Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Một Cõi Đi Về...

Một buổi chiều, tôi lang thang nơi nghĩa trang làng quê đang nghi ngút khói hương mùa tảo mộ. Rảo quanh vùng đất của “cõi chết”, nhìn những ngôi mộ trắng nhạt, chợt vọng về trong tôi giọng hát Khánh Ly: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy…” (Cát Bụi). Bài hát gợi lên một cảm giác buồn man mác. Ngồi dưới gốc cây ở nghĩa trang, nhìn những chiếc lá vàng rơi rụng tả tơi, tôi suy tư về con người và cuộc đời.

Mỗi chiếc lá chọn cho mình một cách “chia tay” khỏi nguồn của nó. Có những chiếc lá ra đi trong sự quằn quại khổ đau, dùng dằng bịn rịn như thể không muốn lìa cành; có những chiếc lá “hấp hối” loạng choạng buông mình cách nặng nề nghiêng ngã trên mặt đất. Lại có những chiếc lá ra đi cách nhẹ nhàng trong dáng điệu thướt tha buông mình theo gió. Những chiếc lá khác không bàng hoàng hối hả mà chậm rãi, thanh thản, an nhiên rơi mình trên thảm cỏ xanh như thể một bông hoa say trong giấc ngủ yên lành. Một đời lá mong manh, chóng tàn phai rụng. Mới đó, lá còn xanh tươi, mà nay đã úa vàng lìa cành.

Như một định luật vô thường, cuộc đời không khác gì chiếc lá mong manh, nay còn mai rụng. Có những người ra đi trong bấn loạn, hối tiếc, khổ đau, nặng nhọc. Có người ra đi về với cội nguồn một cách thanh thản nhẹ nhàng. Mỗi ngày qua đi, thân xác con người thay đổi, rồi đến mùa thu cuộc đời, họ trở nên héo úa tàn tạ.

Nhìn lá vàng rơi tôi nghĩ đến phận người. Con người được ném vào trần gian, loay hoay vật lộn với trần gian để tìm ý nghĩa cuộc đời. Nơi sinh sống vốn đã mang nhiều bấp bênh, chẳng an toàn vững chắc, và khi giã từ trần gian ấy, bàn tay con người chẳng nắm được gì. Con người đến trần gian với hai bàn tay trắng, trở về với cát bụi cũng chỉ là tay không. Giàu nghèo sang hèn, trí thức hay bình dân, văn minh hay lạc hậu… ai cũng phải chết. Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng. Thật bất hạnh cho những ai coi tiền bạc của cải như những chiếc “phao cứu hộ” vào lúc cuối đời. 
 
Đời con là một kiếp phù du,
Loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi.
Sống làm người ai không phải chết,
Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty?
(Tv 88,48-49)
 
Đời người cũng không khác chi hành trình của cát bụi. Hạt bụi hoá kiếp thành người để mang lấy một sự sống; hoá thân để rồi lăn lóc, bám víu vào cái trần gian tạm bợ, để bị cuộc đời nhào nắn, vùi dập để được tắm mình trong dòng sông cuộc đời, và nói với đời về nỗi đau khổ của kiếp nhân sinh. Bao nhiêu năm làm kiếp con người là bấy nhiêu năm hạt bụi vươn tới hình hài tuyệt vời của chính nó. Khi hạt bụi mang lấy kiếp sống thì cũng là lúc nó đối diện với cái chấm tận của hành trình trần gian. Nó bay vút lên cao, rồi nó lặng chìm trong cái ngàn năm thiên thu. Và như thế, hạt bụi có khuynh hướng trở về với chính nó trên hành trình riêng tư của mình.

Đời người mong manh, ngắn ngũi là thế, một chuỗi rong chơi nhưng cũng là “một cõi đi về”. Trịnh Công Sơn đã nhân cách hóa hạt bụi một cách đáo đáo, từ việc hoá kiếp, vui chơi hội hoa đăng, mệt nhoài và chết đi ở một ngày theo quy luật “bất tất” của vật chất, tức hư nát và tan rã. Như thế, con người được sinh ra và lớn lên trong một xã hội, được đặt trong một thế giới để sống và hoàn tất cuộc hiện sinh của mình, trong cuộc hiện sinh ấy luôn có mọi người đồng hành. “Một cõi đi về” là một triết lý nhân sinh, mời gọi con người lần theo dấu vết của đời mình, điểm lại những thăng trầm trên đoạn đường đã đi qua, và chiêm niệm về cõi đi về ấy.

Một trăm năm, một kiếp người có là mấy! “Chợt một chiều tóc trắng như vôi”, người đời cho thế là hết, với những kẻ tin vào Thiên Chúa thì khác, họ xác tín rằng, nhờ Thiên Chúa, hạt bụi sẽ thành thiên thu vĩnh cửu. Cái ngày chấm tận của đời mình ai cũng phải trãi qua, để có được sự ra đi trong nhẹ nhàng và đong đầy niềm hy vọng, ta hãy định nghĩa cuộc đời mình bằng sự “hiện hữu”, đừng bao giờ là sự “sở hữu”. Vẫn biết mình tự thân chỉ là cát bụi, nhưng là “cát bụi tuyệt vời”. Hạt bụi ấy vốn mang theo cái mong manh giới hạn, nhưng nó vẫn tuyệt vời. Nó tuyệt vời ngay khi trở về với chính nó trong một chiều “lá úa trên cao rụng đầy”, chứ không phải chỉ tuyệt vời khi “vươn hình hài lớn dậy” mà thôi. Thấu cảm được ý nghĩa về cuộc đời thì ta mới nhẹ nhàng, thanh thản ra đi mà không vướng bận, không ưu phiền.

Jos. Sỹ Thảo, OP.

Không có nhận xét nào:

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...