Chào hỏi là cử chỉ đầu tiên khi hai người gặp gỡ nhau. Tùy theo cách thức chào hỏi mà người ta nhận ra mối tương quan giữa hai người, cũng như địa vị của họ. “Ave Maria – Kính chào Bà Maria” là lời chào của Sứ thần Gabrien trong ngày truyền tin. Lời chào ấy, vừa thể hiện sự kính trọng, vừa là lời tôn vinh các nhân đức của Đức Trinh nữ. Lời chào thân thương ấy đã trở thành lời kinh quen thuộc của người Công giáo chúng ta.
Thánh Luca là tác giả duy nhất ghi lại cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Sứ thần Gabrien và Đức Trinh nữ thành Nagiarét. Sự kiện này được chính Đức Maria kể lại cho tác giả như một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời mình. Gabrien là vị sứ thần được Chúa sai từ trời xuống chào kính Đức Trinh nữ và loan báo mầu nhiệm Nhập Thể. Đây thật là lời chào huyền diệu, hàm chứa những ý nghĩa sâu xa. Lời chào này không chỉ khởi đầu cho cuộc gặp gỡ giữa cá nhân, mà còn là khởi đầu của công cuộc Nhập thể cứu độ trần gian.
Trong Cựu ước, nhiều cuộc gặp gỡ giữa các thiên sứ (hay người của Thiên Chúa) với người phàm được ghi lại, như trường hợp của ông Abraham hay các ngôn sứ. Tuy vậy, không có một cuộc gặp gỡ nào được diễn tả với thể thức chào hỏi kính trọng, như lời chào của Sứ thần Gabrien. Lời chào của Sứ thần là lời chào của chính Thiên Chúa, Đấng sai Sứ thần đến gặp Đức Trinh nữ Maria. Sứ thần có sứ mạng chuyển tải một thông điệp, với nội dung như Đấng sai mình đã truyền dạy.
“Ave Maria”, đây là lời chào của Đấng sáng tạo ngỏ với thụ tạo của mình. Lời chào diễn tả sự khiêm nhường của Thiên Chúa. Vào thời ban đầu của lịch sử, Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ, trời đất và muôn vật muôn loài. Trong các loài thụ tạo, Chúa dựng nên con người và trao cho họ thay mặt Ngài làm chủ đất đai, canh tác vũ trụ. Một tác giả đã viết: “Khi sáng tạo, Thiên Chúa giống như nước thủy triều, khiêm nhường thu mình lại để nhường chỗ đất khô cho con người và các loài thụ tạo”. Nay, Ngài lại có sáng kiến cứu độ con người. Để thực hiện chương trình ấy, Thiên Chúa mời gọi sự cộng tác của một người phụ nữ đơn sơ khiêm hạ. Dường như Ngài chờ đợi sự đồng ý của Trinh nữ. Nếu Thiên Chúa hạ mình chào một thụ tạo, thì Trinh nữ thành Nagiarét cũng diễn tả sự khiêm nhường qua câu trả lời: “Này tôi là tôi tớ Chúa”. Đức Maria khiêm tốn ý thức mình chỉ là tôi tớ thấp hèn trước sự cao cả thánh thiện của Chúa. Nếu Mẹ nhận được những đặc ân cao cả, là do lòng thương xót của Chúa. Mẹ đã phó thác hoàn toàn theo ý Chúa, vì Mẹ xác tín rằng, những gì Chúa muốn đều tốt cho nhân loại và tốt cho những ai có liên quan. Khi suy ngắm mầu nhiệm thứ nhất của Mùa Vui, chúng ta xin cho được sự khiêm nhường, như sự khiêm nhường của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ trần gian. Chúng ta cũng cầu xin cho được noi gương Đức Trinh nữ, khiêm hạ trước mặt Chúa và sẵn sàng cộng tác với Ngài.
“Ave Maria”, lời chào đi liền với lời ca tụng nhân đức của Đức Trinh nữ Maria. Sứ thần đã ca tụng Mẹ là “Đấng đầy ơn phúc”. Đây không phải là một lời khen xã giao theo kiểu người đời. Đây cũng không phải là một lời khen tặng mà con người dành cho nhau, nhưng đây chính là lời của Thiên Chúa tôn vinh Đức Mẹ. “Đầy ơn phúc” là cách diễn tả một người toàn vẹn, thánh thiện, hoàn hảo, đầy đủ mọi đức tính tốt đẹp. Đức Mẹ có vẻ đẹp thể xác lẫn tâm hồn, vừa đẹp lòng Thiên Chúa vừa đẹp lòng con người. Vì Đức Mẹ không mắc tội tổ tông, nên Đức Mẹ tinh tuyền, như bà Evà trước khi phạm tội. Tâm hồn và thể xác Đức Mẹ phản ánh sự thánh thiện vẹn toàn của Thiên Chúa, nhờ vậy mà Mẹ được tôn vinh hơn hết mọi phụ nữ trên trần gian. Lời chào của Sứ thần cũng thường được dịch là “Hãy vui lên!”. Một người đầy ơn sủng sẽ luôn hân hoan vui mừng vì cảm nhận sâu sắc sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Thiên sứ mời gọi Đức Mẹ hãy vui lên, như tâm tình hân hoan vui mừng của nữ ngôn sứ Sophonia trong Cựu ước, bởi lẽ Thiên Chúa sẽ thực hiện những việc kỳ diệu trong lịch sử, để thể hiện quyền năng và tình thương của Ngài. Niềm vui tràn đầy của Đức Mẹ đã thể hiện qua kinh Magnificat sau đó. Niềm vui của Đức Trinh nữ là niềm vui toàn diện, cả linh hồn và thần trí.
“Ave Maria”, lời chào đánh dấu một giai đoạn mới trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tác giả thư Do Thái đã viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua các Tổ phụ và các ngôn sứ. Đến thời sau hết này, Ngài nói với chúng ta qua người Con” (Dt 1,1). Với lời thưa “Xin vâng” của Đức Trinh nữ, Ngôi Lời đã hóa thành xác thịt và cư ngụ giữa chúng ta. Đấng từ trời cao đã giáng thế. Thiên Chúa với con người đã nên một. Từ nay, Thiên Chúa không còn là Đấng cao xa vời vợi, nhưng Ngài đã mang lấy bản tính nhân loại và chọn trái đất là quê hương. Ngài cũng chọn con người là anh chị em, để cùng chia ngọt sẻ bùi trong cuộc đời dương thế.
Người tín hữu Công giáo lặp lại lời chào “Ave Maria” mỗi khi lần hạt Mân Côi. Lời chào này đã trở thành lời cầu nguyện thân thuộc, đi liền với tình suy niệm những biến cố quan trọng của cuộc đời Chúa Cứu Thế. Kinh Mân Côi giúp chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu và mở lòng đón nhận giáo huấn của Người. Hai mươi mầu nhiệm Mân Côi phác hoạ chân dung Đấng Cứu Thế, đồng thời giúp ta nhận ra chính thân phận và cuộc đời mình giữa những biến cố Vui, Sáng, Thương, Mừng đan xen với nhau.
“Ave Maria”, ước chi lời chào này luôn vang lên nơi môi miệng và tâm hồn chúng ta, lúc vui cũng như lúc buồn, khi hạnh phúc cũng như khi đau khổ, tuổi thanh xuân cũng như khi xế bóng, để xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta mọi giây phút của cuộc đời. Khi đọc kinh “Kính Mừng”, người tín hữu Công giáo thể hiện tâm tình phó thác cậy trông nơi lời cầu bầu của Đức Mẹ và kêu xin: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Đây là lời cầu nguyện của Công đồng Êphêsô vào năm 431, sau khi đã tuyên bố tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” như một tín điều.
“Ave Maria”, lời ca tụng hôm nay nơi trần thế, cũng là lời ca tụng giữa triều thần thánh trên thiên đàng, để rồi cùng với Đức Mẹ, chúng ta sẽ được hân hoan ca tụng Chúa muôn đời.
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét