Ngày kia, thánh Gioan Bosco rao giảng về vinh quang của Đức Mẹ Maria tại nhà thờ chính tòa Tôrinô. Đang giảng, ngài bỗng dừng lại thinh lặng một hồi lâu rồi đặt câu hỏi với bổn đạo: “Ai trong anh chị em có thể nói cho tôi biết Đức Mẹ là ai?”
Có người thưa ngay: “Thưa Cha, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”. Thánh Gioan Bosco gật đầu, nói tiếp: “Đúng thế, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn anh chị em kể hết những tước hiệu của Đức Mẹ Maria.”
Liền sau đó, bổn đạo thi nhau kể ra tất cả những tất cả những tước hiệu của Đức Mẹ: Đức Mẹ là cửa Thiên Đàng, Đức Mẹ là Đấng an ủi những kẻ có tội, Đức Mẹ là Đấng phù trợ các tín hữu, Đức Mẹ là Đấng cứu chữa kẻ bệnh tật, v.v… Sau khi nghe kể hết những tước hiệu mà người ta dâng kính lên Đức Mẹ Maria, thánh Gioan Bosco mỉm cười nói tiếp: “Đức Mẹ Maria có tất cả những tước hiệu mà anh chị em vừa kể ra, nhưng vẫn chưa hết. Tôi muốn anh chị em nói thêm về Đức Maria.”
Chờ mãi vẫn không thấy có câu trả lời nào, thánh nhân liền nói: “Tôi xin được nói với anh chị em về Đức Mẹ Maria là ai: Ngài là Mẹ chúng ta. Phải, Đức Maria là Mẹ chúng ta. Đó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thiết thân với chúng ta cho bằng mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn mẹ chúng ta. Cũng thế, trên Thiên Đàng, không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Đức Mẹ Maria là Mẹ chúng ta.[[1]]
Đức Maria là Mẹ của tôi. Đó là lời của linh mục Macero Palazuelos nói với vị chỉ huy nghịch đạo khi cha bị bắt dẫn đi đến trại giam.
Khi đang bị dẫn đi giữa đường, cha xin được phép ghé thăm Mẹ mình một chút. Viên chỉ huy nghịch đạo tưởng thật, liền cho phép. Nhưng khi thấy cha Macero Palazuelos xăm xăm đi vào một Đền Thờ Đức Mẹ gần đó, ông chận ngài lại, sừng sộ hỏi: “Ngươi xin đi thăm mẹ ngươi, sao ngươi lại đi vào Nhà Thờ nầy làm chi?”
Và khi nghe cha Macero Palazuelos trả lời một cách thản nhiên: “Ông không biết Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của tôi sao?”, viên chỉ huy nghịch đạo tức đến điên người, bắn cha chết ngay tại chỗ không chút xót thương, và Giáo Hội Tây Ban Nha có thêm một vị linh mục tử đạo – tử đạo vì Mẹ của Chúa, vì Mẹ của mình – trong thế kỷ thứ hai mươi nầy.[[2]]
Qua hai câu chuyện trên, chúng ta thấy các thánh yêu mến và thân thiết với Đức Maria trong tâm tình của người con thảo với Mẹ hiền. Nhưng Đức Maria là Mẹ chúng ta không phải chỉ là cảm hứng và tâm tình của các thánh, nhưng là ý muốn của Thiên Chúa. Đây là một hồng ân cao quí chính Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta :
- Thưa Bà, đây là con Bà. (Ga 19,26)
- Đây là Mẹ của anh. (Ga 19,27)
Như vậy, chính các thánh đã tin vào Lời Chúa và niềm tin đã hướng dẫn các vị luôn cảm nhận được sự hiện diện, chở che, giúp đỡ của Mẹ Maria trong đời sống cá nhân cũng như trong sứ vụ phục vụ Giáo hội và các linh hồn. Phải chăng, nhờ xác tín vào Lời Chúa mà Cha thánh Đa Minh đã được ơn thị kiến đức tin nhìn thấy con cái mình trong áo choàng của Đức Mẹ ?
Vâng, là Mẹ của chúng ta, Đức Maria luôn lắng nghe, can thiệp và « làm phép lạ » trong đời sống của các tín hữu. Tiểu sử của các thánh như Cha thánh Đa Minh, thánh Gia Thịnh đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Những văn kiện của các Đức Giáo Hoàng đều hướng dẫn chúng ta đặt niềm hy vọng nơi Đức Mẹ. Đức thánh GH. Gioan Phaolô II đã chọn khẩu hiệu : Totus tuus – Tất cả cho Mẹ. Ngài cũng được tôn phong là vị Giáo Hoàng Kinh Mân Côi.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã phổ biến một lời nguyện với “Đức Mẹ Gỡ Nút” vào tháng 11.2013. Chân dung Mẹ gần đây mới trở nên nổi tiếng, nhưng gốc tích câu chuyện đã có từ hơn 300 năm trước đây. Vào tháng 9 năm 1615, khi Wolfgang Langemantel, một chàng quí tộc người Đức, và Sophie vợ của anh đang gặp những bế tắc nghiêm trọng trong hôn nhân. Với nhiều nỗ lực tháo gỡ nhưng vẫn thất bại. Cuối cùng trước khi ra tòa li dị, Wolfgang đã tìm đến tham vấn với Cha Jarkob Rem, một linh mục dòng Tên, người chuyên giúp cầu nguyện với Đức Maria. Cha Rem đã khuyên Wolfgang tỏ bày với Đức Mẹ tất cả những bế tắc trong gia đình của anh. Hai người đã cầu nguyện với nhau 4 lần trong 28 ngày. Lần gặp cuối cùng, Wolfgang đã đưa cho cha Rem dây ri-băng ngày lễ cưới của anh (theo phong tục thời đó, trong lễ cưới, một sợi ri- băng buộc cô dâu và chàng rể lại với nhau như biểu tưởng sự hiệp nhất của một cặp vợ chồng). Trong khi họ cầu nguyện, Cha Rem cầm dây ri-băng dâng lên bức ảnh Đức Mẹ Tuyết, cha trao cho Mẹ “dây buộc hôn nhân” đó và xin Mẹ “tháo gỡ tất cả các nút thắt” trong mối tương quan của dòng họ Langenmantels. Sau đó khi cha vuốt sợi ri-băng, nó trở nên trắng như tuyết. Wolfgang trở về với niềm hy vọng mới. Anh được ơn biến đổi đời sống và hôn nhân của anh với Sophie được chữa lành.
Theo thời gian, câu chuyện hôn nhân được Đức Mẹ cứu thoát đó đã được truyền lại cho con cháu. Vào khoảng năm 1700, Cha Hieronymus Langenmantel, người cháu đích tôn, đã đặt vẽ một bức tranh về tích chuyện ông bà nội của Cha. Họa sĩ đã nảy ra hình ảnh diễn tả Đức Mẹ đang tháo gỡ các nút trong ri-băng hôn nhân của ông bà Sophie và Wolfgang – biểu tượng cho những vấn đề đã dẫn họ tới bờ vực của li dị. Một thiên thần trao cho Đức Mẹ dây ri-băng thắt nút, và vị khác nhận dây ri-băng trơn phẳng từ đôi tay Đức Mẹ.
Bức tranh được cất giữ ở Augsburg, nước Đức – lần đầu tiên được tôn kính ở nhà thờ thánh Phêrô Perlach, rồi trong tu viện Cát Minh của thánh phố. Vào thập niên1980 bức tranh được mang lại nhà thờ, nơi mà Đức Phanxicô hồi còn sinh viên lần đầu tiên đã nhìn thấy, ngài đã mua một tấm hình Đức Mẹ và mang về quê hương Argentina của ngài. Khi làm Giáo Hoàng, ngài đã nhớ tới bức tranh đầy ý nghĩa đó và dâng lời cầu nguyện cho các gia đình. Nhờ ĐTC Phanxicô gợi ý và xúc tiến, lời cầu nguyện với Đức Mẹ “Gỡ Nút” đã được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.
ĐTC Phanxicô đã nhắc lại lời thánh Irênê rằng: “Nút thắt không vâng lời của Bà Evà đã được tháo gỡ nhờ sự vâng lời của Đức Maria. Điều mà Bà Evà đã buộc lại vì không tin, Đức Trinh Nữ Maria đã tháo gỡ nhờ lòng tin của Mẹ.” Chúng ta cũng có thể bị ràng buộc vì tội không vâng lời. Khi chúng ta không vâng theo ý Chúa, “một loại nút được thắt chặt trong chúng ta.” Những nút thắt này lấy đi sự bình an và thanh thản của chúng ta. Chúng thật đáng sợ, vì nhiều nút thắt có thể hình thành một sự rối ren và rất khó để tháo gỡ. Nhưng chúng ta xác tín rằng: không gì là không có thể đối với lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngay cả những nút thắt rối ren nhất đều được tháo gỡ nhờ ân sủng. Vì thế, khi đến với Đức Maria, chúng ta hy vọng rằng: Mẹ luôn kiên nhẫn dẫn chúng ta tới Chúa để Người có thể gỡ những nút thắt rối ren trong tâm hồn chúng ta với tình hiền phụ của Người. [[3]]
“Lạy Mẹ Maria chí thánh, Chúa luôn hiện diện bên Mẹ, Mẹ đón nhận ý Chúa Cha với lòng khiêm tốn thẳm sâu, và quỉ dữ không bao giờ có thể điều kiển Mẹ theo ý nó. Xin Mẹ chuyển cầu cho tất cả những khó khăn của chúng con, như Mẹ đã làm ở tiệc cưới Cana. Với lòng nhân hậu và kiên nhẫn, Mẹ chỉ cho chúng con cách để tháo gỡ những nút thắt trong đời sống. Xin Mẹ xếp đặt và nối kết chúng con với Chúa vì Mẹ luôn là Mẹ của chúng con.
Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời và là Mẹ của tất cả chúngcon, xin Mẹ tháo gỡ tất cảnhững rối ren trong đời sống của chúng con. Xin Mẹ đặt những ý nguyện của chúng con trong tay Mẹ (kể ra lời thỉnh cầu của Mẹ), và xin giải gỡ mọi bế tắc khó khăn của chúng con.
Nhờ ơn chuyển cầu và gương lành của Mẹ, xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ, tháo gỡ những nút thắt ngăn cản chúng con kết hiệp với Chúa. Xin giải thoát chúng con khỏi mọi lầm lỗi, nguyện cho chúng con tìm thấy Chúa trong tất cả mọi sự. Xin giữ lòng chúng con ở trong Chúa và luôn phục vụ Chúa trong các anh chị em của chúng con Amen.”[[4]]
Nt. Têrêsa Phạm Thị Oanh, OP
[1] Sưu tầm – Truyện ngắn kỳ I
[2] Sưu tầm -Truyện ngắn kỳ I
[3] X. The Word among us, September 2014, Our Lady Undoer of Knots
[4] Adapted from a prayer attributed to Fr. Jorge Mario Bergoglio (Pope Francis). Source: www.desatadora.com.ar
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét