Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Nói với tuổi trẻ về tình yêu

Tình yêu cũ như trái đất, nhưng vẫn mới như những mùa Xuân.
Rất nhiều người nói tới. Rất nhiều người nghĩ tới. Rất nhiều người muốn tránh nó.
Nhưng tránh nó là đã gặp nó. Mà tránh nó sao được, khi nó là một yếu tố cần thiết đi liền cuộc sống.
Tình yêu đâu phải là một thứ xa xỉ phẩm. Nó làm nên đời sống, và ở trong cuộc sống. Nó là chuyện của mỗi người.
Tuy nhiên, tôi rất ngại đề cập đến tình yêu. Tất nhiên phải có lý do để ngại. Hôm nay tôi muốn nói tới một số những lý do đó.
Nói về tình yêu, mà lại chỉ đưa ra những lý do ngại nói về tình yêu, thì xem ra kỳ cục. Có thể thuộc riêng một loại. Tình yêu cao siêu nhất vẫn gây âm hưởng trong thân xác. Tình yêu nhục dục thấp nhất cũng không hoàn toàn chỉ là thú tính.
Khi yêu là yêu với tất cả con người, mặc dầu hướng đi có khác nhau. Tình yêu giống như một hòa âm, nên không dễ phân biệt cung điệu nào là chính.
Nếu tôi đứng ngoài nhìn vào tình yêu của bạn, tôi sẽ rất dễ lầm. Bởi vì tôi là người ngoài cuộc, chỉ nhìn theo bề ngoài khách quan rồi đoán ra, chứ không thấy được trực tiếp tình yêu của bạn. Mà tình yêu có hình dáng gì đâu mà thấy được. Tình yêu diễn tả bằng thái độ và ngôn ngữ. Nhưng thái độ và ngôn ngữ là những thứ đa diện đa năng. Mỗi người đều có thể cho chúng những ý nghĩa tùy mình. Nếu căn cứ vào những cái đó để đoán tình yêu người khác, ta thường dễ rơi vào chủ quan ở chỗ “suy bụng ta ra bụng người”. Không khéo khoa phân tâm học lại cho những xét đoán của ta là sự xuất hiện trá hình của những thèm muốn bị dồn ép của chính ta.
Nhưng nếu bạn là người trong cuộc thì bạn cũng khó nhận ra bộ mặt thực của tình yêu bạn. Bởi vì lúc đó bạn dễ thiên vị, và dễ bị tình cảm, đam mê làm mù quáng. Tình yêu là một kết tinh, như Stendahl nói. Nhiều khi, nó là một thứ pha trộn giữa thực tại và ảo ảnh. Bao lần người ta đã yêu trong mộng ước trước khi gặp người yêu thực. Yêu người trong mộng nên mới dừng lại một người yêu thực, để rồi lại yêu người yêu thựcqua hình ảnh trong mộng. Qua mộng đến thực và nhìn thực qua mộng, nhưng lại không phân biệt được thực và mộng ở chỗ nào, thì làm sao hiểu rõ được tình yêu của mình. Chỉ hiểu được rõ khi tình đã chết. Lúc đó đã đứng ngoài cuộc rồi.
Tính cách phức tạp vừa kể của tình yêu lại dẫn tới lý do thứ ba khiến tôi ngại nói về tình yêu, đó là vì tình yêu rất nặng tính cách chủ quan.
Tìm một kết luận khách quan đã là khó lắm. Phương chi lại đứng trong một vấn đề chằng chịt những tính cách chủ quan.
Đã hẳn, theo thánh Thomas, thì ba yếu tố tâm lý cần thiết để nhóm lên lửa tình là: biết, tốt và hạp. Nhưng thế nào là biết, là tốt, là hạp, là đẹp? Cho dù ngàn sách dạy về sự tốt, sự đẹp, sự hạp, thì trong thực tế, khi bạn yêu ai, người đó có thể chỉ tốt cho bạn, đẹp cho bạn, hạp với bạn, chứ đâu có phải họ tốt đẹp và hạp cho tất cả mọi người ? Họ có thể xấu và không hạp đối với người khác, nhưng tốt và hạp với bạn. Nó gọi là duyên nợ thì duyên nợ là ở chỗ đó. Nó đầy tính cách chủ quan riêng cho từng người và riêng cho từng trường hợp.
Khởi đi là những yếu tố chủ quan vừa kể tình yêu đi về đích điểm nào ? Nó dừng lại người yêu, hay lại qua người yêu để trở lại chính ta ? Nó cho đi mà không cần nhận lại, hay là tình yêu nào cũng mong mỏi hai chiều, ước mong nhận lại và hai chiều có phải là vị kỷ hay không ?
Bao sách đạo đức đã cho rằng yêu không mong được yêu mới là tốt. Nhưng M. Nédoncelle đã không đồng ý. Tôi nghĩ ông có lý với điều kiện. Thực ra cả hai quan niệm cùng đúng. Nhưng bên nào cũng đúng theo cái nhìn chủ quan của mình. Thế mới nguy.
Nhiều chuyện tình tôi coi như vô lý. Nhưng nó không có lý cho tôi, mà lại có lý cho người khác trong cuộc. Tôi không phải họ, họ đâu phải là tôi. Họ khác, tôi khác. Thế mới rắc rối. Mỗi tình có cái lý riêng của mình. Cái lý riêng của tình không có ai hiểu nổi ngoài người chủ của tình yêu. Nhưng bao lần chính họ cũng chẳng nắm vững được cái lý của tình mình.
Tình yêu có quá nhiều tính cách chủ quan nên lại một lý do nữa khiến tôi ngại nói về tình yêu. Đó là vì tình yêu bao la quá.
Bao la thì dễ hồ đồ. Hồ đồ thì khó xác thực.
Tình yêu nghe như vấn đề nhỏ bé, nhưng thực sự nó mênh mông khôn tả.
Bạn thử hỏi mỗi người nghĩ gì về tình yêu ? Bạn thử đọc sách nói về tình yêu. Bạn thử khảo cứu những tác giả chuyên về tình yêu. Bạn thử viết một tác phẩm đầy đủ về tình yêu… Bạn thế nào, tôi không rõ. Riêng tôi, tôi nhận là tôi không đọc xuể, không hiểu thấu, và không viết nổi.
Tình yêu bao la vì tình yêu muôn mặt.
Người tình của Kinh Thánh trong Ca đệ nhất chỉ mới là một mặt tình yêu. Tình của Trọng Thủy và My Nương lại là mặt khác. Tình của Lan và Điệp là một mặt khác nữa. Tình của Romeo và Juliette không giống tình của Tristam và Isolde. Đến chuyện ly kỳ của Hoàng đế Ed-ward VIII đã cam lòng từ nhiệm ngôi vua để cưới một người đàn bà không còn trong trắng, thì tình yêu lại xuất hiện với bộ mặt vừa chân thành vừa bi đát lạ thường làm xúc động cả thế giới.
Còn bao nhiêu bộ mặt khác của tình yêu.
Ngay cơ cấu tâm lý của tình yêu cũng đã là vấn đề quá rộng, chứ chưa nói gì tới hàng trăm vấn đề nằm trong tình yêu. Phạm vi bát ngát, mà lại muốn đơn giản thì khó tránh được thiếu sót đáng ngại.
Tình yêu rất bao la và phức tạp. Tìm hiểu nó bằng lý trí và sách vở đã vậy, nhưng thiết tưởng cũng cần phải hiểu nó bằng trái tim và sự trưởng thành của kinh nghiệm. St. Exupéry nói: “Chỉ với trái tim, người ta mới thấy được rõ”. Câu đó đúng trong phạm vi tình yêu.
Tình yêu được dựng nên cho con người, và con người được dựng nên cho tình yêu, để tất cả trở về tình yêu nguyên thủy và sau cùng là Thiên Chúa. Vì thế, khi nói về tình yêu, tôi vốn lo tôi không cung kính đủ, không nhân loại đủ và không hướng về Chúa đủ.
Nếu bạn chia sẻ với tôi về những lý do kể trên khiến tôi ngại nói về tình yêu, thì bạn sẽ dễ đoán được tình yêu là vấn đề tế nhị thế nào và cần phải dè dặt, cân nhắc, thận trọng lắm để khỏi có những nông cạn, thiếu sót và lầm lẫn.
Nếu đi tới được kết luận đó, thì cũng đã là một kết quả tốt rồi.
Tôi chỉ mong có thế.
ĐGM GB Bùi Tuần

Không có nhận xét nào:

10 BÍ QUYẾT GIÚP BẠN THĂNG TIẾN HÔN NHÂN

Nhiều xu hướng hiện đại đang đe dọa đến sự bền vững của gia đình, kể các các gia đình Công giáo. Dưới đây là 10 gợi ý để các gia đình có thể...