Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

5 mặc khải bất ngờ của Bí Mật Thứ Ba Fatima

Ngày 13 Tháng Năm 2017, sẽ là ngày kỷ niệm đúng 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (Bồ Đào Nha). Thế kỷ vừa qua, nhiều nhân vật trên khắp thế giới, đã đưa ra bao nhiêu là ý kiến, giả thuyết nhằm giải mã những sứ điệp ẩn tàng của ba “bí mật” Fatima. Dầu vậy, chính chị Lucia đã cho biết “việc giải thích này không phải là việc của thị nhân, nhưng là việc của Giáo hội, của Huấn quyền Hội thánh”. Giải thích vô số dấu chỉ, biểu tượng liên quan đến sự kiện Đức Mẹ Fatima, đấy là việc thuộc Huấn quyền Giáo hội, nhằm giúp cho các tín hữu có được một chỉ dẫn rõ ràng để nhận ra ý Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta.
Và Giáo hội đã thực hiện điều này vào năm 2000, khi hồng y Joseph Ratzinger, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã có một bản giải thích, chú giải khá dài về điều vẫn được gọi là “Bí Mật Thứ Ba” đình đám. Ngài đã minh giải các dấu chỉ, biểu tượng liên quan đến các cuộc hiện ra của Đức Mẹ, và chỉ ra, có những mặc khải rất lớn lao.
Dưới đây là 5 mặc khải khiến chúng ta ngỡ ngàng, nơi “Bí Mật Thứ Ba” liên quan đến Đức Mẹ Fatima, theo như lời minh giải của đức hồng y Ratzinger (hiện giờ là giáo hoàng danh dự Bênêđíctô XVI).
Hãy sám hối, hãy sám hối, hãy sám hối!
1. “Từ khoá mấu chốt của phần thứ ba này là lời hiệu triệu, van xin: ‘Hãy sám hối, hãy sám hối, hãy sám hối!’ Những lời gợi nhớ lại những lời mở đầu của Tin Mừng: ‘Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’ (Mc 1,15). Nhận ra các dấu chỉ của thời đại nghĩa là nhận ra, nghĩa là nhận ra tính cấp bách của việc cần phải sám hối – hoán cải – và tin. Đây là lời đáp trả cần kíp phải có vào thời điểm lịch sử hiện nay, một thời điểm đang phải đối diện với rất nhiều thảm hoạ tang thương có thể xảy ra, như được mô tả qua các hình ảnh”.
Sứ điệp trọng tâm của Đức Mẹ Fatima chính là “sám hối”. Đức Mẹ đã cố gắng nhắc nhớ thế giới về việc, cần phải từ bỏ tội lỗi, từ bỏ ác quỷ, và chữa lành, khắc phục những hậu quả gây ra do tội lỗi chúng ta. Đây chính là “chìa khoá” giúp hiểu phần còn lại của “bí mật” này. Tất cả đều xoay quanh việc cần phải sám hối.
Thanh gươm lửa là do chúng ta tự đúc ra
2. “Vị thiên thần cầm thanh gươm lửa đứng bên trái Đức Mẹ, gợi nhắc lại hình ảnh tương tự trong sách Khải Huyền. Hình ảnh này cho thấy sự đoán phạt mà thế giới phải chịu. Ngày nay, khả năng thế giới có thể bị huỷ diệt thành tro bụi bằng một biển lửa, xem ra không chỉ còn là chuyện tưởng tượng đơn thuần nữa: chính con người, với các phát minh của minh, đã rèn ra thanh gươm lửa ấy. Tiếp đến, thị kiến cho thấy có một lực đối lại với lực huỷ diệt – tức là ánh sáng toả ra từ nơi Mẹ Thiên Chúa, một cách nào đó, ánh quang này phát xuất từ những lời hiệu triệu kêu gọi người ta sám hối”.
Phần đoạn đặc biệt này trong thị kiến có lẽ là đoạn buồn nhất. Ra như Thiên Chúa có thể dùng “thanh gươm lửa” mà đánh phạt chúng ta. Tuy nhiên, hồng y Ratzinger lưu ý chúng ta rằng, “thanh gươm lửa” có thể là một thứ gì đó do chính chúng ta tạo ra (chẳng hạn bom hạt nhân) khác hẳn với lửa từ trời xuống. Điểm đáng mừng là thị kiến cho thấy thanh gươm lửa “bị dập tắt khi chạm vào ánh quang của Đức Mẹ” có liên quan đến lời kêu gọi “Hãy sám hối, hãy sám hối, hãy sám hối”. Đức Mẹ nắm giữ tiếng nói quyết định, ánh quang của Mẹ có thể chặn đứng bất kỳ đại hoạ nào.
Tương lai không tất định
3. “Tầm quan trọng của tự do con người được nhấn mạnh: tương lai không phải là một điều gì đó tất định, và hình ảnh mà các trẻ nhìn thấy không phải là một cuốn phim quay cảnh tương lai, trong đó, mọi chuyện không thể thay đổi được. Quả vậy, trọng tâm hướng tới của thị kiến là nhấn mạnh tới vai trò của tự do, và khuyến khích người ta biết dùng tự do của mình mà làm những chuyện tích cực, tốt lành … [Thị kiến này] nhắm kích thích các năng động lực để tạo nên các đổi thay theo hướng tích cực, đúng đắn”
Trái với niềm tin bình dân, các thị kiến mà Đức Mẹ Fatima cho chúng ta nhìn thấy, không phải là một cuốn phim cho thấy những điều chúng ta sẽ phải trải qua. Chúng là một viễn cảnh báo trước trước những điều có thể xảy ra, nếu ta không biết đáp lại lời kêu gọi thống hối và hoán cải của Đức Mẹ. Tự do của chúng ta vẫn còn đó, và chúng ta được thúc giục hãy dùng nó để mưu cầu thiện ích cho toàn thể nhân loại. 
Máu các tử đạo là hạt giống làm triển nở Giáo hội
4. “Phần kết luận của ‘bí mật’… là một thị kiến đầy an ủi, thị kiến này giúp soi giọi, và cho thấy sức mạnh chữa lành của Thiên Chúa vẫn tác động trong cả một lịch sử đầy máu và nước mắt. Dưới cánh thập giá, các thiên thần thu lượm máu các vị tử đạo, và với máu này, các ngài giúp mang lại sự sống cho các linh hồn đang hướng tìm Thiên Chúa… Như Giáo Hội đã được sinh hạ từ sự chết của Chúa Kitô, từ cạnh sườn bị đâm thủng của Người thế nào, thì sự chết của các tử đạo cũng sinh hoa trái cho sự sống tương lai của Giáo Hội như vậy. Do đó, thị kiến của phần thứ ba trong ‘bí mật’, dù thoạt đầu gây phiền não là thế, nhưng đã kết thúc bằng một hình ảnh đầy hy vọng: không có đau khổ nào vô ích cả, và chính một Giáo Hội đau khổ, một Giáo Hội của các vị tử đạo mới trở thành cột mốc chỉ đường cho con người trong cuộc truy tầm Thiên Chúa của họ”.
Thị kiến này đúng là chứa chan đau khổ và nguy biến, nhưng đó không phải là những khổ đau vô ích. Giáo Hội có thể phải đau khổ nhiều trong những năm sắp tới, và chúng ta chẳng ngỡ ngàng chi về điều này. Giáo Hội vốn đã chịu bách hại ngay từ khi Chúa chúng ta chịu đóng đinh rồi, và những đau khổ hiện nay của chúng ta chắc chắn sẽ mang lại các hoa quả tốt lành tương lai.
Đừng sợ. Thầy đã thắng thế gian
5. “‘Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ sẽ thắng’. Điều này có nghĩa là gì? Trái Tim Mẹ rộng mở cho Chúa, được thanh tẩy nhờ việc gẫm suy, quan chiêm Người, Trái Tim ấy thì mạnh hơn bất kỳ súng đạn nào… Thần Ác đang có uy lực trong thế giới này… Nó có uy lực vì tự do của ta, hết lần này đến lần khác bị dẫn dụ rời xa Thiên Chúa. Nhưng… tự do chọn điều ác không còn tiếng nói sau cùng của nó nữa… tiếng nói quyết định là những lời thế này: ‘Các con sẽ phải chịu nhiều thống khổ trong thế gian, nhưng can đảm lên; Thầy đã thắng thế gian’ (Ga 16:33). Sứ điệp Fatima mời gọi ta tin tưởng vào lời hứa này”
Tóm lại, “bí mật” Fatima cho chúng ta niềm hy vọng giữa lòng một thế giới bị tan hoang bởi tham, sân, si và chiến tranh. Xatan sẽ không thắng được, và các âm mưu của nó sẽ bị phá tan bởi Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Rất có thể sẽ có những đau khổ lớn lao trong tương lai gần, nhưng nếu ta biết bám chặt lấy Chúa Giêsu và Mẹ của Người, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng.
Philip Kosloski
Chuyển dịch: Hoàng Long (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
https://aleteia.org

Không có nhận xét nào:

LỜI TẠ ƠN CUỐI NĂM 🌸

Năm 2024 gần khép lại, từng nhịp đồng hồ đang tiến về năm mới 2025. Giây phút “tống cựu nghinh tân” là thời khắc thiêng liêng đất trời giao ...