Con cái là quà tặng, là sản phẩm tuyệt vời của tình yêu. Nếu con cái là thành quả của tình yêu giữa cha và mẹ, thì việc chăm sóc, dưỡng dục chúng cũng cần được vun đắp bằng một tình yêu thương đích thực ngang đều như nhau. Bởi chúng là con, là cưu mang và hoà điệu của hai dòng máu cha và mẹ.
Những tâm sự đáng thương
Tình yêu thương của cha mẹ là môi trường đầu tiên, nơi trẻ cảm nhận và học biết mình được đón nhận. Thế nhưng, trong thực tế đã không xảy ra như vậy. Đọc những dòng tâm sự của một vài em, chúng đã để lại trong tôi ít nhiều những băn khoăn cho sự lớn lên và trưởng thành của các em xấu số này. Chỉ xin nêu ra một trong những trường hợp tuơng tự .
“Chỉ cách nhau có một tuổi, nhưng tôi và anh Hai tôi là hai đối cực. Anh Hai là niềm hãnh diện của ba má vì thông minh, lanh lợi và học rất giỏi. Ngược lại, tôi luôn khiến ba má phiền lòng vì chậm chạp…
Không biết bao lần tôi tự hỏi tại sao ba má không thươngmình ? Hay mình không phải con do ba má sinh ra ? Hay mình dọc dở, xấu xí nên bị ba má ghét bỏ ? Mặc cảm với bản thân, có lúc tôi mơ ước : ‘Giá như ba má đừng sinh mình ra trên đời này thì mình đã không phải chịu khổ, chịu bất hạnhđến thế ?’. Tôi sống thu mình, không dám trò chuyện với ai, ngay cả bạn bè, vì nghĩ ba mẹ còn ghét mình như vây, thì bạn bè chắc chẳng ai thương mình.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa giải thích được, hiểu được, cảm được tình thương ba má dành cho tôi. Tôi cũng là đứa con do ba má mang nặng đẻ đau mà ! Có lúc tôi đã nghĩ đến bỏ nhà đi bụi, vì cho rằng ba má cũng chẳng cần đến sự có mặt của tôi trong nhà.”
Thái độ nào cha mẹ cần cho con ?
Tại sao mẹ không thương con ? Sao ba lại đối xử với con như vậy ? Đó là tiếng kêu thành lời, và đôi khi không lời của nhiều đứa trẻ, chúng bộc lộ nhu cầu căn bản của con người là yêu và được yêu, được tôn trọng và được đánh giá.
Bàn về phẩm giá và quyền lợi của con cái, giáo huấn của Giáo hội cho thấy nhu cầu cần phải tôn trọng phẩm giá của con cái. “Trong gia đình, là một cộng đồng các ngôi vị, người ta cần phải quan tâm đặc biệt đến con cái bằng cách phát triển lòng quí mến sâu xa phẩm giá riêng của chúng, tôn trọng và quảng đại lưu tâm đến quyền lợi của chúng. Đây là điều phải làm đối với mọi đứa con, nhưng nó trở nên cấp bách hơn khi đứa trẻ còn nhỏ và càng cần mọi sự hơn khi chúng đau ốm, buồn khổ hay tật nguyền.”
Như thế, với con cái, bổn phận và trách nhiệm hàng đầu của cha mẹ chính là tình yêu tôn trọng và công bằng.
Đối xử công bằng với con cái không phải là cào bằng mọi thứ. Mỗi đứa con là một cá thể độc lập, nhưng tất cả đều cần tình yêu thương và sự cảm thông như nhau. Một thái độ tôn trọng, sự đối xử công bằng là thứ cần thiết hơn cả cho sự lớn lên của chúng. Chỉ khi phẩm giá được nhìn nhận, cá nhân mới có thể phát triển riêng cho mình và chung với người khác.
Tại sao mẹ không thương con ? Sao ba lại đối xử với con như vậy ? Phải chăng là câu chuyện trong chính gia đình bạn ?
Cho con tình yêu tôn trọng
Đối với con cái, không gì quí nhất trên đời là chính tình yêu và sự tôn trọng của cha mẹ. Tình yêu tôn trọng là sự đón nhận và hài lòng vớimọi con cái, với thái độ trân trọng yêu thương phải lẽ, không thiên vị, so bì, hơn thua.
Tình yêu tôn trọng là lấy tình thương để xoa dịu và bù đắp cho những thiếu sót giới hạn của con. Là khi chúng thấy rằng chúng được yêu thương và có giá trị.
Khoa tâm lý học cho rằng : “Nơi trẻ, sự được tán thành, được thừa nhận, được coi trọng là nhu cầu thấy mình là xứng đáng, được người khác đánh giá, cần đến. Nếu con cái được bố mẹ thương yêu đúng nghĩa, chúng phát triển cảm nhận mình thực sự có giá trị, có phẩm giá, dẫn đến việc biết tôn trọng và yêu thương người khác. Nếu trẻ cảm thấy mình được đối xử như một người quan trọng, chúng sẽ tôn trọng quyền lợi người khác”.
Xét về khía cạnh giáo dục, các chuyên gia giáo dục nhấn mạnh rằng, trẻ cảm nhận sự tôn trọng của người đầu tiên chính là bố mẹ. Sự tôn trọng là tiền đề để trẻ phát triển lành mạnh,vui tươi, toàn diện. Cá tính trẻ lành mạnh là do lòng tự tin, tự tôn trọng tạo nên.
Cho con một tình yêu tôn trọng là cho con cả một tương lai, điều cấp thiết cho các bậc cha mẹ hôm nay…
Những người cha, người mẹ đích thực
Cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc trưởng thành của con cái. Vì nhân cách, thái độ và lối sống của cha mẹ như tấm guơng để trẻ học tập và noi theo. Thói quen, nếp sống của mỗi gia đình thấm nhập vào trẻ để rồi hình thành thói quen của chính nó.
Để hình thành nơi trẻ những phẩm chất tốt, cha mẹ cần trở nên những người cha, nguời mẹ đích thực của con cái. Cha mẹ đích thực là những người giàu phẩm chất làm cha, làm mẹ, biết thể hiện đúng ơn gọi và nghĩa vụ của mình đối với con cái. Ơn gọi và nghĩa vụ cao quí nhất chính là lòng yêu thương dưỡng dục con cái. Là cha mẹ đích thực, khi không ngừng vun trồng nơi mình nhân cách khuôn mẫu. Một nhân cách luôn được toả rạng trong thái độ, lời nói và hành vi trong đối xử với mọi người, đặc biệt với con cái. Biết rằng trong hành xử với con cái đôi lúc cũng chỉ là những thái độ vô tình, nhưng nếu chúng thuờng xuyên được lưu tâm, không ngừng được chỉnh đốn thì tuyệt vời biết bao.
Tình yêu của cha mẹ sẽ ghi khắc và tồn tại mãi trong cuộc đời con. Nhưng cái gì có thể ghi khắc được tình yêu đó vào lòng con trẻ nếu không phải là thái độ yêu thương, tôn trọng của cha mẹ đối với con qua cách thể hiện ở hành động thiết thực dành cho chúng.
Ước gì từng người cha, mỗi người mẹ trên thế giới sống xứng đáng với ơn gọi của mình, biết yêu thương và trân trọng những sự sống mà chính họ đã sinh thành.
Thiên Hằng, FMA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét