Đây là một câu chuyện có thật về kỹ sư John Roebling – người xây dựng cây cầu Brooklyn, ở New York, Mỹ.
Cây cầu được xây vào năm 1870 và hoàn thành sau 13 năm, năm 1883. Vào năm 1870, người kỹ sư tài giỏi này đã nảy ra một ý tưởng táo bạo, xây dựng cây cầu nối giữa New York và Long Island. Tuy vậy, những chuyên gia hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực này lại nhận định rằng: đây là một việc không thể và Roebling nên bỏ ngay những ý nghĩ này đi. Đây là việc chưa ai từng làm trước đó.
Nhưng Roebling vẫn không thể bỏ được những suy nghĩ này, nó như khắc sâu vào tâm trí ông. Lúc nào, ông cũng nghĩ đến nó. Ông cho rằng đây là một điều có thể thực hiện và ông đã nói ý tưởng này với một vài người. Sau nhiều cuộc thảo luận, ông đã thuyết phục được Washington – con trai của mình, là trên thực tế cây cầu có thể xây dựng được.
Lần đầu tiên làm việc cùng nhau, hai cha con đã phải đặt ra rất nhiều câu hỏi: Làm thế nào để hoàn thành được cây cầu? Làm thế nào để vượt qua trở ngại đang chờ trước mắt?… Nhưng với sự hứng khởi và lòng nhiệt huyết, họ đã thuê công nhân và xây dựng cây cầu mơ ước của mình.
Dự án khởi đầu suôn sẻ nhưng không lâu sau đó, một tai nạn khủng khiếp xảy ra và đã lấy đi mạng sống của vị kỹ sư đại tài. Còn Washington thì bị thương nặng, một phần của não bị ảnh hưởng khiến anh mất đi khả năng giao tiếp và đi lại. Nhiều người có những nhận định cực đoan và cho rằng dự án nên dừng lại vì chỉ có Roebling là người duy nhất biết cách để xây dựng cây cầu này mà thôi. “Một người đàn ông điên rồ và một dự án không tưởng”, “Thật ngu ngốc khi theo đuổi dự án này”… đó là những lời bàn tán của mọi người sau vụ tai nạn kinh hoàng kia.
Mặc dù có quá nhiều khó khăn nhưng Washington không hề nản chí, anh vẫn tiếp tục thực hiện ước mơ của cha mình. Anh cố truyền niềm tin, sự nhiệt huyết cho một số người bạn nhưng họ đã thực sự nản lòng và muốn từ bỏ. Khi Washington nằm trên giường bệnh, những tia nắng ấm lọt qua khe cửa sổ, rọi chiếu vào gương mặt đầy sự mệt mỏi, u buồn của anh. Một làn gió nhẹ thổi tấm màn trắng mỏng manh, lúc này, anh có thể thấy bầu trời và những ngọn cây đang đung đưa trước gió. Đó như là một thông điệp của người cha đã mất, mong muốn anh đừng từ bỏ ước mơ còn đang dang dở. Nhưng tất cả những gì anh có thể làm bây giờ chỉ là cử động được những ngón tay.
Bỗng nhiên, anh lóe lên một ý tưởng thú vị. Anh sẽ dùng chính những ngón tay kia để ra hiệu cho vợ của mình. Anh chạm ngón tay của mình lên bàn tay của vợ với ý muốn cô hãy đi gọi những kỹ sư một lần nữa. Khi họ tới đầy đủ, anh cũng đã sử dụng cách này để nói với họ những việc tiếp theo cần phải làm. Việc này có vẻ rất ngu ngốc nhưng nó đã làm cho dự án được tiếp tục vận hành.
Và thế là trong suốt 13 năm, anh đã gián tiếp điều hành công việc cho đến khi cây cầu được hoàn thành. Ngày nay, công trình ngoạn mục – cầu Brooklyn là đỉnh cao vinh quang, ghi nhận sự cống hiến, lòng quyết tâm, kiên trì của một người đàn ông bất chấp mọi khó khăn để vượt lên chính số phận của mình. Cùng với đó là sự đóng góp của đội ngũ kỹ sư, những người đặt niềm tin vào người đàn ông từng bị một nửa thế giới cho là điên rồ, với ý tưởng táo bạo. Nhắc đến cây cầu này, chúng ta cũng không thể quên công lao, sự tận tụy, hy sinh của một người phụ nữ kiên nhẫn trong suốt 13 năm để giải nghĩa những ký hiệu của người chồng khuyết tật.
Có lẽ câu chuyện đằng sau cây cầu Brooklyn nổi tiếng kia là một ví dụ điển hình nhất về thái độ sống vượt qua số phận, khó khăn của con người để chạm tay được đến ước mơ, khát vọng của mình. Cầu Brooklyn cho thấy những ước mơ tưởng chừng xa vời nhưng vẫn có khả năng thực hiện được khi con người có sự quyết tâm và lòng kiên trì.
Cuộc sống luôn là một bức tranh muôn màu muôn vẻ, còn biết bao nhiêu khó khăn, thử thách đang chờ đợi phía trước. Vì thế, hãy dám nghĩ, dám quyết định và lựa chọn con đường đi cho chính bản thân, đừng nên chần chừ và do dự. Kiến thức, niềm tin, lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm kiên trì vượt khó sẽ là những người bạn đồng hành không thể thiếu của mỗi người chúng ta trên con đường đời.
Cát Biển sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét