Được Thánh Thần tác động, Ðức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”. (Lc 10,21)
Tự do là huyền nhiệm lớn trong phận người. Với tự do này, con người dễ to ra, hơn là nhỏ lại. Thực ra, con người không to, nhưng tưởng mình to, như thế nó không muốn đón nhận người khác và Thiên Chúa; hoặc là, nó chỉ muốn chiếm lấy những gì nó thích. Trong học tập, con người cũng có thể ham hố làm cho cái đầu to ra, mà không lo tiêu hóa vào đời sống. Thế nên, tâm hồn bé nhỏvừa là một ơn, vừa là một nỗ lực lớn không ngừng. Hoa trái này không nhỏ, nhưng lớn đến nỗi làm cho Thầy Giêsu hớn hở vui mừng ngợi khen Cha.
2. Gặp gỡ Thầy Giêsu nơi vị trí độc nhất vô nhị của Người
“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho“. (Lc 10,22)
Trong sách Đức Giêsu thành Nazaret phần I, chương 9, Đức Benedic 16 chia sẻ: Có một cách gặp gỡ Thầy Giêsu theo kiểu nhân bản mà uyên bác như Karl Jasper. Ông coi Thầy Giêsu cùng với Socrates, Đức Phật, và Khổng Tử là bốn nhân vật mẫu mực, để từ đó đi tìm con đường làm người đúng đắn. Khi ấy, cái tôi đóng vai trò chính trong hành trình kiếm tìm và chọn lựa. Có một cách gặp gỡ khác, đó là cách gặp gỡ của người môn đệ, của Phêrô trong niềm xác tín: bỏ Thầy chúng con biết theo ai (Ga 6,68). Trong kinh nghiệm này, tôi tự nguyện nhận Thầy Giêsu làm vai chính trong đời mình, vì tôi xác tín rằng, không có con đường nào hơn.
Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 266, Đức Phanxico chia sẻ: Chúng ta không thể liên lỉ và nhiệt thành loan báo Tin Mừng, nếu bằng kinh nghiệm cá nhân, không xác tín được rằng, gặp gỡ Thầy Giêsu hoàn toàn khác với việc không biết Người, bước đi với Người hoàn toàn khác với mò mẫm, có thể lắng nghe Người hoàn toàn khác với việc không nghe Lời Người; có thể chiêm niệm, thờ phượng, nghỉ ngơi trong Người hoàn toàn khác với việc không làm những điều ấy. Cố gắng xây dựng thế giới với Tin Mừng của Người, khác với cách làm việc ấy chỉ với những lý do riêng của mình. Chúng ta biết, với Thầy Giêsu cuộc sống sung mãn hơn nhiều, và với Người chúng ta dễ dàng tìm thấy ý nghĩa của mọi sự.
3. Trở thành môn đệ trong hạnh phúc
Ðức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe”. (Lc,23-24)
Đây là loại hạnh phúc mà các vua chúa là những người có quyền thế nhất, các ngôn sứ là những người cao minh nhất trong đường thiêng liêng, luôn kiếm tìm. Các môn đệ được nhìn, được nghe Thiên Chúa, không phải ở xa xa như trong Cựu ước, không phải ở cao hay sâu thăm thẳm như trong nền tâm linh Ấn Độ, không phải là khó cảm nhận hay khó đạt tới như Thiên của Khổng Tử, như Đạo của Lão Tử. Thử nghĩ về con đường đức tin của Phêrô, để so sánh cuộc đời của ngài với các bậc cao minh kia. Ngài là người rất bình thường, nhưng cuộc đời ngài có nhiều bước chuyển tuyệt đẹp khi theo Thầy Giêsu.
Tôi có thể là một nhà triết học, nhà thần học, nhà khoa học, nhà lãnh đạo… Giữa bao danh hiệu khác nhau ấy, hai tiếng môn đệ có một vị thế đặc biệt, đến nỗi trở thành căn tính của người mang danh hiệu. Vâng, người tu sĩ đích thật là người môn đệ, người bước theo Thầy Giêsu với nghĩa chặt chẽ bao nhiêu có thể. Người môn đệ được Thầy ngỏ lời mời (ơn gọi) và họ tự nguyện đáp lại (đời dâng hiến), để rồi họ được Thầy huấn luyện (đời thánh hiến) và họ tự nguyện cộng tác (đời tu). Một đời tu ôm trọn con đường đức tin!
Vinh Sơn Vũ Tứ Quyết, S.J.
(dongten.net 04.12.2014)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét