Hồi còn nhỏ, mỗi khi dâng lễ hoặc những buổi dâng hoa hay đọc kinh kính Đức Mẹ, chúng tôi rất hay hát bài Thánh ca “Sao Biển”: ĐK: Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian. Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con thẳng về nơi phúc nhàn. Sống chết con trông nhờ, bao nhiêu sức hộ phù, lòng Mẹ sẵn sàng mà đoái đến con, giúp con đưa con về tới bến. Sống chết con trông nhờ, bao nhiêu sức hộ phù, lòng Mẹ sẵn sàng mà đoái đến con, giúp con đưa con tới thiên đàng. TK 1: Thân lạy Nữ Vương, Mẹ thấu tình con, sóng va tư bề thuyền con sắp chìm hầu theo nước xuôi giòng. Thân lạy Nữ Vương Mẹ thấu tình con, giúp con yên hàn chèo bơi bát cậy Mẹ thương đến con cùng.
Chúng tôi vẫn tưởng tên bài hát là do tác giả (Lm Tâm Bảo) đặt ra khi sáng tác, nhưng không ngờ là tác giả đã cảm xúc từ một Thánh Danh Đức Mẹ đã có tự ngàn xưa. Đó chính là Danh Thánh MARIA. Tiếng Do-thái, Maria là Miryam. Rồi Miryam được cải biến thành Mariam, có nghĩa là “cay đắng”. Tại sao lại có biệt danh này? Chỉ cần suy niệm lời tiên tri của ông Si-mê-on khi ẵm kính Đức Giê-su cũng đủ rõ: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” ( Lc 2, 34-35). Vâng, với “7 sự đau đớn” (*) và nói chung cả cuộc đời Đức Mẹ cộng tác với Người Con, thì quả thật là “cay đắng”, hơn thế nữa, Maria còn hàm chứa ý nghĩa “biển đắng cay” (mara: đắng; yam: biển).
Qua hàng bao thế kỷ, nhờ lòng tôn sùng tuyệt đốiĐức Maria, các thánh Giáo phụ đã đề nghị nhiều cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của danh xưng “Maria”. Tựu trung, người ta đã có được một giàn ý nghĩa kỳ thú sau đây: Maria nghĩa là “Người Soi Sáng” bởi vì Người đã đem Ánh Sáng (Đức Giê-su Thiên Chúa – Nguồn Ánh Sáng Cứu Độ) đến cho thế gian; Maria nghĩa là “Sao Biển” vì những người đi biển được Sao Biển hướng dẫn về bến bờ như thế nào, thì Ki-tô hữu trong biển đời giông tố cũng đạt đến vinh quang nhờ sự soi đường chỉ lốicủa Đức Từ MẫuMaria như vậy; Maria còn có nghĩa là “Lệnh Bà” (là Đức Bà của nhân loại). Trước đây ở Việt Nam, trong các kinh nguyện về Đức Maria đều gọi là Đức Bà.
Được Giáo Hội tôn kính như vậy vì người mang Danh Thánh huyền diệu ấy chính là “Người Nữ đạp nát đầu con rắn” đã được tiên báo trong sách Khởi Nguyên, tức Sáng Thế Ký (St 3, 15);là Trinh Nươnghạ sinh Trưởng Tử Giê-su mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo (Is 7, 14); là“Người Đẹp” trong Diễm Cakinh điển (Dc 6, 10). Khi thời gian đã điểm thì thế gian rốt cuộc cũng được biết tên Bà: “Người Trinh Nữ ấy là Đức Maria” (Lc 1, 27). Đây là Người Nữ duy nhất được tôn vinh với tước hiệu ĐồngCông Cứu Chuộc, đã được Thiên Chúa là chính Đấng Cứu Chuộc tưởng thưởng cho triều thiên Nữ Hoàng trong Vương Quốc của Người, đồng thời với vai trò TrungGian Muôn Ơn (Bà được quyền ban phát những ân sủng mà Con Bà đã đạt được với một giá rất đắt trên Thánh Giá).
Trước Danh Thánh Maria huyền diệu,toàn Giáo Hội đã tin tưởng kêu lên cùng Nữ Hoàng: Ave Maria (Kính mừng Maria), Salve Regina (Kính chào Nữ Vương), Ave Maris Stella (Kính chào Sao Biển), Ave Regina Caelorum (Kính chào Nữ Vương Thiên Đàng). Vì thế người Ki-tô hữu hãyhết lòng yêu mến, kính trọng và tôn vinh Danh Thánh “Maria”, vì đó là ngôi Sao Biển, là ngọn hải đăng chiếu tỏa ơn cứu độ và hướng dẫn hải trình tiến về Thiên quốc cho toàn thể nhân loại đang trên biển đời giông tố. Trong thời gian 9 tháng Đức Giê-su được cưu mang trong cung lòng Đức Maria, không ai gặp được Đức Giê-su ngoại trừ qua trung gian của Mẹ Người, như hài nhi Gio-an Bao-ti-xi-ta trong lòng Bà Ê-li-da-bet đã nhảy mừng khi Đức Mẹ tới thăm viếng. Và kể từ ngày công trình Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện qua hồng ân Ngôi Lời Nhập Thể cho đến thiên thu vạn đại, thì con đường ngắn nhất để loài người đến với Đức Giê-su Thiên Chúa chỉ có thể là con đướng “Ad Jesum per Mariam” (nhờ Mẹ Maria, đến với Chúa Giê-su).
Không dám dài dòng, chỉ xin suy niệm về danh hiệu cực thánh: Sao Biển. Đức Maria được so sánh một cách tuyệt vời với ngôi Sao Biển, cũng bởi vì sao đó đã đổ tràn ánh sáng xuống trần gian, nhưng không mất đi chút nào bản tính sáng láng của ngôi sao. Mẹ đem đến cho nhân loại “Ánh Sáng Đức Ki-tô” – Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ – mà vẫn còn nguyên đức tính đồng trinh vẹn sạch. Những tia chói lòa rực rỡ của ngôi sao sáng không làm giảm đi chút nào vẻ đẹp nguyên tuyền của ngôi sao, cũng như Người Con không lấy bớt đi chút nào sự vẹn toàn trinh trong của Người Mẹ. Không còn danh xưng nào xứng hợp hơn, quả thực Mẹ là Ngôi Sao Sáng chiếu rọi khắp thế gian, xuyên thấu từ Tầng Trời Cao Ngất đến Đáy Vực Sâu Thẳm Hỏa Ngục. Ánh sáng huy hoàng và ấm cúng của Mẹ soi chiếu vào cuộc sống tâm linh mọi tín hữu, kêu gọi họ sống đức hạnh và dập tắt mọi đam mê dục vọng thấp hèn. Mẹ chính là SAO BIỂN, là Ngôi Sao Sáng soi tỏ đường đi vượt qua biển cả cuộc đời, tiến về Quê Trời vĩnh cửu.
Xin cùng hiệp ý tôn vinh, chúc tụng Đức Từ Mẫu Maria vinh hiển:
THÁNH DANH HUYỀN DIỆU
Maria! Ôi Thánh Danh huyền diệu!
Hàm chứa bao ý nghĩa thật cao siêu,
Bừng lên nguồn Ánh Sáng của Tình Yêu,
Chứng tỏ Mẹ được đầy Ơn Phước Cả.
Hàm chứa bao ý nghĩa thật cao siêu,
Bừng lên nguồn Ánh Sáng của Tình Yêu,
Chứng tỏ Mẹ được đầy Ơn Phước Cả.
Maria nghĩa là Ngôi Sao Lạ,
“Người Soi Sáng” chiếu biển đời tối đen,
Đem Hồng Ân cho nhân loại đớn hèn,
Maria chính là ngôi “Sao Biển”.
“Người Soi Sáng” chiếu biển đời tối đen,
Đem Hồng Ân cho nhân loại đớn hèn,
Maria chính là ngôi “Sao Biển”.
Là “Người Nữ” trong Khởi Nguyên hiển hiện (St 3, 15),
Là Trinh Nương sinh hạ Con Chúa Trời (Is 7, 14),
Đã đồng công cứu chuộc với Con Người,
Nên danh hiệu lại là “Biển Cay Đắng”
Là Trinh Nương sinh hạ Con Chúa Trời (Is 7, 14),
Đã đồng công cứu chuộc với Con Người,
Nên danh hiệu lại là “Biển Cay Đắng”
Cũng vì thế tên “Người Đẹp” tỏa sáng (Dc 6, 10),
Là Người Nữ luôn mặc áo mặt trời,
Chân đạp mặt trăng tỏa ánh rạng ngời,
Đầu đội triều thiên mười hai sao sáng (Kh 12, 1).
Là Người Nữ luôn mặc áo mặt trời,
Chân đạp mặt trăng tỏa ánh rạng ngời,
Đầu đội triều thiên mười hai sao sáng (Kh 12, 1).
Và tất cả quy tụ vào nền tảng,
Là “Lệnh Bà”, là Từ Mẫu thiêng liêng,
Cho tất cả đoàn con cái truân chuyên,
Đang quây quần trong ngôi nhà Giáo Hội.
Là “Lệnh Bà”, là Từ Mẫu thiêng liêng,
Cho tất cả đoàn con cái truân chuyên,
Đang quây quần trong ngôi nhà Giáo Hội.
Ôi! Lạy Mẹ! Con dốc lòng sám hối,
Kêu cầu Danh Thánh Hiền Mẫu của con,
Hằng chở che, phù hộ, và ban ơn,
Và bầu cử con trước toà Thiên Chúa.
Kêu cầu Danh Thánh Hiền Mẫu của con,
Hằng chở che, phù hộ, và ban ơn,
Và bầu cử con trước toà Thiên Chúa.
Chính nhờ Mẹ, con đến cùng Thiên Chúa,
Chính nhờ Mẹ, con vững một niềm tin,
Chính nhờ Mẹ, những điều con cầu xin,
Được Chúa đoái thương ban nhiều ân sủng.
Chính nhờ Mẹ, con vững một niềm tin,
Chính nhờ Mẹ, những điều con cầu xin,
Được Chúa đoái thương ban nhiều ân sủng.
Chính nhờ Mẹ, mà con được vui sống,
Trong bình an, trong hạnh phúc vẹn toàn,
Ôi lạy Me, con vui sướng hân hoan,
Vì nhờ Mẹ, con đến cùng Thiên Chúa.
Trong bình an, trong hạnh phúc vẹn toàn,
Ôi lạy Me, con vui sướng hân hoan,
Vì nhờ Mẹ, con đến cùng Thiên Chúa.
JM. Lam Thy ĐVD.
——————-
Chú thích: Tư liệu về Danh Thánh Đức Maria trích trong nguyệt san Gia Đình Công Giáo, số tháng 9 năm 2001 trên Thanhlinh.net (Lê Xuân Mai dịch thuật).
(*) Ngắm bảy sự đau đớn Đức Bà (xc. SÁCH KINH – Địa phận Thái Bình – Hải Phòng – Bùi Chu – ấn bản 1970 của “Mẫu Tâm Thư Quán” – trang 173):
+ Lời nguyện mở đầu: Lạy Đức Mẹ, xin Đức Mẹ lấy lòng thương xót mà cầu nguyện cho chúng con được nhờ công nghiệp Đức Chúa Giê-su, cùng nhờ công nghiệp Đức Mẹ, cho được khỏi tội lỗi chúng con đã phạm, cùng những hình phạt chúng con đã đáng chịu. Lại xin Đức Mẹ phù hộ cho chúng con làm việc này cho nên, ngõ hầu được hưởng những ơn phúc Hội Thánh ban cho kẻ làm việc kính những sự thương khó Đức Mẹ.
Tin Mừng 1: Ông Si-mê-ôn nói tiên tri (Lc 2, 33-35).
* Thứ nhất thì ngắm: Khi ông Thánh Si-mê-on ẵm kính Đức Chúa Giê-su thì nói cùng Đức Mẹ rằng: “Con Đức Mẹ ngày sau nên như bia bắn cùng như dao sắc thâu qua lòng Đức Mẹ.” Đức Mẹ nghe lời làm vậy thì trọn đời những nhớ liên, và lo buồn đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được nhớ những sự thương khó Đức Chúa Giê-su như Đức Mẹ thuở xưa. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).
Tin Mừng 2: Đức Giê-su trốn sang Ai-cập và các anh hài bị giết (Mt 2, 13-15)
* Thứ hai thì ngắm: Khi thánh Thiên thần báo tin cho Đức Mẹ rằng: Vua Hê-rô-đê đi tìm Đức Chúa Giê-su mà giết, thì Đức Mẹ đem Con sang nước Ai Cập, mà Người thương Con còn non nớt mới sinh, và lo buồn đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con chớ làm sự gì trái nghịch cùng mất lòng Đức Chúa Giê-su nữa. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).
Tin Mừng 3: Đức Giê-su ngồi giữa các bậc thầy Do-thái (Lc 2, 41-46)
* Thứ ba thì ngắm: Khi Đức Mẹ đem Con đi lễ đền thờ thành Giê-ru-sa-lem, mà khi về lạc mất Con, thì Đức Mẹ những thức thâu đêm than thở khóc lóc, và lo buồn đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con chớ còn đi đàng tội lỗi, mà bỏ mất nghĩa cùng Đức Chúa Giê-su nữa. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).
Tin Mừng 4: Đức Giê-su vác thập giá (Ga 19, 16-18)
* Thứ tư thì ngắm: Khi Đức Mẹ theo Con khi đi chịu chết, thì thấy Con vác Thánh Giá lên núi Cal-va-ri-ô nhiều lần ngã xuống đất, mà quân dữ đạp dậy giục đi cho chóng, thì hai con mắt Đức Mẹ nên như hai suối nước chảy xuống, đau đớn trong lòng như dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được vác Thánh giá theo Đức Chúa Giê-su, ấy là chớ theo ý mình, một theo ý Đức Chúa Giê-su liên. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).
Tin Mừng 5: Bảy lời trăng trối (Ga 19 25-27)
* Thứ năm thì ngắm: Khi Đức Mẹ thấy Con treo trên cây Thánh giá phán ra bảy lời, như trối của trọng để cho Mẹ, đoạn thì gục đầu xuống giã Đức Mẹ mà sinh thì, thì lòng Đức Mẹ đau đớn như dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được nhớ bảy lời trọng ấy, như của châu báu Cha trối cho con, và giữ trong lòng chúng con cho đến trọn đời. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).
Tin Mừng 6: Liệm xác Đức Giê-su (Ga 19 38-40)
* Thứ sáu thì ngắm: Khi ông thánh Giu-se cùng ông thánh Ni-cô-đê-mô tháo đanh mà đem xác Đức Chúa Giê-su xuống mà phó ở tay Đức Mẹ, khi ấy Đức Mẹ giơ hai tay lên toan đỡ lấy xác Con, đến khi đã được thì ẵm vào lòng, đoạn áp mặt xuống trên đầu Con, chẳng quản những gai nhọn ở đầu Con thâu vào mặt Mẹ, mà mặt Mẹ thì chan chứa những máu Con dính vào, mặt Con thì dầm dìa những nước mắt Mẹ chảy xuống. Ai suy cho được sự trong lòng Đức Mẹ bấy giờ, thương xót khóc lóc thảm thiết đau đớn khốn cực là thể nào! Đoạn lấy khăn trắng mà liệm xác Con, thì lòng Đức Mẹ đau đớn như dao sắc thâu qua lòng đứt ruột ra vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được ăn năn lo buồn ghét tội, vì làm cho Đức Chúa Giê-su chịu chết làm vậy. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).
Tin Mừng 7: Mai táng Đức Giê-su(Mt 27, 57-61)
* Thứ bảy thì ngắm: Khi tắm xác Đức Chúa Giê-su mà táng trong hang đá, đoạn lấy hòn đá lớn mà che ngoài cửa hang, thì lòng Đức Mẹ đau đớn như đã chết mà chôn một mồ cùng Con vậy, vì khi trước còn xem thấy xác Con mà còn đau đớn khốn cực dường ấy, song le bây giờ chẳng còn xem thấy xác Con nữa, thì biết đau đớn khốn cực là thế nào! Như dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được ăn năn lo buồn mọi tội, vì làm cho mất nghĩa cùng Đức Chúa Giê-su, cùng xin in những sự thương khó Đức Chúa Giê-su vào lòng chúng con cho đến trọn đời. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).
+ Lời nguyện kết thúc: Chúng con cám ơn Đức Chúa Giê-su, xưa đã chịu nạn chịu chết vì chúng con, thì đã hợp như lời ông thánh Si-mê-on nói, mà Đức Mẹ nhớ liên. Vậy chúng con dốc lòng kính nhớ bảy sự đau đớn Đức Mẹ cho liên, và xin Đức Mẹ hằng cứu giúp chúng con cho khỏi ngã phạm tội mất lòng Đức Chúa Giê-su cùng Đức Mẹ, nhất là khi mong sinh thì cho được chịu các phép Bí Tích và khỏi chết tươi, cùng những sự khốn khó hiểm nghèo về phần xác, và được trông ơn Đức Mẹ hằng cứu giúp chúng con cho khỏi. Vậy chúng con chỉ một lòng cậy Rất Thánh Đức Mẹ là Quan Thầy, là Chúa Bầu, là Sao Mai dẫn đàng cho chúng con đang còn vượt biển thế gian này cho khỏi lạc, cho ngày sau được vào nước thiên đàng, chầu chực Đức Chúa Giê-su cùng Rất Thánh Đức Mẹ đời đời chẳng cùng. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét