Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Cột Trụ Của Giáo Hội


      Hôm nay, Giáo Hội cũng mừng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai cột trụ của Giáo Hội Chúa. Thánh Phêrô là Vị thủ lãnh trong việc tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người bảo vệ lừng danh trong việc tìm hiểu đức tin. Với việc tuyên tín của thánh Phêrô về Chúa Giêsu, là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa hằng sống. Chúa Giêsu tỏ mình cho các Tông đồ và tuyên bố thiết lập Nước Thiên Chúa cụ thể trên thế giới, trên trần gian dựa trên nền tảng đá là các Tông đồ, đặc biệt là thánh Phêrô và sau này, khi trắc nghiệm tình yêu của thánh Phêrô, Chúa Giêsu đã đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội của Chúa. Chúa Giêsu đã nói với Phêrô:” Hãy chăn dắt chiên con, chiên mẹ của Ta “.


          Giáo Hội vẫn có thói quen liên kết hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô trong một triều thiên vinh quang. Kinh Tiền Tụng hôm nay đã diễn tả như sau: Thánh Phêrô là vị thủ lãnh trong việc tuyên xưng Đức Kitô. Thánh Phaolô là người bảo vệ lừng danh trong việc tìm hiểu Đức Kitô. Thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho những người Israel còn lại. Thánh Phaolô là thầy và là đấng dạy dỗ muôn dân được kêu gọi. Và kinh Tiền Tụng đã kết luận: Các ngài đã dùng những đường lối khác nhau mà quy tụ một gia đình cho Chúa. Với lời ca tụng trên đây, Giáo Hội không những đề cao sự hợp nhất giữa hai đường lối khác nhau mà còn ngợi khen sự hợp nhất giữa hai con người có nhiều khác biệt.


          Hai con người này tuy được sự giáo dục khác nhau, và hấp thụ những văn hoá khác nhau, nhưng họ lại đi chung một đường, và cùng chung một lý tưởng. Cuộc đời các ngài đều phải lội ngược dòng để làm lại cuộc đời, để thay đổi cách sống sao cho phù hợp với niềm tin của mình.


          Thực vậy, nhìn vào đời sống của hai trụ cột của Hội thánh, chúng ta thấy: một Phêrô đã từng sa ngã. Ông đã từng can ngăn không muốn cho Chúa nộp mình chịu chết. Ông đã đi đến tận tùng của sa ngã là hành vi chối Chúa đến ba lần trong cùng một đêm. Một Phaolô đã hăng say lùng bắt các môn đệ của Chúa. Chính ông đã đồng loã với bọn quá khích ném đá vị tử đạo đầu tiên là Stephano. Thế nhưng, ý Chúa nhiệm mầu. Tình yêu của Chúa đã thắng vượt những yếu đuối của Phêrô và Phaolô. Chúa đã dùng muôn nghìn cách để đổi đời các ngài. Chúa đã tạo cho các ngài cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. Chúa đã nói cùng Phêrô: “một khi con trở lại hãy củng cố đức tin của anh em con”.


Cả hai đều được Chúa Giêsu gọi, Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Chúa Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Đamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (Cv 9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Người. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.


          Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.


          Chúa Giêsu đã chọn một số môn đệ mà Người gọi là Tông Đồ. Trong số các ngài, hầu như bất cứ nơi đâu, chỉ một mình ông Phêrô là xứng đáng đại diện cho toàn thể Hội Thánh. Chính vì là đại diện duy nhất của toàn thể Hội Thánh, nên ông xứng đáng được nghe Chúa nói: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời” (Mt 16,19). Không phải một cá nhân, nhưng cả Hội Thánh duy nhất đã lãnh nhận chìa khoá này.


          “Người ta bảo Thầy là ai?” Phêrô đã trả lời rất đúng “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” Trả lời như thế nhưng ông chưa hiểu rõ Con Người của Chúa Giêsu cũng như sứ mạng của Ngài bao nhiêu. Do đó, ông đã nhát đảm và chối Chúa khi gặp gian nan khốn khó. Nhưng sau này, khi hiểu được Đức Giêsu Kitô cùng tận nhờ Chúa Thánh Thần, ông đã hết hết tình vì Danh Đức Giêsu Kitô.


          Phaolô sau khi trở lại cũng có một niềm xác tín thâm sâu vào Đức Giêsu. Phaolô đã trả lời câu hỏi “Đức Giêsu là ai” như sau: ” Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự” (Rm9,5). Với niềm xác tín ấy, Phaolô đã sống hết mình vì Đức Giêsu Kitô, bất chấp mọi gian nguy khốn khó trong cuộc đời này nhằm cản bước tiến của ông trong việc làm chứng cho Đức Giêsu Kitô. Còn chúng ta thì sao? Đức Giêsu là ai trong cuộc đời của tôi và của bạn? Ngài có ảnh hưởng gì trên cuộc đời của chúng ta không? Câu hỏi ấy dành riêng cho mỗi người chúng ta. Khi nào chúng ta trả lời được Ngài là ai cách xác tín và mạnh mẽ, chúng ta mới có thể sống trọn vẹn cho Ngài mà thôi.


          Cả hai vị sau khi nhận biết Chúa Giêsu là ai đã thay đổi hẳn cuộc đời 180 độ. Phêrô từ một người dân chày dốt nát, không được giới luật sĩ trọng vọng, đã trở nên thông sáng, biết lãnh đạo, có khả năng làm người đứng đầu Giáo hội và lãnh đạo dân riêng Chúa. Phaolô từ một người bắt đạo trở nên tông đồ nhiệt thành thiếp lập được bao nhiêu giáo đoàn mới, đem về cho Chúa biết bao tín hữu. Hai vị tông đồ đúng là cột trụ của Giáo hội, là những người đại diện cho Chúa ở trần gian. Ngày nay, Giáo hội có Đức Giáo hoàng là người tiếp nối thánh Phêrô trong cương vị lãnh đạo và có những người tiếp nối thánh Phaolô, nhiệt thành lo cho nước Chúa được lan rộng và đi sâu trong các tâm hồn.


          Cả hai vị thánh đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.


          Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo và dám yêu dám sống và dám chết cho Đức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.


          Vì yêu mến Thầy hơn các môn đệ khác Phêrô chấp nhận cảnh phận “phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn Ngài đến nơi Ngài chẳng muốn” (Ga 21, 18).  Cho dù bị thua thiệt nhưng tình yêu sẽ phủ lấp muôn vàn tội lỗi (x. 1 P 4, 8 )


          Vì yêu mến Đức Kitô, Phaolô chấp nhận mọi thua thiệt.  Phaolô sẵn sàng chịu mọi gian truân khốn khó vì yêu mến đồng loại và mong cứu thoát được một số người.  Thánh nhân cảm nghiệm tình yêu là cao trọng hơn cả vì yêu thương là chu toàn mọi lề luật (x.Rm 14, 8 )


          Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô được Hội Thánh nhìn nhận là hai trụ cột chính của Tòa Nhà Hội Thánh.  Hội Thánh là đoàn dân của Thiên Chúa.  Có thể nói đó là tập thể những con người sống đạo yêu thương.  Tình yêu thì loại trừ mọi nỗi sợ hãi.  Đã yêu thì không còn e ngại sự gì.  Đã yêu thì không ngại các thiệt thua.  Vì yêu thương nên không sợ sai khi phải nói điều phải nói.  Vì yêu thương nên không sợ thất bại khi quyết làm điều chính đáng và phải đạo.


Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

Nhật Ký Của Cha


 Con trai yêu dấu!


Chúng ta hãy nói chuyện nghiêm túc với nhau. Rong chơi đủ rồi, cũng đã đến lúc con phải học cách: "yêu thương trưởng thành như một người đàn ông thực thụ". Cậu bé mới lớn hôm qua, hãy tạm biệt nó đi.


Con có thể chậm yêu, nhưng đừng phá chậu cướp hoa của người khác. Chinh phục là cần, nhưng tình yêu không phải chuyện giành giựt qua lại. Con có thể sốt ruột vì chưa thấy người mình yêu, nhưng tuyệt đối không đi với người này lại ôm người nọ.


Con gái xinh thì không thiếu, nhưng con gái thông minh rất khó tìm. Nếu muốn làm người thành đạt, hãy kiếm một cô gái thật sự hiểu chuyện ,biết điều. Áp lực ngoài đường đã đủ rồi, con thực sự cần một người chia sẻ.


Hạnh phúc của một cô gái đôi khi tầm thường vì quá giản đơn, tuy rất dễ làm họ vui nhưng những nỗi buồn con gây ra cô ấy sẽ không bao giờ quên lãng. "Nếu yêu thương thành thật, mong con đừng vô tâm."


Tuổi xuân của con gái thật ngắn ngủi chẳng đầy gang tay, vì thế con đừng quay lưng chỉ vì một ngày cô ấy không còn tươi trẻ.


Nếu cô ấy có làm kiêu, khó dễ, hãy hiểu, vì đó là quãng thời gian rực rỡ nhất của đời con gái. Con có thể mất nhiều thời gian để trở thành  một người đàn ông, nhưng họ chỉ vài năm nữa thôi đã đến tuổi buộc làm phụ nữ.

 

Chín chắn lên, con trai!


Có những chuyện nữ nhi luôn nhận về phần thiệt. Một người đàn ông tinh tế, sẽ biết cách giúp đỡ và cảm thông.

 

Vào bếp hay rửa bát là việc cỏn con, nhưng nó chẳng liên quan gì đến tự tôn của con cả. Nếu có thể, hãy san sẻ với cô ấy ít nhiều. Con có thể kiếm được rất nhiều tiền, nhưng đừng bao giờ nghĩ mình đang nuôi cô ấy. Vì có những chuyện nếu không có bàn tay phụ nữ, con sẽ chẳng được như bây giờ.


Nếu giữa hai người có xảy ra cãi vã, dù là lỗi của ai. Con cũng hãy học cách "cúi mình và thứ tha."


Ba bảo rồi, đừng so đo với cô gái cuộc đời con. Làm đàn ông, đến bao dung còn không làm được, thì tư cách gì để vùng vẫy giữa những biến cố trong cuộc sống.


Ba hiểu, tự trọng và bản lĩnh là điều thiết yếu không thể bỏ qua, nhưng con phải biết nhu, cương đúng lúc.


Hãy sống "bao dung" và hãy để cô ấy phục về "tài đức" của con nhé, chứ đừng bao giờ lấy quyền hay sức mạnh làm cô ấy khóc.


Đó là tâm huyết Ba để lại cho con, mong con cố gắng giữ lấy để gia đình con mãi luôn có tiếng cười và “HẠNH PHÚC”. 🥰

Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Thánh Gioan Tẩy Giả - Khiêm nhường nhưng cương quyết và can đảm

🙏 Hôm nay Giáo Hội mừng kính trọng thể ngày sinh của một con người đã từng nép bóng dưới cây Thập giá của Chúa Giêsu. Con người ấy chính là Goan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế, nhưng đồng thời cũng là người luôn nép bóng trong Chúa Giêsu.


🙏 Thánh Gioan đã tóm tắt tất cả cuộc sống của Ngài trong câu nói: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại". Dưới cái nhìn của con người, như Chúa Giêsu cũng đã có lần khen tặng, Gioan là con người cao cả nhất được sinh ra từ người nữ. Ngày sinh của Ngài được đánh dấu bằng những biến cố khác thường. Sự chào đời của Ngài đã mang lại niềm vui và hy vọng cho mọi người xung quanh. Vị tiên tri được xem là là cao cả nhất trong lịch sử Israen ấy đã lôi kéo được một đám đông mà chưa từng có vị tiên tri nào đã quy tụ được... Thế nhưng, cuối cùng, để hoàn tất sứ mệnh của mình, vị ngôn sứ ấy đã nhỏ lại và mất hẳn trong kiếp tù đày và đã bị rơi đầu vì ích kỷ, thù hận của một người vợ loạn luân của vua Hêrôđê. Thánh Gioan đã tan biến trong cái chết phi nghĩa, tàn bạo của một ông vua tồi tàn.


🙏 Gioan nhỏ lại trong cái chết ấy, nhưng Chúa Giêsu lớn lên trong Mầu Nhiệm của Ngài, bởi vì cái chết của Gioan là một loan báo về chính cái chết của Chúa Giêsu... Nhưng cũng chỉ trong cái chết của Chúa Giêsu, cái chết của Gioan mới có ý nghĩa... Trong bóng thập giá của Chúa Giêsu, Gioan đã tìm lại được chính mình.


🙏 Chúng ta cầu xin điều gì trong ngày sinh của thánh Gioan Tẩy Giả nếu không phải là bước đi trong từng bước nhỏ lại của Ngài. Trong từng bước ấy, chúng ta hãy đặt mình dưới bóng vĩ đại của Thập giá Chúa Giêsu. Chỉ trong chiếc bóng vĩ đại ấy của Thập giá Chúa Giêsu, những nghịch cảnh, những đau thương, những nghi ngờ và ngay cả những cái chết từng ngày sẽ mang lấy ý nghĩa. Và ý nghĩa ấy là gì nếu không phải là sự lớn lên của Đức Kitô trong chúng ta.


🙏 Chúng ta có nhỏ lại trong cái nhìn hẹp hòi ích kỷ của chúng ta, chúng ta có nhỏ lại trong những ham muốn ganh tỵ bất chính của chúng ta, chúng ta có nhỏ lại trong hận thù nhỏ nhen của chúng ta, thì lúc đó Đức Kitô mới thực sự lớn lên trong chúng ta. 

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

Hãy khép lại cánh cửa quá khứ

Thời gian sẽ chữa lành tất cả - ngay cả một trái tim tan vỡ.


Nỗi đau và sự tức giận bạn đang trải qua lúc này, sẽ mờ dần theo thời gian, nhưng nó sẽ dễ dàng hơn và nhanh hơn rất nhiều nếu bạn cầu xin sự trợ giúp của Chúa.


Có thể vẫn sẽ mất thời gian dài hơn bạn trông đợi, nhưng sự chữa lành chậm rãi, thường là sự chữa lành tốt nhất.


Cùng với sự giúp đỡ của Chúa, bạn phải làm phần của bạn. Đừng cố bám lấy quá khứ. Đừng khước từ sự chữa lành. Hãy bỏ đi những tức giận và cay đắng. Hãy bỏ tất cả.


Rất khó, nhưng bạn phải chấp nhận những gì đã xảy ra và tha thứ. Chỉ khi đó, bạn mới có thể khép lại cánh cửa quá khứ, tìm thấy sự thanh thản khỏi những ký ức đau thương, và tiếp tục cuộc sống.


Có những lúc khi cuộc sống của bạn như sụp đổ hoàn toàn, khi những gì vô cùng quý giá đối với bạn bị lấy đi, bạn sẽ tự hỏi liệu Chúa có đang yêu bạn và chăm sóc cho bạn không?


Câu trả lời thật rất đơn giản - Ngài vẫn! Hơn bất cứ lúc nào hết, Ngài yêu bạn rất nhiều! Lúc này đây, cuộc sống của bạn trống rỗng, nhưng Ngài muốn và mong chờ đong đầy nó bằng tình yêu của Ngài. Hãy tiến lên - bước qua và khép lại cánh cửa quá khứ. Không có cách nào để kết thúc tất cả những đau khổ ngoài cách bước qua nó.


Sẽ có những lúc bạn cảm thấy thật tối tăm, sợ hãi, cảm thấy như mình không thể bước đi tiếp được - hãy nhớ rằng bạn không đơn độc - người đang viết những dòng này hiểu rõ và cũng trải qua như thế - chúng ta sẽ nắm chặt tay Chúa, cho dù sức chúng ta không còn để nắm lấy tay Ngài, Ngài vẫn siết chặt tay ta - và cùng nhau, chúng ta và Chúa sẽ bước qua và cùng khép lại cánh cửa quá khứ.


Bạn thân mến! Đừng cảm thấy quá sợ hãi và cưỡng lại những bất an ùa đến bạn, đó là điều tự nhiên khi bước qua con đường đau khổ; trái lại, hãy hít thở thật sâu, bình tĩnh, đối mặt và phân tích sợ hãi của mình, và cầu nguyện để bình an vượt lên trên hết và đẩy lùi mọi bóng tối bất an đang chiếm lấy tâm hồn bạn.


Sau khi đã cầu nguyện xin bình an của Chúa, bạn có thể “chơi trò đếm ơn lành” - bắt đầu từ điều gì đó đơn giản ngay xung quanh bạn, và tự nhiên bạn sẽ tìm thấy những điều khác để tạ ơn và ngợi khen Chúa. Tạ ơn và ngợi khen Chúa sẽ giúp bạn hướng những suy nghĩ của mình ra khỏi những vấn đề của bản thân để nhìn lên Chúa, và rồi tình yêu Ngài sẽ đến với bạn.


Có thể bạn và tôi sẽ phải lặp đi lặp lại việc làm này rất nhiều lần. Nhưng ở bên kia cánh cửa, Chúa Giêsu đang có rất nhiều tình yêu và những điều tốt đẹp khác dành cho bạn.


Nỗi đau mất mát sẽ vẫn còn, nhưng bạn và tôi sẽ nhìn nó với cái nhìn bình an hơn, và nhìn thấy nhiều hơn những điều tốt đẹp, và mạnh dạn tận hưởng những điều tốt đẹp dù nỗi đau vẫn ở bên.


Chúng ta sẽ nhìn thấy… Chúa giúp chúng ta vượt qua bằng những cách vô cùng kinh ngạc.


Chúng ta sẽ nhìn thấy… cách Ngài làm cho mọi việc trở nên tốt đẹp.


Chúng ta sẽ nhìn thấy… lòng nhân từ của Ngài hiện diện ở những nơi hạnh phúc và cả những nơi đau khổ.


Ngài biết rõ tất cả hoàn cảnh của chúng ta, mỗi một sợi tóc trên đầu chúng ta, và mọi lo lắng nơi tâm hồn chúng ta.


Ngài đã nhìn thấy… đang nhìn thấy, và sẽ luôn nhìn thấy.


Và chỉ như thế thôi, cũng đủ để tôi nhắm mắt lại và mỉm cười trong giây lát.


“Ta biết các kế hoạch Ta làm cho các ngươi - kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng” (Gr 29,11).


Thiên Ân

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Tri Ân Tình Yêu Chúa


Cơn mưa chiều đã và đang làm dịu khí trời nóng bức của những ngày đầu hè, thế nhưng dường như những lo âu, sợ hãi của đại dịch Covid chưa có gì là dịu xuống bởi mỗi ngày con số các ca nhiễm tăng lên ngày càng nhiều, khu chợ từ trước đến nay vốn sầm uất cả ngày lẫn đêm nay đang được trả lại một sự tĩnh lặng bởi sự giãn cách xã hội. Dịch bệnh không những làm đảo lộn cả thế giới hay của một xã hội nhưng cũng đang làm xáo trộn cả những gì bên trong tâm hồn mỗi người. Màn đêm đang buông xuống, cơn gió mát khẽ lùa qua khung cửa sổ, nơi căn nhà nguyện bé nhỏ chỉ duy ánh sáng của ngọn đèn chầu le lói. Hạ muốn tìm cho mình một sự cô tịch, một cái gì đó riêng tư trong ngày mình được tuyên khấn lần đầu, ngày Quốc Tế Thiếu Nhi.


Vì tình hình dịch bệnh mà Nhà Dòng của Hạ và bao Nhà Dòng khác phải dời lại những ngày lễ khấn, một biến cố trong một hoàn cảnh chẳng ai muốn và cũng không ai có thể trách được. Hạ nhớ lại ngày tiên khấn cũng có một biến cố lớn, phải dời lại ngày khấn thế nhưng biến cố ấy lại là niềm vui của toàn Giáo phận.


Nhìn lại hành trình đã qua, 4 năm không phải là thời gian dài nhưng cũng đủ để Hạ cảm nghiệm được đời tu là gì. Ngày tiên khấn, Hạ đã ước mong được mãi là một trẻ thơ trong vòng tay của Giêsu, để Ngài dẫn dắt Hạ đi trên đường mà đã chọn, để Ngài ẵm lấy mỗi khi ngã quỵ trên đường đời đầy chông gai. Những ngày tháng đầu của ơn gọi Hạ cảm thấy hạnh phúc biết mấy, mặc dù những va chạm, những hiểu lầm là điều không thể tránh được, đôi khi là cả một sự sợ hãi trong công việc mà Hạ được trao.


Không thể phủ nhận Hạ không trải qua một cơn khủng hoảng nào trong ơn gọi. Trong năm vừa qua một năm sống ơn gọi, đối với Hạ là cả một sự cố gắng, khi Hạ phải đổi sang sống một môi trường mới, phải thích nghi với cộng đoàn mới, phải đối diện với những vấn đề chưa từng gặp bao giờ. Có những lúc Hạ cảm thấy căng thẳng và ngộp ngạt đến khó thở; lắm khi Hạ muốn dừng lại chẳng muốn bước tiếp nữa. Trong những giờ kinh, giờ nguyện gẫm, Hạ chỉ xin cho mình được trung thành với ơn gọi cho đến cùng. Những lúc ấy, Giêsu đã gởi đến cho Hạ những người bạn thiêng liêng, cùng chia sẻ và mở ra cho Hạ những hướng suy nghĩ tích cực hơn, vui hơn và bình an hơn. Để rồi hôm nay khi nhìn lại Hạ nhận thấy rằng chính những lúc gặp khủng hoảng trong đời sống ơn gọi ấy, Thầy Giêsu đã đến, đã nắm lấy bàn tay, dắt Hạ bước qua những thử thách và chông gai.


Trong bài giảng Thánh lễ chiều nay, chẳng biết là do trùng hợp hay do một sự xếp đặt, một lần nữa Hạ được nhắc nhắc nhớ, phải là thiếu nhi của Chúa, là “su su” của Ngài mà thôi, mà đã là thiếu nhi hay là “su su” thì Hạ phải tin tưởng và phó thác hoàn toàn trong tay Ngài, để Ngài dẫn đi cho dù hoàn cảnh có ra sao chăng nữa.


Cơn mưa chiều kèm theo những cơn gió mạnh, qua khung cửa sổ Hạ nhìn thấy những cánh phượng còn sót lại bên sân trường tiểu học bay theo cơn gió, Hạ chợt nhận thấy đôi khi mình đang để cho đời dâng hiến cuốn theo chiều gió của dòng đời, những lần sống bất cần, những lúc sống vô tâm, hay những khi đi tìm cho mình những gì là không cần thiết của đời tu.


Hôm nay, Hạ nhận được những tin nhắn, những lời chúc mừng  từ nhiều người, từ gia đình và từ một người bạn thiêng liêng. Những lời chúc mừng  ấy khiến cho Hạ nhận ra rằng, đời Dâng hiến của Hạ được đan dệt bởi chuỗi hồng ân, hồng ân ấy được Thiên Chúa ban cho Hạ qua những biến cố, qua gia đình, qua những người chị em mà Hạ được chung sống và cả những người bạn thiêng liêng mà Hạ gặp gỡ.


Ngoài trời gió lao xao, Hạ lặng nghe nơi tâm hồn mình tiếng vọng của một tình yêu. Hạ đã chọn và bước đi trên con đường chẳng mấy ai đi. Ấy thế nhưng, con đường ấy dường như được chuẩn bị sẵn chỉ cần Hạ sẵn sàng bước tới mà thôi. Trong cái tĩnh lặng của màn đêm buông xuống bỗng vang lên trong Hạ lời bài hát của một tu sĩ trẻ đạo lại từ một bản nhạc:


“Giêsu yêu hỡi, ôi Giêsu yêu hỡi

Chúa bên con thâm sâu của cõi lòng, phút lắng tâm

Con chỉ là giọt mưa thôi, trước ân tình Ngài biển lớn

Lòng con không khi nào yên đến khi con bên Chúa con”.


Nhat Ha MTGĐL


(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Cầu Nguyện Cho Các Linh Mục


 Lạy Chúa Giêsu,

xin ban cho chúng con những linh mục

có trái tim thuộc trọn về Chúa,

nên cũng thuộc trọn về con người.

Xin cho chúng con những linh mục

có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng,

một trái tim đủ lớn

để chứa được mọi người và từng người,

nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.


Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,

có tình bạn thân thiết với Chúa

để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.


Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,

có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho,

tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.


Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục

có trái tim của Chúa,

say mê Thiên Chúa và say mê con người,

hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên

và dẫn đưa chúng con

đến với Chúa là Nguồn Sống thật.

___________________

Lời nguyện trích từ: RABBOUNI

(120 Lời nguyện của Bạn Trẻ Việt Nam

Lm. An-tôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

"HÃY LÀM MỘT CÁI GÌ TỐT ĐẸP CHO CHÚA"

🌺 "HÃY LÀM MỘT CÁI GÌ TỐT ĐẸP CHO CHÚA"

đó phải là CÂU TÂM NIỆM mà người Kitô thốt lên khi vừa thức giấc đón chào một ngày mới.


🌻"HÃY LÀM MỘT CÁI GÌ TỐT ĐẸP CHO CHÚA"

bằng cách dâng lên Ngài HY SINH trong những công việc NHỎ BÉ hằng ngày.


🌾"HÃY LÀM MỘT CÁI GÌ TỐT ĐẸP CHO CHÚA"

bằng những cử chỉ QUẢNG ĐẠI, hy sinh phục vụ đối với những NGƯỜI CÙNG KHỔ nhất trong xã hội.


💐"HÃY LÀM MỘT CÁI GÌ TỐT ĐẸP CHO CHÚA"

bằng cách SỐNG TỬ TẾ và không ngừng THA THỨ cho những người xúc phạm đến mình.


🍀"HÃY LÀM MỘT CÁI GÌ TỐT ĐẸP CHO CHÚA

bằng chứng tích của một cuộc sống đầy LẠC QUAN và VUI TƯƠI ngay cả khi chỉ gặp toàn đau khổ, thử thách...

❤ LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ ❤️

"Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này, để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con."


Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

TÌNH YÊU VÀ SỰ SỐNG

Đã bao thế kỷ trôi qua, Giáo Hội Công giáo không ngừng đào sâu niềm tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Dẫu có gặp muôn vàn thử thách, dẫu phải đương đầu với bao chỉ trích, người tín hữu vẫn kiên vững trong niềm tin không lay chuyển, bởi chính họ biết rõ Thánh Thể đã đem lại cho họ những gì trong cuộc hành trình thiêng liêng của cuộc đời.


Mỗi thánh lễ là một lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Nhưng ngày lễ trọng được ấn định hàng năm phải là một dịp đặc biệt để chúng ta suy niệm cách sâu sắc hơn về một chân lý vốn được gọi là suối nguồn, là đỉnh cao của đời sống người Kitô hữu, đó là Bí tích Thánh Thể.


Đã hẳn, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu ở đó để thực hiện lời hứa: Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.


Nhưng trước hết sự hiện diện ấy nhằm tái diễn hy tế thập giá của Ngài. Thực vậy, Bí tích Thánh Thể không phải là một hy tế mới và độc lập, thay thế hay bổ túc cho hy tế thập giá, nhưng là lặp lại hy tế chỉ diễn ra một lần trên thập giá. Cũng một lễ vật, cũng một Đấng đã tự hiến đời mình thuở xưa trên thập giá, còn nay hiến tế qua tác vụ của linh mục trong thánh lễ. Có khác chăng là khác trong cách thức biểu lộ mà thôi.


Như dân Do Thái hằng nhớ lại những kỳ công Thiên Chúa, đặc biệt là hai biến cố: Thiên Chúa giải phóng dân khỏi ách nô lệ Ai Cập và không ngừng ban lương thực của Ngài cho dân suốt dọc theo những nẻo đường sa mạc. Trong thánh lễ, Giáo Hội cũng nhớ lại cuộc vượt qua của Đức Kitô và việc Ngài ban Thánh Thể cho dân mới trên đường lữ hành trần thế.


Thực vậy, tiếp nối Manna trong hoang địa, Thánh Thể trở nên lương thực, trở nên của ăn đàng cho Israel mới là Giáo Hội. Nhưng Manna mới chỉ là hình ảnh tượng trưng, chứ không thể nào sánh ví được với Bí tích Thánh Thể. Bởi vì cũng như bao lương thực trần gian khác, Manna vẫn để con người lại đó với cơn đói và nỗi khát khao vĩnh cửu. Manna chỉ cho người ta sống tạm để khỏi chết chứ không giúp người ta khỏi chết đời đời. Chính thân thể vinh hiển của Đức Kitô mới thực là bánh ban sự sống: Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời.


Chúa Giêsu đã trở nên bánh khi hiến mình làm lễ tế dâng lên Chúa Cha. Chúa Cha đã chấp nhận lễ hy tế ấy bằng cách tôn vinh Chúa Giêsu và đưa vào trong vinh quang của Ngài. Ngài nhận lễ vật mà Chúa Giêsu thay cho loài người dâng tiến, để rồi ban lại cho loài người như của ăn thánh. Từ của ăn thánh ấy, loài người kín múc sự sống để thông hiệp với Thiên Chúa… Và trong bữa tiệc ấy, Thiên Chúa hòa niềm vui của Ngài với tiếng cười của nhân loại. Những ai đón nhận của ăn thánh ấy sẽ được lôi kéo vào trong quỹ đạo của tình yêu Thiên Chúa và lưu lại trong Ngài: Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì sẽ ở lại trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Người ăn uống Mình Máu Chúa sẽ thuộc về Chúa từ đời này và mai này thuộc về Ngài mãi mãi.


Như thế, Thánh Thể thực hiện trước bữa tiệc cánh chung trong nước trời, sẽ được cử hành trong niềm vui rượu mới. Và như thế Thánh Thể là dấu chỉ cho đời sống vĩnh cửu đã khởi sự và là bảo chứng cho sự sống lại trong ngày sau hết.

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

NẾU NGÀY MAI CON KHÔNG ĐI LỄ NỮA

Nếu ngày mai con không đi lễ nữa

Nơi thánh đường liệu Chúa có buồn không ?

Chẳng còn tiếng hát ca hay nguyện lễ,

Hàng ghế lặng, cả Cung Thánh buồn tênh...


Nếu ngày mai con không đi lễ nữa

Nỗi niềm này biết san sẻ cùng ai?

Từng nỗi buồn, sầu nặng gánh đôi vai.

Từng hạnh phúc, từng thử thách trong đời...


Nếu ngày mai con không đi lễ nữa

Cả cõi lòng chợt khô héo nguồn ơn,

Thánh Thể Chúa giờ đây chẳng thể rước

Linh hồn này liệu có đủ đầy chăng?


Nếu ngày mai con không đi lễ nữa

Ơn gọi mình con vẫn giữ trong tim

Dùng lặng im mà thêm lòng xác tín

Lạy Chúa Trời, xin cho mãi trung kiên..


Nếu ngày mai con không đi lễ nữa

Lời Chúa sẽ là điều con suy gẫm

Chuỗi Mân Côi, con giữ mãi trong tay

Thánh Thể Thiêng (Liêng) con sửa soạn tâm hồn,

Lễ từ xa con sốt sắng hiệp thông,

Nhưng khao khát vẫn hoài chưa đầy thoả...


Nếu ngày mai con không đi lễ nữa

Chúa đừng lo, con sẽ mãi tin yêu

Con tín thác lời Thầy khuyên: “Đừng sợ”

Vì muôn đời Chúa vẫn trọn tình thương.


Ngọn Nến Nhỏ.

Mười Lời Nguyện Thánh Tâm Chúa Giêsu


 "LẠY THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU XIN GIÚP ĐỠ CON"


1. TRONG MỌI NHU CẦU, xin chạy đến cùng Chúa, tin tưởng và khiêm nhường thưa với Chúa rằng: “LẠY THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU xin giúp đỡ con”. 


2. TRONG NHỮNG LÚC CON DO DỰ, phân vân và bị cám dỗ: lạy Thánh tâm Chúa Giêsu, xin giúp đỡ con. 


3. TRONG NHỮNG GIỜ CÔ ĐƠN, mỏi mệt và thử thách: lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin giúp đỡ con. 


4. LÚC CÁC CHƯƠNG TRÌNH VÀ MONG ƯỚC CỦA CON đều thất bại, lúc con tuyệt vọng, khốn khổ, ưu sầu: lạy Thánh tâm Chúa Giêsu, xin giúp đỡ con. 


5. LÚC NHỮNG KẺ KHÁC RUỒNG BỎ CON, vì chỉ có ơn Chúa mới hỗ trợ con: lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin giúp đỡ con. 


6. LÚC CON PHÓ MÌNH cho Tình yêu dịu ngọt của Chúa, là Cha và là Đấng Cứu Chuộc: lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin giúp đỡ con. 


7. LÚC TÂM HỒN CON BUỒN PHIỀN, CHÁN NẢN, nhận thấy các nỗ lực của con không ích lợi gì: lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin giúp đỡ con. 


8. LÚC CON CẢM THẤY BỒN CHỒN, vì Thánh Giá của con làm con bứt rứt: lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin giúp đỡ con. 


9. LÚC CON ĐAU YẾU trí óc và đôi tay con không làm được việc gì, và con bị cô độc, lẻ loi: lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu xin giúp đỡ con. 


10. LUÔN LUÔN, LUÔN LUÔN mặc dầu những yếu đuối, sa ngã và những thiếu sót của con: lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin giúp đỡ con. 

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...