Mùa Chay là thời gian thuận tiện cho chúng ta cảm nghiệm và đón nhận Tình Yêu – Lòng Thương Xót của Chúa bằng cách trở về “nhà Cha”, khiêm tốn nhìn nhận mình “đã xúc phạm đến trời và đến Cha” và xin Cha tha thứ. Thực hành sám hối mùa Chay không dừng lại ở tâm trạng hối lỗi, nhưng còn dẫn tới việc giao hòa với Chúa và với nhau qua bí tích Giao hoà.
Không có sám hối không nhận được Lòng thương xót
Đức Thánh Cha Phanxicô khi được hỏi liệu có thể có Lòng Thương Xót mà không cần nhìn nhận tội lỗi mình hay không, ngài trả lời: “Lòng Thương Xót có đó, nhưng nếu bạn không nhận biết mình là người có tội, thì điều này có nghĩa là bạn không muốn nhận Lòng Thương Xót, bạn không cảm thấy cần Lòng Thương Xót”.[1] Nếu chúng ta không trở về với mình và mở lòng ra (cor) để nhận ra nỗi khốn cùng của mình (miser), thì chúng ta không bao giờ nhận được lòng thương xót (misericordia). Mở lòng ra để nhận thấy tình trạng khốn cùng của mình, cũng đồng thời ta hướng ngay về Thiên Chúa vốn giàu tình thương và thành tín.
Trong câu chuyện Người con hoang đàng (Lc 15, 11-32), người con ấy chỉ nhận ra tình cảnh khốn cùng tội lỗi của mình khi lâm cảnh bĩ cực và tê tái nhất. Khi anh ta tiêu phí hết sạch tài sản, rơi vào tình cảnh đói khổ cùng cực đến nỗi phải đi chăn heo, và đói muốn ăn thực phẩm của heo mà cũng không được. Chúng ta nhớ rằng người Do thái coi heo là con vật ô uế (biểu tượng cho cái xấu xa và sự tha hoá) và ăn cùng với ai có nghĩa là cùng chia sẻ (hiệp thông) sự sống với họ. Như vậy, tình cảnh của anh được diễn tả là ngay cả anh muốn “chia sẻ” cuộc sống với con vật được cho là nhơ bẩn nhất mà cũng không được. Quả là một sự mô tả rất ấn tượng cái khốn cùng của bi kịch của tội lỗi. Tự giành lấy quản lý đời mình không cần đến Chúa có nghĩa là không còn sống nữa, là lạc mất ý nghĩa, vẻ đẹp, sức mạnh, điều cốt yếu nhất của cuộc sống. Thế rồi, đứa con hoang đàng bấy giờ mới ý thức tất cả sự cùng khốn của mình và nó hồi tâm rồi quyết định trở về.
Lòng Thương Xót là “căn tính”, là “Danh” Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn thành tín tha thứ cho dân bất trung bất tín (x.Êdêkiel 16). Ngài ban mình cho chúng ta, cúi xuống tha thứ cho chúng ta, những kẻ đớn hèn sống trong tội lụy. Thiên Chúa luôn tìm cách đi vào tâm hồn con người tội nhân, luôn cố tìm ra một khe hở nhỏ để ngài ban ơn, Ngài không muốn bất kỳ một ai hư mất. Lòng Thương Xót của Ngài lớn vô cùng.
Bruce Marshall kể trong tiểu thuyết“Một xu cho tất cả mọi người” (To Every Man a Penny) cha Gaston, đan viện phụ, giải tội cho một người lính Đức trẻ bị các du kích Pháp kết án tử hình. Người lính thú nhận đã lao vào vô số cuộc phiêu lưu tình ái với các phụ nữ. Vị linh mục giải thích anh phải sám hối để được tha thứ và xá giải. Anh lính trẻ trả lời “làm sao tôi sám hối được, vì đây là những chuyện tôi thích thú, và nếu có cơ hội tôi sẽ lại làm thế, ngay cả trong lúc này? Với ước muốn xá giải cho người sắp chết, cha Gaston được linh hứng và hỏi: “Nhưng anh có lấy làm tiếc vì mình đã không hối tiếc hay không?” Anh lính trẻ trả lời ngay: “Vâng. Tôi lấy làm tiếc vì đã không biết hối hận về những gì mình đã làm”. Nói cách khác, anh hối lỗi vì đã không sám hối. Cánh cửa tâm hồn chỉ cần hé mở cho ơn Hoà giải đi vào.
Lòng Thương Xót ăn mừng vì một người tội lỗi sám hối
Thiên Chúa khiêm hạ bày tỏ qua hình ảnh người cha tự trở nên bé nhỏ, hèn hạ để nhường không gian cho con được tồn tại. Sự khiêm hạ của Thiên Chúa thể hiện qua sự kiện Ngài tự ý lui ra đàng sau cho chúng ta được hiện hữu, Ngài tạo không gian cho phẩm giá của thụ tạo. Có thể nói Thiên Chúa tự giới hạn mình để chúng ta có thể hiện hữu với tự do. Thiên Chúa toàn năng nhưng Ngài không muốn cứu độ chúng ta trái với ý muốn của ta. “Nhân đức ẩn tàng trong sâu thẳm của Thiên Chúa là sự khiêm hạ” (Tauler), vì chỉ Thiên Chúa là cội rễ từ đó tác tạo không gian cho tha nhân với một thái độ tôn trọng sâu xa của tình yêu tác tạo.
Thiên Chúa biết hi vọng. Ngài không chỉ nhường không gian cho chúng ta sống mà còn mong muốn ta được hiện hữu đáp lại tình yêu trong tự do và vô cầu. Ngài biết chờ đợi trong khát khao và mừng rỡ mở tiệc ăn mừng vì người con hoán cải trở về.
Lí do của nỗi khổ và niềm vui ấy bộc lộ trong câu nói từ miệng Người: “Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (c. 24.32). Người con ấy “đã chết”, tức tự hủy diệt sự sống mình, “đã mất”, tức người con đã rời xa Người. Điều rất đẹp ở đây là: Thiên Chúa đau khổ trước hết là vì thụ tạo của Người đau khổ! Đối với Chúa, quan trọng hàng đầu không phải là nỗi đau trong lòng Người, mà là nỗi đau khổ của tha nhân. Thiên Chúa đau nỗi đau của tình yêu.
Thiên Chúa khiêm hạ và hi vọng đi bước trước, Ngài tiên liệu chúng ta cần Lòng Thương Xót của Ngài. Thiên Chúa chờ đợi chúng ta trong nhẫn nại “chừa cho Ngài dù chỉ là một khe hở nhỏ nhất để Ngài có thể tha thứ và thể hiện lòng nhân từ”.[2]
Chúa tha thứ cho ta để ta biết tha thứ cho nhau
Bị tổn thương ít nhiều là điều dường như không tránh khỏi trong hầu hết đời sống các đôi vợ chồng và gia đình. Dù những tổn thương có được bộc lộ ra qua những lời lẽ tức giận và phê phán đi nữa hoặc được giấu kín trong âm thầm và lặng lẽ rút lui, chúng cũng gây hậu quả là xói mòn tình cảm và sự tin tưởng. Thường, đó không là những vấn đề lớn, nhưng chỉ là những chuyện nhỏ nhặt hằng ngày tích tụ lại như những viên gạch đá dần xây nên bức tường, cho tới khi những người phối ngẫu cảm thấy mình bị vong thân đến mức không còn có thể ở gần bên nhau được nữa.
Tha thứ trong hôn nhân phục hồi lại sự hợp nhất ở đâu có chia rẽ. Tạo lại một cặp đôi từ hai con người phối ngẫu đang tức giận hay bị thương tổn. Phải trưởng thành ở một mức nào đó người ta mới có thể tha thứ sau khi bị xúc phạm, bởi lẽ điều đó có nghĩa rằng là một người phối ngẫu chọn đặt người bạn đời trước mặt mình. Việc ấy cho thấy người đó coi việc phục hồi lại mối quan hệ vợ chồng quan trọng hơn là minh giải ai đúng ai sai hay trả thù. Tha thứ quả là khó khăn. Vì vợ chồng xúc phạm nhau hằng ngày trong chuyện nhỏ chuyện to nên họ phải thực hành sự tha thứ thường xuyên hầu giữ các vết thương tổn không nghiêm trọng thêm. Ngôn ngữ bộc lộ cũng quan trọng: không chỉ nói “anh rất tiếc” nhưng là “em tha lỗi cho anh nhé!”, không chỉ là “không có gì” nhưng là “em tha thứ cho anh”. Khi thương tổn nghiêm trọng tới mức gây ra sự ly thân, cách ly, thì sự tha thứ cần thiết cho cả hai phía; nó giải phóng đôi bạn khỏi nỗi căm giận để mà làm lành yêu thương trở lại.
Thế nhưng, tha thứ còn là gì hơn nữa chứ không chỉ nói lên lời tha thứ. Gần gũi nhau về thể xác có thể làm dịu và chữa lành thương đau. Một chút hài hước có thể làm dịu bớt tình hình căng thẳng. Một chút lãng mạn cũng có thể làm mềm lòng con tin cứng cỏi nhất.
Hoà giải cũng tốt cho sức khỏe thể lý và tâm lý của mỗi người. Người ta viết nhiều về tác hại của tâm trạng giận dữ đối với sức khỏe. Nhiều người kể họ ngủ được sâu hơn, bớt căng thẳng, bớt đau bao tử, ít nhức đầu hơn khi để cho cơn giận dữ ra đi và chấp nhận tha thứ. Tha thứ làm giảm nguy cơ bị viêm loét, bị đau tim, và cao máu.
Tha thứ rất quan trọng trong gia đình. Trẻ nhỏ mà biết trong gia đình có căng thẳng, xung đột giữa cha mẹ, bị tác động nặng nề. Khi vợ chồng tha thứ cho nhau, bầu khí gia đình được cải thiện và con cái học gương thứ tha của cha mẹ.
Tha thứ cũng quan trọng trong cộng đoàn. Khi một nạn nhân tha thứ cho người tội phạm hại mình, sự kiện lan truyền ra nhanh chóng vì thái độ đáp trả thông thường là trả thù. Nhưng thách đố tha thứ công khai nhắc chúng ta nhớ đến lời mời gọi và gương của Chúa Giêsu hãy tha thứ cho kẻ xúc phạm đến ta.
Tha thứ đòi hỏi chấp nhận nguy cơ và can đảm. Tha thứ đòi hỏi ta phải có một đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, và tin vào lòng tốt của người kia. Tha thứ đòi hỏi từ bỏ mình, và nhìn nhận rằng một cuộc hôn nhân được gầy dựng bởi tình yêu, với một lịch sử và một sự cam kết dấn thân, thì quan trọng hơn những dị biệt nhỏ (hoặc to). Điều đó không nhất thiết có nghĩa là chấp nhận hành động xúc phạm hay quên đi thương tổn. Tha thứ là nói rằng “Chúng ta quan trọng hơntôi”.
Trong đức tin Công giáo, tha thứ và chữa lành là ân sủng của bí tích hôn nhân. Nhiều cặp chỉ có thể tha thứ sau khi cầu nguyện xin Chúa ban ơn cho biết chấm dứt oán hận, xa lìa nhau. Tha thứ mang lại tự do, sự sống mới cho đôi bạn và cho mối quan hệ của họ.
Tiến trình của sự tha thứ có thể đi qua các bước sau đây:
- Nhìn nhận mình bị xúc phạm và đau đớn.
- Chấp nhận (quyết định) tha thứ.
- Nhớ rằng tha thứ cần thời gian (là một tiến trình).
- Nhớ rằng tha thứ là ta ‘chết đi một ít’, không dễ dàng cũng không vui thích gì.
- Nếu thấy khó tha thứ cứ bước tới và nghĩ về gương tha thứ của các bậc thánh đức như Chúa Giêsu, Oscar Romero, Gioan Phaolô II, … để lấy thêm tinh thần.
- Hãy biết tha thứ cho bản thân.
- Tưởng nghĩ đến những điều bạn yêu nơi người bạn đời của bạn, và nhận ra mình còn cảm thấy yêu và cảm thương nàng/chàng.
- Nhớ lại có lúc nào ai đó đã từng tha thứ cho bạn, và đã biết ơn biết bao vì người ấy đã ân cần với bạn, tha thứ cho bạn.
- Xét đến những hậu quả ngắn và dài hạn của sự việc chưa chấp nhận tha thứ.
- Cầu nguyện xin Chúa ban cho sự can đảm và tình yêu đủ để tha thứ.
- Ăn mừng việc hoà giải, và nhận biết ơn sủng ban cho mối quan hệ của bạn.
- Khi bạn có nhớ đến nỗi đau của vết thương cũ, hãy nhắc đi nhắc lại sự giao hoà, tha thứ đã làm, tình yêu đã đổi mới.
––––––––––––––––––––––
[1] ĐGH PHANXICÔ, Danh Ngài là Thương Xót, bản dịch Việt ngữ của Thái Hoà, NXB Hồng Đức 2016, tr.72.
[2] Ibid. 52.
Luy Nguyễn Anh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét