Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Thời gian

Thiên Chúa là Alpha và Omega. Ngài là khởi nguyên và tận cùng (Kn. 22: 13). Ðiều ấy có thể diễn tả cách khác, Thiên Chúa là thời gian. Nhưng Thiên Chúa là thời gian trong ý nghĩa Thiên Chúa làm chủ thời gian chứ không phải thời gian là Thiên Chúa. Thời gian chỉ hiện hữu trong sự hiện hữu của Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa hiện hữu trong thời gian. Hiểu như vậy, thì ai sống trong Thiên Chúa mới thật sự sống trong thời gian. Còn sống trong thời gian chưa phải là sống trong Thiên Chúa.

Thiên Chúa là Alpha và Omega. Thánh Yoan còn định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Jn. 4: 16). Thiên Chúa là thời gian và cũng là tình yêu. Như thế, thời gian và tình yêu song hành là một. Tôi sống trong Thiên Chúa là sống để yêu. Và sống trong thời gian là yêu để sống. Thời gian không có tình yêu sẽ thành lạnh lùng nghĩa trang, là củi mục buồn nản. Tình yêu ý nghĩa hóa và thắp hồn cho thời gian. Bởi đó, kẻ đang yêu là người sống trong thời gian với đắp đầy niềm vui êm ả. Kẻ biết yêu là người biết nhìn thời gian như dòng ngọc bạc. Và kẻ sống trong Thiên Chúa là người phải biết quý thời gian.

Chúa dựng nên tôi bằng thời gian. Chúa cứu rỗi tôi bằng thời gian. Tôi sẽ gặp Chúa bằng thời gian. Thời gian là tất cả, bởi đó tôi nên dành cho thời gian một suy tư của tôi về cuộc sống.

Nói về thời gian thì sách Giảng Viên trong Kinh Thánh viết như sau:

Có thời để sinh – có thời để chết
Có thời để trồng – có thời để nhổ
Có thời để giết chết – có thời để chữa lành
Có thời để phá – có thời để xây
Có thời để khóc – có thời để cười
Có thời để than van – có thời để múa nhảy
Có thời để quăng – có thời để lượm
Có thời để ôm – có thời để xa nhau
Có thời để tìm kiếm – có thời để thất lạc
Có thời để gìn giữ – có thời để vất đi
Có thời để xé – có thời để khâu
Có thời để nín thinh – có thời để lên tiếng
Có thời để yêu – có thời để ghét
Có thời giặc giã – có thời bình an

(Giảng viên 3: 2-8)

Có thời quăng đi, có thời lượm lại. Có thời than van, có thời nhảy múa. Ðó là những lời hứa, thế nhưng khi nào được lượm lại, khi nào được nhảy múa. Thực tế trong cuộc sống có quá nhiều chịu đựng gian nan. Có những cơn bệnh kéo dài của thân xác, có những nặng nề năm tháng của tâm hồn. Nó là những đường hầm dài hun hút khổ đau. Tiếng thở dài của con người vẫn là: Khi nào tôi mới qua khỏi tháng ngày bất hạnh này.

Những lời nói về thời gian của sách Giảng Viên trong Cựu Ước có lẽ đã được Chúa Yêsu cắt nghĩa trong bài giảng trên núi. Tin Mừng thánh Luca ghi như sau: “Phúc cho các ngươi, khi thiên hạ oán ghét các ngươi, khi họ loại các ngươi đi cùng sỉ mạ, khi họ khử trừ tên các ngươi như đồ xấu xa vì cớ Con Người. Hãy vui sướng trong ngày ấy, hãy nhảy mừng, vì này: phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lao” (Lc. 6: 20-26).

Nếu tôi phải quăng đi vì đức tin, sẽ có ngày tôi được Ngài đưa về với triều thiên. Nếu có thời tôi bị xé rách vì đức tin, sẽ có thời tôi được Ngài khâu lành bằng ơn sủng. Nếu có ngày tôi bị khóc than vì đức tin, sẽ có ngày Ngài đưa tôi vào dự tiệc Nước Trời.

Nếu lấy thời gian để xây đắp cho riêng tôi, sẽ có thời gian tôi bị vứt sạch khi Nước Trời đến. Nếu lấy thời gian để kiếm tìm cho riêng tôi, sẽ có thời gian tôi bị lạc lõng khi Nước Trời đến. Nếu lấy thời gian để ôm ấp cho riêng tôi, sẽ có thời gian tôi phải xa nhau khi Nước Trời đến.

Mầu nhiệm của thời gian và biến cố trong cuộc sống

Ðêm Giáng Sinh nối kết với đêm tử nạn trong mộ đá sâu. Ðể rồi một thời trong mộ đá sâu dẫn tới một thời Phục Sinh bừng sống. Có ngày than van vì đức tin thì hãy trông ở đằng trước, sẽ có ngày ủi an. Và cũng để nhắc nhở, nếu có thời chỉ yêu riêng đời mình thì hãy thận trọng vì có ngày chua cay. Ðau thương của tháng ngày bị xé rách ẩn trong tháng ngày được khâu lành. Ðó là huyền nhiệm của thời gian.

Con người không làm chủ được thời gian. Tôi chẳng thể biết những gì sắp xẩy ra ở tương lai. Ðiều này ảnh hưởng đến niềm tin của tôi. Vì không nắm chắc nên có lo âu, nghi ngờ. Nhưng làm sao tôi hiểu được ý định của Thiên Chúa từ alpha đến omega, từ khi chưa có mặt trời đến vô cùng mờ mịt hư vô. Phải chăng vì thế, thánh Yoan đã củng cố niềm tin của tôi khi Ngài bảo tôi rằng hãy nhớ từ nguyên thuỷ đến tận cùng Thiên Chúa mãi mãi là yêu thương (1 Yn. 4: 16).

Tôi không biết được thời gian. Ðời là những biến cố. Có những biến cố hôm nay mới trả lời cho biến cố mà tôi đã chẳng hiểu trong quá khứ. Ðiều ấy cũng hàm ý, biến cố hôm nay có thể chỉ trọn nghĩa khi tôi chờ sống trọn biến cố ngày mai. Nếu biết được thời gian, tôi chẳng còn niềm tin nữa. Ðã biết rồi, còn gì để tin. Tâm sự của một người thao thức lo âu về tương lai, có lẽ cũng là tâm sự của một cây hồng.

Lạy Chúa, Không thể coi thường thời gian thì con phải có thái độ nào đối với thời gian?

Thái độ đúng nhất là hãy yêu thời gian. Không có thời gian con không hiện hữu. Bởi đó, tất cả mục đích mà thời gian ban tặng là gọi con đi tới, là hãy sống, hãy quý trọn vẹn từng mẩu thời gian.

Ðặc tính của thời gian là không bao giờ chết. Thời gian vĩnh cửu. Bởi thế, con không giết được thời gian nhưng là thời gian giết con. Khi người ta “giết thời giờ” là lúc thời giờ đang giết họ. Nếu bản tính của thời gian đối với con là sự sống thì bất cứ hành vi nào làm phí phạm thời gian là hành vi xúc phạm đến sự sống, một tặng phẩm cao quý mà Chúa đã ban tặng con.

Con chẳng nhìn rõ được tương lai. Xin cho con hiểu những quãng thời gian huyền nhiệm là sự khôn ngoan và quan phòng của Chúa săn sóc cho con. Mọi biến cố xẩy đến trong cuộc sống của con đều đến từ định nghĩa: Chúa là Tình Thương (1 Jn. 4:16) từ khởi nguyên cho đến tận cùng (Kn. 22: 13).

Lm Nguyễn Tầm Thường

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Yếu đuối

Ai cũng muốn tránh yếu đuối. Ngoài đời sống xã hội, yếu đuối là những tà áo khác nhau mà người ta phải khoác. Có thể là nghèo túng, có thể là cô thân, cô thế, có thể là thiếu khả năng… Nhiều khi vì yếu đuối mà bị khinh rẻ, vì yếu đuối mà bị thiệt thòi. Yếu đuối trong ý nghĩa thiêng liêng là sa ngã vì cám dỗ. Dù yếu đuối dưới phương diện nào đi nữa thì yếu đuối cũng vẫn là những cánh áo không ai muốn mặc. Đáng buồn. Bởi đó, trốn chạy được bao nhiêu thì trốn. Giấu đi những yếu đuối được phần nào hay phần đó.
Vậy mà Phaolô lại bảo: “Nếu cần phải vinh vang thì tôi chỉ vinh vang về sự yếu đuối của tôi thôi” (2Cor 11:30).
Tôi có thể giấu được phần nào yếu đuối, không để lộ cho kẻ khác biết, nhưng tôi không trốn chạy được yếu đuối. Trên đường đi cuộc đời, chỗ nào cũng có yếu đuối. Yếu đuối gặp trong lúc đi đường. Có khi đường đi dẫn đến yếu đuối.
Tôi có thể tránh được phần nào chứ không tránh hết được yếu đuối. Nỗ lực tránh lầm lỗi là tiếng gọi phải theo. Nhưng bất mãn vì không tránh hết được là tự kiêu.
Yếu đuối là một phần bản tính, tìm sự trọn hảo không bao giờ vấp ngã là tìm sự thất vọng. “Này trong tà ác tôi đã sinh ra, và đã là tội lỗi khi mới là thai nhi trong bụng mẹ” (Tv 51:7). Yếu đuối tự trong bản chất của mình rồi, làm sao tôi có thể hủy bỏ được nó. Chính vậy, không nhìn nhận mình có yếu đuối sẽ rơi vào vực sâu thất vọng, mất niềm cậy trông. Khi đó, tôi là kẻ không nhìn nhận chính mình. Trong ý nghĩa ấy, điều kiện đầu tiên để tìm sự thánh thiện là biết mình yếu đuối, và nhận mình yếu đuối.
Yếu Đuối Trên Đường Theo Chúa
Tội lỗi là kết quả của yếu đuối. Sự chết là tiền công của tội lỗi (Rom 6:23). Bởi đó, yếu đuối, tội lỗi và sự chết đi với nhau. Như lời thánh vịnh, từ thai nhi trong lòng mẹ tôi đã vương tội rồi, vậy làm sao tôi có thể tự cứu mình thoát khỏi vấp ngã vì yếu lòng.
Yếu đuối làm ta lâm vào lầm lỗi, sa ngã, mất giá trị. Nhưng trên đường đi, yếu đuối cũng có thể là điểm hẹn gặp Đức Kitô. “Con Người đến để tìm cứu những gì đã hư đi.” (Lc 19:10).  Nhiều lần Đức Kitô vào dùng cơm trong nhà những kẻ tội lỗi. Trong yếu đuối, quyền năng của Chúa cũng được thể hiện. Chúa không cần sự yếu đuối như điều kiện để tôi gặp Chúa. Không phải để Chúa thể hiện quyền năng thì Ngài cần tôi phải yếu đuối. Nhưng là trong yếu đuối ấy, những gì đổ Ngài có thể chữa lành.
Thấy tình thương của Chúa trong yếu đuối thì yếu đuối sẽ biến đổi. Mất mát do yếu đuối gây nên là một đau khổ, nhưng cảm nghiệm được Chúa yêu thương là hạnh phúc cho mất mát. Yếu đuối gây khổ đau vì mình đánh mất chính mình. Nhưng cũng trong yếu đuối mà Chúa nâng đỡ thì tôi lại gặp được tôi. Có quăng đi của yếu đuối thì có nhặt lại của ơn sủng. Yếu đuối trên đường theo Chúa là yếu đuối hy vọng.
Bất hạnh lớn nhất của yếu đuối là yếu đuối không có Chúa, chứ không phải là tôi không thể tránh được yếu đuối. Trong yếu đuối, tôi vẫn có thể yêu cuộc đời. “Có cần đến lương y, hẳn không phải là người lành mạnh, mà là kẻ đau ốm” (Mt 9:12).
Yếu Đuối Để Biết Người
Biết mình yếu đuối có khi chỉ đưa đến thất vọng. Biết yếu đuối của mình có khi chỉ là sống trong mặc cảm. Nó là thế giới bất mãn buồn chán. Yếu đuối là những vết đen của cuộc sống, nên có khi càng nhìn, càng thấy cuộc sống tối. Không muốn nhìn mình yếu đuối, mình vẫn yếu đuối. Tại sao Thầy Thượng Phẩm là đại diện cho loài người giao tiếp với Thiên Chúa để dâng lễ đền tội mà không thoát khỏi yếu đuối tư bề?
“Chính Ngài cũng lâm phải yếu đuối tư bề để Ngài biết thương xót những kẻ u mê lầm lạc. Và vì yếu đuối, thì Ngài cũng phải dâng lễ đền tội cho mình như Ngài dâng lễ cho dân” (Heb 5:2-3).
Như thế, có thể tránh được yếu đuối không phải bằng cách trốn yếu đuối mà là đối diện.
Yếu đuối mà có Chúa cùng đi thì yếu đuối thành trông cậy. Biết mình yếu đuối mà cậy trông Chúa thì Chúa sẽ đi với tôi trong những phút yếu đuối.
Chính vì yếu đuối nên khi chưa yếu đuối tôi hay quên rằng tôi là người dễ sa ngã. Trong ánh sáng của cầu nguyện, yếu đuối sẽ nhắc nhở tôi về những giây phút tôi nghĩ mình không dễ sa ngã đó. Nhờ yếu đuối nhắc nhở, tôi xót thương những kẻ yếu đuối như tôi. Yếu đuối trong thái độ như vậy sẽ đưa đến hợp nhất.
Ghen tương xẩy đến là vì ai cũng giấu đi sự yếu đuối của mình và đến với nhau bằng sức mạnh. Không nhìn thấy đau khổ đằng sau nụ cười, vì thế mới có ghen tương. Bởi đó, một trái tim bén nhậy với những yếu đuối ẩn náu của tha nhân sẽ cho hồn mình thanh thản, đồng cảm. Đồng cảm là khởi đầu của mọi sự hiệp nhất. Không còn ghen tức nếu tất cả được yếu đuối nhắc nhở và rồi đến với nhau bằng sự yếu đuối. “Để khỏi sinh lòng kiêu căng về những ơn lạ ấy, Chúa đã đặt một cái dằm trong da thịt tôi, khác nào để một thủ hạ của Satan tát vả tôi, để tôi mất tự kiêu tự đắc” (2Cor 12:7).
Nếu vì yếu đuối của mình mà cho nhau hiệp nhất thì trong yếu đuối ấy tôi gieo trồng sức mạnh.
Yếu Đuối của Phaolô
Phaolô tự thú:
Ba lần tôi xin Chúa cất tôi khỏi cái dằm khổ cực ấy. Song Chúa phán bảo tôi rằng: “Ơn của Thầy đủ để hộ giúp con. Vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trong sự yếu đuối” Bởi vậy, tôi rất vui mừng và tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi (2Cor 12:8-9).
Phaolô bảo rằng nếu phải khoe khoang thì Ngài khoe khoang về những yếu đuối:
“Năm lần tôi bị người Do Thái đánh đòn ba mươi chín roi, ba lần bị đánh đòn, một bị ném đá, ba lần bị đắm tầu, và đã phải qua một ngày một đêm chơi vơi trong biển. Tôi còn hơn họ bởi hành trình thường xuyên, gặp bao nguy hiểm vì sông ngòi, nguy hiểm vì trộm cướp, nguy hiểm vì người đồng chủng, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm nơi thành thị, chốn hoang vu, ngoài biển cả, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn lao đao vất vả, bởi thường phải thức đêm, bởi đói khát, bởi nhịn ăn lắm bận, bởi chịu rét mướt trần truồng” (2Cor 11:21-30).
Lạy Chúa, đó là yếu đuối của Phaolô. Có khi con cũng nguy hiểm vì trộm cướp, nguy hiểm vì người mình tin tưởng, bị lao đao vất vả, phải thao thức bởi nghèo đói, bởi lo âu, bởi túng thiếu. Mà sao những yếu đuối ấy chỉ là những tiếng thở dài ngán ngẩm cuộc đời.
Suy niệm về sự yếu đuối, con thấy có nhiều thứ yếu đuối khác nhau. Yếu đuối dại dột là không nhận mình yếu đuối. Yếu đuối thiệt thòi ơn thánh là không dám chấp nhận yếu đuối như Chúa. Chúa yếu đuối mới để người ta đánh đòn. Chúa yếu đuối mới bị đóng đinh. Làm sao con có được một mất mát hết sức lớn lao. Phaolô đã không chịu để mất sự yếu đuối ấy: “Lại nữa, tôi vui thỏa trong các nỗi yếu đuối, trong lăng nhục, trong quẫn bách, trong bắt bớ và cùng khốn vì Đức Kitô. Bởi khi tôi yếu đuối lại chính là lúc tôi dũng mãnh” (2Cor 12:10)
Lạy Chúa, khi bị lăng nhục, bị hà hiếp mà lại là lúc dũng mãnh, thì khi mình lăng nhục kẻ khác, làm cho kẻ khác phải yếu đuối, chắc chắn không phải là lúc có dũng mãnh trong trái tim mình.
Lm Nguyễn Tầm Thường, SJ

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Gương mặt và sự hiện diện của người cha trong gia đình rất quan trọng đối với sự quân bình của con cái

Sự vắng bóng gương mặt của người cha trong cuộc sống của trẻ em và người trẻ tạo ra các thiếu sót và vết thương có thể rất trầm trọng. Xưa kia trong gia đình ngự trị khuynh hướng độc đoán, hay đàn áp: cha mẹ coi con cái như đầy tớ. Ngày nay xã hội xem ra là một xã hội mồ côi không cha, vì người cha vắng bóng trong cuộc sống của con cái.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ thứ tư hàng tuần trong đại thính dường Phaolô VI. Trong bài huấn dụ ĐTC suy tư về gương mặt của người cha trong gia đình. Ngài nói:
Hôm nay chúng ta để cho mình được hướng dẫn bởi từ “cha”. Đó là một từ kitô hữu chúng ta yêu thích hơn mọi từ khác, bởi vì đó là tên mà Chúa Giêsu dã đậy chúng ta gọi Thiên Chúa. Ý nghĩa của từ này đã nhận được một sự sâu sắc mới chính từ kiểu Chúa Giêsu dùng để hướng về Thiên Chúa và biểu lộ tương quan đặc biệt của Người với Thiên Chúa. Mầu nhiệm sự thân tình của Thiên Chúa Cha, Con và Thần Khí do Chúa Giêsu mạc khải , là trung tâm đức tin kitô của chúng ta. 
Cha là một từ phổ quát ai cũng biết. Nó ám chỉ một tương quan nền tảng mà thực tế cổ xưa như lịch sử con người. Tuy nhiên, ngày nay người ta đã đi tới chỗ khẳng định rằng xã hội chúng ta là một “xã hội không cha”. Nói cách khác, đặc biệt trong nền văn hóa tây phương, gương mặt của người cha một cách biểu tượng vắng bóng, bị biến mất, bị lấy mất. Ban đầu sự kiện được nhận thức như là một sự giải phóng: giải phóng khỏi người cha – chủ nhân, khỏi người cha như người đại diện cho luật lệ, bị áp đặt từ bên ngoài, khỏi người cha như kẻ kiểm soát hạnh phúc của con cái và như là chướng ngại vật của sự thoát ly và tự chủ của người trẻ. Thật thế, đôi khi trong các gia đình của chúng ta trong quá khứ đã ngự trị khuynh hướng độc đoán, trong vài trường hợp cả sự đàn áp nữa: cha mẹ đối xử với con cái như đầy tớ, không tôn trọng các đòi hỏi cá nhân sự trưởng thành của chúng; các người cha không trợ giúp con cái bước đi trên con đường của chúng trong tự do và lãnh các trách nhiệm riêng để xây dựng tương lai của chúng và của xã hội.
** ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Và như thường xảy ra là người ta đi từ thái cực này sang thái cực khác. Vấn dề của chúng ta ngày nay xem ra không là sư hiện diện xâm lấn của các người cha, nhưng là sự vắng bóng, sự trốn tránh của người cha. Đôi khi các người cha tập trung nơi chính mình và việc hiện thực cá nhân mình tới độ quên cả gia đình. Và họ để trẻ em và người trê con cái họ một mình. Như là Giám Mục Buenos Aires tôi đã nhận ra cảm giác mồ côi mà người trẻ ngày nay sống. Giờ đây trong suy tư chung này về gia đình, tôi muốn nói với tất cả mọi cộng đoàn kitô rằng chúng ta phải chú ý nhiều hơn nữa: Sự vắng bóng gương mặt của người cha trong cuộc sống của trẻ em và người trẻ tạo ra các thiếu sót và vết thương có thể rất trầm trọng. 
Và qủa thế, các lệch lạc của trẻ em và thanh thiếu niên một phần lớn có thể tìm ra trong sự thiếu sót này, thiếu sót các gương sống và các hướng dẫn uy tín trong cuộc sống thường ngày của chúng. Ý thức về sự mồ côi mà nhiều người trẻ sống sâu đậm hơn là chúng ta tưởng nghĩ. ĐTC giải thích thêm điểm này như sau:
Chúng mồ côi trong gia đình, bởi vì các người cha thường vắng mặt, không ở nhà, cả trong thể lý nữa, nhưng nhất là bởi vì khi ờ nhà, họ lại không hành xử như là cha, họ không chu toàn nhiệm vụ giáo dục và không trao ban cho con cái các nguyên tắc, các giá trị, các luật sống mà chúng cần như cơm bánh, với gương sống đi kèm lời nói của họ. Phẩm chất giáo dục của sự hiện diện của người cha lại càng cần thiết hơn nữa, khi người cha bị bó buộc phải làm việc xa nhà. Đôi khi xem ra các người cha không biết rõ phải chiếm chỗ nào trong gia đình và phải giáo dục con cái ra sao. Và khi đó, trong sự nghi ngờ họ vắng mặt, họ rút lui và lơ là trách nhiệm của mình, có khi là trốn chạy vào trong một tương quan “ngang hàng” với con cái.
** Nhưng xã hội dân sự, với các cơ cấu của mình, cũng có trách nhiệm đối với người trẻ, một trách nhiệm, mà đôi khi nó lơ là hay thi hành dở. Thường khi xã hội cũng để người trẻ mồ côi và không đề nghị với họ một viễn tượng thật. Như thế giới trẻ bị mồ côi không có các con đường chắn chắn để đi, mồ côi không có các thầy dậy để tin cậy, mồ côi các lý tưởng sưởi ấm con tim, mồ côi các giá trị và các niềm hy vọng nâng đỡ họ thường ngày. Họ được lấp đầy bởi các thần tượng, nhưng người ta ăn cắp trái tim của họ; họ bị đầy tới chỗ mơ tưởng các cuộc giải trí và lạc thú, nhưng người ta không cho giới trẻ công việc làm; họ bị ảo tưởng với thần tiền bạc và người ta khước từ trao ban cho họ các điều phong phú thực sự.
Do đó thật là tốt cho tất cả mọi người, cha và con cái, nghe trở lại lời Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: “Thầy sẽ không để các con mồ côi” (Ga 14,18). Thật vậy, chính Ngài là Đường phải theo, là Thầy phải lắng nghe, là niềm Hy vọng rằng thế giới có thể thay đổi, tình yêu chiến thắng hận thù, có thể có một tương lai của tình huynh đệ, hòa bình cho tất cả mọi người. 
Thứ tư tới chúng ta sẽ tiếp tục đề tại này bằng cách đưa ra ánh sáng vẻ đẹp của chức làm cha và chức làm mẹ, vẻ đẹp và trách nhiệm của việc làm cha mẹ. 
** ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau trong đó các vị giám đốc các đền thánh Pháp và các bạn trẻ hai giáo phận Lille và Paris; các sinh viên Anh quốc và Hoa Kỳ; các đoàn hành hương Tây Ban Nha, Chile, Argentina, các sinh viên đại học Thánh Giuse Coimbra Bồ Đào Nha và tín hữu tổng giáo phận Brasilia thủ đô Brasil; cũng như tín hữu Ba Lan.
Trong số các nhóm Italia có nhóm các Tu sĩ Hèn Mọn Phanxicô đang tham dự khóa đào tạo các Bề Trên Cả; các linh mục tham dự đại hội của các Người thợ thinh lặng của Thánh Giá; các nghệ sĩ của đoàn xiệc Merano. Ngài cầu chúc chuyến hành hương Roma giúp mọi người canh tân chứng tá kitô tươi vui trong gia đình và trong xã hội. Vài nghệ sĩ đã biểu diễn một số màn hấp dẫn giúp vui khiến mọi ngưởi nhất là các trẻ em rất thích thú.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua Giáo Hội kính nhớ thánh Toma thành Aquino, tiến sĩ Giáo Hội. Ngài cầu mong gương tận tụy học hỏi của thánh nhân giúp ngưởi trẻ đầu tư trí thông minh và ý chi cho việc phục vụ Tin Mừng. ĐTC cầu chúc đức tin của thánh Toma giúp các bệnh nhân biết hướng về Chúa trong khổ đau thử thách. Và ngài xin sự hiền dịu của thánh nhân chỉ cho các đôi tân hôn kiểu tương giao giữa các vợ chồng trong gia đình.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải (RV.)

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Toàn văn Sứ điệp Mùa Chay 2015 của Đức Thánh Cha Phanxicô

“Anh chị em hãy củng cố tâm hồn” (Gc 5,8)
Anh chị em thân mến,
Mùa Chay là một mùa canh tân đối với Giáo Hội, các cộng đoàn và mỗi tín hữu. Nhưng trên hết Mùa Chay là ”một mùa ân thánh’ (2 Cr 6,2). Thiên Chúa không yêu cầu chúng ta điều gì mà trước đó Ngài không ban cho chúng ta: ”Chúng ta yêu mến vì Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19). Chúa không dửng dưng đối với chúng ta. Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta, Ngài biết đích danh chúng ta, chăm sóc và tìm kiếm chúng ta khi chúng ta bỏ Ngài. Chúa chú ý đến mỗi người chúng ta; tình thương ngăn cản không để cho Chúa dửng dưng đối với những gì xảy đến cho chúng ta. Nhưng xảy ra là khi chúng ta an mạnh và cảm thấy thoải mái, thì chắc chắn chúng ta quên những người khác (điều mà Chúa Cha không bao giờ làm), chúng ta không quan tâm đến những vấn đề của người khác, những đau khổ và bất công họ đang chịu… lúc ấy tâm hồn chúng ta rơi vào thái độ dửng dưng: trong khi tôi tương đối an mạnh và thoải mái, thì tôi quên những người không được an mạnh. Thái độ ích kỷ, dửng dưng này ngày nay có một chiều kích toàn cầu, đến độ chúng ta có thể nói đó là một thứ hoàn cầu hóa sự dửng dưng. Đó là một bất hạnh chúng ta cần đương đầu trong tư cách là Kitô hữu. Khi Dân Chúa trở về với tình thương của Chúa, thì họ tìm được những câu trả lời cho những vấn nạn mà lịch sử luôn đề ra cho họ. Một trong những thách đố khẩn cấp nhất mà tôi muốn dừng lại trong Sứ Điệp này chính là thách đố hoàn cầu hóa sự dửng dưng.
Dửng dưng đối với tha nhân và với Thiên Chúa cũng là một cám dỗ thực sự đối với các Kitô hữu chúng ta. Vì thế, trong mỗi Mùa Chay chúng ta cần nghe lời kêu của các Ngôn Sứ lên tiếng và thức tỉnh chúng ta. Thiên Chúa không dửng dưng đối với thế giới, Chúa yêu thương thế giới đến độ ban Con của Ngài để cứu độ mỗi người. Trong cuộc nhập thể, trong cuộc sống trần thế, trong cái chết và sống lại của Con Thiên Chúa có mở ra vĩnh viễn cánh cửa giữa Thiên Chúa và con người, giữa trời và đất. Và Giáo Hội như bàn tay giữ cho cánh cửa ấy mở rộng nhờ việc công bố Lời Chúa, cử hành các Bí tích, nhờ làm chứng tá đức tin hữu hiệu trong đức bác ái (Xc Gl 5,6). Tuy nhiên, thế giới có xu hướng khép kín vào mình và đóng kín cánh cửa qua đó Thiên Chúa đi vào thế giới và thế giới đến cùng Chúa. Vì thế bàn tay, là Giáo Hội, không bao giờ được ngạc nghiên nếu bị phủ nhận, bị đè bẹp và bị thương.
Vì vậy Dân Chúa cần canh tân, để không trở nên dửng dưng và không khép kín vào mình. Tôi muốn đề nghị với anh chị em 3 bước suy tư để đạt tới sự canh tân.
1. ”Nếu một chi thể đau, thì tất cả các chi thể khác cũng đau” (1 Cr 12,26) – Giáo Hội
Tình thương của Thiên Chúa phá vỡ thái độ khép kín chết chóc là sự dửng dưng, tình thương ấy được Giáo Hội trao tặng cho chúng ta qua giáo huấn, và nhất là qua chứng tá của Giáo Hội. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm chứng về điều mà trước đó chúng ta cảm nghiệm. Kitô hữu là người để Thiên Chúa mặc cho chiếc áo lòng từ nhân và thương xót của Ngài, mặc lấy Chúa Kitô, để trở nên giống Chúa, là Tôi Tớ của Thiên Chúa và loài người. Phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh nhắc rõ điều đó cho chúng ta qua nghi thức rửa chân. Thánh Phêrô không muốn Chúa Giêsu rửa chân cho Ông, nhưng rồi đã hiểu rằng Chúa Giêsu không muốn đó chỉ là một ví dụ về cách thức chúng ta phải rửa chân cho nhau. Chỉ có người nào để cho Chúa Kitô rửa chân trước thì mới có thể thi hành việc phục vụ này. Chỉ người nào được ”dự phần” với Ngài (Ga 13,8) thì mới có thể phục vụ con người.
Mùa Chay là mùa thuận tiện để chúng ta để cho Chúa Kitô phục vụ và nhờ đó trở nên như Chúa. Điều này xảy ra khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa và khi chúng ta lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể. Trong đó chúng ta trở thành điều mà chúng ta lãnh nhận: trở nên Mình Chúa Kitô. Trong thân mình này, không có chỗ cho sự dửng dưng dường như thường ngự trị trong tâm hồn chúng ta. Vì ai thuộc về Chúa Kitô thì cũng thuộc về một thân mình duy nhất và trong Chúa chúng ta không thể dửng dưng đối với nhau. ”Vì thế nếu một chi thể đau, thì tất cả các chi thể cùng đau chung; và nếu một chi thể được vinh dự thì tất cả các chi thể khác cùng vui mừng với chi thể ấy” (1 Cr 12,26).
Giáo Hội là cộng đồng hiệp thông của các thánh vì các thánh tham dự vào cộng đồng ấy, và cũng vì đó là một sự hiệp thông những sự thánh: tình thương của Thiên Chúa được tỏ lộ cho chúng ta trong Chúa Kitô và tất cả các hồng ân của Chúa. Trong số các hồng ân này cũng có câu trả lời của những người để cho mình được tình thương của Chúa chiếm hữu. Trong cộng đồng hiệp thông của các thánh và trong sự tham dự vào những sự thánh, không ai sở hữu riêng cho mình, nhưng những gì họ có là để cho tất cả. Và vì chúng ta được liên kết với nhau trong Chúa, chúng ta cũng có thể làm được một cái gì đó cho những người ở xa, cho những người mà tự sức riêng chúng ta không bao giờ có thể đạt tới họ, vì cùng với họ và cho họ chúng ta cầu xin Thiên Chúa để tất cả chúng ta đều cởi mở đối với công trình cứu độ của Chúa.
2. ”Em ngươi ở đâu?” (St 4,9) – Các giáo xứ và các cộng đoàn
Những điều nói về Giáo Hội hoàn vũ thì cũng cần được biểu lộ trong đời sống của các giáo xứ và cộng đoàn. Trong các thực tại Giáo Hội này, chúng ta có làm cho mọi người cảm nghiệm được họ là thành phần của một thân mình duy nhất hay không? Đó có phải là một thân mình cùng lãnh nhận và chia sẻ những gì Thiên Chúa muốn ban hay không? Đó có phải là một thân mình biết và chăm sóc những phần tử yếu đuối nhất, nghèo khổ và bé nhỏ nhất hay không? Hoặc chúng ta chạy trốn trong một tình yêu đại đồng, dấn thân nơi xa xăm nhưng lại quên người nghèo Lazzaro ngồi ngay trước cánh cửa khép kín của nhà mình hay không? (Xc Lc 16,19-31).
Để lãnh nhận và làm cho những gì Chúa ban cho chúng ta được sinh hoa kết trái hoàn toàn, cần phải vượt qua những ranh giới của Giáo Hội hữu hình theo hai chiều hướng.
- Thứ nhất, bằng cách liên kết trong kinh nguyện với Giáo Hội thiên quốc. Khi Giáo Hội trần thế cầu nguyện, thì thiết lập một sự hiệp thông phục vụ và mưu ích cho nhau, bay lên trước nhan Thiên Chúa. Cùng với các thánh đã tìm được sự sung mãn trong Thiên Chúa, chúng ta là thành phần cộng đồng hiệp thông ấy, trong đó tình thương chiến thắng dửng dưng. Giáo Hội thiên quốc không chiến thắng vì đã quay lưng lại với những đau khổ của trần thế và vui hưởng một mình. Đúng hơn, các thánh đã có thể chiêm ngắm và vui mừng vì sự kiện, nhờ cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, các vị đã vĩnh viễn chiến thắng thái độ dửng dưng, sự cứng lòng và oán thù. Bao lâu chiến thắng ấy của tình thương chưa thấm nhập vào toàn thể thế giới, thì các thánh còn đồng hành với chúng ta là những người lữ hành. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Tiến sĩ Hội Thánh, đã viết với lòng xác tín rằng niềm vui trên trời vì chiến thắng của Tình thương chịu đóng đanh sẽ không trọn vẹn bao lâu còn một người trên trần thế phải chịu đau khổ và rên xiết: ”Con hy vọng sẽ không ngồi yên mà không làm gì trên trời, mong ước của con là còn tiếp tục làm việc cho Giáo Hội và cho các linh hồn” (Thư 254 ngày 14-7-1897).
Cả chúng ta cũng tham dự vào công phúc và niềm vui của các thánh và các ngài tham dự vào cuộc chiến đấu cũng như mong ước của chúng ta muốn được an bình và hòa giải. Niềm vui của các thánh vì chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh là động lực thúc đẩy chúng ta vượt thắng bao nhiêu hình thức dửng dưng và cứng lòng.
Đàng khác, mỗi cộng đoàn Kitô được kêu gọi hãy vượt qua ngưỡng cửa nối kết họ với xã hội xung quanh, với những người nghèo và những người xa xăm. Giáo Hội tự bản chất là thừa sai, không co cụm vào mình, nhưng được sai tới tất cả mọi người. Sứ mạng của Giáo Hội là kiên nhẫn làm chứng về Đấng muốn mang tất cả thực tại và mỗi người về cùng Chúa Cha. Sứ mạng truyền giáo là điều mà tình thương không thể im lặng. Giáo Hội theo Chúa Giêsu Kitô trên con đường dẫn Giáo Hội tới con người, cho đến tận bờ cõi trái đất (Xc Cv 1,8). Như thế chúng ta có thể nhìn thấy nơi tha nhân người anh chị em mà Chúa Kitô đã chịu chết và sống lại cho họ. Những gì chúng ta nhận lãnh, thì chúng ta cũng lãnh nhận cho họ. Cũng thế, những gì những người anh chị em ấy sở hữu, chính là một món quà cho Giáo Hội và cho toàn thể nhân loại.
Anh chị em thân mến, tôi nồng nhiệt mong ước sao cho các nơi mà Giáo Hội hiện diện, – đặc biệt là các giáo xứ và cộng đoàn của chúng ta, – trở thành những hải đảo từ bi giữa lòng biển cả dửng dưng!
3. ”Anh chị em hãy cũng cố tâm hồn!” (Gc 5,8) – mỗi tín hữu
Cả với tư cách cá nhân, chúng ta cũng bị cám dỗ dửng dưng. Chúng ta bị tràn ngập những tin tức và hình ảnh kinh hoàng thuật cho chúng ta đau khổ của con người và đồng thời chúng ta cảm thấy mình không có khả năng can thiệp. Phải làm gì để không bị cái vòng kinh hoàng và bất lực ấy cuốn mất?
Trước tiên, chúng ta có thể cầu nguyện trong tình hiệp thông của Giáo Hội trần thế và thiên quốc. Chúng ta đừng coi nhẹ sức mạnh kinh nguyện của bao nhiêu người! Sáng kiến 24 giờ cho Chúa, mà tôi cầu mong sẽ được cử hành trong toàn thể Giáo Hội, kể cả ở cấp độ giáo phận, trong những ngày 13 và 14-3 tới đây, muốn biểu lộ sự cần thiết phải cầu nguyện.
Tiếp đến, chúng ta có thể giúp đỡ bằng những việc bác ái, đối với những người ở gần cũng như những người ở xa, nhờ bao nhiêu tổ chức bác ái của Giáo Hội. Mùa Chay là mùa thuận tiện để chứng tỏ sự quan tâm tới tha nhân qua một cử chỉ, dù là nhỏ bé nhưng cụ thể, nói lên sự tham dự của chúng ta vào nhân loại chung.
Thứ ba, sự đau khổ của tha nhân là một lời mời gọi hoán cải, vì nhu cầu của người anh em nhắc nhở cho tôi sự mong manh của đời tôi, sự lệ thuộc của tôi đối với Thiên Chúa và các anh chị em. Nếu chúng ta khiêm tốn cầu xin ơn Chúa và chấp nhận khả năng giới hạn của mình, thì chúng ta sẽ tín thác nơi tiềm năng vô biên chứa đựng trong tình thương của Thiên Chúa. Và chúng ta có thể chống lại cám dỗ của ma quỷ làm chúng ta tưởng mình có thể tự mình cứu thoát bản thân và thế giới.
Để khắc phục sự dửng dưng và sự tự phụ toàn năng của chúng ta, tôi muốn xin tất cả mọi người hãy sống Mùa Chay này như một hành trình huấn luyện tâm hồn, như ĐGH Biển Đức 16 đã nói (Thông điệp Deus caritas est, 31). Có một con tim từ bi không có nghĩa là có một tâm hồn yếu đuối. Ai muốn từ bi thì cần một con tim mạnh mẽ, kiên vững, khép kín đối với kẻ cám dỗ, nhưng cởi mở đối với Thiên Chúa. Một con tim để cho Thánh Linh thấu nhập và dẫn đi trên những con đường tình thương đưa tới các anh chị em. Xét cho cùng, đó là một con tim nghèo, nghĩa là nhận biết sự nghèo hèn của mình và xả thân cho tha nhân.
Vì thế, anh chị em thân mến, tôi muốn cùng với anh chị em cầu xin Chúa Kitô trong Mùa Chay này: ”Fac cor nostrum secundum cor tuum”, xin làm cho trái tim chúng con được nên giống Trái Tim Chúa” (Lời cầu trong Kinh cầu Thánh Tâm Chúa Giêsu). Như thế chúng ta sẽ có một con tim mạnh mẽ và từ bi, tỉnh thức và quảng đại, không để nó khép kín vào mình, không rơi vào vực thẳm của nạn hoàn cầu hóa sự dửng dưng.
Với mong ước ấy, tôi hứa cầu nguyện để mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn Giáo Hội tiến bước trong hành trình Mùa Chay với nhiều thành quả, và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em.
Vatican ngày 4 tháng 10 năm 2014
Lễ Thánh Phanxicô Assisi
(LM. Trần Đức Anh OP dịch từ nguyên bản tiếng Ý)

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, rất hài lòng về chuyến viếng thăm Việt Nam

ROMA. Sáng ngày 26-1-2015, Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, đã về đến Roma bằng an sau một tuần lễ viếng thăm khẩn trương tại Việt Nam, từ bắc chí nam.
Tháp tùng Đức Hồng Y trên đường về có Linh Mục Inhaxio Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Giáo Phận Sàigon.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Roberto Piermarini, Trưởng các ban tin tức của Đài Vatican, Đức Hồng Y Filoni đã bày tỏ sự hài lòng rất lớn về chuyến viếng thăm ngài thực hiện tại Việt Nam.
H. Cuộc viếng thăm ca Đức Hồng Y có âm vang nào từ phía Giáo Hội tại Việt Nam?
Đ. Giáo Hội địa phương không những đón tiếp tôi rất tốt đẹp nhưng còn vượt quá tất cả những mong đợi của tôi. Dĩ nhiên với các Giám Mục tôi đã có một cuộc gặp rỡ rất huynh đệ, cuộc gặp gỡ rất đẹp với các linh mục, các nữ tu, các chủng sinh. Tại Việt Nam chúng ta có một Giáo Hội thật phong phú về ơn gọi – cả nam lẫn nữ – và tôi thấy các linh mục làm việc tốt đẹp và dấn thân trong rất nhiều hoạt động, một số hoạt động ấy tôi có dịp viếng thăm trong các giáo phận khác nhau. Rồi từ phía các tín hữu: tôi nói rằng lòng quí mến của các tín hữu Việt Nam phần nào giống như sóng thần (tsunami). Trước hết họ có một ý thức rất đặc biệt mình là Kitô hữu, một lòng đạo đức thật đáng khen và một lòng quí mến nồng nhiệt mà họ biểu lộ dào dạt một cách tự nhiên. Điều này cũng là nhân cách tiêu biểu của các tín hữu việt Nam, họ cảm thấy rất gần gũi và kính mến các linh mục, các Giám Mục, và hiển nhiên là trong trường hợp này, đối với Tổng trưởng Bộ truyền giào, và nhất là họ có một lòng quí mến sâu đậm đối với Đức Thánh Cha như nhiều lần họ bày tỏ. Vì thế, đó thực là một Giáo Hội hết sức sinh động, dấn thân, ngày qua ngày đáp ứng được những mong đợi, cả về mặt xã hội và nhân bản của đất nước. Tôi phải nói rằng đối với tôi, Việt Nam là một sự khám phá, mặc dù tôi đã có nhiều dịp được biết và đọc. Tôi cũng muốn nói lên một sự đánh giá cao về những gì đã và đang được Giáo Hội tại Việt Nam thực hiện.
H. Thưa Đức Hồng Y, có một sự đáp ứng, những phản ứng nào trong các cuộc nói chuyện ở cấp cao nhất đối với chính quyền Hà Nội hay không?
Đ. Tôi phải nói rằng tất cả các báo chí địa phương, tiếng Việt cũng như tiếng Anh, đã đăng tải, kể cả ở trang nhất, ngoài hình ảnh, cuộc gặp gỡ, và đánh giá cao sự cộng tác hiện có, sự cảm thông tốt đẹp giữa Giáo Hội Công Giáo, Tòa Thánh và dĩ nhiên là chính quyền địa phương. Và rồi tôi đích thân cảm nghiệm thấy điều đó trong các cuộc gặp gỡ mà tôi có dịp thực hiện: ngoài cuộc gặp gỡ ở cấp cao nhất với Ban tôn giáo chính phủ, tôi đã được mời gặp thủ tướng và ông bí thư đảng cộng sản ở Hà Nội. Thậm chí, khi tôi giã từ, Ông Phó trưởng ban tôn giáo đã đến Hà Nội tiễn chào tôi ở sân bay. Vì thế, ở mọi cấp, tôi thấy có sự quan tâm rất nhiều và tôi cũng muốn nói lên sự hài lòng, vì họ rất hài lòng về các cuộc gặp gỡ mà chúng tôi đã có, như vị đại diện Tòa Thánh không thường trú, Đức TGiám Mục Girelli đã có dịp thấy; như Đức Tổng Giám Mục Chủ tịch Hội đồng Giám Mục đã tháp tùng tôi và các Giám Mục khác hiện diện tại những cuộc gặp gỡ ấy. Vì thế tôi có thể nói rằng cả trên bình diện truyền thông – không kể báo chí – cả truyền hình cũng đã nhiều lần chiếu các cuộc gặp gỡ ấy, như họ đã nói với tôi.
H. Thưa Đức Hồng Y Filoni, xét về những giới hạn mà Giáo Hội Việt Nam còn gặp phải, cuộc viếng thăm mục vụ của Đức Hồng Y mở ra hy vọng nào?
Đ. Những giới hạn không thuộc lãnh vực đức tin và không nhắm chống lại đức tin: – như họ đã nói với tôi -, nhiều khi những giới hạn đó là những vấn đề đặc thù, một cách nào đó cần tìm ra một cuộc đối thoại đúng. Tôi muốn nói rằng những viễn tượng ở đây là viễn tượng truyền giáo: Việt Nam là một xã hội đang thay đổi mau lẹ trên bình diện kinh tế, xã hội, nhưng vẫn còn gắn liền theo truyền thống với những giá trị thuộc thế giới Phật giáo, Khổng giáo, những giá trị truyền thống của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc loan báo Tin Mừng cần tìm ra những hình thức, hội nhập làm sao để Tin Mừng có thể được hiểu và chấp nhận. Cũng có vấn đề các nhóm dân thiểu số, nơi mà chúng tôi có được những điều hài lòng về phương diện truyền giáo: ví dụ trong Giáo phận Hưng Hóa, khi viếng thăm một giáo xứ (Hòa Bình) tôi đã được thấy hơn 200 người chịu phép rửa tội, hầu hết là người dân tộc; và cả trong cuộc gặp gỡ ở Đà Nẵng, kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận, hơn 50 người dân tộc người lớn được rửa tội. Vì thế có một công việc có thể được thực hiện tốt đẹp nơi những người dân tộc. Tôi cũng đã thấy bao nhiêu nữ tu là người dân tộc và đây là điều mới mẻ mà dĩ nhiên trước đó tôi chưa được biết và sự kiện ấy giải thích một cách nào đó hoạt động mục vụ của những người đến từ môi trường những người dân tộc phục vụ cho những người dân tộc. Chúng tôi chưa có các linh mục trong lãnh vực này, nhưng có một sự dấn thân từ phía tất cả mọi người làm sao để có thể tìm ra những ơn gọi linh mục làm việc tốt cả trong môi trường những người dân tộc.
H. Cuộc viếng thăm ca Đức Hồng Y diễn ra sau cuộc viếng thăm lần thứ hai của ĐGH ti Á châu: đâu là những viễn tưng được mở ra cho việc loan báo Tin Mừng tại Á châu, thưa Đức Hồng Y?
Đ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng tại Á châu – giống như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo 2 nay là thánh, đã đặc biệt quan tâm, làm sao để ngàn năm này phải được dành cho việc loan báo Tin Mừng tại Á châu, với một quyết tâm xứng với đại lục to lớn này. Vì thế cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, tại Sri Lanka cũng như tại Philippines, nói lên một sự chú ý đặc biệt của ĐGH Phanxicô đối với đại lục này. Do đó chúng tôi hy vọng và cầu mong – chính các tín hữu Công Giáo cũng nói như vậy: bao nhiêu lần họ với với tôi: ”Xin Đức Hồng Y xin Đức Thánh Cha đến thăm chúng con. Không phải ngài chỉ bay trên Việt Nam chúng con, nhưng còn xuống thăm chúng con nữa”. Đây là điều thật đẹp vì hiển nhiên họ cảm thấy rằng Đức Giáo Hoàng mang theo mình một đà tiến truyền giáo mà tôi tin rằng tại đại lục này có thể tìm được một không gian rộng lớn”
G. Trần Đức Anh, O.P, chuyển ý
Nguồn: RV.

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Hạnh phúc vì...

Tìm một con đường, tìm một lối đi, ngày qua ngày đời nhiều vấn nghi – Lời bài hát “và con tim đã vui trở lại” của Đức Huy – dường như là quy luật tự nhiên của mỗi con người hiện hữu trên trái đất này. Họ sẽ không thể nào sống nếu ngày mai họ không tìm ra cho mình một con đường để đi, một lý tưởng, một mục tiêu nào đó để sống. Tất cả sẽ ra sao nếu thế giới này không mục tiêu, không lý tưởng!
Con đường của bạn, của tôi sẽ chẳng thể nào giống nhau. Nhưng có một điều hiển nhiên rằng, ta sẽ hạnh phúc khi đi trọn con đường mình của mình. Con đường nào cũng có chông gai, con đường nào cũng có đau khổ, nhưng vì sao ta vẫn bước tiếp trên con đường đã chọn? Phải chăng ta biết rằng: “Qua đau khổ sẽ có hạnh phúc, qua gai nhọn sẽ được hương sắc hồng tuyệt đẹp”. Đời thánh hiến không nằm ngoài quy luật trên. Nhưng chính trong đau khổ con người cũng tìm thấy niềm vui và hạnh phúc. Nếu nói đời tu là chuỗi ngày đau khổ, chắc rằng sẽ không ai dám theo. Nhưng vì muốn cảm nếm hương vị tình yêu, hương vị hạnh phúc, hương vị nước Trời mà đã không ít người dám dấn thân.
Hạnh phúc đâu phải do có tiền rừng bạc bể nhưng có nhiều khi hạnh phúc lại có trong tầm tay của người chấp nhận sống nghèo. Họ hạnh phúc bên chiếc xe đạp kêu lọc cọc mỗi khi chạm chân vào. Họ hạnh phúc khi sử dụng những mẩu giấy vụn, những tấm lịch của năm trước để biến chúng thành những bức thư pháp, những giấy ghi chú thích đáng yêu để khích lệ ai đó trong lúc gặp thử thách hay buồn sầu. Họ hạnh phúc khi sử dụng những lọ thủy tinh đựng nước uống thay vì những bình thủy tinh kỳ công tuyệt đẹp. Để rồi, họ tận hưởng những ngụm nước ngọt ngào chứa đầy hy sinh dâng Chúa. Họ còn hạnh phúc khi nhận một chiếc giỏ của một ai đó đã dùng mà còn cho là thật may và hạnh phúc vì mới hôm qua chiếc giỏ mười mấy năm bên mình đã đứt quai mà khó lòng may lại do những đường may cũ chồng chéo lên nhau. Họ hạnh phúc vì thấy những vết trầy xước, những đường mòn của đế guốc, những chiếc quai lỏng lẻo của đôi giầy… Họ nhận ra rằng, họ cũng theo Chúa được khá lâu rồi ấy chứ. Họ hạnh phúc vì đôi lúc nhu cầu cá nhân chính đáng họ cũng chưa được đáp ứng. Họ hạnh phúc vì được chia sẻ với Đấng “không có chỗ tựa đầu”.
Hạnh phúc là khi chính mình khát khao sống trong sạch. Niềm vui của một người nói lời xin lỗi và được chấp nhận khi được nhân lên gấp triệu lần cũng chưa bằng niềm vui của người nhận ra mình được Chúa yêu thương tha thứ. Họ hạnh phúc khi biết rằng Chúa đã yêu thương tha thứ – và giúp họ sống trong sự tha thứ ấy. Và họ sẽ hạnh phúc tuyệt vời khi ngày qua ngày họ lại càng nên giống Chúa hơn, hơn và hơn nữa.
Maria Tô Linh
Thỉnh sinh

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Thư gửi người tự tay phá thai cho con mình!

Cô Phương kính mến,Viết-cho-người-tự-tay-phá-thai-con-mình!
Tôi vừa đọc bài chia sẻ của cô trên báoTuổi Trẻ số ra ngày 23/01/2015, với nhiều tâm trạng khác nhau. Tôi nghĩ là ít ai dám can đảm “vạch áo cho người xem lưng”, chẳng mấy ai can đảm thú nhận tội lỗi của mình với công chúng. Bởi thế, tôi rất cảm động và cầu nguyện nhiều cho cô sớm được bình an, thoát khỏi những dày vò tâm hồn. Qua những chia sẻ về nỗi bức bối, áy náy và tội lỗi của cô sau lần tự tay phá thai cho con gái của mình, chắc hẳn cô muốn gửi thông điệp cho thế giới: hãy tôn trọng sự sống của con người. Tôi viết cho cô vài dòng ngắn ngủi này để chia sẻ chút tâm tình và suy nghĩ của mình về một thực trạng vốn đang nổi cộm ở Việt Nam.
Cô ơi! Sự sống là món quà vô giá mà Thượng Đế đã ưu ái dành tặng cho con người. Dù có tin vào Thiên Chúa hay không, mọi người đều chân nhận sự sống con người là cái gì đó rất cao quý, độc nhất và huyền nhiệm! Quyền sống hay chết của một nhân linh không thuộc về con người, nhưng thuộc về Đấng ban cho món quà ấy. Một cảm giác giằng xé, đau đớn, ám ảnh, hối hận, và tội lỗi sẽ luôn dậy sóng trong lòng mỗi khi ta lạm quyền của Thượng Đế. Nếu vì lợi ích trước mắt hay những toan tính thiệt hơn mà sẵn lòng hủy đi một mầm sống, là máu mủ của mình, thì hệ quả để lại sẽ là một mặc cảm tội lỗi nặng nề, một cuộc sống khó chịu bất an. Bởi lẽ khi phá thai, ta có tội với trời và có lỗi với một hài nhi vô tội. Nhưng dù sao trong hoàn cảnh của cô, lương tri hay lương tâm còn thôi thúc cô trở về để ăn năn và hoán cải. Đó là một tín hiệu đáng mừng, cô ạ!
Quả thực, tiếng nói lương tâm của con người thường báo hiệu cho chủ thể một điều gì đó bất ổn, rối bời và bất an khi làm điều sai trái. Suốt ba năm qua, chưa đêm nào cô trọn giấc. Những cơn ác mộng hành hạ cô hằng đêm cùng với tiếng khóc gọi của trẻ thơ: “Ngoại ơi, con chết rồi!” Một ám ảnh không dễ dàng vượt qua, cô nhỉ? Tôi xin được san sẻ những dằn vặt và đau đớn này với cô và cầu nguyện với Thượng Đế đầy lòng thương xót cho cô sớm được an bình. Bên cạnh đó, một dấu hiệu đáng mừng là tiếng nói lương tâm của cô còn đủ mạnh để hướng thiện, để hối hận và chuộc lỗi bằng cách dấn thân vào hoạt động bảo vệ sự sống mà nghề nghiệp tư vấn về sản khoa của cô cho phép. Ước chi, tiếng nói lương tâm của những ai đang định phá thai cũng rung lên mạnh mẽ để ngăn cản một hành vi giết chết con mình.
Đứng vào hoàn cảnh của cô trước khi phá thai cho con gái mình, đúng là có khi người ta “rối quá làm liều”. Cô là một phụ nữ rất đẹp, hiền hậu, dịu dàng, mái tóc buộc hờ sau lưng trông quý phái. Cô thương mến đứa con gái xinh đẹp và nhiều tài của mình. Phải chăng vì một chút bồng bột của tuổi mới lớn mà con cô đã “bỏ nhà theo trai”, rồi “mang thai về nhà”. Hệ quả là khiến cô cân nhắc giữa việc giữ thanh danh cho gia đình hay để cháu ngoại được mở mắt chào đời. Đúng là rất khó để cô giữ được cả hai! Lúc đó, cô đã nghiêng về việc làm sao tránh khỏi búa rìu dư luận nếu vụ việc lộ ra! Nhưng thử hỏi dư luận có cho ta được hạnh phúc và bình an? Dư luận có quyền gì mà đẩy ta vào chỗ giết người? Nạn phá thai vẫn đang diễn ra hằng ngày phần lớn là vì dư luận. Mình làm sao cấm được miệng đời? Lúc ấy giá mà cô nhận ra quyền được sống và sự sống thánh thiêng của bào thai lớn hơn rất nhiều so với tai tiếng của dư luận, chắc hẳn cô đã yêu thương để cháu ngoại mình được mở mắt chào đời. Đằng này, cô đã tự tay phá thai cho chính con gái yêu quý của mình; cái thai trôi ra, dĩ nhiên là đã chết ngạt, lại là cháu ngoại của cô với thân thể tái nhợt. Cô đã thú nhận rằng: “chẳng hiểu sao, tôi nhìn nó thấy giống hệt con gái tôi lúc mới chào đời!
Cô thân mến,
Hôm nay, chuyện buồn của cô như một bài học lớn lao dành cho những ai đã, đang và sẽ có ý định phá thai. Qua những lời chia sẻ chân tình đầy nước mắt hối hận của cô, tôi tin rằng cô ước muốn làm chút gì đó để đền tội với cháu ngoại của mình. Nếu thế, tôi rất cảm kích và ủng hộ cô. Biết đâu với những lời thú nhận “cảm giác tội lỗi khi cô tự tay phá thai cho con gái mình” trên mặt báo, lại là tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi người: hãy yêu quý sự sống của thai nhi. Ước sao mọi người hãy chung tay dựng xây một nền văn minh tình thương và sự sống, chứ đừng vì ích lợi nào đó mà nỡ giết hại bào thai vô tội.
Sau cùng, tôi tiếp tục cầu nguyện cho cô và gia đình cô luôn được bình an và luôn dấn thân góp phần bảo vệ sự sống cho những thai nhi vô tội:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm ơn đã ban tặng cho mỗi người chúng con món quà sự sống. Quyền sống ấy không ai được phép xâm phạm hay tước đoạn đi. Xin Chúa giúp mọi người luôn biết quý trọng sự sống của mình và của người khác. Được như thế, chúng con tin rằng mỗi gia đình sẽ nhận được ơn lành và hạnh phúc đích thực mà Chúa hứa ban cho những ai tuân theo huấn lệnh của Chúa: chớ giết người. Xin Chúa chúc lành cho cô và gia đình cô để họ sớm thoát khỏi dằn vặt của tội lỗi, để với tình yêu và lòng thương xót của Chúa, cô có lại được sự bình an trong cuộc sống.
Thủ Đức, 24/01/2015  
Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Lời kinh hy vọng

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự nhẫn nại, để chúng con có thể chờ đợi những điều sẽ xảy đến trong tương lai, để có thể thay đổi con người chúng con sao cho phù hợp với những điều mà chúng con không mong ước, để chúng con có thể chấp nhận những người gây khó chịu cho chúng con, để chúng con có thể sống giữa những giới hạn của cuộc đời này.

Xin ban cho chúng con sự can đảm cần thiết, để chúng con trở nên bạn thân của những kẻ thù, để chúng con có thể chấp nhận và hy vọng vào những điều hầu như đã hết hy vọng, để chúng con có thể đối mặt với những chỉ trích, để chúng con có thể tin vào những gì có thể và những gì không thể.

Xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan là ơn mà không thể thiếu được trong cuộc sống này, để chúng con thấy được giá trị ở những điều mà mọi người coi thường nó, để chúng con có thể chấp nhận những điều không thể giải thích được trong cuộc sống hằng ngày, để chúng con có được một tinh thần học hỏi và sẵn sàng phó thác vào ân ban của Chúa. Amen

Trích từ “Lời kinh dâng Chúa”

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Giây phút cảm động nhất cuộc Tông Du: Một bé gái hỏi ĐTC ''Tại sao Chuá lại để xảy ra như vậy?'


"Taị sao Chuá lại để xảy ra như vậy?” là câu hỏi trong nước mắt cuả bé gái 12 tuổi Glyzelle Iris Palomar đặt ra cho Đức Giáo Hoàng.
Em cùng với một bé trai 14 tuổi tên là Jun Chura là đại diện cho những trẻ bụi đời đang được viện ‘Tulay ng Kabataan’ nuôi dưỡng, và là một trong nhiều nhân chứng được chọn để trình bày những hiện trạng và thách đố cuả xã hội lên ĐTC, trong buổi gặp gỡ dành riêng cho thanh thiếu niên, tổ chức tại Giáo Hoàng Học Viện Santo Tomas.
Sau khi kể hoàn cảnh cuả mình là một bé gái bị bỏ rơi và bị vất ra ngoài lề cuả xã hội. Trong cuộc sống bụi đời ấy em đã chứng kiến nhiều đồng bạn bị cha mẹ bỏ bê đã xa vào những cạm bẫy cuả sự dữ, như nghiện ngập hoặc nạn mãi dâm, em đã không thể đọc tiếp bài dọn sẵn và nhìn lên ĐTC, em đặt câu hỏi:
“Bakit po pumapayag ang Diyos na may ganitong nangyayari?” (“Taị sao Chuá lại để xảy ra như vậy?”)
“Tại sao Chuá đã cho phép những sự ấy xảy ra, dù đó không phải là lỗi cuả những đứa trẻ vô tội?”
Em không thể đọc tiếp, nhắm nghiền mắt lại và nức nở khóc.
Cố gắng lắm, em kết thúc bằng một câu hỏi thứ hai “At bakit konti lang ang tumutulong sa amin?” (“và tại sao lại ít có người giúp chúng con như thế ?”)
Người ta đã phải giỗ em trước khi đưa em lên bắt tay ĐGH. Ngài đã đứng dậy, bước xuống nửa đường để ôm em vào lòng.
Hình ảnh một vị Giáo Hoàng cũng rưng rưng nước mắt và em Palomar chôn mặt mình vào lòng cuả Ngài đã lập tức được loan tải rộng rãi trên tất cả các hệ thống truyền thông. Nhiều tờ báo đánh giá đây là giây phút cảm động nhất cuả cuộc Tông Du.
Trong bài giảng, để đáp lời em Palomar, ĐTC đã dùng tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha, là một việc Ngài làm khi cần bày tỏ những tâm tình cá nhân, Ngài nói:
“Em ấy là người duy nhất đã hỏi một câu hỏi mà không ai có thể trả lời được. Và em ấy cũng đã không diễn tả hết được bằng lời lẽ nhưng đã bằng những giọt nước mắt.”
“Tại sao con trẻ có nhiều đau khổ như thế? Tại sao một đứa bé phải chịu đau khổ?” Ngài đặt lại câu hỏi.
“Chỉ khi nào mà một con tim không thể tìm được câu trả lời và bắt đầu khóc, lúc đó chúng ta mới có thể hiểu được,” Ngài nói.
Và ĐTC kêu gọi những người trẻ cần phải học cách để mà khóc.
“Cha mời gọi từng người trong chúng con ở đây hãy tự hỏi mình, rằng tôi đã học được cách khóc chưa, khóc như thế nào? Tôi đã học để mà khóc cho một ai đó bị bỏ rơi bên lề đường chưa? Tồi đã khóc cho một ai đó đang bị nghiện ngập chưa? Tôi đã khóc cho một ai đó bị lộng hành chưa?”
“Đây là điều trên hết mà Cha muốn nói với chúng con: Hãy học để khóc…hãy học, học thực sự để mà khóc, khóc cách nào,”
Ngay cả Chuá Giêsu cũng đã khóc.
ĐTC nhấn mạnh đến cách mà Chúa Giêsu đã phục vụ cho người dân của mình. Ngài đã không sử dụng lòng từ bi của thế gian, như là dừng lại một vài giây để ban phát tiền bạc hoặc những cuả cải vật chất. Nhưng, Đức Giáo Hoàng nói, Chúa Kitô đã dành trọn thời gian để lắng nghe và để thông cảm với người dân của mình.
“Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khóc,” Đức Giáo Hoàng nói. “Ngài đã khóc cho một người bạn vừa mới chết, Ngài đã khóc trong lòng cho một gia đình vừa mới mất đứa con, Ngài đã khóc khi nhìn thấy một bà goá nghèo đem chôn đứa con trai, Ngài đã rơi nước mắt, động lòng trắc ẩn, khi nhìn thấy đám đông không có ai chăn sóc. ”
Chỉ khi nào chúng ta học cách khóc với những ai đang đau khổ là chúng ta mới có thể bắt đầu hiểu họ và yêu thương họ, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích.
“Nếu các con không biết làm thế nào để khóc, các con không thể là người Kitô hữu tốt,” Ngài nhấn mạnh.
“Chúng ta hãy học cách khóc, như Glyzelle đã làm gương cho chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta đừng quên bài học này. “
Trần Mạnh Trác 1/18/2015

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...