealer).

Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống để mong chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng, anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ "ST" đáng nguyền rủa này.

Còn người em, anh tự nói với bản thân mình: "Tôi cần phải lấy lại lòng tin của những người xung quanh và của chính tôi". Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể. Anh lao động bằng đôi tay của mình. Anh dành một phần hoa lợi để giúp đỡ người nghèo. Anh sống chan hoà tình yêu thương với mọi cư dân trong vùng. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự "ST" vẫn còn in dấu trên vầng trán anh. Nhưng chẳng mấy ai để ý đến ý nghĩa hai chữ ST trên vầng trán của anh.

Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: "Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện (saint)".

Hôm nay lễ kính thánh Phêrô và Phaolô, các ngài trở thành thánh nhân cao cả là nhờ biết khép lại quá khứ để chỉ lo tìm kiếm ý Chúa và thực thi trong hiện tại và suốt cuộc đời. Các ngài cũng có một quá khứ lầm lỗi, một quá khứ tưởng chừng như đã làm cho hai ngài suốt đời sống trong ân hận và tủi nhục. Phêrô đã có lần bị Chúa quở là satan. Lầm lỗi lớn nhất trong cuộc đời ông là ba lần chối mình không phải là môn đệ của Thầy Giêsu. Phaolô đã năm lần bảy lượt đi lùng bắt và giết chết những ai mang danh kytô hữu. Chính Phaolô đã can dự vào việc ném đá Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội. Nhưng mẫu số chung của hai ông chính là biết đứng lên sau những lần vấp ngã và chuộc lại lỗi lầm bằng cuộc sống đổi mới con người theo như lòng Chúa mong ước.

Thực vậy, sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình Chúa nhìn xuống Phêrô. Ánh mắt Thầy vẫn trìu mến thân thương như gởi đến ông sứ điệp: "Phêrô, sao con lại chối Ta. Ơn nghĩa Thầy trò ba năm gắn bó chẳng lẽ không còn một chút vương vẫn hay sao?". Lại thêm tiếng gà gáy đêm khuya đã giúp lương tâm ông tỉnh ngộ và nhớ lại lời Thầy đã tiên báo: "trước khi gà gáy con đã chối Ta ba lần". Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn trĩu nặng, một cái gì đó đã chết trong ông. Vâng, đã chết rồi, niềm tự hào, tự tin quá mức. Ông chỉ là cát bụi, ông biết mình chỉ là cát bụi, yếu hèn và rất dễ sa ngã. Mới hôm qua ông còn tuyên bố rằng: "dù mọi người bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ". Thế mà, miệng gan hùm đã không còn khi đối diện trước nguy nan. Ông đã hèn nhát chối Thầy đến ba lần. Nhưng đêm hôm đó, một biến cố trọng đại đã "đổi mới" tâm hồn Phêrô. Lòng ăn năn bộc phát và lòng khiêm nhường chân thành đã biến Phêrô thành người thuyền trưởng trên con tàu Giáo hội.

Phaolô, sau lần ngã ngựa đớn đau bởi một luồng sáng chói loà hôm ấy. Mắt ông không còn thấy gì nữa, ông như kẻ bị mù trong ba ngày. Con mắt thể xác ông bị đóng lại, nhưng con mắt tâm hồn ông lại được sáng tỏ. Ông đã thấy Giêsu, người mà ông tưởng đã chết, thế mà, Người đã Sống lại thật, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Người đang nói với ông: "Ta là Giêsu mà ngươi đang tìm giết". Bao lâu nay ông không tin có sự sống lại. Ông đang hăm hở tiêu diệt những ai loan báo về sự sống lại của một tử tội Giêsu. Giờ đây, ông đã tin. Sự sống của Chúa Phục sinh đã làm thay đổi cuộc đời của ông. Và kể từ nay, ông đã trở thành một tông đồ ra đi đổi mới cả thế giới.

Cuộc đời của mỗi người chúng ta đôi khi cũng có những yếu đuối, có những bước đi bị vấp té bởi cạm bẫy của tham sân si. Vì thế, có ai đó đã từng nói rằng: "lầm lỗi là của con người", nhưng đứng lên làm lại cuộc đời đó là của "thánh nhân". Thánh Phêrô và thánh Phaolô đã nhìn quá khứ như một hồng ân của Thiên Chúa dành cho các ngài. Chúa không trách phạt các ngài mà còn tin tưởng trao phó sứ mạng mở mang nước Chúa đến tận cùng trái đất. Với ơn trời cao cả đó, thánh Phaolô đã từng thốt lên: "Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng tin mừng". Còn thánh Phêrô thì không còn sợ cường quyền ức hiệp, ngài đã mạnh dạn nói rằng: "phải nghe lời Thiên Chúa hơn là lời của con người". Và hôm nay, Chúa vẫn không trách phạt chúng ta theo như chúng ta đáng tội, Ngài vẫn khoan dung tha thứ và hằng mời gọi chúng ta hãy làm lại cuộc đời, hãy dùng ơn Chúa để hoàn thiện mình và nhất là hãy nói về tình yêu Chúa cho anh em, cho bạn bè, cho mọi người mà chúng ta gặp gỡ thân quen.

Ước gì cuộc đời các ngài soi sáng cho cuộc đời chúng ta để chúng ta không bao giờ thất vọng về lỗi lầm của mình, nhưng qua những yếu đuối bản thân, chúng ta càng nhận ra tình thương bao la của Chúa và cũng biết noi gương các ngài trở thành chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa thế gian. Amen.

Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

Lời Mẹ Dặn

Ba – lô tư trang sẵn sàng
Chắc tay, chân vững hiên ngang vào đời
Con ơi, mẹ có đôi lời
Chăm lo giữ gìn xác hồn tinh trong

Dù cho bão tố mưa giông
Bền tâm vững chí cậy trông Chúa Trời
Khổ đau gian khó giữa đời
Can đảm đón lấy chẳng lời trách than

Đường con đi, đường bình an
Ca khen chúc tụng muôn vàn thánh ân
Đời con là tiếng xin vâng
Tin yêu phó thác con dâng cho Ngài

Cuộc đời con còn quá dài
Siêng năng cầu nguyện miệt mài lời kinh
Con hãy dâng cả tâm tình
Xin Chúa đón nhận chân tình của con

Cuộc đời con còn quá non
Mẹ sẽ nâng đỡ đồng hành với con
Dẫu no dẫu đói vẫn tròn
Hãy sống vui vẻ trọn đời yêu thương

Con hãy luôn luôn kiên cường
Để con được sống trên đường yêu thương
Con ơi đừng có vấn vương
Trần gian cạm bẫy vô lường khó đi

Giờ đây mẹ biết nói chi
Mong con luôn hiểu thánh ý Chúa Trời
Tình yêu Thiên Chúa cao vời
Con ơi hãy nhớ mấy lời mẹ đây

Demon

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

LỜI NGUYỆN XIN TĨNH LẶNG

Kinh thánh quả quyết với chúng rằng nếu chúng ta làm thinh thì sẽ biết Chúa, nhưng có được sự lặng yên thì nói dễ hơn làm. Như Blaise Pascal từng nói, “Mọi khốn khổ của con người là do chẳng ai có thể ngồi yên trong một tiếng đồng hồ.” Đạt được sự tĩnh lặng có vẻ là việc quá tầm chúng ta, và như thế chúng ta gặp một song đề: chúng ta cần tĩnh lặng để tìm Chúa, nhưng cần Chúa giúp để tìm sự tĩnh lặng. Nghĩ như thế, tôi xin đưa gởi gắm các bạn một lời nguyện xin sự tĩnh lặng.

Lạy Thiên Chúa của tĩnh lặng…

Xin làm tĩnh lặng những bồn chồn tuổi trẻ của con, tĩnh lặng cơn đói khát cứ ập vào con, cơn đói khát muốn nối kết với mọi người, muốn thấy và và thưởng nếm mọi thứ, cơn đói khát khiến con mất bình an những buổi tối cuối tuần. Xin tĩnh lặng những giấc mơ tự đại muốn mình nổi bật với người khác. Xin cho con ơn sống hài lòng hơn với bản thân con.

Xin tĩnh lặng cơn bồn chồn khiến con thấy mình quá nhỏ bé. Xin cho con biết rằng đời con là đủ, và con không cần đòi hỏi về mình, dù cho cả thế giới đang cố lôi kéo con làm thế với vô vàn những hình ảnh tiếng động khắp nơi. Xin cho con ơn sống bình an trong cuộc đời mình.

Xin làm tĩnh lặng tính dục của con, chỉnh đốn những khao khát bừa bãi, dục vọng của con, nhu cầu không ngơi muốn được thân mật hơn nữa của con. Xin tĩnh lặng và chỉnh đốn những dục vọng trần tục của con mà không cần phải xóa bỏ chúng đi. Xin cho con biết nhìn người khác mà không phải với con mắt tình dục ích kỷ.

Xin tĩnh lặng những lo âu, trăn trở của con và đừng để con lúc nào cũng sống ngoài giây phút hiện tại. Xin cho con biết ngày nào có mối lo của ngày ấy. Xin cho con ơn biết rằng Chúa đã gọi con trong yêu thương, viết sẵn tên con trên thiên đàng, và con được tự do sống mà không cần lo lắng.

Xin tĩnh lặng nhu cầu muốn bận rộn luôn mãi của con, muốn kiếm việc gì đó để làm, muốn lên kế hoạch cho ngày mai, muốn hoạt động mọi phút giây, muốn tìm cái gì đó để lấp đầy khoảng thinh lặng. Xin cho con biết thêm tuổi thêm khôn ngoan. Xin làm nguôi đi những cơn giận âm ỉ vô thức của con vì thấy quá nhiều mong muốn của mình chưa thành sự. Xin tĩnh lặng sự chua cay vì thất bại của con. Xin giữ con khỏi ghen tương khi con cay đắng chấp nhận những giới hạn của cuộc sống mình.

Xin cho con ơn chấp nhận những thất bại và hoàn cảnh của mình.

Xin tĩnh lặng nỗi sợ  chính mình, nỗi sợ trước những thế lực tăm tối đang đe dọa con trong vô thức. Xin cho con can đảm để đối diện với bóng tối cũng như ánh sáng của chính mình. Xin cho con ơn đừng sợ sự phức tạp của mình.

Xin tĩnh lặng nỗi sợ bẩm tại của con là sợ mình không được yêu thương, sợ con không xứng đáng để yêu. Xin làm tĩnh lặng sự hoài nghi dằn vặt rằng con luôn là kẻ ngoài cuộc, rằng cuộc sống thật bất công, rằng con không được tôn trọng và thừa nhận. Xin cho con ơn biết rằng con là con yêu dấu của Chúa, Đấng yêu thương con vô điều kiện.

Xin tĩnh lặng trong con nỗi sợ vô cớ đối với Chúa, để con đừng thấy Chúa xa cách và đáng sợ, mà thay vào đó là nhìn thấy Chúa nồng ấm và thân thiện. Xin cho con ơn liên kết với Chúa thật hồn nhiên, như một người bạn mà con có thể chuyện trò, đùa giỡn, vui vẻ và thân thiết.

Xin tĩnh lặng trong con những suy nghĩ bất dung, về những giận hơn từ quá khứ, những bội bạc, lăng mạ mà con phải chịu. Xin tĩnh lặng trong con những tội mà chính con đã phạm. Xin tĩnh lặng trong con những tổn thương, cay đắng và giận hờn. Xin cho con sự tĩnh lặng từ sự tha thứ, từ con và cho con.

Xin tĩnh lặng những nghi ngờ, lo lắng về sự hiện diện của Chúa, về lòng trung tín của Chúa. Xin tĩnh lặng trong con xung lực muốn để lại dấu ấn, muốn tạo nên gì đó bất tử cho bản thân mình. Xin cho con ơn biết tin tưởng, ngay cả trong tối tăm và nghi hoặc, rằng chính Chúa sẽ cho con sự sống đời đời.

Xin tĩnh lặng tâm hồn con để con biết Chúa là Thiên Chúa, và cho con biết Chúa đã tạo dựng và gìn giữ mọi hơi thở của con, rằng Chúa yêu thương con cũng như hết thảy mọi người, rằng Chúa muốn cuộc sống chúng con bừng nở, Chúa muốn chúng con hạnh phúc, Chúa yêu thương và chăm lo hết mọi người, rằng chúng con sẽ được an bình trong bàn tay nhân từ của Chúa, ở đời này và đời sau.

Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch
http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180607153100

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2018

Linh mục trọn đời và trọn vẹn cuộc đời

Tháng Sáu dương lịch hằng năm là tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thánh Tâm Chúa gắn liền với hồng ân Linh mục. Quả là một điều tuyệt vời, mỗi khi tháng Sáu về, đây đó trên khắp thế giới có lễ Truyền chức Linh mục. Điều tuyệt vời hơn nữa, đó là được chứng kiến những bạn trẻ, sau thời gian được đào tạo tại các Đại chủng viện, tình nguyện dấn thân để sống vì người khác noi gương Đức Giêsu, Đấng đã đến “không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”. Qua những lời tuyên thệ trong nghi thức Truyền chức, Linh mục dấn thân trọn đời và trọn vẹn cuộc đời để thuộc về Chúa và thuộc về Giáo hội. Đây là sự dấn thân mang ý nghĩa sâu sắc, làm nên vẻ đẹp của đời tu và cũng làm nên sự khác biệt với những công chức trong xã hội.

Là Linh mục trọn đời và trọn vẹn cuộc đời, đó là lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhân cuộc gặp gỡ với các chủng sinh đến từ nước Anh, ngày 21-4-2018 vừa qua tại Rôma. Ngài nói: “Thật là tốt đẹp khi được thấy các bạn trẻ đang chuẩn bị quyết tâm chấp nhận dấn thân theo Chúa, một sự dấn thân trọn đời”. Ngài cũng nói: “Đối với các con hôm nay, các con sẽ gặp nhiều khó khăn hơn thời của Cha, vì xã hội hôm nay đang ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lối sống tạm bợ”.  Quả thật, lối sống hưởng thụ vội vàng và chỉ nghĩ đến hiện tại, đang phổ biến nơi nhiều người, nhất là nơi các bạn trẻ. Khi cảnh báo các chủng sinh về nguy hiểm này, vị Mục tử tối cao của Giáo hội muốn hướng họ về một điều kiện căn bản để trở nên môn đệ Đức Giêsu và trở thành Linh mục trong thế giới  hôm nay, hầu trở nên “mọi sự cho mọi người”. Ngài nói: “Để chiến thắng những thách đố này và để các con có một lời hứa thực sự với Thiên Chúa, điều căn bản trong thời gian huấn luyện ở đại chủng  viện là các con phải được nuôi dưỡng bằng đời sống nội tâm, đồng thời học biết thận trọng để  đón nhận những điều tốt lành vào căn phòng tâm hồn thấm kín riêng tư của các con”.

Qua sự dấn thân trọn đời và trọn vẹn cuộc đời, Linh mục là người hoàn toàn thuộc về Chúa, như  dụng cụ trong tay Chúa, tùy Ngài sử dụng. Qua Bí tích Truyền chức, Linh mục được kết giao với Chúa, giống như sự kết giao của Bí tích Hôn nhân, làm cho hai người nam nữ  mãi mãi nên một, không thể tách rời phân ly. Vì được “kết hôn” với Chúa, Linh mục nhận Chúa làm gia nghiệp của mình, trung tín với Ngài lúc vui cũng như lúc buồn, khi đau khổ cũng như khi hạnh phúc. Luật Giáo hội quy định, những người đã thụ phong Linh mục, nếu chưa được Đức Giáo Hoàng tha cho hồi tục mà cử hành Bí tích hôn phối, thì hôn phối đó vô hiệu, vì chức thánh là một trong những ngăn trở tiêu hôn.

Linh mục không thi hành chức vụ giống như những công chức khi ở trên công đường, và trong giờ hành chính. Chức Linh mục gắn liền người thụ phong với Chúa. Ơn của Bí tích làm cho người được thụ phong nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Đức Giêsu là Ngôi Lời Nhập Thể. Trọn vẹn cuộc sống của Người là cuộc sống của Con Thiên Chúa nơi trần gian. Không có lúc nào người có tên là Giêsu tách rời khỏi Ngôi Hai Thiên Chúa. Dù ăn, dù ngủ, dù đi lại hay hoạt động, Chúa Giêsu luôn luôn là Con Thiên Chúa. Mọi hành động của Người đều là hành động sinh ơn cứu độ và nhằm mưu ích cho con người. Vì thế, Linh mục không phải là Linh mục “bán thời gian”, tức chỉ một phần trong thời gian biểu hằng ngày.  Chức Linh mục thấm sâu và hòa nhập vào chính bản thể của người được thụ phong. Được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, tất cả những gì Linh mục làm, nhất là trong khi thi hành bổn phận mục vụ, đều phản chiếu hình ảnh của Đức Giêsu và là chính hiện thân của Người giữa đời. Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: “Này đây Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chúa đã giữ lời hứa ấy và đang hiện diện giữa chúng ta bằng nhiều cách thế khác nhau. Một trong những cách thế hiện diện của Người là qua con người của Linh mục. Nếu chúng ta không nhìn thấy trực tiếp Chúa Giêsu thể lý, thì chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện quyền năng của Người qua đời sống và sứ vụ của Linh mục: Khi Linh mục xức dầu bệnh nhân là chính Chúa Giêsu chăm sóc yên ủi người ốm đau bệnh tật. Khi Linh mục cử hành Bí tích Giao hòa, là chính Chúa Giêsu tha thứ tội lỗi. Khi Linh mục thăm viếng những người đang đau khổ cô đơn tuyệt vọng, là chính Chúa Giêsu đến với họ để đem cho họ niềm vui và khích lệ. Trọn vẹn đời sống và sứ vụ của Linh mục đều mang tính “Bí tích”, có nghĩa là những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa và qua đó, Chúa ban cho nhân loại muôn vàn ân sủng.

Là Linh mục trọn đời và trọn vẹn cuộc đời, Linh mục luôn ở trong tình trạng sẵn sàng lên đường. Linh mục là người nhân danh Chúa để thi hành sứ vụ. Chức Linh mục được tiếp nối qua mọi thế hệ, từ Đức Giêsu cho đến hôm nay. Nếu Giáo hội có ủy nhiệm một tác vụ cho Linh mục và sai đi, là vì Giáo hội nhân danh Chúa Giêsu và làm theo lệnh truyền của Người. “Ai nghe các con là nghe Thày….(x. Lc 10,13-16). Chính Chúa Cha đã sai Đức Giêsu vào trần gian để loan báo Tin Mừng và cứu độ con người, vì vậy, Người  được gọi là Đấng Thiên Sai. Trước khi về trời, Chúa Giêsu lại sai các môn đệ, để các ông tiếp tục sứ mạng của Người. Từ cuộc lên đường của các môn đệ đầu tiên cách đây hai ngàn năm, Giáo hội vẫn tiếp tục lên đường, đến với mọi nền văn hóa để đem ánh sáng Tin Mừng chiếu rọi, góp phần làm cho cuộc sống thăng hoa, thấm đượm niềm vui và hy vọng. Trong giáo huấn của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhiều lần nói lên mong ước của Ngài, là Giáo hội phải mở cửa, phải lên đường, bất chấp mọi nghịch cảnh, kể cả khi Giáo hội vì đi ra mà mang những dấu vết của cuộc đời, hoặc bị tổn thương do những va chạm. Hình ảnh Đức Giêsu can đảm lên đường là gương mẫu và lý tưởng cho Linh mục. Khi có người khuyên Chúa hãy đi nơi khác vì vua Hêrôđê đang đe dọa giết, Người nói: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được” (Lc 13, 32-33). Ý thức mình là người được sai đi, Linh mục phải chuyên tâm làm theo ý của Đấng đã sai mình, như Chúa Giêsu luôn chuyên tâm làm theo ý của Chúa Cha và coi ý của Chúa Cha là lương thực nuôi sống bản thân.

Chức Linh mục của Giao ước mới không chỉ là một sứ vụ được ủy thác, nhưng còn là một ơn gọi. Ơn gọi này đến từ chính Chúa. Người hoàn toàn tự do chọn và gọi những ai Người muốn (x. Mc 3, 13-15). Ơn gọi là một huyền nhiệm, con người không thể hiểu thấu. Vì thế, có nhiều người học hành uyên bác giỏi giang mà lại không có ơn gọi. Huyền nhiệm của ơn gọi khẳng định với chúng ta: kết quả đến từ sứ vụ Linh mục không do sự khôn ngoan tài khéo theo kiểu loài người, mà là đến từ Thiên Chúa. Con người, dù giỏi mấy chăng nữa, chỉ là dụng cụ Chúa dùng. Người ta đặt câu hỏi tại sao Chúa Giêsu lại chọn mười hai tông đồ là những người xuất thân từ làng chài bên bờ hồ Giênêgiarét, là những người quê mùa ít học. Việc Chúa chọn những người dân chài cho thấy, rao giảng Tin Mừng là việc của Chúa, con người chỉ là những cộng sự viên để Lời Chúa được rao truyền cho muôn dân.

Với thiên chức Linh mục, người được thụ phong có thể nói như Thánh Augustinô: Với anh chị em, tôi là Kitô hữu, cho anh chị em, tôi là Linh mục. Linh mục vừa là một tín hữu như biết bao tín hữu khác, vừa là một người mang sứ vụ hướng dẫn anh chị em mình trên con đường theo Chúa. Là Kitô hữu, Linh mục cũng phải cố gắng mỗi ngày để hoàn thiện bản thân; là Linh mục, Linh mục phải dấn thân hy sinh để đem lại hạnh phúc cho anh chị em mình. Thiếu một trong hai khía cạnh này, đời Linh mục sẽ trở nên vô nghĩa, sứ vụ tông đồ sẽ vô hiệu.

Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, hoặc dù đây đó có những người không trung thành với lý tưởng đời Linh mục, chức Linh mục vẫn cao cả tuyệt vời.  Bởi lẽ, qua sự hy sinh dấn thân phục vụ, Linh mục không còn sống cho chính mình, nhưng sống cho Chúa và sống vì hạnh phúc của tha nhân. Linh mục là người lấy hạnh phúc của tha nhân làm hạnh phúc của chính mình. Sự hy sinh của Linh mục không phải là vô nghĩa, vì Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm,  mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu” (Mc 10, 29-30).

Chúa không quên thêm: “cùng với sự bắt bớ”.  Vâng, thập giá vẫn luôn hiện diện trong đời Linh mục, như Chúa Giêsu đã vác thập giá bước đi để chứng minh tình thương bao la của Thiên Chúa. Tuy vậy, Người không dừng lại ở thập giá, nhưng Người đã phục sinh. Chấp nhận thập giá trong đời, Linh mục sẽ được gấp trăm ở đời này, và sẽ được sự sống vĩnh cửu. Đó là phần thưởng Chúa dành cho những người trung tín.

Trong tháng Thánh Tâm, Giáo hội cầu nguyện xin ơn thánh hóa các Linh mục. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các Linh mục luôn mang trong mình trái tim của Chúa, sống thánh thiện để phản chiếu dung mạo của Đức Giêsu nơi trần gian.

Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu 2018

+ Giuse Vũ Văn Thiên

Giám mục Giáo phận Hải Phòng

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

HỒNG ÂN THÁNH THỂ

Khi thông ban Sự Sống của chính mình cho nhân loại, Thiên Chúa ban cho họ một hồng ân cao quý hơn hết mọi hồng ân, một quà tặng tuyệt vời trên tất cả mọi món quà

Không gì trên đời quý bằng sự sống. Dù có bị thiên tai mất hết ruộng vườn, tài sản, nhà cửa, tiền bạc, nhưng chưa phải chết thì vẫn còn may.

Được sống là một hồng phúc lớn nhất, là một ân huệ vượt trên hết mọi ân huệ. Theo nhà văn Jack London thì "thà làm một con chó sống còn hơn làm một con sư tử chết". Làm một con chuột sống còn hơn một con voi chết! Thế nên người ta thường nói: "Mạng sống quý hơn đống vàng".

Vì yêu thương con người trên hết mọi sự, nên Thiên Chúa muốn dành cho họ quà tặng cao quý hơn tất cả mọi quà tặng, đó là sự sống; nhưng Thiên Chúa không chỉ ban sự sống sinh vật mà còn thông ban cả Sự Sống của chính Thiên Chúa cho con người nữa.

Thông ban sự sống thần linh

Thiên Chúa Cha là Cội Nguồn của Sự Sống. Sự Sống bắt nguồn từ Chúa Cha. Người thông ban Sự Sống của Người cho Chúa Con (Chúa Cha nhiệm sinh Chúa Con). Chúa Giêsu xác nhận sự sống của Người từ Chúa Cha mà đến: “Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha” (Ga 6, 57)

Một khi nhận được sự sống từ Chúa Cha, Chúa Giêsu không giữ lại cho riêng mình, nhưng tìm cách thông truyền Sự Sống cao quý ấy cho nhân loại.

Bằng cách nào?

Muốn cho cành nho rừng tiếp nhận được sự sống của cây nho vườn, thì nó phải được tháp nối để nên một với cây nho vườn.

Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.

Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giêsu thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giêsu.

Thế nên, Chúa Giêsu lập nên bí tích Thánh Thể, hiến ban Thịt và Máu Người, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để cho những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Người thì được nên một với Người, được ở lại trong Người: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.”

Những ai “ở lại trong Chúa Giêsu và có Chúa Giêsu ở lại trong người ấy”, thì tất nhiên Sự Sống của Chúa Giêsu sẽ được thông ban cho người ấy.

Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giêsu thông ban, qua việc tiếp nhận Mình Máu Người, không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai.

“Đức Giêsu nói với người Do-thái rằng: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6, 51)

“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6, 54)

Thế là thông qua việc ăn Mình và Máu Chúa Giêsu, con người được nên “cùng một thân mình, cùng một dòng máu” với Chúa Giêsu và do đó, Sự Sống thần linh của Chúa Giêsu sẽ được thông ban cho họ.

Khi thông ban Sự Sống của chính mình cho nhân loại, Thiên Chúa ban cho họ một hồng ân cao quý hơn hết mọi hồng ân, một quà tặng tuyệt vời trên tất cả mọi món quà.

Biến đổi con người thành Chúa Giêsu

Ngoài ra, khi tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giêsu trong Bí Tích thánh thể, chúng ta còn được biến đổi để nên một Giêsu khác. Thánh Giáo hoàng Lê-ô Cả khẳng định:

“Thực thế, chúng ta thông phần Mình và Máu Chúa Kitô là để được biến thành Đấng chúng ta rước lấy” (trích bài giảng của thánh Lê-ô cả giáo hoàng, trong bài đọc kinh sách ngày thứ tư, tuần 2 phục sinh)

Giáo huấn của Hội Thánh còn dạy cho biết nhờ tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giêsu, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa:

“Khi bạn ăn uống Mình và Máu Đức Kitô, bạn nên một với Người, cùng một thân mình, cùng một dòng máu. Như thế, chúng ta trở thành những người mang Đức Kitô, có Mình Máu Người thấm nhập khắp toàn thân. Nhờ vậy, theo lời thánh Phê-rô, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa.” (trích bài giáo huấn cho các tân tòng tại Giê-ru-sa-lem trong bài đọc kinh sách ngày thứ bảy, tuần bát nhật phục sinh)

Lạy Chúa Giêsu,

Hồng ân Chúa ban thật vô cùng lớn lao và quý báu nhưng tiếc thay, nhiều người không nhận biết nên tỏ ra hững hờ.

Xin cho tâm hồn chúng con tràn đầy hoan lạc trước hồng phúc vô giá và khao khát tiếp nhận hồng ân nầy với hết lòng cảm tạ tri ân.

Lm. Ignatiô Trần Ngà
http://www.tinmung.net/SUYNIEM_HANGTUAN2/2018/Mua-Thuong-Nien/CN%20X%20Minh%20Mau%20Thanh/34.htm#_Toc515345644

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

TẤM BÁNH TÌNH YÊU

Mỗi khi chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, tôi không ngừng ngỡ ngàng trước tình yêu của Người. Tình yêu ấy vô cùng cao cả nhưng lại rất đỗi đơn sơ. Đơn sơ như hình ảnh tấm bánh.

❤ Tấm bánh, tình yêu gần gũi.

Sao Chúa không hoá thân làm viên kim cương quý giá mà lại làm một tấm bánh? Tấm bánh bình thường, quen thuộc quá. Từ khi kinh tế phát triển, bánh càng ngày càng xuống giá, bớt được quý trọng.

Tuy bình thường, nhưng bánh vẫn là lương thực cần thiết cho con người. Cũng như khí trời, như nước, bánh đi vào sinh hoạt hằng ngày của con người. Bình thường lắm nhưng không có không được.

Chúa trở thành tấm bánh để gần gũi với loài người, để đi vào sinh hoạt đời thường của con người. Con người có thể đến với Chúa dễ dàng, không e ngại, sợ sệt. Chỉ là một tấm bánh vừa tầm tay mọi người. Chỉ là một tấm bánh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con người. Thật khiêm nhường mà đầy ý nhị.

Thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu xa vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến.

❤ Tấm bánh, tình yêu tự hiến.

Bánh sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu chỉ để trưng bày cho người ta chiêm ngắm. Bánh chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng. Được sử dụng là bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tan biến, bị tiêu hoá. Vì thế, trở thành tấm bánh là chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại. Đây không phải là một chấp nhận bất đắc dĩ, vì tấm bánh bao giờ cũng mời mọc tiêu thụ.

Khi xưng mình là bánh bởi trời, Chúa Giêsu bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa chịu chết cho ta được sống. Chúa chịu huỷ hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa bé nhỏ đi cho ta được lớn mạnh.

Tấm bánh bị tiêu hoá để thực hiện một tình yêu hiệp thông

❤ Tấm bánh, tình yêu hiệp thông.

Chúa Giêsu tha thiết với sự hiệp thông. Người không ngừng mời gọi con người đến sống thân mật với Người. Người tự nhận mình là cây nho và mời gọi mọi người hãy trở thành cành nho gắn kết với cây nho.

Hôm nay, Người còn chủ động trở thành tấm bánh để hoà vào từng giòng máu, từng thớ thịt của con người trong một kết hiệp sâu xa. Người tự tiêu huỷ mình để trở thành thịt máu của con người. Không còn sự kết hợp nào sâu xa khăng khít hơn nữa.

Tấm bánh gợi lên một bàn tiệc tại đó anh em quây quần trong tình thương, chia sẻ lương thực và chia sẻ tâm tình. Không còn gì đẹp hơn. Chính Chúa Kitô tự hiến mình để quy tụ chúng ta. Chính Chúa Kitô bị bẻ ra để cho tình huynh đệ nhân loại được mặn mà thắm thiết.

Với những gợi ý như thế, Chúa hướng dẫn tôi trong tình yêu mến, trong cử hành và trong cách sống Bí tích Thánh Thể.

Yêu mến Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành khiêm nhường, sống gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn?

Cử hành Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mòn, quên mình, thiệt thòi vì Chúa và vì anh em?

Sống Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là xây dựng tình đoàn kết, tình huynh đệ với những người sống quanh ta, trong mọi môi trường cuộc sống?

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Con chúc tụng ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Khi dâng lễ, tấm bánh có gợi lên cho bạn điều gì về tình yêu của Đức Giêsu không?
2) Khi bạn rước lễ, bạn có cảm nghiệm được tình yêu của Chúa không?
3) Phép Thánh Thể thôi thúc bạn làm gì?

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

TIN NHẮN YÊU THƯƠNG


Có những hình ảnh, những vật đã trở thành biểu tượng của tình yêu. Nó giúp cho người đang yêu bày tỏ tình yêu một cách lãng mạn mà không cần nói bằng lời. Với một trái tim đỏ thắm hoặc hình trái tim bị mũi tên đâm xuyên qua đều là biểu tượng cho tình yêu. Trái tim đỏ thắm nói: tôi xin dâng tặng cả trái tim này! Một trái tim có mũi tên đâm qua như muốn nói: Tôi đã yêu đơn phương! Hai trái tim có mũi tên xuyên qua diễn tả: Chúng mình đã gắn kết với nhau bởi tình yêu!

Hoa hồng cũng là biểu tượng tình yêu. Theo truyền thuyết kể rằng: có một thiếu nữ tên Rodanthe. Nàng đẹp kiều diễm nên rất nhiều chàng trai theo đuổi. Thấy nàng bị dồn ép quá mức, nữ thần săn bắn Diana biến nàng thành một bông hồng rực rỡ và ngát hương, biến những chàng trai yêu cô thành những gai nhọn tua tủa. Một truyền thuyết khác lại cho rằng những bông hoa hồng này sinh ra từ những giọt rượu tiên mà Thần Tình Yêu Cupid đã vô tình đánh rớt xuống mặt đất. Tình yêu đẹp, tình yêu nồng nàn nhưng cũng đầy đau khổ...

Bí tích Thánh Thể cũng là biểu tượng tình yêu mà chính Chúa Giêsu đã thiết lập. Ngài không dùng những hình tượng bên ngoài nên dấu chỉ tình yêu mà Ngài dùng chính Thân Thể Ngài trở thành tình yêu tự hiến cho con người. Thật cụ thể. Thật gần gũi. Qua tấm bánh Chúa ở lại với con người và hiến dâng thân mình nên thần lương nuôi sống cho con người. Thánh Thể Ngài thực sự trở thành một biểu tượng tình yêu tự hiến đến tan biến cho người mình yêu.

Quả thực, không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người tự hiến vì người mình yêu. Tình yêu của Chúa Giêsu không dừng lại ở việc chết cho người mình yêu mà còn hiến ban chính Thánh Thể Ngài nên nguồn sức sống cho con người. Vì yêu con người nên Ngài đã nhỏ những giọt rượu tiên ân phúc xuống cho dương gian. Từ đây “Ai ăn và uống máu Ngài thì sẽ có sự sống đời đời”. Từ đây qua bí tích Thánh Thể Ngài sẽ ở cùng con người mọi ngày cho đến tận thế.

Điều tâm huyết mà Chúa muốn nơi chúng ta thực thi đó chính là “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Khi Chúa cầm bánh và rượu dâng lên và trao ban cho các môn đệ Ngài đều tha thiết mời gọi: “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Đó là việc của hiến tế, việc của yêu thương đến trao ban chính máu thịt mình cho anh em. Chúa muốn người môn sinh của Chúa lập lại hằng ngày trên mọi nẻo đường dương gian hành vi của yêu thương và tự hiến cho người mình yêu.

“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” chính là hãy bẻ đời mình ra như tấm bánh đem lại niềm vui, sức sống, hạnh phúc cho tha nhân. Có lẽ ai cũng đã từng nâng niu chiếc bánh. Ai cũng từng vui sướng khi mẹ trao cho tấm bánh. Tấm bánh nào cũng có những giá trị riêng. Tấm bánh nào cũng mang lại niềm vui cho người được nhận vì tấm bánh tự bản thân là tự hiến cho con người. Do đó, cuộc đời người tín hữu cũng được mời gọi hãy là tấm bánh mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân. Cuộc đời người tín hữu cũng trở nên tự hiến để yêu thương và phục vụ con người. Không có yêu thương phục vụ thì đời người tín hữu không có giá trị như tấm bánh đã hết date hay đã không còn sử dụng làm của ăn cho con người.

Có lẽ chúng ta còn nhớ tới vụ động đất tại Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011 với một câu chuyện thật cảm động về tình mẹ. Chuyện kể rằng: Sau khi động đất qua đi, lực lượng cứu hộ bắt đầu các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Và khi họ tiếp cận đống đổ nát từ ngôi nhà của một phụ nữ trẻ, họ thấy thi thể của cô qua các vết nứt. Nhưng tư thế của cô có gì đó rất lạ, tựa như một người đang quỳ gối cầu nguyện; cơ thể nghiêng về phía trước, và hai tay cô đang đỡ lấy một vật gì đó. Ngôi nhà sập lên lưng và đầu cô.

Đội trưởng đội cứu hộ đã gặp rất nhiều khó khăn khi anh luồn tay mình qua một khe hẹp trên tường để với tới thi thể nạn nhân. Anh hy vọng rằng, người phụ nữ này có thể vẫn còn sống. Thế nhưng cơ thể lạnh và cứng đờ cho thấy cô đã chết.

Cả đội rời đi và tiếp tục cuộc tìm kiếm ở tòa nhà đổ sập bên cạnh. Không hiểu sao, viên đội trưởng cảm thấy như bị một lực hút kéo trở lại ngôi nhà của người phụ nữ. Một lần nữa, anh quỳ xuống và luồn tay qua khe hẹp để tìm kiếm ở khoảng không nhỏ bên dưới xác chết. Bỗng nhiên, anh hét lên với vẻ đầy ngạc nhiên: "Một đứa bé! Có một đứa bé!".

Cả đội đã cùng nhau làm việc; họ cẩn thận dỡ bỏ những cái cọc trong đống đổ nát xung quanh người phụ nữ. Có một cậu bé 3 tháng tuổi được bọc trong một chiếc chăn hoa bên dưới thi thể của người mẹ. Rõ ràng, người phụ nữ đã hy sinh để cứu con mình. Khi ngôi nhà sập, cô đã lấy thân mình làm tấm chắn bảo vệ con trai. Cậu bé vẫn đang ngủ một cách yên bình khi đội cứu hộ nhấc em lên.

Bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra sức khỏe của cậu bé. Sau khi mở tấm chăn, ông nhìn thấy một điện thoại di động bên trong. Có một tin nhắn trên màn hình, viết: "Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con".

Một tin nhắn thật cảm động. Cảm động vì nó nói lên một tình yêu hy sinh cao đẹp mà người mẹ dành cho con. Qua bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu cũng để lại cho chúng ta một tin nhắn: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Chúa Giêsu không chỉ muốn chúng ta hãy nhớ rằng Ngài rất yêu thương chúng ta mà Ngài còn mời gọi chúng ta hãy tiếp tục thi thố tình yêu ấy đến cho anh em.

Ước gì là người ky-tô hữu chúng ta hãy làm cho tình yêu của Chúa được hiện tại hóa qua đời sống yêu thương phục vụ của mình. Ước gì từng lời nói, từng việc làm của chúng ta cũng để lại một tin nhắn cho anh em chính là tin nhắn của tình yêu tự hiến cho anh em. Amen.

Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
http://www.tinmung.net/SUYNIEM_HANGTUAN2/2018/Mua-Thuong-Nien/CN%20X%20Minh%20Mau%20Thanh/34.htm#_Toc515345638

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...