Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Nỗi niềm tỵ nạn

Tháng Tám: Kính Mẫu Tâm Vô Nhiễm. Tháng Tám năm 2004, Giáo hội Công giáo có hai ý cầu nguyện chính:
+ Ý chung: Cầu cho những người tỵ nạn, buộc phải rời bỏ quê hương mình vì bạo lực. Xin cho họ nhận được sự tiếp đón quảng đại và bảo đảm đượccác quyền lợi của mình.
+ Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu tại Châu Đại Dương biết hân hoan truyền bá đức tin cho các dân sống trong đại lục mình (tương đương những người ngay bên cạnh mình: trong cộng đoàn tu, hội đoàn, giáo xứ, làng xã, phố phường, thậm chí là gia đình).
Tỵ nạn (hoặc tị nạn) là tránh nạn, lánh nạn, trốn nạn, chạy nạn. Như người ta nói vui mà thật: “Bỏ của chạy lấy người”. Đúng vậy, người ta phải rời bỏ quê hương, chạy trốn qua xứ khác, vùng miền khác, địa phương khác, hoặc nước khác,… để trốn thoát chiến tranh, mối hiểm nguy, sự ngược đãi, sự bách hại,… bởi quyền lực nơi họ đang cư ngụ. Người tỵ nạn là người lánh nạn để tìm sự bình an ở nơi khác. Tình trạng tỵ nạn thật là khủng khiếp biết bao!
Khái niệm tỵ nạn đã có từ thời cổ đại, khi những người chạy trốn có thể tìm đến nơi linh thiêng, như một ngôi đền, để lánh nạn mà không bị bắt. Thời Trung Cổ, tại Âu châu cũng có một số luật lệ quy định quyền lánh nạn ở những nơi tôn nghiêm.
Trẻ em Syria tại một trại tỵ nạn
Trẻ em Syria tại một trại tỵ nạn
TỴ NẠN THEO NGHĨA TRẦN GIAN
Trong Việt sử có ghi lại việc vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con là Công chúa Chiêu Thánh, tên húy là Phật Kim, sau đổi là Thiên Hinh, lên ngôi lấy hiệu là Lý Chiêu Hoàng là Hoàng đế thứ 9 và là cuối cùng của nhà Lý (Việt Nam), cai trị từ năm 1224-1225, bà là Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Năm 1225, sau khi nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (Trần Thái Tông), bà trở thành Hoàng hậu của ông cho đến khi bị phế truất vào năm 1237. Sau năm 1258, bà tái giá với Lê Phụ Trần, một viên tướng có công cứu giúp Trần Thái Tông.
Khi nhà Lý mất ngôi về tay nhà Trần, cựu hoàng Lý Huệ Tông vào tu ở chùa Chân Giáo để tránh sự phiền nhiễu chính trị. Tuy không bị bắt, ông cũng bị Trần Thủ Độ làm áp lực tinh thần và phải treo cổ tự vẫn khi mới 33 tuổi.
Qua nhiều thế kỷ, lịch sử có ghi lại những đợt di dân để lánh nạn như năm 1685 ở Pháp có sắc lệnh Fontainebleau (Édit de Fontainebleau), khi vua Louis XIV ra chiếu chỉ cấm đạo Tin Lành, đã khiến hàng trăm nghìn giáo dân Huguenot phải bỏ quê hương trốn sang các nước Anh, Thụy Sĩ, Hà Lan, Đức,… Ở Đông Âu cũng có những đợt cấm Do Thái giáo, khiến hơn hai triệu giáo dân Nga phải chạy trốn vào những thập niên cuối thế kỷ XIX.
Tổ chức đầu tiên được lập ra để đối phó với vấn đề tỵ nạn là Cao ủy Tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc năm 1921. Cuộc nội chiến ở Nga, ngay sau Cách mạng Tháng Mười (1917), đã khiến khoảng 1,5 triệu dân Nga bỏ nước để tránh chính quyền Cộng sản. Năm 1923, Cao ủy Tỵ nạn lãnh thêm nhiệm vụ cứu trợ dân Armenia ở Tiểu Á trong cuộc thanh trừng diệt chủng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thế chiến II đánh dấu một bước ngoặt mới, với con số dân tỵ nạn lên cao và ảnh hưởng một vùng rộng lớn. Năm 1943, phe Đồng Minh cho thành lập Quyền vụ Cứu trợ và Phục hồi Liên quốc (UNRRA – United Nations Relief and Rehabilitation Administration) để giúp ổn định những khu vực mới được giải phóng khỏi vòng kiểm soát của phe Trục. Công tác này bao gồm việc định cư hơn bảy triệu dân sơ tán. Khoảng một triệu người không muốn hồi hương thì cần trại tạm trú.
Hội nghị Potsdam năm 1945 cũng hoạch định lại biên giới ở Âu châu khiến 15 triệu dân Đức bỗng nhiên thuộc thẩm quyền của nhà chức trách mới của Ba Lan, Tiệp Khắc và Hungary. Trong khi đó, Hội nghị Yalta có ghi điều kiện buộc hồi hương hàng triệu dân Nga về Liên Xô (cũ).
Trại tỵ nạn là những nơi tạm thời (lều, lán, chòi, nhà tạm,…) được xây dựng để giải quyết tạm thời nhu cầu về chỗ ở cho những người tỵ nạn. Hàng trăm ngàn người có thể sống trong một trại. Thông thường, trại được xây dựng và điều hành bởi một chính phủ, Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế (như Hội Hồng Thập Tự), các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ.
Nói chung, các trại tỵ nạn xây dựng theo kiểu tự phát và được thiết kế để đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người ở trong một thời gian ngắn. Một số trại tỵ nạn có tình trạng dơ bẩn và mất vệ sinh do số lượng người đông và điều kiện sinh hoạt kém. Một số trại tỵ nạn đã tồn tại trong nhiều thập kỷ và một số người có thể ở trong các trại tỵ nạn trong nhiều thập kỷ, cả hai đều có ý nghĩa lớn đối với vấn đề nhân quyền.
Trại tỵ nạn được xây dựng để đón nhận những người tỵ nạn. Do đó, họ được cung cấp lương thực khẩn cấp và viện trợ y tế cho đến khi an toàn để trở về nhà của họ khi điều kiện tại nước của họ đã được cải thiện. Trong một số trường hợp, thường là sau vài năm, họ được tái định cư tại một “nước thứ ba” nào đó. Mặc dù các trại tỵ nạn chỉ là tạm thời, nhưng nó có thể cho các trại viên ở lại trong nhiều thập kỷ như trường hợp các trại tỵ nạn ở Palestine đã tồn tại suốt 50 năm qua. Một số nước khác cũng đã và đang có các trại tỵ nạn.
Trên thế giới, có một số quốc gia thường xuyên đón nhận người tỵ nạn như Anh, Benin, Brasil, Burkina Faso, Canada, Chile, Đan Mạch, Hà Lan, Hoa Kỳ, Iceland, Ireland, Mexico, Na Uy, New Zealand, Phần Lan, Thụy Điển, và Úc,… Các trại tỵ nạn là nơi tạm cư của những người đã chạy thoát khỏi cuộc chiến ở đất nước của họ để tới một quốc gia khác. Trong những năm gần đây, hầu hết các người tỵ nạn đến từ Iran, Afghanistan, Irap, Liberia, Somalia, và Sudan. Biến cố ngày 30-4-1975 khiến hàng triệu người Việt Nam trở thành dân tỵ nạn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Người tỵ nạn cũng có các dạng khác nhau – tỵ nạn vì chính trị, vì kinh tế, vì tôn giáo,…
Vấn đề tỵ nạn liên quan vấn đề nhân đạo, do đó thế giới có Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR – United Nations High Commissioner for Refugees), cũng gọi là Cao uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, và thường gọi tắt là Cao ủy Tỵ nạn. Cao ủy này được thành lập ngày 14-12-1950, trụ sở đặt tại Genève (Thụy Sĩ). Tiền thân của tổ chức này là Tổ chức Quốc tế về Người tỵ nạn (International Refugee Organization), trước đó gọi là Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Cứu tế và Phục hồi (UNRRA – United Nations Relief and Rehabilitation Administration).
Mục đích của Cao ủy là chỉ huy và phối hợp các hoạt động quốc tế nhằm bảo vệ người tỵ nạn và giải quyết các vấn đề về tỵ nạn trên toàn thế giới. Cao ủy đã được tặng Giải Nobel Hòa Bình hai lần vào năm 1954 và 1981.
Hiệp Uớc về Địa Vị của Người Tỵ Nạn của Liên Hiệp Quốc định nghĩa về tỵ nạn: “Đó là người có đủ lý do để sợ mình bị bách hại vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, hoặc vì là thành viên của một đoàn thể xã hội nào đó, hoặc vì chính kiến, hiện sống ở ngoài quốc gia mà mình mang quốc tịch nhưng không thể nhận hoặc không muốn nhận sự bảo vệ của quốc gia mà mình mang quốc tịch vì những lý do trên, hoặc là người không có quốc tịch vì ở ngoài quốc gia thường trú nhưng nay không thể trở về quốc gia đó, hoặc là người vì những lý do kể trên không muốn trở về quốc gia thường trú”.
Năm 2012, Hoa Kỳ nhận thấy số hồ sơ (hơn 7.000 bộ) nộp ở văn phòng tỵ nạn thành phố New York tăng gần gấp năm lần so với năm 2006, chính quyền liên bang Mỹ đã triển khai cuộc điều tra bí mật trên diện rộng về vấn đề này. Và rồi họ phát hiện đường dây chuyên hỗ trợ người Trung Quốc khai man để được chính quyền liên bang Mỹ, cụ thể là New York, chấp nhận cho tỵ nạn. Ngay sau đó đã có những cuộc truy quét, ít nhất có 10 công ty luật ở New York bị phát hiện, nhiều người bị buộc tội và lãnh án tù treo. Câu chuyện về “công nghệ khai man” này đã được báo New York Times đăng tải.
Khởi nguồn từ văn phòng của luật sư John Vương, một người Mỹ gốc Hoa. Một ngày cuối năm 2012, một phụ nữ bước vào văn phòng luật sư Vương ở khu Chinatown (phố người Hoa) tại New York và yêu cầu được gặp luật sư tư vấn của mình. Bà ta nộp đơn xin tỵ nạn ở New York với lý do là Trung Quốc ép buộc bà phải phá thai vì chính sách một con. Đúng là “con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại” (Lc 16:8).
Mọi động thái của luật sư người Mỹ gốc Hoa này đã không lọt qua được cơ quan điều tra liên bang. Họ bí mật đặt máy ghi âm trong văn phòng luật sư Vương và ghi âm toàn bộ cuộc đối thoại giữa ông Vương và khách hàng. Chiến dịch truy quét các văn phòng luật sư ở đây được phát động ngay sau đó, kể cả các văn phòng luật sư khác ở khu Chinatown tại New York.
Có ít nhất 30 người đã bị thẩm vấn, trong đó có luật sư và phụ tá của họ. Những người này bị cáo buộc giúp đỡ cho hàng trăm người Trung Quốc xin tỵ nạn bằng cách bịa ra những chuyện thương tâm họ phải chịu đựng ở Trung Quốc. Luật sư John Vương tạo ra nhiều hồ sơ gian dối nhất. Chỉ trong các năm 2010 tới 2012, văn phòng luật sư của ông này đã nộp hơn 1.300 hồ sơ xin tỵ nạn của người Trung Quốc đến văn phòng tỵ nạn New York.
Trong số những người bị bắt, Lý Anh Lâm là một nhân viên trong nhà thờ ở Flushing. Cô chuyên hướng dẫn những người nhập cư Trung Quốc học thuộc những bài học xin tỵ nạn tôn giáo và dạy họ cách nói dối để qua mặt các quan chức Sở Di trú Mỹ khi được phỏng vấn. Cô Lý đã phải hầu tòa sau đó.
Người ta có thể lợi dụng lỗ hổng luật pháp. Ông Peter Kwong, giáo sư ĐH New York, nhận định rằng phần lớn hồ sơ xin tỵ nạn của người Trung Quốc là gian dối, từ câu chuyện bịa đặt về việc bị ngược đãi cho đến tạo dựng cả nhân chứng giả nhằm củng cố hồ sơ để lừa bịp cơ quan nhập cảnh của Hoa Kỳ. Ông Kwong bình luận: “Đối với những người xin tị nạn, đó không phải là vấn đề đúng hay sai mà là chuyện liệu họ có thể đạt được mục đích mình muốn và cách thức họ đạt được nó. Câu chuyện này cho thấy có một lỗ hổng lớn trong luật nhập cư và lỗ hổng này không thể vá lại được vì lý do chính trị”.
Nhân chi sơ tính bổn thiện, nhưng rồi cuộc sống khiến người ta bị “biến chất”, thế nên người ta lọc lừa nhau đủ kiểu, ngay cả trong vấn đề tỵ nạn – chủ yếu là vì nhân đạo. Tức là người ta lợi dụng lòng tốt của người khác! Thật vậy, báo New York Times cho biết phần lớn hồ sơ xin tỵ nạn ở Hoa Kỳ của người Trung Quốc đều nêu lý do họ bị buộc phá thai hoặc triệt sản theo chính sách một con của chính quyền Bắc Kinh, bị ngược đãi tôn giáo hoặc vì tham gia các đảng phái mà Nhà nước Trung Quốc cấm. Nhưng thực tế đó chỉ là những lý do mà người xin tỵ nạn bịa đặt, qua sự tư vấn kỹ càng của cộng đồng luật sư người Mỹ gốc Hoa.
Người Trung Quốc chọn con đường xin tỵ nạn tại Hoa Kỳ chỉ vì dễ kiếm việc làm ngay sau khi được Chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận, và họ có thể được cấp thẻ xanh sau một năm. Các văn phòng luật chuyên về dịch vụ xin tỵ nạn cho người Trung Quốc mọc lên như nấm ở khu Chinatown ở Manhattan và trên các con đường nhộn nhịp tại Flushing, Queens, Sunset Park, Brooklyn.
Tuy nhiên, cũng có những người cố giãi bày động cơ làm việc của mình. Luật sư David Miao (David Miêu), người Mỹ gốc Hoa, biện hộ rằng họ làm vậy vì động cơ chính trị hơn là vì tiền, và họ đang cứu sống những người Trung Quốc xin tỵ nạn, vì nếu không họ sẽ bị trả về Trung Quốc. LS Miêu cũng bị điều tra cùng với LS Vương.
Đầu tháng 6-2014, thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết rằng Nga đã tiếp nhận khoảng 4.000 người Ukraine tỵ nạn. Hãng tin RIA Novosti của Nga dẫn lời ông Medvedev cho biết rằng những người tỵ nạn Ukraine đều “hoang mang và sợ hãi”.
Cuộc chiến giữa quân đội Chính phủ Syria và các nhóm phiến quân cùng các nhóm chiến binh thánh chiến người nước ngoài ngày càng ác liệt, khiến hàng triệu người Syria phải di tản sang các nước láng giềng và gây ra các vấn đề mới trong khu vực. Thủ tướng Jordan Abduallah Ensour đã thông báo cho các vị đại biểu về những gánh nặng mà Jordan đang phải gánh chịu khi tiếp nhận hơn 1,25 triệu người tỵ nạn Syria, chiếm khoảng 20% dân số của Jordan, gây áp lực lớn đối với cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và các dịch vụ khác. Thủ tướng Ensour nói rằng cộng đồng quốc tế gần đây đã làm ngơ trước thảm cảnh của người tỵ nạn Syria, đồng thời kêu gọi các quốc gia trên thế giới hỗ trợ các nước láng giềng của Syria tiếp nhận người tỵ nạn của nước này.
Dân tỵ nạn Việt Nam cũng có rải rác khắp thế giới. Người Mỹ gốc Việt là những người định cư tại Hoa Kỳ ước tính là 1.642.950 (năm 2007), chiếm hơn một nửa dân số người Việt hải ngoại trên thế giới. Họ cũng là cộng đồng dân tộc gốc Á châu lớn thứ tư tại Hoa Kỳ, sau người Mỹ gốc Hoa, người Mỹ gốc Ấn, và người Mỹ gốc Philippines.
Người Việt di cư đến Hoa Kỳ với số đông kể từ sau biến cố 30-4-1975, với những người nhập cư đầu tiên là những người tỵ nạn cộng sản Việt Nam được chính phủ Hoa Kỳ di tản. Tiếp theo là các thuyền nhân (dân vượt biên) được cộng đồng quốc tế cứu vớt. Những năm gần đây, đa số người Việt tới định cư tại Hoa Kỳ chủ yếu là để đoàn tụ gia đình (con bảo lãnh cha mẹ, cha mẹ bảo lãnh con, anh chị em bảo lãnh nhau, vợ chồng theo nhau). Bắt đầu từ hai bàn tay trắng, người Mỹ gốc Việt đã hòa nhập vào xã hội Hoa Kỳ và trở thành một cộng đồng dân tộc thiểu số đáng kể tại quốc gia này.
Lúc đầu, những người tỵ nạn không nhận được sự hoan nghênh của dân chúng Hoa Kỳ. Một cuộc thăm dò ý kiến vào năm 1975 cho thấy chỉ có 36% người dân Hoa Kỳ chấp nhận việc nhập cư của người Việt. Tuy vậy, Tổng thống Gerald Ford và các viên chức khác ủng hộ họ một cách mạnh mẽ bằng việc thông qua Luật Di Trú và Người Tỵ Nạn Đông Dương (Indochina Migration and Refugee Act) hồi năm 1975, cho phép họ nhập cư Hoa Kỳ bằng một vị thế đặc biệt. Những người Việt tỵ nạn được định cư rải rác khắp nước để giảm thiểu tác động của họ đối với các cộng đồng địa phương và hạn chế sự hình thành các khu vực tập trung dân tộc thiểu số. Tuy thế, trong vài ba năm thì hầu hết người Việt tỵ nạn đã tái định cư tại California và Texas, khiến hai tiểu bang này có dân số người Mỹ gốc Việt đông nhất.
tynan2Tại trại tỵ nạn Chaffee năm 1975 có tấm bia ghi sự kiện này của các thuyền nhân Việt Nam: “Để tìm cuộc sống mới, 50.809 người tỵ nạn từ Đông Dương đã đến Trại Chaffee này từ 2-5 đến 20-12-1975”. Đó là đợt thứ nhất. Đợt thứ hai từ năm 1976 cho đến giữa thập niên 1980.
Theo điều tra năm 2000, có đến 1.009.627 người 5 tuổi trở lên tự khai rằng họ nói tiếng Việt ở nhà, làm cho tiếng Việt đứng thứ 7 trong các ngôn ngữ phổ thông tại Hoa Kỳ. Theo cuộc khảo sát năm 2007, người Mỹ gốc Việt có tỷ lệ 50,5% nữ và 49,5% nam, và tuổi trung bình là 34,5, so với 36,7 cho toàn bộ dân số Hoa Kỳ.
Cố nhạc sĩ Phạm Duy có viết ca khúc “Năm Bốn, Bảy Lăm” (1954-1975) nói về tình trạng tỵ nạn của nhiều người Việt:“Một ngày năm bốn cha bỏ quê xa, chốn đã chôn nhau cắt rốn bao nhiêu đời. Một ngày năm bốn cha bỏ phương trời, một miền Bắc tối tăm mưa phùn rơi… Một ngày bảy lăm con bỏ nước ra đi, hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ. Giờ cha lưu đày ở ngay trên đất ta, và giờ con lưu đày ở đây trên xứ lạ!… Một ngày năm bốn xa mộ ông cha, với lũy tre xanh khóm chuối bên sau nhà. Một ngày năm bốn cha phải chia lìa, cùng mảnh đất nóc gia cha làm ra… Một ngày bảy lăm con bỏ hết giang sơn, hai mươi năm tình yêu người yêu cuộc sống. Giờ nơi nước mình niềm đau thay nỗi vui, Saigon đã chết rồi phải mang tên xác người…”. Lời ca da diết niềm đau như mũi dao cứ xoáy sâu vào lòng. Hai mươi năm là một thế hệ. Hai mươi năm không dài mà Việt Nam phải mang hai nỗi buồn rười rượi. Đau lòng lắm, quê hương ơi!
Nói chung, dân tỵ nạn là những người muốn tránh khổ, thoát khổ, tức là họ quyết đi tìm tự do, bình an và hạnh phúc ở một nơi khác. Nơi nào có tự do, bình an và hạnh phúc thì họ tìm đến bằng mọi giá, và nơi đó trở thành quê hương của họ. Tuy nhiên, có những người đã phải trả giá rất đắt vì họ gặp đủ thứ nguy hiểm, thậm chí phải mất mạng trong cuộc chạy trốn đó. Quả thật, tình trạng tỵ nạn là cảnh đáng sợ, vì kiếp tỵ nạn gian khổ lắm, người ơi!
TỴ NẠN THEO NGHĨA TÂM LINH
tynan3Về tâm linh, chúng ta không thể dùng danh từ tỵ nạn, nhưng chúng ta cũng “na ná” dân tỵ nạn – theo nghĩa phiến diện nào đó, vì chúng ta đang trên đường lữ hành trần gian đầy đau khổ, với hy vọng sẽ thoát cảnh “khổ não trần ai” để về tới Bến Hạnh Phúc đích thực là Nước Trời, Quê Hương vĩnh cửu. Và với ý nghĩa như vậy, chúng ta có thể coi mình cũng đang là “dân tỵ nạn”. Khổ hết sức! Khổ vô cùng! Khổ trên từng cây số! Khổ tận cùng bảng số! Lạy Chúa, xin cứu thoát!
Thật vậy, nguy hiểm lúc nào cũng cận kề trên đường lữ hành trần gian, sơ sảy một chút là “chết” ngay, vì thế mà Thánh Phêrô đã cảnh báo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8).
Tân Ước không hề đề cập vấn đề tỵ nạn, nhưng Cựu Ước có nhắc tới việc tỵ nạn hai lần.
Về vấn đề tỵ nạn, Kinh Thánh đã nói tới nơi sinh sống của con cháu A-ha-ron:“Đây là nơi cư trú của họ, theo ranh giới các trại dành cho họ: Nên người ta cho họ vùng Khép-rôn trong đất Giu-đa, cùng với các đồng cỏ chung quanh. Đồng ruộng của thành ấy và các thôn làng thì người ta cho ông Ca-lếp con ông Giơ-phun-ne. Nhưng người ta lại cho con cháu ông A-ha-ron các thành tỵ nạn là Khép-rôn và Líp-na với các đồng cỏ, Giát-tia, Ét-tơ-mô-a với các đồng cỏ, Khi-lết với các đồng cỏ, Đơ-via với các đồng cỏ, A-san với các đồng cỏ, Bết Se-mét với các đồng cỏ. Còn chi tộc Ben-gia-min thì người ta cho họ: Ghe-va với các đồng cỏ, A-le-mét với các đồng cỏ, A-na-tốt với các đồng cỏ. Tất cả các thành của họ là mười ba, tính theo số các thị tộc của họ” (1 Sbn 6:39-45).
Sách Isaia nói tới vấn đề tỵ nạn trong lời sấm hạch tội Mô-áp: “Lòng tôi kêu gào bênh vực Mô-áp; những người dân tỵ nạn đã đến tận Xô-a và Éc-lát Sơ-li-si-gia. Thật vậy, tại dốc Lu-khít, họ vừa trèo vừa khóc; quả thế, trên đường Khô-rô-na-gim, họ thốt lên những tiếng kêu than thảm bại” (Is 15:5).
Thế giới có nhiều trại tỵ nạn, nhiều dạng tỵ nạn, nhiều mức độ tỵ nạn, nhưng luôn có một mẫu số chung là KHỔ. Đành rằng “ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6:34), nhưng cái khổ của kiếp tỵ nạn thì chỉ hơn kiếp tù tội là có tự do. Chẳng nơi nào có thể để chúng ta an tâm nếu đã là người tỵ nạn.
Chỉ có một “trại tỵ nạn” đầy đủ “tiện nghi” nhất, thậm chí còn sướng hơn sống tại nhà mình, đó là Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thật vậy, chính Ngài đã mời gọi mọi người, nhất là những người đau khổ: “Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Chúa Giêsu là nơi để chúng ta có thể “tỵ nạn” an toàn nhất, vì chúng ta không chỉ được sống mà còn sống dồi dào (x. Ga 10:10).
Ước gì mỗi chúng ta biết lánh nạn trần gian để an tâm tỵ nạn nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, nơi đó có Nguồn Nước và Máu biến đổi chúng ta, để chúng ta có thể nên thánh theo Tôn Ý của Chúa Giêsu: “Hãy hoàn thiện như Chúa Cha trên trời” (Mt 5:48). Hãy mau ngụp lặn trong Đại Dương Lòng Chúa Thương Xót, đừng chần chừ nữa, vì thời gian sắp hết rồi!
Mênh mông nước biển dạt dào
Sóng vỗ rì rào điệp khúc yêu thương
Nhớ tình yêu Chúa vô thường
Muôn đời Lòng Chúa Xót Thương vô bờ
Dù con là một tội đồ
Thuyền nan con khẳm bao là oan khiên
Nhưng thuyền con vẫn không chìm
Sóng Tình Chúa cứ miên man vỗ về
Đại dương sâu thẳm bao la
Con còn thấy khó thăm dò sâu, nông
Đại dương Lòng Chúa Xót Thương
Con càng khó hiểu, con càng gẫm suy
Yêu con, Chúa chẳng muốn xa
Cho dẫu chỉ là một thoáng mà thôi
Thế nên Chúa quyết chẳng rời
Lập nên Thánh Thể đêm ngày bên con
Chiều nay biển lại sóng cồn
Nghĩa là Chúa lại nhớ con thật nhiều
Xin cho con biết dâng trao
Trọn đời con muốn chỉ yêu mình Ngài
Đại dương Tình Chúa tuyệt vời
Đưa thuyền con cặp Bến Trời bình an!
Tác giả Thánh Vịnh xác định: “Chính Chúa là nơi con ẩn náu, giữ gìn con khỏi bước ngặt nghèo. Khắp bốn bề, Chúa làm trổi vang lên những khúc ca mừng con được giải thoát” (Tv 32:7). Ước gì mỗi chúng ta cũng biết quyết định rạch ròi như vậy. Quả thật, Thiên Chúa là nơi ẩn náu và sức mạnh của người tín hữu (Tv 46). Với tâm trạng của “người tỵ nạn”, chúng ta cùng nhau chân thành thân thưa với Thiên Chúa: “Xin thương xót con cùng, lạy Thiên Chúa, xin Ngài thương xót con, này con đến ẩn náu bên Ngài; dưới bóng Ngài, này con ẩn náu, tới khi nào hết tai hoạ khổ đau” (Tv 57:2).
Trên đường “tỵ nạn”, hướng tới Bến Hạnh Phúc Vĩnh Cửu là Nước Trời, chúng ta đang và sẽ gặp nhiều nguy hiểm, vì có nhiều đạo tặc (thế gian, xác thịt, ma quỷ – gọi là “ba thù”) khiến chúng ta “mất mạng” như chơi. Do đó, giữa Biển Đời mênh mông, sóng cồn dập dồn, bất chợt có thể gặp sóng ngầm hoặc sóng thần, thậm chí là tảng băng lớn, chúng ta phải chăm chú làm hoa tiêu cho chiếc thuyền nan đời mình, lúc chèo, lúc bát, lúc cậy, sao cho khéo, đồng thời phải lo dự trữ dầu cho đủ chuyến đi xa này, đặc biệt là phải luôn theo hướng Thánh Giá theo Sao Mai Đức Maria để chúng ta không lạc hướng, nhờ đó mà đến nơi mà có Chúa Giêsu đang đợi chúng ta.
Lạy Thiên Chúa, cuộc đời trần gian có biết bao người phải chịu cảnh khốn khổ, dù tinh thần hoặc thể lý, xin Chúa nâng đỡ, chở che, và giải thoát họ. Xin cho mọi người có nơi ăn chốn ở xứng đáng, luôn được tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền. Xin giúp họ kiên vững đức tin ngay trong những lúc gian lao nhất, và xin cho họ được nên thánh ngay tại trần gian này như lòng Ngài mong ước. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
Viễn Dzu Tử

Không có nhận xét nào:

LỜI TẠ ƠN CUỐI NĂM 🌸

Năm 2024 gần khép lại, từng nhịp đồng hồ đang tiến về năm mới 2025. Giây phút “tống cựu nghinh tân” là thời khắc thiêng liêng đất trời giao ...