Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Làm và dạy (Facere et Docere)

Khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su Ki-tô truyền: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 19-20). Có một điểm rất đáng lưu ý là Người nhấn mạnh đến vấn đề “làm” trước (“làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ”), sau đó mới “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”. Có lẽ cũng vì thế nên trong Giáo Hội mới phổ biến câu “facere et docere” (hãy “làm và dạy”) để nhắc nhở những giảng viên, giáo lý viên và nói chung là toàn thể Giáo Hội (giáo sĩ + giáo dân): Khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng hãy “làm” (thực hành) trước, “dạy” (rao giảng) sau.
Nói đến vấn đề giảng huấn thì điều kiện tiên quyết vẫn luôn luôn và mãi mãi phải là học hỏi. Học nơi trường lớp (học thầy), học nơi tha nhân (“học thầy không tày học bạn“ – tục ngữ VN), học trong sách vở, trong cuộc sống… để tự đào tạo mình trước. Sau đó đem những kiến thức học hỏi, thu thập được áp dụng vào đời sống bản thân bằng cách thực hành (biến lý thuyết thành hành động) rút đúc kinh nghiệm. Có như thế thì việc huấn luyện, truyền thụ cho người khác mới đạt hiệu quả cao. Không cứ phải đứng trên bục giảng mới là giảng viên, giáo lý viên truyền đạt Lời Chúa, rao giảng Tin Mừng; nhiều khi chính đời sống chứng nhân lại là cách truyền bá đức tin, truyền giáo hiệu quả nhất. Thật vậy, “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp Loan báo Tin Mừng “Evangelii Nuntiandi”, số 41).
Không những thế, khi chịu phép Thánh Tẩy, người Ki-tô hữu còn được trực tiếp “tham gia vào trách vụ rao giảng của Đức Ki-tô là “Đấng lấy cả cuộc sông mình cũng như lấy sức mạnh của lời nói để tuyên bố vương quốc Chúa Cha”, sự tham gianày làm cho người giáo dân có đủ năng-cách và dấn thân để nhận lãnh Phúc Âm trong Đức Tin, để rao giảng bằng lời nói và hành động, và để tố cáo một cách bạo dạn không do dự những gì là điều ác. Người tín hữu giáo dân hợp nhất với Đức Ki-tô “vị Đại Tiên Tri” (Lk. 7.16) và được đặt làm “chứng nhân” của Đức Ki-tô Phục Sinh trong Chúa Thánh Thần, họ trở thành những người tham dự vào ý thức Đức Tin siêu nhiên của Giáo Hội “không thể sai lầm trong Đức Tin” cũng như tham gia vào ân sủng của lời nói (Acts. 2:17-18, Ap. 19:10). Hơn nữa, họ được gọi để chiếu sáng sự mới lạ và sức mạnh của Phúc Âm trong đời sống thường ngày, trong đời sống gia đình và xã hội của họ, cũng như để diễn tả niềm hy vọng vinh quang “ngay cả trong những cơ cấu của cuộc sống trần thế” (L.G. 35) với một tâm hồn nhẫn nại và can đảm giữa những khó khăn của thời hiện đại.” (Tông huấn “Christi Fideles Laici”, số 14).
Muốn được là thầy dạy, thì hãy làm học trò trước đã. Nói cách khác, hãy đến với Thầy Chí Thánh, học nơi Thầy, bởi chính Thầy là Lời Thiên Chúa, là Ngôi Lời nhập thể. Thầy vẫn hằng nhắc nhở các môn đệ: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.” (Mt 23, 8); “Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa.” (Ga 13, 13). Hãy học Thầy, làm theo Thầy, nhiên hậu mới truyền đạt cho anh em, cũng bởi vì“Đây là công tác tuyệt vời và bận rộn đang chờ đón mọi tín hữu giáo dân, những người Ki-tô hữu không nghỉ ngơi: luôn ý thức hơn nữa những kho tàng phong phú của Đức Tin và bí tích Rửa Tội và sống những ơn huệ đó một cách hoàn hảo, như Thánh Phê-rô Tông Đồ, khi nói về sự sinh ra và lớn lên như là hai giai đoạn của đời sống Ki-tô hữu, đã khuyên bảo chúng ta: “Anh em hãy giông như những trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát Lời Chúa, như một giòng sữa trinh trong làm cho anh em được lớn lên để đi đến sự cứu độ (1Pr. 2.2).” (T/H Ki-tô hữu Giáo dân “Christi Fideles Laici”, số 58).
Học nơi Thầy Chí Thánh thì cách tốt nhất là làm sao để được “ở lại trong Thầy”. Mà muốn được như vậy, thì cần phải làm theo Lời Thầy dạy: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” (Ga 15, 9-10). Các điều răn của Thầy thì nhiều lắm, nhưng chung quy chỉ có một “điều răn trọng nhất”: Mến Chúa yêu người. Nói cách cụ thể thì đó là điều răn yêu thương: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12). Muốn yêu thương nhau như Thầy yêu thương mình thì phải tìm hiểu cho thật thấu đáo xem Thầy đã yêu thương mình như thế nào? Mấu chốt vấn đề chính ở điểm này, bởi khi tìm hiểu thật kỹ tình yêu Thầy đã dành cho loài người, sẽ thấy Thầy không chỉ yêu thương loài người như yêu chính bản thân Thầy, mà còn “yêu thương đến độ hy sinh cả tính mạng cho người mình yêu” (Ga 15, 13). Rõ ràng Đức Ki-tô không chỉ khuyên bảo hãy yêu thương nhau một cách chung chung, mà Người còn lấy chính bản thân Người làm tấm gương để các môn đệ nhận thức được Tình Yêu Thiên Chúa cao cả đến mức độ nào.
Với bản tính con người mà muốn yêu thương tha nhân như yêu thương chính mình (“ái nhân như ái thân”) đã thấy khó khăn, chớ đừng nói là yêu thương người khác hơn cả yêu thương bản thân. Thậm chí yêu thương đồng loại đến mức hy sinh cả tính mạng mình thì đúng là thiên nan vạn nan. Nói đến yêu thương thì không thể không nghĩ tới 2 hạng người: Có rất nhiều người yêu thương đồng loại bằng tất cả con người của mình trong hoạt động và cuộc sống (điển hình như các vị đã được “đóng ấn trên trán” trong bài đọc 1 Lễ Các Thánh hôm nay – Kh 7, 2-4), nhưng cũng không thiếu cảnh yêu thương trên môi miệng (“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”. – 1Ga 3, 18; “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” – Mt 23, 2-3).
Và vì thế, muốn “yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” thì điều kiện cần có và đủ phải là sống và làm được như Thầy Chí Thánh trong sứ vụ của Người. Khó thật đấy, nhưng không phải là không làm được nếu có đầy đủ ý chí và quyết tâm, vì “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Bá Học). Có ý chí, có quyết tâm, đồng thời phải biết cậy nhờ Thần Khí Chúa soi sáng và gia tăng lòng can đảm để làm được như Thầy. Hãy nhìn vào gương sống và hoạt động của các thánh (nói chung) và nhất là các thánh Tử vì Đạo, rồi tự đặt câu hỏi: “Các ngài cũng người trần mắt thịt như mọi người trên thế gian này, vậy mà tại sao các ngài lại gặt hái được vinh quang tột đỉnh như thế?” Hỏi tức là trả lời rồi vậy, bởi vì hơn ai hết, các ngài đã thấu triệt được vấn đề “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta” (Rm 5, 6-8; Ep 5, 2); “Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3, 16); “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4, 11); “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4, 19).
Nhìn vào gương các thánh Tử vì Đạo sẽ rút ra được bài học: Muốn rao giảng tốt thì phải biết dạy tốt, muốn dạy tốt thì phải biết học và làm tốt. Mà nói đến làm và dạy cũng chính là nói đến công việc đào tạo, huấn luyện. Vấn đề này đã được Thánh GH Gioan-Phaolô II phân tích rất tỉ mỉ trong Tông huấn Ki-tô hữu Giáo dân “Christi Fideles Laici”, và ngài đã chốt lại ở Chương cuối (Ch. V): “Trong công trình đào tạo, một vài điều xác tín đặc biệt được xem là cần thiết và hữu ích. Trước hết cần xác tín rằng không thể có việc đào tạo thật sự và hữu hiệu nếu mỗi người không tự đảm trách và khai triển trách nhiệm đào tạo chính mình. Vì tất cả các công trình đào tạo thiết yêú phải là “tự đào tạo lầý mình”. Sau đó, xác tín rằng mỗi người trong chúng ta là kết qủa và là nguyên tắc của việc đào tạo: Chúng ta càng được đào tạo hoàn hảo bao nhiêu, thì chúng ta lại càng có khả năng đào tạo kẻ khác bấy nhiêu.” (Tông huấn “Christi Fideles Laici”, số 63).
Như vậy thì châm ngôn sống của mọi Ki-tô hữu phải là: hãy “Làm và Dạy”. Một cách cụ thể là hãy tự đào tạo chính mình (làm trước, thực hành trước những điều mình đã học hỏi, thâu lượm được), nhiên hậu sẽ truyền đạt cho người khác. Vâng, “Hãy sống một cuộc sống mãnh liệt, dựa trên tình yêu đối với Chúa Giê-su và chú ý tới nhu cầu của những người bị thiệt thòi nhất. Nơi nào có niềm vui, nhiệt tình, ước mong đem Đức Ki-tô đến cho những người khác, nơi đó có ơn gọi chân chính. Trong số này chúng ta đừng quên ơn gọi giáo dân truyền giáo. Hiện nay ý ‎thức về căn tính và sứ vụ của tín hữu giáo dân trong Hội Thánh càng ngày càng gia tăng, cũng như việc nhìn nhận rằng họ được mời gọi để đóng một vai trò càng ngày càng quan trọng trong việc quảng bá Tin Mừng. Vì lý do đó, điều quan trọng là họ được đào luyện cách đầy đủ, nhắm đến một hoạt động tông đồ có hiệu quả.” (Sứ Điệp Ngày Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo 2014, số 4).
Tóm lại, tất cả mọi Ki-tô hữu kể từ khi được đón nhận phép Thánh Tẩy thì đã được tham dự vào 3 chức vụ của Thầy Chí Thánh (Tư tế, Ngôn sứ, Vương giả). Với 3 chức vụ ấy, mỗi Ki-tô hữu đều có nhiệm vụ “Phúc Âm hoá” đời sống bản thân, gia đình và xã hội. Một cách cụ thể là làm chứng nhân sống cho Đức Ki-tô Phục Sinh, đem Tin Mừng Cứu Độ đến cho mọi người. Để sống xứng đáng với phẩm giá cao quí ấy, không gì bằng thực hiện chính bản tính Thiên Chúa mà Người đã chia sẻ cho tất cả và cho từng mỗi Ki-tô hữu được thông phần (“Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, là cho anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa” – 2Pr 1,4). Mà điều cốt yếu trong bản tính Thiên Chúa chính là tình yêu: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8.16). Sống yêu thương – yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân – là sống xứng đáng với phẩm giá của con người bằng cách thể hiện cụ thể mình chính là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa. Đó cũng chính là điều mà con người cần thiết phải làm để được cứu rỗi.
Trong diễn văn bế mạc Đại hội chung ngoại thường lần thứ 3 của Thượng Hội Đồng Giám Mục, ĐTC Phan-xị-cô phát biểu: “Tôi đã cảm thấy rằng thiện ích của Giáo Hội, của các gia đình và quy luật tối hậu là phần rỗi các linh hồn (Xc GL 1752) được đặt trước mắt mình. Và điều này – như chúng ta đã nói ở Hội trường này – không bao giờ đặt lại vấn đề các chân lý nền tảng của bí tích Hôn phối là tính chất bất khả phân ly, một vợ một chồng, chung thủy, sinh sản con cái hay là cởi mở đối với sự sống (Xc GL 1055, 1056 và GS 48). ”Giáo Hội là như thế, là vườn nho của Chúa, là Mẹ đông đảo con cái và là Thày dạy ân cần, không sợ phải xắn tay áo lên để đổ dầu và rượu vào vết thương của con người (xc Lc 10, 25-37)”.
Chỉ một câu văn ngắn gọn (”Giáo Hội là như thế, là vườn nho của Chúa, là Mẹ đông đảo con cái và là Thày dạy ân cần, không sợ phải xắn tay áo lên để đổ dầu và rượu vào vết thương của con người.”), ĐTC đã nhấn mạnh đến “Điều răn quan trọng nhất” (Lc 10, 25-28) và vai trò “Thầy Dạy” của Giáo Hội “không sợ phải xắn tay áo lên để đổ dầu và rượu vào vết thương của con người” (dụ ngôn “Người Sa-ma-ri tốt lành” – Lc 10, 29-37). Là Thầy dạy mà lại sẵn sàng “xắn tay áo lên”, thì đó chẳng phải là LÀM VÀ DẠY (“FACERE ET DOCERE”) đó sao? Để “Làm và Dạy” đạt hiệu quả tối ưu, người Ki-tô hữu hãy hiệp ý với ĐTC: “Xin Chúa tháp tùng, hướng dẫn chúng ta trong hành trình này để làm vinh danh Chúa nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse! Xin anh chị em vui lòng cầu nguyện cho tôi!” (Diễn văn -nt-).
Ôi! Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết nhận ra gương mặt của Chúa nơi tha nhân, để chúng con yêu thương họ như Chúa đã yêu thương chúng con. Cúi xin Chúa thương ban Thần Khí cho con, để con biết sống và làm trước những điều con đã học được nơi Chúa cũng như nơi anh em của con, nhiên hậu con mới đem tất cả kiến thức và kinh nghịêm tích luỹ được mà chia sẻ cho anh em, bây giờ và mãi mãi. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.

Không có nhận xét nào:

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...