Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

Chúa Hài Đồng ở đâu trong mùa giáng sinh này?


Mùa Giáng Sinh về len lỏi trong các con phố, len lỏi trong từng ngõ ngách, từng hơi thở của cuộc sống. Trải dài khắp Việt Nam và trên toàn thế giới, tháng 12 đâu đâu cũng rộn ràng bởi những khúc ca vui nhộn và ngập tràn màu sắc của ông già Noel, của tuyết phủ trắng xóa, của những nhánh cây thông xanh rực rỡ… Ngừng lại với vòng quay hối hả của những ngày cuối cùng của năm cũ, vậy có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi: Chúa ở đâu trong mùa Giáng Sinh này hay ý nghĩa của Giáng Sinh là gì không? Nhưng thay vào đó, đôi khi chúng ta chỉ mừng lễ Giáng Sinh như là niềm vui hời hợt bên ngoài.

Tại sao tôi lại đặt câu hỏi ấy, bởi chính tôi cũng đã từng đón những mùa Giáng Sinh như thế, chỉ biết trang trí điện, hang đá thật rực rỡ… Tôi cũng giống như bao người giăng đèn khắp các phố phường. Thiên hạ đổ xô đi mua sắm.  Truyền thanh truyền hình quảng cáo khuyến mãi đủ mọi mặt hàng, đủ thứ quà tặng và thiệp mừng Giáng Sinh đủ các loại bày bán… đâu đâu cũng có. Khắp nơi mọi chốn trên toàn thế giới, ở nước giàu cũng như tại nước nghèo, từ thành thị cho đến thôn quê, ai ai cũng bảo nhau trang hoàng nhà cửa đường phố… Mỗi lần Giáng Sinh về, gia đình, bạn bè hẹn gặp nhau. Họ vui chơi trò này đến trò khác, ăn uống món này đến món khác… nhưng ý nghĩa của ngày lễ thì hầu như không ai biết.

 

Tôi nhớ rất rõ, cách đây vài năm, tại một giáo xứ nọ, chính quyền vào chúc mừng cha chính xứ nhân dịp lễ Giáng Sinh, trên lẵng hoa và gói quà đều in dòng chữ: Chúc mừng Giáng Sinh… Sau khi trao hoa và tặng quà xong, cha xứ không ngần ngại góp ý: “Cảm ơn quý vị rất nhiều về tình cảm của quý vị, nhưng lần sau…nếu các ông có chúc mừng Noel xin các ông thêm vào chữ “Chúa” vào dòng Chúc Mừng Giáng Sinh chứ đừng viết chúc mừng giáng sinh không không vậy. Phải chúc mừng giáng sinh của ai chứ…phải là: (CHÚC MỪNG CHÚA GIÁNG SINH hoặc MỪNG CHÚA GIÁNG SINH) mới đúng chứ!

 

Quả thật đôi khi chúng ta đón Giáng Sinh nhưng là của ai đó chứ đâu phải mừng sinh nhật của Ngôi Hai Thiên Chúa. Khi chỉ biết chụp hình vui chơi, xem đường phố… mà vô tình hay hữu ý quên mất đón Chúa trong tâm hồn. Xem hoan ca tưng bừng xong lặng lẽ quay lưng đi uống cà phê thay vì đi tham dự Thánh Lễ đêm, đi phượt phố thay thì đi kiệu Chúa Hài Đồng. Và này, người ta trang hoàng phòng tiệc, các cửa hàng thật lộng lẫy, nào cây giáng sinh, nào những quả bóng xinh xắn lủng lẳng trên đó; nào hoa, nào những dây đèn rực rỡ… và ở đó, cũng có rất nhiều hộp quà được gói thật đẹp… Nhưng chúng ta biết không, chẳng có mấy cửa hàng có hình Chúa ở đó, chỉ là cây thông, ông già noel, tuần lộc…có lẽ, họ không thích sự có mặt của Chúa ở đó. Nên mỗi năm, sự việc càng trở nên tồi tệ hơn. Ai ai cũng chỉ nhớ đến những món quà, những bánh trái, đồ ăn thức uống và không ai còn nhớ đến Chúa ở đâu trong mùa Giáng sinh này. Nói cách khác là; Chúa đang ở đâu trong cuộc sống này? Và họ quên mất rằng: chính Chúa Giêsu mới là nguồn gốc và lí do để có ngày mừng lễ này.

 

Thật ra, Chúa luôn muốn chúng ta cho phép Chúa được vào với mọi người, vào nhà chúng ta, đi vào cuộc đời mỗi chúng ta. Chúa muốn mỗi người trong chúng ta ý thức rằng, đã hơn 2.000 năm, Chúa đã đến trần gian này để trao tặng cho mỗi người một quà tặng là chính mạng sống của tôi trên Thánh Giá hầu cứu chuộc chúng ta. Lễ Giáng Sinh, chúng ta kỷ niệm cuộc hiện diện đầy tình yêu của một vị Thiên Chúa cúi sâu xuống trên thận phận con người. Một tình yêu lớn đến nỗi, làm cho Ngài chấp nhận cách thế hiện diện như chúng ta là người, để chia sẻ đến cùng cái giới hạn của kiếp người bất tất của ta.

 

Vậy chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, nhìn vào hang đá, ta có cả một bài học xin vâng thế giá như thế, lẽ nào ta còn nghi nan, còn nề hà mà không để Chúa dẫn dắt mình? Và để Chúa ở lại trong cuộc đời ta.
 Riêng, đối với những Kitô hữu, những gia đình tin nhận Đức Kitô là Đấng Emmanuel, trong những ngày, cần thể hiện niềm tin đó để mừng đại lễ Giáng Sinh cách cụ thể khi: Người vợ sẽ nhìn thấy Đấng Emmanuel trong những vất vả, khổ cực của chồng để sắt son chung thủy. Và chồng thấy Đấng Emmanuel trong bao nhiêu hy sinh, tần tảo sớm hôm của vợ để yêu thương chăm sóc, đỡ nâng. Con cái nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cha mẹ để hiếu thảo kính yêu, vâng lời lễ độ. Bạn bè nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cuộc đời của nhau để mà sống tử tế, phục vụ và chia sẻ… Mọi người nhìn thấy Đấng Emmanuel trong mỗi giờ kinh nguyện, trong Thánh lễ mỗi ngày, trong nhà tạm với chiếc đèn hiu hắt, trong tòa giải tội để đợi chờ thứ tha, trong cộng đoàn để hiệp thông…Và như thế, lễ Giáng Sinh của chúng ta, của những người Kitô hữu, sẽ không trở thành một lễ hội ăn chơi đua đòi mà là một gặp gỡ đổi đời nên thánh.


Đó là những suy nghĩ của riêng bản thân tôi, còn bạn…bạn có suy nghĩ gì về Chúa Hài Đồng ở đâu trong mùa Giáng Sinh này và trong cả cuộc đời của bạn…?


Nguyễn Nguyễn Hà An


Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

Mẹ Tuyệt Mỹ


Ngắm nhìn dung mạo của Mẹ Maria trong bức tranh ở trên, xin mạo muội đặt ra một tiêu đề đơn sơ: “Mẹ Tuyệt Mỹ”.

 

Bức tranh này là một phần của kiệt tác “Isenheimer Altars” được họa sĩ Grünewald thực hiện vào năm 1515-1516. Isenheimer Altars là một tổng thể các bức tranh được đặt phía trên của bàn thờ thuộc nhà nguyện tu viện Antoniter tại làng Isenheim, hiện thuộc vùng Elsass, Pháp Quốc, vì thế người ta gọi kiệt tác nghệ thuật này là“Bàn thờ Isenheimer” .

Hiện nay “Bàn thờ Isenheimer” đang được gìn giữ và trưng bày trong Viện Bảo Tàng nghệ thuật Unter Linden ở thành phố Colmar, Pháp Quốc.

 

Trong những ngày mùa Vọng đón chờ Chúa Cứu Thế đến, mời bạn cùng chiêm ngắm dung mạo tuyệt mỹ của Mẹ Maria đang bồng ẵm Hài Nhi Giêsu trên tay, để qua đó hy vọng ta cảm nghiệm sâu hơn “Vẻ đẹp cứu độ” của Thiên Chúa đã và đang tiếp tục tô vẽ trên từng trang giấy cuộc đời của chúng ta.

  

Càng ngắm bức tranh con càng cảm nhận được nét đẹp sống động của Mẹ Tuyệt Mỹ. Mẹ đẹp tuyệt vời vì Mẹ có Chúa Giêsu ở cùng. Hai tay Mẹ ôm lấy Chúa Hài Đồng nâng lên, đầu mẹ cúi xuống thật gần để nhìn ngắm Chúa. Ánh mắt dịu hiền của Mẹ dành trọn cho Chúa, ánh mắt âu yếm, tràn đầy tình yêu mẫu tử. Đối với Mẹ thế giới chung quanh không quan trọng, trước mặt Mẹ giờ đây chỉ có Chúa. Chúa là tất cả, Chúa đem đến bình an và hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt mẹ. Tất cả tâm tư, tình cảm, lo lắng, yêu thương của Mẹ đều dành cho Chúa và vì Chúa.  Mẹ dạy con phải biết hướng trọn cuộc đời mình về Chúa. Có như thế con mới tìm được hạnh phúc và bình an đích thực.

 

Mẹ ôm Chúa trong chiếc khăn tã rách tả tơi. Nhìn chiếc khăn rách con liên tưởng tới thân phận rách nát, tội lỗi và bất xứng của con người. Mẹ đã thay mặt toàn thể nhân loại đón Chúa và ôm ấp Chúa để chúng con được cứu rỗi, được đến gần và được chạm đến tình yêu Thiên Chúa.


Tình yêu của Mẹ dành cho Chúa Giêsu là tình yêu yên lặng và hy sinh mà thánh Gioan Thánh Giá nhắc đến trong bài suy niệm của ngày hôm nay “Sự khôn ngoan thấm nhập nhờ tình yêu, sự yên lặng và sự hy sinh”. Mẹ trở nên một với Chúa trong tình yêu và nơi con người của mẹ toát nên vẻ đẹp của sự khôn ngoan Thiên Chúa. Một tình yêu nồng nàn như mầu đỏ thẩm của chiếc áo Mẹ đang mặc. Một sự khôn ngoan thâm thuý trong tâm hồn như chiếc hào quang ánh lên trên đầu Mẹ và Chúa Hài Đồng vậy. Một sự hài hoà giữa Mẹ và Chúa hiền lành và thánh thiện. Một không gian linh thánh và con nghe văng vẳng tiềng Mẹ hát qua ru Chúa trong bài hát “ Hội Nhạc Thiên Quốc” mà con rất yêu.


Mẹ lặng chiêm ngắm con ngủ bên lòng, 

Mắt chẳng còn ngó Mẹ khi con mỉm cườị

Dầu vậy hơi thở con như lửa nồng,

Yêu đương nung đốt Mẹ thôị

Dịu ngọt khôn ví chứa chan tâm hồn,

Lúc ẵm bồng Chúa Mẹ tha thiết áp lòng.

Kìa Mẹ yêu Chúa ai hiểu cho cùng ?

Trên con Thiên chúa Mẹ hôn


Chiêm ngắm hình ảnh của Chúa Hài Đồng, một Thiên Chúa làm Người. Chúa đã cởi bỏ tất cả để trở nên nhỏ bé, sinh ra và ở giữa chúng ta những thụ tạo của Ngài. Hình ảnh này khiến con liên tưởng đến hình ảnh Chúa Giêsu trần truồng trên Thánh Giá. Chúa đã yêu loài người chúng ta nhiều đến thế, một tình yêu không giữ lại gì cho chính mình. Ngài sinh ra khó nghèo, Ngài chết đi cũng thế! Một tình yêu hoàn toàn tận hiến. Chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Hài đồng đang nghiêng đầu ngước lên nhìn Đức Mẹ. Hai anh mắt chạm vào nhau, nhìn nhau và quấn quýt bên nhau. Tay Chúa đang mân mê chuỗi hạt mân côi nói lên vai trò của Đức Mẹ trong chương trình Cứu Độ. Chuỗi hạt tượng trưng cho lời chào của Thiên Thần dành cho Mẹ Maria” Kính mừng Maria đẩy ơn phúc. Đức Chúa Trời ở cùng bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”.


Đằng sau Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng, phía trên là màu xanh da trời tượng trưng cho Trời và phía dưới là màu xanh lá cây tượng trưng cho Đất. Trong giây phút Chúa Giáng Sinh là giây phút Trời và Đất chạm nhau không còn khoảng cách. Thiên Chúa đã nâng thân phận thụ tạo của con lên và cho con chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong thế giới của Ngài. Trong đầu con giai điệu của bài hát đêm thánh vô cùng vang lên.

 

Ðêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng

Ðất với trời se chữ Ðồng

Ðêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ

Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa

Ơn châu báu không bờ bến

Biết tìm kiếm của chi đền

Ôi Chúa thiên đàng, cam nếm cơ hàn

Nhấp chén phiền vương phong trần

Than ôi Chúa thương người đến quên mình

Bơ vơ chốn quên nhà lúc sinh thành

Ai đang sống trong lạc thú

Nhớ rằng Chúa đang đền bù

Tinh tú trên trời, sông núi trên đời

Với thánh thần mau kết lời

Cao sao hóa công đã khéo an bài

Sai con hiến thân để cứu nhân loại

Hang chiên máng rêu tạm trú

Bốn bề tuyết sương mịt mù

 

Bergen, 08.12.2022

Magarita Nguyễn Công Thuỳ Minh

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2022

Xin ơn sống Mùa Vọng


Chúng ta đã bắt đầu bước vào một năm phụng vụ mới, với Chúa Nhật thứ nhất mùa vọng hôm nay. Tiết trời có lẽ cũng đã có chút gì đổi khác, nhắc ta ý thức hơn về một sự thay đổi khác trong đời sống phụng vụ và đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta. Ai trong chúng ta cũng biết là Giáo Hội dành cho chúng ta một khoảng thời gian ngắn để có thể có những chuẩn bị cần thiết đón nhận ơn lành từ trời mà Con Thiên Chúa mang đến. Nhưng dường như chúng ta chú ý hơn đến những gì bên ngoài hơn là bên trong. Ta vội nghĩ đến những cánh thiệp Noel, những hang đá, cây thông, đèn lấp lánh hay những bữa tiệc linh đình hơn là việc dọn lòng sao cho xứng hợp để đón Chúa. Mỗi mùa Phụng vụ mà Giáo Hội dành cho chúng ta đều có những tâm tình và sắc thái riêng. Chúng ta được mời gọi để sống cuộc sống của mình cho phù hợp hơn với tâm tình ấy. Nếu không, ta chỉ sống cho qua ngày, chứ không để ý gì đến những hương vị mà các mùa phụng vụ mang đến. Thiết nghĩ trong ít phút ngắn ngủi hôm nay, chúng ta hãy dành chút thời gian để suy nghĩ và xin ơn Chúa soi sáng cho ta biết sống mùa vọng năm nay với một cách thức khác với mọi năm, khác với những mùa khác, để đời sống thiêng liêng của ta được đổi mới hơn và triển nở hơn.


Mùa vọng là mùa chúng ta dành để chuẩn bị đón Chúa đến. Chúa đến, không phải đến với người ta, đến chỗ khác, nhưng trước hết là đến với chính tôi, trong lòng tôi, trong cuộc sống của tôi, để mang đến niềm vui và bình an từ trời xuống cho tôi. Nếu bấy lâu nay, ta mệt mỏi với công ăn việc làm, với những lo toan bộn bề cho kiếp mưu sinh, ta cần Chúa đến với ta, mang đến cho ta nguồn bình an sâu thẳm, thì đây chính là lúc ta được mời gọi để đón nhận nguồn bình an ấy. Chúng ta có ý thức điều này không?


Trong mùa vọng, chúng ta cũng được mời gọi để “san cho bằng những đồi núi cao, sửa cho ngay những lối đi khúc khuỷu”. Có bao giờ chúng ta tự hỏi, lời mời gọi này có ý nghĩa gì với chúng ta không? Đâu là những núi cao mà mình cần làm cho phẳng, đâu là những lối đi khúc khuỷu mà mình cần phải sửa cho ngay? Ta không thể để Chúa đến trong lòng ta với biết bao những quanh co lọc lừa, những ngạo mạn kiêu căng được. Nếu chúng ta mong bình an của Chúa có thể đến và ngự trị trong tâm hồn mình, chúng ta phải cùng cộng tác với Chúa. Nếu lòng ta đầy những hận thù, sao ta có thể có bình an? Nếu lòng ta chất chứa những mưu toan thâm hiểm, sao ta có thể được một giấc ngủ yên ấm? Nếu lòng ta chỉ có những cao ngạo về mình, sao ta có thể có suy nghĩ là mình cần đến Chúa? Nếu cuộc sống của chúng ta trở nên bừa bộn với những đam mê, tật xấu, ngoan cố… ta làm sao có chỗ cho Chúa đến và ở lại với ta? Hãy cố gắng sắp xếp dành cho Chúa một khoảng riêng, một vị trí trong tâm hồn ta, thì Ngài mới có thể khiến cho cuộc sống của ta được bình an và hạnh phúc.


Mùa vọng gợi nhắc ta đến hình ảnh của thánh Gioan Tẩy Giả và những lời khuyên bảo của ông. Khi người dân tuôn đến với ông để hỏi: “Tôi phải làm gì?” Ông đã trả lời rằng: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, cũng hãy làm như vậy”. Một trong những cách thức sám hối thực lòng và ý nghĩa nhất là biết san sẻ cho những người kém may mắn hơn chúng ta. Sự chia sẻ giúp cho lòng ta được mở ra, biết thương cảm hơn, biết hiệp thông hơn. Đưa tay nắm lấy người cần ta giúp là nối lại sợi dây thân ái giữa con người với nhau. Cho đi cũng là một hình thức ta dần khoét rỗng con người mình để chính Thiên Chúa đến và ở lại với chúng ta. Chúng ta hãy tự vấn mình xem, liệu trong mùa vọng này, tôi có thấy lời mời gọi đó vang trọng trong chúng ta không? Chúng ta có thắc mắc như người dân năm xưa rằng “tôi phải làm gì?” không? Hay chúng ta vẫn cứ bình chân như vại, sống một cuộc sống cho qua ngày đoạn tháng, chẳng có chút thay đổi để trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn?


Chúng ta hãy dành ít phút lặng đọng để nghe tiếng Chúa nói với mình:


Lạy Chúa,

Không khí mùa Noel đang lan tỏa khắp nơi, mùa hồng phúc sắp đến trên trái đất này. Lòng chúng con đang háo hức chờ Chúa từng phút giây.


Chúng con mong Chúa đến bên đời của chúng con, khỏa lấp cõi lòng băng giá của chúng con bằng ngọn lửa tình yêu của Ngài, xoa dịu con tim chúng con bằng bàn tay êm ái của Ngài.


Xin Chúa ban ơn cho chúng con, giúp chúng con biết sống mùa vọng này sao cho xứng đáng, như một bước chuẩn bị để Chúa đến và ở lại với chúng con. Xin Chúa dạy cho chúng con biết chúng con phải làm gì, để có thể luôn thức tỉnh và chờ Chúa đến với chúng con, để mùa vọng này của chúng con trôi qua sinh được nhiều hoa trái thiêng liêng bổ ích.


Amen

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ


Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...