Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Huyền nhiệm Tình yêu


Tình yêu là điều khó hiểu, “làm sao cắt nghĩa được tình yêu”. Cái khó hiểu của nó kéo theo nhiều khó hiểu và nghịch lý khác trong cuộc sống con người: cái tôi và tha nhân, đau khổ và hạnh phúc…
1. Cái tôi và tha nhân
Tình yêu là hành trình đi từ cái tôi đến tha nhân, hành trình chân chính nhất để tìm được sự hiệp nhất. Nhưng hành trình đến với tha nhân trong tình yêu lại khó hiểu và cũng khó khăn nhất, bởi vì đó chính là hành trình “tự hủy” (X. Pl 2,7).
Người ta có thể tìm sự “hiệp nhất” bằng quyền lực, bắt tha nhân phải theo ý mình, nhưng con đường ấy không là gì khác hơn bạo chúa. Tha nhân không phải là một cục đất sét để người khác có thể tự do nắn đúc. Càng muốn nắn đúc người khác theo ý mình, sẽ càng nhận ra lực chống đối từ cái bản ngã sâu xa của tha nhân, và cứ thế mà người ta biến mình trở nên bạo chúa :
Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong nhóm được coi là người lớn nhất, Đức Giê-su bảo các ông : “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 24-27).
Nẻo đường đến với tha nhân trong tình yêu chỉ có thể là nẻo đường tự hủy chính cái tôi đóng kín của mình, để tìm cái tôi chân thực rộng mở, nẻo đường mà Đức Giêsu đã chọn theo ý Chúa Cha, mặc dù Ngài “vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,7-8). Hiến chế mục vụ Công đồng Vatican II đã nói: “Chúa Giêsu đã mở ra những viễn tượng vượt qua cả lý trí con người, cho thấy có một nét tương tự nào đó giữa sự hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự hợp nhất của các con cái Thiên Chúa trong chân lý và tình yêu. Sự tương tự này cho thấy con người, tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, và họ chỉ có thể gặp lại bản thân khi chân thành trao ban chính mình” (MV 24c). Platon cũng từng bảo rằng: Tự chinh phục mình là chiến công vĩ đại nhất. Cái khó khăn nhất và cũng là cái vĩ đại nhất của kiếp người nằm ở chính cái tôi. Hành trình của tình yêu cho thấy rằng điều vĩ đại và khó khăn đó chính là “tự thuyết phục mình”, hay “hòa giải được với chính mình” trên hành trình yêu thương. Đức Giêsu, như một con người, đã thực hiện được “chiến công” ấy trong cuộc tử nạn của ngài.
2. Hạnh phúc và đau khổ
Nếu tình yêu là điều khó hiểu nhất, thì đau khổ cũng là một điều khó chấp nhận nhất, một sự khó hiểu trong nỗi bi đát của phận người.
Đức Phật tìm cách cho con người thoát khổ. Khát vọng muôn đời và sâu xa của nhân loại phải chăng cũng không là gì khác hơn khát vọng thoát khỏi khổ đau?
Nhưng Đức Giêsu hình như lại tự nguyện đi vào cuộc khổ nạn. Ngài dẫn theo những người môn đệ của mình đi vào nẻo đường của khổ đau. Ngài mời gọi những ai tin vào Ngài cũng vác thập giá của mình đi theo.
Dĩ nhiên, đó không phải là một thứ tình cảm bệnh hoạn, tìm đau khổ vì thích khổ đau. Đức Giêsu dẫn người tín hữu vào nẻo đường tìm hạnh phúc đích thực, gắn liền với khổ đau, thông qua khổ đau. Đó là con đường chiến thắng khổ đau bằng cách chấp nhận khổ đau. Đường nét chính yếu trong Kitô giáo có lẽ cũng chính là cách đối mặt thẳng thắn với thách đố nan giải nhất này của nhân loại.
Quả thật, con người khó đối mặt, thẳng thắn, minh nhiên, rõ ràng với đau khổ. Trước đau khổ của mình, người ta tìm cách đẩy nó cho người khác. Còn khổ đau của người khác thì muốn hợp lý hóa nó. Trước đau khổ của người thân, người ta oán hờn, trách móc.
Đau khổ chính là thách thức lớn nhất cho niềm tin tôn giáo, nhưng nếu không có niềm tin tôn giáo, con người lại bị bẹp dí dưới gánh nặng của đau khổ. Cũng như nẻo đường đạt đến tha nhân chân chính nhất là nẻo đường tự hủy cái tôi, thì nẻo đường tìm hạnh phúc Kitô giáo cũng chính là nẻo đường thông qua khổ đau. Khổ đau chỉ có thể lóe lên một chút ý nghĩa khi được đặt trong hành trình tìm hạnh phúc của tình yêu.
Chiến công vĩ đại nhất chỉ có thể gặt hái được trong “mặt trận” gian khó nhất. Kitô giáo không phải là thiếu vắng nụ cười, thiếu vắng niềm vui; không phải là nẻo đường bi quan, yếm thế, cam chịu, thất chí khi mà bầu khí chung có vẻ luôn mang máng hình ảnh Đấng chịu đóng đinh. Thật ra Kitô giáo chính là “tiếng gầm rú” vang vọng của lòng khao khát hạnh phúc đích thực. Kitô giáo là  nỗ lực mạnh mẽ nhất để vượt thắng cái tôi nhỏ hẹp, dám đánh đổi tất cả, ngay chính sự sống của mình, để đạt đến được cái tôi trọn vẹn trong tình yêu chân chính.
Lm. Giuse. Nguyễn Trọng Viễn – OP

Không có nhận xét nào:

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...