Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Người Kitô hữu và đời sống cầu nguyện

caunguyen2
Nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến một hình thức cầu nguyện nào đó, vì cầu nguyện là hành vi sơ đẳng nhất của sinh hoạt tôn giáo. Nói cách khác, không biết cầu nguyện, không còn tha thiết với việc cầu nguyện cũng đồng nghĩa với việc không thuộc một tôn giáo nào, vì “Mọi tôn giáo và các nền văn hóa đều có kinh nghiệm về cầu nguyện”[1].
Đối với người Công giáo, cầu nguyện là hành vi tối quan trọng làm nên sự sống còn của căn tính kitô hữu. Con người không thể sống nếu không có hơi thở, đời sống người Kitô hữu cũng sẽ mai một và hao mòn dần nếu không cầu nguyện. Chừng nào bạn ngưng cầu nguyện, chừng đó bạn đang âm thầm chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa, bạn sẽ sống xa Thiên Chúa, và mỗi khi không còn kết hợp với Người, cuộc sống của bạn sẽ chỉ còn phần xác nặng nề kéo lê theo dòng thời gian mà thôi.
Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về Bản chất của việc cầu nguyện, trong đó sẽ tìm hiểu khái lược về ý niệm cầu nguyện và các cách thức cầu nguyện căn cứ trên nội dung và hình thức, về Sự cần thiết của việc cầu nguyện trong đời sống Kitô hữu và những Điều kiện để cầu nguyện nên.
I. Bản chất của việc cầu nguyện
Cầu nguyện là hành vi diễn tả kinh nghiệm sống niềm tin tôn giáo của con người, vì thế nó thường mang tính riêng tư, thiên về tính chất của cảm biết bằng trái tim hơn là sự mạch lạc logique của lý trí. Vì thế, cầu nguyện thuộc về một ý niệm – cái không thể truyền thông cho người khác thấu biết một cách rốt ráo nội dung của nó -, hơn là một khái niệm – có nội hàm và ngoại diên của nó và có thể truyền thông cho người khác hiểu được thấu đáo vấn đề. Ai đã từng có kinh nghiệm về đời sống tôn giáo, đã từng quỳ xuống cầu nguyện với những lời khẩn khoản van nài Đấng Tối Cao thì mới có thể có những gặp gỡ giao thoa với ý tưởng của lời cầu. Cũng như ai đã từng yêu và cảm được nỗi đau của sự xa cách mới có thể hiểu và cảm thông với những cuộc đoạn tình, chia ly trong tình yêu. Một bức thư tình đối với người đang yêu, thật tuyệt vời, nhưng cũng rất vô duyên đối với kẻ ngoài cuộc. Cũng vậy, hành vi cầu nguyện, những lời cầu dâng lên Thiên Chúa là một việc làm đáng trân trọng biết bao đối với người đồng đạo, nhưng sẽ dễ trở nên sự lố bịch đối với kẻ ngoại đạo. Dưới cái nhìn của nhãn quan tư tưởng chối bỏ quyền năng Thiên Chúa, người ta cho rằng cầu nguyện là hành vi van xin các thế lực siêu nhiên thần thánh của những người thiếu trưởng thành, đang cần được bảo hộ. Vì thế, tiến bộ xã hội đòi hỏi phải “khai sáng” cho lớp người đang bị màn sương vô minh che lấp, hèn hạ, ti tiện và yếu nhược này… Cần phải dẫn họ đi dưới ánh sáng của khoa học, của tiến bộ, văn minh. Đã qua lâu rồi cái thời loài người mò mẫm bước đi dưới sự soi sáng của ánh sáng đức tin, thứ ánh sáng“có thể đủ cho các xã hội cũ, nhưng không còn ích lợi gì cho thời đại mới, bởi vì con người đã trưởng thành, tự hào về lý trí của mình, và muốn khám phá tương lai bằng những cách mới lạ”[2]Nhưng đó là thái độ tự mãn, kiêu ngạo của những đứa con đi hoang trong quãng đời quá vãng, lầm lỗi. Ngày nay người ta đang gọi Thiên Chúa trở về ngự trị giữa lòng thế giới hiện đại, bởi bao nhiêu công cuộc kiến tạo như xây nhà trên cát, đã theo nhau sụp đổ. Nền tảng đạo đức bị xói mòn đến vô phương cứu vãn. Tất cả là hậu quả của một đời sống đã đuổi Thiên Chúa ra khỏi lòng mình, gia đình, nhà trường và xã hội, và ngạo nghễ bước đi trong tâm thế tự mãn, khép kín lòng mình trước những mời gọi của lẽ nhiệm mầu bàng bạc trong không-thời gian, nơi thế giới tự nhiên phong phú và đa dạng. Đức thánh cha Bênêđíctô 16 đã cảnh báo về một lối sống dửng dưng như thế: “Nếu không cầu nguyện và mở toang đời mình đón nhận mầu nhiệm Thiên Chúa, cuộc sống con người sẽ không còn ý nghĩa và mất phương hướng”[3].
1. Cầu nguyện là gì?
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên minh định phần nào ý niệm cầu nguyện. Đối với thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu: “Cầu nguyện là sự hướng lòng lên, là cái nhìn đơn sơ hướng về Trời, là tiếng kêu tri ân và yêu mến cả trong cơn thử thách lẫn trong cơn vui mừng”[4]. Với thánh Josemaria Escriva thì: “Cầu nguyện là trò chuyện cùng Thiên Chúa… Hãy nói về chính Chúa và về bản thân bạn: chuyện vui buồn, chuyện thành bại, những ước muốn cao quý, những lo toan hàng ngày, kể cả những yếu đuối!”[5].
Nhìn chung, người ta phân ra hai định nghĩa mang tính cổ điển về cầu nguyện. Thứ nhất: Cầu nguyện là nói với Chúa.Định nghĩa này nêu lên một sự thật: Thiên Chúa đích thân quan tâm đến con người, người ta có thể tiếp xúc được với Thiên Chúa qua cầu nguyện, Thiên Chúa nghe thấy tiếng con người và chú tâm lắng nghe con người. Thứ hai: Cầu nguyện là “nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa”, đây là cách diễn tả của thánh Gioan Đamascênô, nhấn mạnh tới sự thánh thiện và vẹn toàn của Thiên Chúa. Nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa nghĩa là đặt toàn bộ con người trong chuyển động hướng về Người qua việc thờ lạy, ngợi khen, mến yêu và trông cậy. Nếu không có sự chuyển động toàn tâm, toàn ý như thế thì mới chỉ dừng lại ở việc suy nghĩ về Thiên Chúa như công việc tìm hiểu, học hỏi về Ngài mà thôi[6].
Các thần học gia gần đây cũng đưa ra một định nghĩa khác: Cầu nguyện là chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa,nghĩa là hoàn toàn phó thác cho Chúa và đáp lại tình yêu của Người, như Ðức Trinh Nữ Maria đã cầu nguyện và đã thưa: “vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Và trong vườn cây dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện, và Ngài cũng đã nói: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho chén này rời khỏi con, nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39). Tuy nhiên, đối với con người chúng ta, nếu chỉ là sự phó thác không thôi và xem đó như là yếu tính của việc cầu nguyện thì “đã bỏ quên tính đối thoại của cầu nguyện”, mặt khác, khía cạnh này cũng dễ dẫn đến việc xem con người như một cỗ máy vô hồn, hoàn toàn thụ động trước một Thiên Chúa toàn quyền. Đừng quên “Thiên Chúa đã nhập thể và chịu đóng đinh, Thiên Chúa đã ‘thay đổi’ vì ích lợi của con người”[7].Từ chốn cao xanh vòi vọi, Thiên Chúa đã “hạ cố” và mặc lấy phận người để con người có thể nói chuyện được với Ngài. Vì vậy, có thể nói, bản chất của cầu nguyện là cuộc đàm thoại giữa Thiên Chúa và con người.
2. Các loại cầu nguyện
Dựa theo nội dung, cầu nguyện được chia thành cầu nguyện bằng cách thờ lạy hay ca ngợi, tạ ơn và cầu nguyện bằng cách xin ơn hay đền tội. Thờ lạy hay ca ngợi, tạ ơn là cách thức cầu nguyện tập trung chủ yếu vào việc tôn vinh Thiên Chúa. Đó là biểu hiện lòng sùng kính yêu thương của con người đối với Thiên Chúa. Tự bản chất đây là cách cầu nguyện hoàn hảo hơn, đẹp lòng Chúa hơn. Còn xin ơn hay đền tội là hình thức cầu nguyện chỉ nhắm vào nhu cầu của con người. Nó qui hướng mọi chú ý của con người vào chỗ lệ thuộc Thiên Chúa hoàn toàn. Và đây là cách cầu nguyện chỉ mong đáp ứng những nhu cầu riêng tư, khỏa lấp ước muốn cá nhân. Chúng ta không có quyền kết luận kiểu cầu nguyện này không làm đẹp lòng Chúa. Đó là cách vận dụng những phạm trù thông thường của tư duy con người để mặc cho Chúa, rằng: cũng như sự nài nỉ của đứa con thiếu “trưởng thành”, không khéo lo liệu trong công việc làm ăn nên cứ chạy đến với cha mẹ để nương nhờ và ỷ lại cho cha mẹ. Nhưng Chúa Giêsu lại thích chúng ta nói chuyện với Ngài, xin với Ngài những gì mình muốn, bởi chính Ngài đã nói: “Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16, 24).
Dựa theo hình thức, cầu nguyện có thể là tâm nguyện hay khẩu nguyệncá nhân hay tập thểngoài phụng vụ haytrong phụng vụ. Tâm nguyện hay còn gọi là cầu nguyện trong lòng, không nói thành lời mà chỉ âm thầm trao gửi những tâm tư ước nguyện thầm kín của chúng ta với Chúa. Tuy không nói thành lời nhưng trong thẳm sâu tâm trí ta vẫn có những bóng hình, sự liên tưởng một cuộc gặp gỡ với những tâm sự thân tình ta thưa cùng Chúa. Khẩu nguyện là cách thức cầu nguyện diễn tả thành lời lẽ, dĩ nhiên, để có tâm tình sốt sắng thì cái cốt lõi vẫn là những gì ẩn sâu trong lòng mình. Nếu không, việc đọc một cách thao thao bất tuyệt như thế sẽ biến chúng ta thành những cái loa không hơn không kém. Ngày nay, một số giáo dân Việt Nam vẫn coi trọng hình thức khẩu nguyện. Có thể đó là một thói quen, cũng có thể là do thiếu chiều sâu trong việc cầu nguyện. Người ta chỉ làm theo công thức trong một số kinh đã soạn sẵn. Qua loa, đại khái, thiếu tâm tình… là những biểu hiện mà chúng ta thường gặp nơi hình thức cầu nguyện đọc nhiều hơn suy gẫm này. Khẩu tụng tâm suy (miệng đọc, lòng suy), cần phải kết hợp được hai hình thức cầu nguyện – trong lòng và bên ngoài – vì con người là một thể thống nhất hồn-xác nên những ước nguyện thầm kín bên trong sẽ tìm cách phô bày ra ngoài bằng lời, bằng những cử điệu và nghi lễ. Hơn nữa, tính xã hội, tính cộng đồng với những tương tác qua lại nơi con người, một cách biểu hiện là làm tăng thêm sự gắn kết.
Cầu nguyện cá nhân, Đức Giêsu kêu gọi:“Khi cầu nguyện, anh em hãy vào phòng, đóng kín cửa và cầu nguyện với Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,6). Đây là cách biểu tỏ tình yêu và đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa cách thành thật. Hãy đóng cửa lại với thế gian, hãy khép mình trước mọi tư tưởng và bận rộn của thế gian, và ở riêng với Chúa, thầm thỉ với Ngài tại nơi kín nhiệm. Đóng kín cửa phòng là khi ta được cách ly khỏi những ồn áo bên ngoài, được trở về với thế giới riêng tư, được đối diện với chính mình. Đóng kín cửa phòng và ở một mình là lúc ta xây dựng tương quan với Thiên Chúa – một tương quan cá nhân, gần gũi và thân mật. Không như những tương quan ồn ào, hào nhoáng mà hời hợt, không như những tương quan khuôn phép mà sáo rỗng, càng không như những tương quan theo kiểu chợ đời, nơi mà ta phải đeo mang nhiều chiếc mặt nạ để che đậy ngụy trang cho mình. Một mình là khi ta gỡ khỏi cái lớp võ kênh kiệu ngang tàng, tháo dỡ khỏi mình những chống đỡ mà ta thường phải thủ sẵn khi sống giữa đời. Một mình là khi ta nhận ra con người thật của mình với bao nhiêu bận rộn giữa dòng đời bon chen, ồn ào huyên náo, giữa bao tiếng gọi với những hứa hẹn ngọt ngào ma mị, giữa những gam màu đa sắc của cuộc sống đời thường… lắm khi đã làm đôi tai chúng ta trở nên điếc lác, không còn khả năng nghe được lời mời gọi yêu thương ngọt ngào của Chúa, đôi mắt chúng ta trở nên mù lòa không ngắm nhìn được dung mạo khả ái của Chúa.
Cầu nguyện tập thể là thực thi lời mời gọi của Đức Giêsu: “Chỗ nào có hai hay ba người họp lại vì danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ” (Mt 18,20). Tính hiệp thông và hiệp nhất trong Giáo hội thể hiện rõ nét và cụ thể trong cung cách cầu nguyện này:xin cho chúng con biết đồng tâm nhất trí với nhau trong kinh nguyện, để Cha chúc phúc và nâng đỡ chúng con hôm nay và mãi mãi (Hosanna). Giữa hai hình thức cầu nguyện này luôn có mối quan hệ tác động qua lại để dưỡng nuôi và làm phong phú đời sống Giáo hội.
Cầu nguyện trong phụng vụ là cách cầu nguyện theo kinh nguyện soạn sẵn, một cách thờ phượng chung như trường hợp đọc kinh thần vụ của linh mục và hàng giáo sĩ. Cầu nguyện ngoài phụng vụ, người cầu nguyện chọn một hình thức cầu nguyện với lối diễn tả tự nhiên phù hợp với những thúc đẩy bên trong. Đây là cách cầu nguyện đặt nền, mở lối dẫn vào việc cầu nguyện nói chung.
II. Tại sao ta phải/nên cầu nguyện?
Cầu nguyện là một hành vi gắn liền với cuộc sống con người có tôn giáo. Ở đâu có con người, ở đó có cầu nguyện, vì “tự bản tính và do ơn gọi, con người là một hữu thể có tôn giáo”[8]. Và chỉ cầu nguyện mới làm nên ý nghĩa của cuộc sống. “Sẽ không cường điệu khi nói rằng, chỉ cầu nguyện mới mang tính hiện thực, kỳ dư đều hư ảo” (Mahatma Gandhi, vị lãnh tụ tinh thần Ấn độ). Lm. Nhân Tài, csjb đã chia sẻ rất hay, rằng: “Đối với các bạn trẻ chúng ta, cầu nguyện chính là nguồn an ủi khi cô đơn, là sức mạnh khi yếu đuối, là hy vọng khi thất vọng ê chề, là niềm vui trong cuộc sống đầy những lo âu và chán chường.Cầu nguyện là chúng ta ‘mời’ Chúa đi với mình, ở với mình và làm việc với mình, tức là chia sẻ những vui buồn, khốn khó, hạnh phúc của mình”[9]. Đức chân phước Gioan Phaolô II đã nói lên tính cần thiết của việc cầu nguyện: “Cầu nguyện đem lại cho chúng ta sức mạnh vươn lên những lý tưởng cao cả, giữ gìn đức Tin, đức Cậy, đức Mến, sự thanh sạch và lòng quảng đại của chúng ta. Cầu nguyện đem lại cho chúng ta sức mạnh để trỗi dậy từ sự thờ ơ và tội lỗi, nếu chẳng may đã rơi vào cám dỗ và yếu đuối. Cầu nguyện soi sáng cho chúng ta biết đặt mình vào lòng nhân từ của Chúa và sự sống đời đời mà nhìn ra và suy xét mọi sự”[10].
Như vậy, lý do nội tại bắt ta phải cầu nguyện, trước hết là vì nghĩa vụ của con người phải mến yêu Thiên Chúa. Ngôn ngữ cầu nguyện là ngôn ngữ của tình yêu. Chỉ trong tình yêu người ta mới bộc lộ hết những ưu khuyết của mình cho nhau và cũng chỉ nhờ tình yêu mới có cái nhìn cảm thông, tha thứ. Chúng ta cầu nguyện với Chúa cũng phát xuất từ niềm tin và tình yêu. Tình yêu nâng cánh cho tâm hồn bay bổng để gặp gỡ tâm giao với Chúa. Chúng ta phải cầu nguyện vì đó là bổn phận thờ phượng Thiên Chúa. Biểu hiện đầu tiên của lòng sùng kính và tôn thờ Thiên Chúa là cầu nguyện. Cầu nguyện còn là một yêu cầu phải làm vì con người cần có các nhân đức đối thần Tin, Cậy. Cầu nguyện là phương thế để nuôi dưỡng và bảo vệ các nhân đức ấy. Người ta vẫn thường nói mất niềm tin là mất tất cả. Sống không hy vọng là một nỗi thảm sầu liên lỉ trong chuỗi ngày dài của cuộc đời. Như vậy, từ tin yêu chúng ta quỳ xuống để nguyện cầu, rồi nhờ nguyện cầu nuôi dưỡng lòng tin, cậy trong ta.
Thần học luân lý còn nhấn mạnh đến bổn phận phải giữ ngày Chúa Nhật, các ngày lễ buộc đối với người Công giáo như một đòi hỏi tối thiểu của đời sống cầu nguyện. Các bậc giáo sĩ còn phải buộc đọc kinh Thần vụ mỗi ngày. Các tu sĩ còn có thêm giờ kinh nguyện tùy theo hiến pháp và nội quy của Hội dòng.
Thói quen của giáo dân Công giáo thường đọc kinh vào mỗi sáng, tối hàng ngày, riêng hay chung trong gia đình, theo từng nhóm. Vừa thức dậy, chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa đã cho ta qua một đêm bình an và dâng ngày mới cho Ngài để được Ngài chúc phúc cho mọi dự định, mọi ước nguyện và ban bình an một ngày sống. Tối đến, sau giờ kinh tối, trước khi đi ngủ, chúng ta cũng cần tập thói quen tạ ơn Chúa đã ban cho ta qua một ngày sống bình an và dâng cho Ngài một đêm trong sự chở che gìn giữ của Ngài.
Giáo Hội đang kêu gọi mọi thành phần dân Chúa nỗ lực dấn thân trong công cuộc Tân Phúc Âm Hóa, trước hết là nơi gia đình mình, vì gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, cộng đoàn yêu thương. Là cộng đoàn cầu nguyện, gia đình cần phải mời Chúa Giêsu đến thăm viếng để Ngài hiện diện cùng cha mẹ, vợ chồng, con cái khi quây quần bên nhau trong giờ kinh chung, vì “khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên, đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình Công Giáo. Vì thế, cùng với việc siêng năng tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này”[11].
III. Điều kiện để cầu nguyện
Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa. Nhưng nói như thế nào? Thái độ và cách nói ra sao? Người Việt Nam có câu:học ăn, học nói, học gói, học mở. Như vậy, để nói được cũng phải học tập. Chúng ta muốn nói thành thạo một ngoại ngữ chẳng hạn. Cầu nguyện là nói bằng ngôn ngữ tình yêu nên càng phải học cách nói “cho vừa lòng nhau”. Ngôn ngữ giao tiếp không chỉ bằng lời mà còn bằng cử điệu, ánh mắt, nụ cười và cả con người chúng ta cũng truyền thông một nội dung muốn nói. Tất cả đều phải có những qui định. Lẽ dĩ nhiên, với Chúa, Ngài không câu nệ hay cố chấp trước thái độ của con người. Nhưng ngôn ngữ, cử điệu cũng nói lên lòng mến yêu của chúng ta dành cho Chúa.
1. Chú ý
Chú ý là sự tập trung tư tưởng, ý thức vào một hay vài sự vật, hiện tượng nào đó (có thực hay tưởng tượng) làm cho chúng được phản ánhh tốt hơn. Có thể diễn ra một cách có chủ định hay không chủ định… Chú ý là điều kiện của mọi hoạt động có ý thức[12]. Tức là thái độ giành hết tâm trí cho một điểm nào đó, một sự việc nào đó cần sự tập trung cao độ. Đối với việc cầu nguyện, cần có một không gian yên tĩnh để tránh những quấy rầy làm cho chúng ta dễ bị lo ra, chia trí, không chú tâm vào việc cầu nguyện. Còn tâm trí ta luôn đặt vào ý cầu nguyện, vào bản văn nêu lên chủ điểm của việc cầu nguyện, hướng tất cả lòng trí vào Chúa, vào một chân lý mà chúng ta đang suy ngẫm. Không ai cấm cầu nguyện khi hút thuốc, nhưng cấm hút thuốc khi đang cầu nguyện. Thô thiển một chút, có một kiểu ân ái thánh thiện, nhưng lại có một kiểu cầu nguyện rất tội lỗi. Khi chúng ta cầu nguyện chỉ với cái xác không thôi, còn tâm trí chúng ta lại mặc sức liên tưởng đến những chuyện khác, thậm chí rất ư là tội lỗi, thì hành vi quỳ gối, đọc nhiều lại biến thành một việc làm tội lỗi.
2. Kính cẩn
Thờ phượng là sự bày tỏ lòng kính yêu đối với Thiên Chúa, nhìn nhận Ngài là Đấng Chí Thánh và là Tạo hóa toàn năng, là thái độ suy phục tuyệt đối của thụ tạo đối với Đấng sáng tạo, vì thế đòi hỏi phải có thái độ kính cẩn, tôn nghiêm. Thái độ kính cẩn thể hiện bằng cung cách bên ngoài một cách phù hợp, nhưng trên hết vẫn là sự kính cẩn trong lòng trước sự thánh thiện của Thiên Chúa.
3. Tin tưởng
Cầu nguyên, nhất là khi cầu xin, tin tưởng sự tốt lành của Thiên Chúa là điều tối cần thiết. Không có tin tưởng, hy vọng vào Thiên Chúa thì những lời cầu của chúng ta ra vô ích.
4. Điều cầu xin phải thích đáng
Điều này chỉ áp dụng cho việc cầu nguyện dưới hình thức cầu xin. Đối tượng để ta cầu xin với Chúa phải là điều tốt về mặt luân lý và phải có sự liên hệ với sự cứu rỗi con người một cách nào đó. Điều cầu xin không bao giờ được là một điều có bản chất tội lỗi, như giúp ăn trộm. Hoặc lấy một mục đích tốt để cầu xin cho đạt được một điều lỗi luật luân lý, như xin cho trúng xổ số để lấy tiền giúp xây dựng nhà thờ…[13].
Kết luận
Cầu nguyện là hơi thở của cuộc sống của người Công giáo. Cầu nguyện là phương thế giúp ta nhận được các giải pháp của Chúa, nhận ra ý Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Cũng đừng có suy nghĩ là cứ xin thì sẽ được Chúa ban cho như lòng sở nguyện. Chúa thấu biết cái gì tốt cho ta, cái gì không tốt cho ta. Người cầu nguyện đích thực là để tùy ý Chúa quyết định đáp lại như thế nào, vì tin rằng Chúa luôn chăm sóc, gìn giữ mình. Xin mượn lời của một triết gia hữu thần, S. Kierkegaard (Đan Mạch) để nói về hiệu quả của việc cầu nguyện: “Cầu nguyện không phải là làm cho Thiên Chúa thay đổi, mà chính là người cầu nguyện được biến đổi”[14]. “Cầu nguyện không phải là nghe mình nói, mà ngồi trong thinh lặng, đợi nghe được tiếng Chúa nói”[15].
Cuối cùng, để kết thúc buổi chia sẻ về chủ đề cầu nguyện hôm nay, từ kinh nghiệm của bản thân, tôi mong các bạn hãy luôn cầu nguyện, một cách đơn thành và chân thật. Như người con tâm sự với cha mẹ mình thế nào thì cầu nguyện cũng như vậy. Không phải gồng mình lên để tìm những lời hay ý đẹp, những câu chữ chải chuốt bóng bẩy mới có thể cầu nguyện được. Nhiều khi một cách cầu nguyện như thế lại không làm đẹp lòng Chúa vì đó là ngôn ngữ của thứ tình yêu nơi đầu môi chót lưỡi. Bằng cả trái tim và lòng chân thành, các bạn hãy trải lòng mình ra với Chúa, các bạn sẽ tìm được đáp số cho bài toán hóc búa của cuộc đời. Các bạn phải cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc và cho mọi người. Cầu xin Chúa thương khi gặp bế tắc, đau khổ… nhưng cũng phải biết tạ ơn, ngợi khen, chúc tụng Ngài khi bình an, hạnh phúc… Cầu cho bản thân nhưng cũng phải cầu cho tha nhân, thậm chí còn phải cầu cho cả những người xúc phạm đến chúng ta, như Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44). Tắt một lời, hãy cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha – lời kinh tuyệt hảo mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha.
ĐT 
Tài liệu tham khảo
1. HĐGM VN, UB Giáo lý Đức tin, Sách GLHTCG,NXB. Tôn giáo 2010
2. Bênêđíctô XVI, Cầu nguyện trên nền tảng Thánh Kinh, Tập I: Cựu Ước, Vương Nghi-Khổng Thành Ngọc chuyển ngữ và biên soạn, NXB Tôn giáo 2012.
3. Karl H.Peschke, SVD, Thần học luân lý chuyên biệt, tập I.
4. Nhóm các giờ kinh phụng vụ, Lời Chúa cho mọi người, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2006.
***
[1] Bênêđíctô XVI, Cầu nguyện trên nền tảng Thánh Kinh, Tập I: Cựu Ước, Vương Nghi-Khổng Thành Ngọc chuyển ngữ và biên soạn, NXB Tôn giáo 2012, tr. 30.
[2] Đức thánh cha Phanxicô, Thông điệp ánh sáng đức tin, số 2.
[3] Bênêđíctô XVI, Cầu nguyện trên nền tảng Thánh Kinh, Tập I: Cựu Ước, Vương Nghi-Khổng Thành Ngọc chuyển ngữ và biên soạn, NXB Tôn giáo 2012, tr. 24.
[4] Sách GLHTCG, số 2558.
[5] Bênêđíctô XVI, Cầu nguyện trên nền tảng Thánh Kinh, Tập I: Cựu Ước, Vương Nghi-Khổng Thành Ngọc chuyển ngữ và biên soạn, NXB Tôn giáo 2012, tr. 35.
[6] Karl H.Peschke, SVD, Thần học luân lý chuyên biệt, tập 1, tr. 175.
[7] Karl H.Peschke, SVD, Thần học luân lý chuyên biệt, tập 1, tr. 175.
[8] Sách GLHTCG, số 44.
[9] Lm. Giuse Maria Nguyễn Nhân Tài, Mỗi ngày một câu chuyện(http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/nhantai/tai1h.htm)
[10] Bênêđíctô XVI, Cầu nguyện trên nền tảng Thánh Kinh, Tập I: Cựu Ước, Vương Nghi-Khổng Thành Ngọc chuyển ngữ và biên soạn, NXB Tôn giáo 2012.
[11] Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài nói chuyện trong buổi gặp gỡ 150.000 tín hữu tham gia cuộc hành hương của các gia đình tại Roma nhân dịp Năm Đức Tin, 26/10/2103 (vietvatican.net).
[12] Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập I (A – Đ), NXB. Từ điển Bách khoa, 2007
[13] Karl H.Peschke, SVD, Thần học luân lý chuyên biệt, tập 1, tr. 186.
[14] Bênêđíctô XVI, Cầu nguyện trên nền tảng Thánh Kinh, Tập I: Cựu Ước, Vương Nghi-Khổng Thành Ngọc chuyển ngữ và biên soạn, NXB Tôn giáo 2012, tr. 43.
[15] Nt, tr. 62.

Không có nhận xét nào:

10 BÍ QUYẾT GIÚP BẠN THĂNG TIẾN HÔN NHÂN

Nhiều xu hướng hiện đại đang đe dọa đến sự bền vững của gia đình, kể các các gia đình Công giáo. Dưới đây là 10 gợi ý để các gia đình có thể...