Trẻ uống nhầm dầu hỏa, nước rửa bát, ăn phải rau có thuốc trừ sâu…những lúc như vậy mẹ cần biết cách xử lý.
Dạo quanh các trang báo mạng quen thuộc, tôi giật mình khi trang nào cũng đăng bài về ngộ độc xảy ra trong gia đình. Nơi thì ngộ độc vì chồng tưởng nhầm thuốc chống muỗi là bột canh nên đã tra vào nồi canh, nơi thì bé uống nhầm dầu luyn vì bố mẹ đựng trong chai nước ngọt. Hậu quả thật đáng tiếc, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe trước mắt mà còn có thể để lại di chứng lâu dài.
Điều đáng tiếc hơn cả là những chuyện này hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu người lớn chúng ta cẩn thận, hiểu biết. Là người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, tôi xin chia sẻ lên đây một số kinh nghiệm và kiến thức phòng tránh cũng như cách xử lý ngộ độc trong gia đình. Hi vọng những kinh nghiệm này sẽ hữu ích cho các mẹ, nhất là những mẹ có con nhỏ.
Trẻ em rất dễ bị ngộ độc (Ảnh minh họa)
|
Phòng tránh ngộ độc thuốc
Công dụng của thuốc là giúp con khỏe lại những lúc con sốt, con ho. Tuy nhiên, nếu mẹ không biết bảo quản và cho con dùng đúng cách, thuốc rất dễ trở thành “con dao hai lưỡi” hại lại con. Để phòng tránh ngộ độc thuốc cho con, các mẹ nên làm theo những lời khuyên dưới đây.
Không “mò mẫm” pha hay cho con uống thuốc khi phòng tối om
Nửa đêm sờ thấy trán con nóng, mẹ vội vàng dậy lấy thuốc hạ sốt cho con uống nhưng không bật điện vì sợ cả nhà tỉnh giấc. Khi ấy, mẹ rất dễ lấy nhầm thuốc hoặc pha nhầm liều lượng cho con khiến con bị ngộ độc. Tốt nhất, mẹ nên bật điện sáng và thật cẩn thận khi cho con uống thuốc vào ban đêm.
Không gọi thuốc là kẹo
Theo phản xạ, cứ nói đến thuốc, bé nghĩ ngay đến vị đắng và không chịu uống. Rất nhiều mẹ đã dùng chiêu “dương đông kích tây”, nói dối thuốc là kẹo để bé chịu uống. Trước mắt mẹ có thể thở phào vì con đã chịu uống thuốc, tuy nhiên mẹ đã vô tình khiến con không biết phân biệt đâu là thuốc, đâu là kẹo. Rất có thể vô tình con thấy thuốc trong túi xách của mẹ mà tưởng đó là kẹo rồi ăn ngon lành.
Lưu trữ thuốc đúng cách
Thuốc trị cảm, ho, sốt là những loại thuốc phổ biến mà mẹ nào cũng trữ trong nhà đề phòng lúc đêm hôm cần dùng đến. Để tránh không cho con tự ý tiếp xúc với thuốc, mẹ cần cất kỹ thuốc trong tủ có khóa và đảm bảo tủ được treo cao trên tầm với của con.
Không chỉ thuốc, kể cả những loại dung dịch tưởng chừng vô hại như nước xúc miệng cũng có thể gây nguy hiểm cho con khi con uống với lượng lớn. Do đó, mẹ không nên chỉ vì ngại mở tủ ra hàng ngày mà để những loại dung dịch này ở bên ngoài.
Thuốc – con dao hai lưỡi có thể khiến con bị ngộ độc (Ảnh minh họa) |
Phòng tránh ngộ độc hóa chất tẩy rửa
Có thể nói so với ngộ độc thuốc thì ngộ độc hóa chất tẩy rửa còn nguy hiểm và xảy ra thường xuyên hơn gấp nhiều lần. Nhiều mẹ cứ nghĩ đóng kín cửa nhà tắm là có thể ngăn ngừa được các nguy cơ ngộ độc hóa chất tẩy rửa cho con. Tuy nhiên, những bé đã biết đi hoàn toàn có thể mở được cửa, thêm vào đó không phải lúc nào mẹ cũng để ý được 24/7 rằng cửa nhà tắm đã khóa. Để “triệt tiêu” nguy cơ ngộ độc này, ngoài việc khóa cửa nhà tắm, các mẹ nên đảm bảo những điều sau.
Để xa tầm tay trẻ em
Trên bất kỳ sản phẩm, hóa chất tẩy rửa nào mẹ cũng đều thấy ghi “Để xa tầm tay trẻ em”. Nếu đảm bảo được điều này, các mẹ đã giảm được phần lớn nguy cơ ngộ độc hóa chất cho con. Có rất nhiều cách mẹ có thể áp dụng để giúp con tránh xa những loại hóa chất này. Ví dụ, trong nhà tắm mẹ nên nhờ bố thiết kế cho một chiếc giá sắt treo tường để đựng toàn bộ những đồ như bột giặt, dầu gội, nước javen…
Vỏ nào ruột nấy
Khi san sẻ các loại hóa chất dạng lỏng, rất nhiều mẹ thường tận dụng những chai nước ngọt đã dùng trước đó. Điều này rất dễ khiến con “tưởng” những lọ hóa chất là đồ có thể uống và cho lên miệng tu ừng ực.
Trường hợp ngộ độc dầu luyn xảy ra với em bé 13 tháng tuổi ở Tuyên Quang chính là một ví dụ điển hình cho nguy cơ này. Tốt nhất, các mẹ không nên đổi vỏ các loại hóa chất, hoặc có đổi thì phải dán nhãn cẩn thận để người lớn trong nhà biết và để ở nơi trẻ không tiếp xúc được.
Cẩn trọng trong lúc sử dụng
Mặc dù đã rất cẩn thận trong việc lưu trữ nhưng chỉ vì một chút sơ xẩy lúc sử dụng, mẹ cũng có thể khiến con bị ngộ độc. Khi đang dùng hóa chất, các mẹ nên đưa con đến một phòng khác hoặc nhờ người trông giữ cẩn thận. Tránh tình trạng mẹ lau nhà ở tầng 3 lại để nguyên chai nước lau sàn ở chân giường tầng 2 trong khi bé đang chơi đùa ở đó.
Luôn nhớ “Vỏ nào ruột nấy” các mẹ nhé! (Ảnh minh họa)
|
Phòng tránh những nguy cơ ngộ độc khác
Làm đẹp cho mẹ, ngộ độc cho con
Nước hoa, mỹ phẩm là những đồ mà mẹ nào cũng có. Tuy nhiên, các mẹ thường hay để mỹ phẩm ngay trên mặt bàn sau khi trang điểm với suy nghĩ dùng lần sau cho “tiện”. Tuy nhiên, chính cái “tiện” ấy lại vô tình khiến con bị ngộ độc.
Nhìn thấy lọ nước hoa hồng đẹp mắt, bé rất có thể cho lên miệng uống khi trong đầu nghĩ đến lọ siro ngọt lịm. Do đó, mỗi lần dùng xong, mẹ nên cất hết những đồ này vào ngăn kéo hoặc tủ có khóa.
Đồ chơi cũng gây ngộ độc
Hiện nay, khi đồ chơi Trung Quốc tràn ngập thị trường với nhiều kiểu dáng, loại hình khác nhau, việc chọn mua cho con những loại đồ chơi vừa giúp tăng cường trí tuệ, vừa bảo vệ sức khỏe khiến không ít mẹ đau đầu.
Với những đồ chơi được sơn màu, các mẹ nên cẩn thận bởi hầu hết các loại sơn trang trí hiện nay đều có hóa chất nhuộm màu độc hại chứa chì, rất có hại cho cơ thể trẻ nhỏ. Ngoài ra, mẹ tuyệt đối không nên mua những loại đồ chơi có chứa chất lỏng bên trong bởi khi bị vỡ, chất lỏng bên trong rất dễ bắn vào mắt, vào miệng con. Tóm lại, thay vì chọn các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc, các mẹ nên quan tâm hơn đến những đồ chơi chất lượng và an toàn của Việt Nam.
Hạt nở là một trong những loại đồ chơi nguy hiểm cho bé
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Cách xử trí khi con bị ngộ độc
Ngộ độc là điều mà không mẹ nào mong muốn xảy ra với con mình. Tuy nhiên, khi chuyện không may này xảy ra, sức khỏe và tính mạng của con phụ thuộc hoàn toàn vào sự nhanh nhẹn và hiểu biết của mẹ.
Khi thấy con có dấu hiệu ngộ độc, các mẹ cần gọi ngay người thân để cùng đưa bé đi cấp cứu, không cố cho bé nôn ra.
Nếu hóa chất dính vào da, mắt bé, mẹ nên rửa sạch với nước trong vòng ít nhất 15 phút sau đó đưa bé đi kiểm tra.
Nếu bé nuốt phải hóa chất, bạn nên cho bé uống nước hoặc sữa ngoại trừ trường hợp bé có các biểu hiện như nôn mửa, mất tỉnh táo, hôn mê.
Trong trường hợp bé bị ngộ độc hít phải hóa chất (ví dụ như khí CO từ bếp than tổ ong), mẹ nên đưa bé ra chỗ thoáng khí trong lúc chờ cấp cứu đến.
Ngoài những cách xử lý trên đây, mỗi mẹ cũng nên tự trang bị cho mình kiến thức về những kỹ thuật sơ cấp cứu cơ bản như kỹ thuật hồi sức tim phổi (CPR) và kỹ thuật đẩy bụng (Heimlich maneuver).
Trên đây là những chia sẻ của tôi về cách phòng ngừa cũng như xử lý ngộ độc xảy ra trong gia đình có con nhỏ. Chúc các bé khỏe mạnh, chúc các mẹ đuổi xa được những nguy cơ sức khỏe có thể xảy đến với tổ ấm của mình.
Mẹ Tâm tít (Theo Khám phá)
Nguồn: vietnamnet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét