Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Kiếp Hoa

Kiếp hoa là số phận của một đóa hoa. Kiếp hoa xem chừng “thú vị” lắm, nhưng không phải vậy. Kiếp hoa ở đây lại là kiếp hoa Phù Dung, chứ nếu được như một trong số các loài hoa bền lâu, có hương hoặc có sắc cũng còn “đỡ tủi thân”. Vì ít ra cũng còn có chút gì đó gọi là “vui sướng”. Ước gì chúng ta là những đóa hoa Bất Tử!

Tháng Mười Một, Tháng Cầu Hồn, chúng ta nhớ tới các linh hồn nơi Luyện Hình bằng cách hy sinh và cầu nguyện cho họ, đồng thời cũng là khoảng thời gian cần thiết để nhìn lại thân phận mình cũng như một “kiếp hoa” mà thôi!
ĐÓA HOA PHÙ DUNG
Hoa Phù Dung (Hibiscus Mutabilis) còn gọi là Mộc Phù Dung, Địa Phù Dung, Phù Dung Núi, hoặc Mộc Liên. Phù Dung là một loài thực vật có hoa thân vừa, thuộc họ Cẩm Quỳ (Malvaceae). Cành Phù Dung mang lông ngắn hình sao. Lá có năm cánh, cuống lá hình tim, mép có răng cưa, đường kính có thể tới 15 cm, mặt dưới nhiều lông hơn, 5 thùy hình 3 cạnh ngắn, có 7 gân chính. Hoa lớn có 2 loại: hoa đơn (5 cánh), hoa kép (nhiều cánh). Hoa thay đổi màu sắc (sáng trắng, trưa hồng, chiều đỏ) vì trong cánh hoa có chất anthoxyan bị ô-xít hoá khi tiếp xúc với không khí, kích thước hoa khoảng 10–15 cm. Kiếp Phù Dung quá ngắn ngủi: sớm nở, tối tàn!
Kiếp hoa đó chẳng gì xa lạ, mà chính là đời người của mỗi chúng ta! Kiếp phù dung cũng như cuộc đời chúng ta, liên tục thay đổi “màu sắc” và mau tàn. Quả thật, đúng như Thánh Vịnh (Tv 103:15-16) đã xác định:
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi
Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng
Một cơn gió thoảng là xong
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình!
Làn ranh sinh – tử rất mong manh, khe sống – chết chỉ là “khoảng tích tắc”, cứ tưởng dài mà lại ngắn, ngắn hơn chúng ta tưởng. Đó là quyền của Thiên Chúa, Đấng tạo dưng nên chúng ta: “Chúa lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi” (Tv 104:29).
Cuộc đời ngắn ngủi, tựa thoi đưa, vụt mau như bóng câu qua cửa sổ, thế mà đầy những đoạn trường, vui mừng chẳng mấy chốc. Mơ ước nhiều mà chẳng trọn được bao nhiêu!
Với bản tính con người yếu đuối, khi đau khổ cùng cực, ông Gióp đã nguyền rủa chính mình: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời.
Phải chi ngày ấy là đêm tối. Phải chi từ nơi cao thẳm Thiên Chúa đừng để ý tới ngày ấy làm gì. Phải chi trên ngày ấy ánh sáng đừng chiếu rọi. Phải chi trên ngày ấy tối tăm mờ mịt bao trùm, mây đen đến che phủ và sương mù bỗng dưng ập xuống.
Phải chi đêm ấy bị tối tăm xâm nhập, không được kể vào niên lịch, không được tính trong số các tháng. Phải chi đêm ấy là đêm cô đơn buồn thảm, đêm chẳng hề có tiếng reo vui.
Phải chi những kẻ đã nguyền rủa ngày đã sẵn sàng đánh thức con giao long cũng nguyền rủa đêm ấy. Phải chi tinh tú ban mai thành tăm tối mịt mờ, và ban mai uổng công chờ ánh sáng, không hề thấy bình minh xuất hiện” (G 3:2-9). Nghe mà não lòng quá, và chúng ta lại chợt nghĩ về thân phận mình!
Với cảm giác tương tự, tác giả Thánh Vịnh cũng đã phải thốt lên: “Lạy Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, trước Thánh Nhan, đêm ngày con kêu cứu. Nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài, xin lắng nghe tiếng lòng thổn thức. Vì hồn con ngập tràn đau khổ, mạng sống con âm phủ gần kề, thân kể như đã vào phần mộ, ví tựa người kiệt sức còn chi! Con nằm đây giữa bao người chết, như các tử thi vùi trong mồ mả đã bị Chúa quên đi, và không được tay Ngài săn sóc. Chúa hạ con xuống tận đáy huyệt sâu, giữa chốn tối tăm, giữa lòng vực thẳm. Cơn giận Chúa đè nặng thân con như sóng cồn xô đẩy dập vùi. Chúa làm cho bạn bè xa lánh và coi con như đồ ghê tởm. Con bị giam cầm không thể thoát ra, mắt mờ đi vì quá nhiều đau khổ (Tv 88:2-10). Đọc tâm sự của người mà chợt gặp thấy chính mình, buồn rười rượi!
Ai nên khôn mà chẳng khốn một lần. Chính những lần vấp ngã là những kinh nghiệm sống quý giá và là những nấc thang đưa chúng ta lên cao hơn. Với kinh nghiệm sống và kinh nghiệm điều hành Khánh Lễ Viện,Thánh LM Don Bosco nhắc chở chúng ta: “Khốn khó càng nhiều thì càng phải tin cậy vào Thiên Chúa”. Chắc chắn Thiên Chúa không bỏ rơi ai: “Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có tương lai và hy vọng” (Gr 29:11). Vả lại, Thiên Chúa “biết hết mọi sự” (1 Ga 3:20).
Kiếp người khác chi kiếp hoa, không chỉ ngắn ngủi mà còn chẳng mang theo được gì khi nhắm mắt, xuôi tay. Thế mà người ta vẫn kèn cựa nhau đủ thứ, không chịu nhường nhau một bước nào.
Đơn giản như khi đi đường, ai cũng có lúc lỡ lầm, thế mà người khác chỉ va quẹt chút xíu thôi, người ta vội hung dữ với nhau, nhẹ thì chửi rủa, nặng thì ẩu đả, thậm chí còn dám đâm chém nhau. “Một câu nhịn là chín câu lành”, nhưng người ta lại nghĩ rằng “một câu nhịn là chín câu nhục”. Đáng sợ quá!
Biết chắc đời người như kiếp hoa mà thôi, vậy mà người ta vẫn kèn cựa nhau trong mọi lĩnh vực. Rõ nét nhất là vật chất. Có thể nói rằng thời đại ngày nay có dạng hội chứng mới là “hội chứng vật chất”. Người ta trọng bề ngoài hơn.
Nhưng thôi, cứ bỏ ngoài tai hết, chấp nhận điên khùng vì Nước Trời, và không ngừng cố gắng thực hành lời khuyên của Thánh Phêrô: “Hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói xấu gièm pha” (1 Pr 2:1). Đời là thế! Thế gian nó gian xảo thế đấy!
Tiền nhân nói: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Tục ngữ nói: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Thậtvậy, “ở rộng thì người cười, ở hẹp thì người chê”, chẳng làm sao có thể sống vừa lòng hết mọi người.
Chúa Giêsu là Thiên-Chúa-làm-người, là Đấng chí thiện, thế mà vẫn bị người ta ghen ghét “tới bến”, ghét cay ghét đắng, thậm chí là thù, để rồi họ giết Ngài chết te tua tơi tả. Cuộc sống thật nhiêu khê, “dốt nát thì bị khinh, thông minh thì bị ghét”. Chúa Giêsu luôn thẳng thắn, thật thà, hiền lành,… nên bị người ta ghét. Có lần Ngài đã đặt vấn đề: “Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20:13-15).
Kiếp hoa là thế, bọt bèo và mong manh. Phàm nhân như cánh bèo trôi lêu bêu trên dòng đời tưởng chừng như vô định, không biết trôi về đâu. Nhưng trong mọi hoàn cảnh và bất cứ bằng giá nào, hãy ghi nhớ: “Dù thất vọng nhưng đừng tuyệt vọng” (x. 2 Cr 4:8). Thiên Chúa vẫn đồng hành với chúng ta: “Ta ở gần khi tấm lòng con tan vỡ, cứu con khi tâm thần thất vọng ê chề” (Tv 34:19).
Và lạ thay, đối với các Kitô hữu, kiếp hoa bình thường bỗng trở thành vô thường: Hoa Phù Dung sẽ hóa thành Hoa Bất Tử. Và rồi tất cả cũng sẽ qua. Sau cơn mưa, trời lại sáng! Ước gì mỗi chúng ta đều nhận thức rõ thân phận cát bụi của mình, mong manh và ngắn ngủi như kiếp hoa, biết vậy không phải để bi quan, yếm thế, hoặc buông xuôi, nhưng nhờ đó mà có thể can đảm quyết tâm “sống như mình sắp chết” và “hành động như mình bất tử”.
ST

Không có nhận xét nào:

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...