Không phải do ngẫu nhiên mà Thánh bộ Tòa Thánh xưa kia mệnh danh là “THÁNH BỘ CÁC TU SĨ VÀ TU HỘI ĐỜI”, gần đây đã thay đồi danh xưng của mình thành “THÁNH BỘ CÁC HỘI DÒNG SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN VÀ CÁC TU HỘI HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ”. Phải chăng đây là một lời mời gọi các tu sĩ điều chỉnh lại lối quan niệm “đi tu” không lột tả được cái chính yếu? Không nhiều thì ít, người ta thường ghép việc tu trì với kiểu “tu thân tích đức”, hoặc “tu thân tề gia…” mà tựu trung chỉ quy về con người, không đặt liên hệ nào với Thiên Chúa. Và người ta dễ dàng quên rằng đời tu là một hình thức đặc biệt của sự thánh hiến cho Thiên Chúa. Do đó mà để trả lời cho câu hỏi làm tựa đề bài viết này, chúng ta hãy tìm xem tác động của sự thánh hiến trên đời tu.
CỨU CÁNH CỦA SỰ THÁNH HIẾN
Khi Thiên Chúa thánh hiến thì Người dự liệu một cứu cánh, mà cứu cánh này đồng thời cũng là một con đường: đó là sự phó thác hoàn toàn của người được thánh hiến cho sự linh hứng của Thánh Thần. Đây là điều mà Hội Thánh trình bày trong Giáo Lý mình: “Đời sống tận hiến qua việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, là một lối sống bền vững, nhờ đó các tín hữu theo sát Đức Kitô, dưới tác động của Thánh Linh, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa như Đấng đáng mến yêu tột bậc, ngõ hầu một khi đã hiến thân, với một danh nghĩa mới và đặc biệt, cho việc tôn vinh Thiên Chúa, cho việc kiến thiết Giáo Hội và cho phần rỗi thế giới, họ nhắm tới Đức Ái hoàn thiện trong việc phục vụ Nước Chúa, và trở thành dấu chỉ rực rỡ trong Giáo Hội tiên báo vinh quang trên trời.” (GL.đ.573/1).
Đáp lại sự thánh hiến cách cụ thể có nghĩa là nhạy cảm với những “tiếng gọi lặp đi lặp lại của Chúa”. Quá trình “đoạn giao” này gây nên một cơn “khủng hoảng cá vị” biến cải con người. Con người này lao vào một “lộ trình tìm kiếm” ý Chúa, bị đẩy vào trong một trạng huống “Xuất hành”, bởi lẽ kinh nghiệm về Thiên Chúa qua sự thánh hiến đưa người ấy trở về lại sự cô tịch riêng của mình, nghĩa là về lại “giao điểm của những ý định của Chúa”.
Như thế, bằng con đường thánh hiến, con người xem trong cuộc đời của mình và đối phó với những vấn đề hiện sinh riêng của mình thay vì tránh né chúng. Con người đứng trước sự lựa chọn: hoặc phát triển và thăng tiến bản thân mình, hoặc từ bỏ mọi thứ ấy để cứu người khác.
Người được thánh hiến thay đổi lối nhìn và lối hành động của mình, bởi vì lối sống của người ấy đã đi vào một “thế giới mới” = Thế giới của Thần Khí là Đấng dường như có những đường lối là cho ta bỡ ngỡ. Người được thánh hiến dựa vào Tin Mừng mà thực hiện sứ mạng của mình. Điều hệ trọng đối với người ấy là phát huy tính năng động của sự thánh hiến một cách trường kỳ, hơn là xem mình thuộc về một nhóm người đã được đề bạt bởi Giáo Luật. Tính năng động này đòi hỏi một thái độ biện phân tinh thần thường xuyên để giữ mình thường xuyên bén nhạy với Tình Yêu của Chúa, cũng như để làm chứng cho Nước Chúa trong việc thực thi Đức Mến qua nhiều dạng thức.
Sự biện phân tinh thần là “sự phán đoán ngay thằng theo Tin Mừng, là sự định hướng giúp con người tìm ra lối sống căn bản có kết cấu chặt chẽ nhất, vào những thời điểm nhất định, phù hợp với những mục tiêu đã dự tính”. Nó sẽ luôn hệ tại trong “định hướng hoạt động theo Thánh Thần”, để hiệp nhất tự nhiên và ân sủng, cảm tính và lý tính …
Sự thánh hiến đặt trên cơ sở nhân học của sự cố kết giữa não và tim, giữa trí năng và cảm năng – sự cố kết này giữa hai thành tố là điều kiện không thể thiếu để được hiệp nhất với Thánh Thần.
Trong Thân Ước, Thần khí của Chúa có đặc tính “Kiến tạo cơ cấu”= Người được liên kết với tình yêu (1C 13) và với sự tuyên tín (1C 12:3); Người có mặt để xây dựng cộng đoàn (1C 4:2) và bảo đảm sự hiệp nhất (Rm 12;1C 12). Người là nơi xuất phát của hoạt động đoàn sủng – Người là Thần Khí tạo sự chuyển động, “đổi mới mặt địa cầu”.
KHỞI ĐIỂM: LỜI GỌI
“Lời kêu gọi” là một đề tài thường nghe trong Kinh Thánh. Thiên Chúa kêu một dân, và những con người cụ thể. “Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính là vì yêu thương anh em và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em …” (Đnl 7: 7-8) – Những thí dụ về tiếng gọi cá biệt được Kinh Thánh thuật lại thì rất nhiều, và thường theo một sơ đồ mẫu : Lời chào mở đầu, lệnh truyền giao cho một sứ mạng, luận bác của người được chọn, lời đáp của Thiên Chúa trước luận bác và dấu chỉ để minh xác tiếng gọi. Các yếu tố này của kinh nghiệm trong Kinh Thánh vẫn còn giá trị cho kinh nghiệm thời nay,
Nhưng “tiếng gọi” không chỉ giới hạn trong một hành động của dĩ vãng mà người ta còn tiếp tục trung thành. Đây là một lời gọi thường xuyện của Thiên Chúa, “để con người tiếp tục đáp lại sự Thánh hiến mà chính người thực hiện nơi họ. Do đó, sống ơn gọi sẽ đòi hỏi một sự tái khám phá liên lỉ ý nghĩa của lời gọi của Thiên Chúa, mọi lúc và mọi thời kỳ của kiếp sống con người.
Và do đó mà ơn gọi luôn sẽ là một “tiếng gọi vô định, bí mật, huyền nhiệm” của Thiên Chúa; đó là một “thứ mà người ta đang sở hữu và cũng không ngừng ra sức chiếm hữu”. Điều này đòi hỏi một thái độ luôn tìm kiếm, vì đây là “một dự phóng phải thực hiện trong một quá trình theo đuổi”: Điều này lại sẽ đòi hỏi sự biện phân trong cuộc tìm kiếm này, bởi vì đây là những ngưỡng cửa phải bước qua hơn là những bước tường chắn – Ơn gọi dìm con người vào trong một thái độ “hành hương”, kéo người ấy ra khỏi bản thân mình.
Vì thế, ơn gọi hệ tại ở việc “sống theo tác động của Thánh Thần” hơn là “làm việc này việc kia”. Cho nên vấn đề là sống theo dự phóng hơn là theo một chương trình được vạch sẵn. Đó là sự chọn lựa sống đời tu Dòng không thể là vì động lực của một hành động thuần túy nghiệp vụ (người ta có thể làm đủ mọi thứ nghề với tinh thần Kitô mà không cần phải buộc về một cơ cấu tu dòng nào theo Giáo Luật cả): sự chọn lựa phải là do một “hành động của tiếng gọi”.
Phải sống ơn gọi như là một hồng ân, cách tự nguyện, tự do và như có một ý nghĩa.
Người ta không bao giờ được xem ơn gọi như một sự can thiệp vụng về của Thiên Chúa vào cuộc đời của một con người. Luôn luôn phải có sự cố kết giữa “ơn gọi – lạc phía – ân sủng”, làm sao cho sự gia tăng của mỗi một thành tố cũng đồng thời kiện cường hai thành tố kia. Một ơn gọi sống với một cường độ mãnh liệt hơn cũng phải tương ứng với một lạc phúc và một ân sủng lớn hơn.
Ân sủng không loại trừ sự tự lập của con người hoặc của tự nhiên. ở đây có điều gì đó tương tự như điều mà một người thanh niên làm trong ngày anh hứa hôn: người thanh niên ấy hiến trọn tình yêu của anh cho người thiếu nữ mà anh đã chọn: làm như thế có nghĩa là anh từ bỏ không những tình yêu đối với những người nữ khác, mà còn từ bỏ cả những vui thú của một đời sống tự do nữa. cảm thấy vui thú trong đời tu trì của mình – mà đó là dấu chỉ của ơn gọi – do đó nhất định bao hàm luôn một sự đoạn tuyệt kiên quyết với những gì trái ngược với tính chân thực của ơn gọi ấy. Thú vui mà người ta cảm nhận được như thế là phát sinh sự khổ chế. Mâu thuẫn chăng? Không đâu! Người nào cảm nhận vui thú trong sự hoàn thành một phận sự đến mức độ say mê phận sự ấy, thì người đó tất biết rõ bằng kinh nghiệm rằng cảm thức ấy không cho phép mình tung tăng nữa – Và điều này không phải là gánh nặng cho mình.
Cho nên sẽ thật là sai lầm nếu quả quyết rằng phải chọn giữa “ơn gọi tu Dòng” và “thành tựu nhân bản”: người ta không thể phát huy cái này mà làm thiệt cho cái kia. Cũng vậy, khi mà sự lựa chọn liên hệ đến “Thiên Chúa và con người”, hay khi phải lựa chọn một ơn gọi mà vừa biết rằng mình vừa bước vào một cuộc sống vô vị, nhưng sau này mình sẽ nhận được phần thưởng của sự hy sinh mà mình đã chấp nhận ở đời này. Người đi theo ơn gọi sẽ phải là con người luôn luôn quân bình, trên đó ân sủng tác động: người ấy đảm nhận những xu hướng của cảm tính và của bản năng bằng cách vượt lên trên những xu hướng ấy.
Nếu lời gọi được “mệnh danh là trường kỳ”, thì điều này có nghĩa là người ta không những phải đảm trách nó, mà còn phải tái khám phá nó không ngơi. Nó là một “dự phóng của lời gọi” trước hết, hay là dự phóng của sự đáp trà lại một tiếng gọi liên lỉ.
Hạt nhân của ơn gọi là tình yêu, và điều này mang ý nghĩa trong mức độ người ta sống ơn gọi trong bầu khí của tình yêu. Phải nhìn ơn gọi như là cái nhìn của Đấng khác (Đức Giêsu Kitô) hướng tới những người khác (sứ mạng) và với những người khác (cộng đoàn).
Nếu chúng ta hiều như thế, thì ơn gọi sẽ đặt chúng ta vào trong một thái độ đầy yêu sách và đòi hỏi một “nguyện vọng LÀ” thay vì một “nguyện vọng LÀM”. Vì thế các cộng đoàn tu sĩ phải gồm những người “được gọi liên lỉ” và không ngừng biện phân tiếng gọi”.
LỜI KÊU GỌI TẬN HIẾN
Lời gọi này thể hiện bằng “lời khấn” mang ý nghĩa tận hiến, trọn vẹn và không hạn chế. Lời khấn gồm có ba, như thế nó thánh hiến ba chiều kích hiện sinh của con người: “có”, “yêu” và “là”. Người ta tuyên khấn với Chúa để phục vụ thế giới, trong sự hiệp thông với Hội Thánh.
Người tu sĩ được thánh hiến cho Thiên Chúa “trong thế gian” dù phải “sống trong thế gian”. Sự quân bình giữa ba chiều kích này – về phía các tu sĩ – giả định một quá trình mà người ta phải theo đuổi và một sự tìm kiếm mà người ta phải thực hiện. Bằng sự thánh hiến này họ biểu thị trong thế gian “tính ngôn sứ và chứng tá” như là kết qủa của sự nỗ lực để thủ đắc sự quân bình nói trên. Sống đức tin tức là sống sự thánh hiến bao gồm một sự cam kết hướng tới đời sống đức tin.
Vì thế, trên thực tế, sự thánh hiến được biểu hiện bằng một quá trình hòa nhập vào một dân đón nhận giao ước, quá trình này đòi hỏi một lối sống cụ thể. Trong Tân ƯỚc, sự thánh hiến chiếm lấy trọn cuộc sống của người tín hữu, một người đã trở nên dấu chỉ trường kỳ của sự hiện diện của Chúa và sự phục sinh của Đức Giêsu.
Tam thức “Thiên Chúa – Dân – Con người” cấu tạo sự thánh hiến. Đây là một dự phóng làm viên mãn trong việc thành toàn con người và nước Chúa. Thiên Chúa lấy sáng kiến – sự thánh hiến là tác phẩm của Người: chỉ Thiên Chúa mới có thể làm cho con người đạt tới sự thánh hiến, nghĩa là khiến con người dấn thân trọn vẹn. “không phải anh em đã chọn Thầy, mà là Thầy đã chọn anh em” (Ga 15:16). Đây là sự đấn thân suốt cả đời người, chớ không phải chỉ là một hành động nhất thời: con người sẽ phải biết các thập giá, hiến mạng sống mình hoặc sẵn sàng hy sinh mạng sống mình, kiềm chế uy danh riêng của mình để đi theo Đức Giêsu. (c 9: 22-25)
Trong Kinh Thánh, mỗi lời gọi của Thiên Chúa đều tháp vào trong lịch sử cứu độ. Đó là một ơn gọi đảm nhận sứ mạng ngôn sứ vì Nước Chúa và làm dụng cụ được Thiên Chúa tuyển dụng cho sự cứu rỗi. Đó là một lời gọi vào một đời sống giao ước, để đồng hành với thế gian và cứu nó. Cảm thức về việc uống máu ăn thề, đặc tính của những cuộc giao ước, là biểu tượng của sự quyến luyến nhau, sự chia sẻ cùng những kế hoạch, những dự phóng, những khát vọng, những ước mơ, những mục đích và định hướng.
Từ tất cả những điều nói trên, hệ luận là sự thánh hiến thực sự trở thành liều lĩnh và mạo hiểm:
Liều lĩnh và mạo hiểm bởi việc phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa để “yêu mến Người trên hết mọi sự ” (LG 44) mà không biết trước những đòi hỏi cụ thể của tình yêu là gì.
Liều lĩnh và mạo hiểm khi hiến trọn đời mình để phục vụ Hội Thánh và Hội Dòng mà không thể tiên liệu được những đòi hỏi của sự phục vụ này.
Liểu lĩnh và mạo hiểm khi cam kết vĩnh viễn cho đến chết mà không biết những trở ngại sẽ mọc lên trên đường đời.
Liều lĩnh và mạo hiểm khi dấn mình vào thế giới mình phải cứu rỗi mà không để bị lây nhiễm bởi thế giới mà mình phải xa lánh.
Những liều lĩnh và mạo hiểm này, trong cách chúng biểu thị và trong những đòi hỏi của chúng, người ta phải chấp nhận chúng ngày này sang ngày khác. Cho nên sự thánh hiến sẽ là sự gắn bó với con người Đức Giêsu Kitô nhờ đó người ta nhìn tương lai chỉ trong một cái nhìn bao quát. Sự thánh hiến là sự phó mình cho Chúa như là một giá trị tuyệt đối trong mọi biến cố. Đó là cái nhìn trên một sự chung thủy mà người ta phải sống bằng sự hiệp thông liên lỉ với Người. Niềm tin vào Thiên Chúa thúc giục chúng ta chấp nhận mọi bước liền của sự thánh hiến, không đắn đo, do dự.
Và sự thánh hiến luôn giả định sự cố kết vững bền nhất trong liên hệ với Thiên Chúa, với thế gian, với cơ chế và với chính mình. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người ta không được nghĩ tới chuyện tháo lui.
Sự thánh hiến giả định một thái độ tìm kiếm không ngừng, giúp phát hiện những dấu chỉ của thời đại. Nó giả định sự đột nhập của Thiên Chúa vào trong mỗi người và nó tỏ ra là phương tiện để phong trào thiên sai cứu rỗi tỏa lan trên mặt đất. Nó đòi hỏi ta làm sao cho mọi người đều thấy được sự hiện diện của Thánh Thần là Đấng phải tiếp tục sự nghiệp của Đức Giêsu Kitô.
DẤU ẤN THÁNH HIẾN
Điểm xuất phát là bản thân con người. “Có – yêu – Là ” là nền tảng của sự thánh hiến trong sự dấn thân đi theo Đức Giêsu. Bằng sự thánh hiến, chúng ta không bài trừ cái có, cái yêu hay cái là, nhưng chúng ta định hướng chúng sao cho phù hợp với các mục tiêu của sự thánh hiến.
Chúng ta thử xem những tương quan của các khuynh hướng này với sự thánh hiến “vì Nước Chúa” cũng như với các yếu tố cấu tạo Hội Thánh.
LÀ | YÊU | CÓ |
VÂNG LỜI | ĐỘC THÂN K. TỊNH | NGHÈO KHÓ |
Xây dựng thế giới | Làm cha mẹ | Làm việc |
Ý Chúa | Tình huynh đệ | Thăng tiến tập thể |
+ Tương quan với “CÓ”
Thiên Chúa phán: “hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1:28). Mục tiêu này cấu tạo tiêu chuẩn của sự nghèo khó. Người ta hướng cái “Có” về sự chia sẻ, bằng thái độ liên đới giữa những con người lao động và thăng tiến tập thể loài người. Hiểu như thế, nó là nguồn gốc của sự chia sẻ.
Vì thế, điều hệ tại không phải là “không có” mà là “có cho đúng cách” vì Nước Thiên Chúa.
+ Tương quan với “YÊU”
Kitô Giáo đâm rễ của nó và các giá trị của nó sâu trong Đức Mến: “Anh em hãy yêu mến nhau” (Ga 13: 35). Mặt khác, mỗi người đều có nhu cầu yêu và được yêu; nếu khác đi thì sự quân bình cá vị của người ấy sẽ bị ảnh hưởng. Hoặc người ta biết yêu, hoặc trái lại những cái lập dị, những thói xấu, những căn bệnh sẽ phát sinh. Với tình yêu, toàn cái mạng lưới bản năng làm cha làm mẹ và làm anh em sẽ can dự vào. Sự độc thân kiểm soát tình yêu này và giải phóng nó nhằm vào sự sinh con cái cho Nước Chúa. Thái độ phục tùng và giảng dạy được thực hiện bằng sự kiện “yêu”. Tình yêu là nền tảng của sự hoán cải và sự phục vụ. bởi lẽ không có gì đáng giá nếu không có yêu thương, thanh luyện nó và cho nó một sự phong nhiêu của Nước Chúa.
+ Tương quan với “LÀ”
Con người sinh ra để lớn lên, nghĩa là để “LÀ” hơn. Sinh ra để rồi cứ mãi mãi là trẻ con, thật là điều không bình thường. Lớn lên giả định tham vọng phát huy bản thân mình, và muốn trở thành lớn hơn, thì đó là chuyện bình thường. Bằng lời khấn vâng lời, người ta điều chỉnh bản thể – cái mình “LÀ” – theo ý Chúa; người ta ao ước kiến tạo thế giới với những phạm trù của nước Chúa – thái độ làm chứng là biểu tượng của lý do tồn tại của thế giới đang khao khát Nước Chúa, mà Đức Giêsu Kitô đã khai mạc: ơn cứu rỗi của Người ở tại đó. Cho nên người tu sĩ mà dấn thân vào trong và thế giới, thì đem lại cho thế giới này những viễn tượng cánh chung.
Sau hết, “Có – Yêu – Là” trở thành đối tượng của lời khấn, nghĩa là sự dấn thân trọn vẹn và không hạn chế, của người tu sĩ được thánh hiến. Đời tu không phải là sự phủ nhận “tư hữu”, “giới tính” hay “thành tựu”, nhưng kỳ thực nó là sự thánh hiến của cải, giới tính và sự lớn lên.
Sự thánh hiến tu dòng làm cho con người được thỏa nguyện hoặc bị cạn kiệt, tùy theo cách người ta sống sự thánh hiến này. Khi một người biểu thị và chấp nhận sự thánh hiến, thì người ấy biết rõ mình sẽ chọn cái gì, nhưng không biết được cái gì mình sẽ gặp phải trong suốt cuộc đời của mình. Đây luôn luôn là một lối mở ra cho một tương lai không có gì đảm bảo. Sự thánh hiến không mang lại hiệu quả vì chính sự thánh hiến, nhưng nó thực sự có một ý nghĩa cho một số người nhất định và điều này tùy vào cảm thức về sự dấn thân mà người ta đem lại cho cái thực tại mà người ta phải sống. Chúng ta đi tìm Chúa từ những yếu tố cấu thành cuộc hiện sinh dẫn chúng ta tới Thiên Chúa, với điều kiện những yếu tố này được định hướng cho đúng.
MỘT CON NGƯỜI
Sự thánh hiến được thành sự là để “đi theo Đức Kitô” để cứu rỗi thế gian. Khi đi theo Đức Kitô, người ta phát hiện các nhu cầu của con người và đi đến gần người nghèo, người ở bên lề xã hội – sự thánh hiến dẫn tới Đức Giêsu Kitô, không ngăn cản ai dấn thân vào thành trì địa giới; và nhờ Lời Chúa, người thánh hiến sống trong một sự biện phân liên lỉ, và từ đó hút lấy sức mạnh để làm việc cho Nước Chúa.
Như thế, người tu sĩ xác định lại sự thánh hiến của mình nhờ Bí Tích Rửa Tội, và khởi động một quá trình hoán cải dần con người mình.
Sự thánh hiến đem lại cho con người một định hướng mới, theo một số mục tiêu mà thoạt đầu đã không nằm trong các dự tính của mình. Nó buộc con người thay đổi trong dự phóng mà người ấy đã vạch ra rồi. Người ấy nhận thấy không thể thực hiện dự tính riêng của mình nữa, vì mình đã đi vào trong dự tính của Chúa.
Người tu sĩ được mời bước vào trong một thế giới mới, thế giới của ý Chúa, khiến họ xác định vị trí của mình một cách khác, bởi lẽ Thiên Chúa đã chiếm hữu họ rồi.
Người tu sĩ đã bước vào địa bàn hoạt động của Chúa và không còn thuộc về mình nữa: vì thế khi thay đổi cách sống thì người tu sĩ cũng thay đổi cách hành động của mình nữa.
Người ấy là sở hữu của Thiên Chúa. Dù vẫn cũng là con người ấy, nhưng chức năng đã khác, bởi lẽ cách liên hệ của người ấy với thế gian cũng đã thay đổi: người ấy tách mình rời khỏi cảnh vực riêng của mình vì lợi ích của sứ mạng, mà sứ mạng thì đòi hỏi sự sẵn sàng cao độ.
+ Người tu sĩ trở thành dụng cụ trong tay Chúa đến nỗi họ cảm nhận sự khiếm khuyết của những dự tính và của cái luận lý của mình. Người tu sĩ luôn thấy mình bị hở và bị đẩy vào những nhiễu loạn. Họ cảm thấy sự bé bỏng của mình, khiến họ đặt sự an toàn và tin tưởng của họ vào Thiên Chúa.
+ Cuộc sống “chia sẻ” xuất phát từ sự kiện họ “đồng hóa” mình với Đấng mà họ đi theo. Đúng ra, sự thánh hiến không hệ tại việc “ẩn náu” trong Thiên Chúa bằng việc hiệp thông với loài người. Nó không phải là sự cô lập, cũng không phải là sự trống rỗng của bản thân, cũng không phải là điều gì khác thường hay buồn tẻ mà là sự viên mãn đời sống, một đời sống theo ý Chúa, một niềm vui vô hạn là nhận ra rằng Thiên Chúa tín nhiệm chúng ta. Sự thánh hiến đòi hỏi ta đi vào mầu nhiệm vượt qua của sự chết và sống lại một cách trọn vẹn.
KẾT LUẬN
Sự thánh hiến là điểm khởi hành và là yếu tố căn bản và đầy năng động của người tu sĩ. Phẩm chất đời sống của người tu sĩ tùy thuộc sự thánh hiến. Nó đem lại ý nghĩa cho cả cuộc đời người tu sĩ. Khi thiếu hoặc không có thánh hiến trong đời sống của tu sĩ, thì đời sống này cũng thiếu ý nghĩa, dù người tu sĩ có sống gắn bó với sứ mạng.
Dự thánh hiến bao gồm trọn cuộc đời của người tu sĩ, vì đây không phải đơn thuần là một cam kết có tính cách hoạt động khác. Công việc mục vụ không thể giới hạn ở một vài điều mình “làm” như là một cách đóng góp quý giá và hào phóng, bởi lẽ nó trước hết phải là một cái gì đó vọt trào ra từ một cuộc sống tận hiến cho Nước Chúa.
Những thực tại sau đây phải được xem như là những yếu tố ưu việt của sự thánh hiến: Tin Mừng như là điểm tham chiếu liên tục, Đức Giêsu là trung tâm và là đường sự sống cánh chung, sự thành hình của cộng đoàn cho việc chia sẻ trong Hội Thánh, và chứng tá trong sứ mạng là hành động ngôn sứ.
Fr.FRANCOIS, fsc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét