Roma, ngày 07/7/2014- Chia sẻ của linh mục Dwight Longenecker, một cựu linh mục Anh giáo đã có vợ nay đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo
Các linh mục được lập gia đình ư? Tôi là một ví dụ về một linh mục đã lập gia đình. Tôi là một cựu linh mục Anh giáo và đã được truyền chức linh mục lại bằng nghi thức Công Giáo theo một chương trình đặc biệt được gọi là Pastoral Provision (tạm dịch là Đáp ứng Mục vụ). Theo chương trình này, một người đã kết hôn được truyền chức linh mục trong Anh Giáo (đôi khi cả các giáo hội Luther và Methodist) được miễn trừ khỏi luật độc thân để được truyền chức trở thành linh mục Công giáo.
Vì thế người ta thường hỏi tôi rằng: “Thưa cha, cha rất yêu mến trẻ em, vì trước hết cha hiểu về hôn nhân. Cha có nghĩ rằng Giáo hội nên cho phép các linh mục kết hôn không?”
Trước hết, chúng ta cần phải phân biệt một số điều. Độc thân linh mục là một kỷ luật của Giáo hội chứ không phải là một tín điều. Đó là lý do tại sao lại có những ngoại lệ và luật thì có thể được thay đổi.
Tuy nhiên, nếu điều đó được thay đổi không có nghĩa rằng các linh mục có thể được kết hôn. Giáo Hội vẫn tiếp tục duy trì truyền thống tốt đẹp và cổ kính về luật độc thân linh mục và một linh mục phải khấn hứa sống độc thân trọn đời và không thể bị hủy bỏ.
Theo Giáo Luật của Chính Thống giáo Đông Phương, những người nam đã lập gia đình có thể được truyền chức linh mục. Nói cách khác, nếu bạn đã kết hôn bạn có thể được xem xét cho chịu chức nhưng nếu bạn là một linh mục chưa kết hôn thì bạn không được phép kết hôn nữa. Điều này có vẻ phù hợp với giáo huấn của thánh Phaolô đối với những người độc thân rằng: “Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: họ cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ” (I Cr. 7,25-27) Mặt khác, trong thư gởi cho Timôthê, ngài nói rằng các giám mục và phó tế phải là người chỉ có một đời vợ. (1Tm 3) Điều này có nghĩa là những người đã kết hôn với một người vợ duy nhất (thánh Phaolô cấm chế độ đa thê) có thể được xem là xứng đáng để chịu chức thánh. Kỷ luật của Giáo hội Tây phương không cho phép giáo sĩ kết hôn nhưng nếu là kỷ luật thì có thể được thay đổi. Chính thánh Phaolô đã nói trong thư I Cr 7,25 rằng “vấn đề độc thân tôi không có chỉ thị nào từ Chúa” và ngụ ý rằng điều này có thể thay đổi. Vậy có cần thay đổi không? Và chúng ta có nên cho phép những người đàn ông đã lập gia đình được thụ phong linh mục?
Thoạt tiên, có vẻ sẽ có rất nhiều vấn đề được giải quyết, không chỉ ở các nước phát triển nơi mà luật độc thân bị xem là một trong những cản trở lớn nhất đối với việc gia tăng ơn gọi, mà còn cả ở các nước Châu Phi nơi mà độc thân là điều chưa từng được nói đến trong nền văn hóa của họ. Điều này có vẻ cũng giúp giải quyết được những vấn đề mà các linh mục ngày nay ở phương Tây gặp phải. Nhiều linh mục cảm thấy bị cô lập và cô độc. Có vô số những vấn đề vây bủa xung quanh những con người đang gặp nhiều xung đột với đời sống độc thân. Vậy điều này có thể trả lời cho câu hỏi liệu chúng ta có chấp nhận cho những người nam đã lập gia đình được phép thụ phong linh mục chăng?
Không nhất thiết rằng việc có những linh mục đã kết hôn sẽ giúp giải quyết được khủng hoảng ơn gọi. Tuy nhiên, có người tin rằng linh mục đã kết hôn chứng tỏ rằng họ đã trưởng thành và là những con người hạnh phúc. Ngẫm nghĩ một chút, tất cả chúng ta thấy rằng hôn nhân tự nó không làm nên một con người trưởng thành, biết sống cho đi và cảm thấy hạnh phúc.
Kinh nghiệm của tôi về đời sống giáo sĩ có gia đình trong Giáo Hội Tin Lành và Anh Giáo cho thấy đây không phải là vấn đề gây nên tình trạng thiếu ơn gọi.Việc giáo sĩ có vợ không hẳn sẽ giải quyết đượcvấn đề ơn gọi và cũng không thực sự giúp cải thiện sứ vụ linh mục, cũng như chắc chắn không thể là giải pháp cho vấn nạn lạm dụng tình dục ở một số linh mục.
Chúng ta nên lưu ý rằng những người đã lập gia đình không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Giáo sĩ đã kết hôn thường là những người tham công tiếc việc. Nhiều giáo sĩ dù đã có vợ nhưng vẫn chưa thực sự trưởng thành hoặc có những vấn đề tình dục giống như những người đàn ông độc thân. Một số thì bị nghiện rượu hay vướng vào các tệ nạn xã hội. Một cuộc hôn nhân của giáo sĩ đổ vỡ thường thường gây tai tiếng và làm Giáo hội bị tổn thương. Tôi không cố ý vẽ một bức tranh khủng khiếp về những giáo sĩ lập gia đình những chỉ muốn lưu ý một số người rằng giáo sĩ kết hôn không thực sự hạnh phúc và tuyệt vời như họ nghĩ.
Có nhiều vấn đề mang tính thực tiễn khác phát sinh như chuyện một số người Công giáo nói rằng họ muốn linh mục lập gia đình, nhưng họ có muốn trả tiền cho những linh mục này không? Trong tư cách là một người đàn ông đã kết hôn và có một gia đình tôi có thể kiếm được một khoản thu nhập thông qua việc viết lách và giảng dạy. Trong khi, vợ của tôi vẫn làm việc của cô ấy. Không phải tất cả các linh mục đã kết hôn và gia đình của họ có thể làm được điều này.
Khi nói đến khía cạnh tài chính của một linh mục đã kết hôn, nhiều người Công giáo ủng hộ đã quên rằng một linh mục trẻ và vợ ông ta sẽ phải sống theo giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Có nghĩa là họ sẽ không được phép sử dụng những biện pháp tránh thai nhân tạo. Nếu họ còn trẻ thì họ có thể sinh ra một đại gia đình. Liệu giáo dân có thật sự muốn chi trả cho một linh mục với một gia đình gồm 6, 7, 8, 9, 10, 11 hay 12 thành viên không? Điều này chẳng ổn chút nào.
Những câu hỏi này chỉ là một phần trong một vấn đề lớn và rất phức tạp. Cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh và phương diện trước khi thay đổi bất cứ luật lệ gì. Những vấn đề của Giáo hội trong thế giới đang phát triển cần phải được đưa ra xem xét như những đòi hỏi ở thế giới Phương Tây giàu có.
Vâng, đấy chính là những vấn đề của đời sống độc thân linh mục. Tin tôi đi, sẽ có bằng đấy những vấn đề hoặc nhiều hơn nữa nếu chúng ta cho phép linh mục được kết hôn.
Chuyển ngữ: Linh Tân
Hiệu đính: Chỉnh Trần, S.Jdongten.net 05.09.2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét