Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Khi tuổi "tin" yêu

Chị Huyền ngồi đó, thẫn thờ như vừa bị ai lấy mất đi kho báu. Chị lo là phải, vì cu Tuấn nhà chị mới lớp 8 thôi mà đã ‘hư mất’ rồi. Cứ nhìn những hình bọn trẻ đăng trên facebook thì biết, quá nhạy cảm! Sau thông tin của chị bạn và chính tay chị mở face liên kết với nick của con trai đã khiến chị tá hỏa, chị nháo nhào. Chị tưởng chừng đứa con trai mà mới cách đây một năm chị đã từng hãnh diện khoe là ngoan ngoãn, nay bỗng dưng ‘biến thái’. Mới có tí tuổi đầu mà chúng đã dám hôn hít rồi lại còn đăng những “shot” hình táo bạo lên mạng nữa.
Trường hợp của chị Huyền chắc cũng không ít các bậc phụ huynh gặp phải. Và thông thường, chúng ta thấy dường như sắp tận thế rồi, dưồng như đám trẻ đã hư hỏng hết rồi!
Quả thật, các bậc phụ huynh rất ‘sốt ruột’ khi con em không lo học mà lại đổ công sức vào những chuyện người lớn như thế. Tuy nhiên, quý phụ huynh nào am hiểu về tâm lý của tuổi thiếu niên thì sẽ bình thản hơn và nhẹ nhàng can thiệp, giúp trẻ vượt qua lứa tuổi tế nhị này.
Khi đến tuổi 12, 13, 14 tùy theo bối cảnh văn hóa, mức độ phát triển thể lý cũng như nền giáo dục đã nhận được, các thanh thiếu niên bắt đầu bước vào một tiến trình tuyệt vời, một bước nhảy vọt trong ý thức về bản thân, đặc biệt trong lãnh vực tình cảm.
Một trong những khám phá quan trọng của em là sự khác biệt của hai phái tính và em ý thức rõ hơn về giới tính của mình.
Em bé gái hay em bé trai của ngày hôm qua đang bắt đầu ngộ ra những điều hết sức mới mẻ nơi bản thân mình. Em không còn thấy mình là trung tâm của vũ trụ nữa. Tình yêu thương của ba mẹ và những người thân không còn làm thỏa lòng em nữa. Có một ai đó đang bắt đầu xuất hiện trong cuộc đời em. Người đó đối với em không phải là bạn, cũng chẳng phải là anh em họ hàng, người đó cuốn hút em cách lạ lùng khiến em cũng không thể hiểu được lý đó tại sao. Và thường đó là một người khác phái.
1. Thả hồn theo bóng hình ai đó
Khi tuổi teen yêu, em trở nên mơ màng, mộng tưởng. Mọi sự trong thế giới trở thành không quan trọng. Điều gì xảy ra cho tuổi teen khiến cho tâm hồn các em như bay bổng tận nơi nào, đến nỗi nhiều khi mắt thì chong chong nhìn bảng, tai vểnh lên nghe, nhưng lại không hiểu thầy cô nói gì. Có khi đọc cả trang sách mà không có gì đọng lại, hoặc những điều cha mẹ nhắc nhở sớm chiều cũng không nhớ… Cái thần thái trong đôi mắt dường như đang dõi một bóng hình ai đó.
Tuy lãng đãng là thế, nhưng tuổi teen lại chú ý đến những gì rất tinh tế nơi người kia. Từ câu nói, ánh nhìn, dáng đi, lông mày, bờ môi cũng như kiểu tóc của người ấy. Nhiều lúc ngất ngây đến sững sờ và không ý thức trước những gì thực tế đang diễn ra. Nghe những diễn tả này, có thể nhiều người cho rằng nói như thế là phóng đại quá đáng. Tuy thế, không ai phủ nhận “tiếng sét ái tình” của thủa ban đầu thật mạnh mẽ biết bao.
“Tiếng sét” là hình ảnh biểu tượng để nói về sự bùng nổ của biến cố này. Đó là cảm giác bị lôi cuốn một cách lạ lùng và mãnh liệt từ một ai đó, đến độ thôi thúc em tìm kiếm cho bằng được người mình thương mến. Khi gặp cản trở, các em lại mạnh mẽ và cương quyết tìm cho bằng được. Tiếng sét ái tình không chỉ xảy ra với các đối tượng ở tuổi thiếu niên mà với tất cả mọi lứa tuổi của đời sống. Tuy nhiên cách độc đáo vẫn là ở lứa tuổi này.
Điều này có thể làm quý phụ huynh lo ngại, nhưng kỳ thực, nó là một nét đặc trưng trong tiến trình phát triển của con người. Nó chẳng phải là một điều xấu, nhưng là một khám phá tuyệt vời của tuổi thiếu niên. Trong độ tuổi này, các em nhận ra rằng mình không phải là tất cả. Mình không chỉ bận tâm và để ý đến người khác, nhưng cũng có ai đó ngấp nghé để  ý đến mình. Từ đó, các em bắt đầu chú ý đến ngoại hình của mình hơn. Với các thiếu nữ, nhiều khi không ngại ngắm nghía khuôn mặt của mình hàng giờ trước gương; hoặc ra khỏi nhà, em phải diện đôi dép nào cho phù hợp; chuyện thoa một chút son lên môi cũng làm cho em cảm thấy tự tin hơn. Còn các bạn nam thì chú ý hơn tới kiểu tóc, quần áo, tìm cách ăn nói làm sao thu hút được sự chú ý của nhiều người.
2. Thật tuyệt vời khi ta biết lớn lên
Trong tiến trình phát triển tâm lý con người, “tiếng sét ái tình” là một giai đoạn rất đẹp và phong phú. Tuy nhiên ở giai đoạn này, các em vẫn được mời gọi vượt qua những cảm xúc bộc phát tự nhiên này để xây dựng một tình yêu bền vững và đích thực.
Trong bối cảnh xã hội bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những phát triển của ngành công nghệ thông tin, nhiều thanh thiếu niên đã để mình bị lừa gạt bỏi các phương tiện truyền thông, phim ảnh, dẫn đến những tư tưởng lệch lạc, đôi khi quá ngây thơ. Từ đó, các em để mình rơi vào những cạm bẫy và xây dựng đời mình trên những cảm xúc nóng bỏng, viễn vông. Cụ thể, nhiều em đã thực hiện hành vi tình dục “trước thời hạn” cách nhẹ dạ, như là một cuộc thử nghiệm chơi bời chứ không hề nghĩ đến trách nhiệm hay sự bền vững.
Dù chỉ trong lứa tuổi trung học, có những em đã “đính hôn” và sống thử với nhau, để rồi cuối cùng lãnh nhận một kết thúc buồn phiền và đầy ân hận. Ở tình huống này, hành vi tính dục đã bị biến thành một món hàng để hợp đồng và trao đổi, nhằm thỏa mãn những xúc cảm nhất thời mà lẽ ra phải là quà tặng đẹp nhất mà người ta trao cho nhau sau một chặng đường dài học biết yêu thương và đón nhận nhau.
3. Cha mẹ và các nhà giáo dục chỉ đứng nhìn thôi sao?
Nhận biết ‘tình cảm bùng phát’ là một bước không thể thiếu trong tiến trình phát triển của tuổi thiếu niên, nhưng các nhà giáo dục và phụ huynh cũng cần lưu tâm là kinh nghiệm sống và tầm nhìn của các em còn non nớt, khiến dễ rơi vào sự lệch lạc. Một sự đồng hành đúng cách của phụ huynh và các nhà giáo dục sẽ là một sự dẫn đường khôn ngoan hầu giúp tuổi thiếu niên tăng trưởng cách hồn nhiên và là một sự “đổ nền” chắc chắn cho giai đoạn kế tiếp.
Vì thế, khi thấy con cái hay học sinh của mình bước vào tuổi yêu, các nhà giáo dục và phụ huynh đừng bối rối. Quan sát lối biểu hiện bên ngoài của các em và nếu thấy các em ‘như bị mất hồn’ thì ta có thể kết luận được rằng chúng đang yêu. Và đứng trưổc các kẻ “đang yêu” đó, chúng ta chọn lựa lối xử sự nào?
Khuyên răn và ngăn cấm ư? Không được, vì với các em đâu để tâm nghe những lý luận lòng thòng. Chê bai hay khích bác ư? Càng không nên, vì các em sẽ tìm cách tránh dịp trò chuyện thân mật và cởi mở với người lớn. Nói rằng đó là một kinh nghiệm chóng qua và không bền ư? Các em sẽ bảo rằng ngưòi lớn như chúng ta thật là cố chấp, nhiều nghi ngờ nên chẳng biết tình yêu thật là gì!
Vậy nhà giáo dục và các bậc phụ huynh phải làm sao?
Hãy coi đó chẳng là vấn đề. Cùng lúc, hãy cho trẻ thấy đó chẳng là chuyện gì ghê gớm. Điều quan trọng là tình cảm ấy có cho các em ‘thăng tiến’ hay không.
Con đường tiếp cận các em là sự gần gũi, cảm thông và chứng tỏ cho các em thấy chúng ta là những nhà hướng dẫn khôn ngoan đích thực. Hãy đặt những câu hỏi mở để các em bộc bạch những ước mơ mà các em đang ấp ủ, khao khát và dựng xây. Hãy đi sâu vào cảm nghiệm yêu thương của các em để hiểu được sức mạnh nào đang chiếm hữu các em: tỉnh cảm ấy không hẳn là tình yêu khác giới, nhưng còn cả những mối tương quan của tình bạn, tình thân trong gia đình. Không nên chê bai hoặc đánh giá thấp người mà các em quý mến. Cũng đừng bao giờ coi các em là trẻ con mà học đòi chuyện của ngưòi lớn.
Khi các em cảm thấy an toàn và có đủ tin tưởng để tâm sự với chúng ta về những cảm xúc đang chiếm hữu trái tim, thì lập tức các em sẽ hỏi chúng ta về kinh nghiệm tình yêu đích thực. Khi đó chúng ta có thể giải thích cách thấu đáo về sự khác nhau giữa tình yêu và hành vi tình dục. Vai trò và chỗ đứng của hành vi tình dục trong đời sống lứa đôi… để các em không hiểu lầm rằng hành vi tính dục là hành động mạnh mẽ, tức thời và duy nhất để diễn tả tình yêu thương.
Nhật Tâm
Chuyên đề Don Bosco số 32

Không có nhận xét nào:

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...