Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Cha ơi, đến khi nào thì ngón tay con sẽ mọc lại

Một người đàn ông đang đánh bóng chiếc xe hơi mới mua của mình thì cô con gái 4 tuổi của ông lại dùng đá để viết lên chiếc xe ấy. Điên tiết, ông ta cầm lấy bàn tay của đứa trẻ và đánh rất nhiều, và ông không nhận ra mình đang đánh bằng một cái mỏ lết trên tay. Lúc đến bệnh viện, cô bé phải cưa bỏ tất cả những ngón tay của mình vì vết thương quá nghiêm trọng.
Khi đứa trẻ nhìn thấy cha, cô bé tuyệt vọng hỏi “Cha ơi, đến khi nào thì ngón tay con sẽ mọc lại?”. Người cha đau đớn trong lặng câm. Ông trở lại chiếc xe hơi và tức giận đá vào nó. Phải đến lúc thấm mệt ông mới nhìn vào chỗ có những vết rạch mà con gái ông đã viết nên, cô bé đã viết: “Con yêu cha.”
Các bạn thân mến ! Tất cả chúng ta hãy hiểu một điều rằng, cả sự tức giận lẫn tình yêu thương đều không có giới hạn. Nên nhớ: “Đồ vật là để sử dụng, nhưng con người là để yêu thương”. Đừng để sự nóng nảy tức thời làm bạn cả đời phải hối hận, như một ai đó đã viết rằng: “ bất cứ một việc làm hay một lời nói nào khởi đi từ lúc nóng giận, bạn sẽ phải luôn hối hận về nó”.
(vietnamnet.vn)

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Thầy ở cùng anh em mọi ngày

Nếu trời là nơi Chúa ngự thì chẳng có gì gần ta bằng trời. Trời ở quanh ta, trời ở trong ta... Trời vượt xa đất muôn trùng, nhưng nếu đất trở thành nơi Chúa ngự thì đất cũng mang dáng dấp của trời.


Thiên Chúa không phải là Đấng chỉ thích ở trên trời. Ngài thích con người, Ngài thương trái đất, nên Ngài đã sai Con Ngài làm người ở đời.

Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã đặt chân lên trái đất. Đất chẳng xa lạ gì với Ngài, vì nhờ Ngài mà nó được tạo dựng.

Đất đã bắt đầu thành trời từ khi Con Thiên Chúa đến dựng lều ở đó. Đất vẫn luôn thuộc về trời vì Đức Giêsu luôn ở với ta cho đến tận thế.

Trời là mẫu mực của đất: Ý Cha phải được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Chỗ nào vâng theo ý Cha, chỗ đó thành trời.

Trái tim của chúng ta cũng phải trở thành trời, phải đầy ắp yêu thương, đầy ắp Thiên Chúa.

Rốt cuộc, nhiệm vụ của người Kitô hữu là xây dựng trời cao ở ngay nơi đất thấp, là cho thấy rằng trời cao thật gần, chứ không phải là sản phẩm của hoang tưởng.

Trời cao đã gần bên, chỉ người Kitô hữu biết sống cho nhau chân tình, chia sẻ cho tha nhân tất cả những gì mình có, không bị mê hoặc bởi của cải lợi danh, không bị kéo ghì bởi những đam mê xác thịt, cũng không chùn bước trước cái chết, khổ đau. 
Chúng ta phải làm chứng về thiên đàng có thực bằng cuộc sống vui tươi hạnh phúc ở đời này.
Hạnh phúc khi hy sinh, tự hiến, khi chịu thua thiệt, mất mát, lãng quên.

Hạnh phúc cả khi tưởng như không thể nào hạnh phúc được. Hạnh phúc như thế gợi mở về hạnh phúc viên mãn đời sau.

Chúng ta không thể làm chứng về thiên đàng mai hậu bằng một cuộc sống ủ rủ, buồn phiền.

Thiên đàng mai sau chớm nở từ bây giờ. Tôi chỉ được hạnh phúc sống đời sau bên Chúa, nếu tôi đã bắt đầu sống bên Chúa từ đời này.

Có một thiên đàng nho nhỏ ở trong tôi: "Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và dựng nhà nơi người ấy" (Ga 14,24).

Tôi muốn xây những thiên đàng nho nhỏ ở quanh tôi, nơi gia đình, bè bạn; nơi phố chợ, học đường... mong có ngày cả trái đất này ngập tràn sự hiện diện của Thiên Chúa.

Gợi Ý Chia Sẻ

  • 1. Có phi hành gia, sau khi du hành trong vũ trụ, đã quả quyết không hề có thiên đàng. Bạn nghĩ gì về nhận xét đó?
  • 2. Theo bạn, có thể dùng lý luận để chứng minh cho người khác về sự hiện hữu của thiên đàng không? Có thể dùng cuộc sống để cho thấy thiên đàng không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu trái đất này, và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc, sự bị đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời, nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu, chúng con thấy mình được thêm sức mạnh để xây dựng trái đất này, và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa, xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời không làm chúng con quên trời cao; và những vẻ đẹp của trần gian không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con, mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

Trích trong ‘Manna’
– Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu)

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

    

Bình An Nơi Đâu

Mỗi ngày sống  trôi qua là lúc tôi dành cho mình  một khoảng lặng tâm hồn để nhìn lại bản thân. Tôi nhìn lại mọi sự diễn ra nơi mình từ tư tưởng, lời nói, cho đến hành động và các mối tương quan xung quanh của tôi.
Và ngày hôm nay tôi được đụng chạm bởi một câu truyện ngắn mang tựa đề: “Hạnh phúc hay không là ở bạn”. Câu truyện có nội dung như sau:
 Trong một buổi lên lớp, bước vào buổi học người thầy giáo vẽ một hình tròn lên bảng và nói với học sinh của mình rằng: Các em có thể vẽ được bao nhiêu đoạn thẳng nằm trong hình tròn này?
Thưa Thầy, em có thể vẽ được vô số đoạn thẳng nằm trong hình tròn này. Một bạn học sinh trả lời!
Em nói đúng lắm. Thầy giáo nói
Thầy giáo lại nói tiếp: Nếu giả sử mỗi người chúng ta là một đường thằng thì các em sẽ cảm thấy thế nào?
Có bạn nói: Em cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì cuộc sống của mình nó thằng và đẹp quá.
Nhưng có bạn lại trả lời: Nếu như vậy thì cuộc sống này sẽ buồn tẻ lắm vì em không được trải qua những khúc gập ghềnh của cuộc sống và như vậy em sẽ ít được trải nghiệm hơn.
Thầy giáo lại nói: Đó là những ý kiến của các em và những mong muốn của các em vậy hãy cố gắng để thực hiện được. Những các em ạ, cuộc sống không như những gì chúng ta mong muốn đâu. Cuộc sống hạnh phúc hay không hạnh phúc là ở chính bản thân mỗi người.
Sau khi đọc xong câu truyện ngắn, tôi cảm thấy người mình lặng hẳn xuống. Tôi suy nghĩ cuộc sống của mỗi người ai cũng như ai vậy. Bắt đầu khi sinh ra là một điểm nằm trên hình tròn và rồi khi nhắm mắt xuôi tay trên cuộc đời này là một điểm khác cũng nằm trên đường tròn đó. Và cuộc sống của tôi cũng vậy, bước vào cuộc đời thì  thấy “đời” đẹp lắm nhưng rồi càng đi tôi càng cảm thấy đời đâu như là mơ, mà đâu có phải là thơ. Khi gặp những biến cố trong cuộc đời tôi luôn cảm thấy có sự lo lắng bất an không biết  phải làm sao (những sự lo lắng bất an đó tôi tạm gọi nó là những nút giao nhau với đoạn thằng khác). Đâu phải chỉ có hai hay ba nút giao đâu nhưng là có đến  vô số nút giao. Lẽ nào mỗi ngày sống của tôi toàn là sự lo lắng bất an sao?
Như vậy tôi đâu cảm thấy được mình hạnh phúc.
Những lúc như thế tôi thường tìm cách đi đâu đó chơi để cho quên hết điều đó đi. Và trong những lúc vui chơi như vậy tôi đã quên đi được nó nhưng rồi sau cuộc vui chơi thì bắt đầu sự lo lắng bất an ấy lại ùa về bên tôi. Tôi cảm thấy mình bối rối biết bao, nếu như ngày nào tôi cũng đi chơi để cho quên đi sự lo lắng của mình thì tôi còn đâu ra thời gian để học tập, nghỉ ngơi và có thời gian bên gia đình anh chị em của mình. Tôi cảm thấy con người mình bất an và khao khát một sự bình an thật, một sự bình an làm tôi có thể yên tâm để đối diện với những nút giao của cuộc sống.
Trong một thánh lễ tôi có nghe được câu Lời Chúa theo Tin Mừng thánh Gio-an 14: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”. Lúc này trong tôi cảm thấy vui mừng biết bao. Tôi nhận thấy sự bình an của Thầy Giê-su mới chính là điều mà tôi đang khao khát, đang tìm kiếm. Dường như Thầy Giê-su đang mang lấy những lo lắng, bất an của tôi. Nơi Thầy Giê-su tôi cảm thấy bản thân mình được hạnh phúc, được yêu thương và được nâng đỡ. Cũng chính Thầy đã dạy tôi biết được sự bình an thật phải xuất phát từ Thiên Chúa và khởi đi từ trong chính tâm hồn mình, còn sự bình an giả tạo là sự bình an chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi hay khi đối diện với biến cố nào đó thì sự bình an giả tạo đó mất đi. Không chỉ vậy Thầy còn dạy tôi biết cách đối diện với những biến cố. Đứng trước những nút giao tôi đâu biết phải làm gì nhưng chỉ khi tôi chịu lắng nghe và để Chúa dẫn dắt thì tôi cảm thấy hạnh phúc và mừng vui. Đúng thật là tôi đâu có một mình đối diện với nút giao mà là Chúa luôn đồng hành cùng tôi. Ngài luôn nâng đỡ và giúp tôi có đủ sức mạnh để vượt qua nút giao. Chính khi ý thức được như vậy tôi mới thấy bình an thật sự.
Lạy Chúa Giê-su,
Trong một cuộc sống với đầy những nỗi lo toan,
Xin đến để nâng đỡ con.
Giữa một cuộc sống với đầy những tối tăm mù mịt,
Xin đến dẫn dắt con.
Xin cho con được đến với Chúa, và ở lại trong Chúa là sự bình an đích thật
Amen.
CĐ MB

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Giã Từ Tháng Hoa

Tháng Năm khép giữa nắng mưa
Cũng là khép lại Tháng Hoa Tốt Lành
Tháng Năm qua thật là nhanh
Nhưng lòng yêu Mẹ vẫn xanh biếc màu
Tháng ngày nối tiếp theo nhau
Nối dài đến mãi ngàn sau không ngừng
Lời kinh tha thiết Kính Mừng
Hàng ngày nối tiếp kết vòng nhân gian
Dâng lên Đức Mẹ từ nhân
Xin cho thế giới bình an tuyệt vời
Bình an từ giữa lòng người
Kết thành những Chuỗi Ngọc Trời kính dâng
Tháng Hoa từ giã Tháng Năm
Chờ ngày sum họp đoàn viên Nước Trời

TRẦM THIÊN THU

Lòng hướng về trời cao

Ngày hôm nay, Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Chúa Giêsu trở về nhà Cha sau khi Ngài đã hoàn tất sứ vụ Chúa Cha trao phó. Sau thời gian 33 năm xa nhà, Chúa Giêsu hồi hương trong vinh quang phục sinh và được đưa về trời ngự bên hữu Thiên Chúa.
Chúa về trời vì chính Người đã từ trời xuống thế: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng đã từ trời xuống” (Ga 3,13). Người đến nhân gian để nói với nhân loại về Nước Trời, mặc khải cho con người biết Thiên Chúa. Người giúp họ thay đổi quan niệm về Thiên Chúa cũng như quan niệm về con người.
Trang Tin Mừng hôm nay tường thuật lại việc Chúa Giêsu lên trời, đây là một minh chứng cho thấy rằng có thiên đàng, có sự sống đời sau. Nhưng lên trời không phải là một di chuyển từ nơi chốn này đến nơi chốn khác. Trời ở đây không phải là nơi chốn có thể đụng chạm, sờ mó được nhưng sâu xa hơn đó là một trạng thái. Chúa Giêsu lên trời có nghĩa là Ngài về cùng với Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần là nơi Ngài đã xuất phát. Trời ở đây có nghĩa là sống trong tình yêu tròn đầy của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, việc Chúa Giêsu lên trời không phải giã từ thế giới đi vào cõi xa vắng mịt mù, nhưng Ngài đi về thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi, sống với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Trước khi Chúa Giêsu lên trời Ngài đã nhắn nhủ các môn đệ rằng “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo". Đây là lệnh truyền của Chúa Giêsu và trở thành căn tính của mỗi người kitô hữu chúng ta , đó là làm chứng nhân tin mừng phục sinh, niềm vui của Chúa Giêsu cho tất cả mọi người không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo. Mỗi người chúng ta có trách nhiệm mang Đức Kitô đến với thế giới hôm nay đang sống trong đau khổ, chiến tranh, bất an, tội lỗi.... để xoa dịu hết tất cả những vết thương của họ.
          Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là Ngài không còn hiện diện với chúng ta nữa, trái lại Ngài sẽ ở lại cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Để có thể lên trời như Chúa Giêsu mỗi người chúng ta cần phải hoàn thành hành trình dưới thế của mình như chính Ngài. Dù phải sống ở trần thế này với muôn ngàn thánh giá, thử thách, khó khăn... nhưng chúng ta không quên mục đích tối hậu của chúng ta đó là về quê trời, nơi ấy chúng ta sẽ sống trong tình yêu viên mãn của Chúa Ba Ngôi. Nếu như cuộc đời của người kitô hữu chúng ta thiếu đi cùng đích của đời mình là hướng về sự sống đời sau thì chắc chắn những nỗ lực, cố gắng của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa. Chúa Thăng Thiên cũng cố đức tin của mỗi người chúng ta vào niềm hy vọng tràn trề trong đó mỗi người chúng ta sẽ nếm cảm hạnh phúc thiên đàng sau này.
Chúa về trời, một cuộc tạm biệt chứ không ly biệt. Chia tay để rồi sẽ gặp lại nhau trong một tương quan mới.Chúa về trời gợi lên trong tâm hồn chúng ta một khát vọng quy hướng về Người để rồi đối với chúng ta không còn hạnh phúc nào lớn hơn là được ở trong Người, đón nhận sự sống sung mãn Người ban tặng. Nhận thức được niềm hạnh phúc ấy, đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ có một sự thú vị ngọt ngào. Nơi thiên cung, mọi đau khổ, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố không còn nữa. Ở đó chỉ có thanh bình, công bằng, và hạnh phúc viên mãn, nhân phẩm và nhân vị con người hoàn toàn được phục hồi trong ánh sáng phục sinh của Chúa Kitô.
Chúa về trời mở ra sứ vụ mới cho các Tông đồ. Đó là khai trương công cuộc truyền giáo toàn cầu với lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Nội dung của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Làm phép rửa cho họ.  Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”. Bảo chứng cho sứ vụ truyền giáo là: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông đồ, qua các Tông đồ rồi đến các môn đệ, Chúa Giêsu trở thành người sống đương thời với chúng ta “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội sứ mạng tiếp nối sự hiện diện của Người, Người cũng đòi chúng ta phải có một sự chọn lựa dứt khoá như Người. Chính vì thế, rất có thể đã xảy ra là tại một nơi nào đó, có sự hiện diện của người Kitô hữu, của Giáo Hội, nhưng lại không có sự hiện diện đích thực của Đức Kitô. Sở dĩ như vậy là vì sự chọn lựa của chúng ta đã đi ngược lại với sự chọn lựa của Chúa Giêsu. Chẳng hạn như khi chúng ta có những hành động bất công, bóc lột kẻ khác, thì chính bản thân chúng ta đã bôi nhọ và xoá bỏ sự hiện diện của Đức Kitô.
Người Kitô hữu chân đạp đất nhưng lòng vẫn hướng về trời cao. Niềm hy vọng đó giải thoát ta khỏi nô lệ vào mặt đất nhờ đã biết rõ vật chất chỉ là phương tiện sẽ mau chóng qua đi. Niềm hy vọng đó nâng cuộc sống con người lên vì từ nay ta hiểu rằng định mệnh loài người không phải như loài súc vật, nhưng ngang hàng với thần linh. Niềm hy vọng đó đó làm cho cuộc sống của ta có ý nghĩa, vì Chúa tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi theo quy luật của vật chất mà để con người phát triển, tồn tại đến vô biên, không phải bị kết án vào những đau khổ vất vả trần gian, nhưng đã được tiền định hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Niềm hy vọng đó cho ta thêm động lực phục vụ tha nhân tận tâm hơn vì đó chính là sứ mang Chúa trao phó. Niềm hy vọng đó khuyến khích ta tích cực xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, vì đó chính là điều kiện cho ta được vào Nước Trời.
Chúa Giêsu lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã sai Ngài đến trần gian. Ngài đã tiến nhận cái chết một cách bi thương và đã được quyền năng Chúa Cha làm cho sống lại. Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là bằng chứng chắc chắn về ơn cứu độ và sự tha thứ tội lỗi (Dt 10, 22-24). Đây là căn nguyên niềm vui nơi các môn đệ cũng như nơi chúng ta.
Mừng lễ Chúa lên trời, chúng ta không phải chỉ biết ngước mắt nhìn lên cao, mà điều quan trọng đó chính là chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Rao giảng không chỉ bằng lời nói, mà bằng cả việc làm và đời sống, nhất là bằng sự dấn thân, để thực hiện một sự lựa chọn rõ rệt. Con Thiên Chúa khi làm người và ở giữa chúng ta, đã thể hiện một sự lựa chọn rõ rệt, Ngài không hiện diện một cách chung chung, và vô thưởng vô phạt, nhưng đã hiện diện như một Tin Mừng cứu độ cho nhiều người, đồng thời như một hòn đá vấp ngã đối với một số người khác.
Mừng Lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay, Chúa muốn nhắn gởi cho chúng ta một sứ điệp nữa đó là hãy xây dựng thiên đàng tại trần thế này, khi tất cả chúng ta đều xem nhau như là anh em cùng một Cha trên trời. Khi mỗi người chúng ta biết sống từ bỏ, hy sinh và phục vụ nhau.

CTV TTVL

CHA DẶN CON TRAI

Con trai, chúng ta hãy nói chuyện nghiêm túc với nhau. Rong chơi đủ rồi, cũng đã đến lúc con phải học cách yêu đương trưởng thành như một người đàn ông thực thụ. Cậu bé mới lớn hôm qua, hãy tạm biệt nó đi!
Con có thể chậm yêu, nhưng đừng phá chậu cướp hoa của người khác. Chinh phục là cần, nhưng tình yêu không phải chuyện giành giật qua lại. Con có thể sốt ruột vì chưa thấy người mình yêu, nhưng tuyệt đối không đi với người này lại ôm người nọ.
Con gái xinh thì không thiếu, nhưng con gái thông minh tuyệt đối rất khó tìm. Nếu muốn tập trung làm người thành đạt, hãy kiếm một cô gái thực sự hiểu chuyện, biết điều. Áp lực ngoài đường đã đủ rồi, con thực sự cần một người có thể sẻ chia.
Hạnh phúc của một cô gái đôi khi tầm thường vì quá giản đơn, tuy rất dễ làm họ vui nhưng những nỗi buồn con gây ra cô ấy sẽ không bao giờ quên lãng. Nếu yêu thương thành thật, mong con đừng vô tâm.
Tuổi xuân của con gái thực ngắn ngủi chẳng đầy gang tay, vì thế con đừng quay lưng chỉ vì một ngày cô ấy không còn tươi trẻ. Nếu cô ấy có làm kiêu, khó dễ, hãy hiểu, vì đó là quãng thời gian rực rỡ nhất của con gái trong đời. Con có thể mất nhiều thời gian để trở thành một người đàn ông, nhưng họ chỉ vài năm nữa thôi đã đến tuổi buộc làm phụ nữ. Chín chắn lên, con trai!
Có những chuyện phận nữ nhi luôn nhận về phần thiệt. Một người đàn ông tinh tế, sẽ biết cách giúp đỡ và cảm thông. Vào bếp hay rửa bát là việc cỏn con, nhưng nó chẳng liên quan gì đến tự tôn của con cả. Nếu có thể, hãy san sẻ với cô ấy ít nhiều.
Con có thể chi tiền cho người phụ nữ mà mình yêu, nhưng hãy cố gắng kiếm gấp đôi, thậm chí gấp ba lần số đó. Vì đàn ông kém cỏi, thực tế sẽ chẳng ai mê.
Con có thể kiếm được rất nhiều tiền, nhưng đừng bao giờ nghĩ mình đang bao nuôi cô ấy. Vì có những chuyện nếu không có bàn tay phụ nữ, con sẽ chẳng được như bây giờ.
Nếu giữa hai người có xảy ra cãi vã, dù là lỗi của ai, con cũng hãy học cách cúi mình và thứ tha. Ba bảo rồi, đừng so đo với cô gái của cuộc đời con. Làm đàn ông, đến bao dung còn không làm được, thì tư cách gì để vùng vẫy biển khơi?
Ba hiểu, tự trọng và bản lĩnh là điều thiết yếu không thể bỏ qua, nhưng con phải biết nhu, cương đúng lúc. Hãy sống bao dung và hãy để cô ấy phục về tài đức của con nhé, chứ đừng bao giờ lấy quyền hay sức mạnh làm cô ấy khóc.
Đó là những lời tâm huyết mà ba đã đúc kết trong suốt mấy mươi năm ba sống. Mong con cố gắng giữ lấy để gia đình con được mãi ấm êm.
Ba của con

(Sưu tầm có chỉnh sửa)

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Chúa không để ta mồ côi…

“Biệt ly nhớ nhung từ đây, chiếc lá rơi theo heo may, người về có hay. Biệt ly sóng trên dòng sông. Ôi còi tàu như xé đôi lòng. Và mây trôi nước trôi, ngày tháng trôi cùng lướt trôi…”. Vâng, đó là tâm trạng thường tình với bất cứ ai, khi phải đối diện với sự biệt ly.
Nói tới sự biệt ly, Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã không ít lần chứng kiến. Và, mỗi lần chứng kiến, Ngài không thể không có sự phản ứng nhất định của mình.
Với sự kiện con trai của một bà góa ở thành Nain “ra đi”, Đức Giê-su hóa giải cảnh biệt ly đó bằng một phép lạ, cho anh ta sống lại. Với tâm trạng “như xé đôi lòng” của các môn đệ khi biết Thầy Giê-su chỉ còn ở với mình “ít lâu nữa thôi”, Đức Giê-su, qua một thông điệp, Ngài đã lấp đi khoảng trống cô đơn nơi các ông. Thông điệp đó đã được thánh Gio-an ghi lại như sau:
**
Hôm ấy, Thầy và trò cùng quây quần bên nhau trong một bữa tiệc, bữa tiệc nhân ngày lễ Vượt Qua.
Trong bữa tiệc ấy, Đức Giê-su đã bảy tỏ với các môn đệ rằng, “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.
Hai lần nhấn mạnh với các môn đệ “hãy tin… và tin” là để giảm đi nỗi cô đơn nặng nề nơi các ông, một nỗi cô đơn theo kiểu cô đơn của Walter Scott: “Khi nghĩ về những người bạn đồng hành đã rời ta, chúng ta cảm thấy cô đơn gấp đôi”.
Cho nên, trước hoàn cảnh đó, Đức Giê-su thấy rằng, Ngài cần phải đưa ra một thông điệp mạnh mẽ để xóa tan khoảng trống cô đơn trong tâm hồn của các ông. Và Ngài đã đưa ra thông điệp, rằng: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (x.Ga 14, 16-17)
Vâng, chính thông điệp này đã lấp đầy khoảng trống cô đơn nơi các người môn đệ của Ngài. Một thông điệp thấm đậm tình yêu thương khi Đức Giê-su tiếp tục tuyên bố với các ông, rằng: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14, 18).
***
“Thầy sẽ không để anh em mồ côi”. Đúng vậy, bởi Đức Giê-su “đi”, nhưng không phải là Ngài “một đi không trở lại”.
Đức Giê-su đi, rồi Ngài lại đến. Ngài đi là có lợi cho chúng ta, như Ngài đã phán hứa.
Cái lợi rõ nét nhất, Đức Giê-su nói, đó là: “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em”. Cái lợi tiếp đến, đó là: “Thầy sống và anh em cũng được sống”.
Vâng, lịch sử hơn hai ngàn năm Ki-tô giáo. Mặc cho có biết bao cuộc bách hại, mặc cho có biết bao thăng trầm, Giáo Hội vẫn trường tồn và phát triển, một sự trường tồn và phát triển đủ để chứng minh những “cái lợi” (nêu trên), đã thực sự tác động trên đời sống của Giáo Hội nói chung, và của từng người tín hữu nói riêng.
Thế nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi, sau nhiều năm là một Ki-tô hữu, “tôi có ở trong Chúa và Chúa có ở trong tôi”! Hỏi cách khác, Đấng Bảo Trợ có “ở giữa chúng ta và ở trong chúng ta”!?
Hãy nhớ rằng, Đấng Bảo Trợ là Đấng không thể thiếu cho đời sống đức tin của mỗi chúng ta.
Thật vậy, không có Chúa Thánh Thần ngự trị trong đời sống đức tin, thật quá khó để chúng ta có thể đương đầu với một thế giới ngày một cổ vũ cho một nền văn hóa sự chết, như hôm nay.
Nếu không có Chúa Thánh Thần. Đấng có thể “ban cho trí hồn (ta). Ơn biết khôn ngoan tìm theo chân lý”. Vâng, làm sao chúng ta có thể “xa điều gian dối” nhan nhản trên truyền thông đại chúng, một thứ truyền thông được điều hành bởi những kẻ độc tài đảng trị.
Không có Chúa Thánh Thần. Chúng ta không thể gặt hái hoa trái của Người.
Mà, nếu không có hoa trái Chúa Thánh Thần, hoa trái “bác ái, vui vẻ, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm”… Vâng, làm sao chúng ta có thể “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm”!
Nếu không có hoa trái Chúa Thánh Thần, hoa trái “tiết độ và trong sạch”… Vâng, làm sao chúng ta có thể chế ngự những dục vọng, một trong nhiều nguyên nhân gây đổ vỡ hôn nhân gia đình!?
Nói tắt một lời, không có Đấng Bảo Trợ, chúng ta không có “Uy lực của Thần Khí”, và nói theo cách nói của Đức Giê-su, chúng ta chẳng khác nào là một kẻ “mồ côi”.
****
Đã là một Ki-tô hữu, chắc chắn không ai trong chúng ta muốn mình trở thành kẻ mồ côi trước mặt Thiên Chúa.
Thế nên, đừng để mất đi “Uy Lực của Thần Khí” trong đời sống đức tin của chúng ta. Muốn thế, không gì tốt hơn là hãy nghe lời truyền dạy của Đức Giê-su, lời truyền dạy rằng: “Ai có và giữ các giới răn của Thầy, kẻ ấy mới là kẻ yêu Thầy. Và ai yêu Thầy sẽ được Cha Thầy yêu. Thầy sẽ yêu nó và tỏ mình ra cho nó”.
“Giới răn của Thầy” là giới răn nào? Thưa, “Mến Chúa – Yêu Người”. Vâng, chỉ vậy thôi. Chỉ vậy thôi, Chúa sẽ “yêu ta và tỏ mình ra cho ta”.
Yêu ta như thế nào? Thưa, Đức Giê-su – Ngài sẽ không để ta mồ côi.
Chỉ cần Mến Chúa – Yêu Người. Chúa sẽ “không để ta mồ côi”.
Petrus.tran

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Đôi Mắt

Trong nhạc phẩm “Đôi mắt” của tác giả Xuân Hồng có câu: “Đôi mắt em là cửa sổ tâm hồn.”
Đôi mắt, không những là cửa sổ mà là cửa chính. Bởi, nhìn vào mắt của một người, ta có thể nhận biết được tâm trạng bên trong của người đó như thế nào? Vui hay buồn, giận dỗi, lo lắng hay âu sầu, thất vọng, oán hận, căm thù hay khoan dung, tha thứ,…
Tạ ơn Chúa đã ban cho tôi có đôi mắt, để tôi có thể ngắm nhìn vạn vật là công trình do Thiên Chúa tạo dựng. Một ngày sống, từ khi tôi mở mắt ra đến lúc khép mắt lại, tôi đã nhìn thấy biết bao vẻ đẹp của những cánh hoa sắc màu khác nhau, những cảnh vật tuyệt tác hiện hữu xung quanh cuộc sống, cả những sự kiện diễn tiến trong cuộc đời,… Tất cả là hồng ân.
Đôi mắt, cái nhìn, được trải dài trong Tin mừng, hầu như trang Tin mừng nào cũng vẽ lên rất rõ nét về những hình ảnh của đôi mắt. Ở đây, tôi chỉ xin được chia sẻ vài cảm nhận về đôi mắt nhân từ của Chúa Giêsu, đã cảm hóa tôi và không biết bao nhiêu con người được nói đến trong Tin mừng, hoặc trong cuộc sống hôm nay. Chỉ mong sao tôi và bạn mỗi ngày hãy dành thời gian để chiêm ngắm đôi mắt của Chúa thật nhiều. Càng nhiều càng tốt! Bởi điều đó, rất hữu ích cho cuộc đời của bạn và của tôi.
Câu chuyện hai môn đệ đi trên đường từ Giêrusalem trở về làng Emmau. Chắc hẳn, tâm trạng các ông mang trong tâm hồn là sự rối bời, vì những xáo động bên trong và bên ngoài. Hai ông vừa đi vừa trò chuyện, câu chuyện chẳng vui nên hiện rõ trên nét mặt buồn của các ông. Vừa lúc ấy, một vị khách lạ từ đâu bỗng xuất hiện cùng song hành với các ông. Người lạ mặt này chủ động hỏi: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Người hỏi đó, chính là Đức Giêsu, Vị Thầy của họ, ấy vậy sao họ lại không nhận ra? Đơn giản là vì từ trong suy nghĩ của họ: Đức Giêsu đã chết. Điều đó làm cho mắt họ bị ngăn cản không nhận ra Người. (Lc 24, 16) Và suốt quãng đường dài hai môn đệ giãi bày tâm sự, Thầy giải thích Kinh Thánh, những gì liên quan đến Người, thế nhưng các ông cũng không nhận ra tiếng của Người hoặc cách thức Người giảng dạy. Qua đây cho thấy: để thay đổi được con tim thì thay đổi não trạng thôi chưa đủ, nhưng phải được đổi thay cả “cái nhìn”. Cho đến lúc các ông nhìn thấy Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Lúc này mắt họ mới được mở ra và nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. (Lc 22, 30-31)
Cuộc sống hôm nay, chúng ta đang sống trong một thời đại nghe-nhìn. Những gì ta được nghe, được nhìn sẽ dễ dàng đi sâu vào con tim để cảm nhận, để sống.
Xin cho bạn và tôi luôn biết sử dụng đôi mắt Chúa ban để chiêm ngắm và ca ngợi tình thương của Thiên Chúa đã tạo tác nên ta. Hơn thế nữa, Ngài còn trở nên của ăn nuôi dưỡng cho chúng ta bằng Lời và bằng chính Máu Thịt Ngài nữa. Hãy dùng thời gian để chiêm ngắm đôi mắt yêu thương, nhân từ của Ngài dành cho chúng ta, bạn nhé!

TL

Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Niềm tin mang dấu ấn Chúa Thánh Thần

“ Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy và ai tuân giữ giới răn của Thầy thì Thầy sẽ xin Chúa Cha ban Đấng Bảo Trợ đến cho anh em”. Đó là câu Lời Chúa mà Cha Linh Hướng Gioan muốn các bạn sinh viên cộng đoàn Vinh tại Hà Nội ghi nhớ trong Thánh Lễ Chúa nhật V Phục Sinh diễn ra vào lúc 8h00’ ngày 21 tháng 5 năm 2017 tại đền Thánh Gierado.

      “ Yêu mến Lời Thầy và tuân giữ Lời Thầy”, tất cả những điều đó Thiên Chúa muốn nói với chúng ta một điều: một mối tương quan không thể tách rời nhau giữa việc tuân giữ và đón nhận Lời của Thiên Chúa, cả hai đều là một. Ai tuân giữ giới răn của Thiên Chúa thì Thầy ở trong ngừơi ấy và Cha thầy ở trong người ấy. Tông đồ Philipphe trong bài đọc 1 hôm nay cũng vậy, ông thành công không phải do ông, nhưng là do Chúa Thánh Thần,ông rao giảng cho toàn dân ngoại không bao giờ tin vào Chúa nhưng Thánh Thần đã đổ xuống trên dân ngoại ơn đức tin và soi sáng cho ông những gì ông cần phải nói. Vì thế, ông đã thuyết phục được nhiều người trở lại và tịn vào Chúa. Việc sống Lời Chúa, rao giảng Tin Mừng là do quyền năng của Thần Khí chứ không phải do sức riêng của chúng ta.

   Tin mừng hôm nay có hai điều quan trọng chúng ta cần suy gẫm:

      Đã bao giờ chúng ta để tâm suy gẫm và tuân giữ Lời của Chúa chưa? Chúng ta đến đây để tung hô Chúa, để cảm tạ Chúa, để ca khen tình yêu của Chúa nhưng chúng ta đã mở miệng tung hô Chúa chưa? Chúng ta đến đây tham dự Thánh lễ để gặp Chúa và để tìm thấy niềm vui, nhưng nét mặt của chúng ta thì rầu rĩ,u buồn, không có niềm vui thực sự. Chúng ta có thấy xấu hổ không khi mà miệng chúng ta đóng chặt và khuôn mặt rầu rĩ. Triết học gia người Đức đã từng nói: “Thiên Chúa đã chết” bởi lẽ ông thấy rằng người Công giáo không sống niềm vui Phục Sinh, không sống niềm hoan lạc mà Chúa Thánh Thần ban tặng. Vì vậy, chúng ta hãy ý thức rằng: chúng ta đến đây để nhìn Chúa, để ca ngợi Chúa nhưng không phải để ngủ gục, để buồn bã nhưng là để ca ngợi và hân hoan trong tâm hồn.

.      Biểu hiện của người có niềm tin là luôn vui tươi và tuyên xưng ra ngoài miệng bằng lời ca, bằng tiếng hát. Niềm tin trong lòng và hành động bên ngoài phải ăn khớp với nhau. Biểu hiện của người tin vào Thiên Chúa yêu mến và tuân giữ Lời của Chúa: mến Chúa và yêu người. Mến Chúa là sống tâm tình tạ ơn, là sống  với tâm hồn tràn đầy ơn của Chúa Thánh Thần, ai tươi vui, hân hoan là tràn đầy Thánh Thần, ai buồn bã thì mất Thần Khí. Cũng như các Tông đồ xưa, khi chưa nhận được ơn của Chúa Thánh Thần thì họ buồn bã và lo sợ, nhưng khi nhận được ơn của Chúa Thánh Thần họ luôn vui vẻ, dẫu bị đánh đập, hành hạ họ vẫn cảm thấy hạnh phúc và vinh dự vì được chung phần đau khổ với Đức Kito, vì họ có sưc mạnh của Chúa Thánh Thần. Yêu người là bác ái, yêu thương; là giúp người xung quanh nhận ra Chúa Thánh Thần đang ở với chúng ta. Từ đó chúng ta hãy giới thiệu Chúa Thánh Thần cho những người xung quanh.

Khép lại bài giảng hôm nay Cha linh hướng mời gọi chúng ta:

     Đừng sống như một cỗ máy, nhưng hãy là chính mình và trong mình mang Thần Khí. Hãy luôn luôn vui tươi và phấn khởi, hãy sống với tâm hồn khắc khoải chờ mong Chúa đến với chúng ta. Hãy tuân bắt đầu lại bằng trái tim yêu mến và tuân giữ Lời Chúa.

     Xin ơn Chúa cho chúng ta nhận ra được thân xác và tâm hồn chúng ta là Đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa.

     Lạy Chúa Thánh Thần, Người đã ban cho các Tông đồ xưa niềm hoan lạc và xác tín vào Chúa Thánh Thần, xin Người cũng ban cho chúng con niềm vui, niềm hoan lạc của Người để chúng con biết yêu mến và tuân giữ Lời của Chúa là mến Chúa và yêu người, xin cho chúng con biết sống niềm tin vào Chúa để niềm tin của chúng con lan tỏa tới những người chưa nhận biết Chúa. Amen.

Thánh lễ kết thúc lúc 9h30’.
Xem hình ảnh tại đây.

Tầm quan trọng của việc Cầu Nguyện buổi tối

Cầu nguyện trước khi ngủ đêm là điều quan trọng. Nhiều người cầu nguyện liên lỉ, tâm hồn luôn hướng về Chúa dù họ đang làm việc gì. Chúng ta càng phải cầu nguyện nhiều hơn khi phải quyết định một điều quan trọng.

Việc cầu nguyện trước khi đi ngủ ban đêm có thể làm thay đổi cuộc đời chúng ta. Những người cầu nguyện trước khi đi ngủ ít bị đau nhức, căng thẳng, tức giận, và cảm thấy hạnh phúc hơn. Đây là vài lý do chứng tỏ cầu nguyện trước khi đi ngủ ban đêm là điều cần thiết cho đời sống tâm linh và là khí cụ ích lợi cho cuộc sống hằng ngày.

1. HÃY ƯU TIÊN CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện là kết hiệp với Thiên Chúa và là chìa khóa mở cửa Thiên Đàng để Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Thánh Giacôbê khuyên chúng ta nên cầu xin ơn soi sáng: “Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách” (Gc 1:5). Cầu nguyện trước khi đi ngủ là giữ liên lạc với Thiên Chúa, Ngài sẽ nói khi chúng ta cảm thấy mình không còn gì trên thế gian này nữa.

2. CHÚA GIÊSU MUỐN CHÚNG TA CẦU NGUYỆN

Chúng ta được dạy cầu nguyện cho chính mình và người khác. Chúa Giêsu đã dạy: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt 6:9-13). Chúng ta thực sự cần điều này làm nền tảng cho đời sống cầu nguyện. Nếu Chúa Giêsu nói rằng chúng ta cần thêm điều này vào đời sống cầu nguyện là có lý do của Ngài. Đó là linh hồn của chúng ta được nuôi dưỡng.

3. CẦU NGUYỆN GIÚP THỂ LÝ THƯ THÁI

Buổi tối, những người cầu nguyện 20 phút đều cảm thấy rằng họ ít bị nhức đầu. Thật vậy, cầu nguyện có lợi cho cả thể lý chứ không chỉ tinh thần. Khi được thực hành, hệ quả bình tĩnh không tạm thời, mà lâu dài. Cầu nguyện không chỉ giúp chúng ta ít tập trung vào đau nhức, mà còn giúp chúng ta cảm thấy ít đau nhức. Đây là cách bắt đầu cầu nguyện: “Lạy Chúa, con cảm thấy mệt mỏi vì luôn bị đau nhức. Nó làm cho những điều nhỏ mọn giống như điều lớn lao. Xin giúp con xử lý bệnh tật và tiếp tục tìm kiếm thời gian để nghỉ ngơi và điều trị. Xin cho lúc con thức được thanh thản và khi con ngủ được bình an”.

4. CẦU NGUYỆN LÀM GIẢM LO LẮNG

Cầu nguyện trước khi đi ngủ giúp giảm bớt lo lắng. Thánh Phaolô nói: “Tôi nghĩ rằng những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8:18). Cầu nguyện có thể chữa lành các vết thương tình cảm, giúp chúng ta kiềm chế các ý tưởng nông nổi. Hãy cầu xin và Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi lo âu và căng thẳng. Hãy cầu xin Ngài làm cho tâm trí chúng ta thoải mái và giúp chúng ta tập trung vào tư tưởng và đường lối của Ngài.

5. CẦU NGUYỆN LÀM GIẢM CĂNG THẲNG

Tiến sĩ Patricia Murphy, Trung tâm Y khoa của ĐH Rush, thấy rằng nhờ cầu nguyện mà các bệnh nhân có nhiều phản ứng tích cực với thuốc khi bị trầm cảm. Bà nói: “Theo nghiên cứu của chúng tôi, sự phản ứng tích cực với thuốc thì ít phải xử lý cảm xúc về sự hy vọng theo sau niềm tin về tâm linh”. Các tốt để bắt đầu cầu nguyện buổi tối có thể như thế này: “Lạy Cha, xin ban cho con ơn can đảm, xin hướng dẫn con tìm kiếm hòa bình, sự vui mừng và niềm an ủi”.

6. CẦU NGUYỆN MỞ RA LỐI THOÁT

Vua Đa-vít đã chiến đấu trong những lúc ông đồng hành với Thiên Chúa và ông đã viết về điều này trong các Thánh Vịnh. Ông nói: “Người kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi vũng lầy nhơ nhớp, đặt chân tôi đứng trên tảng đá, làm cho tôi bước đi vững vàng” (Tv 40:3). Bạn có cảm thấy như đang ở trong vũng lầy trần gian? Nhưng bạn không một mình, và cầu nguyện là phương tiện để đưa bạn ra khỏi đó. Hãy tâm sự với Chúa về mọi nỗi khó khăn của bạn. Cầu nguyện sẽ giúp bạn khỏi bồn chồn, lo lắng. Khi chúng ta cầu nguyện lâu, cơ thể cũng sẽ thay đổi theo và thoải mái hơn. Bác sĩ Herbert Benson, chuyên khoa tim mạch tại Trường Y Harvard giải thích tình trạng này là “sự phản ứng nới lỏng”. Điều xảy ra là nhịp tim chậm lại, huyết áp giảm và chúng ta trở nên bình tĩnh hơn.

7. CẦU NGUYỆN LÀM TĂNG SỨC KHỎE

Theo thời gian, cầu nguyện buổi tối có thể chữa lành cơ thể. Càng ngày càng có nhiều bác sĩ phát hiện rằng đa số các chứng bệnh đều do căng thẳng. Ung nhọt, đau nửa đầu, béo phì, tiểu đường và các vấn đề về bao tử đều do căng thẳng. Báo Huffington Post cho biết: “Dù bạn cầu nguyện cho mình hoặc cho người khác thì việc cầu nguyện cũng chữa lành một bệnh nào đó hoặc thế giới được bình an, hoặc đơn giản chỉ là ngồi tĩnh lặng mà thôi”. Nhờ cầu nguyện trước khi ngủ mà sức khỏe thể lý của bạn cũng khá hơn nhiều.

8. CẦU NGUYỆN GIÚP NGỦ TỐT HƠN

Nếu ác mộng làm bạn thức giấc, nó có thể ảnh hưởng ngày hôm sau. Cầu nguyện buổi tối có thể giúp chúng ta vượt qua sự cản trở này vào ban đêm, giúp chúng ta đạt được tình trạng thư giãn. Cầu nguyện buổi tối cần thiết cho mọi người ở mọi lứa tuổi, thực sự có thể thay đổi cuộc đời của chúng ta và khả dĩ vượt qua chính mình. Cầu nguyện giúp chuyển biến thể lý, tinh thần và linh hồn để có thể thanh thản và vui sống hơn.

Đây là vài câu danh ngôn về cầu nguyện khả dĩ giúp củng cố đức tin chúng ta:

“Mỗi ân sủng đến trong linh hồn đều nhờ lời CẦU NGUYỆN” (Thánh nữ Faustina)
“CẦU NGUYỆN là chìa khóa mở kho tàng của Thiên Chúa” (Thánh Lm Piô Năm Dấu)
“Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta CẦU NGUYỆN” (Bác học André-Marie Ampère)

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Beliefnet.com)
Chiều 17-5-2017

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...