Vào lúc bình minh của ngày thứ nhất trong tuần năm xưa, khi mặt trời vừa ló rạng, một nhóm những người phụ nữ ra viếng mộ Chúa. Các bà mang theo dầu thơm để xức xác Chúa theo phong tục của người Do Thái. Bỗng các bà bàng hoàng vì thấy ngôi mộ trống trơn. Trong lúc ngạc nhiên kinh sợ, có hai sứ thần y phục sáng chói và hỏi các bà: “Tại sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết?” (Lc 24,5). Đức Giêsu đã chết và đã được an táng trong mồ. Theo gợi ý của một số người biệt phái, Philatô cẩn thận cho người niêm phong và canh giữ mộ để tránh những bất trắc xảy ra. Vậy mà ngôi mộ ấy giờ đây đã trống trơn. Ngôi mộ trống là bằng chứng hùng hồn cho sự phục sinh của Đức Giêsu. Người đã sống lại như lời Người đã báo trước. Đức tin Kitô giáo khởi đi từ sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu, để xác quyết rằng: Người là Thiên Chúa hằng sống. Người đang hiện diện giữa cuộc đời.
Trong Cựu ước, cụm từ “Đấng Hằng Sống” được dành cho Thiên Chúa. Lần đầu tiên, Thiên Chúa tỏ mình cho ông Môisê qua bụi gai cháy bừng. Trả lời câu hỏi của ông Môisen: “Ngài là ai?”, Thiên Chúa phán: “Ta là Đấng Tự hữu”(Xh 3,14). Là Đấng Tự hữu, có nghĩa Ngài là Đấng vô thủy vô chung, là Đấng hằng tồn tại và hằng sống. Danh xưng“Thiên Chúa hằng sống” cũng được con người dùng để minh chứng cho lòng thành thật ngay thẳng của mình, đồng thời xin Ngài làm chứng cho một điều được khẳng định và cam kết. Tin vào Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống, đó là niềm tin căn bản của người Do Thái. Chúa là Đấng sáng tạo mọi loài và ban cho chúng sức sống. Dù trời đất có qua đi, Thiên Chúa vẫn tồn tại, bởi Ngài là Đấng Hằng Sống. Tác giả Thánh vịnh đã thốt lên:
“Chúng tiêu tan, Chúa còn hoài,
chúng như áo cũ thảy rồi mòn hao.
Ngài thay chúng khác nào thay áo,
nhưng chính Ngài tiền hậu y nguyên;
tháng năm Ngài vẫn triền miên”(Tv 102, 27-28).
Niềm tin vào Thiên Chúa Hằng Sống cũng là nét đặc thù phân biệt Do Thái giáo với các dân ngoại. Bởi lẽ các thần của dân ngoại đều là giống vô tri, không có sức sống. Dù được làm bằng vàng bạc, cũng chẳng có chi linh thiêng, vì “không có hơi thở nơi mồm nơi miệng” (Tv 135,18).
Niềm tin vào Thiên Chúa hằng sống đã giúp con người vượt lên mọi khó khăn nghiệt ngã của cuộc đời. Ông Gióp, trong cảnh khốn cùng, đã không mất niềm hy vọng vào Chúa. Cuộc sống đang an lành, bỗng nhiên ông mất hết mọi sự: con cái, tài sản, người thân… Bản thân ông phải ngồi trên đống tro, bạn bè xa lánh. Người vợ cũng nặng lời nguyền rủa ông là đồ vô phúc. Dù vậy, ông vẫn xác tín một niềm: “Tôi biết rằng Đấng Cứu chuộc tôi hằng sống” (G 19,25). Ông là mẫu mực cho những người tín hữu thánh thiện trung thành. Niềm tin vào Đấng Hằng sống cũng ban sức mạnh cho biết bao vị tử đạo Do Thái, vào thời đất nước bị Hy Lạp hóa và Do Thái giáo bị bách hại. Người mẹ can đảm mẫu mực được kể lại trong sách Maccabê đã khuyên các con: “Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình” (2 Mcb 7,23). Người mẹ đạo đức và các con đã vui lòng chấp nhận sự chết, vì họ tin rằng, Chúa sẽ cho họ sống lại và hưởng phúc vinh quang. Ngài cũng luôn trọng thưởng cho những ai trung tín với Ngài.
Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể làm người để cứu độ trần gian. Người là phản ảnh trung thực của bản thể Chúa Cha. “Ai thấy Thày là thấy Cha”(Ga 14,9), nhờ Chúa Giêsu mà con người được gặp gỡ, tiếp xúc và “chạm tới” Đấng Tối cao. Vào một ngày nọ, tại Xêdarê Philiphê, Chúa Giêsu đặt câu hỏi với các môn đệ: “Anh em bảo Thày là ai?”, Phêrô đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Thày là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16,13-16). Khi áp dụng danh xưng“Con Thiên Chúa Hằng Sống” cho Thày mình, Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng Israen tôn thờ. Ông cũng thấy rõ Thày mình là Đấng Messia muôn dân trông đợi và Người sẽ giải thoát Israen.
Kitô giáo không tôn thờ một người đã chết. Đức tin Kitô giáo cũng không tôn vinh một thân xác không hồn bị treo trên thập giá như đích điểm của cuộc sống nhân sinh. Nếu thập giá và Đấng chịu đóng đinh được trưng bày, là để nhắc cho mọi người biết, nhờ cái chết của Chúa Giêsu mà nhân loại được ơn cứu độ. Đức Giêsu chịu treo trên thập giá là bằng chứng cho tình yêu vô bến bờ của Thiên Chúa, một tình yêu ở mức cao cả nhất như chính Chúa Giêsu đã khẳng định:“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Chúa Giêsu đã chết trên thập giá. Nhưng Người đã sống lại. Thánh Phaolô quả quyết: sự chết không còn làm chủ được Người. Như thế, cốt lõi đức tin Kitô giáo là tuyên xưng Đức Giêsu đã chết và đã phục sinh. Chúng ta tôn thờ Đấng hằng sống đang hiện diện giữa chúng ta. Thập giá chỉ là một chặng đường, qua đó Chúa Giêsu đạt tới phục sinh.
Là Thiên Chúa hằng sống, Ngài cũng là sự sống của muôn loài. Quả thực, nhờ Thiên Chúa mà chúng ta sống động và hiện hữu (x. Cv 17,28). Khi sáng tạo, Chúa ban cho con người sự sống. Nhờ đó mà con người được nắn nên từ bùn đất có sinh khí, sức mạnh và khôn ngoan. Thiên Chúa chia sẻ và thông ban sự sống cho con người. Ngài tạo dựng nên con người không phải để rồi trở về hư vô sau khi đã kết thúc hành trình trần thế. Trái lại, Ngài cho con người chia sẻ vinh quang với Ngài trong cõi sống đời đời. Ngài cũng mời gọi con người chọn lựa sự sống và tôn trọng sự sống. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói:“Nhiều khi con người không chọn lựa sự sống, không chọn lựa Tin Mừng sự sống, mà để cho mình bị hướng dẫn bởi các ý thức hệ và luận lý ngăn cản sự sống, không dung tha sự sống, bởi vì chúng bị chỉ huy bởi sự ích kỷ, lợi nhuận, bổng lộc, quyền bính, thú vui, chứ không phải bởi tình yêu thương và việc kiếm tìm thiện ích của người khác. Đó là ảo tưởng thường xuyên muốn xây dựng kinh thành của con người mà không có Thiên Chúa, không có sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là một tháp Babel mới, khi nghĩ rằng việc khước từ Thiên Chúa và khước từ Tin Mừng sự sống mà vẫn có thể đem đến sự tự do cho con người” (Bài giảng lễ tại quảng trường Thánh Phêrô, ngày 16-6-2013).
“Tại sao các bạn lại tìm người sống nơi những kẻ chết?”, các sứ thần cũng đang đặt ra cho người tín hữu chúng ta câu hỏi này để giúp chúng ta tinh luyện đức tin. Nơi khá nhiều người tín hữu hôm nay, đức tin vào Thiên Chúa như tin vào một câu chuyện cổ tích hoặc một nhân vật thần thoại. Bởi thế, họ không được gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng hằng sống đang hiện diện và đồng hành với họ trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Nhiều người giáo dân tôn thờ kính mến Chúa nhưng chỉ giới hạn trong nhà thờ. Thiên Chúa hằng sống không bị lệ thuộc vào thời gian và không gian. Ai đón nhận Ngài sẽ được chứa chan hạnh phúc. Ai khước từ Ngài, sẽ chuốc lấy đau khổ triền miên. Tác giả Thánh vịnh đặt ra câu hỏi và đồng thời cũng trả lời: “Ai là người thiết tha được sống, ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan? Phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa; hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà” (Tv 34,13-15).
“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Mc 12,27), Chúa Giêsu đã khẳng định như thế. Những ai tin vào Chúa cũng được định hướng để đạt được sự sống đời đời. Người tín hữu cần xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống trong cuộc đời, nhờ đó họ được chia sẻ sự sống siêu nhiên ngay khi còn sống trên dương thế. Nhờ tin vào Đấng hằng sống, chúng ta có thêm nghị lực vượt lên những chướng ngại của cuộc sống, trung thành với Chúa và vững bước theo Ngài.
Mùa Phục sinh 2017
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
1 nhận xét:
Đọc và ngẫm...
Đăng nhận xét